Chương tám
Đến giờ ăn, Lập Huyên cố tình hỏi Thủ Chân: "Tuần trước chị qua ăn là mình dùng bộ bát đĩa nào ý nhỉ?"
Thủ Chân nói: "Bộ sứ xương* làm từ bột hoa mai."
*Hay còn gọi với cái tên tiếng Anh là Bone China: sản phẩm sứ được chế tác từ tro xương động vật, chủ yếu là xương bò, được nghiền mịn thành tro xương, trộn với đất sét và những loại khoáng chất khác, như tràng thạch (fensfat). Đặc điểm của dòng sứ xương này là độ thấu quang cao, mỏng, trọng lượng nhẹ, có màu trắng ngà, chất lượng sứ xương phụ thuộc vảo tỉ lệ phần trăm xương trông hỗn hợp, sản phẩm sứ xương chất lượng thường có trên 30% tỉ lệ xương, đến 40-50%.
Lập Huyên khẽ nhướng mày: "Không đúng. Ngày mai em không được đến quán cà phê đâu đấy."
Thủ Chân không chấp nhận: "Rõ ràng là đúng mà."
Lập Huyên nhún vai: "Chị không nhớ đâu nên sẽ không có câu trả lời tiêu chuẩn."
Thủ Chân một lần nữa: "Là bộ sứ xương mà." Đôi khi trí nhớ tốt quá cũng là nhược điểm khiến người ta rất ưu phiền.
Khả năng ghi nhớ của Thủ Chân khá ấn tượng. Tốc độ lật sách trung bình của cậu là tám giây, gần như chỉ đọc một lần là đã hằn sâu vào kí ức. Ban đầu Lập Huyên không muốn tin, cũng từng thử kiểm tra Thủ Chân, còn dùng hẳn đồng hồ bấm giờ để tính chính xác từng giây một. Những lúc tâm tình phấn khởi, Lập Huyên sẽ bày một số trò chơi kiểm tra trí nhớ, chọn bừa một cuốn sách từ trên giá, nàng nói một câu, Thủ Chân sẽ phải đọc câu kế sau đó. Nếu Thủ Chân thua, cậu sẽ phải chịu phạt. Mùa thu, Lập Huyên bắt Thủ Chân quét cho bằng sạch đám lá khô trong vườn; mùa đông, nàng cấm cậu bơi lội. Bác sĩ Quách đã nói, cường độ tập luyện thể thao của Thủ Chân có hơi quá mức cần thiết.
Chiều nay, Lập Huyên vừa cao hứng đọc một câu đã nghe tiếng ai đó gõ vào cửa thư phòng.
Luật sư Lục bỏ dở bữa ăn với khách để đến đây: "Lập Huyên cũng ở đây sao? Thủ Chân, bác có việc muốn bàn với cháu."
Ông ngồi trên xô-pha đối diện hai người. Lập Huyên đứng dậy, chuẩn bị tránh đi. Thủ Chân cố ý liếc nhìn Lập Huyên. Luật sư Lục nói: "Không cần đâu." Lập Huyên lại ngồi xuống, dỏng tai lên nghe xem luật sư Lục toan nói gì. Nếu buộc phải bỏ ngang buổi chiêu đãi để đến đây cho kíp, hẳn là việc vô cùng quan trọng.
Thì ra ông muốn bàn về chuyện đi học của Thủ Chân. Luật sư Lục nói: "Bác đã lên kế hoạch học đại học cho cháu."
Năm nay Thủ Chân đã mười bảy tuổi, mặc dù thường ngày có giáo viên phụ đạo nhưng nếu không đến trường học chính quy, cảm giác như vẫn thiếu hụt điều gì đó. Luật sư Lục đã xem xét kế hoạch này, ông không cần Thủ Chân lấy học bổng hay đạt thành tích nổi trội toàn diện, sở dĩ muốn Thủ Chân đi học là để cậu được tập rèn, nhân tiện mở rộng vòng tròn quan hệ. Học ban Xã hội e là thách thức quá lớn cho Thủ Chân, luật sư Lục nghĩ tới nghĩ lui, rốt cuộc vẫn sắp xếp cho cậu học khoa Toán. Nghe thấy khoa Toán, Thủ Chân không lấy làm phản đối. Đây là điều khá mới mẻ, tuy nhiên Thủ Chân cũng không nói năng gì.
Để cứu cánh cho luật sư Lục, Lập Huyên hỏi thay Thủ Chân: "Khi nào giáo viên sẽ đến dạy ạ?"
Trái với mường tượng, câu trả lời của luật sư Lục khiến Lập Huyên khá bất ngờ: "Học chương trình bốn năm, tại trường." Chính ngôi trường mà Lập Huyên đang theo học. Lập Huyên nhẩm tính trong lòng, đường đi lối lại cũng tương đối gần.
Thủ Chân nghe đến đây thì cự tuyệt: "Cháu không muốn đi." Quyết định hoàn toàn nằm trong dự đoán của số đông.
Luật sư Lục và Lập Huyên đều nhìn nhau, thầm ra ý. Lập Huyên hỏi Thủ Chân: "Sao lại thế?"
Thủ Chân cộc lộc: "Không thích." Nói rồi, lại cân nhắc đôi chốc, bổ sung: "Tốn thời gian quá. Quá xa nhà."
Nếu như đến trường, toàn bộ cuộc sống của Thủ Chân sẽ đảo lộn. Đó đích thị là điều Thủ Chân cậu sẽ cự tuyệt bằng bất cứ giá nào.
Thím Tiết mang đĩa trái cây vừa gọt xong lên, Lập Huyên đẩy tới trước mặt Thủ Chân và luật sư Lục nhưng không ai mảy may động tới. Xem ra tình hình có vẻ căng thẳng, không ai chịu nhân nhượng.
Luật sư Lục thuyết phục: "Lập Huyên cũng đi học ở đó, hai chị em có thể giúp đỡ lẫn nhau." Lần này Thủ Chân đã khoá chặt miệng mình. Không từ chối mà cũng không chấp nhận. Lí do đường sá xa xôi tuyệt nhiên không phải vấn đề, luật sư Lục không bỏ cuộc: "Hôm nào có tiết, tài xế Kim sẽ chở cháu tới trường. Có Lập Huyên ở đó, không có gì phải lo cả." Luật sư Lục những tưởng Thủ Chân lo sợ không theo kịp các bạn đồng trang lứa, nhưng hiển nhiên ông không hiểu cậu bằng Lập Huyên. Thủ Chân đời nào lại để tâm đến người khác? Thiết nghĩ các bạn có đoạt giải Nô-ben, Thủ Chân cũng chẳng lấy làm dao động.
Thủ Chân từng đến trường của Lập Huyên vài lần, cậu luôn cảm thấy vô cùng tò mò, việc trường lớp thật sự bộn bề đến thế ư? Bận đến nỗi hiện tại Lập Huyên chỉ có thể đến thăm cậu hai tuần một lần mà cậu cũng đã hạnh phúc lắm rồi.
Nếu ngày nào cũng phải đi học, không chừng có thể gặp nhau mỗi ngày. Nhưng Thủ Chân không biết rằng nếu cậu nhập học vào tháng Chín này, thì Lập Huyên cũng đã tốt nghiệp từ hai tháng trước đó.
Thủ Chân vẫn im lặng đắn đo, một bên hi vọng ngày nào cũng được thấy Lập Huyên, một bên chán ghét những hoạt động xã hội xô bồ. Bàn tay siết chặt cứ buông lỏng lại nắm vào, bóp chặt rồi dần buông, vạch trần nỗi lo trong lòng cậu. Lập Huyên không thể đọc được suy nghĩ sâu trong Thủ Chân, nhưng nàng nhận ra dáng ngồi cứng ngắc trên xô-pha, cùng bàn tay trái cố che giấu tay phải đang bó thành nắm đấm. Bác sĩ Quách từng nói đó là một biểu hiện của căng thẳng và lo lắng.
Lập Huyên nhích lại để ngồi gần Thủ Chân hơn một chút, duỗi tay ra nắm lấy tay phải cậu, đan những ngón tay vào nhau, giúp Thủ Chân thả lỏng bàn tay, nói: "Hôm nào rảnh chị dẫn em đến trường xem thử nhé." Dẫu sao cũng không thể giải quyết chuyện này trong ngày một ngày hai, cần cho Thủ Chân thời gian để làm quen. Càng tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài thì càng có ích cho chính Thủ Chân, cậu không thể sống mãi trong thế giới nhỏ của riêng mình được.
Luật sư Lục hiểu rõ tính cách của Thủ Chân, đứa nhỏ không kịch liệt phản đối cũng có thể xem như đã đồng thuận.
***
Hôm nay Lập Huyên về trường rất trễ. Thủ Chân đi cùng xe đưa nàng về. Kí túc nữ ở gần cổng phía Đông, xe chầm chậm đỗ trước cổng trường, tài xế Kim nom hàng ghế sau không có động tĩnh gì, qua gương chiếu hậu, trông thấy Lập Huyên đang tựa đầu vào vai Thủ Chân mà ngủ quên. Có lẽ hôm nay Lập Huyên cũng mệt rồi, Thủ Chân đồ vậy, cứ để yên cho nàng ngủ thêm một chốc nữa rồi hẵng gọi dậy sau. Tài xế Kim xuống xe, nói là đi mua bao thuốc, thực tế là cho hai đứa nhỏ có cơ hội được ở riêng với nhau.
Tiếng trung hồ cầm* thư thả chảy trong khoang xe khiến cho đêm thẳm thêm phần tĩnh mịch. Tóc Lập Huyên buông lơi, lọt vào trong cổ áo của Thủ Chân khiến cậu thoáng nhột. Thủ Chân luồn tay ra phía sau, lần theo phần tựa lưng của ghế mà vòng qua giữ Lập Huyên trong lòng. Cái ôm chừng như bản năng, chẳng cần đến tập luyện, tự khắc tìm được tư thế dễ chịu nhất. Lập Huyên khẽ cựa mình, Thủ Chân bất động, cứng ngắc, nhưng Lập Huyên hãy còn chưa tỉnh, vẫn ngủ say như heo.
*Cello (Xen-lô) hay còn gọi là Violoncelle (Vi-ô-lông-xen) thuộc họ vĩ cầm, đứng ở hàng Trung hồ cầm.
Thủ Chân cụp mắt nhìn, thấy ngay mũi Lập Huyên chun lại khe khẽ. Ở bên nhau lâu như vậy mà không khi nào cơ thể Lập Huyên không toả ra những mùi hương vô cùng khác lạ, là mùi thơm thuần khiết của sữa tắm. Chẳng hay hai người tựa trong vòng tay nhau bao lâu, nhưng tiếng còi xe chợt khiến Lập Huyên bừng tỉnh. Nhận ra xe đã dừng, Lập Huyên lí nhí hỏi: "Đến nơi rồi à?"
"Ừ."
Lập Huyên mơ màng ngồi thẳng dậy, nhìn đồng hồ ở hàng ghế trước. Đã mười giờ tối rồi. Lập Huyên sửng sốt, nàng đã tính toán thời gian để kịp về trường trước chín giờ kia mà.
"Chị ngủ quên đấy à?" Lập Huyên mếu máo, "Sao em không gọi chị dậy, chị còn phải ra sân trường tập chạy nữa mà."
Ánh mắt Thủ Chân thấp thoáng băn khoăn, cậu thắc mắc đầy trẻ con: "Sao mà chị phải cực khổ thế?"
Nội chuyện thi bù môn Thể dục này cũng thể hiện rõ sự khác biệt giữa Thủ Chân và Phó Dư Sinh. Tuy Thủ Chân thân với Lập Huyên hơn nhưng rành là cả hai không cùng chung một thế giới.
Có những người sinh ra đã ngậm thìa vàng, như Thủ Chân, không cần bạt mạng cố gắng; có những người lại giống như Lập Huyên và Phó Dư Sinh, cần phải cật lực phấn đấu để thật sự nổi trội hơn người khác. Nhưng Lập Huyên không thể ở lại tranh luận vấn đề này với Thủ Chân, nàng muộn giờ tới nơi rồi. Lập Huyên cuống cuồng kiếm ba lô, đẩy cửa xe, mọi động tác dường như được thực hiện trong tích tắc, khiến nàng mém chút nữa va vào tài xế Kim.
Tài xế Kim ngồi vào xe, trông thấy Thủ Chân vẫn còn đang dõi theo bóng Lập Huyên rời đi, thì khẽ nhíu mày. Ông kìm lòng chẳng đặng, nhất thời hỏi cậu chủ: "Sao mà con bé phải về vội vội vàng vàng?" Chỉ chẳng ngờ Thủ Chân cũng đáp lại thật. Có khi đứa nhỏ cũng thắc mắc, Thủ Chân nói: "Thấy bảo phải đi tập chạy ạ."
Tài xế Kim không nổ máy ngay, Thủ Chân trong gương chiếu hậu hãy còn đang ngoái đầu trông theo Lập Huyên nhắm thẳng phía vào cổng trường mà chạy, nấn ná mãi chưa buông. Đúng thật là, tất tả rời đi mà chẳng lưu luyến gì hết, cũng chẳng thấy ngoái đầu nhìn. Có lẽ lại phải chờ thêm vài ngày nữa mới lại được gặp nhau. Chờ đến khi bóng dáng người kia mờ đi rồi khuất dạng, tài xế Kim mới lùi xe quay về. Năm thì mười hoạ, hôm nay, trong lúc chờ đèn xanh, Thủ Chân lại chủ động hỏi chuyện tài xế Kim. Cậu hỏi ông về chuyện trường lớp. Tài xế Kim cười nói: "Thành tích học tập của bác làng nhàng, cũng chẳng học được bao năm, đã là chuyện của hơn ba mươi năm trước rồi. Có điều, hồi đó trường bác nhiều hoạt động ngoại khoá lắm, mà dạo ấy còn chuộng cái thú nấu ăn dã ngoại kìa."
"Nấu ăn dã ngoại?"
"Đúng, một đám những đứa chơi thân cùng đi ra ngoại ô thăm thú rồi là thi hát, thư pháp này nọ."
Thủ Chân thắc mắc: "Bận thế cơ ạ?"
Tài xế Kim rằng: "Làm sao mà lại thấy bận được, lại chả muốn chơi thâu đêm suốt sáng luôn ấy chứ!" Trường lớp có những kỉ niệm riêng, khó có thể thay thế. Có lẽ tài xế Kim cũng đã nghe về chuyện luật sư Lục muốn cho Thủ Chân đi học, đứa nhỏ đang đúng tuổi học tuổi hành, ông lại tiếp, "Đi học cho biết cũng tốt mà con, kể có không học được gì thì ít ra mình cũng có kỉ niệm với các bạn để sau còn nhớ."
Phần lớn thời gian nói chuyện với Thủ Chân vẫn là tài xế Kim tự độc thoại. Đêm nay đang đà cao hứng, ông mới rủ cậu chủ: "Dù sao bác cháu mình cũng ra đường rồi, hay là đi ăn đêm không? Lần trước Lập Huyên có bảo bác gần khu này có quán nướng ngon ra trò." Thấy Thủ Chân hơi chần chừ, ông lại tiếp, "Lập Huyên thích ăn vặt kiểu đấy, tối nay cũng chưa ăn được bao nhiêu, chẳng biết con bé có đói bụng không nữa? Tạt qua mua một ít rồi đem cho con bé, dù sao cũng xe đây, đi đi về về tiện một công đôi việc." Mắt Thủ Chân sáng lên, cậu gật đầu lia lịa, vậy thì nhất trí thôi.
Thủ Chân gọi điện cho Lập Huyên ngay sát giờ kí túc ngắt điện. Trông thấy tài xế Kim cầm hai túi đồ nướng trên tay, Lập Huyên đâm khó xử. Mặc dù ngần ấy thức ăn quả thực là quá nhiều cho hai người, nhưng đời nào Lập Huyên dám ý kiến. Thủ Chân vốn chẳng mang tiền theo người bao giờ, chắc chắn người mời không phải cậu. Tài xế Kim cũng thoáng ái ngại, kể có là ông chi tiền thì tiền này vẫn là của nhà họ Nghê.
Gạt qua chuyện ngại ngùng, Lập Huyên vẫn mừng rơn, không quên thay Chí Kì cảm ơn tài xế Kim. Toà kí túc sau lưng rộ tiếng than van, quản lí ngắt điện rồi. Lập Huyên loạng choạng lần đường về phòng, tay cầm hai túi đồ nướng, chẳng kịp tạm biệt hai bác cháu đã hớt hải đi mất. Cũng thân quen quá rồi, khách sáo mà làm gì. Lập Huyên lên đến tầng, thấy tài xế Kim vẫn đứng dưới sân, đang nói chuyện cùng Thủ Chân. Cái cảm giác này thật tình quá kì lạ, vì dáng hình hiện giữa bóng tối nên nom sao mà cao ráo quá lắm, có nhìn thế nào cũng không giống Thủ Chân. Làm sao Thủ Chân lại cao như thế được? Trong kí ức của Lập Huyên, Thủ Chân vẫn chỉ là đứa nhỏ bé hơn mình, lầm lì kiệm lời, thích ra bộ ơ hờ, làm màu khinh khỉnh.
Lập Huyên hãy còn đang thất thần thì Chí Kì đi ra từ phòng kế bên. Mũi cô ả đúng thính, nghe mùi đồ nướng nên mới mò ra tận nơi. Lập Huyên đưa túi đồ ăn cho Chí Kì, lại ngoái xem, dưới sân đã chẳng thấy bóng dáng Thủ Chân và tài xế Kim đâu nữa.
Đêm nay, Chí Kì và Lập Huyên cất công bê hẳn hai cái ghế ra ban công ngồi ăn đồ nướng. Ngồi đó ngắm trăng, ngắm cả đất trời chìm trong biển bạc. Chí Kì hỏi bạn: "Mày tìm được chỗ thực tập chưa?", vừa nói vừa xuýt xoa vì cay. Lập Huyên rằng: "Chờ tao xử lí xong vụ thi bù đã rồi tính tiếp."
Một thoáng lơ đãng. Lập Huyên nghe Chí Kì nói: "Có mấy đứa đăng kí rồi đấy."
"Cái gì cơ?"
"Nghỉ đông ý, tao nói nãy giờ mà mày không nghe à? Bọn ở Câu lạc bộ Kịch nói sau Tết định đi Sabah* chơi đảo một chuyến, ăn mừng được ra trường." Chí Kì xáp lại gần hỏi, "Mày có đi không?"
(Một trong số hai bang và một vùng lãnh thổ liên bang ở phần phía Đông của Malaysia; được biết đến với tên gọi "Vùng đất dưới làn gió", một môi trường cực kì trong lành và việc gìn giữ thiên nhiên cũng khiến Sabah tuyệt vời cho những chuyến hành trình khám phá không chỉ văn hóa mà còn thiên nhiên)
Hả, đi chơi nhân dịp ra trường, quần đảo Sabah? "Malaysia á hả?" Lập Huyên hỏi lại.
Chí Kì gật đầu, giơ mấy ngón tay ra đếm: "Chín ngày tám đêm." Chí Kì lại hỏi xem Lập Huyên có đi không. Nhưng Lập Huyên có vẻ không mấy hào hứng, thay vào đó, nàng chần chừ. Mọi năm, mỗi dịp sau Tết, Lập Huyên luôn ở lại căn biệt thự nhà họ Nghê một thời gian, vì khi đó bác sĩ điều trị chính mà bà Nghê mời đến sẽ ghé tới để khám lại cho Thủ Chân. Kể cả khi bà Nghê không còn đây thì thói quen này vẫn phải giữ.
Đã bốn năm trôi qua, quãng thời gian đủ dài để Lập Huyên và Thủ Chân lập ra cho mình cách "chung sống" ổn nhất cho riêng hai người. Chín ngày tuy rất ngắn, vậy mà chỉ khi nghĩ kĩ lại, Lập Huyên mới thấy, từ ngày quen biết Thủ Chân tới giờ, hình như nàng quả thật chưa từng cách xa cậu lâu đến thế.
***
Năm nay Tết đến sớm, mới cuối tháng Một kì nghỉ đông đã bắt đầu. Lập Huyên đã hoàn thành buổi thi bù thành công mỹ mãn, giáo viên Thể dục cũng thương tình cộng thêm điểm cho nàng. Đêm hôm đó, Chí Kì lôi Trang Học Nhân và Lập Huyên đi ăn mừng. Trang Học Nhân cũng là thành viên trong Câu lạc bộ Kịch của trường, là bạn cùng lớp với Phó Dư Sinh. Trang Học Nhân và Chí Kì là đồng hương, hễ cứ đến kì nghỉ hè lẫn đông là hai cô gái lại hẹn nhau cùng về quê, chung đường vài bận khắc trở nên thân thiết. Chuyến du lịch tốt nghiệp là ý tưởng chợt nảy ra trong một lần nói chuyện cao hứng, thời gian đã định là ngày mười tám tháng Hai.
Chí Kì nói: "Gọi cả Phó Dư Sinh đi cùng cho vui mọi người." Trang Học Nhân xen vào: "Đi thế nào được mà gọi, người ta phải đi thực tập ở Hoành Thái."
Hoành Thái mà Học Nhân vừa nói tới là công ty luật của luật sư Lục điều hành. Mối quan hệ giữa Lập Huyên và nhà họ Nghê tuy không tệ, nhưng Chí Kì chỉ biết cô bạn mình làm gia sư tại một gia đình họ Nghê, ngoài ra chẳng hay biết chi khác. Nếu đã không chủ động hỏi, Lập Huyên cũng không cần tiết lộ nhiều. Đôi khi Thủ Chân gọi đến máy bàn ở kí túc tìm Lập Huyên, Chí Kì hỏi là ai, Lập Huyên cũng chỉ nói là đứa nhỏ mà nàng dạy kèm. Không dưng hôm nay nghe tới hai chữ Hoành Thái khiến Lập Huyên không khỏi giật thột.
Các sinh viên khoa Luật thường phải vượt qua bài kiểm tra tư pháp quốc gia vào năm ba, quy trình thường thấy nhất là làm luật sư tập sự trong một đến hai năm, sau đó có thể nhận giấy phép hành nghề. Mà nếu có cơ hội thực tập tại công ty lớn như Hoành Thái, dĩ nhiên sẽ là lựa chọn lí tưởng nhất. Trang Học Nhân nói: "Năm nay được thực tập tại Hoành Thải trong cả khoa chị chỉ có một người thôi."
Chuyện Phó Dư Sinh không thể tham gia chuyến du lịch tốt nghiệp lần này ít nhiều vẫn khiến Lập Huyên thất vọng, nhưng đi thực tập vẫn là việc quan trọng hơn cả.
***
Kì nghỉ đông, ngày hăm bảy tháng Chạp, Chí Kì chẳng nói chẳng rằng gọi cho Lập Huyên. Đang dở câu chuyện, Chí Kì đùng đùng báo tin Phó Dư Sinh cũng sẽ đi chơi cùng ba người. Cô nàng dò hỏi: "Lập Huyên, có phải mày cảm nắng anh Phó Dư Sinh không?"
Lập Huyên mau miệng chối bay chối biến: "Làm gì có!"
Chí Kì vọc lại: "Mày thôi ngay đi nhá!" Lần trước kiếm người đi đánh cầu lông, gọi Lập Huyên đến cả ba lần mà nàng cứng cổ không chịu xuống sân, ấy thế mà Phó Dư Sinh vừa tới, Lập Huyên chơi với người ta suốt cả tiếng đồng hồ. Bạn thân mến, phải hiểu rằng với một người không năng vận động thì việc đánh cầu lông trong sáu mươi phút đồng nghĩa với mất khả năng nhấc cánh tay lên vào ngày hôm sau. Chí Kì nói, "Hôm trước đi ăn với Học Nhân, mày chả xị mặt ra lúc biết người ta không đi cùng được, tao nhìn mà nhức cả mắt. Kiều Lập Huyên, tao mất công thuyết phục mỏi mồm, bà Học Nhân mới chịu mời Phó Dư Sinh tham gia cùng, mày đừng phụ lòng tao."
Lập Huyên ấm ứ hỏi: "Phụ mày cái gì?"
"Thanh niên trai tráng xán lạn ngay trước mắt như thế, mày không múc ngay đi, để đấy cho đứa khác nẫng tay trên à? Tao toàn tâm toàn lực phấn đấu vì mày, mày phải đính chính cho tao đấy. Tao đây đã nài nỉ bà Học Nhân đến nỗi bả sắp tưởng tao thầm thương trộm nhớ anh mày kia kìa." Lập Huyên oài người ra cười phì.
Tối ngày hôm đó Lập Huyên bỏ lỡ buổi tập chạy, đến ngày thứ ba, thứ tư Lập Huyên ra sân chờ Phó Dư Sinh nhưng vẫn không thấy chàng tới. Kể từ đó, hai người cũng không gặp mặt. Âu cũng phải, nào có nhiều cơ may như thế? Chàng học khoa Luật, nàng ở viện Giáo dục kia mà. Chí Kì nói: "Mùng năm, mùng sáu gì đó là tao về trường, chờ tao về rồi cùng lên kế hoạch cho tử tế."
***
Tết nào Kiều Vĩnh An cũng về nhà ở dăm hôm, tầm mùng tám, mùng chín ông mới quay lại viện điều dưỡng. Thương thay, mấy năm này sức khoẻ Kiều Vĩnh An ngày một xuống dốc, trước kia sau bữa cơm còn đi bộ được vài vòng, hai năm trở lại đây, thời gian ngồi xe lăn của ông mỗi lúc một nhiều thêm. Tết năm nay chưa vui qua mùng hai mà sức khoẻ đã không cho phép, Kiều Vĩnh An lại đành về viện điều dưỡng của quân khu sớm hơn dự kiến. Lập Huyên không yên tâm, điều dưỡng viên nói cha nàng không thể cứ ngồi mãi trên xe lăn, phải duy trì vận động ở mức vừa phải. Bởi vậy mà mỗi chiều, Lập Huyên luôn đến dìu cha đi vài vòng quanh vườn hoa.
Hai cha con chuyện trò say sưa, kể nhau nghe chẳng thiếu điều chi, ấy mà Kiều Vĩnh An chợt nhắc tới Thủ Chân. Chẳng biết do Lập Huyên nghĩ nhiều hay không, nàng luôn cảm thấy cha mình đặc biệt quan tâm tới nhà họ Nghê. Lập Huyên vẫn còn nhớ bốn năm trước, cha nàng đọc được tin bà Nghê tự sát thì trầm ngâm hồi lâu. Lập Huyên dẫu chẳng muốn vẫn sinh lòng ngờ vực, lại càng thêm tò mò: "Bố à, bố nói con nghe đi, có phải bố từng thương thầm bà Nghê không?"
Kiều Vĩnh An trợn trừng mắt, nghiêm giọng nhắc: "Đừng nói nhăng cuội thế!"
Lập Huyên nhe răng cười tạ tội: "Con biết rồi, ông Kiều Vĩnh An cả đời chỉ yêu một mình mẹ con thôi." Lập Huyên từng nghe các cô, các bác kể lại, cha mẹ nàng là bạn từ thời đại học, tình cảm chân thành, trong sáng. Nếu mẹ nàng không ra đi sớm như vậy, gia đình Lập Huyên sẽ là gia đình hạnh phúc nhất trần đời.
Lát sau, Lập Huyên nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Quách. Ông nói hôm nay lại đến lịch kiểm tra sức khoẻ của Thủ Chân, cậu nằng nặc đòi gặp nàng. Bác sĩ Quách hỏi Lập Huyên đang ở đâu, nói nửa tiếng nữa, tài xế Kim sẽ đến đón nàng.
Kiều Vĩnh An tiễn con gái ra đến cổng viện điều dưỡng. Trong lúc chờ tài xế Kim tới, Kiều Vĩnh An hỏi: "Con có hay gặp ông Nghê không?" Lập Huyên lắc đầu, bốn năm nay, số lần nàng gặp ông ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Kiều Vĩnh An lưu tâm chuyện nhà họ Nghê hơn mức bình thường, Lập Huyên chỉ nghĩ rằng cha mình muốn hiểu thêm về cuộc sống của con gái. Nào ngờ Kiều Vĩnh An buông tiếng thở dài, không dưng nắm lấy tay con gái mà dặn: "Con cố gắng, làm cho họ đừng nhọc lòng quá."
Lập Huyên có thể hiểu tâm lí của người làm cha làm mẹ. Các bạn nàng cũng đã trưởng thành cả, ấy vẫn được gia đình chiều chuộng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nhưng Lâp Huyên chẳng những phải chăm sóc cha mà còn phải săn sóc cho Thủ Chân nữa. Có những khi Lập Huyên cũng ngưỡng mộ Thủ Chân, mặc dù tình cảm cha con cậu không mấy khăng khít, nhưng hễ cứ tới sinh nhật cậu, Khương Ý Trân luôn đều đặn tặng quà và bánh kem. Đàn ông thường không để tâm nhiều đến những ngày kỉ niệm kiểu này. Cha nàng dẫu thương yêu con gái đến mấy cũng có lúc lãng quên. Lập Huyên thầm nhủ, nếu mẹ nàng còn sống, liệu bà có như Khương Ý Trân, năm nào cũng sẽ chuẩn bị những món quà đặc biệt mỗi dịp sinh nhật nàng?
Tài xế Kim đến đón Lập Huyên từ nhà riêng của ông Nghê, cả đường đi, ông không ngừng nhắc đến con trai của Khương Ý Trân: Nghê Thủ Nghiệp bao năm qua du học tại Mỹ, mới về nước vài ngày. Trường học ở Mỹ không có kì nghỉ vào tháng Hai, tài xế Kim nói: "Thằng bé trẻ người non dạ, ỷ nhà có điều kiện, đi học xa nhà chẳng ai trông nom, bị cảnh sát bắt khi đang chơi đá trong quán bar. Cô Khương không yên tâm, sợ thằng bé học đòi đâm hư hỏng, nhanh nhanh chóng chóng sắp xếp cho con trai về nước học."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro