Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chủ nghĩa duy vật biện chứng

Thế giới quan triết học khoa học, một trong những bộ phận hợp thành của triết học macxit; do Mac, Enghen sáng lập từ những năm 40 thế kỉ 19, được Lênin và những người macxit khác phát triển thêm. Triết học của chủ nghĩa Mac là chủ nghĩa duy vật. Nhưng Mac không dừng lại ở chủ nghĩa duy vật của thế kỉ 18 mà đưa nó lên một trình độ cao hơn bằng cách tiếp thu có phê phán những thành quả của triết học cổ điển Đức, nhất là của hệ thống triết học Hêghen, với thành quả chủ yếu là phép biện chứng, tức là học thuyết về mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen là phép biện chứng duy tâm. Vì vậy, để sử dụng phép biện chứng đó, Mac, Enghen đã cải tạo nó, đặt nó trên cơ sở duy vật. Chính trong quá trình cải tạo phép biện chứng duy tâm của Hêghen và phát triển tiếp chủ nghĩa duy vật, trên cơ sở khái quát những thành tựu khoa học tự nhiên và thực tiễn xã hội giữa thế kỉ 19, Mac, Enghen đã sáng tạo phép biện chứng duy vật hay CNDVBC. Nội dung cơ bản của CNDVBC:

Thứ nhất, đó là các nguyên lí của chủ nghĩa duy vật đã được giải thích một cách biện chứng. Theo các nguyên lí đó, "trong thế giới không có gì khác ngoài vật chất đang vận động, và vật chất đang vận động không thể vận động cách nào khác ngoài vận động trong không gian và thời gian" (Lênin). Còn ý thức là sản phẩm của vật chất có tổ chức cao (bộ óc con người) và là sự phản ánh tự giác, tích cực các sự vật và quá trình của thế giới vật chất, là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Tuy nhiên, khác với chủ nghĩa duy vật cũ, CNDVBC không chỉ khẳng định sự phụ thuộc của ý thức vào vật chất mà còn thừa nhận tác dụng tích cực trở lại của ý thức đối với vật chất thông qua hoạt động của con người.

Thứ hai, các nguyên lí của phép biện chứng được giải thích trên lập trường duy vật. Theo các nguyên lí đó: a) mỗi kết cấu vật chất có muôn vàn mối liên hệ qua lại với các sự vật và hiện tượng, quá trình khác của hiện thực; b) tất cả các sự vật cũng như sự phản ánh của chúng vào trong đầu óc con người đều ở trạng thái biến đổi, phát triển không ngừng. Nguồn gốc của sự vận động và phát triển là sự đấu tranh giữa các mặt đối lập ở ngay trong lòng sự vật. Phương thức của sự phát triển là sự chuyển hoá từ những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại, theo kiểu nhảy vọt. Chiều hướng của sự phát triển là sự vận động tiến lên theo đường xoáy trôn ốc. Nội dung của hai nguyên lí trên được thể hiện trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng (thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập; chuyển hoá những biến đổi về lượng thành những biến đổi về chất và ngược lại; phủ định cái phủ định) và trong hàng loạt cặp phạm trù có mối quan hệ biện chứng với nhau như cái chung và cái riêng, nguyên nhân và kết quả, tất nhiên và ngẫu nhiên, nội dung và hình thức, bản chất và hiện tượng, vv.

Thứ ba, phép biện chứng duy vật còn bao gồm lí luận nhận thức. Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người, nhưng đó không phải là sự phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn toàn, mà là quá trình tư duy không ngừng tiến gần đến khách thể. Cơ sở, động lực và mục đích của toàn bộ quá trình này là thực tiễn. Thực tiễn cũng chính là tiêu chuẩn của chân lí. CNDVBC là cơ sở phương pháp luận đúng đắn chỉ đạo mọi hoạt động nhận thức và cải tạo thực tiễn. Tuy vậy, CNDVBC vẫn là khoa học đang phát triển. Cùng với mỗi phát minh lớn của khoa học tự nhiên, với sự biến đổi của xã hội, các nguyên lí của CNDVBC được cụ thể hoá, được phát triển, trên cơ sở tiếp thu những tri thức mới của khoa học và kinh nghiệm lịch sử của loài người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro