PHẦN BỐN: CHỦ NGHĨA KHẮC KỶTRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI
19. Sự suy tàn của chủ nghĩa Khắc kỷ
Marcus Aurelius là một triết gia khắc kỷ và đồng thời cũng là
Hoàng đế La Mã, người đàn ông quyền lực nhất thế giới phương
Tây. Sự kết hợp này của triết học và chính trị có thể mang lại nhiều
lợi ích cho chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng như chúng ta đã thấy, ông
không tìm cách cải đạo, thay đổi người dân La Mã đi theo triết học.
Vì thế, Marcus trở thành, theo lời của nhà sử học thế kỷ 19 W. E. H.
Lecky, "đại diện cuối cùng và hoàn hảo nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ
La Mã". Sau cái chết của ông, chủ nghĩa Khắc kỷ rơi vào cuộc
khủng hoảng mà từ đó đến giờ nó vẫn chưa hồi phục.
Cũng như với bất cứ hiện tượng xã hội phức tạp nào, có nhiều
yếu tố đằng sau sự suy tàn này. Chẳng hạn, Lecky (tôi được biết
quan điểm của ông không còn được ủng hộ nữa) cho rằng tình trạng
tham nhũng và suy đồi ngày càng gia tăng ở xã hội La Mã khiến cho
chủ nghĩa Khắc kỷ - như chúng ta thấy, vốn đòi hỏi khả năng kiểm
soát bản thân rất lớn - trở nên kém hấp dẫn với người dân La Mã.
Nhà cổ điển M. L. Clarke đưa ra một lời giải thích khác: theo ông,
chủ nghĩa Khắc kỷ suy tàn một phần vì thiếu những giáo viên dạy
chủ nghĩa Khắc kỷ cuốn hút sau cái chết của Epictetus. Người có
thể mô tả mạch lạc các nguyên tắc của một thứ triết lý không thiếu,
nhưng một trong những điều tạo nên sức sống của chủ nghĩa Khắc
kỷ lại nằm ở những giảng viên của nó. Ví dụ như Musonius và
Epictetus, bên cạnh việc có thể giải thích rõ ràng về chủ nghĩa Khắc
kỷ, họ còn là hiện thân của học thuyết này. Họ là bằng chứng sống
cho thấy việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Khi chủ nghĩa Khắc kỷ được dạy bởi người phàm, những học sinh
tiềm năng sẽ rất khó mà bị cuốn theo nó.
Chủ nghĩa Khắc kỷ cũng bị suy yếu bởi sự trỗi dậy của Ki-tô giáo,
một phần vì những tuyên bố của Ki-tô giáo cũng giống với chủ nghĩa
Khắc kỷ. Chẳng hạn, các nhà Khắc kỷ nói rằng các vị Thần đã tạo ra
loài người, quan tâm đến hạnh phúc của con người và ban cho anh
ta một phẩm chất thần thánh (khả năng suy luận); Ki-tô giáo tuyên
bố rằng Chúa tạo ra loài người, quan tâm đến anh ta theo một cách
rất riêng, và ban cho anh ta một yếu tố thiêng liêng (một linh hồn).
Cả chủ nghĩa Khắc kỷ và Ki-tô giáo đều bắt buộc con người vượt
qua những ham muốn không lành mạnh và theo đuổi đức hạnh. Và
lời khuyên của Marcus rằng chúng ta phải "yêu thương nhân loại"
chắc chắn đã được nhắc tới trong Ki-tô giáo.
Bởi vì những điểm tương đồng này, các nhà Khắc kỷ và các tín
đồ đạo Ki-tô lâm vào cảnh ganh đua nhau để thu hút các môn đồ
tiềm năng. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh này, Ki-tô giáo có một
lợi thế lớn hơn so với chủ nghĩa Khắc kỷ: Nó hứa hẹn không chỉ một
cuộc sống sau khi chết mà còn là một thế giới bên kia nơi con người
sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Mặt khác, các nhà Khắc kỷ cho rằng có
thể có kiếp sau nhưng không chắc chắn về điều đó, và nếu quả thực
có cuộc sống sau khi chết thì các triết gia Khắc kỷ cũng không chắc
nó sẽ trông như thế nào.
Kể từ sau cái chết của Marcus, chủ nghĩa Khắc kỷ dần trở nên
mờ nhạt, chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện le lói trở lại. Chẳng hạn, vào
thế kỷ XVII, René Descartes thổ lộ khuynh hướng Khắc kỷ của ông
trong Discourse on Method (Bài giảng về Phương pháp). Có lúc ông
mô tả về các câu châm ngôn rằng, nếu tuân theo chúng, ông sẽ
được sống hạnh phúc nhất có thể. Câu thứ ba trong số các câu
châm ngôn đó có thể được lấy từ câu của Epictetus: "Luôn luôn tìm
cách chiến thắng bản thân tôi thay vì chiến thắng số phận, luôn tìm
cách thay đổi những ham muốn của tôi thay vì thiết lập trật tự, và đại
thể thì tin rằng chẳng có thứ gì hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát
của chúng ta ngoại trừ những ý nghĩ của ta, bởi thế, sau khi chúng
ta đã cố gắng hết sức để thay đổi các vấn đề bên ngoài, những gì
còn phải làm là hoàn toàn bất khả thi, ít nhất là ở mức độ chúng ta
quan ngại." (Nhân thể, hãy lưu ý rằng nội tại hóa mục tiêu trong lời
khuyên của Descartes mang hàm ý là làm hết sức mình).
Vào thế kỷ 19, ảnh hưởng của phái Khắc kỷ có thể được tìm thấy
ở các tác phẩm của triết gia người Đức Arthur Schopenhauer; các
bài tiểu luận của ông Wisdom of Life (Trí tuệ cuộc sống) và Counsels
and Maxims (Khuyên nhủ và phương châm), dù không thể hiện rõ
ràng khuynh hướng Khắc kỷ, nhưng mang màu sắc Khắc kỷ rõ rệt.
Đồng thời, băng qua Đại Tây Dương, ảnh hưởng của chủ nghĩa
Khắc kỷ có thể được tìm thấy trong các tác phẩm của các triết gia
trường phái siêu nghiệm New England. Ví dụ, Henry David Thoreau,
dù không trực tiếp đề cập đến chủ nghĩa Khắc kỷ hay bất kỳ triết gia
Khắc kỷ vĩ đại nào trong kiệt tác Walden của ông, nhưng với những
người biết mình cần tìm kiếm thứ gì, ảnh hưởng của phái Khắc kỷ
vẫn luôn hiện diện. Thoreau rất thẳng thắn trong Journal. Chẳng
hạn, ông viết thế này "Triết gia Khắc kỷ Zeno cũng hoàn toàn ở trong
mối tương quan với thế giới giống như tôi lúc này vậy."
Giống như các nhà Khắc kỷ, Thoreau cũng quan tâm đến việc
phát triển một triết lý sống. Theo học giả nghiên cứu về Thoreau,
Robert D. Richardson, "Ông lúc nào cũng đau đáu một câu hỏi thực
tế, làm thế nào tôi có thể sống tốt nhất cuộc sống hằng ngày của
mình?" và cuộc đời ông có thể được xem như, Richardson cho hay,
"một nỗ lực liên tục để tìm ra ý nghĩa thực tế cụ thể của tư tưởng
Khắc kỷ mà những quy luật chi phối thiên nhiên cũng chi phối cả con
người nữa." Thoreau đến đầm Walden để thực hiện thử nghiệm kéo
dài hai năm nổi tiếng của ông về lối sống tối giản, chủ yếu để ông có
thể trau chuốt triết lý sống của mình và bằng cách ấy tránh sống lầm
lỗi: ông nói với chúng ta, động cơ chính của ông khi chuyển đến
sống ở Walden là vì ông sợ rơi vào tình huống "khi sắp chết tôi mới
nhận ra mình chưa từng sống."
Một số bạn hữu và hàng xóm của ông, có thể hoặc không nhận ra
ông bị cuốn hút theo chủ nghĩa Khắc kỷ, đã buộc tội Thoreau là kẻ
vô cảm - tức là người không cảm xúc và khắc nghiệt. Richardson
cho rằng những cáo buộc này là thiếu cơ sở. Dù những người xung
quanh ông chưa thấy rõ, Thoreau dường như đã trải nghiệm được
thứ niềm vui mà các nhà Khắc kỷ truy cầu. Do đó, chúng ta thấy
Thoreau tuyên bố rằng "chắc chắn niềm vui là trạng thái của cuộc
sống." Còn cuốn Journal của Thoreau, Richardson nhận xét, "chứa
đầy những bình luận phản ánh sự thích thú, niềm khao khát trải
nghiệm, sự nhạy bén của các giác quan của ông ấy, niềm vui tột
đỉnh vì còn được sống."
Trong suốt thế kỷ 20, chủ nghĩa Khắc kỷ là một học thuyết bị lãng
quên. Thật vậy, theo triết gia Martha Nussbaum, các nhà triết học
thế kỷ 20, ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, ít dùng đến triết lý Khắc kỷ và
những triết lý Hy Lạp khác - có thể là chủ nghĩa Khoái lạc và chủ
nghĩa Yếm thế - hơn "hầu hết các triết học ở phương Tây kể từ thế
kỷ thứ tư TCN". Đến đầu thiên niên kỷ, đối với đa số mọi người, chủ
nghĩa Khắc kỷ là một thứ triết lý sống không có triển vọng gì. Bởi
một lẽ, họ thấy không cần thiết phải sống theo một triết lý. Và những
người đã giác ngộ đang kiếm tìm một triết lý sống hiếm khi nào xem
chủ nghĩa Khắc kỷ là một ứng viên khả thi. Họ tin chắc rằng mình
biết chủ nghĩa Khắc kỷ là gì: Một học thuyết mà môn đồ của nó toàn
là những kẻ buồn tẻ, khắc nghiệt và vô cảm. Có điên mới tham gia
vào một nhóm như thế.
Nếu cuốn sách này đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, bạn đọc sẽ
nhận ra mình đã hiểu sai một cách tai hại đặc điểm này của chủ
nghĩa Khắc kỷ. Các nhà Khắc kỷ không hề vô cảm, khắc nghiệt!
Cũng như cuộc sống của họ không hề u ám, sầu thảm! Quả thực, họ
có nhiều khả năng trải nghiệm niềm vui hơn đa số người bình
thưởng.
Tuy nhiên, nhận thức này hiếm khi đủ để vượt qua mối ác cảm
của nhiều người đối với chủ nghĩa Khắc kỷ. Ngay cả khi họ công
nhận rằng các nhà Khắc kỷ là những người đầy đủ chức năng, có
khả năng tận hưởng niềm vui và xứng đáng nhận được sự ngưỡng
mộ của chúng ta, họ vẫn giữ một thái độ ác cảm nhất định đối với
học thuyết này. Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài nguyên
do khiến con người hiện đại giữ thái độ ác cảm đối với chủ nghĩa
Khắc kỷ, bắt đầu với lập luận rằng nếu tâm lý học hiện đại là đúng,
chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý sống bị nhiều người hiểu sai.
Các nhà Khắc kỷ có nhiều hiểu biết sâu sắc quan trọng về tâm lý
học. Chẳng hạn, họ nhận ra rằng thứ khiến cho những lời lăng mạ
gây đau đớn cho ta là do cách chúng ta diễn giải chúng hơn là nằm
ở bản thân lời lăng mạ. Họ cũng nhận ra bằng cách dấn thân vào
tưởng tượng tiêu cực, chúng ta có thể làm cho bản thân trở nên
hạnh phúc với những thứ mà ta đã có và nhờ thế chống lại khuynh
hướng tham lam vô độ, không bao giờ thỏa mãn của chúng ta.
Những người chống chủ nghĩa Khắc kỷ có thể thừa nhận rằng đó
là những tuệ giác quan trọng, nhưng tiếp tục chỉ ra rất nhiều điều đã
xảy ra trong hai thiên niên kỷ kể từ khi các triết gia Khắc kỷ La Mã
suy ngẫm về tâm lý con người. Đặc biệt, thế kỷ 20 đã chứng kiến sự
chuyển đổi của tâm lý học thành một ngành học hợp thức. Những
người chống chủ nghĩa Khắc kỷ có thể bổ sung thêm rằng một trong
những khám phá tâm lý quan trọng nhất trong hàng trăm năm qua là
nhận ra mối nguy hiểm mà chúng ta đang gây ra cho mình nếu
chúng ta cố gắng chế ngự cảm xúc, giống như cách làm của các
nhà Khắc kỷ. Thật vậy, quan điểm đồng thuận ở các nhà trị liệu tâm
lý là chúng ta nên giữ liên lạc với các cảm xúc của mình: Thay vì tìm
cách phủ nhận sự tồn tại của chúng, ta nên suy ngẫm về chúng, và
thay vì cố gắng kiềm chế chúng, ta nên xả ra. Và nếu ta thấy mình bị
những cảm xúc tiêu cực quấy rầy, ta không nên cố gắng tự mình xử
lý chúng mà hãy chia sẻ với một nhà tham vấn tâm lý, bởi vì công
việc của họ là thấu hiểu cách tâm trí con người hoạt động.
Để minh họa, ta hãy xem xét về nỗi đau thương. Tâm lý học hiện
đại đã chỉ ra (những người chống chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ giải thích)
rằng đau thương là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên trước một
thảm kịch cá nhân. Một người đang đau buồn nên trút nỗi đau của
anh ta ra ngoài chứ không nên kìm nén. Nếu anh ta cảm thấy muốn
khóc thì anh ta nên khóc. Anh ta nên chia sẻ cảm xúc với bạn bè và
người thân và có lẽ nên tìm sự trợ giúp của một chuyên gia tham
vấn về nỗi đau, người định kỳ sẽ gặp anh ta, nói chuyện với anh ta
về nỗi đau và giúp anh ta vượt qua nó. Nhưng nếu anh ta làm theo
lời khuyên của các triết gia Khắc kỷ và cố gắng đè nén nỗi đau của
mình, anh ta có thể tránh được nỗi đau buồn trong ngắn hạn, nhưng
anh ta đang tự đưa mình vào tình trạng suy nhược của "nỗi đau bị trì
hoãn" nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau đó.
Chắc chắn đúng là một số người, trong một số trường hợp nào
đó, có thể được hưởng nhiều lợi ích từ tham vấn đau buồn. Tuy
nhiên quan điểm đồng thuận giữa các nhà tâm lý học là gần như tất
cả mọi người đều thu được lợi ích, và niềm tin này đã làm thay đổi
cách mà các nhà chức trách ứng phó với các thảm họa tự nhiên và
nhân tạo. Ngày nay, sau khi làm xong những gì cần thiết để cứu
sống các nạn nhân, nhà chức trách sẽ nhanh chóng gọi cho các
chuyên gia tham vấn về đau thương để giúp đỡ những nạn nhân
sống sót sau thảm họa, những người mất người thân trong thảm
họa và những người chứng kiến. Chẳng hạn, khi tòa nhà liên bang
Alfred P. Murrah ở thành phố Oklahoma bị đánh bom khủng bố năm
1995, giết chết 168 người, một nhóm các chuyên gia tham vấn đau
buồn đã đến thành phố để giúp người ta vượt qua nỗi đau. Tương
tự vậy, vào năm 1999, khi ba chục người bị bắn bởi hai học sinh
hung hãn ở trường trung học Columbine ở Litleton, Colorado, một
nhóm các nhà tham vấn đau buồn được cử đến để giúp những học
sinh sống sót, cha mẹ họ và các thành viên của cộng đồng ứng phó
với đau thương.
Chúng ta học hỏi được nhiều khi đối chiếu những cách ứng phó
với thảm họa này với biện pháp mà nhà chức trách ứng phó với
thảm họa vào giữa thế kỷ 20. Chẳng hạn, khi một trận lở đất của
chất thải từ mỏ than chôn vùi một trường làng ở Aberfan, South
Wales, năm 1966, cha mẹ của 116 đứa trẻ bị chết đã phải tự mình
đương đầu với nỗi đau thương của họ. Kết quả là nhiều người trong
số họ đơn giản là chịu đựng bi kịch này, theo cách nói của người
Anh là, tỏ ra mạnh mẽ và giữ kín tâm tư. Vào cuối thế kỷ này, ta khó
mà tìm thấy một nhà trị liệu tâm lý nào lại đi khuyên hãy che giấu
cảm xúc và tỏ ra mạnh mẽ như một cách phản ứng thích hợp trước
thảm kịch.
Để đáp lại lời phê phán nhắm vào tâm lý học Khắc kỷ này, tôi xin
nhắc các bạn độc giả rằng mặc dù trái ngược với tư tưởng đang
thịnh hành, các nhà Khắc kỷ không hề ủng hộ chúng ta "chôn chặt"
cảm xúc của mình. Họ khuyên chúng ta thực hiện các biện pháp để
ngăn ngừa các cảm xúc tiêu cực và vượt qua chúng khi nỗ lực ngăn
ngừa chúng của chúng ta thất bại, nhưng điều này khác hẳn với việc
chôn chặt cảm xúc: Nếu chúng ta ngăn ngừa hay vượt qua một cảm
xúc, thì trong ta chẳng còn cảm xúc nào nữa để mà chôn giấu.
Cụ thể, giả sử một người Khắc kỷ thấy mình đang khóc than
trước sự ra đi của một người thân yêu. Ta cần lưu ý rằng, người
Khắc kỷ này sẽ không phản ứng lại bằng cách cố gắng bóp nghẹt
nỗi đau trong lòng anh ta - chẳng hạn, bằng cách vờ rằng anh ta
không thấy đau buồn hoặc bằng cách nhăn mặt để không rơi lệ.
Thay vào đó anh ta sẽ nhớ lại lời nhận xét của Seneca với Polybius
rằng khi con người trải qua những thảm kịch cá nhân, cảm thấy đau
thương là điều vô cùng tự nhiên. Tuy nhiên, sau cơn suy sụp này,
một người Khắc kỷ sẽ cố gắng xua đi những nỗi đau còn sót lại
trong anh ta bằng cách tìm kiếm một lời giải thích hoặc giải pháp
cho nó. Cụ thể, anh ta sẽ viện dẫn những lập luận mà Seneca sử
dụng trong lời an ủi của ông ấy: "Đây có phải là điều mà người đã
khuất muốn tôi làm không? Tất nhiên là không! Cô ấy sẽ mong cho
tôi được hạnh phúc! Cách tốt nhất để tưởng nhớ cô ấy đó là thôi
buồn đau và đứng lên sống tiếp."
Bởi thương tiếc là thứ cảm xúc tiêu cực, nên người Khắc kỳ
chống lại nó. Đồng thời, họ cũng hiểu rằng vì chúng ta là người
phàm tục nên một số nỗi đau buồn là không thể tránh khỏi trong
cuộc đời, cũng như dăm ba nỗi sợ, một vài nỗi lo, đôi ba cơn giận,
ghét bỏ, nhục nhã và ganh tỵ. Mục tiêu của người Khắc kỷ do đó
không phải là xóa sạch buồn đau mà là giảm thiểu nó.
Đến đây, một người chống chủ nghĩa Khắc kỷ có thể cho rằng
mục tiêu giảm bớt nỗi đau, dù ít sai hơn mục tiêu đè nén nó, nhưng
vẫn sai lầm. Theo các chuyên gia tham vấn tâm lý, chúng ta nên
vượt qua nỗi đau của mình. Đúng là cố gắng tìm kiếm một lời giải
thích hay giải pháp để thoát khỏi nỗi đau buồn là một cách để vượt
qua nó, nhưng có một cách tốt hơn là thử suy ra từ chính bản thân
ta đủ loại hành vi liên quan đến nỗi đau buồn; chẳng hạn, chúng ta
có thể cố gắng khóc một trận đã đời mặc dù ta không cảm thấy
muốn khóc. Chúng ta cũng có thể cố gắng tâm sự với người khác về
nỗi đau của ta, mặc dù ta vốn không quen với kiểu chia sẻ cảm xúc
này. Quan trọng nhất, nếu nỗi đau của chúng ta quá lớn, chúng ta sẽ
tìm kiếm sự hỗ trợ của một nhà tham vấn nỗi buồn đau để giúp
chúng ta trong quá trình vượt qua nó.
Để đáp lại điều này, tôi sẽ thách thức tư tưởng tâm lý hiện tại về
cách thức tốt nhất để ứng phó với các cảm xúc của chúng ta. Cụ
thể, tôi sẽ chất vấn lời tuyên bố của nhiều nhà trị liệu tâm lý rằng con
người không được trang bị tốt để tự mình ứng phó với nỗi đau buồn
của họ. Tôi cho rằng con người không mong manh dễ vỡ, mà thực
tế tinh thần họ kiên cường hơn các nhà trị liệu tưởng.
Để hiểu lý do tại sao tôi nói điều này, chúng ta hãy hướng sự chú
ý đến thảm họa Aberfan. Những bậc cha mẹ có con bị chôn sống
trong trận lở đất ở Aberfan trải qua một thảm kịch cá nhân đau xót
mà không hề nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia sau đó. Theo
quan điểm đồng thuận của các tâm lý gia ngày nay, không nhận
được sự tham vấn tâm lý lẽ ra nên biến những bậc cha mẹ đó thành
người dễ suy sụp tinh thần. Nhưng sự thật là tự họ đã có cách ứng
phó phi thường trước thương đau. Nói cách khác, kỹ thuật che giấu
nỗi buồn/tỏ vẻ mạnh mẽ dường như đã giúp họ rất nhiều.
Thêm một ví dụ khác về những hậu quả khi tự mình đối phó với
những cảm xúc tiêu cực, hãy xem xét tình cảnh khốn khổ của người
dân Anh trong Thế chiến thứ hai. Khi chiến tranh nổ ra, các nhà tâm
lý lo ngại rằng các bệnh viện tâm thần sẽ quá tải những thường dân
không có khả năng đương đầu với sự khủng khiếp của chiến tranh.
Nhưng hóa ra người Anh thừa khả năng tự lo liệu cho mình, về mặt
tâm lý mà nói: Không có sự thay đổi về tỷ lệ mắc bệnh tâm thần. Khi
thiếu các nhà tham vấn đau thương chuyên nghiệp, người dân Anh
không còn lựa chọn nào khác ngoài tự mình đương đầu với gian
nan thử thách bằng tinh thần Khắc kỷ, và đối với họ, tự trị liệu cho
mình bằng chủ nghĩa Khắc kỷ đã chứng tỏ là mang lại thành công
lớn.
Đã đủ tệ rồi nếu như tham vấn về nỗi đau buồn không đạt hiệu
quả. Nhưng trong một số trường hợp, việc tham vấn kiểu như vậy
có vẻ như chỉ tăng cường và kéo dài nỗi sầu khổ của con người; nói
cách khác, nó chỉ làm tình hình tệ đi. Một nghiên cứu về tính hiệu
quả của tham vấn đau buồn đã kiểm tra các bậc cha mẹ có con chết
vì Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Nó so sánh những bậc cha mẹ cố
gắng vượt qua mất mát của họ, theo các nguyên tắc của phương
pháp trị liệu nỗi đau, với các bậc cha mẹ không làm theo liệu pháp
này. Ba tuần sau cái chết của con họ, các bậc cha mẹ trong nhóm
đầu tiên đã trải qua nhiều đau khổ hơn so với cha mẹ trong nhóm
thứ hai, và thậm chí sau mười tám tháng, các bậc cha mẹ trong
nhóm đầu tiên còn tệ hơn các bậc cha mẹ trong nhóm hai, về mặt
tâm lý. Kết luận rõ ràng rút ra từ nghiên cứu này đó là "cưỡng ép nỗi
buồn" theo các nguyên tắc của trị liệu nỗi đau, thay vì chữa lành nỗi
đau, có thể trì hoãn quá trình chữa lành tự nhiên; xét về mặt tâm lý,
nó tương đương với việc chọc vào vết thương. Nhân tiện, nghiên
cứu tương tự tập trung vào những người sống sót sau thảm họa diệt
chủng, phụ nữ trẻ bị lạm dụng và bạn tình của những người đàn ông
chết vì AIDS và đã thu được kết quả tương tự.
Nhưng còn việc trì hoãn nỗi đau thì sao? Nếu chúng ta rút ngắn
quá trình đau buồn, chẳng phải chúng ta đang đặt mình vào tình
trạng đau buồn nhiều hơn về sau? Các chuyên gia tâm lý đều đồng
lòng nhất trí rằng hiện tượng trì hoãn nỗi đau là có thật. Tôi có đang
cho rằng họ sai không?
Thật sự là vậy. Khái niệm trì hoãn nỗi buồn có vẻ như xuất hiện
lần đầu tiên trong một bài báo có tựa đề "The Absence of Grief," (Sự
vắng mặt của nỗi đau) được viết vào năm 1937, tác giả là bác sỹ
tâm thần Helene Deutsch. Bà cho rằng những ai không cảm thấy
đau thương sau khi trải qua một mất mát cá nhân thì sau đó sẽ kích
hoạt một cơn đau buồn bị trì hoãn - trở nên "rõ ràng và mãnh liệt
như thể nỗi mất mát chỉ mới xảy ra." Thật không may, Deutsch
không nỗ lực để kiểm chứng lý thuyết của bà ấy bằng thực nghiệm.
Về sau, các nhà nghiên cứu đã cố gắng để kiểm tra điều đó nhưng
đều thất vọng: Các trường hợp trì hoãn nỗi buồn dường như rất
hiếm gặp.
Nói chung, nhà tâm thần học Sally Satel và nhà triết học Christina
Hoff Sommers, trong một cuốn sách thách thức một vài khía cạnh
của trị liệu tâm lý thời hiện đại, viết rằng, "Các phát hiện gần đây cho
rằng tính trầm lặng và đè nén cảm xúc, thay vì gây nguy hại cho sự
khỏe mạnh về tâm lý của con người, có thể là lành mạnh và linh
động. Đối với nhiều người có cá tính, sự tập trung quá mức vào việc
xem xét nội tâm và giãi bày tâm sự chỉ khiến họ thêm não nề.
Những nạn nhân của mất mát và bi kịch có những cách phản ứng
rất khác nhau: Một số người nhận được lợi ích từ việc can thiệp trị
liệu; phần lớn thì không và họ cũng không nên bị các chuyên gia về
sức khỏe tinh thần ép buộc đi theo cách phản ứng đúng đắn về cảm
xúc. Các nhà tham vấn về sang chấn tâm lý và đau thương đã mắc
sai lầm rất lớn về phương diện này." Các tác giả này nói thêm rằng
họ bác bỏ học thuyết, hiện đang được chấp nhận rộng rãi, rằng "tự
do cởi mở cảm xúc là điều thiết yếu cho sức khỏe tinh thần."
Tóm lại, mặc dù lời khuyên của các nhà Khắc kỷ về cách xử lý
những cảm xúc tiêu cực là lỗi thời, dù sao đi nữa nó vẫn sẽ là lời
khuyên hữu ích. Theo Seneca, "Một người sẽ mãi khốn khổ chừng
nào anh ta còn tự thuyết phục mình tin vào điều đó." Do đó ông ấy
khuyên chúng ta "chấm dứt việc phàn nàn về những khổ đau trong
quá khứ và dẹp hết tất cả những lối nói kiểu như thế này "Trên đời
này không có ai khổ bằng tôi. Cõi đời này có khổ đau gì, tai họa gì
tôi cũng đều nếm đủ cả!" Rốt cuộc thì, bạn dựa vào đâu để tin rằng
"chỉ vì bạn từng một lần không hạnh phúc, cả đời bạn sẽ không
hạnh phúc?"
Chính trị thời hiện đại đưa ra một trở ngại khác cho việc chấp
nhận chủ nghĩa Khắc kỷ. Thế giới này đầy rẫy những chính trị gia
bảo với chúng ta rằng nếu đời ta bất hạnh thì đấy chẳng phải lỗi do
ta. Trái lại, bất hạnh của chúng ta là do những việc mà chính phủ đã
làm với chúng ta hoặc không làm cho ta. Những công dân chúng ta
trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc được khuyến khích sử dụng
chính trị hơn là triết học. Chúng ta được động viên đi biểu tình trên
phố hay viết thư cho đại biểu quốc hội thay vì đọc sách của Seneca
hay Epictetus. Đáng lưu ý hơn, chúng ta được khích lệ bầu cho ứng
viên nào tuyên bố họ có khả năng làm chúng ta hạnh phúc, bằng
cách khéo léo sử dụng quyền lực của chính phủ.
Tất nhiên các triết gia Khắc kỷ phản đối lối suy nghĩ đó. Họ tin
chắc rằng thứ đứng giữa đa số chúng ta và hạnh phúc không phải là
chính phủ hay xã hội, mà là những thiếu sót, khiếm khuyết trong triết
lý sống của chúng ta - hoặc do chúng ta không hề có một triết lý
sống nào. Đành rằng chính phủ và xã hội định đoạt, ở một mức độ
đáng kể, những hoàn cảnh sống bên ngoài của ta, nhưng các nhà
Khắc kỷ hiểu rằng thực sự chỉ có một mối quan hệ lỏng lẻo giữa
hoàn cảnh bên ngoài với mức độ hạnh phúc của chúng ta. Cụ thể là,
một ai đó bị đày ra hoang đảo hoàn toàn có thể sống hạnh phúc hơn
một người đang sống cuộc đời nhung lụa xa hoa.
Các nhà Khắc kỷ hiểu rằng chính phủ có thể gây tổn hại đến công
dân của họ; quả thực, các nhà Khắc kỷ La Mã như ta đã thấy,
thường không may khi bị trừng phạt bất công bởi nhà cầm quyền.
Các nhà Khắc kỷ cũng đồng ý rằng các nhà cải cách xã hội thời hiện
đại chúng ta có bổn phận đấu tranh chống lại sự bất công xã hội.
Điểm khác biệt giữa họ với các nhà cải cách xã hội hiện đại nằm ở
sự thông hiểu của họ về tâm lý con người. Cụ thể là, các nhà Khắc
kỷ không nghĩ rằng việc con người tự xem bản thân mình là nạn
nhân của xã hội - hay nạn nhân của bất cứ thứ gì - là một điều tốt.
Nếu bạn xem mình là nạn nhân, bạn sẽ không thể có được cuộc
sống tốt đẹp; tuy nhiên nếu bạn từ chối coi mình là nạn nhân - nếu
bạn không cam chịu để cho cái tôi bên trong bạn bị khuất phục bởi
hoàn cảnh bên ngoài - bạn có khả năng có được một cuộc sống tốt,
bất kể hoàn cảnh bên ngoài biến đổi ra sao. (Đặc biệt, các nhà Khắc
kỷ cho rằng con người ta có khả năng giữ được sự bình thản mặc
cho việc bị trừng phạt vì nỗ lực sửa đổi xã hội của anh ta.)
Những người khác có thể có khả năng ảnh hưởng đến cách bạn
sống và thậm chí chuyện sống chết của bạn, nhưng theo các nhà
Khắc kỷ, họ không có khả năng hủy hoại cuộc sống của bạn. Chỉ
bạn mới có khả năng hủy hoại nó, bởi vì bạn không sống theo
những giá trị đúng đắn.
Các nhà Khắc kỷ tin vào cải cách xã hội, nhưng họ cũng tin vào
sự biến chuyển của cá nhân. Chính xác hơn, họ tin rằng bước đầu
tiên để thay đổi một xã hội thành một nơi mà mọi người có cuộc
sống tốt đẹp là dạy cho người dân cách làm hạnh phúc của họ càng
ít phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài càng tốt. Bước thứ hai để
thay đổi một xã hội là thay đổi hoàn cảnh bên ngoài của con người.
Các nhà Khắc kỷ sẽ nói thêm là nếu chúng ta không chuyển hóa
được bản thân mình thì bất kể chúng ta thay đổi xã hội mà ta đang
sống nhiêu ra sao, chúng ta cũng khó mà có được một cuộc đời tốt
đẹp.
Nhiều người từng tin rằng hạnh phúc là một thứ gì đó mà người
khác, một nhà trị liệu tâm lý hay một chính trị gia, phải trao cho
chúng ta. Chủ nghĩa Khắc kỷ phản đối quan điểm này. Nó dạy chúng
ta rằng ta phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc cũng như bất hạnh
của bản thân. Nó cũng dạy chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta chịu
trách nhiệm cho hạnh phúc của mình thì chúng ta mới có cơ hội đạt
được nó. Đây chắc chắn là một thông điệp mà nhiều người, từng bị
nhồi sọ bởi các nhà trị liệu và chính trị gia, không muốn nghe.
Nếu tâm lý học hiện đại và chính trị từng đối xử thiếu tử tế với
chủ nghĩa Khắc kỷ, thì triết học hiện đại cũng đang làm như vậy.
Trước thế kỷ 20, những người đã tiếp xúc với triết học có lẽ đã đọc
về các nhà Khắc kỷ. Nhưng trong thế kỷ 20, các nhà triết học không
chỉ mất hứng thú với chủ nghĩa Khắc kỷ mà còn chẳng buồn chú ý
đến các triết lý về cuộc sống nói chung. Kinh nghiệm của tôi cho
thấy, người ta có thể dành một thập kỷ để tham dự các lớp triết học
mà không cần đọc về các triết gia Khắc kỷ và không bỏ thời gian để
xem xét các triết lý về cuộc sống, huống chi là đi theo một triết lý
sống.
Một lý do khiến các nhà triết học mất hứng thú với chủ nghĩa
Khắc kỷ là bởi sự hiểu biết của họ. Trong những thập kỷ đầu của thế
kỷ 20, nhiều nan đề triết học truyền thống nảy sinh do cách sử dụng
ngôn ngữ tùy tiện, cẩu thả của chúng ta. Từ đây suy ra bất cứ ai
muốn giải quyết các nan đề của triết học thì không phải bằng cách
quan sát loài người (như các triết gia Khắc kỷ hay làm) mà bằng
cách suy nghĩ rất cẩn thận về ngôn ngữ và cách sử dụng nó. Và
cùng với việc ngày càng chú trọng phân tích ngôn ngữ, trong giới
các nhà triết học đã xuất hiện một niềm tin rằng khuyên bảo con
người nên sống thế này thế kia đơn giản không phải là công việc
của triết học.
Nếu bạn đến gặp Epictetus và nói, "Tôi muốn sống một cuộc đời
tốt đẹp. Tôi nên làm gì?" ông ấy sẽ có một câu trả lời dành cho bạn:
"Sống thuận theo tự nhiên." Sau đó ông ấy sẽ giải thích rất chi tiết
cho bạn cách thực hiện việc này. Ngược lại, nếu bạn tìm đến một
triết gia phân tích ở thế kỷ 20 và cũng hỏi câu tương tự, ông ấy có
thể sẽ đáp lại không phải bằng cách trả lời câu hỏi bạn đưa ra mà
bằng cách phân tích bản thân câu hỏi: "Câu trả lời cho câu hỏi của
bạn phụ thuộc vào định nghĩa của bạn như thế nào là 'một cuộc đời
tốt đẹp, đến lượt nó lại phụ thuộc vào cách mà bạn cắt nghĩa thế
nào là 'tốt đẹp' và 'một cuộc đời'." Sau đó ông ấy có thể giải thích
tường tận cho bạn tất cả những điều mà bạn muốn nói khi hỏi làm
thế nào để sống một cuộc đời tốt đẹp và lý giải tại sao từng ý lại rối
rắm về mặt lô-gic. Kết luận của ông ấy: Thật vô nghĩa khi đặt câu hỏi
làm thế nào để sống một cuộc đời tốt đẹp. Khi triết gia này nói xong,
bạn có thể bị ấn tượng trước năng lực phân tích triết học của ông ta,
nhưng bạn cũng có thể rút ra kết luận, với lý do chính đáng, rằng
bản thân ông ta cũng đang thiếu một triết lý sống chặt chẽ, nhất
quán.
Một điều cuối cùng nhưng khá cam go để con người thời hiện đại
chấp nhận chủ nghĩa Khắc kỷ nằm ở mức độ kiểm soát bản thân mà
nó yêu cầu. Chúng ta có phát hiện ra lòng ham muốn danh tiếng
trong mình hay không? Theo các nhà Khắc kỷ, chúng ta nên dập tắt
ham muốn này. Chúng ta thấy mình đang khao khát sở hữu một căn
biệt thự với đầy món đồ nội thất cao cấp? Các nhà Khắc kỷ cho rằng
nếu khôn ngoan thì chúng ta nên biết hài lòng với một lối sống đơn
giản. Và bên cạnh việc chế ngự được ham muốn đối với danh vọng
và tài sản, các nhà Khắc kỷ muốn chúng ta gạt bỏ những ham muốn
cá nhân khác qua một bên để có thể thực hiện các bổn phận phục
vụ đồng loại. Như ta đã thấy, họ là một nhóm người sống có trách
nhiệm; không giống như nhiều người thời hiện đại, các nhà Khắc kỷ
tin chắc rằng trong cuộc sống, có một thứ gì đó còn lớn lao hơn cả
bản thân họ.
Nhiều người sau khi được biết rằng chủ nghĩa Khắc kỷ đòi hỏi sự
kiểm soát bản thân, họ sẽ gạt phăng thứ triết lý này. Bởi họ cho
rằng, nếu bạn không có được thứ mà bạn muốn thì bạn rõ ràng sẽ
không vui nổi. Vì thế, cách tốt nhất để có được hạnh phúc là có
được thứ mình muốn, và cách tốt nhất để có được thứ bạn muốn là
bằng chiến lược ba giai đoạn: Đầu tiên, bạn cần kiểm kê lại tất cả
những ham muốn đang ẩn nấp trong tâm trí; thứ hai, vạch ra một kế
hoạch để đáp ứng những ham muốn đó; và thứ ba, thực hiện kế
hoạch đó. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ khuyến nghị chúng ta làm
ngược lại. Trong một số trường hợp, họ khuyên chúng ta hãy dập tắt
thay vì thỏa mãn những ham muốn của mình, và trong những
trường hợp khác, họ khuyên ta làm những việc mà ta không muốn
làm, vì chúng ta có bổn phận phải thực hiện chúng. Nói cách khác,
chủ nghĩa Khắc kỷ nghe giống như một công thức chắc chắn cho sự
bất hạnh.
Mặc dù chiến lược đạt được hạnh phúc bằng cách nỗ lực để có
được bất cứ thứ gì mà ta muốn rõ ràng được nhiều người sử dụng
xuyên suốt lịch sử và khắp các nền văn hóa, nhưng nó có một
nhược điểm quan trọng, vì những người thâm trầm trong lịch sử và
ở khắp các nền văn hóa đã ngộ ra: Đối với mỗi ham muốn mà chúng
ta tìm cách thỏa mãn theo chiến lược này, một ham muốn mới sẽ
xuất hiện thế chỗ cho ham muốn cũ trong tâm trí ta. Điều này có
nghĩa là cho dù chúng ta cố gắng đến mức nào để thỏa mãn các
ham muốn của mình, nó vẫn chẳng giúp chúng ta thỏa mãn là bao
so với việc ta không thỏa mãn chúng. Nói cách khác, chúng ta vẫn
cảm thấy bất mãn.
Một cách tốt hơn nhiều, mặc dầu khó nhận ra, để đạt được sự
thỏa mãn, không phải bằng cách cố gắng thỏa mãn mọi ham muốn,
mà là cố gắng làm chủ ham muốn. Cụ thể là, chúng ta cần thực hiện
các phương pháp nhằm làm chậm quá trình hình thành ham muốn
trong chúng ta. Thay vì cố gắng đáp ứng bất cứ ham muốn nào xuất
hiện trong đầu mình, chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn sự hình thành
của những ham muốn nào đó và tiêu diệt nhiều ham muốn đã được
tạo ra. Và thay vì muốn những thứ mới, ta cần tập cho mình yêu
thích những thứ ta đã có.
Đây là những việc mà các triết gia Khắc kỷ khuyên chúng ta nên
làm. Đành rằng việc trở thành một người Khắc kỷ yêu cầu chúng ta
có khả năng kiểm soát bản thân và chúng ta cần hy sinh để thực
hiện các bổn phận của mình, nhưng các nhà Khắc kỷ cho rằng
chúng ta có nhiều khả năng đạt được hạnh phúc bằng cách đi theo
con đường này hơn là dành những năm tháng cuộc đời mình để cố
gắng thỏa mãn bất kỳ ham muốn nào đột ngột hiện lên trong đầu
như phần lớn mọi người.
Khi nói về điều này, tôi xin bổ sung thêm rằng từ hy sinh mà tôi
vừa dùng chưa hoàn toàn chuẩn xác. Các nhà Khắc kỷ, trong khi
đang thực hiện trách nhiệm xã hội của họ, sẽ không xem đó là sự hy
sinh. Nhờ thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, lý tưởng nhất là họ sẽ
muốn làm những việc mà bổn phận xã hội đòi hỏi họ thực hiện. Nếu
bạn thấy điều này có vẻ lạ lùng, thì hãy nghĩ về những bổn phận liên
quan đến việc nuôi dạy con cái. Các bậc cha mẹ làm rất nhiều cho
con họ, nhưng bố mẹ Khắc kỷ - và theo tôi, các bậc phụ huynh tốt
nói chung - sẽ không coi việc nuôi dạy con cái là một gánh nặng đòi
hỏi sự hy sinh vô tận; thay vào đó, họ nghĩ thật tuyệt vời làm sao khi
có con và có thể tạo ra một sự khác biệt tích cực trong cuộc sống
của con trẻ.
Như tôi đã nói, không chỉ có mỗi mình các nhà Khắc kỷ tuyên bố
rằng hy vọng tốt nhất của chúng ta để có được hạnh phúc không
phải là sống một cuộc đời buông thả, nuông chiều bản thân, mà là
sống một cuộc đời tự kỷ luật, và ở một mức độ nào đó là với tinh
thần hy sinh, quên mình. Những tuyên bố tương tự cũng được nhắc
đến ở các trường phái triết học khác, bao gồm phái Epicurean và
chủ nghĩa Yếm thế, cũng như ở nhiều tôn giáo như Phật giáo, Ấn
Độ giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Đạo giáo. Tôi tin rằng, vấn đề không
phải là liệu những người kỷ luật bản thân và có tinh thần trách nhiệm
có thể sống cuộc đời hạnh phúc, ý nghĩa hay không; mà là liệu
những kẻ thiếu khả năng tự kiểm soát bản thân và những ai tin chắc
rằng trên đời này chẳng có điều gì lớn lao hơn chính bản thân họ có
thể có cuộc đời tốt đẹp không.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro