Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Không Tên Phần 1

   Khi mẹ sinh tôi thì chị tròn hai tuổi.

Tôi thường nghe mẹ kể rằng, khi mẹ mang thai chị, mẹ có một giấc mơ thật đẹp: Mẹ thấy mình đi xuống một bến phà, có một đứa bé chừng 3, 4 tuổi cứ lẽo đẽo đi theo mẹ, níu lấy chân mẹ đòi đi theo. Lúc ấy, mẹ nói với đứa nhỏ:

- Cô mình ơi, nhầm rồi, có phải mẹ đâu mà đi theo?

Nhưng đứa bé lại khăng khăng:

- Không! Cháu đi với bác cơ! – Và nó vấn cứ đi theo mẹ.

Mẹ thấy nó thật xinh. Nó mặc một chiếc váy ngắn xếp nhiều li, mỗi bước đi của nó lại lấp ló chiếc si-líp trắng thật đáng yêu. Nó đi đôi giầy cổ cao trên mắt cá. Đôi tất mầu trắng bẻ gập cổ. Trông nó giáng trừng con nhà giầu.

Thế rồi mẹ lần lượt sinh hai chị em tôi. Ngày mẹ đến nhà hộ sinh để sinh tôi, vắng mẹ, chị khóc. Tôi nghe bố kể rằng, không thấy mẹ ở nhà, chị thường níu chân bố, bập bẹ hỏi:

-Mẹ đâu?

Bố vừa nấu cơm, vừa dỗ dành chị:

-Mẹ đi đẻ em bé rồi. Con mà khóc là bố đánh đít đấy!

Thế là chị lại khóc, khóc vì nhớ mẹ:

- Ề ề!.... Mẹ đi bé rồi, bố đánh đít ! Ề ề......

Thế rồi, khi mẹ ở nhà hộ sinh về, thấy chị nhem nhuốc vì thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, mẹ thương chị lắm....

Rồi một hôm, trong khi mẹ xúc cơm cho chị, chị nói:

-Mẹ ơi, rau (Tức là chị đòi ăn rau)

Ngày đó, nhà nghéo lắm, rau cũng là một món ăn xa xỉ rồi.

Ngay buổi chiều đó, mẹ bế tôi ra chợ và dặn chị:

-Em ngoan, ở nhà ngoan nhé! Mẹ đi chợ mua rau cho em ăn nhé!

Nhưng chị đâu có hiểu lời dặn dò đó. Thấy mẹ đi, chị cũng đi, lẽo đẽo theo sau mẹ mà mẹ đâu có biết. Chắc là ra chợ, chị thấy ai cũng giống mẹ mình cả, vì chỉ cao đến chân người lớn. Ngày đó, phụ nữ ai cũng mặc quận lụa đen mà. Thế rồi có lẽ trong lúc mẹ đứng chọn rau ở đám đông, chị đã nhầm đi theo một người phụ nữ nào đó mà chị tưởng là mẹ mình......

Về nhà, không thấy chị đâu, mẹ tá hỏa đi tìm, bế cả tôi đi theo vì không gửi ai được.

Tìm khắp chợ, không thấy. Mẹ ra bến tầu điện, cũng không thấy. Mẹ lo sợ lắm. Thương chị thì nhiều, lại lo sợ bị bố mắng nữa. Có ai ngờ đâu, việc tìm kiếm đứa con bị lạc của mẹ lại cứ kéo dài, dài mãi....

Rồi bố biết. Gia đình bác Kha cũng biết. Các dì, các cậu, các bác họ bên nội bên ngoại dần dần đều biết. Ai cũng quan tâm lo lắng, đi tìm chị giúp mẹ. Bố thì vẫn phải đi làm xa, chỉ đến tối về bố mới đi tìm chị. Mẹ bỏ hết cả việc đan len ( ngày đó mẹ đan len xuất khẩu) để đi tìm chị. Các cô các bác ở tổ đan len của mẹ, ai cũng thương và cảm thông cho mẹ, họ nhận lại hết số len của mẹ để đan giúp.

Một hôm, nhiều anh em trong cơ quan của bố đề xuất với thủ trưởng cơ quan cho bố nghỉ làm để đi tìm con, họ giục:

-Anh này, anh phải viết giấy xin nghỉ mà đi tìm con đi chứ!

Bố chỉ thở dài, ngao ngán, vì biết tìm đâu bây giờ??? Mọi người bên nội, bên ngoại đã đi khắp mọi nơi rồi mà có tìm được đâu. Đã ba bốn ngày rồi còn gì???

Mẹ đã trình báo các đồn công an, đều không có kết quả gì, nên mẹ nghĩ: Có lẽ người nào đó họ hiếm con nên đã bắt về nuôi rồi chăng (?).

Khi ấy đang vào mùa Tết trung thu. Nếu là người hiếm con, biết đâu họ đưa nó ra phố Hàng Mã mua đồ chơi Trung thu chăng. Thế là mẹ ra Hàng Mã kiếm tìm. Phố Hàng Mã đông vui,nhộn nhịp, người ta dắt con trẻ đi mua sắm đồ chơi, người tachen chân trên phố. Đủ các thứ âm thanh hỗn độn, xen lẫn cả tiếng trẻ con ríu rít, nhõng nhẽo, đồi bố mẹ mua sắm đò chơi. Mẹ ngó nhìn từng đứa trẻ, cũng lại tuyệt vô âm tín. Mẹ lại bế tôi ra cửa chợ Đồng Xuân tìm kiếm chị. Kẻ qua người lại đông đúc, thoáng thấy ai dắt trẻ con là mẹ chạy tới xem mặt đứa trẻ, để rồi lại thất vọng. Tiếng tầu điện leng keng đi về, người lên rồi người xuống, mẹ cố gắng không bỏ sót ai, hi vọng rồi lại thất vọng. Đêm về mẹ nghĩ mình thật với vẩn: Đời nào họ lại đem con mình ra chỗ đông người. Nếu là người hiếm con thì chắc gì họ còn để con mình trong nội thành nữa. Biết đâu họ lại đem con mình về quê thì sao (?). Thế là mẹ lại đi ra ga Hàng Cỏ (Tức ga Hà Nội bây giờ) để tìm, Nhưng bóng chim, tăm cá nào có thấy đâu. Ban ngày, nghe những đứa con nhà bác Kha nô đùa, mẹ lại khóc. Lại nghe tiếng bác Kha mắng các con:

- Chúng mày, nô đùa ít thôi, kẻo cô Kim nhớ con lại khóc đấy!

Đêm đêm về mẹ khóc, thương đứa con bé bỏng tội nghiệp của mẹ. Ngày chị còn ở tuổi ẵm ngửa, chị khóc nhiều lắm (gọi là khóc dạ đề), đêm đêm, mẹ vẫn phải bế chị ra đường để dỗ cho chị nín khóc, vì mẹ sợ chị khóc nhiều làm hàng xóm mất ngủ

Một hôm bác Kha lên hỏi mẹ:

- Phiếu mua bánh nướng bánh dẻo của cô đâu, đưa tôi mua hộ cho!

Mẹ đi tìm và đưa cho bác:

- Bác mua cho các cháu đi. Em cũng chẳng còn bụng dạ nào nữa cả

Rồi một hôm, trời mưa lất phất, mẹ ủ tôi trong chiếc khăn, rồi lại bế tôi đi tìm chị như mọi ngày. Vừa đi, mẹ vừa khóc lã chã....

Đi đến phố Hàng Khoai, bỗng mẹ nghe thấy tiếng ai đó gọi giật giọng:

-Này, đi đâu đấy?

Mẹ nhìn lên, nhận ra người phụ nữ đã ở cùng mẹ trong nhà hộ sinh khi mẹ sinh tôi. Thấy mẹ khóc, người đó vẫy tay gọi mẹ và hỏi:

-Nó làm sao? Đem nó vào đây tôi xem nào!

Mẹ nức nở nói trong tiếng khóc:

-Không, con này thì không làm sao cả. Tôi thương là thương con chị nó cơ. Cháu bị lạc đã bốn hôm nay rồi chị ạ! Rồi mẹ kể câu chuyện cho bạn nghe, rồi mẹ khóc:

- Chị ơi! Tất cả anh chị em bên nội, bên ngoại nhà tôi đi tìm đã bốn năm hôm nay rồi mà không thấy cháu. Tôi sợ có lẽ nhà nào hiếm con, họ mang nó đi xa mất rồi.

Rồi mẹ lại khóc. Người ấy khuyên:

-Này, tôi bảo, thời nào thì cũng phải duy tâm. Có ông thầy ở phố Hàng Cót xem hay lắm.

-Thế hả chị!

-Cứ để con bé này ở đây, tôi cho nó bú, đến đó ngay đi nhé.

Mẹ gửi tôi lại cho người bạn mới quen rồi tất tả đi đến phố Hàng Cót, tìm đến nhà ông thầy theo lời mô tả của chị bạn. Bước vào trong nhà, thấy ông cụ ngồi đó, mẹ cất tiếng chào cụ. Trong túi mẹ l úc ấy chỉ còn hai hào, mẹ rụt rè đặt lên chiếc đĩa trên ban thờ, rồi ấp úng:

-Xin cụ xem cho cái lứa hai tuổi ạ!

Ông cụ mù vớ lấy chiếc đĩa có hai đồng tiền xấp ngửa, cụ bắt đầu gieo quẻ...

Lâu sau, ông cụ nói:

- Tuổi này là bị lạc đây mà.

Mẹ rụt rè hỏi:

-Thưa cụ, có tìm được cháu không ạ?

-Cứ đi về phía Bắc. Trên đường đi sẽ có Quý nhân phù trợ.

Mẹ thoáng một chút thất vọng. Phía Bắc ư? Là phía nào nhỉ (?) Mọi người trong họ đã đi tìm khắp nơi rồi còn gì (?)

-Thưa cụ, phía Bắc là phía nào ạ?

-Là con đường đi lên Bưởi ấy

Mẹ vẫn còn đôi chút băn khoăn:

- Thưa cụ! Hôm nay con chỉ con có ngần này thôi. Hôm nào tìm thấy cháu, con sẽ đến thướng cụ sau ạ.

- Cứ đi tìm con đi! – Ông cụ nói

Mẹ chào cụ, rồi ra về. Quay lại phố Hàng Khoai để đón tôi, cảm ơn người bạn tốt bụng và kể cho bác ấy nghe những gì ông cụ thầy bói mù dặn dò. Người bạn của mẹ giục giã:

- Đi tìm con ngay đi, kẻo nó đưa đi con bé đi xa thì khó tìm lắm. Khổ thân con bé! Tội nghiệp!

Về nhà, mẹ ngổn ngang bao nỗi băn khoăn. Biết nói sao đây? Nói cho bố nghe câu chuyện của ông thấy bói ư? Bố đang buồn, thể nào bố cũng gắt gỏng và sẽ mắng mẹ tin nhảm, vớ vẩn. Rồi mẹ cũng nghĩ ra các nói dối bố:

- Anh này!, tôi nghĩ rồi, tất cả các nơi mọi người đã đi tìm mà không thấy. Duy chỉ có con đường đi lên Bưởi là chưa có ai đi cả. Mai anh xin nghỉ và đi lên đó tìm nhé.

Hôm sau, bố xin nghỉ làm và mượn bạn một chiếc xe đạp. Thong thả đạp xe, bố vừa đi vưa ngó ngang ngó dọc khắp các phố, ngõ nghách. Bỗng, một người thanh niên ăn măc rách rưới, bẩn thỉu chặn ngang đường, anh ta đứng dạng chân, hai tay dang ra chặn lối và nói như ra lệnh:

- Xuống xe, mau!

Bố bắt buộc phải xuống xe, thầm nghĩ, tay này như dở người vậy. Người kia hất hàm, hỏi;

- Anh này đi đâu?

Bố miễn cưỡng trả lời:

- Tôi đi tìm con

Có ngờ đâu, người đó nói một tràng dài, như đọc thơ:

- Chẳng phải tỉnh, chẳng phải quê.

Chồng Nam, vợ Bắc.

Cắt cổ, mổ bụng.

Đơm chọc suốt ngày.

Nội nhật hôm nay,

đi tìm sẽ thấy.

Nói rồi, người đó đẩy bố lên xe và giục:

- Đi đi! Đi đi!

Bố hơi khó chịu, đúng là đồ dở người, nhưng rồi bố cũng lên xe đi tiếp, lại nhìn ngang nhìnndọc để tìm kiếm.

Đến phố Hàng Bún, khi ấy còn là một con ngõ nhỏ, chưa đẹp như phố bây giờ, bố thấy vài đứa nhỏ chơi lang thang. Nhưng có một thằng bé đứng thơ thẩn một mình, không chơi với ai. Có điều lạ, sao nó mặc quần sóc có yếm của con trai mà sao tóc nó lại cặp búp giống con mình. Bố cứ thử gọi giật giọng:

- Tuyết!

"Thằng bé" giật mình, quay ra, ngơ ngác nhìn bố trân trân. Bố nhận ra, đúng là con mình. Vậy mà nó chẳng thèm vồ vập hay khóc lóc gì cả. Quanh quẩn một lúc, thấy thoáng có bóng người, bố liền đánh tiếng.

- Xin làm ơn cho hỏi, đứa bé này là con nhà ai vậy ạ?

Mọi người ngơ ngác nhìn, nhưng không ai trả lời. Bố thấy hơi bực nên xẵng giọng;

- Nếu không ai nhận thì tôi xin khẳng định, đây là con tôi. Xin các ông bà làm chứng, vén hộ tôi lưng áo của cháu lên, lưng nó có sáu vết sẹo, do cháu lên sởi bị chạy hậu.

Thấy vậy, vài người bắt đầu tò mò. Một người trong số họ vén áo "thằng bé" lên thì quả là có sáu vết sẹo thật. Bố nói tiếp:

- Xin cho phép tôi bế cháu về!

Lúc này, mọi người mới xôn xao:

- Anh vào hỏi vợ chồng nhà kia kìa. Họ chỉ tay vào trong ngõ

Bố bực dọc đi vào. Thấy một người đàn ông đứng tuổi đang bổ củi, bố cất tiếng hỏi:

- Có phải ông bà nhặt được đứa trẻ nảy?

Người đàn ông hất hàm, giọng miền Nam:

- Zô hỏi zợ tôi trong đó!

Bố nhìn vào thấy một người phụ nữ đang làm dở con gà, đon đả đi ra chào hỏi, mời bố tôi vào nhà, rót nước, rồi bắt đầu câu chuyện:

- Tôi thấy cháu đứng khóc một mình ở chợ, thương quá anh ạ!

Bố nghiêm giọng:

- Sao bắt được trẻ lạc mà ông bà không trình báo? Để mẹ cháu khóc hết nước mắt mấy ngày trời?

Người phụ nữ phân bua:

- Tôi cũng bận quá, định bụng mấy hôm nữa sẽ đi trình báo.

Rồi bà ta gọi:

- Nga ơi! Ra đây mẹ tắm cho nào!

Trời, mụ ta đặt tên mới cho con bé là Nga. Nó lại còn cho mặc quần áo con trai nữa.

Vừa pha nước nóng, bà ta vừa kể:

- Chắc là ở nhà, mẹ nó tắmcho nó bằng nước nóng thì phải? Tôi tắm cho nó bằng nước lạnh, nó rùng mình, nên từ hôm sau, tôi phải đun nước nóng để tắm cho nó.

Bà ấy muốn kể công đây (Bố nghĩ bụng). Nhìn quanh nhà, thấy ngổn ngang bát đũa. Hình như nhà này bán hàng ăn. Trong khi đó, người phụ nữ vẫn tiếp tục kể:

- Mấy vết sẹo sau lưng cháu nó vẫn rỉ nước, tôi phải mua thuỗc xuyn-pha bôi, nó khô miệng rồi. Hôm trước đi chợ, tôi cũng qua Hàng mã, mua cho cô nàng ít đồ chơi.

Cứ như vậy, người phụ nữ kể lể. Thấy không còn chuyện gì nữa, bố xin phép đưa con về. Người phụ nừ liền tính toán: Nào là cháu ăn cái này, cái kia. Rồi bà ta tính tiền ăn, tiền mua đồ chơi.

Bố nghiêm giọng

- Về tình thì tôi thanh toán, chứ nếu xét về lí thì tôi có thể đưa ông bà ra pháp luật về tội nhặt được trẻ lạc mà không trình báo. Phải chăng ông bà âm mưu bắt cóc trẻ?

Rồi bố tiếp:

- Tôi sẽ thanh toán cho ông bà theo mức ăn của công nhân, một hào tám một ngày, năm ngày là chín hào, với ba hào tiền mua đồ chơi là một đồng hai.

Trong suốt quá trình trò chuyện, người đàn ông rất ít nói. Chỉ khi người vợ tiễn bố tôi ra về, ông ấy mới cất tiếng chào bằng giọng miền Nam. Khi ra đến cửa, mấy người hang xóm lúc nãy tò mò đi theo, họ kín đáo hỏi thăm bố. Rồi họ lần lượt kể cho bố biết, mỗi người họ kể một câu:

- Hai vợ chồng ông ấy không có con. Chúng tôi thấy đứa trẻ lạ, hỏi thì ông bà ấy nói, con của cậu em ở quê ra chơi, ít hôm nữa thì cháu lại về quê, nên chúng tôi cũng tin như vậy. Ông ấy là người miền Nam, ít nói lắm, chúng tôi cũng không tiện hỏi.

Phải rồi, người miền Nam thời đó rất được người Bắc trọng vọng và rất ngại tiếp xúc.

Bố đón chị về, mừng quá vì tìm thấy con, bố thuê cho chị hẳn một chuyến xích lô, xa xỉ lắm đó, vì thời đó ai cũng nghèo. Chị ngồi trên xích lô, bé tí, lọt thỏm, trên tay cầm chiếc quạt máy đồ chơi Trung thu và chiếc đèn Ông sư. Bố đạp xe đi bên cạnh.

Ở nhà mẹ vẫn đang khóc, nhớ đến những ngày chị bị lên sởi càng thương chị bao nhiêu. Bỗng nghe tiếng bác Kha réo goi:

- Cô Kim ra đón con này!

Mẹ không tin, nghĩ rằng anh mình chỉ an ủi cho mình đỡ buồn vậy thôi. Đến khi nghe tiếng trẻ con nhà bác Kha reo hò:

- Em Tuyết! Em Tuyết đã về!

Lúc ấy mẹ mới lao xuống dưới nhà ôm chầm lấy chị.

Đêm ngủ, mẹ cứ ôm lấy chị mà hỏi:

- Đêm ngủ con có đái dầm không?

- Có ạ!

- Thế bố có đánh con không?

Chị chỉ vào hông, nói bập bẹ:

- Ba lấy cái chổi có lông để đánh

- Thế buổi sáng mẹ cho con ăn gì?

- Ăn xôi có thịt gà.

Sau này, mỗi lần chị hư, mẹ nói không được. Bác Kha gái thường hay cười vầ bảo:

- Biết thế này ngày ấy để nó cho con mẹ xôi gà nó nuôi.

Rồi mẹ và bác cùng cười.

Sau này, có một lần mẹ quay lại phố Hàng Cót và thướng ông cụ mù 5 hào như đã hứa.

Còn bố, bố không bao giờ biết được chuyện mẹ đi xem bói, nên bố cực kì tự đắc ý, rằng bao nhiêu người đi tìm không thấy:

- Đấy, tôi chỉ đi có nửa buổi đã tìm thấy. Mà ngẫm lạ thật, cái tay dở người, nó nói những câu liên thiên. - Bố cứ nhắc đi nhắc lại những câu liên thiên ấy của anh ta:

- Chẳng phải tỉnh, chẳng phải quê, cái ngõ Hàng Bún ấy cũng quê quê. Chồng Nam vợ Bắc, tay chồng người miền Nam thật. Cắt cổ mổ bụng, đơm chọc suốt ngày, thì ra nhà nó bán xôi gà. Nội nhật hôm nay đi tìm sẽ thấy. Ứng vào việc của mình cũng đúng thật

Mẹ chỉ lặng im, để cho bố đắc ý. Nhớ lại lời ông thầy bói mù, mẹ nghĩ: "Quý nhân phù trợ" có lẽ là cái anh dở người này chăng?.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro