Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

I - Nắng

Một ngày hè năm Tân Dậu 1441

Dẫu hương sen thanh ngát bung nở để xoa dịu cái không khí hầm hầm vì bị hun nóng do mấy ngày nắng đổ, Nguyễn Đức Trung cũng chẳng có tâm trạng nào mà hít hà cái thanh ngát ấy.Tay hết nắm lại buông, mồ hôi sau lưng rã như tắm, sốt ruột nhìn mấy đứa hầu tất bật ra vào phòng sinh, ngoài những âm thanh chỉ đạo của bà đỡ và tiếng vâng dạ của mấy đứa hầu, tuyệt lại không thấy có tiếng kêu la của phu nhân ông, người đang bước 1 chân vào cửa tử bây giờ.

"Đi lại ít thôi, mi(1) lượn là lượn lờ làm tau(2) váng hết cả đầu"

Nguyễn Công Duẩn đã tới tuổi lục tuần, cũng từng thấp thỏm lo lắng khi vợ mình sinh nở, nhưng trải nhiều rồi cũng thành lì, giờ những việc sinh nở như này cũng không làm cụ lo mấy, bà đỡ chưa hốt hoảng thì mình cũng cứ bình tĩnh, đã không giúp được thì thà ngồi im cho nhẹ nợ.

Chẳng buồn nhìn thằng con trai nãy giờ cứ hết đứng hết ngồi. Hớp miếng nước chè, ung dung dựa gối mà phe phẩy quạt, cụ Duẩn lại quan sát Đức Trung vừa ngồi xuống phản mà mắt vẫn không yên, nhìn chòng chọc vào phòng sinh rồi lại cong lưng vò tay không dừng.

" Thẳng cái lưng lên, con nhà võ mà gù lưng để người ta cười cho à. Có u mi trong đấy rồi, mấy đứa hầu cũng bảo là vợ mi không sao, làm cha mấy đứa con rồi mà cứ như cái thằng choai choai, có thế đã lo đứng lo ngồi."

" Cha...nãy giờ cứ, cứ im im thế này, sao con yên dạ được."

Nguyễn Đức Trung ngồi lại ngay ngắn, rót cho cụ Duẩn một chén trà rồi lại tự rót cho mình một chén.

"Con mời cha ạ."

Chờ cha mình nhấp ngụm chè đầu, Đức Trung mới ngửa cổ uống hết chén chè trong tay mình. Uống nước chè xong, dạ cũng hơi yên, ông thở dài một hơi. Cũng là lần thứ ba vợ ông sinh nở rồi chứ ít gì, thế mà lần nào cũng lo loạn cả lên. Từ hồi sinh xong đứa thứ ba, ông đã không muốn bà sinh thêm nữa, ba mụn con cũng coi như đủ đầy, nếp tẻ đủ cả, chỉ mong chúng nó lớn lên khỏe mạnh, sống đúng cái đức làm người là đủ. Thế mà cái lúc ông tưởng có thể yên tâm dưỡng dục con cái, bà nhà lại lén ấp thêm quả trứng, để chờ được con gà con này, không biết bao lần Đức Trung cầu khẩn trước bàn thờ, chỉ xin hai mẹ con bình an.

Tiếng hét thất thanh vang lên từ phòng sinh rồi im bặt, sau đó là tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh khiến Nguyễn Đức Trung giật mình, nếu không phải cụ Duẩn quát ông ngồi yên thì có lẽ ông đã xộc vào phòng sinh rồi.

Độ dập bã trầu, bà đỡ cùng cái hầu tên An chạy ra, trên tay bà đỡ là một cái bọc nhỏ xinh.

"Ui cha cha, cha mô đón con gái nào, mẹ tròn con vuông nhé, cha đón con để mẹ con nghỉ ngơi này."

Hai người đàn ông đứng phắt dậy, Đức Trung đón lấy đứa trẻ đỏ hỏn từ tay bà đỡ, bỏ ngoài tai lời xuýt xoa của bà đỡ và cái An, nhìn đứa trẻ còn phủ lớp gây mỏng, cuối cùng ông cũng có thể yên tâm. Bảo bà đỡ và An quay về lo cho vợ mình, ông nhìn đứa trẻ ngủ ngon lành trong vòng tay mình rồi khe khẽ vỗ về.

" Con gái ơi, ngoan ngoan. Sang ông nội bế con nhờ."

Đem con cho cụ Duẩn nhìn cháu, Nguyễn Đức Trung hạnh phúc không dứt được nụ cười.

" Ông xem cháu gái ông nào, con nhà ai mà trông ghét quá thể, sau này lại chết hết cái lũ trai làng ấy nhỉ."

Cụ Duẩn hí hửng ôm cháu gái vào lòng, cả cái thôn này có ai mà không biết nhà cụ dương thịnh âm suy, chỉ tính riêng chi của ông Trung thì cả dòng chính dòng lẽ đã bốn con giai mà chỉ có duy nhất một cô con gái, những chi khác cộng lại thì số cháu trai của cụ cũng phải gấp 4-5 lần số cháu gái. Đành là việc võ nghệ trọng nam, nhưng sống quá nửa đời người cụ Duẩn  lại thích được các cháu gái tíu tít tình cảm hơn là đám cháu trai dăm hôm lại phá vườn cảnh của cụ. Nay cụ lại có thêm đứa cháu gái, đúng là trời cho ngọc quý. Nguyễn Đức Trung đỡ cụ Duẩn  ngồi lên phản, ông đứng bên cạnh nhìn cô con gái mới sinh.

"Cha ạ, con định đặt tên cho cháu là Hà, con bé sinh đúng ngày sen nở, nhà mình lại có thêm một bông sen, cha thấy thế nào ạ?"

Cụ Duẩn  trầm ngâm, miệng lại thấy hơi nhạt. Hiểu ý cha mình, Nguyễn Đức Trung rót thêm một chén chè mời cụ, nước chè đắng để lại hậu vị chan chát, phóng mắt nhìn mấy bông sen mới nở đang đung đưa trong nắng sớm , trời mùa hè quang mây, ánh sáng của mặt trời thêm đậm trên những cánh hoa .

"Đã có một bông hoa là cái Liên rồi, thêm một bông...thì cũng được, nhưng mà thế thì hơi nhàm chán, nay trời quang, nắng đương dịu dàng ở ri, hay lấy tên là Huyên đi, Nguyễn Thị Ngọc Huyên. Cậu thấy sao?"

"Dạ, cha nói phải, nhà ta vừa có hoa vừa có nắng là quá hay ạ."

Nguyễn Đức Trung cảm tạ cha mình rồi ghé vào tai cô con gái nhỏ, thầm thì tên của bé, Ngọc Huyên  cũng cựa người như đáp lại cha mình làm cả ông và cụ Duẩn  phải bật cười thành tiếng.

Sau khi có Ngọc Huyên , u nàng chỉ sinh thêm 1 em trai nữa, nghiễm nhiên Huyên  trở thành viên ngọc quý của cả nhà. Cụ Duẩn  là người chiều chuộng cháu gái nhất, mỗi chuyến đi từ Đông Kinh trở về, phần quà của Ngọc Huyên  lúc nào cũng đẹp hơn, hoặc nhiều hơn những đứa cháu khác mấy món, cụ còn tự tay chỉ dạy cho bé mấy chiêu võ đơn giản để phòng thân. Cụ Ánh – vợ cụ, nhìn cô bé mắt đen môi hồng, gương mặt trắng trẻo sáng sủa lại càng yêu, khi Ngọc Huyên vừa dứt sữa, bà Ánh đã đón cô bé sang căn phòng ngay gần nhà chính để tiện chăm bẵm, dạy bảo, phải tới khi lên 10, mẹ nàng sang nói chuyện mãi, cụ Ánh mới chịu cho cháu gái yêu chuyển về khuê phòng riêng.

Ngọc Huyên lớn lên cũng không phụ sự kỳ vọng của cả nhà, học hành chăm chỉ, từ cầm kỳ thi họa, tới thi từ, cưỡi ngựa, bắn cung,... Ngọc Huyên đều dốc sức học. Nhiều khi sự cố gắng của Ngọc Huyên khiến cụ Duẩn hốt hoảng mấy phen khi thấy cháu ngủ gật vì đọc sách, hay mỗi khi đi học võ về lại thêm mấy vết sứt sẹo trên người, mấy lần nạt không muốn cho Ngọc Huyên đi học võ nữa, ai đời con gái con đứa lại cứ thích lao vào luyện cung kiếm, cụ có gần mười đứa cháu gái, đứa nào cũng chỉ luyện đi luyện lại mấy thế võ phòng thân, cưỡi ngựa bắn cung cũng chỉ coi là thú tiêu khiển, duy có đứa cháu cụ thương nhất thì lại lao đầu vào đòi học hết cái này tới cái kia, lúc cụ định không dạy nữa thì mếu máo giở đủ thứ văn vẻ cụ không nói lại được, đành phải dạy tiếp. Cụ Ánh mỗi lần nhìn hai ông cháu tỉ tê chuyện trò, lại phe phẩy quạt nói tính cái Ngọc Huyên  giống y tính cụ Duẩn, đã quyết làm cái gì thì chín trâu hai hổ cũng không kéo lại được.

Cụ Duẩn nghe thế thì chỉ liếc yêu vợ mình rồi lại quay ra tiếp chiêu cô cháu, bé Ngọc Huyên cười giòn tan, bá lấy vai ông nội đòi được ông cõng.

"Các cố bảo con gái giống cha thì giàu ba họ, cháu giống ông nội thì lại giàu tới mười họ luôn chứ ba họ thì tính làm chi, Huyên nhờ."

"Dạ."

Các trưởng bối đã cưng chiều, các anh chị lớn lại càng nhường nhịn yêu thương cô bé, anh cả Hữu Quảng và chị Liên là một cặp song sinh, hai người luôn bảo bọc lo lắng cho bé, từ khi Ngọc Huyên  còn ở trong bụng mẹ đã thường xuyên mua rất nhiều trang sức, váy áo đẹp dành tặng em, anh trai thứ hai là Hữu Vĩnh, hơn bé 3 tuổi, là người hợp tính bé nhất, những trò quậy phá nghịch ngợm hai đứa bắt tay nhau làm chưa bao giờ là thất bại, Vĩnh bày trò thì Ngọc Huyên  hưởng ứng và ngược lại.

Ngọc Huyên là cô gái được lớn lên trong sự yêu chiều và bảo bọc của cả nhà, là viên ngọc quý mà cụ Duẩn, cụ Ánh thương nhất.

_______________Mậu Thìn (1448)______________

Ngọc Huyên trải chiếu ngồi chơi ở thủy tạ giữa hồ hoa súng sau nhà, nhàn nhã gác tay lên gối tựa, ngón tay lật qua lật lại mấy trang sách. Tiết trời giao mùa này ngoại trừ cái sự ẩm ương quái gở thì có mấy ngày như này cũng hay, gió hơi hanh hanh lạnh thổi nhẹ, nắng cũng dịu dàng, hoa súng lại vừa lúc bung nở thơm thơm, Ngọc Huyên thích nhất cái tiết trờithế này, khi cái lạnh nhẹ nhàng mà chỉ cần mặc thêm một lớp áo đối khâm là đủ ấm, thêm ấm chè vừa đủ ngấm nữa thì không còn gì hơn. Hít hà một hơi, Ngọc Huyên  đưa tay day huyệt thái dương, đúng điên thật, rõ là sinh đủ tháng đủ ngày mà cứ giao mùa là lại ốm.

"Anh còn tưởng mấy nay mi ốm đau thế nào, hóa ra là lại trốn ra đây nằm chơi." Giọng nói của Hữu Vĩnh cất lên từ phía sau, cậu nhóc vẫn còn mặc nguyên đồ tập võ, trên tay còn có một gói giấy nhỏ.

"Làm ún còn tưởng ai, hoá ra là con khỉ trèo tường nhà cố Mẫn vì mấy quả khế."

"Hừ, anh mi lo cho mi nên mới đi thăm, mi thì giỏi rồi, uy hiếp cả anh tê à "

Hữu Vĩnh ngồi chồm hổm xuống chiếu, lén ném gói giấy nhỏ vào tay Ngọc Huyên, mắt còn không quên dao dác nhìn xung quanh xem có ai bắt quả tang không, Ngọc Huyên nhanh nhẹn giấu gói giấy vào trong tay áo, lén nắn nắn thử, mềm mềm, hình như có cuốn lá bên ngoài, chắc chắn là nem chua rồi, ít ra còn có tý lương tâm, không như bà Tí, mới rụng mấy cái răng mà bà đã cấm Ngọc Huyên ăn đồ ngọt với nem chua rồi.

"Mấy nay mẹ bảo mi ốm nặng lắm mà, răng không ở trong phòng, ra đây làm chi gió thổi lại ốm thêm."

Vĩnh ngồi xếp bằng, mở nắp ấm chè, thấy nước đã vơi bèn lấy cái tích(4) trong giành (5) ủ ra châm thêm nước, rồi tự thưởng thức một chèn chè thơm.

"Ún anh mà còn ở trong phòng thì độ tuần nữa là phát điên mất thôi. Văn chưa tới tầm, võ chưa đủ chín mà bị điên thì nhục lắm, phải ra ngoài hít thở chớ."

"Cuối năm là cha được nghỉ phép về đấy, cha bảo lần này đưa anh với anh Quảng lên Đông Kinh học cùng với mấy người trên đó."

"Đông Kinh ấy ạ. Nhưng anh cha định cho anh học mô ở đấy?"

"Cũng chưa biết được, trong thư cha chỉ bảo có thế, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, coi như lên đó kết giao thêm với người kinh đô cho khôn ra."

"Ài... Chẳng có gì mới cả, chắc chs muốn anh làm quân ngự tiền giống cha." Ngọc Huyên không để ý, nhón trong ống tay áo một miếng ô mai bỏ vào miệng.

"Ai mà biết được, cha bảo sao thì anh mi biết thế. Anh không đoán ý cha được." Hữu Vĩnh nhún vai.

"Mà Đông Kinh có gì hay nhỉ, ún cũng muốn đi." Nghĩ tới Đông Kinh trong lời kể của cha mẹ, nơi đó nhộn nhịp thế nào, xinh đẹp ra sao, quả thật Ngọc Huyên  cũng muốn thử lên Đông Kinh một lần.

"Này, ở Đông Kinh có nhiều con cháu quan lại, gia cảnh cũng không phải tầm thường, hay để anh lên đó xem thằng nào vừa mắt thì bắt về cho mi."

Hữu Vĩnh nghịch vạt áo giao lĩnh, nháy mắt với Ngọc Huyên.

"Anh hết việc làm à, xem mà đọc thêm nhiều sách thánh hiền đi, đừng có để lên Đông Kinh rồi làm mất mặt họ Nguyễn Gia Miêu."

"Hừ, bà cụ non suốt ngày lải nhải, bảo sao cứ sún mãi." Hữu Vĩnh cả giận, quay ngoắt đi chơi không thèm quan tâm em gái nữa. Gì chứ, Hữu Vĩnh giỏi nhất là vung quyền luyện kiếm, văn thơ với Vĩnh là cái gì đó quá mơ hồ, phải dồn hết sức lực mới vượt qua được nên cứ nghe tới đọc sách thánh hiền là Hữu Vĩnh lại tìm cách tảng lờ đi.

"Anh thì khác ún chắc, anh còn 2 cái răng chưa mọc đấy." Ngọc Huyên cũng không chịu thua, nói với từ đằng sau.

Giữa tháng chạp, Mậu Thìn (1448)

Nguyễn Đức Trung xin được phép về nhà ăn tết, lần này về không chỉ để lo việc lên kinh học cho Hữu Quảng, Hữu Vĩnh, mà còn là việc cưới hỏi cho cái Liên – con gái lớn trong nhà.

Ngày giết lợn gói bánh trưng chuẩn bị cho Tết, Đức Trung ngồi cùng 2 cụ thân sinh, nhìn đám con cháu và người làm tất bật chạy đôn đáo. Đám nam đinh thân trên để trần tất tả khiêng nào là củi, gạo, lợn, nồi cả,... nữ quyến trong nhà cũng bận bịu với bếp núc, lau lá, vo gạo, rửa lòng lợn,...

"Đấy, anh Trung thấy thế nào?" Cụ Duẩn vừa nói về mấy nhà có ý kết thông gia với nhà mình, quay sang lại thấy con trai mình cứ lơ đãng đi đâu liền gõ bốp một phát vào đầu ông bằng cái quạt mo cau của cụ.

"Ôi, con nghe theo ý cha mẹ hết ạ, con đi suốt, có ở nhà mô sao biết thế nào mà quyết ạ."

"Hừ, cậu cứ ở đấy mà không biết, đầu thì sắp hai thứ tóc, mấy nữa còn cái Du, cái Huyên đấy."

"Đầu con có thêm mấy màu tóc thì con vẫn là con cha mà. Con biết cha thương các cháu nên kiểu gì cũng sẽ chọn lựa kỹ càng, mấy người cha bảo với con kiểu gì chả lọt mắt xanh cha rồi, con tất nhiên là mười phần yên tâm cả mười ạ."

Trong hơi chè lượn lờ, cuộc bàn luận của hai người đàn ông lại quay về những chuyện đã xảy ra ở Đông Kinh. Thái hậu ban hôn Vệ Quốc Trưởng công chúa cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ, riêng việc này thôi cũng dấy lên mấy hồi xôn xao ở kinh thành, làm cho người Đông Kinh gần cuối năm rồi mà lại có thêm chuyện mà lai rai hạt dưa, hạt bí. Cũng may sao, cụ Duẩn  đã cáo lão hồi hương được mấy năm, hiện tại thì mấy sự đau đầu này cũng chẳng liên can gì tới cụ, đứng ngoài nhìn mấy lão kia chó cắn chó thì kể cũng hay.

Ngẫm lại thì cũng phải thôi, ấu chúa chưa vững chân, thái hậu lại không có bên ngoại chống lưng, cô nhi quả phụ mà muốn đấu lại được mấy ông quan lõi đời cũng không phải chuyện dễ dàng gì, gả công chúa đi cũng chỉ là tất lẽ dĩ ngẫu. Ở cái chốn ăn thịt người không nhả xương đấy, không có phe cánh thì chẳng khác nào miếng mồi thơm cho những kẻ còn lại, thế mà thái hậu vẫn bảo vệ quan gia an toàn trước bao sóng gió suốt ngần ấy năm thì thái hậu cũng không phải dạng nhi nữ tầm thường. Phải cơ trí, nhẫn nhịn tới mức nào thì mới tồn tại được ở chốn đó. Cuối cùng, khổ nhất vẫn là Vệ Quốc công chúa, một đứa trẻ mới 10 tuổi, lại bị câm, chỉ có thể bất lực nghe theo sắp xếp của người khác, tương lai sau này có khác nào ngắm hoa trong sương.

Nghĩ tới mấy cô con gái nhà mình, thôi thôi, nuôi dạy chúng nó giỏi giang, sau này tự dựa bản thân là tốt nhất, gả cho người nào đáng tin, có thể giúp đỡ nhà chồng phất lên thì là phúc, không thì cứ sống 1 đời yên ấm là được rồi, còn cái chốn thâm cung hay hoàng gia ấy thì thôi, bài học từ hai em gái ông là quá đủ rồi. Sau cái Liên là những đứa khác, chỉ mong là mấy cô con gái này cũng sẽ được yên ấm.

"Đợt này mi cho cả cái Huyên lên Đông Kinh hở?"

"Dạ, cháu nó cũng tới tuổi ăn học, mà chuyện ni là Huyên tự xin con, muốn được cùng lên Đông Kinh với các anh, con cũng không nỡ từ chối con bé."

"Hừ, anh lại tưởng tôi không biết ý anh đấy, anh lại chả muốn đưa vợ anh lên Đông Kinh cùng chớ gì."

"Kìa cha."

Quệt ít vôi vào miếng trầu têm cánh phượng, cụ Duẩn trầm ngâm. "Nếu đã đưa cái Huyên lên trển thì đưa cả cái Du theo đi, chị em một nhà với nhau, đừng để bị hơn thiệt."

"Dạ, con xin nghe cha ạ."


_________________________________

(1)(2)(3) mi= mày, tau=tao, ún=em (phương ngữ Thanh Hóa)
(4) Tích: Ấm nước to, hình trụ tròn, các cụ ngày xưa hay dùng để đựng nước lá,
(5) Giành: đồ đan bằng tre, mây, trong có lót vải, nỉ để giữ ấm nước.

P/s: Phần phương ngữ Thanh Hóa nếu có bạn nào là con dân Thanh Hóa thấy mình sai thì sửa giúp mình với nhé. Mình muốn làm rõ sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam, nhất là sự đặc trung qua tiếng nói của từng vùng nên có nghiên cứu qua, nhưng bản thân không phải người Thanh Hóa nên chắc chắn sẽ bị sai sót, mong là mọi người sẽ góp ý

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro