Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

em chờ ta, bóng đổ dài, qua duyên.


Quốc chậm chạp ngồi xuống ghế, từ từ bỏ đôi nạng gỗ vào góc tường đã tróc vôi vỡ lở, bàn tay thầy nhăn nheo đưa lên khẽ phủi đi vài hạt bụi còn vương trên vai áo, đôi mắt thầy dù đã in dấu thời gian nhưng vẫn còn mấy phần sáng trong như thời trai trẻ, thẫn thờ nhìn ra một nơi nào đó xa tít tắp trong vô vàn những khoảng trống mơ hồ bên ngoài khung cửa sổ. Từng hồi trống trường vang lên không trung làm mấy phiến lá khẽ rung rinh, tiết học vừa mới bắt đầu. Học trò đến lớp dần đông đủ, loáng thoáng còn nghe thấy vài tiếng bước chân đang vội vã chạy dọc trên hành lang các lớp học.

- Thưa thầy, em đến muộn.

Quốc đưa mắt nhìn ra phía cửa lớp nơi phát ra âm thanh vừa rồi, ấy là Hoan, cô học trò vốn là người gương mẫu nhất lớp, bỗng nhiên hôm nay lại đi học muộn, Quốc lấy làm lạ, thầy muốn hỏi lý do nhưng khi vừa nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của của cô, câu nói sắp sửa thoát khỏi vành môi lại ngưng nơi cổ họng. Quốc chợt nhận ra, có cái gì đó quá đỗi thân thuộc nơi cô làm lòng thầy xao động thật nhẹ, Quốc nhìn Hoan một lát rồi khẽ nói:

- Trò vào đi.

Hoan cúi đầu bước vào, thầy thoáng thấy trên tay cô cầm chiếc khăn màu đỏ.

Quốc lại chống nạng, khó khăn đi đến giữa bục giảng, đôi mắt chứa đầy những suy tư nhìn quanh lớp một lượt, thấy những bàn trống đã được lấp đầy, thầy mới bắt đầu giảng bài. Lớp học im phăng phắc, đến nỗi tưởng như có thể nghe thấy cả tiếng những hạt bụi trắng xóa rơi trên tóc thầy. Giọng Quốc trầm ấm vang lên trong căn phòng nhỏ, lẫn với lời thầy là tiếng ve kêu râm ran ngoài khung cửa sổ. Nắng chói chang tràn qua các kẽ lá làm những giọt sương sớm trở nên long lanh như những hạt ngọc trời. Thoăn thoắt trên những tán cây bàng rộng lớn là mấy chú chim ri đang bay nhảy trong giọng hát ngọt ngào của những nàng sơn ca, cùng tiếng líu lo của bầy se sẻ. Từng âm thanh trong trẻo của thiên nhiên như đang rót vào mùa hè oi bức từng dòng nhựa sống mát mẻ dồi dào. Bên ngoài rộn rã là thế, nhưng bên trong khung cửa sổ lại là một thế giới khác.

" Đánh cho chết cái hoàng oanh

Ai cho mi hót trên cành cây cao

Hót thời tan giấc chiêm bao

Chẳng cho hồn thiếp được vào Liêu Tây."

Quốc khe khẽ ngâm, dường như cái giọng trầm ấm của thầy làm cả lớp xúc động. Mấy đứa học trò yên lặng nhìn dáng thầy trên bảng, cái quần vải dài không đủ để che đi bàn chân dị dạng, bên người Quốc là đôi nạng gỗ đã bên cạnh thầy suốt mấy mươi năm trồng người, nay đã có vẻ cũ kĩ. Thầy đã luống tuổi, cái mũ nồi trên đầu để lộ ra loáng thoáng vài sợi bạc như tơ. Trên gương mặt thầy là những nếp nhăn đua nhau chen chúc, mỗi khi thầy cười là những nếp nhăn lại va vào nhau tạo nên những hình thù kì lạ. Nhưng thầy Quốc vốn rất ít cười, sau cái chết của người chị và đứa cháu nhỏ vào đúng hôm mùng ba Tết năm ngoái, thầy lại càng ít cười hơn. Mấy đứa học trò đang mải mê suy nghĩ thì Quốc đột nhiên gọi:

- Lập, trò cho tôi biết, bài thơ trên của tác giả nào?

Thằng Lập đang bận nhìn mấy phiến lá rung rinh trên cành cây bên ngoài cửa sổ, nghe lời thầy nói thì giật bắn mình đứng dậy, lắp bắp nói:

- Thưa...thưa thầy, bài thơ này... không rõ tác giả ạ.

Cả lớp bỗng cười rộ lên từng tiếng làm hai tai thằng Lập đỏ bừng, hai tay dưới gầm bàn xoắn cả vào với nhau. Nó lấm lét nhìn thầy, chỉ thấy thầy nhíu mày rồi khẽ nói làm cả lớp im bặt:

- Đúng rồi, bài thơ này nhiều nơi cho là của Vương Xương Linh, có nơi ghi là của Cáp Gia Vận, cũng có chỗ ghi là khuyết danh. Trò ngồi xuống đi.

Nhìn thằng Lập thở phào ngồi bịch xuống ghế, thầy mới quay lại bảng giảng bài. Lúc đi qua chỗ Hoan, Quốc thấy mắt cô ươn ướt, cái khăn màu đỏ bị cô vò lại thành một nhúm vải nát nhàu loang loáng nước.

Cả tiết học yên lặng trôi qua đến khi tiếng trống trường vang lên từng hồi dõng dạc, từng đám học sinh ùa ra sân trường như ong vỡ tổ. Trong lớp chỉ còn lại Quốc và Hoan. Thầy ngồi ở ghế trên bục giảng, mắt dõi theo từng đám mây bay trên bầu trời, trong đầu đều là những câu chữ của bài thơ vừa rồi.

" Đánh cho chết cái hoàng oanh

Ai cho mi hót trên cành cây cao

Hót thời tan giấc chiêm bao..."

Từng câu từng lời như đè nặng lên cõi lòng chông chênh của thầy làm nó trở nên bình lặng. Có cái gì đó quá đỗi xa vời ở những đám mây kia, xa đến nỗi không thể với lấy. "Đánh cho chết cái hoàng oanh..." thầy nhẩm đi nhẩm lại câu thơ ấy một cách bất lực và đau đớn, chiêm bao thì làm gì, chỉ để cố níu lại những kỉ niệm vô thực kia ư? Bài thơ này cũng đâu phải không rõ người sáng tác, tác giả, cũng chỉ là một người đang khổ sở đợi chờ mà thôi. Niềm vui thì vô thực, nỗi buồn thì hữu thực. Chia ly là buồn khổ, đợi chờ là đớn đau. Quốc chợt thấy khóe mi ươn ướt, mới nhận ra mình đã khóc từ lúc nào, khẽ đưa tay lên lau đi vài giọt lệ đang chực rơi xuống, rồi thầy chậm chạp thu dọn tài liệu bỏ vào cái cặp da cũ mèm đem khoác lên vai, chống đôi nạng gỗ khó khăn đi xuống bục giảng.

Bỗng thầy thấy Hoan, cô ngồi ở bàn đầu tiên của dãy một, ngay cạnh cửa lớp, đầu cô gục xuống, hai bím tóc được tết gọn gàng nằm trên đôi vai gầy đang run lên từng đợt của cô.

- Này trò.

Quốc khẽ gọi, hai bàn tay nhăn nheo vỗ nhẹ lên cạnh bàn. Hoan ngẩng đầu lên, thầy thấy gương mặt cô nhạt nhòa nước mắt. Chiếc khăn đỏ theo động tác mà rơi xuống sàn đất, Hoan vội vàng cúi xuống nhặt lên rồi ôm nó vào lòng, nâng niu như thể đây là thứ quý giá nhất cuộc đời.

- Sao trò lại khóc?

Hoan nhìn Quốc, cô thấy trong đôi mắt thầy là bao lo lắng, vầng trán già nua nhíu lại làm từng nếp nhăn xô vào nhau, thầy bây giờ trông hiền từ hệt như ông bụt trong những câu truyện cổ tích mà cô từng nghe.

- Thưa thầy, anh... anh Hoàng đi hôm nay thầy ạ.

Quốc giật mình nhớ ra hôm nay là ngày nhập ngũ, lòng thầy nao nao, bất giác nhớ về mùa hè rất lâu về trước, cũng đã có một cuộc chia ly như thế. Thầy lặng lẽ nhìn Hoan, lại chết lặng khi bỗng nhìn thấy chính mình trong đấy, chính thầy của mấy mươi năm về trước cũng đã từng khóc vì một người. Cho đến bây giờ, Quốc vẫn tường tận cái cảm giác mọi thứ như vỡ nát khi nhìn bóng con thuyền chở người ấy dần xa khuất giữa làn nước mênh mông, nhớ cảm giác đắng chát nơi cổ họng khi tiếng chia ly còn chẳng kịp thốt nên lời. Thời gian cứ thế trôi qua, bóng hình ấy cứ nhạt nhòa trôi nổi trong miền kí ức đã phủ kín rêu phong nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ biến mất, cho đến bây giờ bỗng ùa về không báo trước, làm thành quách trong lòng như vỡ vụn trong nỗi nhớ vô bờ, làm cho vết thương đã lành nay lại nhận thêm một vết rách ngang.

Hoan vẫn khóc, Quốc không biết an ủi cô thế nào cho phải, vì chính thầy còn chẳng thể vỗ về bản thân mình. Còn nhớ hay đã quên? Chắc không ai biết nữa.

- Tôi không biết chúng nó đi sớm như vậy.

- Anh Hoàng nói, lần này đi không biết đến bao giờ.

Hoan để mặc nước mắt làm gương mặt đen sạm ướt nhòa, lặng yên nghe tiếng tim mình vỡ nát, đôi mắt đờ đẫn nhìn ra khung cửa sổ như cũng muốn tìm kiếm thứ gì xa xăm trên bầu trời. Quốc không nhìn cô, để mặc cho cô khóc. Thầy thì thầm, hỏi Hoan, lại như muốn hỏi chính mình "Có đợi được không?"

Hoan giật mình quay đầu lại, lăng lăng nhìn nửa gương mặt thầy chìm trong nắng trưa hè, bóng thầy xiêu vẹo đổ trên vách tường loang lổ, Hoan thoáng thấy đôi nạng gỗ rung rung. Trông thầy thế này thật giống cô biết mấy, như thể thầy cũng đang đợi chờ một ai.

- Được chứ, em... em sẽ đợi anh Hoàng cả đời.

Trong đôi mắt cô là sự kiên định, kiên định giống như thầy năm xưa, nhưng Quốc không dám nhìn vào ánh mắt ấy, ánh mắt mà thầy đã trốn tránh nó cả nửa cuộc đời. Sớm thôi, thầy biết, thời gian sẽ nói với cô rằng, sự kiên định bây giờ không đủ mạnh mẽ để có thể chiến thắng cả nỗi nhớ nhung lẫn niềm tuyệt vọng, rằng sự chờ đợi sẽ khiến tình yêu cảm thấy nó vốn nhỏ bé đến nhường nào. Quốc không nhìn Hoan nữa, thầy thu tay lại vịn lên đôi nạng gỗ, khó khăn bước ra khỏi lớp học. Hoan vẫn cúi đầu, cô không để ý rằng thầy đã đi, chỉ nghe thầy lầm bầm nói khẽ:

- Cả đời... quá dài.

Hoan nhìn bóng thầy dần khuất trên hành lang đầy nắng, tưởng như tim đau đến uất nghẹn. Sóng lòng dâng lên, nhấn chìm những kỉ niệm bình yên thuở ấy, chỉ để lại một dải đá ngầm với những mũi đá nhọn hoắt chĩa lên trời cao vời vợi.

Quốc tập tễnh bước đi, trong đầu thầy bây giờ đều là những giọt nước mắt cay đắng của Hoan. Nắng nhạt dần, từng hạt nắng nhảy nhót trên vai áo phủ đầy bụi phấn của thầy, vì bước thầy đi mà rơi xuống.

***

Quốc dừng lại bên một hàng nước nhỏ, móc từ túi quần ra vài đồng lẻ mua một bắp ngô nướng. Mỉm cười nhận bắp ngô từ tay bà cụ bán hàng, rồi thầy ngồi xuống chõng thưởng thức thứ quà bình dị này. Mùi thơm từ cái chậu than của bà cụ tỏa ra ngào ngạt, khói từng đám bay lên bầu trời xanh thẳm. Quốc chậm chạp nhai ngô, từng chiếc răng ố vàng va vào nhau ken két, đôi môi khô nẻ thấp thoáng một nụ cười. Đây là hàng nước đã ở trong trí nhớ của Quốc bao nhiêu năm ròng, nơi ghi dấu biết bao kỉ niệm thuở trước. Bà cụ bán hàng bây giờ là con gái cụ Xin, còn cụ Xin đã mất vì đậu mùa năm Quốc mười hai tuổi. Thầy còn nhớ khi ấy hàng nước đóng cửa mấy ngày liền làm bọn trẻ con cũng buồn mất mấy ngày. Tuổi thơ thật gần, mà cũng thật xa. Thầy yên lặng nhìn bắp ngô trên tay, lại đưa mắt nhìn bà cụ đang ngồi phe phẩy cái quạt nan cũ mèm bên cạnh chậu than đỏ hồng.

- Thầy Quốc có phải không?

Quốc quay đầu lại, nhìn thấy một người phụ nữ trung niên trông thật lịch sự với cái áo măng tô dài quá gối và chuỗi ngọc trai lấp lánh trên cổ áo. Quốc thẫn thờ một lúc lâu, cố gắng lục lại trong trí nhớ từng gương mặt học trò, mãi sau mới bật thốt lên một câu:

- Trò là Quyên, lớp A7 khóa đầu của tôi phải không?

- Vâng, là em đây.

Quyên xúc động bước đến bên cạnh thầy, Quyên không biết là thầy còn nhớ rõ. Trước đây Quốc từng là thầy giáo dạy Văn tại một trường trên tỉnh, về sau vì bệnh tật mà chuyển về quê. Quyên khi ấy mới chỉ là một cô trò nhỏ, vậy mà bây giờ đã trở thành một người thành đạt hơn cả thầy. Quyên đi đến bên thầy ngồi xuống chõng, cũng mua một bắp ngô rồi thưởng thức.

- Thời gian trôi qua nhanh thật thầy nhỉ, mới thế mà đã hơn ba mươi năm rồi.

Quốc bỗng cảm thán, dường như tuổi già làm mọi cử động của thời gian chậm lại. Có một số việc thầy đã quên, nhưng vẫn còn một số chuyện, cho đến giờ vẫn còn nhớ kĩ. Quốc muốn nói một vài câu ôn lại kỉ niệm thời trẻ, nhưng lại nhận ra thầy chẳng biết nói gì.

- Lúc đọc bức thư thầy viết, cả lớp đứa nào cũng khóc, cả thằng Hải Cò nữa, thầy nhớ không? cái thằng hư nhất lớp, cái thằng " nghịch như quỷ " mà thầy hay nói ấy. Bọn em đã rất nhớ thầy.

- Tôi cũng nhớ các trò. Cuộc sống hiện tại thế nào?

- Ổn ạ, nhưng thi thoảng vẫn mệt lắm, nhiều lúc em muốn quay về ngày xưa, có thầy, có các bạn...

- Thế à...

Thầy cười nhạt nhìn lên những đám khói chưa tan, trong lòng cảm thấy xấu hổ vì mình chẳng nghĩ ra được gì để nói, hai thầy trò cứ ngồi như thế. Quốc không nói, Quyên không nói, cả khoảng không chỉ để cho im lặng cất lời.

Nắng chiều đã ngả về Tây nhưng vẫn còn gay gắt, thấp thoáng mấy nhà trong ngõ đã lên đèn. Mấy quầy hàng đêm thế nhưng đã mở cửa từ bây giờ, bà cụ hàng nước cũng phải dọn hàng để về cho kịp chuyến phà, thế nên thầy và Quyên đành cùng nhau đến bờ hồ. Vì Quốc đi lại khó khăn, nên Quyên không dám đưa thầy đi xa. Trên chiếc cầu nhỏ gió thổi mát rượi, từng làn gió đem hương thơm nức của mấy quầy hàng ăn vờn quanh chóp mũi làm Quyên tham lam hít một hơi đầy, rồi lại không nỡ thở ra. Quốc đứng bên cạnh, tầm mắt thầy dõi theo những con tàu với ánh sáng đủ màu đang dần xa khuất, kế bên là từng chiếc xuồng nhỏ tối đen, ánh sáng yếu ớt từ những ngọn đèn dầu hắt xuống lòng sông lạnh lẽo. Thầy bỗng nhớ về lúc ấy, cũng là thầy đứng nơi này mà trông ngóng đợi chờ. Suốt ba mươi năm qua, cuộc sống đã có ít nhiều thay đổi, nơi này trước đây là một bãi đá nhưng nay đã trở thành một cây cầu, nơi này trước đây là một thiếu niên nhưng nay đã trở thành một người đàn ông đứng tuổi. Người xưa nói không sai, thứ tàn nhẫn nhất trên đời này là thời gian, tàn nhẫn cướp đi tất thảy kiên định, làm cho con người ta mục ruỗng về cả thể xác lẫn tâm hồn, làm người ta nhận ra tình yêu dù vĩ đại đến thế, nhưng vẫn thật nhỏ bé khi đặt mình vào dòng chảy của thời gian.

Bỗng nơi con tàu hoa lệ kia vang lên một tiếng hát:

" Ngày xưa quen nhau ngỡ đời mãi mãi có nhau
Ngày nay xa nhau âm thầm nước vẫn qua cầu
Người hỡi về đâu đêm nay gió mưa dãi dầu,
Người ơi về đâu?

Tìm nhau trong mơ trong lời ca trong tiếng thơ
Tìm trong đêm mưa trong ngày nắng cháy xa mờ
Người vẫn tìm nhau trong duyên kiếp không mong chờ
Người đã như mơ...

Tiếng hát tiếng cười còn đâu đó trong đêm nay
Gió rét có về lòng người có lắm chua cay
Ta như con thuyền ngược xuôi đi đó đây,
Tìm anh nào thấy?

Lối cũ có còn chiều loang nắng hay mưa rơi
Bến cũ có còn người lặng đứng ngắm ra khơi
Hay ra đi rồi, biền biệt xa xa khắp nơi,
Cho mộng qua đời... "

Quốc mỉm cười mà cổ họng đắng chát, thầy cố hít một hơi thật sâu để ngăn dòng lệ nóng đang chực trào, bàn tay vịn trên đôi nạng gỗ run lên bần bật. Thầy nhìn Quyên đang đứng bên cạnh rồi khẽ nói:

- Cũng muộn rồi, trò về đi để gia đình khỏi lo lắng.

- Vâng, em đưa thầy về nhé?

- Không cần đâu, tôi tự đi được, trò cứ về đi.

Quyên im lặng nhìn người thầy mình kính trọng khó khăn đi xuống từng bậc thang trên đôi nạng gỗ, rồi bỗng nhớ ra một điều gì đó nên lại vội vã đuổi theo thầy.

- Thầy, thầy ơi!

Quốc quay đầu, thấy Quyên lấy ở trong túi áo ra một phong thư nhỏ để vào tay thầy.

- Cái này, là bảo vệ trường mình ngày trước nhờ em gửi cho thầy. Từ lúc thầy về quê, có một bác ngày nào cũng đến trường tìm thầy, nhưng vì đều gặp phải giáo viên mới nên người ta bảo không biết thầy là ai. Suốt một tuần sau bác ấy vẫn đến, rồi để lại cho bảo vệ một bức thư, nhờ chuyển đến tay thầy. Chuyện này mãi sau em mới biết, em đã đến gặp bác ấy, nhưng người ta bảo bác ấy đã mất trong một vụ tai nạn giao thông rồi. Thầy...

Quốc không kịp nghe Quyên nói hết đã vội vàng mở thư ra, có cái gì đó làm tim thầy đau nhói lên từng đợt, đôi tay nhăn nheo lấy ra từ phong thư đỏ thắm một mảnh giấy nhỏ đã ngả màu ngà, trên giấy là những nét mực cũ kĩ đã sắp nhòe đi vì dấu thời gian.

" Gửi Quốc của anh,

Thật đường đột khi bỗng nhiên lại gửi cho em một lá thư thế này. Những ngày qua em sống thế nào, công việc dạy học vẫn tốt chứ? Lắm lúc anh thật mong được như em, có cái chữ để chống giặc dốt cùng đồng bào. Anh ở trong chiến khu vẫn ổn, đôi lúc nhớ em muốn viết cho em vài dòng, lại nhớ ra mình không biết chữ. May thay ở cạnh chiến khu có một lớp bình dân học vụ, thế nên anh vào đây học. Trong suốt thời gian ở chiến khu, anh chưa bao giờ ngưng nghĩ về em, anh hay mơ về ngày hòa bình lặp lại, mơ về cuộc sống của chúng ta lúc ấy sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu. Anh đã chờ đợi mãi cho đến khi xuất ngũ trở về làng Đồng, làng ta thay đổi nhiều em nhỉ? Anh đã đi tìm em, nhưng người ta nói em lên tỉnh dạy học từ mấy năm trước rồi, chị Nhiên cùng thằng cu Phước cũng lên đó theo em luôn. Thế rồi anh cũng lên, anh đã mất rất lâu để tìm thấy ngôi trường em dạy học, anh đến đấy để tìm em, nhưng hỏi ai người ta cũng bảo không biết. Anh đã ở đấy rất lâu để được nhìn thấy em, mong rằng khi ta gặp nhau, anh sẽ nói hết những điều chưa tỏ. Nay anh gửi lại bức thư này cho một người, nhờ người ta chuyển tới tay em. Nếu em đang đọc, hãy về lại làng Đồng, có anh đợi em ở đấy, nghe em.

Mắt Quốc nheo lại, cố gắng để lệ đừng rơi xuống lá thư. Thầy buông thõng tay, đôi nạng gỗ rơi xuống mặt đất gãy làm đôi, thầy ngã trên bậc thềm, hai tay run run ôm lấy phong thư đỏ thắm vào ngực, tựa như lúc Hoan nâng niu chiếc khăn Hoàng tặng, nâng niu như thể nó là thứ quý giá nhất của cuộc đời. Bức thư vẫn còn một đoạn cuối chưa mở hết, Quốc lấy tay cẩn thận lau đi nước mắt trên trang giấy, dịu dàng như sợ nó sẽ rách ngang, lại chỉ nhìn được hai chữ:

Anh Hanh"

Khoảnh khắc ấy, thầy khóc lên như một đứa trẻ.

Hết.

Truyện có thể coi là phần tiếp theo của tác phẩm "Đưa người ta không đưa qua sông". Những đoạn trích cùng tiêu đề thuộc về một số bài thơ và bài hát mình thích, không thuộc quyền sở hữu của Vanbever.

Những bài thơ, bài hát được sử dụng:

- Xuân oán (Kim Xương Tự)

- Người đã như mơ (Sông Trà)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro