Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4

8.

"München chỉ có Dachau thôi ư? Mọi thành bang nước Đức đều bị ô danh hoá rồi ư? Tôi không thể nhặt từ Weimar lên và trả lại nó cho tiếng Goth ư?

Colm Tóibín – "Ma thuật sư"


Mùa Thu năm 1985, hòm thư công quán Paris nhận được một bức thư. Bìa thư mang phong cách của một đất nước xa lạ, được làm bằng giấy kraft dày. Địa chỉ và tên ở mặt trước viết bằng chữ in hoa trang nhã, mà hàng chữ tuyệt đẹp như thế này chỉ có thể xuất phát từ bàn tay của một người đã tiếp nhận nền giáo dục tinh anh quý tộc cũ. Nhìn thấy dòng thư pháp hoa lệ như vậy, tôi chẳng thể vui nổi, trái lại còn phải cảnh giác vạn phần. Con tem của bức thư này được đóng dấu từ Mumbai.

Tôi ngồi trước bàn làm việc, chưa dùng dao bóc thư mà đã phải nhíu mày. Khi tôi mở bức thư, thứ đầu tiên rơi ra là một tấm thiệp mời đính hôn. Tấm thiệp mang phong cách phương Tây, thoang thoảng mùi hương phương Đông thần bí, trải qua một chuyến hành trình dài mà vẫn chưa hết thơm. Trong thư còn còn một tấm vé máy bay, đích đến là Mumbai.

Mười năm trước, chúng tôi trở về München, Kaeya dần bước vào thời kì phản nghịch. Ban đầu em ấy thử dùng tóc che đi mắt phải, sau đó thì nhận ra đeo bịt mắt sẽ khiến các cô nàng mê đắm đuối, thế là tôi chẳng bao giờ thấy em ấy tháo cái bịt mặt kiểu hải tặc kia ra nữa. Kaeya còn chạy tới Berlin học đại học để theo đuổi một cô gái tên Jean. Jean là một người phụ nữ với vẻ ngoài quý phái, rất hợp với Kaeya; thế nhưng, chẳng biết lý do gì mà vừa tốt nghiệp Kaeya lại quay đầu chạy sang Nepal. Khi em ấy gọi điện thông báo mình đã cầu hôn cô con gái cả nhà Hassan thành công và sẽ tổ chức hôn lễ ở Ấn Độ, tôi cảm thấy thời kì phản nghịch của em ấy tuyệt không có hồi kết.

"Bố mẹ cô ấy kiên quyết đòi tổ chức hôn lễ ở Ấn Độ, bằng không thì lời ra tiếng vào phải cỡ ba mươi năm là ít. Rồi rồi rồi, vì nể mặt anh mà ông già đã phá lệ đồng ý cho lễ đính hôn và lễ thành hôn chỉ cách nhau một tháng. Anh chỉ cần xuất hiện là được, mang đủ quần áo, hôn lễ kéo dài bảy ngày liên tục, anh cần bảy bộ quần áo, trừ khi anh muốn đến tiệc tối mỗi ngày lại thay thêm bộ nữa. À, em nhất định sẽ tìm được một người có thể là quần áo cho anh, dù cho phải lật tung cả Mumbai lên. Em có ý này, anh đưa cả Elzer và Adelinde đi theo đi." Giọng điệu rất hả hê, như thể chuẩn bị gọi tôi đến để cùng chịu đựng mấy lễ nghi rườm rà. Tôi cảm tưởng em ấy phải nghe thấy giọng nói mất bình tĩnh của tôi thì mới có thể giảm bớt căng thẳng.

Mười năm qua tôi đã học xong đại học ở München, trong khoảng thời gian đó, một sự cố làm thay đổi cả cuộc đời tôi đã xảy ra: cha đã mất, vào đúng năm tôi mười tám tuổi. Sau đó, tôi đã chuyển Tửu trang Dawn về tỉnh Saône-et-Loire của nước Pháp theo di nguyện của ông ấy. Khu vực Bourgogne là một vùng đất xinh đẹp với những ngọn đồi nhấp nhô và những thị trấn cổ kính, khuyết điểm duy nhất của nó là không có lấy một ngọn núi cao, không thể nhìn thấy dãy Alps ở phía xa ngay cả trong những ngày quang đãng nhất.

Cha chết vì bệnh tim. Ông ấy lái xe một mình trên đường phố Reinholtz, khi bệnh tình phát tác thì đã đỗ xe bên lề đường, kéo phanh tay rồi gục xuống vô-lăng. Không có thương vong, ngoại trừ cha tôi, thậm chí còn không gây ra một vụ tai nạn giao thông nào. Tiếng còi xe kinh động đến những người xung quanh, song ông ấy đã thanh thản ra đi trước khi xe cấp cứu tới.

Vài tuần sau tang lễ, tôi gần như suy sụp, phải dựa hết vào những thói quen đã tích luỹ từ ngày xưa để loạng choạng tiến bước. Tôi biểu hiện rất bình tĩnh, sự bình tĩnh ấy đã lây sang cả Kaeya. Tôi nhìn thấy vẻ đờ đẫn trên cả mặt mình lẫn em ấy. Tôi biết nỗi khổ chúng tôi phải chịu đựng là như nhau, một nỗi khổ không thể diễn tả bằng nước mắt và ngôn từ.

Khi sắp xếp lại di vật của cha, tôi lại nhìn thấy bức ảnh ông nội cha từng cho tôi xem. Lớp muối bạc đen trên ảnh đã chuyển sang màu nâu vàng, đó là bức ảnh chụp ông nội với một nhóm người mặc quần áo công nhân. Cha kể rằng ông nội đã giải cứu những người trong ảnh, thế nhưng, khi tôi mừng rỡ chạy đến ôm chân ông nội, ngưỡng mộ hỏi ông có phải là anh hùng vĩ đại hay không, tôi chỉ thấy gương mặt ông trĩu nặng vẻ bi ai hiếm thấy.

Không không, ông nội không phải anh hùng. Khoảng thời gian đó chẳng có chuyện gì tốt đẹp cả, cháu trai của ông, dưới bầu trời không có lấy một tia sáng. Một mồi lửa không thể soi rọi bóng đêm. Phải nén chịu cuộc sống, không được quên cái nghĩa của Ragnvindr.

Lời ông nội nói đã chiếm một vị trí trong kí ức tôi, tôi nghĩ cả đời này mình sẽ không bao giờ quên được chúng. Chúng siết chặt tôi, tựa như những hàng rào thép gai được dựng lên trên nền bê tông và những tấm biểu ngữ ghi "Lao động giúp con người tự do". Tôi cũng chẳng thể nào quên ánh mắt và sự im lặng của cha khi ông xem "Vụ thảm sát München""Sự báo thù thuộc về Chúa" trên ti-vi. Đó là một nỗi tuyệt vọng khôn tả mà tôi không thể hiểu được khi còn nhỏ.

Cha đã rời xa tôi theo cách đó – không làm hại bất cứ ai – buộc tôi phải đảm nhận sứ mệnh tiếp quản Ragnvindr. Mọi thứ đều diễn ra trong thầm lặng, tựa như thế giới này giành riêng một khoảng không gian cho các bánh răng định mệnh xoay chuyển. Trong một khoảng khắc, tại một mốc thời gian mà chúng tôi không hề hay biết, khi mà chúng tôi chẳng làm gì cả, ngày hôm qua bắt đầu phân tách và nứt vỡ dưới vệt bánh răng. Lần đầu tiên con người thực sự nhìn thấu vận mệnh, dường như tất cả bọn họ đều quy về bình thản. Tôi thấu suốt vận mệnh của tôi, và có thể, có thể tôi cũng nhìn thấy vận mệnh của Kaeya. Từ khoảnh khắc Kaeya bước qua cánh cửa nhà Ragnvindr, em ấy chính là con trai của cha, là em trai của tôi, dù em ấy nhìn nhận việc này ra sao, trong mắt chúng tôi thì điều ấy vẫn là điều bất khả tư nghị. Kaeya là em trai tôi, em ấy phải giống như em trai ruột của tôi, chẳng bao giờ tôi nghĩ em ấy không phải em trai mình, cho đến khi tôi, cũng như ông nội và cha tôi, hiểu được sứ mệnh tuôn chảy bền bỉ trong dòng máu gia đình mình. Cái gọi là vận mệnh, là một thứ luôn luôn bỏ quên con người sau vết bánh xe của nó.

Người nhìn thấu vẫn mệnh cũng cô đơn, đến cuối cùng họ luôn luôn chỉ còn một thân một mình. Kaeya là người thân của tôi, nhưng em ấy không phải là người Đức Quốc, cũng chẳng phải là Ragnvindr.


Máy bay đáp tại sân bay Thánh Ana ở Mumbai, dòng người chuyển động chật cứng trong ga bay nhỏ bé, đàn ông phụ nữ mặc sơ-mi trắng và sari chen chúc lẫn hò hét, những vết bẩn đáng ngờ xuất hiện khắp thảm trải sàn. Tôi xách hành lí, ngước mắt nhìn xung quanh, dễ dàng tìm thấy Kaeya trong dòng người. Hơn nửa năm rồi tôi chưa gặp Kaeya, hình như em ấy sống rất tốt, mặt mày tươi tắn lạc quan, người mặc chiếc quần jean sởn màu thời thượng và một cái áo khoác da, mắt phải đeo bịt mắt đen, hai tay khoanh lại, khoé môi cười mà như không. Cách Kaeya ăn mặc khiến cô gái bên cạnh có lý do để liếc anh chàng đẹp trai này thêm vài cái.

Trên hành trình bay đường dài, tôi sử dụng hai cuốn sách để giết thời gian, hiện giờ chỉ cảm thấy tinh thần rệu rã, song vẫn miễn cưỡng trừng mắt nhìn cái người đã khiến tôi phải vượt sóng trùng dương này.

"Tốt nhất là đừng có lái xe máy đến đón anh."

"Vui lên đi Luc, anh là người đàn ông đầu tiên được ngồi cái ghế sau bảo bối của em."

Thấy chiếc Citroën không mới cũng chẳng cũ đỗ trong bãi đậu xe sân bay, tôi thở dài một hơi, Kaeya trông tôi như vậy thì nhếch một bên mày: "Sao thế? Thất vọng à? Muốn ngồi ghế sau xe máy thật luôn?"

Ha! Tôi đóng sầm cửa xe lại, rút dây an toàn cái roẹt rồi thắt dây.

Kaeya ngồi trên ghế lái, nổ máy, cười hì hì và nói: "Quy tắc đầu tiên của Mumbai: ở đây chúng tôi không thắt dây an toàn."

Nếu không phải vì quá mệt, tôi nhất định sẽ đạp em ấy xuống xe rồi tự mình lái.

Ai ngờ nơi chúng tôi có thể lái nhanh nhất lại chính là bãi đậu xe sân bay. Chiếc xe di chuyển chậm chạp trên con đường trong thành phố, mùi thơm của hương liệu và hoa quả lấp đầy không khí; xe máy, xe ba bánh, taxi và các thể loại đồng vụn sắt phế tạt qua đường phố bằng mọi cách mà bạn có thể tưởng tượng, như thể nơi này không có thứ gọi là quy tắc giao thông, tuỳ hứng đến mức khiến tinh thần con người hưng phấn. Những kiến trúc cổ kính uy nghiêm, những bức tranh tường mang sắc màu Ấn Độ và phong cách thời đại thực dân xuất hiện xen kẽ. Cơn gió nóng ẩm từ biển Ả Rập thổi tới, chẳng mấy chốc đã khiến tôi nóng đến mức toát mồ hôi.

Kaeya gác khuỷu tay lên cửa sổ xe, dùng tiếng Ấn Độ kêu ca vì những người đi đường chặn đầu xe em ấy. Giờ đây, Kaeya trông rất thoải mái, khoái hoạt, tự do tự tại.

Sau khi kể cho nhau nghe về cuộc sống của cả hai, tôi hỏi: "Thế, em gặp cô ấy như thế nào?"

"Khi em tới Nepal tìm kiếm manh mối về gia tộc em, cô ấy đang nghiên cứu về cái gia tộc cổ xưa nực cười ấy."

"Nghiên cứu gì?"

"Thần bí học, cô ấy nghiên cứu Mật tông và Tháp na tu. Bà nội cô ấy có con mắt thứ ba, có thể bói toán bằng bột mì và cánh hoa..."

Tôi không chắc chắn về những gì mình vừa nghe được, thận trọng hỏi lại: "Một học giả tin vào năng lượng siêu nhiên?"

Kaeya nghe thế thì nhìn tôi bằng ánh mắt đó. Hồi còn nhỏ, mỗi khi cả hai chuẩn bị gây rắc rối thì em ấy hay nhìn tôi như vậy, nghĩa là: anh định làm thế thật luôn? Sau có gì đừng trách em đấy nhé.

Em ấy nhún nhún vai: "Thôi được rồi, em cũng không rõ lắm. Bà cô ấy là người có thể trò chuyện với thần linh, tất cả mọi người đều tôn trọng bà ấy, anh gặp rồi cũng sẽ phải công nhận bà ấy là một người tài giỏi. À, quên nhắc anh, gia đình họ chỉ biết tiếng Tamil thôi."

Tôi không thể tin nổi, nhìn Kaeya: "Thế anh phải im mồm sống vui vẻ hết hai tháng hả?"

Kaeya giơ hai tay đầu hàng.

"Đặt tay lên vô-lăng nhanh lên."


Phủ đệ nhà Hassan là một toà nhà cổ kính với phong cách thời Victoria, nhờ những người hầu tận tâm chăm sóc, vườn hoa trong nhà hoàn toàn không thấy dấu vết đầu Thu. Xung quanh căn phòng yên tĩnh của tôi, đâu đâu cũng thấy mộc lan và hoa hồng. Khoảng sân ngôi nhà mang một nét đẹp tĩnh mịch và lắng đọng, nơi này nằm không xa thành phố Mumbai nặng mùi là mấy, song lại như hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Kaeya và vị hôn thế của em ấy – Faruzan biết tôi ngôn ngữ không thông, sợ tôi thấy chán nên thường tới bầu bạn. Tôi giao hết những công việc lớn nhỏ trong tửu trang cho Elzer phụ trách, thế nên hiện giờ cũng chẳng có việc gì làm thật. Faruzan là một người phụ nữ với vẻ đẹp nhiệt huyết đầy sức sống, cô ấy thành thạo tiếng Pháp, thi thoảng Kaeya bận rộn chuẩn bị hôn lễ, cô ấy và bà nội sẽ đến trò chuyện cùng tôi.

Ở trong sân, chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn trà được bày đầy đồ ngọt, thưởng thức ly trà Nạp Mã. Ít nhất, việc này cũng dễ chịu hơn nhiều so với những cuộc tranh luận bất luận trong salon ở Paris.

"Anh không hứng thú với bói toán à?" Faruzan dùng nĩa gảy quả hoa hồng của cô ấy, buột miệng hỏi.

Tôi khựng lại một chốc, câu hỏi của Faruzan hoàn toàn nằm ngoài dự liệu của tôi. Tôi không hứng thú với bói toán và tiên tri, mà thực ra, tôi không hứng thú với cả tương lai và vận mệnh. Và điều ấy thì lại khiến Faruzan tò mò.

"Bản thân vận mệnh đã là một mệnh đề sai."

"Mệnh đề sai?"

"Biết đáp án của một mệnh đề sai là việc làm vô nghĩa."

Faruzan dịch lại lời tôi cho bà. Bà Faruzan nghe xong, bảo vài câu với cô ấy. Sau đó, Faruzan nhìn tôi bằng ánh mắt thiện chí, thẳng thắn và tò mò, thậm chí còn tò mò hơn trước.

"Bà nói anh đã lạc đường sau khi đến núi Tu Di."

"... Meru?"

"Sumeru, núi Tu Di."

"Tôi nghĩ mình vẫn chưa hiểu."

Hai người họ thì thầm bằng tiếng Tamil. Bà nội Fazuran khoác tay cô ấy, dẫn chúng tôi đến dưới bóng cây Ashram trong vườn hoa, nhặt một viên sỏi lên rồi vẽ một hình tròn dưới đất. Sau đó, bà vẽ bốn đường kính bên trong hình tròn, dọc theo các đường phân giác của các góc, chia hình tròn thành tám phần.

"Anh biết hình vẽ này không?"

Tôi lắc lắc đầu.

"Núi Tu Di là trung tâm, bên ngoài có tám ngọn núi và bảy đại dương. Ngoài ngọn núi thứ bảy, trong đại dương thứ tám, là tứ đại bộ châu con người sinh sống. Tám đại dương, tám ngọn núi, cộng thêm núi Tu Di là thành chín ngọn núi tám đại dương." Faruzan giải thích cho tôi. Cô ấy nhìn vẻ mặt khó hiểu của tôi, cười hà hà rồi bảo, "Chúng tôi thường nói trung tâm thế giới này là một ngọn núi cao, cũng chính là núi Tu Di, xung quanh nó có tám ngọn núi tám đại dương, đó chính là thế giới của chúng ta."

Bà nội Faruzan vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa vẽ hình tam giác nhỏ đại diện cho núi lên giao điểm của các đường kính với hình tròn, xong rồi thì vẽ vài đường lăn sóng vào giữa những ngọn núi. Tám ngọn núi tám đại dương. Cuối cùng, bà vẽ một hình tròn trung tâm ở giữa tâm hình tròn. Sỏi di trên nền đá, quệt đi một lớp bụi mỏng, để lộ màu trắng thuần khiết dưới nền, thoạt nhìn hệt như đỉnh núi tuyết trắng. Xong việc, người phụ nữ tuổi cao thấp bé ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi.

Nếu cậu đã từng tới núi Tu Di, dù sau này cậu đi bao xa trên tám ngọn núi và tám đại dương, trung tâm thế giới của cậu vẫn nằm ở đó. Faruzan dịch lại lời bà nói. Cậu vẫn phải quay về nơi đó.

Tôi muốn phản bác bà. Tôi tới từ trung tâm Preußen hắc ám, đã quen với sự hỗn tạp của Paris, với mùi nước khó ngửi của sông Seine, cùng trang viên luôn tắm mình trong ánh dương chói sáng đến mức con người không tài nào mở mắt. Chính khách và thương nhân hoan hỉ nâng li trong salon của tôi, phán quan và nghị sĩ có khác biệt đến mấy đi nữa thì vẫn đạt được sự đồng thuận trong rượu nho cùng xì gà. Các quan khách lần lượt cụng ly, tán dương rượu ngon trong cốc và buổi tiệc hoàn hảo. Thi thoảng, vài phu nhân đứng tuổi đãng trí hỏi tôi, cậu không có một tí máu Pháp nào thật ư.

Đã rất lâu rồi tôi chưa nhớ về núi tuyết, đó chỉ là hình ảnh xưa cũ của một chuyến hành trình ngắn ngủi thời tôi còn nhỏ.

Tôi bật cười, hai khuôn mặt xinh đẹp, một trẻ trung và một hiền lành kia nhìn tôi, như thể biết tôi đang nghĩ gì. Lừa mình dối người không phải là một đức tính tốt, không ai trong hai người họ nhắc đến núi tuyết, phản ứng phủ nhận đầu tiên của tôi chỉ là minh chứng cho sự thông tuệ của họ.


Sau khi lễ đính hôn kết thúc, ngày hôn lễ diễn ra càng lúc càng tới gần. Càng gần hôn lễ thì Kaeya càng rảnh, từ sáng đến tối đều rảnh rỗi ăn chơi, nên đã chạy sang chỗ tôi cả ngày để giết thời gian. Tôi khoanh tay, nhìn anh chàng tự chơi bài một mình trong phòng nghỉ này từ trên xuống dưới, cảnh cáo: "Thành viên gia đình chúng ta không thể suốt ngày ăn không ngồi rồi như thế này được."

Kaeya nghe thế thì liếc mắt nhìn tôi, sau đó lại quay ra nhìn bộ bài.

"Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, những gì còn lại chỉ là sự biến đổi thất thường của con người." Em ấy lười biếng nói, còn không quên nhấp một ngụm Brandy trong cốc, hài lòng như thể mình vừa thốt lên chân lí nào đó.

Tất nhiên tôi không muốn thừa nhận điều em ấy nói là đúng, muốn tìm lời phản bác song cuối cùng vẫn chẳng tìm được lời nào.

"Anh có điều muốn nói." Kaeya đã bảo như thế.

"Không, anh không có."

"Anh có."

Tay trái Kaeya chống cằm, em ấy lắc đầu nhìn lá bài trên tay phải, tưởng như đang vắt óc suy nghĩ chiến thuật.

Ồ, Diluc, không được trúng kế, em ấy còn nói được từ giờ đến bữa tối, ăn tối xong vẫn nói tiếp được. Tôi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, cảnh sắc trước mắt rất đẹp, những đoá thược dược hồng nhạt điểm xuyết trên đầu cành cây xanh thẫm. Tôi khẽ thở dài một hơi.

"Anh định bán Trang viên Bluestone đi." Tôi xin thề, một giây trước tôi không có ý định đó, là lời nói tự động tuôn ra khỏi miệng tôi.

Kaeya kinh ngạc ngẩng đầu nhìn tôi, em ấy cẩn thận quan sát nét mặt tôi, và tôi thì cố gắng giữ bình tĩnh, song tôi biết mình không giấu được em ấy.

"Anh đọc hết Bác sĩ Zhivago chưa?"

Em ấy bỗng hỏi.

"Sao cơ?"

Câu hỏi bất ngờ này khiến tôi nhất thời không phản ứng kịp.

"Bác sĩ Zhivago, cái quyển trong Trang viên Bluestone ấy."

"Đọc rồi."

"Sau khi em đặt trên đầu giường anh?"

"Hoá ra là em đặt? Không, anh chưa đọc."

"Đi đọc một lần đi Luc, sau đó suy nghĩ lại về việc bán trang viên."

Tôi xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau, xong rồi thở dài một hơi trong lòng. Tôi nhìn bụi hoa hồng trong vườn, hoa sắp sửa tàn lụi rồi.

"Buổi tối hôm đó em nghĩ mãi không biết có nên nói cho anh hay không, em nên thúc đẩy hay là để anh tự phát hiện, nếu phải nói thì em nên diễn đạt như thế nào với anh? Em cứ suy nghĩ những chuyện lặt vặt ấy mãi, vốn dĩ đó không phải là chuyện em nên phiền não, nên nhúng tay, nhưng mà đầu óc cứ đi xa rồi đi xa, làm em quên luôn việc sắp xếp đồ đạc." Kaeya đột nhiên nói, tôi không quay đầu lại nhìn em ấy, không biết em ấy còn nhìn bộ bài trên bàn hay không. Tôi đoán là có, chúng tôi hiểu nhau như vậy đấy.

"Hồi đó em nghĩ hai người sắp thành đôi rồi, anh và chàng trai anh yêu đấy – không thể không thừa nhận, lúc hiểu ra em cũng há hốc mồm, nhưng rồi thì sao nào – còn em cũng sẽ tìm thấy cô gái em yêu, và sau đó thì như một vở kịch xà phòng, bùm, hồi kết nổ ra, người nhà hân hoan, bách niên giai lão."

"Nhúng tay sửa đổi vận mệnh của người khác là một hành động ngu xuẩn và nguy hiểm, anh đã thấy nó gây ra hậu quả thế nào cho cả ba người chúng ta. Em không biết, nhưng mà em vẫn luôn cảm thấy Chúa đã ra chỉ thị cho mình từ rất lâu, Ngài biết quá rõ em là người như thế nào. Và em bỗng ngộ ra một đạo lí. Không, em chưa bao giờ oán giận điều gì Luc ạ. Ở Mashobra, em bị cuốn xuống đáy một dòng sông, hai lá phổi em phình như quả bóng hơi sắp nổ... Đừng nhìn em như thế, Luc. Lúc đó em đã hiểu, chỉ một mình em là đã đủ gây ra những tai hoạ lớn."

"Thế nhưng, người với người, rất ít khi họ cùng muốn một thứ trong cùng một khoảnh khắc. Đó là chuyện hiếm lạ giữa nhân gian, một khi đã qua là không thể nào tìm lại. Luc, em cũng thấy rất có lỗi."

Tay trái tôi siết vai Kaeya – chúng tôi đã mặt đối mặt với nhau từ lâu tôi – mạnh đến nỗi đủ để làm em ấy đau. Mọi người thường nói con người Đức Quốc lạnh lùng như miếng thép, họ nghĩ người Đức không bao giờ để lộ cảm xúc, nhưng đôi mắt xanh lam sẫm màu kia chưa bao giờ là không nhìn thấu tôi.

Tôi nói với đưa em trai ngu ngốc của mình: "Đừng bao giờ, đừng bao giờ để anh nghe thấy từ đó."


9.

Cuối tháng Mười, cũng là một tuần sau hôn lễ của Kaeya, tôi quay về công quán Paris. Dù những ngày tháng ở Mumbai vui vẻ thế nào đi nữa, khi bảy ngày hôn lễ kết thúc, tôi đều muốn bay về nhà nghỉ ngơi ngay lập tức.

Elzer quản lý tửu trang rất tốt, vì vậy nên không có công việc dồn đống nào chờ tôi mà chỉ có một bản danh sách từ phía Đông đặt trên bàn. Tôi đọc kĩ mấy lần, sau đó thì bỏ nó vào ngăn kéo.

Tôi lại nhớ về lời Kaeya nói, phải thừa nhận, nhờ em ấy mà nguồn suối tắc chết trong trái tim tôi lại bắt đầu lưu chuyển, làm dậy lên cảm giác tựa như đang nhớ nhà.

"Cậu vẫn phải quay về nơi đó."

Tôi nhìn lớp sương mỏng trên sông Seine, xa hơn là những dãy núi phủ tuyết trắng, đỉnh núi sáng lấp lánh, rặng núi cao vượt tầng mây, tựa như nó là trung tâm của thế giới và vạn vật. Tôi bảo Adelinde dọn dẹp căn nhà trong Trang viên Bluestone, nghỉ ngơi vài ngày rồi khởi hành về đó.

Giữa tháng Mười một rồi mà vẫn chưa có tuyết rơi. Ngày đầu tiên về Áo, tôi không ra thư viện mà tới trang trại nhà Ajax trước. Trang trại đã bị bỏ hoang, đúng như những gì tôi biết, song căn nhà cũ thì vẫn giữ nguyên dánh hình ngày xưa. Tôi đi xung quanh trang trại, chuồng đổ, gỗ mục, xe kéo bất động, tất cả đều khiến tôi sầu não.

Tôi quay về Trang viên Bluestone, vẫn không tới thư viện, bởi một cảm giác từa tựa sợ hãi treo leo trong trái tim. Tôi lại đợi đến khi dùng xong bữa tối mới xuống mở cánh cửa thư viện.

Khoảnh khắc đó, tôi thật sự cảm thấy đây không phải là một ý hay. Giống như thuỷ triều lui đi để lại vỏ sò, chúng tôi để lại sách vở, bút kí, bản đồ tại đây, cả bộ bài tây chúng tôi từng chơi, những tờ giấy nháp từng viết từng vẽ. Dấu vết quá khứ ở khắp mọi nơi, tưởng chừng không có quãng thời gian mười năm đằng đẵng.

Bàn tay tôi lướt qua từng quyển sách, cho đến khi thấy quyển "Bác sĩ Zhivago". Tôi rút nó ra, vuốt ve tấm bìa màu xanh xám của nó. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Ajax cầm quyển sách này lên, cậu ấy đứng bên cửa sổ, tấm rèm vải gai mỏng đu đưa theo gió sau lưng cậu. Ajax mở sách ra, đầu ngón tay chạm vào những hàng chữ lúc đó cậu ấy vẫn chưa hiểu.

Tôi mở sách ra đó, nhanh chóng tìm thấy thứ mình muốn tìm. Đó là một bài thơ ngắn viết bên mép giấy, bút tích tròn tròn rất đáng yêu.


Chưa từng đánh cờ cùng em

song đã thua cuộc


Chưa từng uống rượu cùng em

nhưng đã say mềm


Chưa từng nghe thấy tên em

mà trái tim đã hô gọi


Chưa từng tiến tới gần em

mà đã mê mẩn


Tôi ngẩn ngơ nhìn bài thơ, thậm chí còn phải dùng ngón tay cảm nhận nó. Như thể được khai sáng, tôi rút một cuộc sách khác của mình ra, bên mép trang giấy cũng có một bài thơ ngắn.


Từ ảo mộng hoan lạc, tôi lựa ra

một hòn đá, trời xanh

để tôi nắm lấy bàn tay em

mạch đập cổ tay là dòng sông

bàn tay chúng ta kiếm tìm, gặp gỡ và yêu nhau

Ta không đeo chiếc nhẫn đó lên ngón tay mình

nhưng mong nó là chốn này

là hiện thực hiển nhiên, viên mãn


Tôi lục tung tất cả sách cũ của mình, hầu như cuốn nào cũng có thơ viết trên đó, vết mực mới cũ bất nhất, có những hàng chữ mới thẳng tắp, bút pháp gọn gàng. Cuối cùng, tôi nhìn thấy một bài thơ – bài duy nhất được viết bằng tiếng Nga.


Lạnh không?

Tôi không biết, ừm, có lẽ là lạnh

Em nắm chặt tay tôi chưa?

Nắm chặt rồi, đừng lo lắng

Đừng buông tay, đừng rời bỏ tôi

Em nghĩ tôi muốn bỏ rơi em?

Không hề, nhưng em đang ở đâu? Chúng ta đang ở đâu?

Tôi cũng không biết nữa


Tôi vùi đầu vào bàn tay. Giữa cảm giác mơ hồ, cuối cùng tôi cũng thành thật với bản thân mình – mấy năm nay, bạn bè đánh giá tôi là người thẳng thắn bộc trực – nhưng, thẳng thắn bộc trực và thành thật với bản thân là hai việc hoàn toàn khác hẳn nhau. Thế nên, tôi đã để mặc mình chìm trong nỗi nhớ anh ấy.

Tôi muốn anh ấy dẫn tôi đến hồ nước trên dãy Alps, muốn nhìn xem hồ nước với đôi mắt anh cái nào xanh hơn. Sau đó, tôi nghĩ đến núi Tu Di, lại nghĩ tới vĩnh hằng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro