Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Giới thiệu


 Một kế hoạch cho cuộc sống
Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này? Có thể câu trả lời của
bạn là muốn có một người bạn đời biết quan tâm, một công việc tốt
và một ngôi nhà đẹp, nhưng đó thực ra chỉ là những thứ bạn muốn
có trong cuộc sống. Khi hỏi bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống
này, tôi đang hỏi theo nghĩa rộng nhất. Tôi không hỏi về những mục
tiêu mà bạn để ra khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, mà tôi
đang hỏi về mục tiêu lớn lao trong cuộc sống của bạn. Nói cách
khác, trong số những thứ bạn có thể theo đuổi trong cuộc sống, thứ
nào bạn tin là có giá trị nhất?
Nhiều người sẽ khó lòng nêu ra được mục tiêu này. Họ biết mình
muốn gì trong từng phút hoặc thậm chí từng thập kỷ trong suốt cuộc
đời mình, nhưng họ chưa bao giờ dành thời gian để suy ngẫm về
mục tiêu sống lớn lao của bản thân. Chuyện này có lẽ cũng dễ hiểu.
Nền văn hóa của chúng ta vốn không khuyến khích mọi người nghĩ
về những điều như vậy, mà chỉ tạo ra hết xao lãng này đến xao lãng
khác, để chúng ta không bao giờ phải bận tâm đến chúng. Nhưng
một mục tiêu lớn lao trong đời là yếu tố cấu thành đầu tiên của một
triết lý sống. Nếu bạn không có một mục tiêu lớn lao trong đời, tức là
bạn không có một triết lý sống chặt chẽ.
Nhưng tại sao có một triết lý sống lại quan trọng? Vì nếu không
có nó, bạn sẽ có nguy cơ sống lầm lạc - bất kể bạn đã làm gì, bất kể
mọi niềm vui thú mà bạn đã thụ hưởng lúc sinh thời, chung quy bạn
vẫn sẽ sống một cuộc đời tồi tệ. Nói cách khác, có nguy cơ là vào
lúc lâm chung, bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng mình đã uổng phí một
cơ hội sống. Thay vì dành cuộc đời mình để theo đuổi điều gì đó
thực sự đáng giá, bạn đã phung phí nó khi mặc cho bản thân bị xao
lãng trước vô số thứ phù phiếm mà cuộc đời đưa đến.
Giờ giả sử bạn đã xác định được mục tiêu lớn lao trong đời mình.
Và bạn cũng biết rõ tại sao mục tiêu này lại đáng để phấn đấu. Dù
thế, bạn vẫn có nguy cơ sống lầm lạc. Bạn có thể sẽ không đạt
được mục tiêu này, nhất là nếu không có một chiến lược hiệu quả.
Do đó, yếu tố cấu thành thứ hai của một triết lý sống là một chiến
lược để đạt được mục tiêu lớn lao của bạn. Chiến lược này sẽ chỉ rõ
cho bạn những gì phải làm trong cuộc sống hằng ngày, từ đó tối đa
hóa khả năng đạt được điều mà bạn xem là đáng giá nhất trong
cuộc đời mình.
Nếu muốn thực hiện các biện pháp nhằm tránh lãng phí tiền bạc,
chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia. Nhìn
vào danh bạ điện thoại, chúng ta sẽ tìm thấy vô số chuyên gia lập kế
hoạch tài chính có chứng chỉ. Họ có thể giúp chúng ta làm rõ các
mục tiêu tài chính: Chẳng hạn, chúng ta nên tiết kiệm bao nhiêu tiền
cho lúc về hưu? Và khi chúng ta có được những mục tiêu rõ ràng
này, họ có thể tư vấn giải pháp để đạt được chúng.
Tương tự, giả sử muốn thực hiện các biện pháp nhằm tránh lãng
phí không chỉ tài sản mà cả cuộc sống của mình, chúng ta có thể tìm
kiếm chỉ dẫn từ một chuyên gia: một triết gia về cuộc sống. Người
này sẽ giúp chúng ta xem xét các mục tiêu trong cuộc sống và mục
tiêu nào thực sự đáng theo đuổi. Bà ấy sẽ nhắc nhở chúng ta rằng
bởi lẽ các mục tiêu có thể xung đột với nhau, chúng ta cần xác định
mục tiêu nào nên được ưu tiên trước khi mâu thuẫn xảy ra. Do đó,
bà ấy sẽ giúp chúng ta xác định và sắp xếp thứ bậc các mục tiêu.
Cái mà tôi gọi là mục tiêu lớn lao trong cuộc sống chính là mục tiêu
nằm ở vị trí cao nhất: Nó là mục tiêu mà chúng ta không nên hy sinh
để đạt được những mục tiêu khác. Và sau khi giúp chúng ta lựa
chọn được mục tiêu này, một triết gia về cuộc sống sẽ giúp chúng ta
hoạch định một chiến lược để đạt được nó.
Nơi hiển nhiên để tìm gặp một triết gia về cuộc sống là ở khoa
triết của trường đại học địa phương. Khi đến thăm văn phòng của
những khoa triết này, chúng ta sẽ tìm thấy các triết gia chuyên về
siêu hình học, lô-gic, chính trị, khoa học, tôn giáo và đạo đức. Chúng
ta cũng có thể tìm thấy các triết gia chuyên về triết học thể thao, triết
học nữ quyền và thậm chí cả triết học về triết học. Nhưng trừ phi
đến một trường đại học khác thường, còn không chúng ta sẽ chẳng
thể tìm được các triết gia về cuộc sống theo định nghĩa của tôi.
Nhưng câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy. Đơn cử
như nhiều triết gia Hy Lạp và La Mã cổ đại không chỉ cho rằng các
triết lý sống là đáng suy ngẫm mà còn cho rằng lý do triết học tồn tại
là để phát triển chúng. Các triết gia này cũng thường quan tâm đến
những lĩnh vực khác của triết học - chẳng hạn như lô-gic - nhưng chỉ
vì họ cho rằng theo đuổi mối quan tâm đó sẽ giúp họ phát triển một
triết lý sống.
Hơn nữa, các triết gia cổ đại này không giữ các phát hiện của họ
cho riêng mình hoặc chỉ chia sẻ với các triết gia. Họ thành lập các
trường phái và thu nhận làm học trò bất kỳ ai mong muốn có được
một triết lý sống. Các trường phái khác nhau đưa ra lời khuyên khác
nhau về những việc con người phải làm để có một cuộc sống tốt
đẹp. Antisthenes, một học trò của Socrates, đã thành lập trường
phái triết học Yếm thế, chủ trương lối sống khổ hạnh. Aristippus, một
học trò khác của Socrates, thành lập trường phái Cyrenaic, lại chủ
trương lối sống tận hưởng lạc thú. Giữa những thái cực này là nhiều
trường phái khác, trong đó có trường phái Epicurean, trường phái
Hoài nghi, và được chúng ta quan tâm nhất ở đây là trường phái
Khắc kỷ, do Zeno xứ Citium sáng lập.
Các triết gia gắn liền với những trường phái này không ngần ngại
thể hiện mối quan tâm với các triết lý sống. Ví dụ, theo Epicurus:
"Lời nói của một triết gia không chữa lành được nỗi đau nào của con
người là lời nói rỗng tuếch. Cũng như thuốc thang là vô dụng nếu
không loại trừ được bệnh tật của cơ thể, triết học cũng vô dụng nếu
không loại trừ được khổ đau của tâm trí." Và theo triết gia Khắc kỷ
Seneca, người mà tôi sẽ nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách này:
"Mỗi ngày, một người học hỏi từ một triết gia cần phải gặt hái cho
bản thân một điều tốt đẹp nào đó: mỗi lần quay về nhà, anh ta phải
là một người minh triết hơn hoặc đang trên con đường trở nên minh
triết hơn."
Cuốn sách này dành cho những người đang tìm kiếm một triết lý
sống. Trong các trang tiếp theo, tôi sẽ tập trung vào một triết lý mà
tôi thấy hữu ích và tôi nghĩ rằng nhiều độc giả cũng sẽ thấy như vậy.
Đó là triết lý của trường phái Khắc kỷ cổ đại. Tuy triết lý sống này đã
lâu đời nhưng ngày nay nó xứng dáng nhận được sự chú ý của bất
kỳ cá nhân nào mong muốn có được một cuộc sống vừa ý nghĩa
vừa trọn vẹn - những người mong muốn có được một cuộc sống tốt
đẹp.
Nói cách khác, cuốn sách này đưa ra lời khuyên mọi người nên
sống như thế nào. Đúng hơn, tôi sẽ là cầu nối mang đến cho bạn lời
khuyên của các triết gia Khắc kỷ từ hai ngàn năm trước. Đây là điều
mà các triết gia đồng nghiệp của tôi thường miễn cưỡng thực hiện,
nhưng nói đi cũng phải nói lại, họ chủ yếu quan tâm đến "tính học
thuật" của triết học; tức là họ chuyên nghiên cứu về lý thuyết hoặc
lịch sử. Ngược lại, tôi quan tâm đến tính thực tiễn của chủ nghĩa
Khắc kỷ: mục tiêu của tôi là áp dụng triết lý này vào cuộc sống của
mình và khuyến khích người khác áp dụng nó vào cuộc sống của
họ. Tôi cho rằng các triết gia Khắc kỷ cổ đại sẽ khuyến khích cả hai
đường hướng này, nhưng họ cũng sẽ khẳng định rằng lý do chính
để tìm hiểu về chủ nghĩa Khắc kỷ là nhằm áp dụng nó vào thực tiễn.
Điểm nữa cần hiểu rõ là mặc dù chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý,
nhưng nó cũng bao hàm cả yếu tố tâm lý. Các nhà Khắc kỷ nhận ra
rằng một cuộc sống đầy rẫy cảm xúc tiêu cực - bao gồm tức giận, lo
lắng, sợ hãi, đau buồn và ghen tị - không phải là một cuộc sống tốt
đẹp. Do đó, họ trở thành những nhà quan sát nhạy bén về hoạt
động của tâm trí con người và kết quả là trở thành một số nhà tâm lý
học uyên bác nhất thời cổ đại. Họ tiếp tục phát triển các kỹ thuật để
ngăn không cho các cảm xúc tiêu cực xuất hiện và để dập tắt chúng
khi những nỗ lực ngăn chặn thất bại. Ngay cả những độc giả không
tin tưởng phương pháp suy diễn của triết học cũng nên quan tâm
đến các kỹ thuật này. Suy cho cùng, ai lại không muốn giảm bớt số
lượng cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thường nhật cơ chứ?
Mặc dù tôi đã nghiên cứu triết học trong suốt cả quãng đời trưởng
thành, nhưng thực ra mãi cho đến thời gian gần đây, vốn kiến thức
của tôi về chủ nghĩa Khắc kỷ vẫn còn nghèo nàn vô cùng. Các giảng
viên đại học và cao học chưa từng yêu cầu tôi tìm đọc các triết gia
Khắc kỷ, và mặc dù cũng ham đọc sách, nhưng tôi lại không có nhu
cầu tìm đọc họ. Nhìn chung, tôi không có nhu cầu chiêm nghiệm về
một triết lý sống nào cả. Thay vào đó, như hầu hết mọi người, tôi
cảm thấy thoải mái với thứ triết lý sống mặc định: theo đuổi tiền tài,
địa vị xã hội và lạc thú. Có thể xem triết lý sống của tôi là một dạng
chủ nghĩa khoái lạc khai ngộ.
Thế nhưng, ở độ tuổi ngoài 40, dòng đời bắt đầu đưa đẩy tôi tiếp
xúc với chủ nghĩa Khắc kỷ. Đầu tiên phải kể đến cuốn tiểu thuyết A
Man in Full của Tom Wolfe xuất bản năm 1998. Trong truyện, một
nhân vật tình cờ phát hiện ra triết gia Khắc kỷ Epictetus và sau đó
luôn nhiệt tình trích dẫn triết lý sống của ông. Tôi thấy điều này vừa
hấp dẫn lại vừa khó hiểu.
Hai năm sau, tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu để viết một cuốn
sách về chủ đề ham muốn. Trong quá trình này, tôi xem xét những
lời khuyên đã được đưa ra suốt hàng thiên niên kỷ qua về việc làm
chủ ham muốn. Tôi bắt đầu tìm hiểu quan điểm của các tôn giáo về
ham muốn, bao gồm Cơ Đốc giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Sufi giáo
và Phật giáo (nhất là Thiền tông). Tôi tiếp tục xem xét lời khuyên về
cách làm chủ ham muốn của các triết gia phương Tây nhưng nhận
thấy chỉ có một số ít người đề cập đến vấn đề này, nổi bật là các
triết gia Hy Lạp cổ đại thuộc trường phái Epicurean, trường phái
Hoài nghi và trường phái Khắc kỷ.
Thực ra, tôi có một động cơ sâu xa khi nghiên cứu về chủ đề ham
muốn. Từ lâu tôi đã mến mộ Thiền tông và nghĩ rằng nếu chiêm
nghiệm kỹ hơn về nó trong quá trình nghiên cứu, tôi có thể trở thành
một Thiền sư thực thụ. Thế nhưng, tôi bất ngờ phát hiện ra một số
điểm tương đồng giữa chủ nghĩa Khắc kỷ và Thiền tông. Chẳng hạn,
cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy ngẫm về bản
chất tạm thời của thế giới xung quanh chúng ta và tầm quan trọng
của việc làm chủ ham muốn, trong giới hạn khả năng cho phép. Họ
cũng khuyên chúng ta theo đuổi sự bình thản, đồng thời đưa ra chỉ
dẫn để đạt đến và duy trì được trạng thái này. Ngoài ra, tôi cũng
nhận thấy chủ nghĩa Khắc kỷ phù hợp với bản tính ưa phân tích mọi
sự của tôi hơn là Phật giáo. Kết quả là tôi nghĩ đến chuyện trở thành
một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, thay vì là một người tu tập
Thiền tông.
Trước khi bắt đầu nghiên cứu về ham muốn, đối với tôi, chủ
nghĩa Khắc kỷ là một triết lý sống không thiết thực, nhưng khi đọc
tác phẩm của các triết gia Khắc kỷ, tôi mới ngã ngửa, hóa ra hầu hết
mọi điều tôi từng biết về họ đều sai bét. Đầu tiên, tôi biết rằng từ
điển định nghĩa một người Khắc kỷ là "người dường như lãnh đạm
hoặc không bị ảnh hưởng bởi niềm vui, nỗi buồn, khoái lạc hay đau
đớn". Vì vậy, tôi tưởng họ là những người hay kìm nén cảm xúc. Thế
nhưng, tôi khám phá ra rằng mục tiêu của chủ nghĩa Khắc kỷ không
phải là loại trừ cảm xúc khỏi cuộc sống mà là loại trừ những cảm
xúc tiêu cực.
Khi đọc các tác phẩm của chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi bắt gặp những
cá nhân vui vẻ và lạc quan về cuộc sống (mặc dù họ luôn dành thời
gian để suy nghĩ đến tất cả những viễn cảnh tồi tệ có thể xảy ra với
họ), những cá nhân có khả năng tận hưởng trọn vẹn những thú vui
của cuộc sống (đồng thời cũng thận trọng để không trở thành nô lệ
cho những thú vui đó). Ngạc nhiên làm sao, tôi cũng bắt gặp những
cá nhân coi trọng niềm vui; quả thực, theo Seneca, điều mà các nhà
Khắc kỷ cố gắng khám phá là "cách thứ để tâm trí có thể luôn luôn
theo đuổi một lộ trình kiên định và thuận lợi, có khuynh hướng tích
cực đối với chính nó, và nhìn nhận được các trạng thái của nó bằng
niềm vui". Ông cũng khẳng định rằng người thực hành các nguyên
tắc Khắc kỷ "cần phải luôn, dù anh ta có muốn hay không, cảm thấy
hân hoan và có một niềm vui sâu sắc phát xuất từ bên trong, bởi lẽ
anh ta thích thú với những nguồn vui của riêng mình, và không hề
khao khát niềm vui nào lớn hơn những niềm vui nội tại này". Tương
tự, triết gia Khắc kỷ Musonius Rufus nói rằng nếu sống theo những
nguyên tắc Khắc kỷ thì chúng ta tất có được "tâm tính vui vẻ và niềm
vui bền vững".
Thay vì sống thụ động, nhẫn nhục cam chịu sự bất công và bạo
hành của thế giới, các nhà Khắc kỷ đã nỗ lực trọn đời để biến thế
giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như Cato Trẻ, triết lý
sống Khắc kỷ của Cato không hề ngăn cản ông dũng cảm đấu tranh
để khôi phục nền Cộng hòa La Mã. (Tuy không đóng góp tác phẩm
nào cho chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng Cato là một nhà Khắc kỷ; kỳ
thực, Seneca xem ông là một nhà Khắc kỷ hoàn hảo.) Cũng vậy,
Seneca dường như luôn tràn đầy nhiệt huyết: không chỉ là một triết
gia, ông còn là một nhà soạn kịch thành công, cố vấn chính trị cho
hoàng đế, và có thể xem là một chủ ngân hàng đầu tư vào thời đó.
Và còn cả Marcus Aurelius, ông không chỉ là một triết gia mà còn là
một hoàng đế La Mã - kỳ thực, ông được xem là một trong những
hoàng đế La Mã vĩ đại nhất. Khi đọc về các nhà Khắc kỷ, tôi cảm
thấy vô cùng thán phục họ. Họ dũng cảm, chừng mực, lý trí và kỷ
luật - những phẩm chất mà tôi muốn có. Họ cũng cho rằng điều
quan trọng đối với chúng ta là làm trọn bổn phận của mình và giúp
đỡ đồng loại - những giá trị mà tôi cũng rất tôn vinh.
Trong quá trình nghiên cứu về chủ đề ham muốn, tôi khám phá ra
rằng các nhà tư tưởng đều nhất trí một điều, đó là nếu không vượt
qua được thói tham lam vô độ, không biết thỏa mãn của mình,
chúng ta sẽ khó lòng có được một cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa. Họ
cũng nhất trí rằng cách thức hữu hiệu giúp chúng ta chế ngự xu
hướng lúc nào cũng muốn có nhiều hơn này là thuyết phục bản thân
muốn những thứ mình đã có sẵn. Đây dường như là một tri kiến
quan trọng, nhưng nó đặt ra một câu hỏi rằng chính xác thì chúng ta
cần phải làm gì để đạt được điều đó. Tôi vui mừng khi phát hiện ra
rằng các nhà Khắc kỷ đã có lời giải cho câu hỏi này. Họ đã phát triển
một kỹ thuật khá đơn giản, nếu được thực hành, có thể giúp chúng
ta hân hoan với con người hiện tại của mình, dù chỉ trong một
khoảng thời gian, sống cuộc đời mà chúng ta đang sống, bất kể
cuộc đời đó có ra sao đi nữa.
Càng nghiên cứu về chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi càng bị cuốn vào triết
lý của họ. Nhưng khi nổi hứng chia sẻ với người khác về tư tưởng
này, tôi sớm nhận ra rằng không chỉ có mỗi tôi hiểu sai về triết lý
này. Bạn bè, người thân và ngay cả đồng nghiệp của tôi ở trường
đại học dường như đều cho rằng các nhà Khắc kỷ là những người
đặt mục tiêu kìm nén mọi cảm xúc và do đó sống một cuộc đời lãnh
đạm và tẻ nhạt. Tôi chợt nhận ra rằng các nhà Khắc kỷ là nạn nhân
của những định kiến sai lầm.
Chỉ riêng vấn đề này cũng đã đủ thôi thúc tôi viết một cuốn sách
về các nhà Khắc kỷ - một cuốn sách sẽ đính chính lại sự thật -
nhưng trong quá trình viết, tôi dần có một động lực thứ hai thậm chí
còn mạnh mẽ hơn. Sau khi nghiên cứu chủ nghĩa Khắc kỷ, tôi bắt
đầu thử sống theo triết lý này một cách có chừng mực. Đến nay, thử
nghiệm đã thành công đến mức tôi nóng lòng muốn loan báo cho cả
thế giới những gì mà tôi khám phá được, vì tôi tin rằng mọi người
đều có thể thu được lợi ích từ việc nghiên cứu các nhà Khắc kỷ và
áp dụng triết lý sống của họ.
Vào thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, nếu ai đó muốn trở thành người
Khắc kỷ, họ có thể gia nhập một trường học của phái Khắc kỷ.
Nhưng điều này hiện không còn khả thi, nếu muốn trở thành người
Khắc kỷ, bạn chỉ có thể tham khảo tác phẩm của các nhà Khắc kỷ
thời cổ đại, nhưng bạn sẽ phát hiện ra rằng nhiều tác phẩm trong số
đó đã bị thất lạc, nhất là tác phẩm của các nhà Khắc kỷ Hy Lạp. Hơn
nữa, nếu đọc các tác phẩm còn sót lại, bạn sẽ thấy mặc dù chúng
trình bày và phân tích chi tiết về chủ nghĩa Khắc kỷ nhưng lại không
đưa ra một giáo án dành cho những người mới học về chủ nghĩa
Khắc kỷ. Thách thức mà tôi đối mặt trong quá trình viết cuốn sách
này là xây dựng một kế hoạch như vậy từ những manh mối rải rác
trong các tác phẩm của chủ nghĩa Khắc kỷ.
Mặc dù phần còn lại của cuốn sách sẽ cung cấp các hướng dẫn
chi tiết để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng tôi xin phép mô tả
sơ bộ ở đây một số điều cần phải làm nếu chúng ta lựa chọn chủ
nghĩa Khắc kỷ làm triết lý sống.
Chúng ta sẽ xem xét lại các mục tiêu trong cuộc sống. Đặc biệt,
chúng ta sẽ thuộc nằm lòng tuyên ngôn của phái Khắc kỷ, rằng
nhiều thứ mà chúng ta khao khát vốn dĩ chẳng đáng để theo đuổi,
nhất là danh vọng và của cải. Thay vào đó, chúng ta tập trung theo
đuổi sự bình thản và cái mà các nhà Khắc kỷ gọi là đức hạnh.
Chúng ta sẽ khám phá ra rằng đức hạnh của phái Khắc kỷ không
giống với những gì con người thời nay nghĩ về từ này. Chúng ta
cũng sẽ khám phá ra rằng sự bình thản mà các nhà Khắc kỷ truy
cầu không phải là trạng thái bình thản có thể đạt được bằng cách
uống thuốc an thần; nói cách khác, đó không phải là một trạng thái
giống như thây ma. Thay vì vậy, nó là một trạng thái không có các
cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như tức giận, đau buồn, lo âu và sợ
hãi, mà chỉ có những cảm xúc tích cực - đặc biệt là niềm vui.
Chúng ta sẽ nghiên cứu các kỹ thuật tâm lý đã được các nhà
Khắc kỷ phát triển nhằm đạt được và duy trì sự bình thản, đồng thời
sử dụng các kỹ thuật này vào cuộc sống hằng ngày. Ví dụ, chúng ta
sẽ cẩn thận phân biệt giữa những thứ mình có thể kiểm soát và
không thể kiểm soát, nhờ đó không còn bận tâm đến những thứ
không thể kiểm soát và tập trung vào những thứ có thể kiểm soát.
Chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng người khác dễ dàng làm xáo trộn sự
bình thản của chúng ta như thế nào, và do đó sẽ thực hành các
chiến lược của phái Khắc kỷ để ngăn không cho họ quấy nhiễu
chúng ta.
Cuối cùng, chúng ta sẽ quan sát chính cuộc sống của mình một
cách sâu sắc hơn. Chúng ta sẽ dõi theo bản thân khi thực hiện các
công việc hằng ngày, sau đó suy ngẫm về những điều chúng ta thấy,
cố gắng xác định những nguồn cơn gây ra đau khổ trong đời mình
và tìm cách ngăn ngừa nỗi đau khổ đó.
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ rỗ ràng sẽ đòi hỏi sự nỗ lực,
nhưng điểu này đúng với tất cả các triết lý sống chân chính. Thật
thế, ngay cả chủ nghĩa "khoái lạc khai ngộ" cũng đòi hỏi sự nỗ lực.
Mục tiêu lớn lao trong cuộc sống của những người theo chủ nghĩa
khoái lạc khai ngộ là tối đa hóa những lạc thú mà anh ta trải nghiệm
trong suốt cuộc đời. Để thực hành triết lý sống này, anh ta sẽ phải
dành thời gian tìm tòi, khám phá, xếp hạng các loại lạc thú và rà
soát mọi tác dụng phụ không mong muốn có thể phát sinh. Sau đó,
người theo chủ nghĩa khoái lạc khai ngộ sẽ đưa ra các chiến lược
nhằm tối đa hóa những lạc thú mà anh ta trải nghiệm. (Chủ nghĩa
khoái lạc mê muội, mà ở đó người thực hành tìm kiếm sự thỏa mãn
ngắn hạn một cách thiếu cân nhắc, theo tôi là một triết lý sống không
nhất quán.)
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ có lẽ sẽ đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn
so với thực hành chủ nghĩa khoái lạc khai ngộ, nhưng lại dễ dàng
hơn so với thực hành Thiền tông. Một Phật tử Thiền tông sẽ phải
thiền, một sự tu tập vừa mất nhiều thời gian vừa khó về mặt thể chất
và tinh thần. Ngược lại, thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không đòi hỏi
chúng ta dành riêng một khoảng thời gian để "tập Khắc kỷ". Mặc dù
chúng ta cần phải định kỳ suy ngẫm về cuộc đời mình, nhưng nhìn
chung là khoảng thời gian suy ngẫm này có thể được chèn vào
những thời điểm rảnh rỗi trong ngày, chẳng hạn như khi chúng ta bị
kẹt xe hoặc - theo lời khuyên của Seneca - khi chúng ta đang nằm
trên giường và chuẩn bị ngủ.
Khi đánh giá các "chi phí" gắn liên với việc thực hành chủ nghĩa
Khắc kỷ hoặc bất kỳ triết lý sống nào khác, độc giả cần phải nhận
thức rằng việc không có một triết lý sống cũng khiến bạn phải trả
giá. Tôi đã chỉ ra một cái giá phải trả: nguy cơ bạn sẽ dành những
tháng năm cuộc đời theo đuổi những thứ không có giá trị và dẫn đến
lãng phí cuộc đời mình.
Có thể lúc này, một số độc giả sẽ tự hỏi liệu việc thực hành chủ
nghĩa Khắc kỷ có phù hợp với đức tin tôn giáo của họ hay không.
Đối với phần lớn các tôn giáo, tôi nghĩ là có. Những người theo đạo
Cơ Đốc nói riêng sẽ thấy những giáo lý của chủ nghĩa Khắc kỷ cộng
hưởng với các quan điểm tôn giáo của họ. Chẳng hạn, họ cũng
mong muốn đạt được sự bình thản giống như các nhà Khắc kỷ, mặc
dù những người theo đạo Cơ Đốc có thể gọi nó là sự bình an. Họ sẽ
đánh giá cao lời huấn thị "yêu thương nhân loại" của Marcus
Aurelius. Và khi những người theo đạo Cơ Đốc bắt gặp luận điểm
của Epictetus rằng có những thứ nằm trong tầm kiểm soát và có
những thứ không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, và rằng
nếu có nhận thức, chúng ta sẽ tập trung năng lượng vào những thứ
nằm trong tầm kiểm soát, họ sẽ được gợi nhắc về Lời cầu nguyện
Bình an* vốn thường được cho là sáng tác của nhà thần học
Reinhold Niebuhr.
Tôi cần phải nói thêm rằng ngay cả những người theo thuyết bất
khả tri cũng hoàn toàn có thể đồng thời thực hành chủ nghĩa Khắc
kỷ.
Cuốn sách này được chia làm bốn phần lớn. Trong phần 1, tôi
trình bày sự hình thành của triết học. Mặc dù các triết gia hiện đại
thường dành cả đời để tranh luận về các chủ đề trừu tượng, nhưng
mục tiêu chính của hầu hết các triết gia cổ đại là giúp người bình
thường sống tốt hơn. Như chúng ta sẽ thấy, chủ nghĩa Khắc kỷ là
một trong những trường phái triết học cổ đại phổ biến và thành công
nhất.
Trong phần 2 và 3, tôi giải thích những gì chúng ta cần phải làm
để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ. Mở đầu là các kỹ thuật tâm lý đã
được chủ nghĩa Khắc kỷ phát triển đề đạt đến và sau đó là duy trì sự
bình thản. Kế tiếp, tôi sẽ đưa ra lời khuyên của phái Khắc kỷ về cách
đối phó hiệu quả nhất với những căng thẳng trong cuộc sống
thường ngày: Chẳng hạn, chúng ta nên phản ứng như thế nào khi bị
người khác xúc phạm? Mặc dù nhiều thứ đã thay đổi trong hai thiên
niên kỷ qua, nhưng tâm lý con người thì không mấy thay đổi. Do đó,
những người đang sống ở thế kỷ hai mốt có thể gặt hái được lợi ích
từ lời khuyên vốn được các triết gia như Seneca đưa ra cho người
La Mã ở thế kỷ thứ nhất.
Cuối cùng, trong phần 4 của cuốn sách, tôi bảo vệ chủ nghĩa
Khắc kỷ trước những lời chỉ trích, cũng như đánh giá lại tâm lý học
Khắc kỷ dưới ánh sáng của các phát hiện khoa học hiện đại. Tôi kết
thúc cuốn sách bằng cách thuật lại những nhận thức mà mình đã
đạt được trong quá trình thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.
Các học giả đồng nghiệp của tôi có thể hứng thú với cuốn sách
này; chẳng hạn họ tò mò xem tôi diễn giải những phát biểu của chủ
nghĩa Khắc kỷ như thế nào. Tuy nhiên, đối tượng độc giả chính mà
tôi hướng đến là những cá nhân bình thường, những người băn
khoăn không biết bản thân có đang sống lầm lỗi hay không. Đối
tượng này gồm những người dần nhận ra rằng họ thiếu một triết lý
sống nhất quán và hậu quả là họ đang lúng túng trong các hoạt
động thường ngày của mình: những thành quả họ đạt được ngày
hôm nay lại phủi sạch những thành quả đã đạt được ngày hôm
trước. Đồng thời, tôi cũng hướng đến những người đã có một triết lý
sống nhưng lo ngại rằng triết lý đó phần nào khiếm khuyết.
Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi luôn đặt ra trong đầu câu
hỏi: Nếu các nhà Khắc kỷ cổ đại đảm nhận trọng trách viết một cuốn
sách hướng dẫn cho những người sống ở thế kỷ hai mốt - một cuốn
sách chỉ cho chúng ta cách có được một cuộc sống tốt đẹp - thì
cuốn sách đó sẽ như thế nào. Các trang tiếp theo là câu trả lời của
tôi cho câu hỏi này.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #khắckỷ