Chương 2
Quang Bảo mồ côi cha từ nhỏ. Cậu sống cùng mẹ ở một ngôi làng nhỏ ven đô. Tách biệt và đối lập hẳn vẻ cái phồn hoa, nhộn nhịp của thành phố, ngôi làng chẳng khác gì một khu ổ chuột với chằng chịt những hồ nước tanh hôi, đen ngòm, chẳng ai dám mò mẫm tới. Hạn hán rồi lại mưa giông thất thường triền miên khiến rau cỏ chẳng còn đường sinh sôi, gây ra thảm cảnh vụ mùa thất thu. Từ các loại vật nuôi như lợn, gà cho đến những con sống ở hang hóc, bụi rậm, con nào không chịu được môi trường hiện tại thì cũng chết thẳng cẳng. Giả sử, lợn, gà bỗng dưng lăn đùng ra chết thì trong lúc đói cũng có thể nhắm mắt phanh thây mà dùng làm thực phẩm, chứ còn mấy con như chuột mà chết ở xó xỉnh nào đó, thì chỉ còn cách làm ngơ mặc kệ, hoặc sợ bốc mùi thì tiện tay vứt xuống ao hồ gần nhất. Người dân nheo nhóc muốn đùm bọc, muốn thương lấy cũng khó, đành mệnh ai nấy sống vì sợ một ngày không chết vì đói thì cũng bỏ mạng vì bệnh dịch hoành hành.
Ở cái nơi đất chật người đông, “chó ăn đá, gà ăn sỏi” như thế, cuộc sống vốn dĩ đã túng quẫn thì mỗi ngày lại càng thêm bức bối đến nghẹt thở. Mỗi bữa rau cháo nuôi nhau còn phải dè dặt, chứ đừng nói gì đến cơm thơm bốc khói nghi ngút đầy nồi. Trong làng, đã từng có một thằng bé học cấp một, chỉ vì phải ăn rau luộc với cháo loãng triền miên nên mặt nó lúc nào cũng tái xanh. Một lần, khi mẹ nó bưng cái mâm bên trên có vài cái bát sứt, thằng bé đói bụng, nhanh chân sấn ngay đến bên cạnh mâm, nhưng khi nhìn thấy hai màu xanh trắng, nó ôm miệng mếu máo, nói rằng đòi ăn cơm. Trong mâm chỉ có vẻn vẹn vài ba bát cháo loãng, một đĩa rau muống xanh lè được mẹ nó bày ngay ngắn giữa mâm, bên cạnh còn có cái đĩa đựng một nhúm muối trắng lởn gởn vài hạt sạn đen.
Thấy con khóc, mẹ nó chẳng đành lòng mà cũng nghẹn ngào dỗ dành: “Cu Tí ngoan, ăn tạm để đi học. Chiều ba về ba mua gạo rồi mẹ nấu cơm cho Cu Tí ăn.” Thằng bé không chịu, vẫn cứ khóc thảm thiết. Xót lòng quá, mẹ nó lau nước mắt rồi đưa tay vào túi áo sờn rách, móc ra một chiếc kẹo dừa đã chảy nước vì trời nóng.
“Ăn ngoan đi, rồi mẹ cho kẹo.” Thấy kẹo, mắt thằng bé sáng lên, long lanh sau làn nước mắt. Nó nhanh chóng lấy cùi tay lau nước mũi, nước mắt tùm lum rồi nhận kẹo. Bát cháo trên mâm chẳng mấy chốc mà được nó húp sạch. Ăn xong, nó nhe hàm răng sún cười với mẹ. Mẹ nó xoa đầu khen ngoan rồi giục nó đi học cho sớm. Nó cầm tập vở nhàu nhĩ với cái bút chì ngắn tũn tỡn, khoanh tay chào mẹ rồi chạy nhanh ra cổng, vừa đi vừa hít hà chiếc kẹo dừa chảy nước trên tay. Để có được chiếc kẹo dừa, mẹ nó đã phải bớt đi chút tiền mua muối. Chỉ là, hôm ấy là sinh nhật nó.
Hoàn cảnh sống như vậy, người sống trong làng vì thế mà ngày một thưa thớt. Kẻ thì bỏ quê tha hương biệt xứ chẳng biết vật vờ nơi hang cùng ngõ hẻm nào, liệu còn có giữ được cái mạng quèn hay không, người thì không chịu được nghèo khổ đành khăn gói quả mướp lên thành phố tìm việc làm như thể một lần đánh cược với cuộc đời. Đã có nhiều lần, Bảo thở dài hỏi mẹ:
“Trên thành phố, mọi thứ có giống như làng mình không mẹ?”
Lúc này, Bảo mới học lớp tám. Ngày nào được nghỉ, cậu cũng đều ở nhà giúp mẹ làm mấy việc vặt. Sức khỏe yếu, mẹ không cho phép cậu làm đồng áng.
“Mẹ không biết. Nhưng chắc là hơn nhiều. Thành phố mà lị.”
Bà Hiền – mẹ Bảo đang lúi húi quấy nồi cám lợn trong bếp cất tiếng trả lời. Mùi cám lợn khét lẹt từ bếp sộc thằng ra ngoài sân, khói len lỏi qua từng khe ngói, bay khắp nơi tạo thành một vùng trắng xóa. Nhà có nuôi một con lợn còi.
Chuyện là tiền dành dụm bán rau từng ngay, bà Hiền quyết định đầu tư, cắn răng mua lấy một con lợn giống để nuôi, đợi to béo rồi bán. Tưởng chừng như sẽ đợi được đến ngày đó, nhưng không ngờ con lợn dở chứng, thường xuyên lăn ra ốm rồi bỏ ăn nên chẳng tăng nổi một cân. Thấy tiền mua thuốc nuôi nó còn tốn hơn tiền ăn của hai mẹ con, bà cũng mặc kệ, nghĩ rằng chỉ cần cho nó ăn cám mỗi ngày, nếu trông béo thêm được chút nào thì bán ngay để lấy tiền ăn và chi tiêu học hành cho Bảo.
“Sao mẹ không giống như người ta, lên thành phố tìm việc làm?” Bảo với lấy cái chổi, vừa quét nhà vừa hỏi mẹ.
“Người thành phố khôn lắm, lên đó không biết làm ăn thì khổ cũng chẳng kém ở nhà con ạ. Ở đâu, thì quen đó. Ở nhà còn có dân làng với hàng xóm.”
Bảo nghe thấy vậy cũng không nói gì thêm.
Một hôm, sau khi tan trường Bảo về đến nhà thì thấy có người đàn ông lạ đứng trước cổng, bên trong tiếng lợn kêu inh ỏi. Ông ta cao lớn, đeo kính râm ngồi trên chiếc xe máy cà tàng. Phía sau xe có rất nhiều vệt nước đã khô màu đỏ thẫm. Đặc biệt, hàng râu quai nón rậm rạp của ông ta khiến Bảo có ấn tượng rất mạnh. Cậu cảm thấy có chút sợ hãi, không muốn tiếp xúc nên đứng từ xa hỏi: “Bác… bác hỏi ai?”
Ông ta lấy tay gỡ kính xuống, hất cằm: “Nhà cháu hả?”
Bảo gật đầu. Ông ta cười, để lộ hàm răng xỉn vàng: “Có bán lợn không?”
Lúc này Bảo mới biết những vệt màu đỏ thẫm trên xe ông ta không phải là nước, mà là máu lợn đã khô. Lợn vẫn kêu ầm ĩ đằng sau cánh cổng. Cậu biết nó đang đói. Bảo bất giác lùi về đằng sau một bước: “Cháu không biết. Mẹ… mẹ cháu không có nhà.”
“Thế mai bác quay lại.” Ông ta nói xong liền đeo kính trở lại, nhổm người lên đạp máy. Chiếc xe rùng mình một cái rồi kêu rầm rầm. Ông ta vít ga chạy xe đi thẳng, để lại làn khói mù mịt. Bảo thở hắt ra rồi nhanh tay mở cửa cổng.
Cậu chạy vào nhà lấy cái chậu nhỏ, múc cám từ nồi ra trộn với nước lã, lấy tay nhào cho thật nhuyễn rồi đổ vào chiếc máng cho lợn ăn. Con lợn dường như đánh hơi được mùi cám, hí hửng ngoe nguẩy đuôi chạy về phía chiếc máng tớp từng hồi sùm sụp. Chỉ trong chốc lát, cái máng đầy ự cám đã được con lợn vét sạch sẽ. Nó ăn xong, no đến nỗi chẳng còn kêu thêm được tiếng ủn ỉn nào, chỉ đi lòng vòng một hồi rồi nằm thở. Bảo thấy vậy liền phì cười. Mọi khi, mẹ cậu dặn một lần cho lợn ăn, chỉ được lấy ra nửa nồi. Nhưng hôm nay thì khác, cậu cho nó ăn hết cả nồi cám. Không biết ngày mai, nó còn có cơ hội được ăn cám ở nhà này không nữa?
Rạng sáng ngày hôm sau, con lợn vẫn quẫy đuôi mừng rỡ ăn cám do chính tay mẹ cậu nấu mà không biết đây là bữa ăn cuối cùng trước khi nó bị đưa đi. Tối hôm trước, nghe được tin Bảo kể rằng có người hỏi mua lợn, bà Hiền bất giác sờ vào cái túi tiền treo lủng lẳng ở cạp quần, mở ra thì thấy chỉ còn vài đồng bạc. Bà chạy ra chỗ con lợn đang nằm, rồi nhìn vào nồi cám trống không.
“Hôm nay nó ăn hết chứ?”
Bảo gật đầu. Bà Hiền rơm rớm nước mắt rồi vào nhà.
Đúng như đã hẹn trước, rạng sáng hôm sau người hỏi mua lợn chạy xe máy rầm rầm đến trước sân. Hôm nay ông ta không đến một mình mà đi cùng một người thanh niên có tóc mái lòa xòa trước trán. Ông ta dựng chiếc xe có hai cái sọt sắt ở phía sau rồi nhìn con lợn đang mở to mắt đứng nép vào một góc trong chuồng, rồi lại nhìn vào cái máng lợn. Thấy một chút cám còn mới bị sót lại, ông ta chau mày:
“Vừa cho ăn thêm à?”
Bà Hiền tặc lưỡi: “Sống làm con vật đã khổ, trước khi chết cho nó ăn no một chút. Nếu sợ lỗ thì cứ trừ vài cân.”
“Nói vậy thôi chứ, có đáng bao nhiêu đâu mà trừ!” Nói xong, ông ta nhìn bà Hiền rồi nhe răng cười. Tiếp đến, ông ta cầm một cái gậy tre nhảy xổ vào chuồng hòng tóm được con lợn. Hình như ý thức được nguy hiểm, con lợn cứ chạy lòng vòng khiến ông ta vã hết mồ hôi mà cũng chẳng thành công. Hai mẹ con bà Hiền đứng ngoài nhìn nhau cười khúc khích.
Thấy vậy, ông ta hếch mặt về phía người thanh niên: “Vào đây, còn đứng đấy làm gì.”
Người thanh niên nghe xong cũng luống cuống trèo vào cái chuồng lợn bé cỏn con. Anh ta đứng đối diện với người đàn ông kia rồi hai người cùng nhau bắt lợn. Con lợn vừa ăn xong, sau một hồi chạy lòng vòng cũng kiệt sức, đành chịu cảnh bị bắt. Hai người đàn ông, mỗi người cầm hai chân con lợn trói vào chiếc gậy tre rồi khiêng ra ngoài sân. Con lợn bị treo ngược, không ngừng quẫy rồi kêu rống thảm thiết. Bà Hiền mủi lòng định nói không bán nữa, nhưng rồi nghĩ đến bữa cơm những ngày về sau, nên lại thôi.
Sau khi con lợn được nhét gọn gàng vào chiếc sọt trên xe, nó cũng thôi kêu rống lên mà chỉ nhìn bà Hiền, ủn ỉn vài ba tiếng đứt đoạn. Bà Hiền run run cầm lấy tiền, nghĩ đến cảnh con lợn còi nuôi nấng bấy lâu ngày mai sẽ lên bàn mổ, bà chẳng cầm nổi nước mắt. Ngày thường phải chịu cảnh đinh tai nhức óc mỗi khi nó ầm ĩ đòi ăn nhưng dần rồi cũng quen, nay về sau bỗng dưng không nghe được tiếng lợn kêu, cũng thấy vắng vẻ. Thực ra, đôi khi không hẳn là người ta không dám từ bỏ, mà đôi khi người ta lại sợ, sợ rằng liệu có từ bỏ được những thứ vốn đã trở nên thân thuộc?
Người đàn ông đó nổ máy rồi ra hiệu cho người thanh niên lên xe. Bảo cứ tưởng anh ta sẽ leo lên chỗ ngồi phía sau, ai ngờ anh ta rón rén từng bước nhảy vào cái sọt còn lại, ngồi thu lu trong đó, mặt đỏ bừng như gà chọi. Bảo ngạc nhiên, há hốc mồm tưởng chừng rơi muốn cả hai hàm răng. Cái cảnh bi hài đó cứ ám ảnh cậu mãi mấy ngày về sau.
“Ngồi im cho cân đối.” Người đàn ông quay đầu lại nhắc. Người thanh niên không nói một câu, lặng im ngồi bó gối trong chiếc sọt thể hiện thái độ biết nghe lời. Chiếc xe rầm rầm chạy đi, để lại làn khói sặc mùi khét. Sau làn khói trắng mù mịt, Bảo vẫn có thể cảm nhận rõ được ánh mắt ẩn sau hàng tóc mái của người thanh niên đang nhìn mình chằm chằm.
Sau ngày bán lợn, cuộc sống của hai mẹ con cũng được cải thiện hơn trước. Nhiều lần Bảo khuyên mẹ nên nuôi con gì đó cho vui cửa vui nhà, nhưng mẹ cậu nhất quyết không chịu vì sợ chứng kiến cảnh một ngày đó phải bán chúng đi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro