Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

7. Tự tiết chế bản thân


 Thực hành tưởng tượng tiêu cực tức là suy ngẫm về những
chuyện tồi tệ có thể xảy đến với chúng ta. Seneca đề xuất mở rộng
kỹ thuật này: Bên cạnh việc suy ngẫm về những chuyện tồi tệ đang
xảy ra, đôi lúc ta cũng nên sống như thể chúng đã xảy ra rồi. Chẳng
hạn, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ về chuyện cuộc sống của ta sẽ ra
sao khi mất đi của cải, chúng ta nên định kỳ "thực hành sống kham
khổ". Tức là chúng ta nên tạm bằng lòng với "những khẩu phần ăn
thiếu thốn và rẻ tiền" cũng như "y phục thô kệch và kém chất lượng".
Theo Seneca, Epicurus, một triết gia đối thủ của phái Khắc kỷ,
cũng thực hành sống kham khổ. Tuy nhiên, mục tiêu của ông khi
làm vậy có vẻ không giống với của Seneca. Trong khi Seneca muốn
trân trọng những thứ ông đã có, thì Epicurus muốn kiểm chứng
những thứ mà ông cho rằng mình cần đến, từ đó quyết định xem
trên thực tế đâu là những thứ ông có thể sống mà không cần đến.
Ông nhận ra trong nhiều trường hợp, chúng ta làm việc vất vả để có
được một thứ gì đó vì tin rằng mình sẽ khốn khổ nếu thiếu nó. Vấn
đề là ta hoàn toàn có thể sống ổn thỏa mà chẳng cần đến một số
thứ, nhưng ta sẽ không biết được nếu không thử sống thiếu chúng.
Musonius mở rộng kỹ thuật này hơn nữa: Ông cho rằng ngoài
việc sống như thể những điều tồi tệ đã xảy đến với chúng ta, thi
thoảng chúng ta cũng nên chủ động tạo ra chúng. Chẳng hạn, chúng
ta nên định kỳ bắt bản thân phải trải nghiệm sự bất tiện mà chúng ta
có thể dễ dàng tránh được. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách
ăn mặc phong phanh khi trời lạnh hoặc đi chân đất. Hoặc chúng ta
có thể định kỳ để cho cơ thể rơi vào trạng thái đói hoặc khát, cho dù
không thiếu đồ ăn thức uống, và chúng ta có thể ngủ trên giường
cứng cho dù có sẵn một cái giường êm.
Đọc đến đây, nhiều độc giả thời nay sẽ kết luận rằng chủ nghĩa
Khắc kỷ có liên quan đến yếu tố thích bị bạo ngược (masochism).
Nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng các nhà Khắc kỷ không phải
những người suốt ngày tự hành hạ bản thân. Kỳ thực, những điều
bất tiện mà họ tự gây ra cho mình là không đáng kể. Hơn nữa, họ
không làm vậy để trừng phạt bản thân, mà là để tận hưởng cuộc
sống hơn. Và cuối cùng, thật sai lầm nếu cho rằng các nhà Khắc kỷ
đang tự làm hại bản thân họ. Điều này tạo ra hình tượng một người
mâu thuẫn với chính mình, ép buộc bản thân làm những điều anh ta
không muốn. Trái lại, các nhà Khắc kỷ sẵn lòng chịu khổ ở một mức
độ nhất định. Nói chính xác hơn, các nhà Khắc kỷ ủng hộ hành vi tự
nguyện chịu khổ chứ không phải là hành vi chịu khổ nhằm gây hại
cho bản thân.
Dẫu vậy, cách lý giải này vẫn sẽ khiến nhiều độc giả thời nay cảm
thấy khó hiểu: "Tại sao cần phải chịu khổ trong khi có thể tận hưởng
sự thoải mái hoàn toàn?" Để trả lời câu hỏi này, Musonius chỉ ra ba
lợi ích thu được từ hành vi tự nguyện chịu khổ.
Trước hết, khi tự nguyên chịu khổ - chẳng hạn như chọn bị lạnh
và bị đói trong khi có thể được sưởi ấm và ăn uống ngon lành -
chúng ta tôi luyện bản thân chống lại những tai họa có thể giáng
xuống trong tương lai. Nếu chỉ biết đến tiện nghi thoải mái, chúng ta
có thể bị tổn thương khi phải trải qua cảm giác đau đớn hoặc khó
chịu, điều gần như không thể tránh khỏi trong tương lai. Nói cách
khác, tự nguyện chịu khổ có thể được xem như một loại vắc-xin:
Bằng cách cho bản thân tiếp xúc với một lượng nhỏ vi-rút yếu ớt ở
hiện tại, chúng ta hình thành khả năng miễn dịch chống lại một căn
bệnh gây suy nhược trong tương lai. Ngoài ra, sự tự nguyện chịu
khổ có thể được xem như một khoản bảo hiểm: nếu sau này chúng
ta trở thành nạn nhân của một vận rủi, thì về cơ bản sự khó chịu mà
chúng ta phải chịu đựng khi đó sẽ ít hơn.
Lợi ích thứ hai của việc tự nguyện chịu khổ hiển hiện ngay lúc
này chứ không phải chờ đến tương lai. Một người định kỳ trải
nghiệm những khó chịu nhỏ sẽ bồi đắp niềm tin rằng anh ta cũng có
thể vượt qua những khó chịu lớn hơn, vì vậy viễn cảnh sau này phải
trải qua những khó chịu như vậy sẽ không là nguồn cơn gây lo âu
cho anh ta trong hiện tại. Theo Musonius, bằng cách trải nghiệm
những khó chịu nhỏ, anh ta đang luyện cho bản thân trở nên can
đảm hơn. Trái lại, một người chỉ quen sống tiện nghi thoải mái, chưa
bao giờ chịu cảnh đói rét, có thể sợ chết khiếp trước khả năng một
ngày nào đó phải sống trong cảnh đói rét. Kể cả bây giờ anh ta cảm
thấy thoải mái về mặt thể chất, nhưng anh ta rất có thể sẽ phải trải
nghiệm sự khó chịu về mặt tâm lý - đó là nỗi lo về những điều sẽ xảy
đến với anh ta trong tương lai.
Lợi ích thứ ba của việc tự nguyên chịu khổ là giúp chúng ta trân
trọng những gì mình sẵn có. Nhất là bằng cách chủ động trải nghiệm
cảm giác không thoải mái, chúng ta sẽ trân trọng hơn những tiện
nghi mà mình đang được hưởng. Tất nhiên, thật tuyệt khi được ở
trong một căn phòng ấm cúng còn ngoài trời thì lạnh lẽo và mưa gió,
nhưng nếu muốn tận hưởng trọn vẹn cảm giác ấm áp và an trú này,
chúng ta nên ra ngoài trời lạnh một lúc rồi lại quay vào nhà. Tương
tự thế, chúng ta có thể (như Diogenes đã nhận định) tăng đáng kể
cảm giác trân trọng đối với mọi bữa ăn bằng cách đợi tới khi đói rồi
mới ăn, cũng như tăng đáng kể cảm giác trân trọng mọi đồ uống
bằng cách đợi tới khi khát rồi mới uống.
Có thể rút ra được nhiều điều khi đối chiếu lời khuyên định kỳ tự
nguyện chịu khổ với lời khuyên của một người theo chủ nghĩa khoái
lạc mê muội. Người theo chủ nghĩa khoái lạc mê muội có thể cho
rằng cách tốt nhất để tối đa hóa sự thoải mái là né tránh sự bất tiện
bằng mọi giá. Ngược lại, Musonius cho rằng một người tìm cách né
tránh mọi sự bất tiện thì ít khi cảm thấy thoải mái hơn một người
định kỳ tiếp nhận sự bất tiện. Người sau có thể có "vùng thoải mái"
rộng hơn người trước rất nhiều và do đó sẽ cảm thấy thoải mái
trong những hoàn cảnh sẽ khiến người trước khổ sở vô cùng. Thật
tốt nếu có thể đảm bảo rằng chúng ta không bao giờ phải trải
nghiệm sự bất tiện, nhưng điều đó là bất khả thi, thế nên chiến lược
né tránh sự bất tiện bằng mọi giá thành ra lại phản tác dụng.
Ngoài việc định kỳ tự nguyện chịu khổ, theo các nhà Khắc kỷ,
chúng ta cũng nên định kỳ bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú. Đó là vì
lạc thú có một mặt tối. Seneca cảnh báo rằng việc theo đuổi lạc thú
cũng giống như chạy theo một con thú hoang: Khi bị bắt, con thú có
thể quay ra tấn công và xé xác chúng ta thành từng mảnh. Hoặc,
thay đổi phép ẩn dụ một chút, ông nói rằng những lạc thú mãnh liệt,
khi bị chúng ta tóm giữ, sẽ lại trở thành chủ nhân của chúng ta,
nghĩa là một người càng có nhiều lạc thú, "anh ta sẽ càng phải phục
tùng nhiều chủ nhân".
Qua thái độ hoài nghi đối với lạc thú, các nhà Khắc kỷ cho thấy
tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Yếm thế đối với triết lý của họ. Triết
gia Yếm thế Diogenes lập luận rằng trận chiến quan trọng nhất mà
bất cứ ai cũng phải trải qua là trận chiến chống lại lạc thú. Trận
chiến này đặc biệt cam go bởi lẽ lạc thú "không giao tranh trực diện
mà lừa lọc và làm cho ta lú lẫn bằng những thứ thuốc độc hại". Ông
cảnh báo rằng lạc thú "ngấm ngầm bày mưu lập kế hòng phá hoại
con người thông qua cảnh sắc, âm thanh, mùi vị và xúc chạm, bằng
cả đồ ăn thức uống và ham muốn xác thịt, cám dỗ những kẻ đang
tỉnh cũng như đang ngủ". Và lạc thú "vẫy cây gậy phép của ả... nhẹ
nhàng lùa nạn nhân vào một cái chuồng bẩn thỉu và nhốt anh ta lại,
kể từ đó, người này tiếp tục sống như một con lợn hoặc một con
sói".
Các nhà Khắc kỷ cho rằng có một số lạc thú mà chúng ta luôn
cần phải tránh. Cụ thể, chúng ta nên tránh những loại lạc thú có thể
chế ngự chúng ta chỉ sau một lần trải nghiệm. Có thể kể đến các loại
lạc thú có được từ một số loại thuốc kích thích. Nếu ma túy đá tồn
tại vào thời cổ đại, các nhà Khắc kỷ chắc chắn sẽ khuyên chúng ta
không nên sử dụng nó.
Thế nhưng, đáng chú ý là sự hoài nghi của các nhà Khắc kỷ với
lạc thú không dừng ở đây. Họ cũng khuyên chúng ta thỉnh thoảng
nên cố gắng tiết chế cả những lạc thú tương đối vô hại. Chẳng hạn,
chúng ta có thể cố gắng bỏ qua một cơ hội uống rượu - không phải
vì sợ trở thành kẻ nghiện rượu mà vì chúng ta có thể học cách kiểm
soát bản thân. Đối với các nhà Khắc kỷ - và thực ra là với bất kỳ ai
đang nỗ lực thực hành theo một triết lý sống - kiểm soát bản thân sẽ
là một năng lực quan trọng cần có. Suy cho cùng, nếu thiếu khả
năng kiểm soát bản thân, chúng ta sẽ rất dễ bị phân tâm trước nhiều
loại lạc thú trong cuộc sống, khi đó chúng ta khó lòng đạt được
những mục tiêu trong triết lý sống của mình.
Theo Marcus, nếu không thể cưỡng lại lạc thú thì rốt cuộc chúng
ta sẽ trở thành nô lệ, "nhảy giật lên vì những thôi thúc ích kỷ", và
dành cả đời để "ca cẩm hiện tại hoặc than vãn tương lai." Để tránh
số phận này, chúng ta phải thận trọng không cho đau đớn và lạc thú
lấn át lý trí của mình. Như Marcus đã nói, chúng ta phải học cách
"chống lại những tiếng thì thầm của nhục dục".
Do đó, trong một ngày sinh hoạt bình thường, ngoài việc đôi lúc
chọn làm những việc khiến anh ta cảm thấy khó chịu (chẳng hạn ăn
mặc phong phanh vào những hôm trời lạnh), đôi lúc một người Khắc
kỷ sẽ chọn không làm việc gì đó khiến anh ta cảm thấy dễ chịu
(chẳng hạn như ăn một bát kem). Điều này nghe chừng giống như
các nhà Khắc kỷ là những người chống lại niềm vui, nhưng không
phải vậy. Ví dụ, các nhà Khắc kỷ thấy chẳng có gì sai khi chúng ta
tận hưởng những vui thú đến từ tình bạn, cuộc sống gia đình, một
bữa ăn hoặc thậm chí là sự giàu sang, nhưng họ khuyên chúng ta
thận trọng khi tận hưởng những thứ đó. Suy cho cùng, có một ranh
giới mong manh giữa việc thưởng thức một bữa ăn và việc sa vào
tình trạng tham ăn. Một mối nguy nữa là chúng ta sẽ bám chặt lấy
những thứ mình đang tận hưởng. Thế nên ngay cả khi tận hưởng
những lạc thú, chúng ta cũng nên nghe theo lời khuyên của
Epictetus và luôn cảnh giác. Theo Seneca, đây là cách một nhà hiền
triết Khắc kỷ giải thích về điểm khác nhau giữa người Khắc kỷ và
người bình thường trong quan niệm về lạc thú. Trong khi người bình
thường đón nhận lạc thú, thì nhà hiền triết lại tiết chế nó; trong khi
người bình thường cho rằng lạc thú là thứ đáng khao khát nhất, thì
nhà hiền triết thậm chí còn không xem nó là thứ đáng khao khát; và
trong khi người bình thường làm mọi việc vì lạc thú, thì nhà hiền triết
lại chẳng làm gì cả.
Trong số các kỹ thuật của chủ nghĩa Khắc kỷ mà tôi đã bàn, kỹ
thuật tự tiết chế bản thân ở chương này chắc chắn là khó thực hành
nhất. Chẳng hạn, đối với một người Khắc kỷ, sẽ chẳng mấy thú vị
khi anh ta thực hành sống kham khổ bằng cách đi xe buýt trong khi
có thể lái xe ô tô. Cũng sẽ chẳng mấy thú vị khi ra ngoài trời trong
cơn bão tuyết mùa đông mà chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng để
cảm nhận cái lạnh nhức nhối. Và chắc chắn là chẳng vui vẻ gì khi
anh ta từ chối ăn kem rồi giải thích rằng không phải mình đang ăn
kiêng, mà là đang thực hành từ chối một thứ có thể thụ hưởng. Quả
thật, một người mới thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ phải huy động
toàn bộ sức mạnh ý chí để thực hiện những điều như vậy.
Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ khám phá ra rằng sức mạnh ý chí
cũng giống như sức mạnh cơ bắp: càng rèn luyện cơ bắp, họ càng
trở nên khỏe hơn, và càng rèn luyện ý chí, họ càng trở nên kiên định
hơn. Quả thật, bằng cách thực hành kỹ thuật tự tiết chế trong một
thời gian dài, những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ có thể biến đổi
bản thân thành những cá nhân nổi bật về dũng khí và khả năng tự
chủ. Họ có thể làm những việc mà người khác khiếp sợ không dám
làm, cũng như hạn chế làm những việc mà người khác không thể
cưỡng lại. Kết quả là họ sẽ hoàn toàn kiểm soát được bản thân. Khả
năng kiểm soát bản thân này giúp họ dễ đạt được những mục tiêu
trong triết lý sống của mình, và điều này lại giúp họ tăng đáng kể cơ
hội có được một cuộc sống tốt đẹp.
Các nhà Khắc kỷ sẽ là những người đầu tiên thừa nhận rằng
thực hành kiểm soát bản thân đòi hỏi nhiều tâm sức. Thế nhưng, họ
sẽ nói thêm rằng việc không thực hành kiểm soát bản thân cũng làm
hao tổn tâm sức. Musonius nói rằng, hãy nghĩ đến toàn bộ thời gian
và năng lượng người ta tiêu tốn cho những cuộc tình vụng trộm mà
họ sẽ không dính vào nếu kiểm soát được bản thân. Tương tự,
Seneca nhận định rằng "sự trong sạch cho ta thời gian rỗi rãi, sự
phóng đãng thì không cho ta một giây ngơi nghỉ.".
Do đó, các nhà Khắc kỷ sẽ chỉ ra rằng việc thực hành kiểm soát
bản thân cũng mang lại những lợi ích nhất định tuy có thể không rõ
ràng. Nhất là việc chủ động kiêng khem lạc thú, tự thân nó cũng có
thể mang lại cảm giác dễ chịu. Giả dụ như bạn đang ăn kiêng, tự
nhiên bạn thấy thèm ăn kem vì biết có kem trong tủ lạnh. Nếu ăn
kem, bạn sẽ có được cảm giác ngon miệng nhưng lại kèm theo mặc
cảm tội lỗi. Thế nhưng, nếu cố nhịn không ăn kem, bạn sẽ từ bỏ
cảm giác ngon miệng nhưng lại được trải nghiệm một lạc thú khác:
như Epictetus nhận định, bạn sẽ "hài lòng và tự hào về bản thân" vì
đã không ăn kem.
Tất nhiên là lạc thú này không giống như lạc thú có được từ việc
ăn kem, nhưng nó vẫn là một lạc thú. Hơn nữa, nếu tạm hoãn lại để
phân tích kỹ lưỡng trước khi ăn kem - nếu cân nhắc những phí tổn
và lợi ích của việc ăn kem so với những phí tổn và lợi ích của việc
không ăn kem - có thể thấy rằng nếu chúng ta muốn tối đa hóa niềm
vui của mình, điều nên làm là không ăn kem. Chính vì lẽ đó,
Epictetus khuyên chúng ta thực hiện kiểu phân tích này mỗi khi suy
xét có nên tận dụng một cơ hội có được lạc thú nào đó hay không.
Tương tự như vậy, giả dụ chúng ta làm theo lời khuyên của phái
Khắc kỷ là đơn giản hóa chế độ ăn. Chúng ta có thể phát hiện ra
rằng một chế độ ăn như vậy, mặc dù thiếu đi nhiêu lạc thú ăn uống,
nhưng lại là một nguồn vui hoàn toàn khác biệt. Seneca khẳng định
rằng: "Nước, bột lúa mạch và vỏ bánh mì lúa mạch tuy không phải là
một chế độ ăn thịnh soạn, thế nhưng niềm lạc thú lớn nhất là có thể
tìm được lạc thú trong những loại thức ăn này."
Không có gì lạ khi các nhà Khắc kỷ nhận ra rằng hành động từ bỏ
lạc thú tự thân nó có thể mang lại lạc thú. Như tôi đã nói, họ là một
trong những nhà tâm lý học thông thái nhất ở thời đại của họ.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #khắckỷ