CHU DICH NHL
Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Dịch : Càn (có bốn đức - đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.
Giảng: Văn Vương cho rằng bói được quẻ này thì rất tốt, hanh thông, có lợi và tất giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.
Về sau, tác giả Thóan truyện (tương truyền là Khổng tử , nhưng không chắc), cho quẻ này một ý nghĩa về vũ trụ, Càn gồm sáu hào đều là dương cả, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho trời.
Trời có đức " nguyên" vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức "hanh" vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức "lợi" và "trinh" vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa) .
Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật, theo đạo Càn thì thiên hạ bình an vô sự.
Tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho người quân tử . người quân tử có bốn đức.
Nhân, đức lớn nhất, gốc của lòng người , tức như đức "nguyên" của trời.
Lễ, là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, cho nên lễ tức như đức "hanh" của trời.
Nghĩa, đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, tức như đức "lợi" của trời.
Trí, là sáng suốt, biết rõ thị phị, có biết thị phi mới làm được mọi việc cho nên nó là đức cốt cán, cũng như đức "trinh" chính và bền - của trời.
Nguyên, hanh, lợi , trinh mà giảng thành nhân, lễ , nghĩa, trí, (bốn đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nặng của Nho gia mà ý nghĩa và công dụng của Dịch đã thay đổi khá nhiều rồi.
Trở lên trên là cách hiểu của tiên Nho, các nhà Nho chính thống. Còn vài cách hiểu "mới mẻ" hơn của một số học giả gần đây, như phùng Hữu Lan, Tào Thăng, Cao Hanh mà ở phần I, Chương IV, chúng tôi đã ghi lại rồi.
Hào từ :
Từ đây trở xuống là Hào từ, lời Chu Công đoán về mỗi hào.
初 九: 潛 龍 勿 用
Sơ cửu: Tiềm long vật dụng.
Dịch : hào 1 dương: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được.
Giảng: Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại thuộc về lòai dương, cho nên chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào - đều là dương cả - trong quẻ Càn.
Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Ý nghĩa rất rõ, Tiểu tượng truyện không giảng gì thêm. Còn Văn Ngôn truyện thì bàn rộng ra về cách sử sự của bâc thánh nhân, người quân tử : chưa gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình.
九 二 : 見 龍 在 田 . 利 見 大 人 .
Cửu nhị: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 2, dương: rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.
Giảng: hào 2 là dương, ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là gặp thời, tài đức giúp ích cho đời được: lại thêm hào ứng với nó là hào 5, cũng là dương, cũng đắc trung (vì ở giữa ngọai quái); cho nên hào 2 có thể ví với con rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng; mà cũng như người có tài đức gặp thời, nên kiến đại nhân).
Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2.
九 三: 君 子 終 日 乾 乾, 夕 惕 若. 厲, 无 咎.
Cửu tam: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu.
Dịch: hào 3, dương: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tôi lỗi.
Giảng: Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngọai quái, nghĩa là ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, cho nên bảo là nguy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi.
Văn ngôn bàn thêm: người quân tử giữ trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để lập sự nghiệp . . .nhờ vậy mà thấu được đạo lý, giữ được điều nghĩa làm được sự nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, địa vị thấp mà không lo (coi tòan văn ở phần I, Chương II . .. )Lời khuyên đó cũng tựa như lời khuyên ở hào 2
九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎.
Cửu tứ: Hoặc dược, tại uyên, vô cữu.
Dịch: Hào 4, dương: như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi.
(Có người dịch là như con rồng có khi bay nhảy trên vực sâu, không lầm lỗi).
Giảng: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thóai thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ "hoặc": không nhất định.
Tuy bất chính, bất trung như nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử , biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi.
Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được.
Văn ngôn không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.
九 五 : 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.
Cửu ngũ: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào 5, dương: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi.
Giảng : Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt,vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua).
Chữ đại nhân (người có tài đức) trỏ cả hào 5 lẫn hào 2: hai đại nhân ở hai hào đó nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi.
Văn ngôn giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân: "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật đều trông vào (...) Mọi vật đều theo loài của nó" (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ (...) các tùy kỳ loại dã).
上 九 . 亢 龍 有 悔.
Thượng cửu: Kháng long hữu hối.
Dịch: Hào trên cùng, dương: Rồng lên cao quá, có hối hận.
Giảng: hào dương này ở trên cao của quẻ , cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu, (doanh bất khả cửu).
Văn ngôn : giảng thêm: Hào 5 địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên hào 6 mà họat động thì tất có điều phải ăn năn. (Lời giảng trong Văn ngôn, tác giả Hệ Từ truyển dẫn lại trong thiên thương, Chương VIII, Tiết 9).
Tóm lại thời của hào này là thời không nên họat động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử .
用 九 . 見 群 龍 無 首 . 吉 .
Dụng cửu: Kiến quần long vô thủ. Cát.
Dịch: (nghĩa từng chữ) Dùng hào dương: thấy bầy rồng không có đầu, tốt.
Chú thích: chu Hi giảng: Gặp quẻ Càn này mà sáu hào (dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh nhân dùng cái tượng bầy rồng (sáu hào dương) mà không đầu (tức là nhu) để diễn ý đó.
J. Legge, R. Wilhelm đều hiểu theo Chu Hi mà không giảng gì thêm. Duy Phan Bội Châu đưa thêm ý kiến riêng, đại ý bảo "Dụng cửu" không phải là một hào. "quần long vô thủ" là sáu hào dương đều biến cả. Con rồng họat động khác thường là cốt ở cái đầu. Sáu hào dương đã biến (ra âm) hết thì không còn hình tích họat động nữa, cho nên gọi là rồng không đầu.
Nhưng cụ cũng nhận rằng đó chỉ là mặt chữ mà giải thích nghĩa đen thôi, chứ cái "ý thâm diệu của thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá" Nghĩa là lời kinh tối nghĩa quá, cụ không hiểu nổi.
- Cao Hanh hiểu khác, bảo "bầy rồng không đầu, nghĩa là bầy rồng đã bay lên trời, đầu bị mây che, nên chỉ thấy mình và đuôi. Đó là cái tượng rồng cưỡi mây lên trời, tốt".
Cách giảng đó dễ hiểu, nhưng hai chữ "dụng cửu" có nghĩa gì đây, phải là một "hào" mới không, thì ông không cho biết. Cứ theo cách ông giảng "dụng lục" của quẻ Khôn - coi quẻ sau - cho "dụng lục" là một hào, thì chắc ông cũng cho "dụng cửu" của quẻ Càn là một hào. Nếu vậy thì "hào" này ra sao? Có phải là cả sáu hào của quẻ đều từ dương biến ra âm, như Chu Hi giảng không ?
- Tào Thăng giải nghĩa khác nữa: "Cửu " là hào dương biến; "dụng" là lợi dụng, "vô thủ" là không có đầu mối. Đạo Càn (quần long) vận hành, biến hóa kỳ diệu, vạn vật nhờ đó mà thành công, nhưng cái lý do nó không thể thấy được (vô thủ), hễ dùng nó hợp thời thì tốt.
Vậy cơ hồ Tào không cho "dụng cửu" là một hào, mà chỉ có nghĩa là cách dùng quẻ Càn.
- Chu Tuấn Thanh trong "Lục thập tứ quái kinh giải" - Cổ tịch xuất bản xã - đưa ra một cách giải nữa cho "Dụng cửu" là tóm lại nghĩa của sáu hào thuần dương, Thuần dương là cái đức của trời, là gốc của vạn vật không có gì ở trước nó được, ở trước nó thì xấu, theo sau nó thì tốt. Đó là ý nghĩa của hai chữ "vô thủ" Nghĩa này theo tôi, khó chấp nhận được.
- Nghiêm Linh Phong trong "Chu Dịch tân luận" - Chính trung thư cục -dẫn nhiều thuyết nữa.
Thuyết của Vương An Thạch, Đô Khiết, cho câu: "dụng cửu: Kiến quần long vô thủ, cát "không phải là một tiết riêng mà chỉ là tiếp theo tiết Thượng cửu"
Thuyết của Ngô Nhân Kiệt, bảo các bản Dịch thời cổ, cho đến đời Phi Trực nhà Hán không có hai chữ "Dụng cửu", đời sau thêm vào v.v. . .
Tóm lại câu "dụng cửu . ." này, tới nay vẫn còn là một bí mật, không ai hiểu rõ nghĩa, tòan là đóan phỏng. Nếu coi nó là một hào thứ bảy tức trường hợp cả 6 quẻ Càn biến một lần ra âm hết, thì trường hợp đó cả ức triệu lần chưa chắc đã xảy ra một (1), các sách bói, đóan số không khi nào dùng nó cả. Về triết lý, thì ý nghĩa của nó chẳng có gì đặc biệt, cũng chỉ là biết cương mà cũng biết nhu, hợp thời mới tốt.
*
PHỤ LỤC
Dưới đây chúng tôi trích dẫn vài cách giải hào 1 qủe Càn của một số học giả gần đây, để độc giả so sánh.
- Chu Tuấn Thanh (sách đã dẫn)
"rồng có 81 cái vảy ! đủ chín lần chín, cho nên dùng nó để tượng trưng hào dương. Rồng tới tiết xuân phân thì lên trời, tiết thu phân thì nấp dưới vực. Hào dương ở vị trí 1, tức là tháng giêng theo lịch nhà chu, tháng tí. Khí dương lúc đó mới động ở suối vàng (hòang tuyền) chưa manh nha, còn tiềm phục, như người có thánh đức ở giữa đám người ngu . . .cho nên chưa dùng được, tài đức chưa thi thố được."
- Tào Thăng (sách đã dẫn).
"người thời cổ thấy con rồng khéo biến hóa, cho nó là thần kỳ, dùng nó để đại biểu năng lực. Nếu lấy chữ "long" (rồng) làm chữ "năng" (lực) mà giảng thì con rồng ở dưới vực không dùng được, vì năng lực nó còn tiềm phục, chưa hiện, chưa sinh tác dụng được (. . .)
Dùng cái phép của hào mà giảng thì hào 1 ở dưới hào 2, hào 2 chưa động thì hào 1 không thể động trước. Hào 1 biến động quẻ Càn này thành quẻ Cấu (trên là Thiên, dưới là Phong) thì cũng chỉ là mới gặp "ở âm" (?)mà thôi, cho nên bảo là rồng còn ẩn náu, chưa dùng được (Cấu có nghĩa là gặp).
- Cao hanh (sách đã dẫn) Tôi chỉ trích câu cuối:
"con rồng còn ẩn ở dưới vực mà không hiện, có cái "tượng" tĩnh mà không động. Bói được quẻ này thì không nên thi hành.
Chúng tôi không biết các học giả Trung Hoa gần đây còn những cách giảng nào mới mẻ hơn không, chứ ba cách trên không kỹ gì hơn cách của người xưa, mà cũng chẳng phát huy thêm được gì.
Khôn: Nguyên, hanh , lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi. Tây nam đắc bằng, đông bắc táng bằng. An trinh, cát.
Dịch: Khôn có đức đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của con ngựa cái. Người quân tử có việc làm mà thủ xướng thì lầm, để người khác thủ xướng mà mình theo sau thì được. chỉ cốt lợi ích cho vạn vật. đi về phía tây nam thì được bạn, về phía đông bắc thì mất bạn. An lòng giữ đức bên vững, tốt.
Giảng : Quẻ Càn gồm 6 hào dương, quẻ Khôn gồm 6 hào âm. Càn "tượng" (1) trời thì không "tượng" đất. Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở vô hình, thuộc phần khí; nhưng phải nhờ Khôn vạn vật mới hữu hình, mới sinh trưởng, cho nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn; chỉ khác Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn; cho nên các đức nguyên, hanh, lợi, Khôn có đủ như Càn; chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) thì Khôn hơi khác: tuy chính và bền nhưng phải thuận. Văn Vương dùng con ngựa cái để "tượng" Không: ngựa là giống mạnh mà ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực.
Cũng vì Khôn có đức thuận, cho nên khởi xướng phải là Càn, Khôn chỉ tiếp tục công việc của Càn. Người quân tử nếu ở vào địa vị khôn, phải tùy thuộc người trên thì làm việc cũng đừng nên khởi xướng để khỏi lầm lẫn, chờ người ta khởi xướng rồi mới theo thì được việc, như vậy là có đức dày như đất, chở được muôn vật, lớn cũng không kém đức của trời (Càn): "Quân tử dĩ tự cường bất tức" là bài học rút ra từ quẻ Càn.
Chu công còn khuyên đi về phía Tây Nam vì trên Hậu thiên bát quái Khôn ở phía Tây nam (có học giả hiểu là phía Tây và phía Nam) thì được bạn (hoặc được tiền bạc, vì chữ "bằng" cò thể hiểu là bằng hữu, cũng có thể hiểu là bằng bối: bối là vỏ sò ngao xưa dùng làm tiền, 1 bằng là 2 hoặc 10 bối) nếu đi về phía Đông bắc thuộc dương thì mất bạn (hoặc tiền bạc).
Được quẻ này, nến theo những lời khuyên đó mà an lòng, giữ đức bền vững thì tốt.
Câu "Quân tử hữu du vãng, tiên mê hậu đắc" có người hiểu là: "Người quân tử có đi đâu thì trước lầm sau đúng", mà không giảng tại sao lại như vậy. Hiểu như chúng tôi ở trên thì có lý hơn, làm rõ cái đạo "thuận tòng thì tốt" của Khôn. Chữ "du" ở trong kinh Dịch thường dùng như chữ "sở"
Tác giả Văn Ngôn không giảng gì thêm chỉ tóm tắt lại: Đạo Khôn là thuận theo trời mà tiến hành không ngừng.
Hào từ:
1) 初 六: 履 霜, 堅 冰 至
Sơ lục: Lý sương, kiên băng chí.
Giảng: Đây là hào âm đầu tiên trong quẻ. Âm thì lạnh, nên Chu Công ví với sương lạnh mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Hao này có hàm cái ý phải thận trọng từ bước đầu. Tiểu tượng truyện không giảng thêm, còn Văn ngôn truyện thì khuyên ta:
"Nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc (để đến đời sau); nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ (để đến đời sau). Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm chiều; tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy" (tích thiện chí gia tất hữu dư khách, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương: Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã)."
Chúng ta để ý: hào 1 quẻ Càn, Dịch chỉ khuyên cứ ở ẩn, tu đức luyện tài chờ thời; còn hào 1 quẻ Khôn này. Dịch răn phải đề phòng từ đầu, nếu không sẽ gặp họa; như vậy Dịch tin ở Dương hơn đạo Âm, trọng Dương hơn Âm .
2) 六 二: 直 方 大, 不 習 无 不 利
Lục nhị: trực phương đại, bất tập vô bất lợi.
Dịch: Hào 2, âm (Đức của mình) thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là không lợi.
Giảng: Hào này rất tốt: thể là âm, vị cũng là âm ( hào chẳn), thế là đắc chính, cho nên bảo là có đức thẳng (trực) nó lại đắc trung, (ở giữa nội quái) cho nên bảo là vuông vức (phương) (1) nó lại ở trong quẻ Khôn, có qui mô lớn, nên chẳng cần học tập khó khăn mà hành động nào cũng hợp đạo lý.
Văn ngôn giảng thêm: người quân tử muốn như hào 2 này mà ngay thẳng ở trong lòng thì phải có đức kinh; vuông ở ngòai (khi tiếp vật) thì phải có đức nghĩa. Có hai đức kính, nghĩa đó thì sẽ không cô lập (?). Nguyên văn: "bất cô", Chu Hi giảng là to lớn, tức có ý cho rằng: Kính thì "trực", nghĩa thì "phương". Có đủ kính và phương thì là "đại". Chúng tôi hiểu theo câu: Đức bất cô, tất hữu lân" (người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức như mình (bạn đây là hào 5, ứng với 2) không biết có đúng không.
3) 六 三: 含 章 可 貞, 或 從 王 事, 无 成 有 終
Lục tam: hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung.
Dịch: Hào 3, âm: Ngậm chứa (đừng để lộ ra) đức tốt mà giữ vững được, có khi theo người trên mà làm việc nước, đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.
Giảng: Hào 3 là âm mà ở vào địa vị dương (lẻ), như vậy là không chính, nhưng nó vốn có đức nhu thuận của quẻ Khôn, thêm được tính cương kiện của vị dương, thì lại là tốt (đây là lẽ biến hóa của Dịch).
Nó đứng trên cùng nội quái, tức có thể có chức phận, cho nên bảo là có lúc theo bề trên làm việc nước. Nhưng nó nên nhũn, nhu thuận (đức của Khôn) chỉ làm trọn nghĩa vụ mà đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.
Văn ngôn bàn thêm: Ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của vợ, của bề tôi (địa đạo, thê đạo, thần đạo). Đó là cách cư xử của người dưới đối với người trên.
4) 六 四: 括 囊, 无 咎, 无 譽.
Lục cửu: quát nang, vô cữu, vô dự.
Dịch: Hào 4 âm: như cái túi thắt miệng lại, (kín đáo giữ gìn) thì khỏi tội lỗi mà cũng không danh dự.
Giảng: hào 4 là âm ở địa vị âm trong một quẻ tòan âm, mà không đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, không có chút cương cường nào. Đã vậy, mà ở sát hào 5, tức là có địa vị một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, an thân, mặc dầu không có danh dự gì.
Hào 4 quẻ Càn cũng ở địa vị như hào này, nhưng là dương, có tài năng, nên còn có thể bay nhảy, tiến được (hoặc dược), khác nhau ở chỗ đó.
Văn ngôn cho hào này có cái tượng "âm cự tuyệt dương" (vì không có chút dương nào cả từ bản thể tới vị), như vậy là âm dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao nhau (thiên địa bế), lúc đó hiền nhân nên ở ẩn (hiền nhân ẩn), rất thận trọng thì không bị tai họa.
5) 六 五: 黄 裳, 元 吉.
Lục ngũ: hoàng thường, nguyên cát.
Dịch : hào 5, âm: như cái xiêm màu vàng, lớn, tốt (rất tốt).
Giảng Hào 5 là hào chí tôn trong quẻ , đắc trung. Tuy nó không đắc chính vì là âm mà ở vị dương; nhưng ở trong quẻ Khôn,như vậy lại tốt vì có chút cương, không thuần âm, thuần nhu, như hào 4, tức là có tài, nhưng vẫn là Khiêm nhu (vì là âm). Âm còn hàm ý văn vẻ nữa, trái với dương cương kiện là võ. Cho nên Chu Công cho là hào này rất tốt, và "tượng" bằng cái xiêm màu vàng. Vàng là màu của đất, của trung ương (hàm ý không thái quá, không bất cập) của vàng, đồng, nên người Trung Hoa thời xưa rất quí, chỉ vua chúa mới được dùng màu vàng trong y phục. xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, hàm cái nghĩa khiêm hạ, không tự tôn.
Văn ngôn bàn thêm: người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm, tự coi mình ở thể dưới (như cái xiêm); như vậy là chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, tốt đẹp như vậy là cùng cực.
Như vậy Dịch tuy coi âm (Khôn) không quí bằng dương (Càn), nhưng có lúc coi trọng đức khiêm nhu, mà Dịch cho là đức của người văn minh. Tinh thần đó là tinh thần hiếu hòa, trọng văn hơn võ. Hào 5 quẻ Càn, Chu Công cho là đại quí (long phi tại thiên) nhưng chỉ bảo: "Lợi kiến đại nhân"; còn hào 5 quẻ không thì khen là"nguyên cát" hào tốt nhất trong Kinh Dịch, là có nghĩa vậy.
6) 六 上: 龍 戰 于 野, 其 血 玄 黄.
Lục thượng: Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.
Dịch: Hào trên cùng âm : Như rồng đánh nhau ở đồng nội, đổ máu đen máu vàng.
Giảng: hào này âm lên tới điểm cực thịnh. Âm dương tuy bổ túc nhau, nhưng bản thể vẫn là ngược nhau, đối địch nhau. Khi âm cực thịnh, dương cũng vậy ( hào 6 quẻ Càn) thì hai bên tất tranh nhau, và cả hai đều bị hại. Đạo đến đó là cùng rồi. cũng vẫn cái nghĩa thịnh cực thì suy như hào 6 quẻ Càn.
Văn ngôn: không giảng gì khác, chỉ cho biết rằng "huyền hoàng": là sắc của trời đất, âm dương .
Cao Hanh ngờ rằng hai chữ đó [玄 黄] thời xưa dùng như hai chữ [ ] (vì đọc như nhau) và có nghĩa là chảy ròng ròng. Không rõ thuyết nào đúng, nhưng đại ý vẫn là tai hại cả cho hai bên.
7) 用 六: 利 永 貞.
Dụng lục: Lợi vĩnh trinh.
Dịch: (nghĩa từng chữ) dùng hào âm: phải (nên) lâu dài, chính và bền.
Giảng: Hai chữ "dụng lục" ở đây cũng như hai chữ "dụng cửu" ở quẻ Càn rất tối nghĩa, và câu 7 này mỗi nhà giảng một khác. Dưới đây tôi chỉ đưa ra ba thuyết:
• Thuyết của tiên nho: sáu hào âm biến ra sáu hào dương, tức Thuần khôn biến thành Thuần Càn, như một người nhu nhược biến ra một người cương cường, cho nên bảo là: phải (nên) lâu dài, chính và bền.
• Thuyết của Cao Hanh: hỏi về việc cát hay hung lâu dài, mà được "hào" này thì lợi.
• Thuyết của Tào Thăng: Khôn thuận theo Càn cho nên gọi là lợi; Không động thì mở ra, tĩnh thì đóng lại. Cho nên bảo chính và bền, ý muốn nói: đạo Khôn đơn giản mà tác tác thành vạn vật.
Chú ý: chỉ hai quẻ Càn và Khôn là có Văn ngôn truyện, Dụng Cửu và dụng Lục; từ quẻ sau trở đi không còn những tiết đó nữa.
Ngọai quái (ở trên) là Khảm, nội quái (ở dưới) là Chấn. Khảm là thủy (mà cũng là vân: mây), chấn là lội (sấm) cho nên quẻ này gọi là Thủy lôi (hoặc Vân Lôi), có nghĩa là Truân
䷂
Theo Tự quái truyện thì sở dĩ sau hai quẻ Càn, Khôn tới quẻ Truân là vì có trời đất rồi vạn vật tất sinh sôi nảy nở đầy khắp, mà lúc sinh sôi đó là lúc khó khăn. Chữ Truân [屯] có cả hai nghĩa đó: đầy và khó khăn
屯 : 元, 亨, 利, 貞, 勿 用 有 攸 往, 利 建 侯 .
Truân: Nguyên, hanh, lợi , trinh, vật dụng hữu du vãng, lợi kiến hầu.
Dịch: Gặp lúc gian truân, có thể hanh thông lắm (nguyên hanh), nếu giữ vững điều chính (trái với tà) và đừng tiến vội, mà tìm bậc hiền thần giúp mình (kiến hầu là đề cử một người giỏi lên tước hầu).
Giảng: Thóan truyện và Đại tượng truyện giảng đại ý như sau:
Tượng quẻ này là sấm (Chấn) ở dưới mà trên mưa (Khảm), tức có nghĩa động ở trong chốn hiểm, (Khảm là nước có nghĩa là hiểm trở) (1) cho nên có nghĩa là truân.
Lại thêm: nội quái có một hào dương (cương) hai hào âm (nhu); ngọai quái cũng thế; như vậy là cương nhu, dương âm bắt đầu giao nhau để sinh vạn vật màl úc đầu bao giờ cũng gian nan: truân.
Trong lúc gian nan mà hành động thì có thể tốt, nhưng phải kiên nhẫn giữ điều chính; đừng vội hành động mà trước hết nên tìm người tài giỏi giúp mình. Người tài đứng ra cáng đáng lúc đầu (người mình cất nhắc lên tước hầu) đó là hào 1 dương . Dương thì cương, có tài; hào 1 lại là hào chủ yếu torng nội quái (chấn) có nghĩa họat động. buổi đầu gian nan thì được người đó, tỉ như lập được một đòan thể có nhiều người có tài kinh luân, thì mọi việc sẽ làm được tốt. Đó là ý nghĩa quẻ Truân.
Hào Từ:
初 九: 磐 桓, 利 居 貞, 利 建 侯 .
Sơ cửu: Bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu.
Dịch: Hào 1, dương : còn dùng dằng, giữ được điều chính thì lợi, được đặt lên tước hầu (nghĩa là được giao cho việc giúp đời lúc gian truân) thì lợi.
Giảng: Như trên tôi đã nói, hào này là dương, tượng người có tài, lại đắc chính vì dương ở dương vị, cho nên giữ được điều chính và có lợi; sau cùng nó là dương mà lại dưới hai hào âm trong nội quái, có cái tượng khiêm hạ, được lòng dân. Vậy là người quân tử mới đầu tuy còn do dự, sau sẽ được giao cho trọng trách giúp đời.
六 二: 屯 如 邅 如, 乘 馬 班 如, 匪 寇 婚 媾 . 女 子 貞 不 字, 十 年 乃 字 .
Lục nhị: Truân như, chuyên như, thừa mã ban như. Phỉ khấu hôn cấu, nữ tử trinh bất tự, thập niên nãi tự.
Dịch : hào 2, âm : Khốn đốn khó khăn như người cưỡi ngựa còn dùng dằng lẫn quẩn (Nhưng hào 1 kia) không phải là kẻ cướp, chỉ là muốn cầu hôn với mình thôi. Mình cứ giữ vững chí, đừng chịu, mười năm nữa sẽ kết hôn (với hào 5).
Giảng: Hào 2, âm, vừa đắc trung lẫn đắc chính, lại ứng với hào 5 cũng đắc trung đắc chính ở trên, như vậy là tốt. Chỉ hiềm cách xa hào 5 mà lại ở sát ngay trên hào 1, dương , bị 1 níu kéo, cho nên còn ở trong cảnh truân chuyên (khó khăn). Nhưng đừng ngại, hào 1 có tư cách quân tử , không phải là kẻ xấu muốn hảm hại mình, chỉ muốn cưới mình thôi (1 là dương, 2 là âm). Đừng nhận lời, cứ giữ vững chí, mươi năm nữa sẽ kết hôn với hào 5.
Chữ tự [ 字 ] ở đây nghĩa là gả chồng. Theo kinh Lễ, con gái tới tuổi gã chồng thì cài trâm và đặt tên tự.
六 三: 即 鹿, 无 虞, 惟 入 于 林 中. 君 子 幾, 不 如 舍, 往 吝 .
Lục tam: Tức lộc, vô ngu, duy nhập vu lâm trung. Quân tử cơ, bất như xả, vãng lận.
Dịch: Hào 3 âm: đuổi hươu mà không có thợ săn giúp sức thì chỉ vô sâu trong rừng thôi (không bắt được). Người quân tử hiểu cơ sự ấy thì bỏ đi còn hơn, cứ tíếp tục tiến nữa thì sẽ hối hận.
Giảng: Hào 3 là âm, ở dương vị, bất chính bất trung; tính chất đã không tốt mà ở vào thời truân; hào 6 ở trên cũng là âm nhu không giúp được gì mình, như vậy mà cứ muốn làm càn, như người ham đuổi hươu mà không được thợ săn giúp (chặn đường con hươu, đuổi nó ra khỏi rừng cho mình bắt) thì mình cứ chạy theo con hươu mà càng vô sâu trong rừng thôi. Bỏ đi là hơn.
六 四: 乘 馬 班 如 . 求 婚 媾, 往 吉, 无 不 利 .
Lục tứ: Thừa mã ban như. Cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lợi.
Dịch: Hào 4, âm: cưỡi ngựa mà dùng dằng. Cầu bạn trăm năm (hay đồng tâm) ở dưới (ở xa) thì không gì là không tốt.
Giảng: Hào này âm nhu, đắc chính là người tốt nhưng tài tầm thường, gặp thời Truân không tự mình tiến thủ được. Tuy ở gần hào 5, muốn cầu thân với 5, nhưng 5 đã ứng với 2 rồi, thế là 4 muốn lên mà không được, như người cưỡi ngựa muốn tiến mà dùng dằng. Chu Công khuyên hào 4 nên cầu hôn với hào 1 ở dưới thì hơn: (vì 1 có tài đức) mà cùng nhau giúp đời, không gì là không lợi.
Chúng ta để ý: cặp 5-2 rất xứng nhau, cả hai đều đắc chính, đắc trung, rất đẹp, cặp 4-1 không đẹp bằng: 4 bất trung, kém 2; cho nên phải kết hợp với 1 ở dưới, 1 tuy ở dưới mà đắc chính, như vậy là xứng đôi. Đó là luật: "dĩ loại tụ", họp với nhau thì phải xứng nhau, đồng tâm, đồng đạo.
九 五: 屯 其 膏; 小 貞 吉, 大 貞 凶 .
Cửu ngũ: Truân kì cao; tiểu trinh cát, đại trinh hung
Dịch: Hào 5, dương: Ân trạch không ban bố được (nguyên văn: dầu mỡ (cao) không trơn (truân), chỉnh đốn việc nhỏ thì tốt, việc lớn thì xấu.
Giảng: Hào cửu ngũ này vừa chính vừa trung, ở địa vị chí tôn, đáng lẽ tốt; nhưng vì ở trong thời gian truân (quẻ Truân) lại ở giữa ngọai quái là Khảm, hiểm, nên chỉ tốt vừa thôi. Hào 2 tuy ứng với nó nhưng âm nhu , không giúp được nhiều; lại thêm hào 1 ở dưới, có tài đức, được lòng dân, uy quyền gần như lấn 5, mà ân trạch của 5 không ban bố khắp nơi được. Cho nên 5 phải lần lần chỉnh đốn các việc nhỏ đã, đừng vội làm việc lớn mà hỏng.
Nghĩa là tuy có tài đức, có địa vị, nhưng cũng phải đợi có thế có thời nữa.
上六: 乘 馬 班 如, 泣 血 漣 如 .
Thượng lục: Thừa mã ban như, khấp huyết liên như.
Dịch: Hào trên cùng âm. Cưỡi ngựa mà dùng dằng, khóc tới máu mắt chảy đầm đìa.
Giảng: Hào này ở trên cùng, là thời gian truân tới cực điểm. Nếu là hào dương (có tài trí) thì gian truân cùng cực sẽ biến thông; nhưng hào này là hào âm, bất tài, bất trí, nhu nhược, chỉ biết lên lưng ngựa rồi mà vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt (Hào tuy ứng với hào 6 nhưng cũng âm nhu, chẳng giúp được gì.)
Đọc xong ba quẻ đầu này chúng ta cũng đã thấy: thể của hào chỉ cò: âm và dương, vị của hào chỉ có 6: từ hào sơ đến hào thượng; nhưng ý nghĩa mỗi hào rất thay đổi, tùy ý nghĩa của trọn quẻ, cho nên hào 1 dương quẻ Càn không giống hào 1 dương quẻ Truân; hào 5 dương quẻ Truân cũng không giống hào 5 dương quẻ Càn; hào 2 âm quẻ Khốn không giống hào đó quẻ Truân, hào 6 âm quẻ Truân cũng không giống hào đó qủe khôn. ý nghĩa của quẻ quyết định ý nghĩa của hào, nói cách khác: quẻ là cái thời chung của các hào, mà hào là mỗi việc, mỗi hoàn cảnh trong thời chung đó.
Quẻ số 3 là Truân, lúc vạn vật mới sinh. Lúc đó vạn vật còn non yếu, mù mờ, cho nên quẻ 4 này là Mông. Mông có hai nghĩa: non yếu và mù mờ
Thoán từ :
蒙: 亨, 匪我 求 童 蒙, 童 蒙 求 我 .
初 筮 告, 再 三 瀆, 瀆 則 不 告 .利 貞 .
Mông: Hanh, Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã.
Sơ phệ cáo, tái tam độc, độc tắc bất cáo. Lợi trinh.
Dịch: trẻ thơ được hanh thông. Không phải ta tìm trẻ thơ mà trẻ thơ tìm ta. Hỏi (bói) một lần thì bảo cho, hỏi hai ba lần thì là nhàm, nhàm thì không bảo. Hợp với đạo chính thì lợi (thành công).
Giảng : Theo nghĩa của quẻ thì cấn là ngưng, Khảm là hiểm. Ở trong (nội quái) thì hiểm, mà ở ngoài (ngoại quái) thì ngưng, không tiến được, tỏ ra ý mù mờ, cho nên gọi là Mông.
Xét theo hình tượng thì ở trên có núi (Cấn), dưới chân núi có nước sâu (khảm), cũng có nghĩa tối tăm (Mông). Cũng có thể giảng là dưới chân núi có suối nước trong, tức như hạng người còn nhỏ (khi thành sông mới là lớn), hạng "đồng mông", cho nên gọi quẻ này là Mông (mông có nghĩa là non yếu).
Đặc biệt quẻ này chỉ chú trọng vào hào 2 và hào 5. Hào 2 là dương cương, đắc trung làm chủ nội quái, đáng là một vị thầy cương nghị, khải mông (tức mở mang cái tối tăm) cho trẻ. Hào đó ứng với hào 5 âm nhu thuận mà cùng đắc trung, là tượng học trò ngoan. Vậy là thầy trò tương đắc, sự học hành tất có kết quả tốt, cho nên quẻ này có đức hanh thông.
Tư cách của thầy cương, của trò nhu, cho nên thầy không phải cầu trò, mà trò phải cầu thầy. Và khi dạy, trò hỏi một lần thì bảo, nếu hỏi 2, 3 lần thì là nhàm, không bảo. Giữ được đạo chính (hoặc bồi dưỡng chính nghĩa) thì lợi thành công.
Hào từ :
1. 初 六: 發 蒙, 利 用 刑 人, 用 說 桎 梏, 以 往 吝.
Sơ lục: phát mông, lợi dụng hình nhân, Dụng thoát chất cốc, dĩ vãng lận.
Dịch: Hào 1, âm: mở mang cái tối tăm (cho hạng người hôn ám) thì nên dùng hình phạt cốt cho họ thoát khỏi gông cùm, nhưng đừng đi quá mức sẽ hối tiếc.
Giảng: Hào âm này vị ở thấp nhất trong quẻ Mông là tượng kẻ hôn ám nhất, phải dùng hình phạt trừng trị mới cởi cái gông cùm (vĩ vật dục) cho họ được; khi có kết quả rồi thì thôi, đừng quá dùng hình phạt mà sẽ ân hận.
Chữ : "dụng hình nhân", dịch sát là dùng người coi về hình, tức dùng hình phạt.
2. 九 二 . 包 蒙 吉 . 納 婦 吉 . 子 克 家 .
Cửu nhị: Bao mông cát, nạp phụ cát, tử khắc gia.
Dịch: Hào, dương: Bao dung kẻ mờ tối, dung nạp hạng người nhu ám như đàn bà, tốt; (ở ngôi dưới mà gánh vác việc trên) như người con cai quản được việc nhà.
Giảng: Hào 2 dương, cương cường, nhưng đắc trung cho nên bảo là có đức bao dung; nó làm chủ nội quái, thống trị cả bốn hào âm, cho nên bảo nó dung nạp được các hào âm, tức hạng người nhu ám như đàn bà, nó ở dưới thấp mà lại là hào quan trọng nhất trong quẻ, nên ví nó như người con cai quản được việc nhà. Tóm lại hào này tốt.
Phan Bội Châu giảng ba chữ "tử khắc gia"cách khác: Cụ cho hào 5 ở địa vị tôn trong quẻ trên (ngoại quái) tức như cha trong nhà, hào 2 ở dưới, tức như con. Cha nhu nhược (vì là âm), con cương cường sáng suốt (vì là dương), cảm hóa được cha mà cha hết hôn ám, như vậy là con chỉnh lý được việc nhà.
Cao Hanh chỉ đứng về phương diện bói, mà không đứng về phương diện đạo lý, không cho Kinh Dịch có ý nghĩa triết lý, xử thế, cho nên hiểu khác hẳn: giảng "nạp phụ" là cưới vợ cho con "tử khắc gia" là con thành gia thất, đó là cái việc tốt của người làm bếp mắt không có đồng tử (bao mông, theo ông là : bào mông, bào là người làm bếp, mông là mắt không có đồng tử). Đại khái cách hiểu của Cao Hanh như vậy, xin đơn cử làm thí dụ.
3. 六 三: 勿 用 取 女 見 金 夫 .
不 有 躬, 无 攸 利.
Lục tam: Vật dụng thủ nữ kiến kim phu.
Bất hữu cung, vô du lợi.
Dịch : hào 3, âm: đừng dùng hạng con gái thấy ai có vàng bạc là (theo ngay) không biết thân mình nữa; chẳng có lợi gì cả.
Giảng: Hào 3 là âm nhu (ở trong quẻ Mông, là hôn ám) bất trung, bất chính, cho nên ví với người con gái không có nết, bất trinh, ham của. Mà hạng tiểu nhân thấy lợi quên nghĩa cũng vậy (âm còn có nghĩa là tiểu nhân). Phan Bội Châu cho hào này xấu nhất; hạng người nói trong hào không đáng dùng, không đáng giáo hóa nữa.
4. 六 四 : 困, 蒙, 吝 .
Lục tứ : Khốn, mông, lận.
Dịch: Hào 4, âm: Bị khốn trong vòng hôn ám, hối tiếc.
Giảng: Quẻ Mông chỉ có hào 2 và 6 là dương cương, có thể cởi mở sự hôn ám được, còn hào 4 kia đều là âm hết. Hào 4 này cũng hôn ám như hào 3, nhưng còn tệ hơn hào 3 vì ở xa hào 2 dương (hào 3 còn được ở gần hào 2 dương ), mà chung quanh đều là âm hết (hào 3 và hào 5), như bị nhốt trong vòng hôn ám, tất bị khốn sẽ phải hối tiếc, xấu hổ.
Tiểu tượng truyện giảng: nó phải hối tiếc, xấu hổ vì chỉ một mình nó trong số bốn hào âm là ở xa các hào "thực" tức các hào dương. Hào dương là nét liền, không khuyết ở giữa, nên gọi là "thực" (đặc, đầy) hào âm là vạch đứt, khuyết ở giữa nên gọi là "hư" ; "thực" tượng trưng người có lương tâm "hư" tượng người không có lương tâm.
5. 六 五: 童 蒙 吉 .
Lục ngũ: Đồng mông cát.
Dịch: Hào 5, âm: Bé con, chưa biết gì (nhưng dễ dạy), tốt.
Giảng: hào 5 này là hào âm tốt nhất như chúng tôi đã nói khi giảng Thóan từ của Văn Vương, vì nó có đức nhu (âm) trung (ở giữa ngọai quái), lại ứng với hào 2 cương ở dưới, có thể ví nó với đứa trẻ dễ dạy, biết nghe lời thầy (hào 2).
Phan Bội Châu coi hào này như ông vua (vì ở ngôi cao quí nhất trong quẻ) biết tín nhiệm hiền thần (hào 2).
6. 上 九: 擊 蒙 不 利 為 寇 , 利 禦 寇.
Thượng cửu: Kích mông bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu.
Dịch : Hào trên cùng, dương : phép trừ cái ngu tối mà nghiêm khắc quá thì kẻ mình dạy dỗ sẽ phẫn uất, có thể thành giặc, như vậy không có lợi, ngăn ngừa giặc ở ngoài (tức những vật dục quyến rũ kẻ đó) thì có lợi.
Giảng: Hào này ở trên cùng quẻ Mông, có nghĩa sự ngu tối tới cùng cực; nó là dương, ở trên cùng, mà bất trung, cho nên tuy có tài mở mang sự ngu tối nhưng quá nghiêm khắc, làm cho kẻ ngu tối phẫn uất, phản kháng, bất tuân giáo hóa, có thể thành giặc, có hại (chữ "khấu có cả hai nghĩa: giặc, có hại), nên tìm cách ngăn ngừa những vật dục quyến rũ nó thì hơn; mà "cả thầy lần trò đều thuận đạo lý (thượng hạ thuận dã, Tiểu tượng truyện).
Quẻ này nói về cách giáo hóa, cần nghiêm (hào 1) nhưng không nên nghiêm khắc quá mà nên ngăn ngừa lỗi của trẻ (hào 6).
Quẻ trên là Mông, nhỏ thơ; nhỏ thơ thì cần được nuôi bằng thức ăn, cho nên quẻ này là Nhu. Chữ Nhu này [ 需 ] là chữ nhu trong "nhu yếu phẩm", những thứ cần thiết, tức thức ăn. Tự quái truyện giảng như vậy.
Nhưng Thoán Từ thì lại giải thích khác: Nhu đây còn có nghĩa nữa là chờ đợi, và theo cái tượng của quẻ thì phải hiểu là chờ đợi.
*
Thoán từ :
需: 有 孚, 光 亨, 貞, 吉 . 利 涉 大 川 .
Nhu: Hữu phu, quang hanh, trinh, cát. Lợi thiệp đại xuyên.
Dịch: Chờ đợi: có lòng thành thực tin tưởng, sáng sủa, hanh thông, giữ vững điều chính thì tốt. "Dù gặp việc hiểm như qua sông cũng sẽ thành công.
Giảng: Nội quái là Càn, cương kiện, muốn tiến lên nhưng gặp ngoại quái là Khảm (hiểm) chặn ở trên, nên phải chờ đợi.
Hào làm chủ trong quẻ này là hào 5 dương, ở vị chí tôn (ở quẻ này nên hiểu là ngôi của trời - theo Thoán truyện) mà lại trung, chính; cho nên có cái tượng thành thực, tin tưởng, sáng sủa, hanh thông; miễn là chịu chờ đợi thì việc hiểm gì cũng vượt được mà thành công.
Đại tượng truyện giải thích cũng đại khái như vậy: dưới là Càn, trời, trên là Khảm, mây (Khảm còn có nghĩa là mây); có cái tượng mây đã bao kín bầu trời, thế nào cũng mưa; cứ "ăn uống yến lạc" (ẩm thực yến lạc) yên vui di dưỡng thể xác và tâm chí mà đợi lúc mưa đổ.
Hào từ:
1. 初 九: 需 于 郊, 利 用 恆 , 无 咎 .
Sơ cửu: Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu.
Dịch: Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng nảy xông vào chỗ hiểm nạn, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến.
2. 九 二: 需 于 沙 , 小 有 言 , 終 吉 .
Cửu nhị: Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát.
Dịch: Hào 2, dương: Đợi ở bãi cát, tuy có khẩu thiệt một chút, nhưng sau sẽ tốt.
Giảng: Hào này đã gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi sụp hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ, rốt cuộc cũng vẫn tốt.
3. 九 三 : 需 于 泥 . 致 寇 至.
Cửu tam: Nhu vu nê, trí khấu chí.
Dịch: Hào 3, dương : đợi ở chỗ bùn lầy, như tự mình vời giặc đến.
Giảng: Hào này đã ở sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, mà lại không đắc trung, có cái "tượng rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó vời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu nó biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (ở ngoại quái) (theo tiểu tượng truyện).
4. 六 四 : 需 于 血, 出 自 穴 .
Lục tứ: Nhu vu huyết, xuất tự huyệt.
Dịch: Hào 4, âm: như đã chờ đợi ở chỗ lưu huyết mà rồi ra khỏi được.
Giảng: hào này đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hiểm (như vào chỗ giết hại), nhưng nhờ nó là âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm) , nên tránh được họa.
5. 九 五 : 需 于 酒 食, 貞 吉 .
Cửu ngũ: Nhu vu tửu thực, trinh cát.
Dịch: Hào 5, dương: Chờ đợi ở chỗ ăn uống no say (chỗ yên vui), bền giữ đức trung chính thì tốt.
Giảng: Hào 5, địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính, cho nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính.
6.上 六:. 入 于 穴 , 有 不 速 之 客 三 人 來 , 敬 之 , 終 吉 .
Thượng lục: Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lai, kính chi, chung cát.
Dịch: Hào trên cùng, âm: Vào chỗ cực hiểm rồi, nhưng có ba người khách thủng thẳng tới, biết kính trọng họ thì sau đựơc tốt lành.
Giảng: Hào này ở trên cùng ngọai quái là Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. Nó có hào 3 ở dưới ứng với nó, hào 3 là dương , kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thủng thẳng sẽ tới.
Hào 6 âm, có đức Khiêm, nhu thuận, biết trong và nghe theo ba vị khách đó, cho nên cuối cùng sẽ được họ cứu ra khỏi chỗ hiểm mà được tốt lành.
Tiểu tượng truyện: bàn thêm: Tuy hào 6 không xứng vị (bất đáng vị), nhưng không đến nỗi thất bại lớn.
Chu Hi hiểu chữ "vị" đó , là ngôi chẵn (âm vị) ; hào âm ở âm vị, là "đáng" chứ sao lại "bất đáng", cho nên ông bảo là :"chưa hiểu rõ" (vị tường).
Phan Bội Châu hiểu chữ "vị" là ngôi cao hay thấp; hào 6 ở trên cùng, tức là ngôi cao nhất, mà là âm nhu, bất tài, cho nên bảo "bất đáng" là phải .
+
Quẻ này chỉ cho ta cách xử thế khi chờ đợi, tùy họa ở gần hay ở xa, cốt nhất là đừng nóng nảy, mà phải giữ trung chính. Chúng ta để ý: hào 5 ở giữa quẻ Khảm, tức giữa cơn nguy hiểm mà Chu Công vẫn cho là tốt chỉ vì hào đó cương mà trung chính, nghĩa là cương một cách vừa phải, sáng suốt, chính đáng.
Tự quái truyện đã cho Nhu là ăn uống, cho nên giảng rằng vì (vấn đề) ăn uống mà người ta sinh ra tranh nhau, rồi kiện nhau, cho nên sau quẻ Nhu là quẻ Tụng (có nghĩa là kiện cáo)
Thoán từ:
訟 . 有 孚 , 窒, 惕 . 中 吉 . 終 凶 . 利 見 大 人 . 不 利 涉 大 川.
Tụng: Hữu phu, trất, dịch. Trung cát, chung hung
Lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên.
Dịch: Kiện cáo vì mình tin thực mà bị oan ức (trất), sinh ra lo sợ (dịch). Nếu giỡ đạo trung (biện bạch được rồi thì thôi) thì tốt lành,nếu kiện cho đến cùng thì xấu. Tìm được bậc đại nhân (công minh) mà nghe theo thì chỉ có lợi, nếu không thì như lội qua sông lớn (nguy), không có lợi.
Giảng: Theo tượng quẻ này có thể giảng: người trên ( quẻ Càn) là dương cương, áp chế người dưới,mà người dưới ( quẻ Khảm) thì âm hiểm, tất sinh ra kiện cáo, hoặc cho cả trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là Khảm), mà ngoài thì cương cường (ngoại quái là Càn), tất sinh sự gây ra kiện cáo.
Thoán từ của Chu Công không hiểu hai cách đó mà cho quẻ này là trường hợp một người có lòng tin thực (hữu phu) mà bị oan ức, vu hãm, không có người xét rõ cho, cho nên lo sợ, phải đi kiện. Nếu người đó giữ đạo trung như hào 2 (đắc trung), nghĩa là minh oan được rồi thì thôi, thì sẽ tốt, nếu cứ đeo đuổi cho tới cùng, quyết thắng, không chịu thôi, thì sẽ xấu.
Quẻ khuyên người đó nên đi tìm bậc đại nhân công minh (tức hào 5 - ứng với hào 2, vừa trung ,chính, vừa ở ngôi cao), mà nghe lời người đó thì có lợi; nếu không thì là tự mình tìm sự nguy hại, như lội qua sông lớn.
Đại tượng truyện đưa ra một cách giảng khác nữa: Càn (trời) có xu hướng đi lên; Khảm (nước) có xu hướng chảy xuống thấp, như vậy là trái ngược nhau, cũng như hai nơi bất đồng đạo, tranh nhau mà sinh ra kiện cáo. Và Đại tượng truyện khuyên người quân tử làm việc gì cũng nên cẩn thận từ lúc đầu để tránh kiện cáo.
Hào từ:
1. 初 六: 不 永 所 事 , 小 有 言 , 終 吉 .
Sơ lục: Bất vinh sở sự, tiểu hữu ngôn, chung cát.
Dịch: Hào 1 âm: đừng kéo dài (vụ kiện) làm gì, tuy bị trách một chút, nhưng sau được tốt.
Giảng: Hào 1, âm nhu ở dưới, được hào 4 cương kiện ở trên ứng viện, tức là có chỗ dựa; nhưng đừng nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; có bị trách một chút thì cũng thôi, kết quả được biện minh, thế là tốt.
2. 九 二: 不 克 訟 , 歸 而 逋. 其 邑 人 三 百 戶, 无 眚.
Cửu nhị: Bất khắc tụng, qui nhi bô. Kì ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh.
Dịch: Hào 2, dương : không nên kiện, lui về mà tránh đi, ấp mình chỉ có ba trăm nóc nhà thôi (ý nói địa vị mình thấp, thế mình nhỏ), như vậy thì không bị họa.
Giảng: Trong phần I, chương IV, chúng tôi đã nói: các hào ứng với nhau (1 với 4, 2 với 5, 3 với 6) phải một dương một âm thì mới có "tình" với nhau, mới đứng vào một phe, viện trợ nhau, tức trường hợp hào 1 và hào 4 quẻ này; nếu cả hai cùng là dương hay là âm thì tuy ứng nhau đấy, nhưng có thể kị nhau, cũng như hào 2 và hào 5 quẻ này. Hai hào này đều là dương cả, cho nên coi là địch nhau, đứng vào hai phe ở trong quẻ tụng (kiện cáo).
Hào 2 ở dưới, trung chứ không chính, ở giữa nội quái là Khảm (hiểm) lại bị hai hào âm 1 và 3 vậy, nên thế yếu, muốn kiện hào 5 (vì 2 có tính dương cương) nhưng thế không địch nổi, vì 5 trung , chính lại ở ngôi cao. Dưới kiện trên khác gì trứng chọi đá, không nên, thà rút lui về, tránh đi còn hơn, như vậy không bị tội lỗi.
Tiểu tượng truyện còn dặn thêm: nếu dưới mà kiện trên, tai họa tới là tự mình vơ lấy đấy: hoạn chí xuyết (cũng đọc là chuyết, là đoát) dã:
Phan Bội Châu giảng hào này, dẫn việc Nguyễn Hoàng muốn kình với Trịnh Kiểm (sự thực Trịnh Kiểm muốn hại Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng sợ), cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", có ý khuyên nên trốn tránh vào Nam cho thoát nạn; đó là ý nghĩa ba chữ "qui nhi bô" trong hào này.
3. 六 三 : 食 舊 德, 貞 厲, 終 吉 . 或 從 王 事 , 无 成.
Lục tam: Thực cựu đức, trinh lệ,
Chung cát; hoặc tòng vương sự, vô thành.
Dịch: Hào 3 âm, Cứ (yên ổn) hưởng cái đức (ân trạch) cũ của mình (Chu Hi hiểu là giữ cái nếp cũ), ăn ở cho chính đáng mà thường để lòng lo sợ thì kết quả sẽ tốt; nếu phải đi theo làm với người trên (chữ vương ở đây trở người trên, không nhất định là vua), thì cũng đừng mong thành công.
Giảng: Hào 3 đã âm nhu lại bất chính (vì hào âm mà ở ngôi dương, ở chông chênh trên cùng quẻ Khảm (hiểm), chung quanh đều là kẻ thích gây sự, kiện cáo (vì hào 2 và 4 đều là dương), cho nên 3 thường phải lo sợ (lệ), nếu hiểu vậy mà biết giữ gìn thì rốt cuộc sẽ yên ổn.
Hào 3 có hào 5 ở trên ứng và có "tình" với mình, 6 là dương cương lại là bề trên (ngôi cao), nên có khi lôi kéo 3 theo nó; trong trường hợp đó, 3 nên an phận thủ thường, cứ phục tùng 6, đừng mong thành công (chẳng hạn 6 muốn đứng ra kiện, kéo 3 theo thì 3 chỉ nên giúp 6 lấy lệ thôi, đừng ham lập công).
4. 九 四 : 不克 訟 , 復 即 命, 渝 , 安 貞 吉 .
Cửu tứ: Bất khắc tụng, phục tức mệnh, du, an trinh cát.
Dịch: Hào 4, dương : không thể kiện cáo được, trở lại theo thiên mệnh (lẽ chính đáng), đổi ý đi, ở yên theo điều chính thì tốt.
Giảng: Hào này dương cương mà bất trung, bất chính, "tượng" một người ham kiện cáo. Nhưng không thể kiện ai được: kiện 5 thì 5 ở trên mình, ngôi tôn, không dám kiện; kiện 3 thì 3 nhu thuận, chịu thua trứơc rồi; kiện 2 thì 2 vừa cương, chính , trung, sáng suốt, đã tiên liệu rồi, không chịu kiện; còn 1 thì đã về phe với 4. Đành phải bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên, giữ điều chính, như vậy thì tốt.
5. 九 五 : 訟, 元 吉 .
Cửu ngũ: Tụng, nguyên cát.
Dịch: Hào 5 dương : xử kiện hay đi kiện, đều rất tốt.
Giảng : Hào 5 này ở ngôi chí tôn, cương mà minh, trung và chính. Nếu là người xử kiện thì là bậc có đức, có tài (như Bao Công); nếu là người đi kiện thì gặp đựơc quan tòa có đức, có tài. Không gì tốt bằng.
6. 上 九 : 或 錫 之 鞶 帶 , 終 朝, 三 褫 之.
Thượng cửu: hoặc tích chi bàn đái, chung triêu, tam sỉ chi.
Dịch: hào trên cùng, dương : (kiện ) may mà được cái đai lớn (của quan chức) thì trong một buổi sáng sẽ bị cướp ba lần.
Giảng: Hào dương này ở trên cùng quẻ Tụng là kẻ rất thích kiện, kiện tới cùng. Nó ở ngôi 6 là bất chính, cho nên dù có may ra được kiện, thì chẳng bao lâu cũng sẽ mất hết, rốt cuộc vẫn không lợi.
*
Quẻ tụng này ý nghĩa các hào rất nhất trí, sáng sủa.
Trước sau chỉ là răn người ta đừng ham tranh nhau kiện cáo: hào 3 không kiện với ai, tốt; hào 2 muốn kiện mà sau thôi không kiện, cũng tốt; hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc sẽ tốt, duy có hào 6 bằng kiện tới cùng thì dù có thắng, cũng hóa xấu.
Còn hào 5 diễn cái ý: có một Tòa án công minh thì phục cho dân biết bao.
Kiện tụng là tranh nhau, tranh nhau thì lập phe, có đám đông nổi lên; cho nên sau quẻ Tụng tới quẻ Sư - Sư là đám đông, cũng có nghĩa là quân đội.
Thoán từ:
師: 貞 , 丈 人 吉 , 无 咎 .
Sư : Trinh, trượng nhân cát, vô cữu.
Dịch: quân đội mà chính đáng (có thể hiểu là bên chí), có người chỉ huy lão thành thì tốt, không lỗi.
(Có sách hảo hai chữ "trượng [ 丈] nhân" chính là "đại [大] nhân) người tài đức)
Giảng: Trên là Khôn, dưới là Khảm mà sao lại có nghĩa là đám đông, là quân đội ? có 4 cách giảng:
- Đại tượng truyện bảo Khôn là đất, Khảm là nước, ở giữa đất có nước tụ lại, tượng là quần chúng nhóm họp thành đám đông.
- Chu Hi bảo ở dưới, Khảm là hiểm; ở trên, Khôn là thuận; người xưa gởi binh ở trong việc nông (thời bình là nông dân, nhưng vẫn tập tành võ bị, thời loạn thì thành lính), như vậy là giấu cái hiểm (võ bị) trong cái thuận (việc nông).
- Chu Hi còn giảng cách nữa: hào 2 là dương, nằm ở giữa nội quái là tượng ông tướng, 5 hào kia là âm nhu, mềm mại, giao quyền cho 2 điều khiển quân lính (4 hào kia).
Thoán truyện giảng: xuất quân là việc nguy hiểm (quẻ Khảm), độc hại, nhưng nếu xuất quân vì chính nghĩa (trinh chính), để trừ bạo an dân thì dân sẽ theo (Khôn: thuận), sẽ giúp đỡ mình, mình sai khiến được, thì sẽ tốt, lập được nghiệp vương thống trị thiên hạ, không có tội lỗi.
Hào từ:
1. 初 六 : 師, 出 以 律 , 否 臧, 凶 .
Sơ lục: sư, xuất dĩ luật, phủ tàng, hung
Dịch: Hào 1, âm: Ra quân thì phải có kỷ luật, không khéo (chữ phủ tàng nghĩa là bất thiện ) thi xấu.
Giảng: Đây là bước đầu ra quân, phải cẩn thận, có kỷ luật nghiêm nhưng khéo để khỏi mất lòng dân, quân.
2. 九 二 : 在 師, 中, 吉, 无 咎 , 王 三 錫 命 .
Cửu nhị: Tại sư, trung, cát, vô cữu, vương tam tích mệnh.
Dịch: Hào 2 dương: Trong quân, có đức trung thì tốt, không tội lỗi, được vua ba lần ban thưởng.
Giảng: Hào này là hào dương độc nhất trong quẻ, thống lĩnh quần âm. Nó đắc cương , đắc trung, lại được hào 5, âm ở trên ứng thuận với nó, như một vị nguyên thủ giao toàn quyền cho một vị tướng. Nhờ nó đắc trung; nên tốt, không bị tội lỗi, mà được nhiều lần ban thưởng (có người giảng là được nhiều lần vua trao lệnh cho).
3. 六 三 : 師, 或 輿 尸 , 凶 .
Lục tam: Sư, hoặc dư thi, hung.
Dịch: Hào 3, âm: bất chính (vì hào âm ở ngôi dương) lại bất trung ,xấu, thất trận, có thể phải chở xác chết về . .
4. 六 四 : 師, 左 次 , 无 咎 .
Lục tứ: Sư, tả thứ, vô cữu.
Dịch: Hào 4, âm: Ra quân rồi mà lui về đóng (thứ) ở phía sau (tả) không có lỗi.
Giảng: hào này tuy bất trung nhưng đắc chính, không có tài (hào âm) nhưng biết liệu sức mình, hãy tạm lui, không tiến để khỏi hao quân, đó là phép thường hễ gặp địch mạnh thì tránh đi, cho nên không bị lỗi.
5. 六 五 : 田 有 禽 . 利 執 言 . 无 咎 . 長 子 帥 師 . 弟 子 輿 尸 . 貞 凶 .
Lục ngũ: Điền hữu cầm, lợi chấp ngôn, vô cữu.
Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh hung.
Dịch: Hào 5 âm: Như đồng cỏ muông thú (về phá), bắt chúng (chữ ngôn [言] ở đây,dùng như chữ chi [之], thay chữ cầm [禽]) thì lợi.
(dùng) người lão thành làm tướng súy để cầm quân, nếu dùng bọn trẻ (tài kém) thì phải chở thây mà về, và dù danh nghĩa chính đáng (trinh) kết quả vẫn xấu.
Giảng: Hào 5 này, âm, ở vị chí tôn, tượng ông vua ôn nhu và thuận đạo trung, không gây chiến, vì quân địch lấn cõi (như muông thú ở rừng về phá đồng) nên phải đánh đuổi đi, bắt chúng mà không có lỗi.
Ông vua ấy giao quyền cầm quân cho vị lão thành (hào 2 ởdưới) là người xứng đáng , nếu giao cho bạn trẻ bất tài (như hào 3) hoặc để chúng tham gia vào thì sẽ thất bại, dù chiến tranh có chính nghĩa, cũng phải chở xác về , mang nhục.
6. 上 六 : 大 君 有 命 . 開 國 承 家 , 小 人 勿 用 .
Thượng lục: đại quân hữu mệnh.
Khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng.
Dịch Hào trên cùng, âm: (Sau khi khải hòan) vua ra lệnh gì quan hệ đến việc mở nước trị nhà thì đừng dùng kẻ tiểu nhân (dù họ có công chiến đấu).
Giảng: Hào này ở trên cùng, trỏ lúc thành công, vua luận công mà khen thưởng. Kẻ tiểu nhân tuy có tài chiến đấu, lập được công thì cũng chỉ thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, giao cho địa vị trọng yếu trong nước, vì công việc kiến thiết quốc gia phải người có tài, đức mới gánh nổi.
*
- Quẻ sư này rất hay, lời gọn, ý đủ và đúng. Chúng ta nên nhớ:
- Bất đắc dĩ mới phải ra quân, ra quân phải có chính nghĩa.
- Dùng tướng phải xứng đáng (như hào 2), đừng để cho kẻ bất tài (như hào 3) tham gia.
- Phải cẩn thận từ lúc đầu, kỷ luật nghiêm minh, nhưng phải khéo để khỏi mất lòng dân quân.
- Nếu gặp kẻ địch đương ở thế mạnh thì hãy tạm tránh, không sao.
- Khi thành công rồi, luận công ban thưởng thì kẻ tiểu nhân có công chỉ nên thưởng họ tiền bạc, đừng giao cho họ trọng trách; trọng trách phải về những người tài đức như vậy nước mới thịnh được.
Chỉ dùng hai nét liền, đứt mà suy diễn được như vậy, tài thật.
Sư là đám đông, trong đám đông người ta gần gũi nhau, liên lạc với nhau, cho nên sau quẻ Sư là quẻ Tỉ (tỉ là gần gũi, liên lạc).
Chúng ta để ý: quẻ này Khảm trên, Khôn dưới, ngược hẳn với quẻ trước Khôn trên, khảm dưới.
Thoán từ:
比 吉 . 原 筮 , 元 永 貞 , 无 咎 . 不 寧 方 來 , 後 夫 凶 .
Tỉ cát. Nguyên phệ, nguyên vĩnh trinh, vô cữu.
Bất ninh phương lai, hậu phu hung.
Dịch: Gần gũi thì tốt. Bói lần thứ nhì mà được như lần đầu (nguyên phệ) rất tốt, lâu dài, chính thì không có lỗi.
Kẻ nào ở chỗ chưa yên (hoặc gặp trắc trở) sẽ lại với mình (hoặc mình nên vời lại) l kẻ nào tới sau (trễ) thì xấu.
Giảng: Quẻ này là trên đất có nước, nước thấm xuống đất, đất hút lấy nước, cho nên có nghĩa là gần gũi, thân thiết, giúp đỡ nhau.
Lại thêm một hào dương cương, trung chính ( hào 5) thống lĩnh năm hào âm, có cái tượng ông vua (hay người trên) được toàn thể dân (hay người dưới) tin cậy, qui phục do lẽ đó mà gọi là "tỉ". Nhưng hào 5 đó ở địa vị chí tôn nên phải thận trọng, tự xét mình kỹ càng (nguyên phệ) mà thấy có đủ những đức nguyên, vĩnh, trinh thì mới thật không có lỗi.
"Bất ninh phương lai", Chu Hi giảng là trên dưới ứng hợp với nhau, chắc là muốn nói hào 5 (trên) và hào 2 (dưới), một dương một âm. Còn ba chữ "hậu phu hung" thì không sách nào cho biết là ám chỉ hào nào, có lẽ là hào trên cùng chăng?
Hào từ.
1.初 六 : 有 孚 比 之 , 无 咎 . 有 孚 盈 缶 , 終 來 有 他 吉 .
Sơ lục: Hữu phu, tỉ chi, vô cữu.
Hữu phu doanh phẫu, chung lai hữu tha cát.
Dịch: Hào 1, âm : (Mới đầu) có lòng thành tín mà gần gũi nhau thì không có lỗi. Nếu lòng thành tín nhiều như đầy một cái ảng thì có thêm điều tốt khác nữa.
2.六 二 : 比 之 自 內 , 貞 吉 .
Lục nhị: tỉ chi tự nội, trinh cát.
Dịch: Hào 2, âm: Tự trong mà gần gũi với ngòai, chính đáng thì tốt.
Giảng: hào này âm nhu, đắc trung và chính, ở nội quái, ứng hợp với hào 5 dương cương cũng đắc trung và chính ở ngoại quái, cho nên nói là tự trong mà gần gũi với ngoài. Hai bên thân nhau vì đạo đồng chí hợp (cùng trung, chính cả), chứ không phải vì 2 làm thân với bề trên để cầu phú quí, như vậy là chính đáng, không thất thân, nên tốt.
3.六 三 : 比 之 匪 人 .
Lục tam: Tỉ chi phỉ nhân
Dịch: Hào 3 âm: Gần gũi người không xứng đáng.
Giảng: Hào này âm nhu, không trung không chính, chung quanh lại toàn là âm nhu, cho nên ví với người xấu, không xứng đáng.
4. 六 四 : 外 比 之 , 貞 吉 .
Lục tứ: Ngoại tỉ chi, trinh cát.
Dịch: Hào 4, âm: Gần gũi với bên ngoài (hào 5) giữ đạo chính thì tốt.
Giảng: hào âm ở ngôi 4 đắc chính ,tốt hơn hào 3; lại ở gần hào 5, như vậy là thân với người hiền ( 5 trung và chính ) và phục tòng bề trên, cho nên tốt.
5.九 五 : 顯 比, 王 用 三 驅
Cửu ngũ: Hiển tỉ, vương dụng tam khu
Giảng: hào này ở ngôi chí tôn, dương cương mà trung chính, cho nên cả 5 hào âm (cả thiên hạ) đều phục tòng; đạo gần gũi như vậy, là rất quang minh. Ai tòng phục vua thì cứ tới, không tùng phục mà chống lại thì cứ rút lui, không ép ai cả; để cho mọi người tự do tới lui, cũng như đi săn, không bao vây cả bốn mặt mà chừa một mặt cho cầm thú thoát ra. Do đó người chung quanh được cảm hóa, không phải răn đe mà họ cũng giữ được đào trung chính như vua.
6. 上 六 : 比 之 无 首 , 凶 .
Thượng lục: tỉ chi vô thủ, hung.
Dịch: Hào trên cùng, âm: không có đầu mối để gần gũi, xấu.
Giảng: Hào âm này ở trên cùng bất trung, không sao gần gũi với những hào âm dưới được, thế là không có đầu mối, là vô thủy (thủ ở đây có nghĩa là thủy) mà vô thủy thì vô chung, cho nên xấu.
*
Quẻ này nói về phép nhóm bạn tìm thầy. Phải cẩn thận từ lúc đầu, thành tín, trung chính, vì đạo chứ không vì lợi. Và phải để cho tự do, không nên ép buộc.
Tự quái truyện bảo đã nhóm họp, gần vũi với nhau (tỉ) thì phải có chỗ nuôi nhau, cho nên sau quẻ Tỉ tới quẻ Tiểu súc [ 小 畜 ]
Chữ súc này có nghĩa là nuôi (như mục súc); lại có nghĩa là chứa, dùng như chữ súc tích (chứa chất), và nghĩa: ngăn lại, kiềm chế.
Thoán từ
小 畜 . 亨 . 密 雲 不 雨 . 自 我 西 郊 .
Tiểu súc: Hanh: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao.
Dịch: Ngăn căn nhỏ (hoặc chứa nhỏ vì chứa cũng hàm cái nghĩa ngăn, bao lại, gom lại) hanh thông. Mây kịt (chưa tan) mà không mưa ở cõi tây của ta.
Giảng: Có ba cách giảng theo tượng của quẻ:
- Quẻ Càn (cương kiện) ở dưới quẻ Tốn (nhu thuận) có nghĩa là âm (Tốn) ngăn cản được dương (Càn), nhỏ ngăn cản được lớn.
- Hoặc: Gió (Tốn) bay trên trời (Càn) còn xa mặt đất, sức ngăn cản của nó còn nhỏ, cho nên gọi là Tiểu súc.
- Xét các hào thì hào 4 là âm nhu đắc vị; hào này quan trọng nhất trong quẻ (do luật: chúng dĩ quả vi chủ) ngăn cản được 5 hào dương , bắt phải nghe theo nó, cho nên gọi là Tiểu súc (nhỏ ngăn được lớn).
Ngăn được hào 2 và hào 5 đều dương cương thì việc chắc sẽ hanh thông. Nhưng vì nó nhỏ mà sức ngăn cản nhỏ, nên chưa phát triển hết được, như đám mây đóng kịt ở phương Tây mà chưa tan, chưa mưa được. Theo Phan bội Châu, chữ "ngã" (ta) ở đây trỏ Tốn, mà Tốn là âm, thuộc về phương Tây. Nhưng theo Hậu Thiên bát quái thì tốn là Đông Nam.
Chu Hi cho rằng chữ "ngã" đó là Văn Vương tự xưng. Khi viết thoán từ này, Văn Vương ở trong ngục Dữu Lý, mà "cõi tây của ta" tức cõi Kỳ Châu, ở phương Tây của Văn Vương.
Đại Tượng truyện khuyên người quân tử ở trong hoàn cảnh quẻ này (sức còn nhỏ) nên trau dồi, tài văn chương (ý văn đức) chẳng hạn viết lách, chứ đừng hoạt động chính trị.
Hào từ
1. 初 九 : 復 自 道 , 何 其 咎 ? 吉 .
Sơ cửu: Phục tự đạo, hà kỳ cữu? Cát.
Dịch: Hào 1, dương : trở về đạo lý của mình, có lỗi gì đâu? Tốt.
Giảng: hào này là dương cương lại ở trong nội quái Càn, có tài, có chí tiến lên, nhưng vì ở trong quẻ Tiểu Súc, nên bị hào 4, ứng với nó ngăn cản. Nó đành phải quay trở lại, không tiến nữa, hợp với đạo tùy thời, như vậy không có lỗi gì cả.
2. 九 二 : 牽 復 , 吉 .
Cửu nhị: khiên phục, cát.
Dịch: Hào 2, dương . Dắt nhau trở lại đạo lý thì tốt.
Giảng: hào này với hào 5 là bạn đồng chí hướng: cùng dương cương, cùng đắc trung, cùng muốn tiến cả, nhưng cùng bị hào 4 âm ngăn cản, nên cùng dắt nhau trở lại cái đạo trung , không để mất cái đức của mình.
3. 九 三 : 輿 說 輻 , 夫 妻 反 目 .
Cửu tam: Dư thoát bức, phu thê phản mục.
Dịch: Hào 3, dương : Xe rớt mất trục; vợ chồng hục hặc với nhau.
Giảng: Hào 3 quá cương (vì thể vị đều là dương ) mà bất trung, hăng tiến lên lắm, nhưng bị hào 4 ở trên ngăn chặn, nên tiến không được, như chiếc xe rớt mất trục. Hào này ở sát hào 4, dương ở sát âm, mà không phải là ứng của hào 4, như một cặp vợ chồng hục hặc với nhau. Lỗi ở hào 3 vì không biết tùy thời, không nhớ mình ở trong thời Tiểu súc mà nhịn vợ.
4. 六 四 : 有 孚 , 血 去, 惕 出 . 无 咎 .
Lục tứ: hữu phu, huyết khứ, dịch xuất, vô cữu.
Dịch: Hào 4, âm: nhờ có lòng chí thành, nên thương tích được lành, hết lo sợ, mà không có lỗi.
Giảng: hào này là âm, nhu thuận mà đối với các hào dương thì khó tránh được xung đột, có thể lưu huyết và lo sợ, nhưng nó đắc chính (âm ở ngôi âm), ở gần hào 5 là thân với bậc chí tôn, lại ở vào thời Tiểu súc, có hào 1 ứng hợp với nó, hào 2 cùng giúp nó, nên nó tránh được lưu huyết, lo sợ, không có lỗi.
Tiểu tượng truyện giảng: hết lo sợ, nhờ hào trên ( hào 5) giúp đỡ nó.
5. 九 五 : 有 孚, 攣 如 . 富 以 其 鄰 .
Cửu ngũ: Hữu phu, luyên như, phú dĩ kỳ lân.
Dịch: Hào 5, dương. Có lòng thành tín, ràng buộc dắt dìu (cả bầy hào dương ), nhiều tài đức , cảm hóa được láng giềng.
Giảng: hào này ở ngôi chí tôn, có uy tín, làm lãnh tụ các hào dương khác; nó trung chính, tức có lòng thành tín, kéo các hào dương kia theo no, mà giúp đở hào âm 4 ở cạnh nó, ảnh hưởng tới 4, sai khiến được 4, khiến cho 4 làm được nhiệm vụ ở thời Tiểu súc.
Chữ [ 攣 ] có người đọc là luyến và giảng là có lòng quyến luyến.
6. 上 九 : 既 雨, 既 處 , 尚 德 載 . 婦 貞 厲 . 月 幾 望 , 君 子 征 凶 .
Thượng cửu: Ký vũ, ký xử, thượng đức tái.
Phụ trinh lệ. Nguyệt cơ vọng, quân tử chinh hung.
Dịch: Hào trên cùng, dương: Đã mưa rồi, yên rồi, đức nhu tốn của 4 đã đầy (ngăn được đàn ông rồi), vợ mà cứ một mực (trinh) ngăn hoài chồng thì nguy (lệ) đấy. Trăng sắp đến đêm rằm (cực thịnh), người quân tử (không thận trọng, phòng bị) vội tiến hành thì xấu.
Giảng: Đây đã tới bước cuối cùng của quẻ tốn mà cũng là bước cuối cùng của quẻ Tiểu súc. Hào 4 đã thành công đến cực điểm , các hào dương hòa hợp với nó cả rồi, như đám mây kịt đã trút nước, mọi sự đã yên. Tới đó, hãy nên ngưng đi, cứ một mực ngăn chặn các hào dương thì sẽ bị họa đấy. Mà các hào dương (quân tử ) cũng nên lo đề phòng trước đi vì sắp tới lúc âm cực thịnh (trăng rằm) rồi đấy. Âm có nghĩa là tiểu nhân.
*
Đọc quẻ Tiểu súc này chúng tôi nhớ tới Võ Hậu đời Đường và Từ Hi Thái Hậu đời Thanh. Họ như hào 4, thông minh, có tài, mới đầu nhu thuận, nhờ ở gần vua (hào 5), được vua sủng ái, che chở, lại lấy được lòng người dưới (hào 1, hào 2), gây phe đảng rồi lần lần "thống lĩnh quần dương ", cả triều đình phải phục tòng họ. Tới khi họ thịnh cực, sắp suy, bọn đại thần có khí tiết, mưu trí mới họp nhau lật họ. Ngoài đời không đúng hẳn như trong quẻ, nhưng cũng không khác mấy.
Ở các thời đó, chắc nhiều nhà Nho Trung Hoa đọc lại quẻ này.
Đầu quẻ Tiểu Súc đã nói súc còn có nghĩa là chứa, nhóm (như súc tích)
Tự quái truyện dùng nghĩa đó mà giảng: khi đã nhóm họp nhau thì phải có trật tự, có trên có dưới, không thể hỗn tạp được, nghĩa là phải có lễ. Sống trong xã hội phải theo lễ, dẫm lên cái lễ, không chệch ra ngoài (chúng ta thường nói dẫm lên dấu chân của một người để diễn cái ý theo đúng đường lối người ấy); mà dẫm lên, chữ Hán gọi là ☲, do đó sau quẻ Tiểu súc, tới quẻ Lí. Cách giải thích đó có phần nào gượng ép.
Thoán từ:
履 虎 尾 , 不 咥 人 , 亨 .
Lí hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh.
Dịch: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn, hanh thông.
Giảng: Trên là dương cương, là Càn, là trời: dưới là âm nhu, là Đoài, là chằm, vậy là trên dưới phân minh lại hợp lẽ âm dương tức là lễ, là lý. Có tính âm nhu, vui vẻ đi theo sau dương cương thì dù người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình, cho nên bảo rằng dẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn. Ba chữ "lý hổ vĩ" chính nghĩa là dẫm lên đuôi cọp, chỉ nên hiểu là đi theo sau cọp, lấy sự nhu thuận, vui vẻ mà ứng phó với sự cương cường.
Thoán truyện bàn thêm: Hào 5 quẻ này là dương mà trung, chính, xứng với ngôi chí tôn, chẳng có tệ bệnh gì cả mà lại được quang minh.
Đại tượng truyện: bảo trên dưới phân minh (có tài đức ở trên, kém tài đức ở dưới) như vậy lòng dân mới không hoang mang (định dân chí) không có sự tranh giành.
Hào từ:
1. 初 九 : 素 履, 往 , 无 咎 .
Sơ cửu: tố lý, vãng, vô cữu.
Dịch: hào 1, dương : giữ bản chất trong trắng mà ra với đời thì không có lỗi.
Giảng: hào 1 này như người mới ra đời, còn giữ được bản chất trong trắng (ý nghĩa của chữ tố) chưa nhiễm thói đời, vì là hào dương, quân tử, có chí nguyện, cứ giữ chí nguyện mình thì không có lỗi.
2. 九 二 : 履 道 坦 坦 , 幽 人 貞 吉 .
Cửu nhị: Lý đạo thản thản, u nhân trinh cát.
Dịch: Hào 2, dương: như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.
Giảng: Hào 2, dương : như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.
Giảng: Hào dương này đắc trung, vẫn là hiền nhân, quân tử, bình thản giữ đạo trung không để cho lòng rối loạn thì tốt.
Tuy có hào 5 ở trên ứng với , nhưng 5 cũng là dương, không hợp, (phải một dương một âm mới tìm nhau, hợp nhau, viện nhau) cho nên bảo hào này là cô độc.
Chúng ta để ý: quẻ Càn, hào 2 và hào 5 cũng đều là dương cả, mà Hào từ bảo 2 và 5 nên tìm nhau mà làm việc; còn quẻ Lý này thì không , như vậy là phải tùy theo ý nghĩa của quẻ (tùy thời) mà giảng.
3. 六 三 : 眇, 能 視 ; 跛, 能 履 . 履 虎 尾 , 咥 人, 凶 . 武 人 為 于 大 君 .
Lục tam: Miễu, năng thị; bả, năng lý.
Lý hổ vĩ, diệt nhân, hung. Võ nhân vi vu đại quân.
Dịch:Hào 3, âm: chột (mà tự phụ là) thấy tỏ, thọt (mà tự phụ là) đi nhanh, như vậy thì nguy như dẫm lên đuôi cọp mà bị nó cắn. Đó là kẻ vũ phu mà đòi làm việc của một ông vua lớn.
Giảng: Hào này âm nhu mà ở ngôi dương cương, bất chính, bất trung, trên dưới đều là hào dương cả, không lượng tài mình kém (âm) mà đua đòi theo các hào dương, không khác người thọt tự khoe là đi nhanh; đó là hạng võ phu mà đòi làm một ông vua lớn, sẽ gặp họa, như dẫm lên đuôi cọp, bị cọp cắn.
4. 九 四 : 履 虎 尾 . 愬 愬 終 吉 .
Cửu tứ: Lí hổ vĩ, sách sách (hoặc sóc sóc)chung cát.
Dịch: Hào 4, dương: Dẫm lên đuôi cọp, nhưng biết sợ hãi, nên quẻ sẽ tốt.
Giảng: Hào này, dương mà ở vị âm, cũng bất trung, bất chính như hào 3, cũng ở sau một hào dương cương, cũng như dẫm lên đuôi cọp, nhưng hào 3 hung, hào 4 cát, chỉ do lẽ: 3 bản chất nhu, tài kém, u mê mà ở vị dương, chí hăng; còn 4 bản chất cương, có tài, sáng suốt mà ở vị âm, biết sợ hãi, thận trọng.
5. 九 五 : 夬 履 貞 厲 .
Cửu ngũ: Quyết lý, trinh lệ.
Dịch: Hào 5, dương : Quyết tâm hành động quá thì tuy chính đáng cũng có thể nguy.
Giảng: Hào 5 đắc chính, đắc trung ,rất tốt, nhưng ở địa vị chí tôn trong quẻ Lý (nói về cách ở đời) thì e có lòng cương quyết quá mà tự thị, ỷ thế, mà hóa nguy.
6. 上 九: 視 履, 考 祥 . 其 旋, 元 吉 .
Thượng cửu: Thị lý, khảo tường, kỳ toàn, nguyên cát.
Dịch: Hào trên cùng, dương, xem cách ăn ở trong đời người, cho nên Hào từ diễn ý nghĩa của toàn quẻ chứ không diễn ý nghĩa của riêng hào cuối. Cũng là một lệ ngoại như hào cuối cùng quẻ Tiểu súc.
Quẻ này tên là Lí có nghĩa là lễ, là dẫm lên, nhưng cả 6 hào đều nói về cách ăn ở trong suốt đời người : mới ra đời thì phải giữ tính chất phác trong trắng, rồi sau giữ vững đường chính (hào 2); biết sức mình, đừng tự phụ (hào 3) để tránh nguy, biết thận trọng, sợ hãi thì tốt (hào 4), và ở địa vị cao nhất, đừng ỷ thế mà cương quyết quá (hào 5), cách ăn ở được như vậy cho tới cuối đời thì tốt không gì bằng.
Chúng ta để ý: Quẻ này cũng chỉ có một hào âm mà không có nghĩa thống lĩnh quần dương như quẻ tiểu súc. Như vậy là biến dịch.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro