Chi nguyet
Truyen Chi Nguyet
Chiều, khi bầu trời vẫn còn cao vòi vọi nhưng bóng tối đã âm âm dưới những tán cây và khoảng sân nhập nhọa, chị rủ tôi lên đồi hóng gió.
Chị Nguyệt yêu đến mê muội hai loại hoa hoang dã mà tím ngắt tím ngơ phủ khắp đồi trung du cằn cỗi nghèo nàn. Những cánh hoa mua to và mềm mại hơn, cúp lại trong bóng chiều như lúc chưa nở, nhưng cánh thì nhàu nhĩ như một giai nhân nhan sắc lúc cuối đời.
Hoa sim có thể lâu tàn hơn, hai ba ngày, hăng hắc nồng nàn mùi hoang sơ nguyên thủy. Nhưng cánh hoa sim đã tàn là bạc đi màu nguyệt bạch và lả tả rụng quanh gốc. Bóng tối chìm xuống, và cái màu trắng tàn tạ ấy hắt lên, lạnh lùng như những phiến băng. Hình như thấy tôi, chị Nguyệt lén quay đi lau nước mắt. Đường đồi thập thõm, chợt vầng trăng nhô lên khỏi đỉnh núi đen sẫm, trên cánh đồng xa thấp thoáng ánh đèn, chị buông tiếng thở dài: "Lâm này, trên mặt trăng có hoàng hôn không nhỉ?". Tôi không biết đáp sao, thầm cười tính lãng mạn viển vông của một tiểu thư nhung lụa đang học năm thứ hai sư phạm văn.
Buổi tối nào chị cũng rất nhiều khách đến chơi. Mới đầu, chị tiếp họ hờ hững tại nhà mình, nhưng bố mẹ chị cũng không lúc nào ngơi người đến viếng thăm, toàn những chuyện quan trọng, nên bố chị cho phép chị tiếp bạn bè bên nhà tôi, dưới sự giám sát của mẹ tôi, người mà ông tuyệt đối tin tưởng.
Bóng tối mênh mông trong vườn cây đồng lõa, nhưng tôi vẫn nghe thấy giọng nói dịu như gió thoảng của chị Nguyệt và tiếng hít hà nghèn nghẹn của anh chàng đẹp mã với chất giọng thanh thanh, mềm ngọt. Trong thời gian ấy, chiều nào chị Nguyệt cũng chạy sang thì thào với mẹ tôi, má đỏ lựng, khi tôi đi kiếm củi về, chị mới loay hoay nhờ tôi dội nước gội đầu. Suối tóc đổ xòa xuống chậu, từng gáo nước thơm đẫm hương bưởi dội lên, những ngón thuôn mềm của chị đan vào, vuốt ve từng sợi, lơ đãng, hai vành môi cố mím càng lộ nụ cười say say, rồi chị cười thật, tiếng cười giòn tan, tung tăng chạy biến về nhà.
Lòng trĩu nặng đau buồn, tôi bỏ nhà đi trước đám cưới chị Nguyệt mấy ngày. Chồng chị, con của phó chủ tịch tỉnh, phong lưu đa tình nổi tiếng giới ăn chơi lúc bấy giờ.
Chị Nguyệt ơi, ba tiếng ấy là điệp khúc ngân lên xót xa và dịu ngọt trong giấc ngủ nhọc nhằn ký ức tuổi thơ, vừa là nỗi đắng cay, vừa là niềm an ủi để vượt qua chuỗi ngày lầm lũi mưu sinh.
Công việc của tôi đơn giản, hàng ngày vác những cây tre dài thượt đã được đẽo gọt hết tay, gai nằm ngổn ngang trong điểm khai thác, chất lên những chiếc xe trâu, tiền tính theo số lượng tre vác được, cơm nước đã có người lo. Nhưng tôi bị ngã nước, người rớt ra, đành phải bám theo đuôi trâu xuống núi. Nắng quái vỡ òa, xây xẩm, mắt lập lòe những khoảng vàng, khoảng tím. Cơn choáng qua đi, định thần lại, vẫn thấy một màu tím ngắt, nhưng rõ ràng hơn bởi ánh mắt tỉnh táo, có chăng, chỉ là sự rung rinh của những cơn gió rừng mang mang. Hoa sim, hoa mua. Hình ảnh chị Nguyệt khuất lấp lâu nay lại chợt ùa về. Chị đang đi như mơ giữa hai bờ tím ngắt kia, cúi xuống vuốt ve một bông sim đã ngả màu nguyệt bạch, mái tóc đổ xòa xuống.
***
Trước cửa căn nhà tre dựng tạm, có phơi cả quần áo phụ nữ, màu sắc nhã nhặn nhưng tươi trẻ. Đêm đầu tiên, tiếng ghi ta bập bùng khuấy động góc rừng vốn hẻo lánh như chốn sơn cùng thủy tận. Chủ nhà không thể nhận ra tôi giữa đám thợ lam lũ, nhưng tôi không thể nào quên được anh sinh viên có chất giọng mềm ngọt năm nào dù anh có gầy và già đi nhiều. Anh đàn và hát say sưa những bản tình ca say đắm, đôi mắt rưng rưng, tha thiết, âm ỉ một ngọn lửa nhỏ bé mà dai dẳng. Đám cổ cày vai bừa há mồm đón chờ từng giọt âm thanh luyến láy trầm bổng, lặng phắc như những tín đồ. Khi hát những bài này, anh còn nhớ đến chị Nguyệt chăng, và người vợ của anh có còn cùng anh đọc thơ tình mỗi tối? Chị Nguyệt lấy chồng cũng đã sáu, bảy năm, giờ đang trên tuyệt đỉnh giàu sang, có còn chút nào nhớ về anh sinh viên nghèo tứ đời diện một màu áo sơ mi trắng và cái nhìn dịu dàng bẽn lẽn?
Vợ anh bê cái rổ bốc hơi nghi ngút, chờ cho dứt bài hát mới mang khoai luộc ra mời mọi người. Dáng người đầm đậm, nhưng cái cổ thon dài và những ngón tay chau chuốt thành thị thì cứ gợi lên một cái gì đó mang mang khó tả. Mái tóc hết thuốc dở quăn dở thẳng càng như một bức màn bí mật có lúc kích thích sự tò mò chiếm lĩnh của tôi lên tột độ, có lúc phải thầm rủa mình khéo đa mang. Chắc hẳn, chị rất đẹp vì đám người cộc cằn cứ ngây người ra chứ không ồn ào, tục tĩu như mọi bận. Đến khi tỏ mặt, tôi sững sờ như không thể tin đó là sự thật. Chị Nguyệt!
Ngày ngày, khi anh giáo dạy lũ trẻ con học thì chị sửa sang căn nhà tranh tre, tổ ấm ước ao bao nhiêu năm của anh chị. Chị vừa làm vừa hát, tiếng hát khe khẽ nhưng khuôn mặt thì không giấu nổi niềm vui bừng rộ, hai má hây hây như còn thiếu nữ, đôi mắt long lanh biết cười, biết nói. Từ bàn tay nồng nàn ấy, những giàn hoa, luống rau phơi phới mọc lên.
Hoàng hôn xuống, thung lũng sim mua phất phơ làn khói nhạt yên bình và đẹp như tranh. Mùi khói bếp hăng nồng thứ củi nhiều tinh dầu xộc vào mũi khiến tôi nhớ nhà, nhớ những ngày thơ bé đến thắt lòng. Trên lưng chừng đồi nhìn xuống, thấy anh chị kê bộ bàn ghế nhỏ nhắn ăn cơm ngoài sân trong ánh sáng mờ ảo của vầng trăng non vừa ngơ ngác vượt lên đỉnh núi, nghe tiếng cười ríu rít như trẻ thơ của chị và tiếng chị giục anh ăn mới ấm áp làm sao. Thôi cũng mừng cho chị.
Nhưng chị Nguyệt ơi, vì lý do gì mà chị dứt bỏ được phồn hoa phố phường mà bao năm qua chị gần như bằng lòng và hòa nhập với nó. Những ước mơ, lãng mạn ngày thơ với trí tưởng tượng viển vông của một tiểu thư trong nhung lụa chưa hề biết đến nghèo khó, luôn nghĩ cuộc đời màu hồng tưởng đã bị vùi lấp trong son phấn bạc vàng nào ngờ vẫn còn vẹn nguyên để chị vứt bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của con tim. Thế mà tôi đã từng oán trách chị, thế mà chị đã khiến tôi tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của đồng tiền và đã từng coi kiếm tiền để ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ là mục đích sống còn của mình.
***
"Trời ạ, làm cái gì mà từ sáng đến giờ vẫn chưa nấu cơm. Đi bao nhiêu đường đất về, có để cho tôi sống nữa không, hả?".
Giữa bờ biển miền Trung ăn sóng nói gió nặng đến căng tai ra, bỗng gặp được tiếng miền Bắc, dù là gắt gỏng cũng thấy ấm lòng kỳ lạ. Người đàn bà mỏng dẹt như con cá chuồn vùng vằng ngồi xuống chiếc chõng trong lều, gỡ nón búi lại tóc rồi đưa tay quạt phành phạch theo thói quen dù gió biển đang thổi lồng lộng. Ông già bỏ dở câu chuyện với tôi và tấm lưới đang vá, lúc cúc chạy vào, cũng quạt hùa theo lấy lòng: "Vội gì, anh phải vá lưới cho kịp buổi chài ngày mai. À, mà có khách, cũng ở ngoài vào đấy".
Tôi nheo mắt, định thần lại vì bóng râm đột ngột trong lều, chưa kịp cất tiếng chào thì người đàn bà đã nhao đến, nắm chặt lấy hai vai tôi mà lắc: "Lâm, em cũng vào trong này à? Trời ơi, chị cứ tưởng sẽ không bao giờ còn được gặp em nữa". Tôi nén tiếng rên, thầm mong không phải là chị Nguyệt, trong thân hình gầy guộc, trong bộ bà ba chân quê, trong căn lều rách nát và trong cái làng chài nghèo nàn quanh năm hứng bão này. Nhưng lại đúng là chị, trong bóng tối âm thầm, những giọt nước mắt bỏng rát khi rớt xuống tay tôi rồi lập tức lại trở nên buốt như băng.
Cái bụng càng to, chị đi lại càng nặng nề, khó nhọc hơn. Củi quanh nhà đã cạn, thêm mấy ngày mưa dầm dề bếp dột tứ tung, bảo anh, anh cứ ậm ờ rồi lại cắm mặt vào trang sách, chị đành phải tự mình đi kiếm củi. Đường rừng thập thõm vết chân trâu, nhão nhụa bùn đất, vai vác bó củi, một tay chống gậy, chị đi như lết. Bỗng khục, chị bước hụt, ngã lăn ra, bó củi đè lên người, không nặng nhưng bụng to, chị loay hoay mãi không đứng dậy được. Trời lại đổ mưa, chị càng cố gắng thì càng kiệt sức, nước mắt, nước mưa thấm xuống môi lạnh buốt. May sao, có mấy học sinh đi qua. Ngày nghỉ, chúng lùa bò lên núi rồi trốn bố mẹ đến vừa học thêm vừa giúp chị mấy việc vặt. Nhưng chúng nhỏ quá, không đỡ chị dậy nổi. Một đứa che mưa, một đứa chạy đi, lát sau cùng anh hớt hãi chạy đến. Sức anh cũng yếu, đưa được chị về đến nhà thì chị đã xám ngoét, ngất đi. Khi tỉnh lại, thấy anh đi lại quanh nhà, miệng lẩm bẩm: "Trời mưa trời gió, ra ngoài làm cái gì không biết. Vì mấy cành củi, giờ khổ thế này".
Không biết anh than chị khổ hay anh khổ, chị bỗng thấy một nỗi uất hận từ đâu ngùn ngụt bốc lên, toan hét lên một tiếng thì bỗng thấy đau bụng dữ dội, cả người chị lăn xuống đất, một dòng nước nóng trào ra nhớp nháp, rồi chị không biết gì nữa.
Đứa bé chỉ được làm người có bốn ngày rồi mãi mãi nằm lại thung lũng sim mua đầy thơ mộng ấy. Chị chôn nó cùng tất cả những khát vọng của thời con gái. Câm lặng nuốt những hạt cơm nửa cháy nửa sống, những ngụm nước oi khói hay mặc những cái quần áo còn nguyên vết máu tanh nồng, chị như người liệt hẳn trên chiếc giường ọp ẹp trong căn phòng tối om om, tiếng mọt nghiến như đục vào xương tủy. Rồi anh ta bỏ mặc việc cơm nước cho những đứa học sinh nấu cho chị, anh ta cũng không biết làm gì khác là ngồi ôm lấy cuốn sách với vẻ mặt nhàu nhĩ. Hóa ra thế giới mộng tưởng của chị là đây. Một túp lều tranh hai trái tim vàng là đây. Điểm lại tất cả những giờ phút huy hoàng của đời mình, chị không tiếc giàu sang phú quý, nhưng chị hối hận vì mình đã dứt bỏ tất cả để chạy theo anh ta mà không biết rằng, cuộc sống thực vẫn là thực, muôn đời không bao giờ như sách vở.
***
Người đàn ông lui cui bê mâm cơm vào, thấy chị sụt sùi thì cuống quýt dỗ dành, lại trách khẽ: "Kể lại những chuyện buồn mà làm gì, gầy người đi, người ta lại bảo anh không biết chăm em. Thôi, mời cậu Lâm ăn cơm, cũng coi như là bữa cơm ra mắt của vợ chồng mình với cậu ấy. Nghèo nàn nhưng có cái tình, vợ nhỉ?".
Tôi uống chén rượu mừng cho vợ chồng chị, nhưng cũng không khỏi một mối bận lòng. Người đàn ông đã quá già so với chị, ông ta lại quá nuông chiều, chăm bẵm cho chị như đứa trẻ con từ miếng cơm đến ngụm canh, mà chị sao bỗng đành hanh, gắt gỏng như bà cô ế chồng? Liệu đây đã phải là bến đỗ cuối cùng của chị hay chưa?
Tôi lại ra đi, tìm cuộc sống của mình, tìm người đàn bà của cuộc đời mình. Mặt trời đỏ ối trước mặt, chiếu những tia thoi thóp nhưng ấm áp vô cùng. Đằng sau lưng, tôi biết, trăng lại nhô lên từ biển, ròng ròng, tươi mới. Và chị Nguyệt cũng đứng đấy, mái tóc dài lốm đốm vài sợi bạc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro