Tình huống truyện
Cuộc đời thì đa sự mà con người thì đa đoan, sinh thời Nguyễn Minh Châu đã trình bày đại ý như thế. Và phải chăng vì nhìn thấu suốt được điều ấy nên ông đã dành cả đời cầm bút để viết, để cố mà hiểu cái "đa sự", "đa đoan" của cuộc sống, của người đời. Cuộc đời này vẫn hằng thường như thế, vẫn luôn tồn tại những lằn ranh nghịch lí mà thoạt nhìn ta không cố lòng hiểu được. Vấn đề về nghịch lí ấy được nhà văn Nguyễn Minh Châu đặt ra trong tác phẩm văn học của mình để mưu cầu thăm dò một sự đối thoại và đồng thời rút ra những chiêm nghiệm về cuộc đời. "Chiếc thuyền ngoài xa", tác phẩm với những nghịch lí chồng chất nghịch lý, chênh vênh giữa đúng và sai, lẽ phải công lý và cuộc đời thường. Qua tác phẩm, tác giả muốn nhấn mạnh là: tính chất phức tạp, bí ẩn của đời sống không thể nhìn bằng cái nhìn giản đơn, dễ dãi. Để làm được điều đó, ông đã sáng tạo một tình huống thật độc đáo và hấp dẫn nhằm chuyển tải tư tưởng riêng, những phát hiện riêng về cuộc đời và về văn chương.
Vai trò của tình huống luôn được người viết truyện ngắn đề cao. Với Nguyễn Minh Châu, "Đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay và thế là coi như xong một nửa". Tình huống chính là "thứ nước rửa ảnh" làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng của nhà văn".
Chiếc thuyền ngoài xa được triển khai trên hai tình huống chính. Tình huống nhận thức là tình huống lớn, bao trùm toàn bộ câu chuyện: Nhân vật Phùng được cử tới vùng biển xa xôi kia để chụp ảnh bổ sung cho bộ ảnh lịch chuyên đề mười hai tháng về biển. Trưởng phòng khi giao nhiệm vụ nói với Phùng: "không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật." Nhờ đó mà Phùng có cơ hội chứng kiến một tình huống khác hết sức bất ngờ và khó tin: một người phụ nữ làng chài thường xuyên bị chồng đánh đập dã man, vẫn cắn răng cam chịu, từ chối lời khuyên đầy thiện chí của vị thẩm phán toà án huyện, kiên quyết không rời bỏ người chồng vũ phu. Cách xử sự lạ lùng của người đàn bà gây thắc mắc cho cả Phùng (phóng viên ảnh) lẫn Đẩu (thẩm phán). Kết cục là họ "vỡ ra" được nhân thức mới, đúng hơn, một nhận thức làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc của họ (kiểu tình huống này cũng xuất hiện ở nhiều truyện khác của Nguyễn Minh Châu như Bức tranh, Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành,...)
Tình huống truyện đầu tiên diễn ra trên bãi biển, với tâm thế của một nhà nghệ thuật chân chính khao khát cái đẹp, Phùng đã mai phục ở bãi biển này đến cả chục ngày, tuy nhiên vẫn chưa chụp được bức nào thật sự đáng giá. Bất ngờ anh lại gặp được một cảnh "đắt" trời cho, cảnh mà suốt đời cầm máy Phùng chưa bao giờ thấy được mà người nghệ sĩ đã xuýt xoa ví như "một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ". Hình ảnh chiếc thuyền lưới vó dưới ánh bình minh mờ ảo, với những gam màu hồng hồng của ánh nắng bình minh tạo nên một "vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích" Đằng sau những câu văn khá du dương, hào phóng mĩ từ trong đoạn này, ngầm ẩn một nụ cười hài hước, chế giễu nhẹ nhàng lối tư duy lãng mạn của nhiều nghệ sĩ (đó cũng có thể là nụ cười tự trào đầy thâm thuý của Nguyễn Minh Châu). Tự tin và tự mãn, Phùng đã vội thu vào ống kính "cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại". Anh ngỡ rằng mình sáng suốt hơn người trưởng phòng, biết gắn cái đẹp thiên nhiên với hình ảnh con người, biết tìm ra sự hài hoà giữa chất thơ của trời biển với vẻ "náo nhiệt" tưng bừng của lao động. Nhưng anh đã lầm.
Khi nó, con thuyền ấy, thật sự tiến lại gần, rồi đâm thẳng vào trước mặt người phóng viên nhiếp ảnh, cứ như do một thách thức vô hình nào xui bảo, thì mọi thứ bỗng đột ngột trở nên thay đổi hẳn, trần trụi và tàn nhẫn.Những con người sẽ lần lượt xuất hiện trên bờ cát. Toàn những kẻ thô kệch, lam lũ, xấu xí, bù xù, người đàn bà thì tái ngắt, mệt mỏi, con gã đàn ông thì hung dữ. Họ tới từ chính con thuyền tuyệt vời thơ mộng khi còn ở ngoài xa kia, rồi tách khỏi nó, đi vào bãi cát hoang vắng,rồi một cuộc bạo hành gia đình diễn ra ngay trước mắt Phùng, gã đàn ông rút thắt lưng quất liên tiếp vào vợ, miệng rít lên những tiếng căm hận "Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Người đàn bà im lặng, nhẫn nhục chịu đựng, không chống trả cũng không chạy trốn. Tất cả những sự việc kinh hoàng ấy diễn ra nhanh quá, khiến Phùng chưa thể phản ứng lại được, bởi chỉ mới 5, 10 phút trước nó còn là một cảnh "đắt" trời cho, còn bây giờ lại là một cảnh khủng khiếp, Phùng không thể hiểu nổi những gì đang xảy ra trước mắt. Chỉ kịp vứt máy ảnh chạy đến ngăn cản, rồi anh chàng lại chứng kiến tiếp cảnh đứa con trai vì thương mẹ mà đánh lại cả bố, nó lại căm thù bố như kẻ thù, như ác quỷ. (Ba con người khốn khổ đã vẽ nên bức tranh hiện thực cuộc đời. Người đàn bà nhẫn nhục chịu đựng sự hành hạ, người đàn ông tàn nhẫn đánh đập như một thói quen vô cảm và bản năng, đứa con phản ứng dữ dỗi bằng hành động tự phát chỉ vì nỗi đau nhức nhối, vì tâm hồn trẻ thơ trong sáng đã bị tổn thương, đẩy nó vô thức vào hành động trái đạo lý. )
Cùng một thời điểm, trước mặt người Ns diễn ra hai cảnh tượng hoàn toàn trái ngược, cả hai cùng gắn với hình ảnh chiếc thuyền lưới vó. ở xa, thuyền là nghệ thuật, là cái đẹp giúp người nghệ sĩ gột rửa tâm hồn. ở gần, thuyền là thực tại, là những gì đau khổ trần trụi nhất của một gia đình làng chài. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hai phát hiện của người nghệ sĩ được sắp xếp theo trình tự ( phát hiện vẻ đẹp của cảnh biển mờ sương trước bi kịch của gia đình hàng chài). Bởi dụng ý của tác giả tạo dựng cảnh đắt trời cho hiện ra trước bằng vỏ bọc bên ngoài hòng che dấu thực tại của đời sống bên trong. Từ đó, đưa ra những thông điệp đi liền với nhận thức của Phùng.
Như vậy tổng kết lại tình huống truyện trên bãi biển mở ra bằng một bức họa tuyệt diệu, toàn bích, sau đó bị phá vỡ bởi cảnh tượng gia đình tan hoang, thù ghét lẫn nhau cũng bởi chính những con người bước xuống từ chiếc thuyền trong sương sớm. Thông qua tình huống truyện thứ nhất, tác giả khẳng định rằng cuộc sống luôn tồn tại nhiều mặt đối lập mà hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không phải bao giờ cũng thống nhất. Hơn thế nữa, ông cũng chỉ ra mqh giữa nghệ thuật và cuộc sống: cuộc đời còn nhiều góc khuất mà nghệ thuật chưa thể chạm tới, nghệ thuật cần gắn bó với cuộc đời đúng theo những gì Nam Cao từng bày tỏ: " Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.", tức là nghệ thuật cần xuất phát từ cuộc đời và vì cuộc đời.
Tình huống truyện thứ hai diễn ra trong tòa án huyện, trước những nhận thức của mình về gia đình của người đàn bà làng chài, Phùng và Đẩu (chánh án của toà án huyện) đã có ý muốn giúp chị ly hôn. Thế nhưng trái với những mong đợi về việc người phụ nữ này có thể thoát khỏi cảnh bạo hành, thì chị lại khăng khăng không muốn ly hôn: "Con lạy quý tòa, quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó. Trước cảnh này, Phùng kinh ngạc cao độ và cảm thấy bức bối: "gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên trở nên ngột ngạt quá" vì "không thể nào hiểu được" thái độ cam chịu lạ lùng ấy. Ở đây diễn ra một sự va chạm gay gắt giữa những điều đã mặc định về con người với thực tế sống động của hiện thực. Phùng và Đẩu đều tin rằng mình đúng: họ đã bảo vệ bà ta bằng cả thiện chí lẫn luật pháp. Họ đinh ninh chồng bà ta là kẻ xấu xa, bỏ lão là giải pháp tốt nhất. Chỉ có điều người đàn bà lam lũ ấy giống như một bí mật mà họ chưa bao giờ biết. Sự thay đổi hoàn toàn tư thế và lối xưng hố, những câu nói chất phác mà "thấu tình đạt lí" của bà làm cả Phùng lẫn Đẩu bối rối . Hóa ra người đàn bà thất học mà không tăm tối. Thái độ nhẫn nhịn là kết quả của bao tình cảm vị tha, thánh thiện: "Vậy là người đàn bà đã chủ động nhận về mình mọi đau đớn, phiền não để đảm bảo cho sự tồn tại của cái gia đình đông con sống dựa vào nghề sông nước vốn đầy dẫy bất trắc. Tình yêu thương như một bản năng mãnh liệt ngàn đời của người phụ nữ ở câu chuyện này phát lộ dưới hình thức bất ngờ nhất và cũng cảm động nhất. Nó cho bà ta can đảm để chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng, nhưng lại khiến bà "đau đớn", "xấu hổ", "nhục nhã" khi biết mình vô tình làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ.
Phùng và Đẩu có lòng tốt, thiện chí nhưng cái nhìn của những tri thức này lại đơn giản xuôi chiều, thiếu thực tế trong khi cuộc sống vốn phức tạp không tuân theo sự sắp đặt chủ quan của con người. Đôi khi, cả lòng tốt và luật pháp cũng không hóa giải được. Qua tình huống truyện, Nguyễn Minh Châu cho thấy quan điểm của ông về cách nhìn người: Chúng ta chẳng thể nào nhìn nhận được đúng nếu ta chỉ nhìn qua một lăng kính duy nhất ( Như Phùng qua đôi mắt nghệ thuật và Đẩu qua cái nhìn đầy lỳ thuyết sách vở).
Tình huống truyện độc đáo, kết hợp với nhân vật tư tưởng và nhân vật tính cách - số phận đã giúp nhà văn giãi bày nỗi băn khoăn, trăn trở về tính phức tạp đa chiều của cuộc sống, về bao nhọc nhằn còn đè nặng lên số phận con người, về mối quan hệ máu thịt giữa nghệ thuật và hiện thực. Khát vọng đổi mới văn chương bằng việc đi tìm một quan niệm chân thật hơn, hợp lí hơn về con người dựa trên nền tảng triết học nhân bản quan giọng văn thấm thía chiêm nghiệm, qua cái nhìn dân chủ hoá của người trần thuật,..đã trở thành nhu cầu tự vấn mạnh mẽ, trung thực, đủ sức khẳng định tư cách "người mở đường" cho cộng cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Minh Châu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro