Chương 12. "Prinz Eugen, der edle Ritter." - P1
Chương 12. "Prinz Eugen, der edle Ritter." (Hoàng tử Eugen, chàng hiệp sĩ quý tộc)
Buổi diễn được tổ chức vào buổi tối, đó là một đêm trăng đẹp vào giữa tháng Năm — một tháng kể từ khi tôi đến Elberthal, và dường như rất nhiều, rất nhiều chuyện đã thay đổi.
Trước sự ngạc nhiên của tôi, nhưng không hề mang ý thích thú — Anna Sartorius báo với tôi là chị ta sẽ hộ tống tôi đến buổi diễn. Tôi đã phản đối theo cái cách chị ta hay làm với lý do rằng tôi không nghĩ người ngoài sẽ được cho vào theo. Chị ta cười lớn:
"Thật quá buồn cười khi chính em lại là người nói điều này với chị. Tại sao ư, vì chị có vé cho phép đến dự bất kỳ buổi diễn nào. Chị biết rõ điều này. Mà nghe nói là dàn nhạc sẽ phản đối ngài Francius. Và chị sẽ cũng tham dự buổi hòa nhạc vào ngày mai. Người ta không thể nghe quá nhiều những bản nhạc hay như vậy; và bạn của chị cũng sẽ tham gia hát... "
"Người bạn nào của chị mà biết hát chứ?" Tôi lạnh lùng hỏi.
"Em, em thật là allerliebster kleiner Engel," cô ta lại giở cung cách nói chuyện quen thuộc mà tôi không hề thích.
Rốt cuộc tôi cũng không thể nói gì hơn để ngăn cản chị ta nhưng không hề tỏ ra háo hức khi được chị ta đi cùng.
Chúng tôi đến một khán phòng rộng lớn đã lên đèn. Khoảng 50 khách đã cầm vé đứng đợi sẵn ở lối vào.
"Tối nay em sẽ hát thật tốt." thầy Francius nhắc nhở khi thầy nắm tay dẫn tôi lên cầu thang "vì em và vì thầy nữa, nicht wahr?"
"Em sẽ cố gắng hết sức." Tôi nhìn lên sân khấu hoành tráng và thấy rất nhiều gương mặt mới trong dàn hợp xứng và dàn nhạc cụ.
Và khoảnh khắc đó, tôi thấy Courvoisier đi vào bằng cánh cửa nhỏ ở đầu cầu thang và ngồi xuống chỗ của mình. Khuôn mặt anh – rất phiền muộn; Tôi chưa bao giờ trông thấy anh như vậy trước đây. Anh không cười đáp lại những người chào mình. Khi anh ngồi xuống cạnh Helfen, và cậu ấy ra hỏi anh vài câu, anh nhìn chằm chằm cậu ấy một cách lơ đãng, sau đó trả lời qua loa yếu ớt.
Tôi đứng gần đó nên nghe được toàn bộ cuộc đối thoại. "Ngài Courvoisier đây cứ luôn cho phép mình được quyền để người khác chờ đợi nhỉ."
Courvoisier nhìn lên. Tôi chăm chú theo dõi phản ứng của cả hai người và nhận ra thầy Francis vừa căm ghét vừa khinh thường anh.
"Xin lỗi; Tôi gặp chút chuyện phải xử lý." Courvoisier trả lời một cách điềm tĩnh.
"Thật không may khi anh cứ thường xuyên gặp chuyện vào ngay lúc buổi diễn của anh sắp bắt đầu."
Không nao núng và không biến sắc, Courvoisier chỉ im lặng nghe những lời nói kèm giọng điệu công kích— mỉa mai, giễu cợt và ngờ vực.
"Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu," thầy Francius nói tiếp với một nụ cay nghiệt khi gõ que nhạc lên thành bục ra hiệu. Tôi nhìn Courvoisier – rồi nhìn người bạn của anh, Friedhelm Helfen. Người trước đây vẫn ngồi yên lặng nhất có thể, lúc này cũng tái nhợt và âm trầm, sau đó chuyển sang tức giận nhìn chằm chằm thầy Francius.
Dường như không gian xung quanh ngầm nổi bão. Không ai trong dàn nhạc trò chuyện sôi nổi như trước nữa. Courvoisier, người chỉ huy của nhóm vĩ cầm đầu tiên, luôn được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ, đang ngồi bất động, trầm mặc và yên lặng. Thầy Francius, mặc dù ít nói nhưng tỏ ra cáu gắt. Tôi cảm thấy sợ thầy ấy. Chắc hẳn điều gì đó đã xảy ra khiến tâm trạng thầy ấy xấu như vậy.
Đoạn hát của tôi nằm ở phần thứ hai của bản oratorio. Tôi gần như đã quên mất rằng sắp đến đoạn của mình vì mãi xem thầy Francius biểu diễn. Tôi nhớ Anna Sartorius đã mô tả về buổi diễn này. Chị ta đã nói đúng hết. Thầy ấy hát cực kỳ chỉnh chu; giọng hát đầy nội lực khiến bất kỳ nghệ sĩ chuyên nghiệp nào cũng thán phục từ tận đáy lòng. Thầy ấy thật phi thường, có thể tạo ấn tượng sâu sắc lên bất kỳ ai, đặc biệt là các quý cô.
Có một cô gái tóc vàng kiêu kỳ người Thụy Điển, cô ta cao lớn, oai vệ, với những lọn tóc vàng dài, khuôn mặt đầy tự mãn và nóng tính, người tự cho mình quyền định đoạt, và tự tin vào vẻ đẹp và sự ngạo mạn của mình, chỉ thích nghe lời xu nịnh thay vì lời góp ý chân thành. Tôi sẽ không bao giờ quên cách cô ta tròn mắt nhìn tôi từ đầu đến chân khi tôi xuất hiện một mình lần đầu tiên, như thể muốn nói, "Mi tới đây làm gì?"
Thật vô nghĩ khi cô ta tỏ ra kiêu kỳ và tự tin như thế. Cô ta dùng chất giọng mềm mại đến lố bịch để giới thiệu mình là Fräulein Hulstrom, một học trò xuất sắc của thầy Francius. Những ca sĩ còn lại trong dàn hợp xướng âm thầm cười khúc khích; ngoại trừ Courvoisier và người bạn của anh thì những nghệ sĩ trong dàn nhạc cũng huých nhau rồi mỉm cười. Cô ta ngạo nghễ vênh mặt liếc nhìn người thầy của mình với ánh mắt mãnh liệt, mặt cô ta đỏ bừng lên nhưng chỉ nhận được một nụ cười lãnh đạm nên liền xìu xuống.
Tất cả mọi người đều bị đối xử như vậy. Thầy ấy chê trách rất nhiều và khen ít đến nỗi không thể nhận ra. Dàn hợp xướng và dàn nhạc của thầy nổi tiếng vì sự hoàn hảo và chỉnh chu trong từng cách chơi nhạc và giọng hát của họ. Có lẽ màn trình diễn thiếu thứ gì đó khác - niềm đam mê, thần thái. Thầy Francius vào thời điểm đó không phải là một thiên tài, mặc dù tài năng, sức mạnh và phương pháp của thầy ấy tuyệt vời không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thầy ấy không phải là một Harold, "một vị lãnh đạo được yêu mến" trong lòng thần dân của mình.
Đó là đêm đầu tiên tôi được chứng kiến mọi thứ không suôn sẻ với thầy ấy như thế nào; đoàn hát xảy ra mâu thuẫn nội bộ - "những vết rạn nhỏ bên trong cây đàn" mà nếu cứ tiếp tục kéo dài sẽ "khiến cho cây đàn tắt tiếng." Tôi nghe thấy những lời xì xầm bàn tán. "Thầy Francius đang tức giận." - "Nicht wahr?" - "Courvoisier cũng có vẻ tức giận." - "Đúng vậy." - "Sẽ sớm nổ ra cuộc tranh cãi thôi." - "Tôi đoán vậy." - "Cả hai người quá xuất sắc trong khi giữa họ nên có sự chênh lệch nhất định." - "Quan điểm của họ trái ngược nhau." - "Ừ. Nghe đồn là Courvoisier có một dàn nhạc riêng, và tất cả mọi người trong dàn nhạc này cũng đều đứng về anh ấy." - một giọng tò mò và ngạc nhiên "Thế à!" "Ja wohl! Và rằng nếu thầy Francius không chú ý cách hành xử của mình vì Courvoisier sẽ thay thế vị trí của thầy ấy, "v.v., v.v., không có hồi kết. Tôi sôi nổi nghe họ trò chuyện và dần hiểu rõ hơn về hai người đàn ông mà tôi nghĩ đến rất nhiều nhưng thực sự biết rất ít.
Những điều này khiến tôi quên đi sự hồi hộp hay lo lắng. Tôi thấy mình bây giờ là một phần của đoàn nhạc, một phần cuộc sống mà tôi quan tâm. Thầy Francius tỏ ra hài lòng nhưng chỉ máy móc ra hiệu cho tôi ngừng lại. Thầy ấy đang bị cuốn vào những suy nghĩ khác.
Buổi diễn kết thúc. Tôi chậm rãi đi xuống phòng tìm Anna Sartorius vì lịch sự hơn là vì muốn ra về cũng chị ta. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi thấy rằng chị ta đã về trước, có lẽ là vì chị ta không thấy hứng thú như mong đợi, và tôi có thể yên lòng về nhà một mình.
Mà chưa được. Tôi đã phải sống sót qua một sự cố trên đường về.
[còn tiếp]
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro