Chap 23. Bắt sâu
Sao con vợ hâm của cậu nói cái gì cũng hợp lý thế nhờ? Làm cậu chẳng cãi được. Từ giờ cậu đếch thèm càm ràm chuyện thầy Tài với ai nữa. Nghĩ lại thì cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Cậu việc qué gì phải bực bội rồi đem sự cáu kỉnh của mình làm hỏng ngày vui của những người cậu thương. Từ hồi lấy nhau tới giờ vợ chỉ bảo cho cậu nhiều điều hay lẽ phải lắm. Bu Tuyết dạy cậu rằng tình yêu nam nữ chỉ đơn giản là sự hoà hợp về chuyện đó thôi, không cần quá coi trọng, tình cảm mẫu tử mới là thiêng liêng nhất. Nếu như vậy thì cậu đã từng yêu rất nhiều người, chỉ duy nhất không yêu vợ cậu. Bởi vì thật lòng mà nói, cho tới giờ, cậu và vợ vẫn chưa hề có sự gắn kết trong chuyện đó. Có thể là do vợ vẫn thương người cũ nên trong thời gian qua, mỗi khi vợ chồng gần gũi vợ lại căng thẳng. Với các em khác, cậu chả bao giờ cần phải để tâm, bọn họ chấp nhận thì cậu tiến tới. Với vợ cậu, cho dù vợ gật đầu đồng ý, nhưng chỉ cần nó hơi nhíu mày, mím môi hay có thái độ không thoải mái thôi là cậu đều không thể tiếp tục được. Không lẽ giữa cậu và vợ không tồn tại thứ tình yêu nam nữ mà chỉ có tình cảm phu thê? Là vợ chồng nên mới nhớ nhau à? Cậu đâu đã từng nhớ ai nhiều như nhớ vợ đâu? Nằm ngay bên cạnh mà vẫn nhớ mới nực cười chứ. Cậu thèm được nghe giọng vợ cậu quá, thèm được nó yêu thương, ôm ấp, vỗ về. Cậu vùi mặt mình vào cổ vợ, tay cậu xoa xoa má vợ, thủ thỉ hỏi han:
- Vợ nấm lùn của cậu ơi! Vợ có bị đau lắm không?
- Chắc là có à? Thi thoảng cậu thấy vợ rùng mình mà... chắc là đau ghê lắm... chẳng qua là do vợ giỏi chịu đựng nên mới không la giống bu Hoa thôi, phải không?
- Đừng tự chịu đựng một mình nữa, nha! Vợ bị đau chỗ nào? Nói cậu nghe! Cậu thương!
- Sao vợ không nói? Vợ đang gặp ảo giác à?
- Nấm lùn của cậu trông thấy những gì? Có đáng sợ không? Kể cho cậu nghe đi!
Bốn giờ sáng, rồi bốn rưỡi, căn nhà sàn vẫn có hai người, nhưng chỉ có mình giọng nói của cậu. Năm giờ sáng, chuông điện thoại của cậu kêu liên hồi, sợ vợ tỉnh dậy nghe được chuyện không hay, cậu Hoan vội đi ra vườn đào bắt máy. Chị Oanh ấm ức hỏi:
- Cậu không thương con nữa à?
- Nói vớ vẩn gì thế? Con cậu, cậu không thương thì thương con ai? - Cậu Hoan bực bội hỏi lại.
- Thương gì mà cả ngày hôm qua chả thấy qua thăm con. Con nhớ cậu, nó tủi thân, nó quấy làm em nôn nao suốt thôi! Mệt ghê lắm á!
- Cậu xin lỗi. Nhà cậu có chút chuyện bận không qua được. Oanh bảo con đừng giận cậu, mấy bữa nữa rảnh cậu sẽ qua chơi với nó.
- Cả bé Ong cũng nhớ cậu, nó kêu khóc quá chừng luôn nè. Cậu nói chuyện với nó xíu nhé!
Cậu Hoan chưa kịp từ chối thì chị Oanh đã đưa máy cho con. Nhớ lời mẹ dặn ban nãy, bé nhõng nhẹo mè nheo:
- Ba Hoan ơi Ong nhớ ba lắm! Ong muốn đi học múa mà mẹ Oanh kêu hết tiền rồi ba à!
Mặc dù cậu Hoan thích con gọi mình là "thầy" hơn, nhưng vì chị Oanh chê cách gọi đó quê mùa, và Ong không phải con ruột của cậu nên cậu kệ. Cậu hỏi thẳng:
- Tiền đóng học của Ong là bao nhiêu?
- Ba chuyển cho mẹ một trăm triệu nha... tại vì...
Vì xin hơi nhiều tiền nên chị Oanh đã dặn con giải thích với cậu Hoan là tại vì lớp múa do giáo viên nổi tiếng dạy nên đắt, nhưng cậu đã cúp máy trước khi bé Ong đưa ra lý do. Thôi không sao cả, cậu vẫn chuyển tiền mà. Chị yêu cậu nhất ở cái khoản cậu đưa ra quyết định rất dứt khoát, không bao giờ thèm lèm nhèm. Nhìn thấy tài khoản nhảy số, chị vui vẻ nhắn tin cho cậu:
"Cưng cậu nhất!"
Cậu Hoan chẳng buồn đọc tin nhắn, cậu vội vã chạy lên nhà với vợ. Trời cũng đã hưng hửng sáng rồi, hi vọng vợ cậu sẽ tỉnh táo trở lại y như lời thầy Thanh nói. Cậu hồi hộp đẩy cửa phòng, mường tượng ra cảnh vợ dịu dàng mỉm cười với cậu, còn cậu chân sáo chạy tới bên vợ, lòng cậu lại xốn xang. Nhưng tiếc thay, chiếc giường của hai vợ chồng trống trơn. Vợ cậu nằm sõng soài ngay bên cạnh chiếc bàn uống nước. Có một chiếc cốc bị vỡ tan tành, những mảnh thuỷ tinh nhọn hoắt rơi rớt trên sàn nhà như những mũi giáo đâm nát tim cậu. Vì không đủ minh mẫn để phân tích tình huống nên cậu đã nghĩ ngay tới trường hợp xấu nhất. Nhìn vào mi mắt đang khép chặt kia, cậu tưởng như tim mình đang rỉ máu. Cảm giác đau buốt bao trùm toàn bộ cơ thể, cậu đột ngột ngã xuống. Không gì có thể diễn tả sự căm phẫn của cậu trong lúc này. Cậu hận đứa nào bỏ độc vợ cậu. Cậu hận thằng Lập lừa cậu. Cậu hận thầy Thanh nói sai. Và người cậu hận nhất, chính là bản thân cậu. Giá kể cậu đừng nghe cuộc điện thoại vừa rồi, giá kể cậu toàn tâm toàn ý ở bên vợ, không lơ là dù chỉ một khắc. Cậu đã không thể ở cạnh vợ lúc nó bị hãm hại, lúc vợ đau đớn nhất, sắp phải rời xa nơi này cậu cũng không có mặt. Cậu là một thằng chồng tồi! Cái viễn cảnh từ giờ trở đi không có vợ nữa bức cậu kiệt quệ. Lồng ngực cậu... nơi đó... đau nhói... nhức nhối.
Thằng Lập và thằng Quyết ghé qua phòng thăm mợ, thấy cậu mợ như vậy thì tá hoả. Quyết lao tới chỗ cậu Hoan, vỗ vỗ má gọi cậu, nhưng mắt cậu cứ lờ đa lờ đờ, người thì ngơ ra như người mất hồn. Nó sợ cứ để cậu ở lại đây, nhỡ có chuyện gì không hay xảy ra với mợ cậu chịu không nổi nên đành kêu người đưa cậu qua chỗ bà Tuyết để bà chăm sóc cậu. Thằng Lập thấy mợ Hân nằm dưới sàn thì không suy nghĩ tiêu cực như cậu mà bình tĩnh gọi điện cho ông Tài. Ông Tài vội vã đưa thầy Thanh ghé qua phòng con dâu. Sau khi thầy thực hiện các động tác sơ cứu, Hân bắt đầu tỉnh táo trở lại. Hân kể là do Hân thấy khát nên dậy rót nước uống, nhưng không ngờ đi được vài bước đã thì thấy người ngợm ê ẩm đau buốt, đầu óc choáng váng nên bị ngã. Thằng Lập vừa dọn chiếc cốc thuỷ tinh bị vỡ trên sàn vừa rớt nước mắt. Mợ mơ màng chưa đầy hai ngày mà nó tưởng như mợ đã đi vắng lâu lắm rồi, lâu lắm mới được nghe giọng mợ, nhẹ nhàng, ngọt ngào, êm tai, làm người ta muốn khóc luôn à. Ghét ghê!
Thầy Thanh tranh thủ khám qua cho Hân, thấy sức khoẻ cô đã ổn định rồi thầy vui vẻ phán đoán:
- Vậy thì chắc Hến đã thoát khỏi ảo giác từ trước khi bị ngã rồi, thế nên mới dậy đi uống nước được, cũng có nghĩa là độc tam hoa đã hết tác dụng. May quá!
- Độc tam hoa? Con bị bỏ độc tam hoa ạ?
Hân chau mày hỏi, ông Tài giải thích cặn kẽ cho con dâu mọi chuyện đã xảy ra. Ông xin lỗi Hân vì ông đã cho người điều tra về kẻ hạ độc nhưng không thu được kết quả gì. Ông bảo ông đã kêu thằng Phúc từ giờ sát sao để ý tới bọn người làm trong nhà hơn để tránh những chuyện rủi ro như vừa rồi. Ông đề nghị Hân không tiết lộ chuyện này cho gia đình cô. Hân sợ ba mẹ lo lắng nên vui vẻ đồng ý. Một lát sau, khi ông Tài rời khỏi phòng, thầy Thanh ghé tai Hân thủ thỉ:
- Hến này! Con thử cố nhớ lại coi trong bữa tối hôm đó ngoài em Cúc pha sinh tố xoài cho con ra thì có ai chan canh hay đưa nước cho con uống không?
Ngoại trừ cốc sinh tố xoài của em Cúc, bữa tối hôm đó Hân còn húp một chén canh do người khác múc cho nữa. Dựa vào câu hỏi của bác, Hân đã lờ mờ đoán ra người muốn hại mình, nhưng vì không muốn bác Thanh dính dáng tới những chuyện vụn vặt của đàn bà trong nhà nên Hân giả bộ ngu ngơ nói:
- Hến không biết là ai cả, nhưng từ giờ con sẽ cẩn thận hơn, bác đừng lo nhé!
- Ừ. Hến chú ý giữ gìn sức khoẻ, có gì không ổn thì gọi cho bác ngay nhé. Bác phải về đây, bác Tâm vừa gọi điện bảo bác là ở nhà còn nhiều bệnh nhân đang chờ.
- Dạ, bác Thanh về cẩn thận ạ.
Bác Thanh về rồi, Hân mở điện thoại thấy tối qua ba Hậu gửi tấm hình chụp một chiếc áo khoác màu kem và một chiếc khăn len màu xanh rêu kèm tin nhắn:
"Đồ siêu đẹp ba mới mua cho Hến đấy, nhưng ba già rồi, chả biết gửi lên chỗ Hến như nào đâu, hôm nào Hến về nhà mà lấy."
Ba Hậu toàn thế, cứ lấy cái cớ già không biết đi gửi đồ để dụ Hân về nhà. Cô mỉm cười gọi điện cho ba. Ba ngắt cuộc gọi luôn làm con gái phải nhắn tin:
"Ui đồ ba Hậu mua cho Hến đẹp ghê á! Hến thích lắm ba à! Tối qua Hến đi ngủ sớm, không để ý tin nhắn của ba. Hến xin lỗi ba ạ. Ba đừng giận Hến nha ba."
"Ai chả biết giờ chị Hến có chồng rồi nên chị bận, chị phớt lờ tin nhắn của tôi thì tôi phải chịu thôi chứ cái thân già này đâu có vị trí gì trong lòng chị đâu mà dám giận."
"Sao lại không có vị trí gì ạ? Ba là ba yêu ba thương của Hến mà. Hến là con gái rượu của ba á."
"Thôi khỏi, rượu với chả chè, mệt mỏi."
Ba Hậu giở thói hờn dai khiến Hân phải gọi điện cho mẹ Hà, nhờ mẹ nịnh ba giùm mình. Mẹ kêu Hân an tâm đừng suy nghĩ nhiều, cứ để mẹ giải quyết cho. Mẹ dặn Hân đừng ham làm quá, nhớ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Hân ngoan ngoãn vâng dạ. Hân nói yêu mẹ, nhớ mẹ, dặn mẹ giữ gìn sức khoẻ rồi mới chào tạm biệt. Lập đợi mợ Hân cúp máy thì đóng kín các cửa rồi tò mò hỏi:
- Mợ Hân! Chuyện mợ kêu con cố ý bày ra cái vẻ mặt đáng nghi đi nghênh ngang quanh biệt phủ thì con hiểu được là vì mợ muốn dụ người đứng đằng sau con Cúc. Nhưng vụ mợ bảo con đợi lúc thằng Tiến chú ý tới mình thì vào phòng cậu mợ, để quyển sổ giả vào trong hộc bàn của mợ thì con vẫn chưa hiểu.
- Mợ chỉ đơn giản muốn xác minh lại một lần nữa xem Tiến có thực sự dính líu tới vụ việc em Cúc nấu canh bồ câu hầm hạt sen không. Mợ không muốn kết luận quá sớm, vu oan cho người tốt. - Hân đáp.
- Là mợ Phượng sai nó làm mợ ạ.
- Cái đó thì mợ có thể đoán được.
- Mợ đã đoán được là mợ Phượng hại mợ rồi, tại sao sau khi con Cúc tới thú tội với mợ, mợ lại không lôi nó đến gặp ông Tài để tố cáo mợ Phượng?
- Bởi vì mợ cảm thấy những chuyện tốt đẹp không bao giờ diễn ra dễ dàng như vậy. Vì bác Thanh đã gọi điện tiết lộ cho mợ chuyện mợ Phượng gọi điện mời bác tới nhà nên mợ đoán chính mợ Phượng là người kêu Cúc thú tội với mợ. Nếu như mợ giả bộ bị trúng độc dẫn tới khó có con để vạch mặt mợ Phượng thì mợ ấy sẽ dùng bác Thanh để vạch mặt mợ. Mợ sẽ nghiễm nhiên mang tội em dâu bày kế bẩn hãm hại chị dâu.
- Con hiểu rồi. Khi mợ bị trúng độc tam hoa con đã tố cáo con Cúc, đồng thời đưa cho ông Tài coi đoạn video con quay lén được lúc nó thú nhận tội lỗi với mợ để vạch mặt mợ Phượng. Nhưng ông Tài chửi con, con Cúc thì bị ông đuổi, chẳng biết mợ Phượng đã nói gì với ông mà ông tin tưởng mợ ấy thế. Nếu mợ đoán được thì xin mợ nói cho con thông suốt với, con tò mò quá.
Lập thắc mắc, Hân bình thản nói:
- Có lẽ sau khi đổ hết tội cho Cúc, mợ Phượng còn lợi dụng việc mợ không ăn canh có độc để nhận công lao về phía mình... có thể mợ ấy nói với thầy Tài mình đã tráo túi hạt sen tẩm thuốc, ngăn cản việc ác của Cúc.
Thấy suy đoán của mợ Hân khá hợp lý, Lập suy tư một lát rồi hỏi mợ:
- Vậy tất cả những gì mợ muốn lần này chỉ đơn giản là đuổi con Cúc ra khỏi nhà thôi phải không?
Hân khẽ gật đầu. Cô cố ý giả bộ dùng canh ba tháng là để cho Cúc thời gian, coi em có hối hận vì hành động của mình không. Nếu có, Hân sẽ cho em cơ hội sửa sai. Nhưng rất tiếc, Cúc không những không thấy hổ thẹn mà còn ngang nhiên bám lấy chồng Hân, hở ra là tìm cách mơi cậu. Biểu hiện của Cúc khiến Hân rất không hài lòng. Tuy nhiên, Hân không muốn tự mình xin thầy Tài đuổi Cúc đi, vì như vậy mợ Phượng sẽ vu cho cô cái tiếng mới về làm dâu đã chảnh choẹ chèn ép người làm. Thế nên trước sự chứng kiến của mợ Phượng, cô mời thầy Tài ra ngoài nói chuyện riêng để mợ nhầm tưởng rằng cô sẽ tố cáo mợ. Sau đó, cô nhắn tin cho Hiếu, nhờ Hiếu phao tin tới tai Tiến rằng bác Thanh là chỗ thân quen của cô. Bị hạ độc tam hoa nằm ngoài dự đoán của Hân, nhưng không sao cả, vì Hân đoán chắc Tiến đã hớt lẻo với mợ Phượng, khiến mợ ấy biết rằng không thể lợi dụng bác Thanh để hại Hân. Đứng trước nguy cơ bị rơi vào vũng bùn mà không thể kéo em dâu xuống cùng, mợ Phượng chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là đẩy luôn Cúc xuống dưới thôi.
Đối với những kẻ có sở thích thả sâu vào vườn nhà Hân, sai khiến chúng cắn nát hoa cỏ Hân mất nhiều công vun trồng chăm sóc thì Hân không những mượn tay họ bắt sâu ra khỏi vườn nhà mình mà còn khiến họ phải bắt sâu một cách hăng hái, tận tâm, tận tình và đầy nhiệt huyết.
- Vậy không lẽ chúng ta bỏ qua cho mợ Phượng ư? Chả nhẽ không có cách gì vạch mặt mợ ấy?
Lập thắc mắc, Hân phân tích:
- Nếu chỉ dựa vào chuyện mợ Phương có ý định hại mợ vô sinh hơi khó. Tất cả những gì mợ biết chỉ dựa vào quan sát và suy đoán, có em Cúc là nhân chứng thì như Lập biết rồi đấy, thầy Tài chắc chắn sẽ tin con dâu hơn người làm. Hiện tại mợ không hề có bằng chứng thuyết phục.
- Bực thật đấy! Nhưng thôi, không sao cả, từ giờ con sẽ cố gắng giúp mợ tìm bằng chứng.
- Không cần mất công như thế. Vì dù Lập tìm được bằng chứng thì mợ Phượng vẫn có thể để Tiến nhận tội thay mình. Mà nhiều khi cái quan trọng không phải là bằng chứng mà là niềm tin. Khi Lập tin một người, dù người khác có vạch tội người đó thì Lập sẽ nói người vạch tội đi vu khống thôi.
Lập gật gù tỏ vẻ đã hiểu. Có lẽ cách tốt nhất là phải làm lung lay niềm tin của ông Tài vào mợ Phượng. Mợ Hân thở dài mở hộp trang sức, lấy ra một viên kim cương nhỏ đưa cho nó dặn dò:
- Chiều nay Lập gửi cho Cúc giùm mợ, nhắn em ấy nếu đem bán đi thì sẽ đủ tiền mở tiệm cơm nhỏ đấy. Mợ thấy Cúc nấu ăn không tệ, nếu biết tu tâm sửa tính và ăn nói khéo léo hơn chắc chắn sẽ đắt khách.
- Mợ điên à? Nó đối xử với mợ như "mứt" ý, mợ không việc gì phải tốt với nó như thế!
- Cúc còn nhỏ, còn có cơ hội sửa tính đổi nết làm lại cuộc đời. Lập đừng khắt khe quá, nha!
Lập cau có phản bác:
- Nhưng viên kim cương này đẹp quá, tuy nhỏ mà sáng lấp lánh. Mợ không tiếc à?
Nếu như ánh sáng của một viên kim cương nhỏ nhoi có thể dẫn lối cho một người vượt lên khỏi chiếc hố sâu hoắm tối tăm trong chính tâm hồn họ, khiến họ thay tính đổi nết, làm lại cuộc đời thì Hân không tiếc. Nhưng cô không nói ra mà chỉ cười cười bảo Lập:
- Tiếc gì đâu, thích thì mợ lại xin bác Đăng và bác Vân viên kim cương khác. Vì mợ xinh đẹp và dễ thương quá nên hai bác của mợ không tiếc mợ cái gì cả.
Biết mợ Hân đùa nên Lập cười ngất. Nó bọc viên kim cương vào khăn mùi soa, cẩn thận cất vào túi áo rồi hứa với mợ chiều nay đích thân nó sẽ đem kim cương về quê tặng con Cúc. Hân cảm ơn Lập rồi khéo léo hỏi dò:
- Cô bạn Hải Anh của mợ mở phòng khám riêng nên cho mợ mấy cái phiếu khuyến mại tới làm đẹp răng. Lập coi người giúp việc nhà mình có ai bị sứt hay sâu răng không thì bảo mợ, để mợ tặng phiếu cho người ta.
Hân hỏi vậy vì dấu răng của kẻ khốn nạn kia để lại trên người cô cho thấy hắn có một hàm răng không bình thường. Từ ngày về làm dâu cô luôn âm thầm để ý mọi người trong nhà nhưng không phát hiện ra manh mối gì cả. Đã đến lúc Hân phải chủ động hỏi han người này người kia để biết thêm thông tin. Cô bắt đầu tìm kiếm manh mối từ Lập, người hay hóng hớt nhất nhà.
- Răng sâu thì có con Huệ, nhưng nó mới chữa năm ngoái rồi. Răng sứt thì có mỗi thằng Gù thôi ạ. Nó khoe với con xin được mợ Phượng rất nhiều tiền đi sửa răng rồi đấy chứ, cơ mà khổ, chưa kịp sửa đã gặp vận đen. Nó mất ngay cái hôm cậu rước mợ về. Mợ Phượng dặn tụi con đừng nói về nó trước mặt mợ vì sợ mợ bị xui.
Lập thản nhiên trả lời. Bàn tay Hân vô thức nắm chặt, mợ Phượng thực sự sợ cô bị xui ư? Hay là đang muốn che giấu một điều gì đó? Cô tò mò hỏi Lập:
- Sao Gù lại mất?
- Vì Gù làm nhục con Đào, khiến con nhỏ tự tử nên Gù bị ám ảnh đấy mợ ạ. Buổi tối hôm trước khi cậu rước mợ về, nó còn gọi điện cho con bảo nó thấy con Đào hiện hồn về bóp cổ nó, nó kêu nó bị cảm lạnh rồi, khổ lắm. Hôm đám cưới bạn cậu tới nhà chè chén liên miên xong đòi ngủ lại phòng con nên con kêu nó về phòng nó ngủ trước. Con dọn dẹp xong xuôi thì qua phòng nó, định ngủ với nó, nhưng lúc con qua thì con Huệ lại bảo mợ Phượng đã đưa Gù tới bệnh viện thị xã rồi. Con cũng hơi an tâm, ai ngờ sáng hôm sau nghe tin nó mất.
- Gù và Đào có thù hằn gì à?
- Không phải mợ ạ. Bởi vì Đào nhanh nhẹn tháo vát rất được thầy Tài coi trọng nên khiến mợ Phượng ghen ghét, mợ sai thằng Gù làm nhục nó.
Đột nhiên Hân thấy xót xa vô cùng. Thật không ngờ những thông tin Hân cần, Lập lại biết rõ. Sự nhiều chuyện của Lập đã vô tình trở thành may mắn của Hân. Thảo nào tấm ga trải giường do cậu Hoan nhỏ mực đỏ không thể qua mắt được mợ Phượng. Có lẽ, chính mợ là người sai Gù hại cô nên mợ mới nghi hoặc tấm ga đó. Tất nhiên, đó chỉ là suy đoán của Hân, có thể nó không chính xác, nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì chuyện của Đào cũng làm cô ghê sợ mợ Phượng. Loại người chỉ vì chút lợi ích mà sẵn sàng chà đạp con gái nhà người ta, quả thực rất vô lương tâm, rất bỉ ổi và rất đáng sợ! Hân đăm chiêu thắc mắc:
- Tại sao Lập biết vụ này? Gù kể Lập nghe à?
- Dạ vâng. Gù bị bệnh sợ ma từ nhỏ mợ ạ, phải tới năm mười sáu tuổi nó mới dám ngủ riêng. Từ ngày con Đào mất thì nửa đêm nó toàn sang phòng con xin ngủ nhờ, rồi nó tỉ tê khai ra chuyện xấu nó làm với con Đào. Nó còn kể con nghe những lần con Đào được ông Tài khen, mợ Phượng cay cú ra sao. Con đồng ý giữ kín mọi chuyện cho nó, mợ có thấy ghê tởm con không?
- Chắc Lập có lý do riêng phải không?
- Vâng. Chắc mợ cũng để ý được là con thương anh Phúc. Anh lớn tuổi hơn cả cậu Hoan, năm hai mươi tuổi anh đã tới nhà ông Tài làm việc rồi. Anh là con trai thứ ba nhà bà Phượng Yến và ông Anh Hoàng. Hai ông bà ấy quý con lắm luôn, thành ra có kẻ ghen ghét. Trước khi con và thằng Gù tới nhà ông Tài làm việc, kẻ đó vì muốn con cắt đứt hoàn toàn liên lạc với anh Phúc nên cho người đuổi đánh con. Thằng Gù đã cứu con thoát khỏi đám côn đồ đó, vì bị thương ở lưng nên từ đấy người ta mới gọi nó là Gù. Con nợ ơn nó nên không dám tố cáo nó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro