Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chỗ Ngồi Vắng Người

Giờ tan học

31/03/04

Thường những chiều tan học, tôi chần chừ lại rất lâu trên núi, đứng lại ở một góc nào đó dãy hành lang cô đơn của toà nhà viện Văn học để nhìn về phía vịnh biển, gần chân toà nhà gạch đỏ cổ kính của Viện đào tạo Hải dương học. Có khi chỉ là một con nhạn biển vội vã bay xuyên qua dãy đèn cao áp lao về phía núi Vạn Sơn. Có khi là một đám mây nặng nề hơi nước chậm rãi bò kín bầu trời thấp, trắng đục một vẻ lãnh đạm song thanh thản. Có thể là những cặp sinh viên hôn nhau vội vã dưới chân hàng cột cao vút Viện Nghệ thuật, dưới tán lá mảnh mai xanh tha thiết của những cây Tiểu Diệp Lan vừa trở lá. Hình như có đám mây đầy mưa đã bay qua tâm hồn tôi, trong những buổi chiều tan học của tháng ba này.

Mỗi góc hành lang đều sẵn một bộ bàn ghế giản dị, tôi sẽ chờ mặt trời lặn ở đó, lùi lại một chút để thấy chân trời mông lung sau chiếc lưng ghế dài, hoặc ngồi dướn lên một chút để điếu thuốc Cartier không thả tàn vào túm người vội vã dưới lầu. Chiều qua, trời Cao Hùng đổ mưa phùn, một cảm giác se lạnh và trống trải hiếm hoi xâm chiếm hoàn toàn không gian ngoài cửa sổ lớp học. Tôi nhắn tin bằng một ngón tay lén lút dưới gầm bàn: "Em nhìn thấy trời với biển chạm nhau bằng màu xanh lam mênh mang anh ạ. Em muốn anh ở đây bên em để cùng chia sẻ giây phút này biết bao. Mà sao mỗi lần nhắn tin cho anh, em đều buồn đến thế này nhỉ?".

Ngày buồn nhất, tôi ở lại giảng đường trên núi đến khi trời sập tối hẳn, đèn từ đường cao tốc dẫn vào khu Kì Kim phía Đông Bắc vịnh Tây Tử đã sáng từ lúc 19 giờ. Viết bài thơ ngắn chẳng biết để làm gì.

…Yêu như thể em từng mất hết

Dù chẳng về đâu giữa cuộc đời này...

----

Tiểu Diệp Lan trong ống kính của tôi

Cơn mưa mở cánh cửa cũ

Căn nhà em nhiều trưa không tiếng nói

Phải vì cơn mưa chở đến nỗi niềm?

Chiếc váy từng quen đôi chân mười lăm

Giờ khép lại những ngày thân thương cũ

Em ở đâu trong chuỗi hạt buồn?

Con nhện nằm lười ô cửa

Gió từ mưa mang tới buổi chiều tà...

30/3/2004

----------

Nhoài người qua ô cửa khoảng trời

Biển ở lại mùa xuân xa hai mốt

Nhịp điệu anh về theo tiếng xe trên đại lộ cao tốc

Em vòng quanh bài hát lúc năm giờ

Phải chiều nào cũng vậy

Em bất lực trước giấc mơ tình yêu giờ tan học

Tiếng còi xe bất lực lúc năm giờ.

30/3/2004

Hàng Tiểu diệp lan trước cửa học viện Nghệ Thuật

Hoa

31/03/04

Cảm giác sau một giấc mơ là một giấc mơ, khi mỗi bình minh lên chạy bộ dọc con đường núi, qua những dãy nhà cổ kính đang im lìm, qua những ngã rẽ bất ngờ rộ lên một vầng hoa tươi ngỡ ngàng. Những lớp hoa đỗ quyên bất chấp thời gian và khoảng cách, cứ lần lượt trổ suốt 500 km từ Đài Bắc về tới tận Cao Hùng, hoa gạo lãng mạn dọc những con đường men theo đê bao vịnh biển. Tôi có bông hoa ngũ sắc mộc mạc và lớp cỏ đuôi cáo ngơ ngác dọc sông Tình Yêu bên ngoài tường rào trường Tiểu học Sư Hồ. Tôi có những bông trứng cá trắng muốt ngoài hàng rào ký túc, cứ mỗi sáng chạy bộ leo núi lại thấy dường như trắng hơn, thành thật hơn với mình.

Cảm giác của niềm hạnh phúc đơn giản giống như tự do. Tôi có niềm vui mỗi sáng và niềm tha thiết trong mỗi buổi lê minh. Cây Đậu Mưa tám mươi năm tuổi ngoài cửa sổ phòng tôi cứ 6 giờ tối là biết khép lá, bình minh là giờ Đậu Mưa nở ra từng bông hoa tím rung rinh vô cùng cảm động. Có lần tôi mang máy ảnh ra chụp hình cái cây nhạy cảm và hiền lành này, lúc lấy xem thì hoá ra lại có ảnh đôi sinh viên đang hôn nhau dưới tán Đậu Mưa. Thật là kỳ lạ, những giây phút bạn nhận ra cuộc sống đang mở ra bao nhiều niềm vui.

cây Đậu Mưa nhìn từ cửa sổ ký túc

Cảm giác nhớ trên da thịt tôi là một ngón tay ấm áp đã vẽ lên áo tôi một bông hoa vô hình, một cái lá May Mắn bốn cánh nở ra âm thầm không màu sắc, có thể làm tôi quên đi những cay đắng trong đời sống dọc thời gian dài dằng dặc của một cuộc chờ đợi vô biên. Chờ trong mỗi bình minh thức dậy thèm hôn lên đôi tay đã từng được âu yếm, thèm cảm giác bên mình là một cuộc chờ đợi mới của tôi, cũng đang bình yên và chờ đợi như tôi. NHỚ là cảm giác không thể nào đành lòng để sống tiếp, không cần ngày mai, không cần những bông hoa những màu sắc những mùi hương, chỉ cần biết có một sự chờ đợi bình minh, như tôi. Thế là đủ để lại qua một ngày đầy chờ đợi.

Bông hoa nào đã nở trong khi tôi không ở đó? Giấc mơ nào đã đến bên tôi trong đêm tôi thao thức nằm nghe bông hoa nở?

Cú ngã cuối

Khép em trong vòng tay

Em tưởng mất em mười tám tuổi

Nghe radio vẳng tới giọng buồn

Anh nhắm mắt trong đêm tĩnh lặng

Phải em là em vô cùng tuổi

Thao thức hôn lên ngực buồn phiền

Đêm mở vài mắt sao

Chiếu sáng những ngọn khói lưu huỳnh Đài Bắc

Tưởng sẽ chẳng về đâu chuyện tình

Con đường núi trở lại ngày bé dại

Em hôn giấc mơ đi qua mắt môi anh

Lướt giữa đôi chân tê điếng giọng người

Giọt nước mắt đầu năm mười lăm tuổi

Rơi về cơn sóng thao thiết xô đêm...

Yêu như thể em sẽ từng mất hết

Dù sẽ chẳng về đâu giữa cuộc đời này...

Tiếng gọi

02/04/04

Những con vẹt mất ngủ cãi cọ suốt đêm ngoài cửa sổ. Tiếng kêu vang xa ai oán, nghe như giọng người thất thanh gọi.

Words of heart của Carmeton là một câu chuyện kể buồn bã về tình yêu, anh có nhớ chúng ta đã yêu nhau như thế nào ở hàng nghìn năm trước, và làm sao nhận ra nhau trong thế giới này? Khúc nhạc ấy vọng về mãi trong những giờ phút sôi động nhất lặng lẽ nhất hy vọng nhất của tôi, như một câu hỏi tha thiết vào trái tim tôi mỗi khi lo âu trước đường dài phía trước, rồi ai sẽ bên tôi cùng chia sẻ và cảm nhận nhịp điệu đời sống?

Khi gió về trên những đỉnh núi phía Nam thành phố, những con én liệng điên cuồng ngoài cửa sổ lớp học, phật đôi cánh bướng bỉnh vào những lá cây tơi tả bay. Sóng đập vào bãi đá theo cái cách thất vọng tuyệt đẹp của đám bọt nước sôi sục. Âm thanh ấy cũng giống như sự câm lặng, giữa chúng ta có một giao kèo và anh hỏi bằng sự im lặng, em trả lời bằng cảm nhận. Có phải tình yêu đã lén lút chơi khăm đôi tai chúng ta? Để chỉ còn nghe thấy tiếng gió và hơi thở của biển ở phía bên kia những ghềnh đá, những cửa kính ô tô, những con đường thăm thẳm chia đôi một bên vực sâu một bên núi cao?

Sớm nay chạy bộ bên nhau trên con đường núi vòng quanh các dãy nhà gạch đỏ cổ kính như những toà lâu đài, xuyên qua các khoảng rừng âm u rồi lượn quanh eo biển bình yên, đột ngột nghe thấy tình yêu trong tim giống một tiếng thở dài và mồ hôi rơi xuống má cũng mặn như nước mắt. Nụ hôn ta nhận sáng nay liệu còn có nụ hôn sớm mai? Những giây phút bên nhau liệu có trở lại và người đàn ông ở bên ta liệu sẽ còn bên ta, khi mà ngày nào bình minh cũng tới, cũng tươi đẹp như thế này?

Hay những âm thanh ấy giống lời thì thầm ta từng nghe trong những đêm thao thức bên nhau chờ bình minh tới, nằm nghe tiếng xe từ mười bốn tầng lầu bên dưới rì rào như mưa, như biển Tây Tử thở, mãi mãi giọng nói ấy không trở lại song mãi mãi ta đã có trong đời?

Cuối tuần

04/04/04

Thứ bảy là ngày lười biếng, cú điện thoại thường rơi vào quãng trưa, khi cái bóng hoa trên đất rung rinh trong gió núi thổi qua sân trường. Chiều là một niềm mong đợi, khao khát, tủi hờn và lo âu người quên ta hay người quá yêu mà không biết! Song thường một lúc nào đó, cái dáng cao lớn đi qua sân ký túc không lẫn vào đâu với gương mặt nhẹ nhõm và bối rối của một người đang yêu đánh thức tất cả cảm giác trên một khung cửa sổ tầng ba nào đó mở đợi suốt tuần.

Cuối tuần, tôi nhớ tôi đã hôn bằng ánh mắt.

Chủ nhật là niềm vui bất tận của những quãng đường dài, những khe núi hiểm trở, mạo hiểm vượt qua rồi nhìn lại còn run rẩy trong tay nhau, là những con phố dài khu Nam Tử đầy hoa tươi đẹp trải ra dưới nắng tháng ba, là những giọt nước mắt đau xót khi đêm về trên con dốc núi một mình, tay tự ôm tay mình trong một giây phút chết lịm đi trong cô đơn. Không bao giờ hết khao khát tức là không bao giờ quên.

Sớm qua là một khe núi nguy hiểm đầy mây bảng lảng dưới chân, chiều nay là vô vàn sóng dào dạt hất vào tay tôi những lá rong biển tươi mới, mằn mặn và bải hoải. Nụ hôn nào ta mãi mãi có ở nơi tận cùng giữa núi và biển khơi? Lũ sóc rừng ngốc nghếch thường nhảy ra chắn lối và cạp vỏ cây sồn sột. Đám chim Ban Cưu lơ đễnh bay sột soạt trong bụi cây, rúc từng chập như doạ dẫm như kênh kiệu. Sự im lặng giữ tay trong tay, bền lâu như lời hứa. Xin năm và tháng hãy cho tôi được chết trước bởi tôi sẽ không chịu được cảm giác lẻ loi.

Ít nhất bởi không thể sống bên nhau nên xin cho chết gần nhau.

Một cuối tuần nữa đã trôi qua, trưa nay anh tìm tôi trong đám đông ngồi la liệt đọc sách chùa ở tiệm sách lớn nhất Cao Hùng, giữa những giá sách chất ngất và mùi cafe ngào ngạt thơm trên tầng 10 cao ốc Đại Viễn: "Tiểu thư, cô mua sách gì vậy?".

Và lại đặt lên môi nhau một cái nhìn dài.

Nhịp điệu cuộc sống

06/04/04

Những tiệm bách hoá nhỏ dựng lên khắp Đài Loan với mật độ dày đặc nhất quả đất: SevenEleven, OK, JYoung, Toàn gia phúc, Cửa hàng Phúc lợi địa phương, siêu thị nhỏ... Carefour và Dollard cũng biến thành những tiệm bách hoá khổng lồ theo kiểu bình dân hết sức. Tiện lợi thường làm người ta lơ đễnh. Ba bước một thùng rác, hai trăm mét một máy rút tiền tự động và mỗi ngày một phút trước giá đồ các loại bao cao su nhiều màu sắc nhiều công dụng.

Cuộc sống bày ra như thế, trơn tru và vật chất, vậy vì sao anh đứng lại trước tôi?

Hay như câu sấm truyền trước ngôi chùa Tây Tạng Kemakeju ngày hôm ấy: "Đã tới mà chưa đến, đã đi mà chưa rời!". Khi ấy quay lại là bao nhiêu mây trời tháng mười hai đang trôi qua sau vai. Những quả chuông Ước mơ ở Đài Nam rung lên mê mải trong những vòng xoay tĩnh tâm quanh chân ngôi đền thiêng. Vần lên quanh đây là những dấu tay lơ đễnh, đã đến mà không bao giờ đến được, chỉ có mây trời bay mải miết sau vai.

Bởi vậy, tôi đã từ chối cái nhìn khắc khoải ấy. Tháng mười hai nổi gió trên những tháp chuông, tưởng vọng được tiếng buồn qua cửa kính màu ghép những bông hoa thuỷ tinh xanh đỏ u uẩn của căn phòng cầu nguyện dưới chân tu viện. Thèm quá một giấc ngủ dài.

Đêm Nguyên Tiêu rực rỡ hàng ngàn hàng vạn ngọn đèn lồng đỏ treo khắp mảnh đất Đài Loan. Đèn lồng trên sông, trên mái chùa, trên tường thành Quảng trường tưởng niệm Trung Chính Đài Bắc. Đèn lồng đỏ lẻ loi trên ngôi nhà gỗ nát cuối phố nghèo Cổ Sơn-Cao Hùng, kiêu kỳ trên sân vận động Đào Nguyên gần Đài Bắc, thảnh thơi ở phố cổ Ưng Ca giữa tiếng va lanh canh của đồ sứ Trung Hoa giả cổ rồng phượng loằng ngoằng. Nguyên Tiêu của tôi trải dài khắp các địa danh đi qua, thao thức nhớ về một điều gì đó không rõ rệt đang gần bên, gọi tôi trong mơ. Thèm làm sao một giấc mơ dài bình yên thức dậy trong tháng Giêng xanh?

Con sông Tình Yêu chảy dọc thành phố Cao Hùng trong đêm hội Hoa đăng rực rỡ Tết Nguyên Tiêu 2004. Dưới những ngọn đèn lồng đỏ là một giấc mơ rực rỡ mà không ai muốn thức giấc.

Nhạc nước trong ánh sáng đèn laze

Cú điện thoại đường dài ngày hôm ấy không nhắc gì đến tình yêu. Chỉ nhắc đến cuộc sống.

Chúng ta chạy đuổi theo thời gian một cách đau đớn. Tôi có tám năm để nối tiếp từ chân trời đến chân trời và anh đã mất tám năm trong chờ mong, lơ đễnh Đài Loan. Quay lại là những ký ức lộn xộn không đáng có, những toan tính mỏi mệt trên khắp đường dài. Để một đêm đứng trước những ngọn khói khét, nóng và bải hoải trong thung tận Bắc Đầu, nước mắt bắt đầu chảy xuống khi nói về cái chết. Tôi biết là thể nào rồi cái chết cũng sẽ chiến thắng chúng tôi.

Tôi không phải là một người dũng cảm, tôi không thể ở lại đời sống này lâu hơn, vậy thì hãy để tôi yêu trong thời gian cuối cùng.

Nhịp điệu ấy là nụ hôn trước ngày chia tay, khi tôi mải mê nhìn xuống khu phố Nam Tử. Thèm quá trong giấc mơ dài này ta không bao giờ tỉnh dậy.

Ngày mai

11/04/04

Không bao giờ giấc mơ trở lại song tôi hạnh phúc vì tôi từng mơ ước.

Đêm qua những con vẹt tạm hưu chiến một đêm trên cái ổ lạnh tanh trên núi. Anh thu xếp chỗ ngủ bé xíu trong chiếc xe đọng đầy hơi nước ngoài cửa kính, để tôi có thể duỗi dài đôi chân mỏi mệt. Thế mà nửa đêm thức giấc đã phát hiện ra anh cũng ngủ gục xuống, đầu dựa hẳn vào vai tôi, thật là kỳ lạ cảm giác mái đầu người yêu nặng trĩu trên vai. Rất lâu rồi mới dám buông thả như thế.

Bình minh lên chậm rãi sau những tán cây phong non xanh rỡ ràng sườn núi. Những cái lá ba cánh khe khẽ xếp bài quanh cây. Anh thở, ôm chặt tay trong cơn mơ. Tôi ứa nước mắt khi anh ở ngay bên mà tôi vẫn còn đau những bình minh một mình, tỉnh giấc trong vô cùng khao khát. Có giấc ngủ đến trong đêm Bắc Đầu đầy đau xót, không dám chạm tay vì biết sẽ không để làm gì khi ngày mai là một ngày khác. Tình yêu này sẽ mất đi không còn dấu vết, chỉ là nỗi đau trong đời không thể nào có nhau. Có giấc ngủ chập chờn chờ đợi một ngày đầu tháng tư, tỉnh dậy bằng một nụ hôn ấm áp tha thiết trong căn nhà sững sờ bóng chiều Nam Tử. Có một đêm lang thang lủi xe vào những tán Dương Đề trong công viên hoang dã núi Sài, cố ru ngủ trên cái ghế bé xíu và cười rúc rích trong bóng đêm thăm thẳm. Tôi đã từng mơ sẽ không bao giờ chết cũng như không bao giờ lìa tay nhau.

Hay còn nhớ giấc ngủ thoáng qua ở khu vực suối bùn Quan Tử Lĩnh của ngày hôm kia, chúng ta lần đầu tiên thiếp đi trong cơn đau điên cuồng của một cuộc chạy trốn. Chạy trốn thật xa, anh đã từng nói hay ta sẽ cùng chết trên một vực núi nào để để ít nhất, còn đuợc ở bên nhau cho đến phút cuối cùng. Hay là ta sẽ lặng lẽ vượt biển, làm người bất hợp pháp ngay trên tổ quốc, sẽ về miền Nam Việt Nam đầy nắng ấm và sẽ mai danh ẩn tích như những người chỉ muốn sống sao cho chóng hết. Kỳ thực là sống sao cho tận hết.

Tình yêu, liệu tôi còn có ngày mai không?

Ở Vân Nam-Trung Quốc có một vùng đất hẻo lánh trên những mái nhà núi tiếp núi, nơi những cây xương rồng Tiên Nhân Trảng nở hoa vàng tung trước gió, tên là Lệ Giang. Thị trấn ấy là di sản văn hoá thế giới, có 120 nóc nhà cổ kính xây từ hàng trăm năm nay, xếp úp 3 mặt nhà với nhau quây vào một bức tường làm bình phong. Nghe đồn những dòng suối bé xíu luồn lách ngay dưới chân từng ngôi nhà, luồn quanh bếp, múc nước dưới chân lên tắm suối ngay trong buồng. Trẻ em hiền, người già ưa kể chuyện và không ở đâu trên khắp thế giới nhịp điệu cuộc sống lại chậm rãi, như cuốn phim quay vô cùng chậm như ở thị trấn Lệ Giang.

Chúng tôi đã hứa sẽ cùng đi tới đó, và sẽ yêu nhau, đi đến với nhau trong tận cùng nhịp điệu chậm rãi đó. Để thấy thời gian ngừng lại quanh chúng ta, tìm ra nhau sau những giấc mơ dài hoặc ít nhất, mơ ước để biết rồi một ngày mai tỉnh giấc, ta thấy vẫn còn được ở kề bên người mình yêu.

12/04/04

http://www.yo...v=7OANkOzIyes

Bài hát này giản dị và đau xót, chúng tôi đã từng khóc rất nhiều sau khi xem bộ phim này. Khi ấy là mùa xuân 2004, tôi đang ở Việt Nam, không có ý định trở lại Đài Loan song cảm giác là không lẽ trong đời này, tôi chỉ gặp người đàn ông ấy một lần thôi sao?

Anh đang nằm trong chăn chờ một giấc ngủ cũ. Một năm mới sắp đến rồi. Trong giây phút đó không ngờ cái cô gái hấp tấp, vụng về, suốt ngày mắc lỗi và gặp rủi ro là tôi, dù ở cách hàng ngàn cây số, đã bắt anh rơi nước mắt khi nghĩ về cuộc sống.

1. Nghe mùa đông ra đi ngoài cửa sổ

Tôi tỉnh giấc trong một ngày tháng nào đó

Tôi nhớ, tôi chờ, tôi mong mỏi thiết tha

Tương lai nào có định đoạt gì trước cho đôi ta?

2. Chiều buông tối sẫm ngoài khung cửa

Còn một người đứng đợi tôi ở tương lai phía trước

Nhìn trái nhìn phải, nhìn trước sau,

Tình yêu phải rẽ qua bao góc phố nữa mới đến với tôi?

ĐK1: Người tôi gặp sẽ nói cùng nhau điều gì?

Người tôi đợi vẫn còn ở xa lắc nơi nao?

Tôi nghe gió về từ chuyến tàu điện ngầm, từ những biển người trên phố.

Tôi sẽ xếp hàng chờ một số báo danh cho cuộc tình mình!

ĐK2: Tôi bay về phía trước qua một biển thời gian

Chúng tôi đã từng cùng đau đớn vì tình yêu

Tôi biết đường vào giấc mơ tình yêu của tôi rất chật

Song gặp được anh đã là sự bất ngờ đẹp nhất trên đời này.

Tin ngắn trong đêm

14/04/04

Em-Yêu thì không có tội! Hãy cố gắng sống thật tốt, tôi vĩnh viễn giúp em! Mong đêm nay em có một giấc mơ đẹp...

Em không ngủ được, em nghĩ đến anh.

Yêu em.

Khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên là anh. Mong được nhìn thấy anh cười.

Tôi thích em cười, lúc em cười em là người phụ nữ vô cùng phụ nữ.

Chiều nay em ngồi đọc sách trong Tiệm sách trên đường Minh Triết, nhớ anh đến đau lòng. Chiều nay em có cầm được bàn tay anh không?

Tối 9 giờ chờ tôi ở cổng tiệm sách, được không? Yêu em.

Em đã nghĩ kỹ rồi, em phải đi. Em biết sau này em sẽ hối hận song em phải đi.

Tôi đưa em đi.

(Ba ngày)

Bây giờ em không trốn được anh nữa!

Rất nhớ rất nhớ em.

Sáng 6h leo núi, chiều 17h30 chạy bộ, đánh bóng rổ hoặc bơi. Mong anh có ngày đến đây luyện tập cùng em.

Đã mười hai giờ đêm, vì nhớ em, tôi không thể nào tập trung đọc sách. Mong đêm nay em có giấc mơ đẹp. Yêu em.

Em nhìn thấy trời với biển chạm nhau bằng màu xanh lam mênh mang anh ạ. Em muốn anh ở đây bên em để cùng chia sẻ giây phút này biết bao. Mà sao mỗi lần nhắn tin cho anh, em đều buồn đến thế này nhỉ?

Tôi đang làm thêm giờ, nếu rảnh em lên mạng! Tin nhắn của em luôn làm tôi cảm động. Yêu em.

Vừa tan học, đang nghĩ đến anh, mong ước làm sao được cùng anh chia sẻ những năm tháng đẹp đẽ này!

Leo núi xong chưa tắm, đi làm luôn, haha...

Lần sau không dám đến gần!

Rất hy vọng em chia cùng tôi những đắng cay và ngọt ngào của đời sống!

Em không chống cự được những dịu dàng và chăm sóc và tình yêu anh mang đến. Em mong giấc mơ này em không bao giờ tỉnh dậy.

Hãy cho tôi thời gian để tìm lối thoát cho cả hai chúng ta!

Em mong anh ở bên, em muốn tình yêu tìm phương hướng cho em!

Ngoan ngoãn chờ tôi nhé, 5 giờ tôi sẽ về nhà. Yêu em.

Em phát hiện cảm giác yêu anh giống năm 18 tuổi, khi đó gia đình rất khổ, còn dùng củi ướt nấu cơm. Khoảng 6 giờ chiều em đang vất vả thì chợt nghe thấy từ trên Radio đang đọc một truyện ngắn của em. Em bàng hoàng thì ra trong cuộc sống khổ cực như thế em vẫn có được một hạnh phúc đầy mơ ước. Em quên rồi. Giờ yêu anh, cảm giác ấy sững sờ tái hiện lại.

Cảm ơn em, tôi đã tìm được em.

Đau lòng quá. Đây là tình yêu hay là giày vò khổ não?

Tôi thật lòng yêu em.

Em có việc gấp phải trở về Việt Nam, hôm nay còn phải đi làm vài việc, sợ không có thời gian gặp anh để chào. Thôi thế cũng tốt!

Mang tôi về Việt Nam.

-...............

Đừng xa tôi tôi sẽ đau lòng mà chết.

-..............

Tôi sẽ dùng cả đời để yêu em!

-..............

Chúng ta cùng dựng một gia đình, yêu em đến khi chết.

-.........

Vô cùng yêu em!

-.............

(không hồi âm)

hiệu sách trên đường Minh Triết

bức tường tôi thích nhất trong tiệm này

Tâm hồn tôi trên giấy

17/04/04

Tôi rất thích Tam Mao vì bức ảnh khi cô ngoài ba mươi, mặc một tấm váy đỏ dài đứng trước ngôi nhà đất ở vùng Sa mạc Sahara, tự tin và rạng rỡ nhìn thẳng vào ống kính. Cô ấy nhìn vào người yêu.

Có thể vì tôi cũng thích những truyện ngắn, tạp bút, du ký của Tam Mao viết theo mỗi vùng đất cô đi qua. Tuy nhiên, không có tạp bút nào lường đến cái chết. Ha-shi, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, chồng cô mất tích sau một trận bão cát trong sa mạc. Một chuyến thám hiểm như mọi lần, trên một vùng đất lạ, chấm dứt một chuyện tình. Nhiều năm sau ở tuổi 50, tại một bệnh viện ở Đài Bắc, Tam Mao đã ngồi trên ghế, dùng một dây lụa, một cái tất tơ, hay cái khăn trắng gì đó, buộc mình vào ghế và tự thắt cổ chết trong im lặng.

Cái chết hoàn toàn phản khoa học, một người không thể tự thắt cổ mình đến chết với khuôn mặt thanh thản như thế, song tôi tin khi ấy Tam Mao cũng nghĩ chỉ có cái chết mới kéo gần được với tình yêu. Khi đấy là năm 1991. Tôi tin cô ấy không chịu đựng nổi nỗi cô đơn trong cuộc đời dài thăm thẳm này.

Chúng tôi thường dừng lại rất lâu trước giá sách, chọn lấy một cuốn sách văn học và bắt đầu trò chuyện. Truyện ngắn, tản văn, những giải thưởng, những người đang lên trên văn đàn. Những tác giả nào có thể giới thiệu ở Việt Nam, những cây bút trẻ nào nên đưa vào tập sách tuyển chọn? Những tác phẩm nào có thể đặt cạnh nhau để tôn nhau lên chứ không phải là để nói "xin lỗi" một cách kẻ cả?

Bao nhiêu dự định, khi chúng tôi yêu nhau và cùng nhìn về phía trước, nhìn về phía Văn học. Cố gắng để kéo độc giả hai nước gần nhau hơn trong cái nhìn khách quan và mới mẻ, không bị tác động bởi những best-seller nhan nhản, những đầu tư đòi tiền chính phủ. Anh thường lúng túng vì tình yêu, tôi lo âu vì quá nhiều dự định. Giá cuộc sống cho ta thêm thời gian để yêu và để sống, được cùng nhau đi tới?

Những trang sách mở ra số phận. Chúng tôi đang chạy đua để có thể, yêu nhau không phải chỉ là đau đớn vì Yêu mà còn là hạnh phúc vì cùng Vươn Tới được những giá trị đẹp đẽ khác, đi tới những miền đất bao la trong từng tác phẩm, gắn tình yêu với cống hiến. Để mỗi cuốn sách ra đời ở Đài Loan sẽ là một khuôn mặt xinh đẹp về Việt Nam.

Không phải chỉ là Yêu mà còn Cần nhau biết bao trong đời. Anh hỏi tôi nhiều lần: "Em có tin liệu chúng ta sẽ ở bên nhau được chứ?"

Tôi chợt nhớ Tam Mao biết bao, cô đã chết để trả lời cho câu hỏi ấy. Tôi yêu Tam Mao vì cô ấy không chỉ sống, không chỉ viết mà còn quyết liệt. Vì cô ấy đã lựa chọn tình yêu.

2 become 1

20/04/04

... Đã từng cùng nhìn ra phía góc vườn này, trong một sáng khoác ba lô leo núi Trúc Sơn và công viên hoang dã Hồng Diệp cách Cao Hùng 100km. Ở đó, anh cõng một người phụ nữ mệt mỏi là tôi xuống núi, không biết có nhận ra tôi đã để rơi nước mắt xuống lưng áo người yêu?

... Đã từng nhìn lại ngôi biệt thự kiểu Nhật cũ kỹ già nua trên đỉnh Bắc Đầu, chia tay những dòng suối lưu huỳnh phủ khói sực nức lưng sườn thung lũng ngoại ô Đài Bắc. Hồi tám tuổi, mỗi sáng anh đạp xe bỏ báo cho hết 200 ngôi nhà trên núi Bắc Đầu rồi đi học, cho đến khi mười tám tuổi, chia tay Bắc Đầu, anh đã học được rất nhiều trên núi, với sức khoẻ dẻo dai và một kỷ niệm đau đớn về người cha chết vì làm lụng và kiệt sức.

Đối diện với những kỷ niệm cũ sao cô đơn đến thế? Anh đỡ lấy đôi bàn tay tôi từ phía sau, áp vào người tôi một hơi thở nóng và tha thiết mong. Trước những con đường dốc dựng đứng quanh co và những mái nhà cũ kỹ câm lặng trong đêm, cảm giác ấy không thể nào tới một lần nữa trong đời.

... Đã từng cùng chọn bữa sáng với tách cafe nóng và miếng bánh mì kẹp, nhìn ra con phố này, sau một đêm thức trắng để trò chuyện trong bóng tối.

Còn điều không thể chia sẻ cho nhau được, đó là sự sống. Nhưng sống lâu để làm cái gì, khi không được ở bên người mình yêu?

Lang thang trong vịnh Tây Tử

23/04/04

Vịnh Tây Tử thường làm tôi sững sờ vì vẻ điềm đạm và tinh khiết rực rỡ của màu nước liền với trời thành một phiến màu xanh lam nhàn nhạt. Không bao giờ Tây Tử có chân trời, không biết đâu là điểm nối trời liền với biển ở xa phía khơi eo Đài Loan.

Chúng tôi ngày này qua ngày khác làm những giấc mộng đẹp nối tiếp không dứt bên Tây Tử: Ngao du trong vùng vịnh, trèo lên đỉnh núi từ những con đường hiểm trở, băng qua công viên hoang dã, chạy bộ qua những toà nhà học viện bình yên hoặc lén lút rình những con cua bé xíu trong những hốc đá lởm chởm dưới chân vực. Cũng có khi kiếm được vài lá rong biển tươi mới dạt vào bờ và thế là một bình minh trôi qua đầy êm ái giữa bao la trời Cao Hùng.

Khi giấc mơ chấm dứt, những con còng ấy, những con đường và kỷ niệm ấy sẽ ra sao?

Chúng tôi sẽ dựng giấc mơ khác. Sớm qua sau khi trở về thành phố, chúng tôi đã quyết định sẽ sắm một chiếc xe tải, chất lên đó lủng củng những bàn ghế gỗ, cốc tách, máy pha cafe và sẽ lên đường ngao du khắp đất nước Đài Loan làm người bán cafe dạo! Chỉ cần bỏ ra một triệu tệ là sẽ được sống tiếp trong giấc mơ có nhau ở bên. Sẽ lại ngao du, viết văn, khám phá, sống như thể ngày mai sẽ chết. Nghe ra thật không ổn vì một quan chức (hiện tại) cùng một thạc sĩ (tương lai) rốt cuộc sẽ bỏ lại tất cả, những buổi họp quan trọng, những thẻ tín dụng, những cuộc shopping khắp các shop thượng hạng trong thành phố... chỉ để suốt ngày loay hoay với cái máy pha cafe rẹt rẹt và những cái ghế gấp lập cập ở đâu đó ngoại ô thành phố, ở một đỉnh núi miền Trung hoặc ở một làng chài ven biển Nam Đài Loan, sang hơn thì đỗ xe lại một đêm dưới chân toà tháp 101 tầng cao nhất thế giới ở Đài Bắc, ở đó một đêm để ngắm thành phố, tò mò giống như những người thành phố dừng bước lại và nhìn đám du dân đầy bụi đường trên chiếc xe cafe di động.

Nhưng tại sao lại không? Nếu mỗi ngày đến là một bất ngờ không hẹn trước, rồi mỗi đêm có thể hôn nhau trước lúc ngủ và mỗi sớm dậy, nhìn thấy nhau ở bên, đầu tiên?

Còn bọn trẻ của chúng ta? Anh cho rằng chúng cũng sẽ học cách tự giải quyết vấn đề của chúng. Chúng sẽ học được cách trưởng thành và tự trọng. Thế nếu chúng không học được và sẽ chỉ nghĩ: sống, tức là tạm bợ, ngày nào biết ngày đó như thế? Chúng ta dạy chúng sống, chúng ta làm gương, tại vì chúng ta có Tấm Lòng.

- Nhưng em nhớ phải bỏ lại tất cả những cái váy ngắn, minijupe, áo hở vai và những thứ đồ đầy khêu gợi ở lại thành phố.

Đấy là điều kiện để được trở thành một kẻ du đãng hạnh phúc bên anh! Chiều nay tôi nhắn tin, thú nhận đã thua trước giấc mơ đầy cám dỗ này: "Anh ạ, thứ mà em "hở hang" nhất, dễ bị mọi người nhìn thấy nhất chính là cảm giác yêu say đắm, nên mong tình yêu của anh, như một tấm áo mới, sẽ dịu dàng đến ôm quanh em!"

Giọng nói trên điện thoại đầy xúc động:

"Tôi đánh cuộc với em là trong hai chúng ta, tôi yêu em hơn rất nhiều, đến không thể nói ra. Em có đánh cuộc với tôi không?"

"Đánh cuộc bằng gì?"

"Bằng sinh mệnh."

Ý và Nghĩa

Có bạn đọc xong đã nhắc tôi, tình yêu lãng mạn bay bổng như thế thường chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp. Thôi hôm nay chẳng viết được những cảm giác lãng mạn bay bổng nữa, tôi viết về tiền nong, nợ nần, tính toán, thu xếp đời sống. Đó là những thứ cũng rất thực tiễn trong những ngày tháng Năm này

25/04/04

Trên những đường phố Kaoshiung, 6 giờ sáng, 5 giờ chiều, những giờ vào lớp và tan học của học sinh Tiểu học, ngang những con phố bao quanh các trường Tiểu học thường có những Nghĩa Công (các tình nguyện viên) đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đứng ra làm việc chặn các đoàn xe trên đường để cho học sinh Tiểu học dắt nhau qua đường an toàn. Cảnh tượng thường rất cảm động. Những tình nguyện viên có thể là sinh viên, là cô giáo lớp 1, một ông tưới cây trong trường hoặc là một người tình nguyện từ đâu chạy xe máy tới, vất xe bên vệ đường, đeo băng đỏ, cầm lá cờ dài in chữ "Đình" (dừng lại!) và bắt đầu hướng dẫn luồng xe, cứ 5 phút một lần đưa học sinh qua đường. Nhiều khi Nghĩa công chính là một bà mẹ trẻ, tình nguyện làm việc chỉ vì con mình cũng đang ở trong đám trẻ kia, hoặc ở trong đám trẻ một trường Tiểu học khác đang được những Nghĩa công khác giúp đỡ.

Mỗi khi gặp cảnh tượng này, tôi thường chồm người lên vai ghế xe, nhìn theo họ và sung sướng thốt lên: "Anh ơi, em muốn làm Nghĩa công!" Đáp lại thường là một nụ hôn. Khắp Đài Loan có thể gặp ở mọi nơi những tình nguyện viên như thế, làm việc 4-6 tiếng/ngày mà không cần bất kỳ thù lao nào. Họ ở phòng tiếp dân của các công sở, là người phục vụ trong các cơ sở công cộng, trong ngân hàng, công ty, là người tuyên truyền về sức khoẻ và bảo vệ môi trường, là người thu gom rác, làm y tá trong bệnh viện, ở cả những nơi nguy hiểm và vất vả. Họ là những sinh viên, học sinh tận dụng chút thời gian rảnh trong tuần, là người đã về hưu song còn sức khoẻ, là bà nội trợ không muốn chỉ quẩn quanh trong nhà, hoặc là những công chức tận dụng được 1 tiếng đồng hồ buổi sáng sớm .v.v... Những người như thế bạn gặp hàng ngày trên đường phố Cao Hùng, tạo nên một khía cạnh cảm động trong cuộc sống hiện đại đầy thực dụng.

Anh có một tấm thẻ tuỳ thân Hiến máu nhân đạo. Mỗi năm ba lần anh đi hiến máu, không quên và cũng thành thực "Vô sở cầu" - không vì mục đích gì. Cái gì mình làm được mà có lợi ích cho xã hội thì làm, cố một chút để làm xã hội tốt đẹp hơn! Dù rằng với 1m82 và 75kg, theo quy định TW thì mỗi lần hiến máu đều phải không dưới nửa lít.

Khi ở Việt Nam, tháng 3 năm nào tôi cũng đi hiến máu, cũng bởi "Vô sở cầu" nên tháng 3 ở Đài Loan, tôi cũng đăng ký hiến máu. Với 1m63 thì chỉ quy định mỗi lần hiến 200ml mà thôi. Song bị chính người VN phản đối kiên quyết và miệt thị: "Máu Việt Nam vì sao lại đem cho Đài Loan?"

Câu nói giản đơn đó làm tôi đau đớn mãi, như thể chính mình bị khinh rẻ, chứ không phải là "bọn Đài Loan" đang bị khinh rẻ. Anh cũng buồn rất lâu, anh bảo: "Vậy người Đài Loan không phải là Người sao? Vì sao họ được chính phủ ĐL cung cấp tiền bạc bấy lâu nay, tạo cơ hội ăn học, được ĐL giúp đỡ tối đa khi VN thì gây rắc rối thủ tục, vậy mà vẫn còn suy nghĩ kỳ thị? Sao không nhìn thẳng vào sự thật?"

Cái gì mình làm được mà có lợi ích cho xã hội thì làm, cố một chút để làm xã hội tốt đẹp hơn! Đừng để người ta lợi dụng song cũng đừng biến mình thành nhỏ mọn!

Những đồng Đài tệ

13/05/04

Tờ Đài tệ mệnh giá lớn nhất 2.000 tệ, tính ra xấp xỉ một triệu đồng tiền Việt. Cầm tờ Một Triệu ấy ra phố chỉ đủ để đi qua Siêu thị A+1 - một loại siêu thị bán hàng giá ưu đãi - mua những thứ vật dụng hàng ngày dùng cho một tháng. Đồng xu bé nhất mệnh giá một tệ, chả mua được gì, nhưng sao tôi thương đồng xu bé tí hin màu xin xỉn ấy nhất, như cầm trên tay đồng bạc tuổi thơ từng nâng niu không dám tiêu. Cảm giác về một chút giá trị nhỏ nhoi trên tay, bao người từng cầm qua, bao cảnh nghèo vét túi đến đồng xu cuối cùng, bao người giàu dẫm lên đồng xu lẻ, những cuộc thanh toán vội vã đổi những vật dụng khiêm tốn, trả lại tay đồng xu bé xíu tượng trưng cho cuộc mua bán sòng phẳng.

Hôm qua, tờ Thời báo Trung Quốc Chinatimes ra ở Đài Bắc chụp ảnh một người cha ở Cao Hùng, túng quẫn mở bình gas tự sát cùng đứa con trai 7 tuổi. Anh ta bỏ vợ năm 27 tuổi, một mình nuôi con, giờ mất việc, lại bị bạn làm ăn lừa mất toàn bộ gia sản là 50 vạn tệ, trong túi chả còn một xu, nghĩ tới tương lai và đứa con bé bỏng mà đứt ruột. Khi cảnh sát giải thoát, biết mình sống, anh ta lăn ra giường vật vã. Chết vì nghèo là bởi muốn chết nhất, bởi sống lại cũng không thể có ngày mai tốt đẹp hơn. Người cha xin lỗi đứa con trai và bảo, chắc kiếp trước con nợ gì cha mà kiếp này đầu thai vào gia cảnh này?

Trước ngày bãi khoá, rời Học viện, anh dành hai ngày chở tôi đi lang thang qua tất cả các huyện thị của Đài Loan, từng ngóc ngách xó xỉnh trên mảnh đất này, nông thôn, thành phố, phồn hoa, heo hút, nghèo và giàu cách nhau một trời một đất. Cứ đi không cần ngày tháng, trong say mê và xót xa. Buổi chiều tối, trên đường về ký túc, anh đưa cho tôi một Thẻ tín dụng của Ngân hàng Yushan - một ngân hàng lớn có xu hướng thân đảng cầm quyền Dân Tiến - và bảo:

- Anh gửi tiền lương ở nhiệm sở kia hết trong thẻ Yushan này. Đây là số tiền lương anh bắt đầu tiết kiệm kể từ ngày đầu tiên anh quen em, anh đã nghĩ nên để tiền dành ra giúp cho em học tiếp ở Đài Loan. Nửa năm, anh không biết hiện giờ nó đã có bao nhiêu vạn tệ vì anh chưa từng tiêu ở đó đồng nào. Và hàng tháng tiền lương của anh ở W.Z. vẫn tiếp tục chuyển tự động vào đây. Anh muốn em dùng tiền để học thật tốt. Vì học mà học giỏi chứ không phải vì tiền mà học giỏi!

Nước mắt bắt đầu ngập ngừng trên mi, tôi cắn môi nhìn đi phía khác. Không dám nói không hoặc là nói có. Câu trả lời nào cũng đều nặng như nhau, phải vậy không, tôi tự hỏi tôi, người phụ nữ đã mệt mỏi trên đường đời.

Suốt nửa năm quen nhau, giờ mới biết giữa chúng tôi luôn có một điều gì đó khó giải thích. Từ khi tôi là người dưng, từ khi tôi còn bận rộn với những trục trặc, lơ đãng, bất cẩn, vụng về của mình thì anh đã ở đâu đó âm thầm.

- Em đừng buồn, đừng tự ái vì tấm Thẻ tín dụng này. Anh yêu em nên anh lo cho em những ngày tới ở xa anh sẽ sống ra sao. Nếu không yêu, một xu anh cũng không cho ai.

Tôi đã không sòng phẳng được như thế, tôi luôn giấu tôi là ai. Cho nên khi đèn xe khuất sau những rặng cây phượng vĩ trơ trụi tháng ba dưới con dốc dài, nước mắt tôi mới rơi xuống ngực áo. Những giọt nước mắt không màu sắc.

Thời gian qua nhanh, tháng Ba chuyển qua tháng Tư. Tháng Tư có ngày tự dưng trở gió lạnh, rồi có ngày tự dưng rơi một cơn mưa đêm bất ngờ. Tháng Tư, một tối anh chở mẹ anh qua trường tìm tôi, để ngồi chơi trên bờ kè đá gần cổng trường, chỗ nhìn ra cây đèn biển lối vào cảng nước sâu khu Tiền Trấn. Mẹ anh xách theo 3 tách cafe nóng vừa mua ở BranchCafe. Anh thường đùa BranchCafe là nơi "Mấy trăm Đài tệ mà mua được của em ba mươi phút vui vẻ!", biết đâu mấy trăm Đài tệ đó đã bằng nửa tháng lương giảng viên đại học ở Việt Nam. Chúng tôi ngồi trên bờ kè đá, gió thổi mạnh và êm trong đêm ấm áp, cafe thơm không ngờ, phía ngoài xa là những con tàu cập dần vào cảng, chạy qua chỗ ba người kéo từng hồi còi dài sung sướng. Mẹ anh mới ngoài năm mươi và bà rất thích trò chuyện.

Tôi không thể nào quên đôi vai vạm vỡ và vóc dáng cao lớn của anh trong bóng đêm, khi bế mẹ xuống kè đá sau lúc chia tay. Đấy là một sự thu xếp, giống tấm thẻ Tín dụng, để toan tính kéo tôi gần thêm vào những sự ràng buộc êm ái.

Nhưng những toan tính ấy cảm động quá khiến tôi dường như mất đi những mặc cảm, làm tôi gặp lại tuổi thơ, gặp lại những ước mơ thật đẹp đẽ của đời người mà tôi đã từng mơ, rồi từng cố quên đi bởi biết trong đời này tôi sẽ không bao giờ gặp được.

Tháng Năm đã tới, hoa phượng vĩ nở rực rỡ quanh trường Đại học Trung Sơn. Mỗi lần chạy xe qua khu cổng phụ của trường, chúng tôi đều sung sướng nhìn hoa nở và nói khẽ:

- Anh nhìn hoa phượng kìa! Em nhìn hoa phượng kìa!

Nó cũng đã từng toan tính để nở được vào tháng Năm, một cách không hề toan tính, đúng hẹn biết bao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: