Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chiều tối

I.Mở bài

- Bài thơ trích trong tập “Nhật kí trong tù”.

- Bài thơ Bác viết trên đường bị giải đi từ nhà lao Tĩnh Tây  đến nhà lao Thiên Bảo.

- Bài thơ thuật lại chuyển đi đường đầy gian lao vất vả. Từ đó thể hiện tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, ý chí cách mạng kiên cường, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản.

II.Thân bài

- Bức tranh thiên nhiên ở vùng núi hoang sơ trong cảnh trời chiều. Một buổi chiều buồn, vắng và con người cảm thấy nỗi cô đơn. Ở đây chúng ta thấy một cách chim mỏi đang bay về phái rừng xa và một chòm mây lẻ loi lững lờ trôi trên bầu trời:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

(Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ 

                                   Cô vân mạn mạn độ thiên không)

- Đây là những hình ảnh tả thực nhưng cũng giàu sức biểu cảm. Ở câu thơ thứ hai trong nguyên tác có chữ “cô vân”. “Cô vân” có nghĩa là đám mây cô độc lẽ loi đơn chiếc, nó gợi lên nỗi buồn cho cảnh chiều hôm. Hai chữ “mạn mạn” được dịch là trôi nhẹ không thật đúng với nguyên tác và dường như đã làm mất đi vẻ lẻ loi, trôi nổi, lững lờ trên bầu trời. Nó không chỉ làm cho bầu trời thêm cao, thêm khoáng đãng mà còn gợi lên nỗi buồn bâng  của người tù trên đất khách quê người. Nhưng buồn mà không bi lụy, không hiu hắt như trong thơ cổ điển.  Qua cảm nhận của thi nhân chòm mây như cũng có linh hồn ý thức được nỗi buồn cô đơn. Một mình lẽ loi đơn chiếc trên không trung.

-  Thiên nhiên hiện lên với hai nét chấm phá đó  cánh chim và áng mây mang màu sắc cổ thi rõ nét. Hai hình ảnh ấy tạo nên bầu không gian khoáng đãng, cao rộng, thể hiện điểm nhìn lên của tác giả “luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”. Buổi chiều ấy dường như ta đã bắt gặp đâu đó trong thơ xưa:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà”

“Chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn” (Bà Huyện Thanh Quan).

- Cả cánh chim mỏi và chòm mây xuất hiện đều hợp lí với quy luật tự nhiên của cảnh chiều tối. Đồng thời cũng làm cho ta liên tưởng với tâm trạng của người tù sau một ngày đi đường mệt mỏi, bơ vơ giữa đất khách quê người nhưng vẫn thể hiện thái độ ung dung tự tại.

- Hai câu thơ đầu gợi thời gian và không gian của bức tranh thiên nhiên của núi rừng lúc chiều tối. Trời đã về chiều, ánh nắng sắp tàn lụi, chỉ có chòm mây lơ lững giữa bầu trời. Trong sự đối lập đó ta vẫn thấy có sự thống nhất, đó là sự gợi tả về hình ảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng của núi rừng.

- Điều mới mẻ ở đây là nếu như trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô tận vô cùng, vô định, gợi cảm giác xa xăm, phiêu dạt, chia lìa, mang cái buồn thương u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại gần gũi yêu thương hơn bao giờ hết. Nó chỉ là cánh chim tìm về tổ ấm sau một ngày dài mỏi mệt kiếm ăn. Cái hay nằm ở chỗ, nhìn cánh chim bay mà thấy được “quyện điểu”, thấy được trong dáng bay của cánh chim có sự mỏi mệt của nó. Nghĩa là nhà thơ nhìn thấy được sự vận động bên trong của cánh chim kia. Đây chính là tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh. Cái nhìn ấy thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật . Đúng như Tố Hữu đã từng viết :

Bác ơi tim Bác mênh thống thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước có chút hiu hắt vắng lặng gợi lên cái bâng khuâng man mác trong lòng người đọc nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt  vốn có của núi rừng. Đó chính là lúc mà đôi mắt yêu thương và trái tim nhân ái bao la của Người bắt gặp vẻ dẹp của con người lao động:

“Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng)

- Sinh thời Hồ Chí Minh chỉ có một ao ước lớn:“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nghĩa là ao ước của Người luôn hướng về nhân dân, nhân dân ở đây không chỉ hiểu là dân tộc Việt Nam ta mà còn là nhân dân cần lao trên thế giới. Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả của Quốc tế cộng sản.

- Hình ảnh cô thiếu nữ xay ngô trẻ trung, khỏe mạnh tràn đầy sức sống.. Bác nhìn về người dân lao động với cái nhìn trân trọng yêu thương mang niềm vui của tấm lòng nhân đạo. Hai chữ “thiếu nữ” gợi lên vẻ trẻ trung, tươi tắn của cô gái cùng với hoạt động xay ngô đã làm hiện lên vẻ đẹp khỏe khoắn, nhịp nhàng. Hình ảnh này đã làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh mang đến cho bức tranh thơ sức sống và niềm vui lan tỏa.

- Tính hiện đại ở đây nữa chính là nghệ thuật biểu hiện. Tài hoa của Người là ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà  không phải dùng đến một tính từ chỉ thời gian nào. Cả bài thơ không hề có chữ tối nào cả mà người đọc vẫn nhận ra chữ tối. Người dùng ánh lửa đỏ để thể hiện thời gian (trời có tối mới nhìn thấy lò than  rực hồng). Hơn nữa, người đọc còn cảm nhận được bước đi của thời gian từ chiều đến tối. Cô gái xay ngô từ khi trời còn ánh sáng; xay xong thì trời đã tối.Câu thơ cuối thu hẹp không gian và quy tụ vào một điểm sáng là “lò than đã rực hồng”, hình ảnh này mang lại ánh sáng ấm áp cho cả bức tranh thiên nhiên, mang lại niềm vui, sức mạnh tinh thần cho tác giả.

- Việc lặp lại cụm từ “ma bao túc”- “bao túc ma hoàn” trong câu thơ phiên âm tạo cho người đọc cảm giác công việc của cô gái thường xuyên xảy ra ở xóm núi.

- Chữ “hồng” nằm ở cuối bài thơ nhưng có một vị trí đặc biệt. Trong nghệ thuật Đường thi, chữ hồng được xem là nhãn tự là con mắt thần. Nó tạo nên cái thần thái đặc biệt cho bài thơ. Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối. Chữ hồng ấy phải chăng là chỉ ánh sáng, chỉ niềm vui, sự lạc quan của người tù.

- Hình ảnh cô gái xay ngô và lò than rực hồng đã tỏa ấm bức tranh thơ, xua đi cái lạnh lẽo, xua tối tăm, buồn vắng và đây cũng là đặc điểm phổ biến trong thơ HCM: hình tượng thơ vận động hướng về sự sống tương lai. Nét hiện đại của bài thơ còn thể hiện ở chỗ bức tranh thơ đầm ấm tình đời, tình người.

- Từ bức tranh tả cảnh về thiên nhiên, về hoạt động của con người ta thấy được tâm hồn vừa thư thái vừa bình yên vui với cảnh vui với người. Chúng ta biết HCM lúc này là một người tù bị đày ải đến một nơi rừng núi heo hút, trời đã tối hoàn cảnh như vậy mà tâm trạng người vẫn thư thái thì thật là người có bản lĩnh có tâm hồn phóng khoáng, có lòng thương yêu cảnh vật và thiên nhiên. Tất cả những phẩm chất đó đều xuất phát từ tinh thần lạc quan yêu đời của Người.

- Bài thơ như bức tranh được miêu tả theo công thức thơ ca cổ điển với hình ảnh cánh chim mây, núi. Bức tranh được miêu tả với vài nét “chấm phá” cổ điển: chỉ với hình ảnh cánh chim, chòm mây, cô gái xay ngô, lò than rực hồng. Tác giả đã bao quát cả bầu trời, mặt đất. Bức tranh thiên nhiên nhằm gửi gắm tâm sự, nỗi lòng của tác giả.

III. Kết bài

“Chiều tối” là bài thơ tứ tuyệt gồm 4 câu 28 chữ theo thể thơ Đường rất hàm súc. Bài thơ là nhật kí của một người tù trên đường chuyển lao. Bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên núi rừng và cuộc sống con người miền sơn cước. Qua đó ta thấy được phong thái ung dung tự tại đầy khí phách , lòng lạc quan Cách mạng cùng tình cảm nhân đạo sâu sắc của Bác:

“ Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn soi rọi mái đầu xanh

Ôi vần thơ bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”   (Hoàng Trung  Thông

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #thơ-ca