Chương 1
Men theo lối đi nhỏ hẹp của con ngõ, đám chúng tôi tìm đến căn nhà của cụ Lâm nằm khiêm tốn ở cuối ngõ.
Đó là một căn nhà hai tầng cũ kĩ, cửa làm từ gỗ, lớp sơn tường bạc màu ảm đạm bong tróc, lại nằm trong góc khuất cuối ngõ tối tăm càng mang chút gì đó hoài cổ và u tối.
Cốc cốc!
Chúng tôi gõ cửa vài cái. Vài phút sau, cánh cửa mở ra. Phía sau cánh cửa gỗ ván ọp ẹp cũ kĩ ấy là một ông cụ với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đã bạc phơ gần hết, cái lưng hơi còng xuống, tựa như minh chứng cho quãng đường cả một đời người mà cụ đã đi qua.
Cụ nhìn đám chúng tôi, hỏi, "Cho hỏi cô cậu tìm ai?"
"Dạ chào cụ, cụ cho cháu hỏi, đây có phải nhà cụ Huỳnh Tiến Lâm không ạ?"
"Là tôi đây, cô cậu tìm tôi có việc gì?" Cụ gật đầu, hỏi lại.
Anh Quyết là trưởng nhóm của chúng tôi tiến lên, lịch sự dìu tay cụ, "Chúng cháu là thành viên của hội thanh niên thiện nguyện xã, nghe mọi người kể về hoàn cảnh của cụ nên dành thời gian đến thăm cụ, không làm phiền cụ nghỉ ngơi chứ ạ?"
Cụ cười hiền xua xua tay, nói, "Phiền gì chứ, cụ sống gần ba mươi năm ở đây cũng không có mấy khách đến nhà, có lứa trẻ đến chơi cũng vui cửa vui nhà hơn, các cháu cứ vào đi."
Nhóm bốn người chúng tôi theo cụ đi vào. Đặt giỏ hoa quả lên bàn, tôi quan sát quanh nhà một chút.
Bên ngoài tuy nhìn có vẻ cũ kĩ xập xệ nhưng trong nhà lại được bày trí, sắp xếp rất gọn gàng sạch sẽ, thoang thoảng mùi trầm hương tạo cảm giác thư thái phần nào.
"Cụ ơi, cụ sống một mình thôi ạ?"
"Ừ, cụ sống một mình."
Tôi hỏi: "Một mình cụ lại sống ở nơi hẻo lánh khó tìm thế này, ngộ nhỡ có chuyện biết tìm ai giúp cụ? Sao cụ không chuyển sang chỗ nào sáng sủa thoáng đãng hơn cho có bà con xóm giềng?"
Cụ nhìn tôi, chỉ cười cười mà không đáp. Cụ yên lặng như đang hồi tưởng lại chuyện cũ, nói nhỏ, "Nhà này không phải của cụ mà là của một người quen cũ của cụ. Cụ sống ở đây quen rồi, già cả rồi cũng ngại, chuyển nhà làm chi cho rắc rối hả cháu."
Chúng tôi hỏi thăm cụ đôi ba câu, trò chuyện với cụ một hồi. Cụ Lâm năm nay hơn bảy mươi, là một cựu binh về hưu đã lâu. Nhà cụ có bốn anh chị em, cụ là em út. Các anh chị của cụ đều hi sinh trong thời chiến loạn, chỉ còn lại cụ và một người anh trai nhưng không ở cùng nhau. Cụ kể, chiến tranh kết thúc thì cụ cũng quá tuổi lấy vợ rồi, bèn sống một mình trong căn nhà vắng của một chiến hữu cũ đã mất.
Chúng tôi trò chuyện với cụ một lèo đến hơn mười một giờ trưa. Thấy cũng muộn, chúng tôi mời cụ cùng chúng tôi ra quán ăn cơm cho tiện nhưng cụ từ chối, chúng tôi bèn ngỏ ý muốn giúp cụ nấu một bữa cơm, cụ cười gật đầu, "Được thế thì tốt quá. Dẫu gì cũng gần nửa đời người cụ chưa ăn bữa cơm nào đông vui như này."
Tôi và cái Trang ra cửa hàng tiện lợi mua giúp cụ ít nguyên liệu, định bụng nấu một bữa cơm thân mật cho cụ.
Đám người trẻ chúng tôi nói là giúp cụ nấu cơm, nhưng lúc đứng bếp tay chân nhiều khi còn lóng ngóng hơn cả cụ, đến gần một giờ kém thì xong xuôi và dùng bữa.
Trong bữa ăn, chúng tôi vừa ăn vừa nghe cụ kể chuyện xưa hồi đi lính, còn kể cho chúng tôi nghe về vị chiến hữu thân thiết cũ của cụ. Nói đến đoạn chiến hữu đó hi sinh, cụ không kìm được mà rơm rớm nước mắt.
"Người ấy vừa là chiến hữu, vừa là người cụ từng thương. Sau khi anh ấy mất cụ cũng không lấy vợ sinh con, vừa vì quá tuổi, vừa vì không muốn. Cụ đã hứa là sẽ chờ anh ấy rồi mà." Cụ chầm chậm kể, nói đến đây lại không nhịn được nở nụ cười.
Tôi thoáng ngạc nhiên vì hình bóng ngủ yên trong trái tim cụ lại là một người đàn ông. Nhìn nụ cười trên gương mặt cụ, không hiểu sao sống mũi đột nhiên cay cay.
Người cụ thương là một chiến sĩ, cũng tham gia kháng chiến đánh giặc cứu nước, hi sinh vì Tổ quốc, vậy đó ắt là một con người đáng quý, đáng kính. Đấy còn là chiến hữu thân thiết của cụ, cụ nhớ thương cũng là chuyện thường tình.
Nhưng sống mũi tôi cay cay khi nhìn thấy nụ cười nhẹ đó của cụ. Tôi biết, cụ đang buồn.
Sự tàn khốc của chiến tranh không chỉ cướp đi người chiến hữu thân thiết của cụ mà còn nhẫn tâm mang người cụ từng hứa với lòng thương suốt một đời đi xa mãi mãi.
Khóe mắt cụ Lâm ươn ướt, vừa hồi tưởng lại vừa chậm rãi kể từng câu từng chữ, tôi nghe mà xót ruột thay.
Ăn xong bữa cơm, đám chúng tôi không về ngay mà ngồi lại muốn nghe cụ kể chuyện cũ của cụ thời trẻ, và cả chuyện tình của cụ với người chiến hữu tên Dương Minh.
Cụ cũng vui lòng kể cho chúng tôi. Cụ lấy từ trên kệ sách ra một cuốn sổ bọc da màu đen dày cũ kĩ đã phủ một lớp bụi mỏng, màu giấy ố vàng theo năm tháng mang nét hoài niệm.
Cụ mở cuốn sổ ra, tìm một tấm hình đen trắng cũ đã hơi mờ đưa cho chúng tôi xem, chỉ vào một thiếu niên khoảng đôi mươi đứng ngoài cùng bên phải, trong giọng nói xen lẫn chút vui vẻ, "Anh ấy đấy, rất ưa nhìn đúng không? Ngày ấy cụ cũng mê anh ấy như điếu đổ nữa là..."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro