Vài điều nho nhỏ
Trong những lần đi mua sách ở quán cũ, tôi thường để ý kệ sách của tác giả trẻ Việt Nam. Với một ý đồ nào đấy, chủ tiệm sách phân sách của các tác giả trẻ ra làm hai phần rất chỉnh chu: sách trải nghiệm và những cuốn còn lại.
Lướt qua kệ sách trải nghiệm, tôi nhìn ra những cái tên quen thuộc, từ những người trẻ đi khắp mọi nơi cho đến những người mới viết. Chủ yếu họ kể về tuổi trẻ trong những chuyến đi xa, những trải nghiệm du học, sự dấn thân và những vùng đất mới. Tôi đặc biệt mê kệ sách này bởi chúng khơi dậy trong lòng tôi một sự hứng khởi, thôi thúc tôi rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ đi, và đi rất nhiều. Sẽ sống, và sống rất bạo dạn. Để tích lũy những trải nghiệm đáng quý mà sau này khi nhìn lại tuổi trẻ của mình, tôi sẽ không hề hối tiếc.
Nhưng bản thân kệ sách đó cũng đem đến một mối hoài nghi và về sau tôi đã đúc kết thành một câu hỏi: “Vậy tuổi trẻ của những con người bình thường thì sao?”. Tôi nhìn lại thế giới của mình, ngôi trường đại học mình đang học, những gương mặt mỗi ngày mình nhìn thấy. Không phải ai cũng có khát khao. Một số người thích việc cực kỳ an phận, một số người thì đang cực kỳ cố gắng, một số người chẳng quan tâm điều gì cả và chỉ sống qua ngày.
Tôi bắt đầu nghĩ về những cuốn sách viết về trải nghiệm, nếu đã là trải nghiệm về đại học, thì nhất quyết tác giả sẽ là người học đại học ở nước ngoài. Câu chuyện về cuộc sống của một du học sinh ở Pháp, Phần Lan, Mỹ, hay bất cứ ngoại quốc nào cũng đều thú vị, mạo hiểm và đầy tính thử thách. Vậy câu chuyện về cuộc sống của một sinh viên tại Việt Nam thì sao?
Cùng với đời sống sinh viên, trải nghiệm về tuổi trẻ ở Việt Nam cũng không được nhắc tới nhiều. Nếu có, thì cũng chỉ nhắc tới những vụ thất tình, những cảm hứng mơ hồ, những lời an ủi đầy thương cảm: Này, các em cũng có ước mơ mà.
Tôi đồng cảm và hoài nghi với tất cả những điều đó. Suy cho cùng, nếu như các du học sinh là những người hay kể lại cuộc hành trình của mình như những trải nghiệm đáng nhớ, thì tuổi trẻ của những người trẻ nằm trong đám đông bình thường có đáng để kể lại hay không? Và nếu kể thì kể những gì?
Xuất phát từ câu hỏi đó, tôi bắt đầu ghi lại những vụn vặt của cuộc sống thường ngày, của những người trẻ bình thường. Và đó là cơ sở để hình thành nên cuốn sách này, gồm những trải nghiệm sống, những suy nghĩ được ghi lại trong ba năm của một người trẻ với những lát cắt khác nhau. Nó khá lộn xộn và lẻ tẻ, nhưng khi xét cả tiến trình, tôi nhận ra ẩn sâu trong cuộc sống của những người bình thường ấy, là những mảnh cảm xúc đẹp vô cùng.
Có lẽ cuộc sống của những người trẻ Việt không phải là “không có gì để kể”, “chẳng có gì để viết thành sách” như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng là những kho báu mà phải đào sâu qua lớp đất cứng mới tìm thấy được. Không có sự cuốn hút và rực rỡ như những trải nghiệm sống từ những vùng đất lạ, nhưng những trải nghiệm sống trong cuộc sống của một người trẻ bình thường có nét đẹp của riêng nó, và nó khó cảm nhận hơn rất nhiều.
Tôi thực hiện công việc của mình, ghi chép lai, và bóc tách chúng ra. Tôi nhận thấy những vẽ đẹp dung dị xuất hiện quanh mình, của những người tuy không có ước mơ lớn nhưng luôn có khát vọng nhỏ, những kẻ tuy hoang mang nhưng vẫn cố gắng để tìm mục tiêu sống cho mình, những người mỉm cười khi cô đơn, những người vẫn tin vào tình yêu sau những lần đổ vỡ.
Nhiêu đó là đủ để tôi có thể viết về tuổi trẻ. Tất nhiên, trong đó tôi ghi chép lại cả những ngày buồn khổ, sự thất vọng về bản thân và hoài nghi về tương lai. Về điểm này, tôi sẽ đi theo quan điểm của một người thầy đã dạy tôi viết, đó là: cái hoang mang của tuổi trẻ đẹp vô cùng. Tôi coi trọng những nỗi buồn đáng nhớ hơn là những niềm vui vô nghĩa. Vì khi nhìn vào nỗi buồn, tôi biết rằng những khoảnh khắc đó mình đã thực sự sống.
Dù vậy, sau những nỗi buồn, đích đến của mọi người vẫn là hạnh phúc. Tiến trình ba năm tuy không dài, nhưng cũng là đủ để một người chiêm nghiệm xem điều gì là quan trọng với mình. Hy vọng với những ghi chép tôi có được về tuổi trẻ, chúng ta có thể cùng nhìn ra và thoát khỏi định kiến về việc tuổi trẻ phải gắn liền với có người yêu, sự thành đạt, hay phải có thành tựu, để sống cuộc đời mà mình muốn và thoải mái với điều đó. Cuối cùng, để tìm thấy hạnh phúc và một vài tiếng cười.
Khoan ngước nhìn lên tuổi trẻ rực rỡ của người khác, thử học cách trân quý tuổi trẻ của chính mình, và tìm ra trong đó, một niềm hy vọng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro