Chị Tôi
Mùa hè năm 1994, trí não tôi đủ lớn để hình thành kí ức. Trong một đêm sâu thăm thẳm, giông tố mịt mờ, tiếng gió rít hệt như móng vuốt của tử thần xé toạc bóng tối, làng xóm nhốn nháo tiếng bước chân, hơi thở của người mẹ yếu dần. Khều khào rồi tắt hẳn.
Tôi lặng lẽ đứng nhìn cục thịt thâm sì nằm im trong vòng tay của đứa trẻ có mái tóc quăn đang thẫn thờ nhìn về phía khung trời xa- nơi có vệt nắng cuối màu đỏ ối. Nhiều năm sau đó khi xem Đất Phương Nam tôi vẫn thường hỏi chị có bao giờ thấy mẹ về dưới ánh trăng?
Bác tôi là một người đàn bà đẹp: tuổi đôi mươi, nước da trắng, khuôn ngực nở, cặp mông cong. Với từng ấy nét mĩ miều thì ánh mắt vô hồn trên gương mặt thanh tú chưa từng làm gã háo sắc anh trai mẹ tôi phiền lòng. Ngược lại hắn càng thấy hả hê sau sự ra đi của người vợ thứ nhất. Ở bác, là một sự phục tùng chồng đến tuyệt đối-sự phục tùng của người điên với nỗi sợ của họ.
Người mẹ điên không thể cho con bú, không thể thí con khóc và đã không ít lần dìm chị chết hụt dưới lòng sông. Tháng Năm, máu rỉ ra từ đũng quần. Lũ ruồi bọ háo hức bay xung quanh. Trong ý thức cuối cùng của người điên, trong cơn đau tuyệt vọng, tình mẫu tử trỗi dậy, bà không ngừng gào thét xin bác sĩ cứu lấy đứa con.
Hắn trở về sau đó ít ngày. Lâu nay, hắn bận chui rúc vào cặp đùi của người đàn bà lạ xứ than Quảng Ninh để sống rủng rỉnh trong túi tiền của mụ đã quên bẵng đi sự tồn tại của người vợ khờ và đứa con dại. Theo một trường nghĩa nào đó, sự vô tâm độc ác lại trở thành một tội ác nhân từ với mẹ con chị bởi khi hắn bắt đầu quan tâm là khi hắn thấy hai bộ xương nheo nhóc có chút thịt để gặm tỉa.
Bầu trời trong đôi mắt chị bỗng u tối. Mây đen ngùn ngụt kéo về. Trạng thái buồn rầu vì sự ra đi có báo trước của người mẹ đổi thành trạng thái tự vệ trước nanh vuốt của người cha. Hắn tất nhiên không trở về để thăm chị, càng không vì muốn đưa chị đi hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Hắn đang nhằm vào cục thịt vừa chui ra từ cái bụng của mụ vợ ngu si.
Đôi vợ chồng trẻ đi theo gã lật tay xem chân đứa nhỏ, nheo mày, tặc lưỡi bớt một thêm hai.
Chị tôi gào thét như một con thú hoang. Khi bác sĩ nói rằng mẹ chị đã chết, tôi không thấy chị khóc. Nhưng khi đứa em bị bế đi, chị đã phát điên. Chị lao vào đứa nhỏ liền bị hắn túm tóc giật lại khiến bật ngửa về phía sau. Chị vùng dậy, ánh mắt đỏ như hai hòn than, điên cuồng tấn công chồng của mẹ mình. Hắm căm phẫn vung tay tát chị như trời giáng. Chị đổ rầm xuống đất, không gượng dậy nổi. Máu tóe ra từ chiếc răng bị gẫy. Mùa xuân của cuộc đời kết thúc từ đó. Chị tôi chết trong sự độc ác của người cha và sự ghẻ lạnh của những người nhân hậu xung quanh.
Mười ngón tay chị cào xuống nền đất, cùng nước mắt tạo thứ hỗn hợp nhão nhoét khiến những bà cô chưa chồng cáu tiết. Kẻ xách tay, người lôi chân, họ quẳng chị vào ngôi nhà lá lụp xụp của mẹ. Sau đó tôi không bao giờ thấy chị khóc thêm một lần nữa. Chị lầm lũi làm, lầm lũi ăn. Đôi mắt sắc như dao.
Chị tôi không được thừa hưởng những nét đẹp từ bác gái. Gương mặt chị thô, nước da ngăm đen, dáng người nhỏ thó, mái tóc quăn rối mù.
Chị sớm có mợ nhờ bố. Và mợ muốn đẩy chị đi. Một ngày, trên chuyến xe vắt ngang qua làng, một người phụ nữ phốp pháp với đôi gò má cao, chiếc miệng rộng, cặp mắt ác nghiệt và đôi lông mày phù thủy tới đưa chị lên quán ăn của nhà mụ. Tôi không ưa người đàn bà đó. Mụ ta trở thành nỗi ám ảnh khiến tôi có định kiến với những người đàn bà có hình xăm lông mày như thế sau này. Cảm giác như mỗi khi mụ nhướn mày, toàn thân tôi sẽ co rúm lại.
Bằng tất cả sự dũng cảm con nít tôi tìm cách ngăn chị lại nhưng chị vẫn đi vì bản thân chị muốn. Năm ấy chị tôi vừa bước qua tuổi 15.
Thê là chị đã đi và 3 năm sau đó tôi không được gặp chị thêm một lần. Người ta nói chị ăn cắp tiền rồi bị đánh và đuổi đi. Sau đó lại nghe nói bố chị bắt gặp chị đang làm ở một quán cà phê trên Cao Bằng. Hắn bèn lôi chị ra giữa đường để đánh 1 trận xuống vật. Hắn đánh không phải vì sự hư hỏng mà thiên hạ vẫn đồn thổi về con gái hắn. Hắn đánh vì sự hư hỏng kiếm ra tiền lại chẳng rơi vào mõm hắn đồng nào. Từ đó không ai còn biết tung tích của chị nữa.
Bỗng một ngày chị trở về cùng người con trai tên Dũng. Tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của ngoại hình. Chị trở nên xinh xắn lạ thường với nước da trắng, mái tóc được duỗi thẳng, cắt ngang vai, nhuộm hoe hoe vàng. Phút chốc, tôi không thấy ai xinh xắn hơn chị. Nhưng những năm xa cách khiến đứa trẻ nhút nhát là tôi không dám đến gần. Tôi lặng lẽ tránh mặt những nơi chị đến, và lặng lẽ đứng trong góc khuất xem vở diễn trò đời.
Tất cả những con người không yêu thương hoặc đã từng ghét bỏ chị thuở xưa giờ xúm xít vây quanh chị để bày tỏ niềm nhớ nhung khôn nguôi và cũng không quên chê trách nhẹ nhàng khi chị không nhớ anh em, họ hàng cùng những kỉ niệm tốt đẹp làm cho đứa trẻ cô độc sung sướng, mụ mị tung tiền mua hạnh phúc. Khoảng thời gian ấy, chị về nhà liên tục với vô vàn món đồ đẹp đẽ làm quà. Chị quên bẵng mất tôi.
Rồi một mùa hè buồn bã, tôi thấy chị lặng lẽ trở về cùng chiếc bụng vượt mặt mà không thấy bóng dáng người con trai tên Dũng. Tôi hiểu những ngày tháng đen tối lại bắt đầu. Đồng tiền quyết định nhân cách con người. Mới hôm qua thôi, yêu thương còn đong đầy, hôm nay mặt trở như bàn tay. Tôi đau đớn nhìn chị làm cỏ giữa vườn khi mặt trời mấp mé thiên đỉnh. Cái vườn ấy bình thường vẫn để cỏ dại mọc, chị có làm rồi cũng để cỏ dại mọc thôi, nhưng người ta vẫn bắt chị làm. Như thể mụ dì ghẻ đã vẽ việc cho Tấm trong Tấm trong ngày hội năm ấy.
Thấy tôi, chị lau vội mồ hôi chạy đến, lấm lét ngó nghiêng xung quanh như thể chuẩn bị làm một việc mờ ám, rồi nét mặt ngượng nghịu, chị giơ tay xin tôi một nghìn đồng để mua dầu gội. Tôi nhìn lên mái tóc bết hoen màu của chị, cảm giác như mi mắt mình nặng khủng khiếp. Dúi vào tay chị tờ 2 nghìn đồng duy nhất, tôi quay lưng vội vã bước, giấu đi những giọt nước mắt đau xót. Phía sau chị ngồi sụp xuống. Không khóc mà thấy bờ vai rung lên.
Con nhỏ sinh ra cáu bẳn đến đáng ghét. Trán nó dô hẳn ra phía trước, tóc lơ thơ vài sợi và mắt dường như độc màu trắng. Tôi thấy nó giống hệt chị khi còn bé. Nhưng nó xấu hơn hẳn mẹ nó. Xấu thậm tệ. Tôi ghét điều ấy. Ở trong gia tộc tôi, xấu đồng nghĩa với việc mất hẳn đi quyền được yêu thương. Bởi tôi cũng là một đứa trẻ xấu. Và con vịt đứng giữa bầy thiên nga thì chỉ càng tôn vinh cái đẹp lên mà thôi. Phút chốc tôi thấy chị trở về hình ảnh nguyên bản trước khi lột xác. Mái tóc lại quăn tít, da lại đen nhẻm, quần áo lại xộc xệch và lúc nào cũng bốc mùi. Con nhỏ đái khai khủng khiếp. Tôi dường như không thể ẵm nó dù có thương nó đến nhường nào.
Mẹ tôi rất nghiêm khắc. Bà hoàn toàn không thông cảm với hoàn cảnh của chị nên bà từ chối mọi sự giúp đỡ. Tất nhiên tôi không bao giờ lên án mẹ mình nhưng nhiều lúc buồn thương tôi vẫn thầm trách mẹ quá ư vô tình.
Bố tôi sợ mẹ nhưng lại rất yêu trẻ con nên chị thường dấm dúi con nhỏ cho ông rồi xách chiếc xô đi khắp cánh đồng kiếm mớ rau,con cua, con ốc đổi lấy vài nghìn tiền cháo, sữa và thuốc cho con.
Tôi không còn nhớ mẹ con chị đã sống qua mùa đông như thế nào. Chỉ biết rằng khi mùa xuân tới chị lại tiếp tục hành nghề bán thân xác. Và đứa trẻ có những bịch sữa, có những bộ quần áo đẹp.
Trong tình yêu thương của những đồng tiền dơ dáy, sự quan tâm cũng chỉ ở mức tạm bợ. Khi chị đi về cái ổ tình dục giữa thủ đô, họ tha hồ đánh đập, móc nhiếc, kể công này nọ để khi nào chị gọi điện báo sẽ về, họ mới vội vã đưa con chị đi cắt tóc, gội đầu, tắm rửa và mặc những bộ quần áo sạch sẽ. Tôi gần như phát ngấy bởi sự giả tạo này.
Vài năm trôi qua, ở giữa quãng đời yên ắng của chị kẻ làm cha vào tù rồi chết. Luật nhân quả lạnh lùng giáng đòn chí mạng vài gáy đứa con bất hiếu, người cha bất nhân và thứ đồng loại bất nghĩa. Nhưng lại vẫn thờ ơ trước số phận hẩm hiu của chị. Sao chẳng có người đàn ông nào yêu chị thật lòng, sao chẳng có tình yêu nào đủ lớn để cưu mang lỗi lầm, để xoa dịu nỗi đau quá khứ. Chị tôi cô độc ngay trong cả tình mẫu tử vs đứa nhỏ. Mỗi lần chị về, nó chẳng hào hứng. Chị nói nó cũng chẳng nghe. Mặt nó cứ lì lì ra vậy. Chị vung tay tát khiến nó ngã dúi dụi. Cái tát rất mạnh nhưng nó chẳng hề khóc. Nó ngồi dậy, ngay ngắn trước mặt chị, lại nhìn chị bằng cặp mắt to đầy lòng trắng. Chị bất lực, với tay lấy điếu thuốc, hít những hơi dài rồi xách vali bỏ đi. Vừa đi vừa khóc. Con đường làng nhỏ bé vắng hoe hệt như con đường đời của chị.
Tôi không còn bao giờ nhìn thấy chị nữa. Đứa nhỏ cũng mất hẳn đi những kí ức về người mẹ.
Nhiều năm trôi qua, cái tên cũng được gạch ra khỏi trí nhớ những người họ hàng. Riêng tôi vẫn cồn cào nỗi ám ảnh bởi cuộc gọi điện cuối. Hạch đã mọc khắp người chị. Chị sắp chết rồi.
Năm ấy tôi 18 tuổi. Tôi không hiểu sao những suy nghĩ của tôi lại nông cạn đến mức bỏ mặc những lời chị nói để giờ mỗi ngày trôi qua là mỗi phút tuyệt vọng.
Chị tôi vẫn chưa về.
Tôi bắt đầu lần mò theo những manh mối mỏng manh để tìm chị. Tôi cầm tấm ảnh đi khắp những tụ điểm mại dâm để hỏi thăm về chị. Tất cả đều lắc đầu vì thời gian đã quá lâu. Những cô gái hành nghề năm ấy hoặc chết, hoặc lấy chồng. Phút tuyệt vọng. Tôi đứng thẫn thờ bên lề đường thì tấm ảnh trên tay tôi bỗng động đậy như thể ai đó đang cố giành lấy nó. Tôi bất giác rùng mình, tấm ảnh tuột khỏi tay và bay về phía người đàn bà rách rưới đang xin ăn. Cụ nhặt tấm ảnh lên và chăm chăm nhìn bằng đôi mắt đục: chẳng phải cô Mai đây sao?
Tôi vội ngồi sà xuống và khẩn thiết cầu xin cụ kể cho tôi những gì cụ biết về chị.
"Ngày ấy, miền Trung lũ lụt, cuốn phăng cả ông chồng già cùng vợ chồng đứa con duy nhất của tôi. Đói, tôi ôm đứa cháu lang thang những đêm dài để tới nơi phồn hoa này. Người Hà Nội có tình lắm. Họ cho tiền, cho thức ăn, cho quần áo, cho cả nơi ở nữa. Nhưng đứa cháu nhỏ vẫn cứ ốm quặt quẹo vậy. Nó thiếu sữa. Nhưng người Hà Nội không có sữa. Họ không muốn đứa trẻ dơ dáy bệnh tật này làm bẩm đầu ti hay cùng chung dòng sữa với đứa con xinh xắn của họ nên cứ giả như mắt mù tai điếc vậy.
Già đâu dám than trời, kêu đất. Chỉ biết lặng lẽ ôm cháu và trông chờ một phép màu. Thì bỗng hôm ấy, một cô gái chừng chạc đôi mươi, người còn đầy hơi sữa đi qua 2 bà cháu tôi bỗng lùi lại nói: đứa bé không chịu uống sữa ngoài sao? Tôi lắc đầu. Nước mắt cứ thế trào ra. Cô gái nhẹ nhàng ngồi xuống. Đưa tay đỡ lấy đứa nhỏ rồi cầm chiếc nón rách của tôi úp lấy phía trước ngực cho bú. Rồi ngày nào cũng thế. Thằng bé sống nhờ người mẹ ven đường ấy. Tôi thấy tình yêu thương tràn đầy trong từng cử chỉ của cô ấy. Nhiều lần tôi cố gặng hỏi về cô nhưng chỉ nhận được tiếng thở dài não lòng. Vài tháng sau, thằng bé cứng cáp hơn, cô ấy đến cho bà cháu tôi rất nhiều tiền rồi không bao giờ quay lại nữa. Tôi bế đứa cháu nhỏ lò dò tới khu nhà mà cô ấy thường lui tới thì nhận được tin rằng cô ấy không còn làm ở đây nữa. Quả thật, không hẳn nàng điếm nào cũng là xấu xa".
Nói đến đây cụ già ngừng lại chỉ cho tôi đứa cháu nhỏ đang loanh quanh gần đấy. Thằng bé dù hơi gầy một chút nhưng nét mặt rất thông minh và lém lỉnh. Nghe tiếng bà gọi nó chạy sà tới ngồi cạnh bà và cúi đầu chào tôi. Cụ lại tiếp tục nói : " Hằng ngày, tôi vẫn ngừng nhắc nhở thằng bé phải biết nhớ tới cô ấy. Khi nào lớn khôn, phải tìm cách gặp được cô để nhận mẹ và nuôi dưỡng dù biển người có mênh mông thế nào. Cô ạ! Nếu như không có cô ấy thì bà cháu già đã chết từ lâu rồi".
Tôi khóc. Tôi biết thằng bé làm chị nhớ đến đứa em trai thất lạc. Dẫu vậy, nước mắt tôi rơi trong nhẹ nhõm. Tấm thân nhơ nhớp không làm lụi tàn nét cao thượng bên trong. Ít nhất, đã luôn có người ngày đêm nghĩ tới chị.
Tôi nói chuyện cùng hai bà cháu thêm một chút nữa rồi xin phép ra về vì trời đã quá muộn.
Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến bầu trời u ám bỗng vụt lên tia nắng. Tôi không hề có hi vọng tìm thấy chị khi tim còn đập, khi máu còn nóng, khi luồng hơi còn phả ra. Chị chắc chắn đã vùi thây dưới muôn ngàn đất cát. Những nỗ lực này có chăng khiến hồn tôi thanh thản, khiến ám ảnh về sự vô tình trong quá khứ dịu nhẹ hơn.
Một bộ xương khô trắng bạch phếch vì hạt bụi đời.
Vài ngày sau đó, nhờ sự chỉ dẫn của bà lão tôi tìm được người bạn của chị ở thành phố bụi bặm Thái Nguyên. Trên gương mặt còn đầy những dấu vết một thời, dường như phấn son từ những năm thả mình theo dòng trôi vẫn còn phảng phất trong những nét nhăn nheo chằng chịt trước tuổi của ả. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy được sự tàn khốc của thời gian đối với những kẻ mua vui cho đời. Đến như chính bản thân tôi cảm thấy mỗi khi cô ta cười, cô ta cử động gương mặt thì những vết nhăn như thể những vết thương đang co rúm miệng cắm sâu vào da thịt.
Tôi chợt nhận ra dáng đi tập tễnh bởi chiếc chân teo.
Trong số những lần ít ỏi chị tôi dắt bạn về thì có con người này. Cô gái tàn tật cả về thể xác lẫn tâm hồn. Tôi không ưa ả, chưa bao giờ ưa ả. Ánh mắt ả lúc nào cũng đong đưa với bất kì gã trai nào như thể ả là con mèo cái đến ngày phát dục vậy.
Tôi không bao giờ có ác cảm với gái làng chơi vì dù gì thì gì chẳng một người phụ nữ nào sinh ra muốn nằm ễnh trên giường để những tên đàn ông xa lạ khám phá, thọc ngoáy vào từng ngóc ngách cơ thể nếu không vì những lí do riêng. Bản thân tôi nghĩ đó là những cô gái yếu đuối hơn hẳn chúng ta, trong sáng hơn hẳn chúng ta nên ms lò dò cho chân vào bẫy của những kẻ sở khanh. Tận sâu ánh mắt phờ phạc, sau lớp son phấn dày cộm, sau tâm hồn sù sì vẫn dõi theo một đôi tình nhân đang chăm sóc nhau và thấy làn mi không mascara mà nặng đến vậy. Nhưng riêng về phần cô gái này, tôi không thể nào có chút thiện cảm. Có thể cô ta sinh ra nhầm giường. Chỗ của ả đáng ra là cái ổ.
Ả bán hàng nước ở một ngõ nhỏ. Từ lúc tôi và cậu bạn ngồi xuống ả chỉ chăm chăm nhìn vào cậu đến nỗi tôi cảm thấy khó khăn khi muốn hướng sự chú ý của ả sàn tới mình. Tôi đưa chân đá kẽ cậu bạn rồi dúi vào tay hắn tấm ảnh của chị.
Cậu bạn tôi tiếp đãi lại sự đong đưa của ả gái già với sự kinh hãi đuợc tiết ra khéo léo từ sắc thái biểu cảm, từ những nhấn nhá nhờn nhợt ngữ điệu âm thanh. Không dễ gì để ả mở lòng mình khi mà ả đang muôn giấu nhẹm đi để cò cưa.
Đúng như chúng tôi dự đoán, khi tấm ảnh được đưa ra, nét mặt mụ thất sắc. Chắc mụ bị hố. Mụ quăng ánh mắt đầy sự căm hờn về phía tôi như thể mụ nhìn thấu cái cười khẩy mà tôi đang giấu dưới làn da. Tôi vớ lấy quyển báo đọc ngấu nghiến tất cả những kí tự mà chẳng hiểu gì để mụ bớt chú ý tới.
Khi cậu bạn tôi cúi chào để ra về, tôi bước vào trong xe trước và cũng không quên quăng trả mụ cái nhìn hằn học trước đó. Rõ kinh.
"Ả này nổi tiếng khắp một vùng vì độ trơ trẽn. Bà ấy vốn là cô ruột của cậu bạn tớ. Nhưng bị gia đình từ lâu rồi. May là chân bà ta còn thọt, chứ cái loại này mà lành lặn không biết tâm hồn còn khuyết tật thế nào"
Tôi chẹp miệng tự hỏi tại sao chị tôi lại có gu kết bạn dễ dãi vậy.
Qua những gì cậu bạn khai thác được thì khoảng thời gian cuối đời chị tôi ở bãi biển Thịnh Long-cách nhà tôi chừng 60km. Chị chết với cái xác đầy u hạch. Vậy là chị đã không nói dối như ngày ấy tôi tưởng. Người chủ nhà một phần vì không xác định được quê quán, một phần vì không muốn kéo dài sự việc khiến lỡ dở việc kinh doanh đã quăng xác chị xuống biển cả.
Tôi rùng mình và chiếc xe cũng như thể rùng mình theo. Biển. Lạnh lắm. Cô đơn lắm. Đến bao giờ mới được siêu thoát?
Tôi lại từ biệt cậu bạn ở thành phố Thái Nguyên và bắt xe ngược về Nam Định. Sau 1 ngày dừng lại nghỉ ngơi thăm bố mẹ tôi lại tiếp tục hành trình tới những nơi chị đã tới. Đây không còn là một cuộc tìm kiếm. Có lẽ là một cuộc viếng thăm. Tôi ko tin vào những gì mê tín nhưng tôi tin linh hồn tồn tại. Thỉnh thoảng trong những lúc bế tắc tôi vẫn mang những nỗi lòng của mình ra nói với gió,ới mây để gửi tới chị.
Biển hôm ấy lặng sóng. Vì là giữa tuần nên tôi đặt phòng dễ dàng. Chọn một khách sạn sạch, tôi nằm dài trên giường rồi nhanh chóng rơi vào một cơn mơ sâu.
Tôi mơ thấy những giọt nước mắt anh đang lăn dài trên khuôn mặt hốc hác. Tôi thấy a gục xuống lề đường và thét lên những tiếng tuyệt vọng. Tôi thấy anh sau bao năm xa cách vẫn chưa tìm thấy cho mình một hạnh phúc mới. Tôi biết rằng mình đang khóc. Những giọt nước mắt không chỉ là trong mơ.
Tôi tỉnh dậy khi biển đã về chiều và gió cũng mạnh hơn. Tôi thả những bước chân xuống mặt đường mà thấy nhẹ tênh như đang bước trong cõi hư vô. Những lời chèo kéo mua hàng dần dần biến mất. Nhưng ngôi nhà nghỉ cũ kĩ ven biển cũng mờ nhạt dần. Tôi rơi vào cõi vô thanh vô ảnh. Chị tôi đi lên từ phía biển. Bước qua lớp cát và lặng lẽ đi cùng tôi. Chúng tôi cứ đi mãi đi mãi, tới lúc chị chào tạm biệt thì tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa. Trời đã chập choạng tối.
Tôi đi ngược lại con đường theo hướng chị chỉ và cũng tìm đến được khách sạn.
Sáng hôm sau tôi trở về Hà Nội sớm. Chị giúp việc nhẹ nhàng xách vali cùng lời thông báo con bé vẫn ổn. Tôi mở cửa phòng. Nó vẫn nằm đấy. Tất nhiên nó vẫn nằm đấy. Tôi lặng lẽ nắm lấy bàn tay nhỏ bé của nó. Một thứ tình yêu không mùi vị.
Trong những năm tháng tôi lang thang ở những miền đất lạ, đói nghèo bủa vây khắp xóm làng. Không còn những đồng tiền chị gửi về, mụ dì ghẻ lộ rõ nguyên hình. Con bé bị đánh đập tàn nhẫn mỗi đêm. Trên cơ thể đầy rẫy những vết tím bầm. Nó gục xuống vì kiệt sức sau cú đạp từ phía sau. Cuộc chiến của những áo blu trắng giật thân xác nó từ bàn tay tử thần nhưng lại không khiến ý thức nó trở lại. Nó rơi vào trạng thái hôn mê sâu, tim vẫn đập nhưng tâm hồn tê liệt. Nó không hề muốn sống.
Từ nay,Mỗi ngày tôi dành thời gian ngồi kể cho nó nghe câu chuyện về người mẹ nó đã quên-người mà từ khi có ý thức nó được dạy phải nguyền rủa.
Xin con hãy tỉnh lại. Đừng kết thúc mầm sống mà mẹ con đã đánh đổi bằng cả tính mạng.
Ngày 2 tháng 8 năm 2014
Tôi sẽ kể cho nó nghe câu chuyện về mẹ nó. Tôi sẽ cho thấy mẹ nó đã sống kiên cường thế nào. Mẹ nó đã chết như thế nào để cho nó sống. Nó không thể vì bản thân mình mà giết chết mầm sống mẹ nó đã gieo. Hà Nội vẫn mưa tầm tã.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro