Chương 6: "Ein Held aus der Fremde, gar kühn." - P2
Chương 6: "Ein Held aus der Fremde, gar kühn." (Gặp được người hùng nơi đất khách)
Máy móc theo chân anh ta rời khỏi nhà ga, tôi cố nhắc mình rằng tôi không đi cùng với bà Hallam và cô Merrick nữa, mà đang đi cùng với một người bảo hộ thân thiện và đáng kính.
Tôi đi dạo qua các con đường của thành phố Köln với một người đàn ông mà nửa tiếng trước tôi chưa hề quen biết. Giờ thì tôi phụ thuộc hoàn toàn vào anh ta để an toàn đến được Elberthal. Tôi đi theo anh ta mà không hề nghi ngờ, thỉnh thoảng lại an ủi mình rằng anh ta là một quý ông thực thụ, chắc chắn thế.
Chúng tôi đi dọc theo vỉa hè đến một nhà hàng lớn. Người dẫn đường của tôi bước vào, nói chuyện với bồi bàn và chúng tôi được dẫn vào trong. Nơi đây đầy ắp bàn ghế và thực khách.
Tôi cam chịu đi theo mà không một xu dính túi. Đây đúng là một thử thách khốc liệt nhất với tôi, một mình vào nhà hàng với một quý ông trong khi đang ở nơi đất khách quê người.
Tôi nhận thấy trong gương là hình ảnh của một cô gái cao gầy, tái nhợt với mái tóc rối màu nâu nhạt, cô đội một cái nón vừa vặn, mặc một cái đầm giản dị, mộc mạc. Nói thật là tôi đã không nhận ra đó là hình ảnh của chính mình cho tới khi đã đi qua.
"Chúng ta ngồi đây nhé." Anh ta nói, đi đến một cái bàn tương đối khuất ở góc tường, cạnh cửa sổ được che kín rèm.
'Ngài ấy tử tế và chu đáo làm sao!' tôi nghĩ.
"Cô uống rượu hay cà phê, Fräulein?"
Vì biết là mình đang "thiếu tiền", tôi kìm nén bản thân khỏi ý nghĩ muốn thỏa mãn cơn đói mà vội trả lời.
"Tôi không ăn gì cả thưa ngài, thật đó, tôi không đói."
"O doch! Cô phải ăn gì mới được," Anh ta cười "Tôi gọi món vậy. Đừng kì kèo nữa nhé."
"Xin đừng gọi phần cho tôi." Tôi đỏ mặt trả lời "Tôi không ăn đâu."
"Nếu cô không ăn, cô sẽ bị bệnh đấy. Cô nên nhớ rằng chúng ta sẽ không đến Elberthal trước 8 giờ." Anh nói "Không lẽ ăn ở sảnh lớn khiến cô không thoải mái? Nếu muốn, chúng ta có thể chuyển sang phòng riêng."
"Không phải vấn đề đó." Lần này anh ta thực sự ngạc nhiên, tôi đành nói sự thật "Tôi không có tiền. Tôi đã đưa ví cho người hầu của bà Hallam giữ rồi."
Đáp lại tôi là một tràng cười lớn nhưng tôi không sao cười nổi.
"Chỉ vì thế thôi sao? Kellner (phục vụ)!" anh ta gọi.
Một bồi bàn bước vội đến với vẻ khúm núm kèm nụ cười thân thiện. Người này nhìn hai chúng tôi đầy ẩn ý trong khi ghi vài món theo ý của người đồng hành của tôi rồi biến mất.
Anh ta nhích ghế đến cạnh tôi trong cái bàn nhỏ này.
"Món ăn sẽ được dọn lên ngay." Anh ta cười.
Tôi im lặng. Tôi không thấy có gì vui ở đây, mà thật sự là tôi cũng chẳng vui nổi trong tình huống như thế.
Người đồng hành của tôi cầm tờ "Kölnische Zeitung" lên (một tờ báo nổi tiếng của Đức) và lướt qua các dòng quảng cáo, còn tôi thì lén đưa mắt về phía anh ta.
Lần này tôi nhìn anh ta kỹ hơn và càng nhìn càng khiến tôi kinh ngạc. Anh ta nghiêng người, tựa cằm lên bàn tay mảnh khảnh rám nắng, một nửa bàn tay ẩn sau mái tóc màu nâu gợn sóng. Đây là một vẻ đẹp tao nhã và phóng khoáng không tả xiết. Dù anh ta có làm bất kì hành động gì thì vẻ đẹp ấy vẫn nguyên vẹn như vậy, lơ đễnh nhưng toát lên sự cao quý.
Những đường nét trên khuôn mặt anh ta đều hoàn hảo, đó là vẻ đẹp của uy quyền và sức mạnh nam tính, không hề mang vẻ ủy mị, không hề mất đi sự thanh nhã.
Anh ta có mái tóc dài và điều này làm tôi thắc mắc. Những ký ức của tôi về vùng quê yên bình và những con người nơi đó cho tôi biết là tôi chưa gặp qua kiểu tóc nào như thế. Những người tôi quen đều cắt đầu đinh, và họ gọi là đó kiểu tóc đang thịnh hành. Mà tôi thì thấy rằng đó thậm chí không thể gọi là kiểu tóc. Mái tóc gợn sóng của anh ta đôi khi rủ xuống trước trán, và theo thói quen của những người có kiểu tóc này, anh ta vuốt nhẹ chúng ra sau đầu.
Trán anh ta cao và phẳng. Còn đôi mắt thì đen tuyền, kết hợp với chân mày và lông mi dày rậm càng nổi bật trên nước da trắng xanh. Hàng ria mép mỏng được uốn cong tạo nét cười cho đôi môi vốn nghiêm nghị, trầm tĩnh và gần như u buồn.
Thật ra nhìn kỹ thì khuôn mặt anh ta mang một nét buồn bã. Khi anh ta nhìn tôi, đôi mắt anh ta vô cùng lạnh lẽo và xa cách, biểu hiện đối lập này không khác sự u buồn là mấy.
Bờ vai rộng, cánh tay dài, cộng thêm đường nét cơ thể hoàn hảo, anh ta rất khác so với những tên đàn ông đẹp mã mà theo tôi tin là thích được xum xue ngày nay.
Lúc anh ta đọc báo, tôi nhận thấy những nếp nhăn trên trán, đường nét của đôi mắt và khuôn miệng biểu lộ một tính cách rắn rỏi cũng như độc đoán của chủ nhân: một đôi môi mỏng cong vút, một cái mũi cao thẳng làm bật lên lòng kiêu ngạo và lãnh liệt.
Anh ta lớn tuổi hơn tôi nghĩ, khuôn mặt anh ta gầy với vết hõm hai bên má, hai vết hằn giữa chân mày. Sự sắc bén hay một điều gì đó trong đời sống tinh thần đầy ám ảnh và đau khổ của anh ta đã làm hỏng những đường nét tuyệt đẹp này.
Gộp tất cả lại, anh ta trông già dặn, trí thức và oai nghiêm hơn so với lần đầu tôi mới gặp, không phải là một chàng trai trẻ đẹp mà giống một nhà tư tưởng hay học giả nào đó.
Cuối cùng, sự thoải mái, khoan thai, thong dong trong lời nói và hành động của anh ta đều gợi lên vẻ quyền uy, đã quen ra lệnh và bắt buộc người khác phải tuân theo mà không được thắc mắc. Thế là tôi gọi anh ta theo cách gọi vui ở quê mình là "ông chủ gia đình".
Quần áo anh ta mặc không có gì đặc biệt lắm – một bộ vét xám mùa hè mà bất kì quý ông hay chủ cửa hàng nào cũng đều mặc, chỉ là không có hình ảnh về ông chủ cửa hàng nào trong đầu khi tôi nhìn anh ta.
Càng nhìn anh ta tôi càng bị mê hoặc, khuôn mặt này hấp dẫn và đặc sắc đến nỗi tôi quên rằng lẽ ra mình không được phép nhìn như thế. Đột nhiên anh ta ngẩng đầu mà không có bất kì dấu hiệu báo trước và đôi mắt sáng rực của anh ta khiến tôi ngượng ngùng như thể chúng đang xoáy vào tôi.
"Nun, cô đã quyết định xong chưa?" anh ta hỏi, với cái nhìn hỏm hỉnh mà anh ta thấy là sẽ không lịch sự nếu thay nó bằng nụ cười.
"Tôi, ô, xin lỗi ngài!"
"Cô không muốn sao?" anh ta nói dở dang "Nhưng cô đã quyết định rồi mà?"
"Quyết định gì cơ?"
"Có nên tin tôi hay không?"
"Tôi đã không nghĩ về nó nữa." Tôi trả lời một cách không thoải mái. Người bồi bàn lúc nãy xuất hiện và việc dọn món lên đã cứu tôi khỏi cuộc đối thoại này.
"Chúng ta nên gọi đây là bữa gì nhỉ?" anh ta hỏi khi người bồi bàn vào mang tiếp món khác ra. "Đã quá giờ nếu gọi là bữa Mittagessen (bữa trưa), nhưng nếu gọi là bữa Abendbrod (bữa tối) thì còn sớm quá. Cô có thể gợi ý cho tôi không?"
"Ở quê tôi thì giờ là bữa trà chiều."
"Ah, đúng rồi! Từ 'bữa trà chiều' trong tiếng Anh của cô rất..." anh ta ngừng lại.
"Ngài đã đến Anh quốc bao giờ chưa?"
"Giờ này ở Đức chúng tôi cũng đang dùng bữa cà phê chiều đấy." anh ta vừa nói vừa dời mắt đi như thể anh ta chưa hề nghe câu hỏi của tôi. "Đó là lúc các tiểu thư ngồi lại để trò chuyện—O, behüte! Từ này gọi là gì nhỉ? Để nói với nhau những chuyện quan trọng. Người bình dân gọi cuộc gặp gỡ này là một Klatsch—Kaffeeklatsch. Tôi chắc là tôi và cô đang nói về những chuyện quan trọng, nên chúng ta cũng sẽ gọi đây là một Kaffeeklatsch dù chúng ta không dùng cà phê."
"Ồ, vâng, nếu ngài đã nói thế."
Anh ta để một miếng sườn cốt lếch vào đĩa của tôi rồi rót cho tôi một ly rượu vang vàng. Nỗ lực tỏ ra mình là một người đã trưởng thành và có học thức, tôi hỏi xem đây có phải là rượu vang trắng của Đức hay không.
"Đây không phải là rượu vang vùng Hochheimer, cũng không phải của vùng Rheinwein, mà là rượu vang vùng Moselle - Doctor."
"Doctor?"
"Doctorberger, dù tôi cũng không biết tại sao lại gọi như vậy. Cô uống thử đi."
Tôi nghe theo lời khuyên của anh ta và phải nói là tôi khá thích rượu Doctorberger. Chúng tôi dùng bữa trong im lặng và tôi nhận ra là mình đang đói cồn cào.
Tôi cũng nhận ra rằng mình không hề cảm thấy căng thẳng hay lo lắng vào lúc này, tôi cũng không thấy sợ hãi nếu có bị bà Hallam la mắng khi gặp lại tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy tâm hồn mình yên bình như thế. Tôi biết điều này là sai vì nó quá phóng túng, vô phép tắc và có thể mang lại vận rủi nào đó. Nhưng những gì tôi có thể nghĩ là:
"Tôi e là mình đang làm phiền đến thời gian của ngài. Có lẽ ngài đang bận việc khi ngài gặp tôi."
"Công việc của tôi trước khi gặp cô là bắt chuyến tàu đến Elbethal, mà cô biết đấy, nó đã đi rồi. Vì lẽ đó mà tối nay tôi cũng sẽ chẳng làm được gì ra hồn đâu, xin cô đừng lo lắng. Tôi đang tận hưởng khoảng thời gian này."
"Tôi rất vui vì đã gặp được ngài." Tôi nói. Dần dần tôi cảm thấy an tâm hơn vì dù lịch sự và chu đáo với tôi, người đồng hành này cũng không hề hỏi bất cứ điều gì về chuyện riêng tư, bạn bè, dự định và mục tiêu của tôi ở Elbethal – đây chính là cung cách của một quý ông thực thụ - từ trong ra ngoài, từ suy nghĩ đến hành động.
Anh ta cũng không hỏi đã xảy ra chuyện gì mà bạn bè tôi lại không đợi tôi. Chắc hẳn anh ta cũng thắc mắc tại sao họ lại bỏ rơi một cô gái trẻ, rỗng túi và ngờ nghệch tự tìm đường về.
Anh ta giúp đỡ tôi dù chỉ vừa mới gặp, và đối xử với tôi như thể tôi là một quý cô đặc biệt và quan trọng nhất của anh. Nhưng khi nghe câu cuối của tôi, anh ta lại nở nụ cười kỳ quái mà lúc nào cũng làm tôi khó hiểu:
"Không chỉ mỗi cô thấy vui thôi đâu, mein Fräulein. Tôi đoán là cô đã chịu tin tưởng tôi rồi nhỉ?"
Tôi lắp bắp "Sẽ là rất vô ơn nếu tôi tỏ ra không hài lòng với...với...điều...điều..." Tôi ngừng lại và bối rối nhìn anh ta. Tôi thấy trong đôi mắt và trên khuôn mặt anh ta ánh lên điều gì. Nó biến mất nhanh đến nỗi tôi chỉ kịp nhận ra, nhưng nó gợi lên trong tôi vô số cảm giác mới mẻ kỳ lạ, và chúng đột ngột biến mất trước khi tôi có thể nói đó là cảm giác gì.
Khoảnh khắc đó, tôi có hai khao khát cực kỳ mạnh mẽ, một là tôi ước tôi chưa bao giờ nhìn anh, hai là tôi sẽ không bao giờ để mất anh khỏi tầm mắt mình: để chạm đến cái nhìn đó, để nán lại trong đó và để chinh phục nó.
Tôi chú ý đến hình ảnh của mình trong cái gương trên tường. Ở quê tôi, nhiều người gọi tôi là "May xinh xắn" để chế nhạo hoặc khen thật lòng. Tôi chưa bao giờ để tâm đến những lời khen vô nghĩa đó. Tôi thích được gọi như thế nhưng chưa bao giờ để tâm rằng nó có đúng hay không.
Trong khoảng thời gian trò chuyện ngắn ngủi với quý ngài đã cầu hôn tôi, Ngài Peter, tôi gần như nhận ra rằng bản thân mình cũng khá xinh xắn dù tôi nguyền rủa điều đó. Giờ đây, nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương, tôi tha thiết muốn biết liệu mình có xinh đẹp hay không và tôi ước mình có quyền để nghĩ về nó hơn là mấy câu châm chọc của chị tôi.
"Cô đã thấy Dom qua chưa?" anh ta bất chợt hỏi, giống như vừa hồi tưởng lại quá khứ.
"Dom ư - nó là cái gì?"
"Kölner Dom – một nhà thờ"
"Ôi chưa, chúng ta còn kịp thời gian đến đó không?" Tôi thốt lên "Tôi rất muốn đến đó."
"Dĩ nhiên là được. Nó ở gần đây thôi. Chúng ta có thể đi ngay."
Tôi phấn khởi đứng lên và anh ta cũng thế. Một trong những khao khát mãnh liệt của tôi sắp thành sự thật rồi, cũng không hẳn là hoàn hảo như thế, nhưng tốt hơn rất nhiều so với việc đi cùng bà Hallam, nghe bà cằn nhằn và nhìn bà trả từng đồng lẻ mua vé tàu.
Trước khi chúng tôi chuẩn bị rời đi thì một chàng trai trẻ đã bắt gặp chúng tôi từ ngoài cửa. Anh ta nhanh chân tiến đến. Tôi cũng thấy anh ta, thấy cái cách anh ta nói gì đó với người đi cùng và cách mà người đó lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý.
Người đầu tiên bước đến chúng tôi, anh ta nhìn tôi bằng đôi mắt tò mò và xoay qua chào người bảo hộ của tôi với với nụ cười thân thiện:
"Eugen Courvoisier! Also hatte ich doch Recht!"
Tôi nhận ra đó là một cái tên. Câu còn lại thì tôi hoàn toàn không hiểu. Eugen Courvoisier sao? Tôi thích cái tên này, cũng như tôi thích người bảo hộ của tôi. Và với tâm trạng hớn hở đó, tôi quyết định đây là một cái tên hay.
Người mới tới có vẻ hài lòng và hứng thú vì đã phát hiện ra điều gì đó bèn hỏi Courvoisier, anh trả lời rất từ tốn nhưng biểu cảm lại lạnh lùng. Người bạn còn lại cười một cách kỳ lạ và nói vài từ gì đó về schöne Geschichte, sau đó nhìn sang tôi rồi rời đi.
********
Chúng tôi ra khỏi nhà hàng, đi trên con phố tới nhà thờ. Đó là nhà thờ đầu tiên mà tôi đến thăm. Vẻ trang nghiêm của nó khiến tôi sửng sốt và choáng ngợp.
Cho đến khi lấy đủ can đảm để ngắm nhìn xung quanh và nhìn lên những mái vòng đồ sộ của nhà thờ, tôi không thể ngăn mình thốt lên lời tán thưởng.
Sự rộng lớn, yên tĩnh, nguy nga và tráng lệ của nó làm tôi run rẩy – một tia sáng mỏng manh nhưng rực rỡ xuyên qua khe cửa sổ trên bức tường cao vời vợt. Cảm giác mà nó mang đến là sự vĩ đại và lòng mộ đạo mà chúng tôi sẽ không bao giờ được trải nghiệm lần nữa.
Những trái tim thánh khiết, đôi bàn tay miệt mài và khéo léo, những công việc xây cất nặng nhọc, những tâm hồn của người thợ đã biến công trình này thành một lời nguyện cầu thần thánh. Bằng bãn lĩnh của những kiến trúc sư – những ý tưởng vĩ đại tạo nên những công trình vĩ đại.
Và tôi thật sự choáng ngợp, càng đắm chìm vào cảm xúc này, tôi càng không thể phân tích thêm được nữa. Nơi đây là một kì quan huyền ảo và bất tận. Tôi cố gắng kìm nén những giọt nước mắt của mình vì sợ rằng anh ta sẽ cười tôi.
Nhưng anh ta không làm thế. Anh giữ chặt mũ trong tay, nhìn chăm chú lên bệ thờ cao với đôi mắt trầm tư và sáng lấp lánh; khuôn mặt anh mang một biểu cảm mà tôi không hiểu được, không chỉ đơn giản là thưởng thức không gian nơi đây, cũng không phải biểu cảm của một khách tham quan tỏ ra ngưỡng mộ nơi này, cũng không phải biểu cảm ngạc nhiên giống tôi.
Ít nhất anh ta cảm nhận được –khung cảnh tráng lệ này, và theo bản năng, tôi lập tức cảm thấy yên bình khi ở bên anh hơn bao giờ hết.
"Ôi!" cuối cùng thì tôi cũng thốt nên lời "Nếu một người có thể ở đây mãi mãi thì tâm hồn sẽ được khai sáng đến mức nào?"
Anh ta cười nhẹ.
"Cô thấy nơi này xinh đẹp sao?"
"Đây là nhà thờ đầu tiên tôi đến thăm. Và tôi cảm thấy nó còn hơn cả xinh đẹp nữa."
"Nhà thờ đầu tiên ư? Chà, đáng lẽ tôi phải biết chứ."
"Tại sao? Trông tôi countrified (quê mùa) lắm à?" Tôi thích thú hỏi lại anh ta khi anh ta dẫn tôi đến một băng ghế gần đó và ngồi xuống cạnh tôi. Tôi chân thành hỏi lần nữa.
Ở anh ta có vẻ nhàn hạ không bận tâm sự đời khiến tôi có cảm giác rằng anh ta sẽ trả lời chính xác ấn tượng của người khác về tôi – nếu anh ta chịu nói.
" – nghĩa là gì?"
"À, người ta hay dùng từ đó để mô tả những người giống tôi – chưa bao giờ thấy cái gì khác trừ ngôi làng bé nhỏ của mình và chưa bao giờ đi thăm thú ở đâu hết, và..."
"Bị lạc ở nhà ga, und so weiter. Tôi không biết nghĩa của từ 'countrified' khi cô nói về mình nhưng tôi dễ dàng nhận ra rằng cô không mấy hài lòng với từ này."
"Ồ, tôi sẽ không ngờ nghệch như thế lâu đâu" Tôi thoải mái đáp lời "Tôi sẽ không về nhà nữa."
"Vậy à!" Anh ta không hỏi tiếp, nhưng khi thấy anh ta im lặng, tôi tiếp tục:
"Không bao giờ. Thật ra thì tôi không cãi nhau với cha mẹ mình, chỉ là chúng tôi bất đồng quan điểm vì...vì..."
"Vì?"
"Họ muốn tôi...ý tôi là...một quý ông lớn tuổi...không, ý tôi là..."
"Một quý ông lớn tuổi muốn cưới cô, và cô đã từ chối." anh ta tiếp lời tôi với đôi mắt tinh ranh.
"Tại sao, làm cách nào mà ngài biết được?"
"Tôi đoán là do cô đã nói với tôi. Nhưng tôi sẽ quên điều này đi nếu cô muốn."
"Ồ, không! Sự thật là thế. Có lẽ tôi đã phải cưới ông ta."
"Phải cưới ư!" anh ta kinh ngạc.
"Vâng, Adelaide - chị tôi nói thế. Nhưng không ích gì. Tôi không thích việc này, và rồi bà Hallam – người căm ghét quý ông lớn tuổi - Ngài Peter, đối xử rất tốt với tôi. Bà mời tôi cùng bà sang Đức và hứa sẽ giúp tôi học hát."
"Học hát ư?"
Tôi gật đầu "Vâng, và khi tôi hát thành thạo hơn, tôi sẽ quay về Anh để dạy hát. Tôi có thể tự nuôi mình, và lúc đó sẽ không ai có quyền bắt tôi phải cưới Ngài Peter nữa."
"Du lieber Himmel!" Anh ta thốt lên, phân nửa là với chính mình. "Cô có năng khiếu âm nhạc à?"
"Tôi có thể hát" Tôi nói "Chỉ là tôi muốn được học hành bài bản."
"Và cô sẽ quay về quê nhà một mình và thử đi dạy hát?"
"Tôi không chỉ thử mà tôi sẽ làm được." Tôi sửa lời của anh ta.
"Và cô thích một tương lai như thế ư?"
"Nếu tôi có thể kiếm đủ tiền để trang trải cho mình, tôi sẽ yêu quý công việc đó biết bao. Như thế sẽ tốt hơn nhiều so với việc ru rú ở nhà và để người khác sắp đặt cuộc đời mình."
"Tôi sẽ nói cho cô biết cô nên làm gì trước khi cô bắt đầu sự nghiệp." Anh ta nói và nhìn tôi với vẻ nửa tự hỏi, nửa quan tâm.
"Tôi nên làm gì? Xin ngài cứ nói."
"Bằng mọi cách cô phải giữ giọng cho tốt và học hỏi từ giáo viên bất cứ khi nào có thể; hơn hết là thay đổi kiểu tóc gợn sóng này đi, vuốt cho chúng vào nếp bằng một cây kẹp cùng màu. Tập che đi các biểu cảm trên khuôn mặt; làm gì đó với đôi mắt của cô để thay đổi ...
Biểu cảm của tôi trong mắt anh ta khiến anh ta giật mình. Đột nhiên anh ta ngừng lại, rồi anh ta cười nhẹ:
"Ach, was rede ich für dummes Zeug! Xin tha lỗi cho tôi, mein Fräulein."
"Nhưng" Tôi xen vào một cách sốt sắng "Ý ngài là sao? Ngài nghĩ rằng vẻ ngoài này sẽ gây bất lợi cho tôi sao?"
Ít khi tôi lại nói những lời mà tôi biết rằng chúng thật ngốc nghếch, nghe như thể là tôi đang cố gắng muốn anh ta mở miệng khen mình. Nhưng tôi rất vui khi anh ta đã đáp lại, dù không thật sự khen tôi nhưng tôi vẫn nhận thấy điều đó:
"Mein Fräulein, tôi biết nói sao đây? Chỉ là tôi có quen biết một phụ nữ lớn tuổi hơn cô và rất xinh đẹp, cô ấy cũng theo đuổi sự nghiệp ca hát giống cô. Tên cô ấy là Corona Heidelberger và cuộc đời cô ấy là một câu chuyện buồn."
"Kể cho tôi nghe đi!" Tôi nài nỉ.
"À, không, tôi nghĩ là không đâu. Nhưng thi thoảng, tôi lại có tài tiên đoán đấy và nó nói với tôi rằng cô sẽ không còn là cô của hiện tại nữa. Sau này cô sẽ hạnh phúc và gặp nhiều thuận lợi."
"Tôi không biết mình có thể trở thành một ca sĩ opera không." Tôi lẩm bẩm.
"O, behüte! Đừng nghĩ về nó nhiều." Anh ta thốt lên và bắt đầu nói luyến thắng "Cô không biết đâu – Một ca sĩ opera ư."
Và anh ta bị ngắt lời. Trông không gian rộng lớn bỗng nhiên tràn ngập những giai điệu sâu sắc và ngân nga quanh các lối đi, và những giai điệu này cứ vang vọng khắp mọi ngóc ngách của tòa nhà lớn. Tôi ngẩng mặt lắng nghe, môi hé mở.
Đó là tiếng đàn organ, và tiếp sau một giai điệu tuyệt vời làm trái tim tôi đập liên hồi, đó là một giai điệu đầy những nốt cao ngọt ngào nhất, được đệm bởi những nốt trầm thấp và hào hùng như thể những trường đoạn này là do hai nhà soạn nhạc đại tài nào đó cùng sáng tác nên, rồi một giọng nữ ngân cao.
Tôi không nhìn thấy cô, và cô cứ hát cho đến khi ánh nắng mặt trời như hòa vào giai điệu, khiến thế giới này chìm vào khúc nhạc vĩ đại và vinh quang nhất trần gian.
"Blute nur, liebes Herz! Ach, ein Kind das du erzogen, Das an deiner Brust gesogen, Drohet den Pfleger zu ermorden Denn es ist zur Schlange worden."
"Nghĩa là gì ạ?" Tôi hỏi nhỏ.
Anh dùng tay che mặt của mình, nhưng khi quay sang tôi, anh ta không giấu nổi sự phấn khích.
"Hãy biết ơn vì đây là lần đầu tiên cô được nghe âm nhạc Đức," anh ấy nói, "và cô vừa nghe bản bach của ngài Johann Sebastian. Đó là một trong những bản solo cho giọng nữ cao trong thánh ca – và đó là âm nhạc thực thụ. "
Nhiều giọng khác đồng loạt cất lên. Giọng nam cao đang hát một khúc nào đó hòa cùng dàn nhạc đệm trang nghiêm. Âm nhạc réo rắt, lúc trầm lúc bổng, lúc thanh lúc khàn.
Vì là kẻ ngoại đạo nên tôi hầu như không biết đến Bach và bản thánh ca "Matthaus" của ông, vì thế trong những lúc nhạc ngừng, người đồng hành của tôi sẽ giải thích cho tôi.
Sau một vài đoạn độc tấu và hòa âm, họ hát thêm vài điệp khúc nữa. Tôi vẫn lắng nghe chăm chú và cảm thấy một thế giới mới như bừng sáng trong tâm hồn. Rồi điệp khúc đến đoạn cao trào và tiếng đàn organ vút lên trong câu hát "Whom will ye that I give unto you?", sau đó là lời đáp vang dội "Barraham!".
Bài hát tuyệt diệu như thế đã được hát hằng bao năm qua mà tôi chưa hề nghe bao giờ. Sự thật là mỗi ngày qua đi, chúng ta lại khám phá ra nhiều điều mới mẻ và đầy giá trị.
Khoảnh khắc đó, tôi quên hết sự đời bên ngoài nhà thờ - quên hết tất cả mọi người trừ người bên cạnh tôi. Và cũng là ngài ấy nhìn đồng hồ rồi bật dậy thốt lên.
"Herrgott! Chúng ta phải đến nhà ga thôi, Fräulein, nếu muốn bắt kịp chuyến tàu."
Lúc đó tôi lại có cảm giác chính anh cũng không muốn rời khỏi nơi đây.
còn tiếp
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro