Ngày thơ ấu của chúng ta
Từ những năm 1940, phát xít Nhật dần bước chân vào Việt Nam.
Lũ thú hoang dại khát máu ấy điên cuồng bóc lột nhân dân ta đến cùng cực. Lúa gạo những người nông dân vất vả sớm hôm làm ra được bao nhiêu, chúng cướp sạch. Để thỏa mãn cái lòng tham khôn cùng mà mất đi cả nhân tính, chúng đem chở về "mẫu quốc", không thì cũng cất kho, tích trữ, cho bọn lính phè phỡn hưởng thụ.
Nhà Bằng cũng chẳng khá hơn những người trong làng là bao. Ông bà nó còng sức hai vụ cho bọn địa chủ mới được nổi nửa bao thóc. Thế mà bọn dã man kia cướp trắng. Suốt nhiều tháng nay, nó cùng ông bà phải vào tuốt trong rừng sâu đào khoai sắn về ăn cầm hơi. thoi thóp, gắng gượng để mà sống.
Cha nó đi theo Việt Minh từ khi nó lên bốn, mẹ nó sau nỗi đau mất đứa con thứ hai ngay trong bụng vì thiếu dinh dưỡng thì cũng theo chồng lên chiến khu. Để lại nó sống với ông bà. Rồi một nhà ba người bám víu vào nhau mà sống trong thời kì bị đô hộ tàn bạo.
Cách nhà nó một cánh đồng là nhà của Minh, đứa bạn chí cốt của nó. Em nhỏ hơn Bằng hai tuổi lận. Nghe đâu dòng họ Kim nhà em là một nhánh nhỏ của dòng họ Kim bên Trung Hoa chạy loạn sang từ lâu, nhờ buôn được rất nhiều đồ quý mà giàu lên. Cha em có một đồn điền lớn, rộng ngút ngàn, cả làng hầu như cày thuê ở đấy.
Cha em là một tiểu tư sản dân tộc, có lòng yêu nước. Vì thế bọn thực dân cùng phát xít bóc lột nặng nề nên hoàn cảnh cũng chẳng khá hơn những người khác là bao.
Tuổi thơ của chúng nó là chuỗi ngày dài bất tận lắng lo về cái ăn.
Là ngày dài nắng đổ lửa hay mưa rào rả rích cũng theo nhau vào rừng đào khoai, đào sắn, hái rau rừng.
Đó cũng còn là những đêm sông lấp lánh ánh vàng hai đứa rủ nhau ra bắt dế. Cũng có thể là chiều tà ra bờ đê sông Hồng bắt cá. Cá sông Hồng to và ngon nhưng lại khó bắt vô cùng vì hai đứa luôn phải tự quờ quạng trong lòng sông đục phù sa.
Khoảng vào những tháng ba năm 1945, dân mình khổ đến cùng cực. Khoai sắn bị giành giật từng chút một. Củ chuối, củ sắn nhiều khi còn chẳng có mà ăn. Nhiều ngày hai đứa ôm bụng đói đi ngủ. Cha em mang theo nhiều tiền, vàng ra chợ nhưng rồi cầm về được một lon gạo đỏ. Các nhà giàu, địa chủ, phú hộ cũng thi nhau vác theo chục bao bạc, vàng cũng phải ra về tay trắng.
Người ta ngồi bên vệ đường chờ chết, xác chết chất thành nhiều đống, ruồi nhặng bay kín. Có những gia đình chết hết. Có những dòng họ lớn trong làng cũng chỉ còn vài người. Ngày ngày, những đoàn người đi tha hương càng nhiều. Đoàn người dài. Già có, trẻ có, đàn bà, đàn ông đủ cả. Ai cũng chỉ còn da bọc lấy xương, những xác chết biết đi, run rẩy vì cái đói.
Nhà Bằng cũng vậy, ông bà nó cũng chẳng qua được cái đói khủng khiếp ấy.
Gian bếp trước kia luôn đầy ắp tiếng cười chẳng chỉ còn nó, gần như lả đi bên chiếc ấm đất nung sôi sục, kêu ro ro. Đã ba ngày, Bằng phải uống nước cầm hơi. Đôi mắt lờ đờ nhìn những bóng khí vỡ tan trên miệng ấm.
"Bằ...Bằng... Bằng ơi"
Tiếng gọi giật, thất thanh của Minh kéo đứa trẻ từ cơn mê trở về.
Em đưa củ khoai còn ấm dúi vào tay bạn.
"Này, ăn đi. Khoai mới nướng đấy."
"Ở đâu thế?"
"Chị Minh mới đào sau vườn đó. ăn đi cho nóng"
Bằng bẻ một nửa đưa cho em.
"Minh cũng ăn đi. Ăn cho mau lớn"
"Ăn để sống được đã, lớn được bây giờ thì đã lại hay."
Hai đứa bé, hai mẩu khoai, hai trái tim nhưng chung một hi vọng ngày mai có thế ấm no hơn.
Tháng tám năm ấy, Nhật sau vài tháng đảo chính Pháp thành công thì bị Mỹ trả đũa trận Trân Châu Cảng năm nào, thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, nên đầu hàng không điều kiện.
Ngày mười chín tháng ấy, hai đứa nhỏ theo chân cha Minh lên phố, hòa mình vào dòng người biểu tình đòi chính quyền. Lần đầu tiên trong đời hai đứa hiểu thế nào là đấu tranh, là cách mạng, khởi nghĩa. Nắm chặt lấy tay nhau bước đi theo dòng người.
Nhiều ngày sau, tin chiến thắng liên tục bay về.
Thế là dân mình không còn là nô lệ nữa, cũng chẳng còn bóc lột nữa. Thế là nước mình giờ đã là một nước tự do, một nước tự do như bao đất nước khác trên mặt đất.
Vân mệnh của dân mình sẽ do chính dân mình làm chủ. Dân mình sẽ được lên năm chính quyền, sẽ xây dựng, sẽ bảo vệ mảnh đất xinh đẹp này.
"Bằng ơi, sau này Minh cũng muốn đi xây dựng đất nước."
Ngày mùng hai tháng chín năm ấy, hai đứa cũng nắm tay nhau chờ đón thời khắc thiêng liêng của đất nước: ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trước niềm xúc động, hân hoan của rất nhiều người tại quảng trường Ba Đình.
Nó hiểu ra, Cách mạng chính là lí tưởng, là con đường sẽ đưa cuộc sống của nó, của em, của tất thảy những người ở đây khỏi khổ cực, bần hàn.
Hai đứa trẻ lặng người hình lên lễ đài mới xây, có chính phủ lâm thời, có Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lâng lâng rồi lặng đi trong giọng nói ấm như mặt trời ấy.
Sau ngày ấy, nước Việt Nam mới gặp phải nhiều khó khăn do các chế độ cũ để lại, thiên tai, phản động và tàn dư của Nhật-Pháp, quân Tưởng đang ngấp nghé chiếm nước ta.
Từ khắp các nơi, dân mình hưởng ứng ngày đồng tâm, hũ gạo cứu đói, người người phấn khởi tăng gia sản xuất. Những đứa trẻ như Bằng và Minh đều chẳng cần lo nghĩ cái ăn mà chú tâm học tập tại các lớp bình dân học vụ ở làng.
Hai đứa thập thò nắm chặt tay nhau, rón rén chọn chỗ góc lớp ngồi xuống. Căn phòng này sao mà lạ lẫm quá, cái bàn cái ghế cứ dài thượt. Còn có cái tấm đen đen xanh xanh gắn trên tường và cái cục trắng cứng cứng kia nữa.
Ít lâu sau, nhiều người vào hơn nữa, có cả những đứa trẻ trạc tuổi hai đứa, có cả những anh chị thanh niên, cũng có cả các ông bà tóc bạc phơ vào lớp. Thế là hai đứa bị đẩy lên bàn đầu.
Thầy giáo bước vào, đó là một thanh niên trẻ mang bộ kaki nâu sờn bạc, nụ cười hiền lành, chất phác tận tay phát từng quyển vở mỏng và từng cái bút cho từng người trò.
Lần đầu tiên hai đứa trẻ hiểu thế nào là con chữ, thế nào là đọc, là viết, là mùi thơm thơm của giấy mới. Thầy nó bảo mình phải học để nâng cao dân trí, để sau này mình ra năm châu như Cụ Hồ hồi trước ra đi tìm đường cứu nước vậy.
Hơn thế, thầy hay kể những chuyện lịch sử từ Bà Trưng, Bà Triệu, chuyện vua Quang Trung đại phá quân Thanh thần tốc, đến tấm gương dũng cảm của anh Kim Đồng, anh Lý Tự Trọng. thầy còn kể tình hình đất nước ta lúc bấy giờ, thầy kể chính phủ ta đã phải khó khăn đến thế nào khi đối phó với bọn phản cách mạng, quân Tưởng và quân Pháp.
"Minh này, mai kia lớn lên Bằng sẽ bảo vệ nước mình, Bằng sẽ đi theo Việt Minh, đi theo Cụ Hồ, Bằng sẽ bảo vệ cả Minh nữa."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro