6. Kể và tả, hai yếu tố đan xen
Tương tự như tình tiết và cảm xúc, cũng có hai yếu tố nữa chúng ta cần lưu tâm đó là kể và tả.
Kể thiên về giới thiệu các tình tiết. Tả lại hướng người đọc về cảm xúc, không những thế còn cả bối cảnh xung quanh. Tưởng tượng người viết như một họa sĩ vẽ tranh, nét bút miêu tả sống động thế nào thì bức tranh càng hoàn thiện rõ nét và xinh đẹp thế ấy.
Kể thông thường là dùng câu trần thuật đơn giản liệt kê lần lượt sự vật hiện tượng hay tình tiết diễn biến. Tả kết hợp thêm ngôn ngữ đa dạng, vận dụng những từ láy, từ tượng hình tượng thanh cũng như các biện pháp tu từ so sánh ẩn dụ hoán dụ để cho câu văn thêm mượt mà sống động.
Nếu nói kể như một phần cốt bánh thì tả sẽ là những lớp mứt chua chua ngọt ngọt xen giữa và lớp kem thơm ngậy bao phủ để chiếc bánh trở nên hấp dẫn ngon lành.
Kể và tả khác nhau như thế nào? Thử đọc qua hai ví dụ dưới đây nhé:
Ví dụ 1:
"Một đàn vịt bơi trên mặt hồ. Một con kẹt lại dây lá sen. Đàn vịt bơi đi xa. Chú vịt lạc bầy. Một người đàn ông xuống nước cứu chú vịt."
Ví dụ 2:
"Những chú vịt nối đuôi nhau rẽ nước thành những dải sóng li ti cứ nối tiếp nối tiếp nhau loang ra xa mãi. Ánh chiều phủ lên mặt hồ những tầng sáng lấp lánh óng ánh vàng. Bóng đàn vịt xa khuất sau những nụ sen mới nhú còn e ấp sau những phiến lá xanh. Xuân sắp tàn nhường chỗ cho hè đang tới.
Một chú vịt con mải chơi lạc bầy đang loay hoay giữa màu xanh của lá, hình như chú ta bị mắc kẹt rồi. Đôi cánh nhỏ với những chiếc lông tơ đang cố gắng gạt lá ra nhưng không tài nào thoát nổi. Đàn vịt mỗi lúc bơi một xa mà chẳng hề hay biết. Mẹ chú đâu rồi? Liệu có biết chú đang khắc khoải ánh mắt chờ mong không?
Chú vịt bắt đầu tuyệt vọng, nếu có tiếng nói chắc hẳn sẽ nghe thấy tiếng khóc rất thảm thương đang khẩn cầu kêu cứu. Một bàn tay hơi thô ráp nhưng lại rất dịu dàng gạt lá sen ra, cẩn thận gỡ những dải bèo dài đang quấn lấy chân chú vịt, nhẹ nhàng nâng chú lên kiểm tra lông và cánh. Không có vết thương nào hết, người ấy thở phào nhẹ nhõm rồi thả chú vịt xuống mặt nước trống không vướng những nhành sen.
"Đi đi, mau bơi về đàn của nhóc đi. Trời sắp tối rồi đó."
Bàn tay khe khẽ đẩy chú vịt hướng về phía đồng loại của mình. Chú vịt ngoái đầu lại nhìn chàng trai ấy, ánh mắt long lanh chứa đựng đầy lòng biết ơn rồi mới quay đầu bơi đi mất."
(Trích "Này! Nhìn cái gì mà nhìn?" - July D Ami)
-> Bạn có thấy sự khác nhau giữa hai ví dụ này không?
Cùng một sự việc, kể thì rất đơn giản, vài câu ngắn gọn là đủ, nhưng lại có vẻ khô khan và máy móc. Nếu thêm yếu tố tả vào thì hình ảnh trở nên sống động hơn, rõ nét hơn, và cũng là một tip dành cho các bạn muốn gia tăng số chữ cho truyện. Muốn dài hơn thì chỉ cần tập chung vào nhiều chi tiết nhỏ, thêm tả là xong.
Kể có thể đứng một mình, nhưng tả lại không thể tách rời được kể. Giống như bạn phải có sẵn một chiếc áo, và tả chính là thêu hoa tô điểm cho chiếc áo thêm lung linh rực rỡ hơn. Dù thêu nhiều hay ít thì vẫn phải nằm trên chiếc áo.
Nhưng liệu có phải cứ thêu đủ thứ lên chiếc áo thì nó sẽ đẹp không? Các nhà thiết kế khuyên rằng bạn nên có sự chọn lọc, biết tạo điểm nhấn nếu không muốn chiếc áo của mình thành một mớ thập cẩm hỗn tạp đủ thứ trên đời.
Vậy nhấn ở đâu, nhá ở đâu để chiếc áo trở nên nghệ thuật?
Việc đưa tả vào chi tiết nào sẽ phụ thuộc vào tiết tấu và nhịp độ của truyện.
Đơn giản thế này nhé, một cô gái nhởn nha đi trên đường, trong lòng vô cùng vui vẻ thoải mái mà tận hưởng cuộc sống. Cô ấy có thời gian ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây, ngắm cây, ngắm cối, ngắm hoa, ngắm cành. Những thứ xinh đẹp của tự nhiên ấy qua mắt của cô sẽ là tả.
Còn một chàng trai đang chạy vội vì muộn giờ học đến trường. Anh ta có quan tâm trời mây sông nước bao la thế nào không? Không, tất nhiên là không rồi. Vậy nên hãy dùng những câu ngắn gọn, đơn giản để đuổi kịp tốc độ của anh ấy.
Một số gợi ý nên vận dụng tả:
- Bối cảnh: Một sự vật hiện tượng xảy ra luôn phải đặt trong một bối cảnh không gian, thời gian nào đó. Hãy tận dụng để miêu tả nó. Tương tự với những đoạn chuyển cảnh.
- Sự xuất hiện của nhân vật: Thường là qua ánh nhìn của người khác, nhân vật càng được quan tâm thì càng nên đặc tả nhiều để nhấn mạnh hình ảnh của họ. Nhân vật qua đường thì có thể thoang thoảng lướt qua.
- Những chi tiết cần nhấn mạnh để gây sự chú ý.
- Và những đoạn có tiết tấu chậm mà tác giả cảm thấy phù hợp để đặc tả.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro