Cây bàng và ổ khóa
Lấy cảm hứng từ bài thơ "Người đưa thư, cây bàng và ổ khóa"
.1.
Căn nhà nằm cuối phố, mái lợp ngói, có hai tầng, nằm im lìm trông ngày qua tháng lại.
Trước nhà trồng một cây bàng, cao vượt nóc, tròn xoe năm tán lá, cũng im lìm trông ngày lại tháng qua.
Ngoại trừ lũ chim chí chóe tới làm tổ thì khối Căn Nhà - Cây Bàng im như ru, bao nhiêu năm chẳng lời qua tiếng lại. Mặc cho cây bàng hết xanh tươi, đổi màu lá, rụng lá, rồi lại trổ những lộc non xanh thạch lựu biêng biếc mỗi đầu xuân, căn nhà cứ khoác lên mình từng tầng ẩm mốc, rêu phong, cửa trước khóa kỹ lại bằng cái ổ khóa bằng đồng.
Ổ khóa rất chi là ghen tị với cây bàng, vì bao năm không ai nói chuyện thì ai mà chẳng ngán. Cây bàng dù có im lìm thì vẫn tha hồ hóng hớt những câu chuyện thú vị do lũ chim từ xa đến làm tổ mang về. Một ngày nọ, ổ khóa bắt chuyện với cây bàng. Chúng nói chuyện, nghĩ rằng sẽ thân nhau.
Và chúng thân nhau thật.
.2.
Rồi một hôm, có khách đến thăm nhà.
A ha!
Cây bàng reo lên những lá xì xào, tròn xoe năm tán lá nhìn anh trò cũ của thầy Quân, chủ cái nhà này, về thăm. Ngót nghét sáu, bảy năm trời, Cương trông khác xưa lắm, nhưng chẳng hiểu sao mà cây bàng vẫn nhận ra. Còn ổ khóa thì ngẩn ra mất một lúc, nó chẳng biết anh là ai vì nó được mua sau ngày thầy Quân đi đăng ký nhập ngũ. Lúc đó thì anh Cương đã ra trường mất rồi.
Bây giờ, ổ khóa nhìn thấy một anh lính trẻ, mặc quân phục xanh lè, ba lô lộn ngược, đầu mũ cối, chân dép cao su. Mắt anh lính trống chếch một nỗi buồn vô tận. Cái ổ khóa muốn an ủi, nhưng anh chẳng nghe được và chẳng hiểu được lời nó nói. Ổ khóa nhìn anh cứ toan gõ cửa rồi lại thôi, sau cùng anh phì phèo châm điếu thuốc.
Chỉ có cây bàng là tròn xoe năm tán lá, trăm mắt biếc âu yếm nhìn cậu trò nhỏ ngày nào.
Điếu thuốc hút không mất nhiều thời gian, nhưng cái ổ khóa lại cảm thấy thời gian điếu thuốc tàn hẳn dài đằng đẵng. Nó ngó anh lính trẻ lấy từ ba lô ra một phong thư, ước chừng dày lắm, phong bì ngả vàng. Có địa chỉ người gửi người nhận đàng hoàng. Nhưng mà phong thư lem luốc lắm. Có những vệt đen như than. Lại có những đốm tròn nâu sẫm loang lổ, với những tua sẫm màu li ta li ti bắn tóe ra bốn phương tám hướng.
Thư dán tem đàng hoàng.
Cái ổ khóa nhích cái thân rỉ hoen, để anh lính nhét thư qua khe cửa.
Nó nghe thấy "phịch" một tiếng. Hẳn là ở trỏng bụi mù đang bay múa tưng bừng. Còn anh lính thì giơ tay chào kiểu nhà binh, quay lưng đi mất, mỗi bước chân dài gấp rưỡi người thường.
Cây bàng lao xao tán lá. Nó hỏi:
- Ổ khóa này!
- Gì thế? - ổ khóa chăm chăm nhìn theo cái bóng ba lô xanh ngăn ngắt vừa mất hút, hỏi.
- Anh đọc thấy tên người gửi trên phong bì thư không?
- Hình như là Hoài Thương thì phải, - ổ khóa chợt nói: - Mà bàng này, anh biết chú lính ấy à?
Cây bàng lao xao:
- Biết chứ, là thằng Cương học trò thầy Quân hồi trước. Nghe đâu được đi Moskva, nhưng nó không đi, rồi nhập ngũ cùng đợt với cô Hoài Thương con gái thầy. Hồi trước Cương nó giỏi Toán lắm.
Ổ khóa nói:
- Thầy Quân đi đánh giặc cũng lâu rồi nhỉ?
Cây bàng nói:
- Cô Hoài Thương hy sinh cũng lâu rồi nhỉ?
Chúng nhìn nhau và im lặng. Cô Hoài Thương đẹp người đẹp nết, lại học giỏi, học trò thầy chỉ cần là trai thì đứa nào cũng mê. Cũng mấy bận các ông tướng tán tỉnh, cuối cùng Hoài Thương lại yêu anh học trò Cương ngoan ngoãn, hiền lành, nền nếp, chẳng biết nịnh nọt, tán gái là gì. Thầy biết, cấm tiệt hẹn hò, vậy mà cô Hoài Thương vẫn lẻn đi gặp anh cho bằng được.
Cô Hoài Thương hy sinh bốn năm về trước. Thầy không biết, thầy vẫn đang cầm súng ở một chiến trường nào đó xa xôi.
Thầy vẫn viết thư hộ những anh bạn không biết chữ những lời hỏi thăm gia đình.
Thầy vẫn dạy chữ cho bạn những đêm nằm bên nhau trong rét mướt.
Thầy vẫn hành quân, vẫn luồn rừng. Vẫn dạy học. Kể cả lúc cô Hoài Thương hy sinh.
.3.
Chỉ có người đưa thư là biết được thôi.
Cương không mặc quân phục nữa, đeo lên người cái túi cói, đi phát thư khắp xó xỉnh Hà Nội.
Mỗi tháng một lần, anh tìm đến nhà thầy Quân, mang theo những lá thư của những học trò thầy đến từ khắp mọi miền. Ngoài thư có cả điện báo. Có những phong thư rất dày, những con tem rất lạ. Có những lá thư mỏng quá, dấu tay nhọ nhem in nhòe cả nền giấy nâu nâu. Có bức điện báo ngắn tũn.
Thư có đủ mọi thứ. Gió Lào. Bom rơi. Tuyết đổ. Nắng cháy. Mưa dầm. Nhà thầy Quân vẫn im lìm, còn cái ô khóa rỉ hoen, cứ lặng lẽ nhích ra cho thư chui vào khe cửa.
Vẫn tiếng "phịch" làm tung đám bụi, nhưng tiếng càng lúc càng nhẹ hơn. Hẳn là đống thư đã rơi chồng lên nhau.
Anh Cương không chào kiểu nhà binh nữa. Anh vòng tay chào như cậu trò nhỏ. Rồi anh đi, với một bên mắt bị hỏng, mắt còn lại lúc tỏ lúc mờ. Đi trong mơ hồ, nhìn trong tưởng tượng, ấy vậy mà bao năm trời không mất một phong thư.
Lạ làm sao, anh nhận ra đâu là những lá thư gửi thầy để xếp riêng ra. Mỗi tháng, anh đến nhà thăm thầy, nhét thư qua khe cửa.
Thầy chẳng về nữa.
Thầy nằm ở ngôi mồ viễn xứ nào đó rải rác biên cương. Để địch không phát hiện, bạn thầy chôn không đắp mộ, chỉ chôn bằng phẳng mà thôi.
Vợ thầy từ ngày Hoài Thương hy sinh đã đi bước nữa. Nhưng có liên quan gì Cương đâu. Cương chỉ nhớ được lúc ôm Hoài Thương lần cuối. Máu đỏ, ngực trinh nguyên. Mắt em sáng rực, lời nói bỏ ngỏ.
Môi em, nửa nụ cười.
Cương mến Hoài Thương như một người em gái. Đến lúc em mất, Cương vẫn ngây thơ không hiểu lời em định nói. Mãi đến giờ, Cương vẫn chưa hiểu ra, hay đúng hơn là không muốn hiểu, vẩn vương mãi trong lòng nỗi tiếc hận của đời trai.
Cây bàng tròn xoe năm tán lá, tựa như đang mơ thấy cảnh cô Hoài Thương bạo dạn nắm tay Cương năm nào.
Ổ khóa thấp khớp đau ê ẩm, vậy mà mỗi lần Cương đến, lại cố gắng nhích người lên.
Thầy không đọc được thư nữa. Cây bàng và ổ khóa biết. Cương biết. Thầy đã mất rồi.
Thầy cũng không đọc được lời con gái thiết tha lần cuối. Cương cũng phải đến bốn năm sau ngày em mất, mới có cơ hội mang thư về cho thầy.
Thầy và em, hai người đã đến một nơi rất xa. Cương còn sống, phải tiếp tục cuộc sống của mình.
.4.
Thầy Quân nằm bên đồng đội, trước cửa nhà sàn, nhìn ánh trăng chiếu xuyên tán lá thành vô vàn mảnh tranh sáng tranh tối.
Bên cạnh thầy, anh bạn ê a đọc từng chữ thầy dạy hôm trước.
Bên bếp lửa, cô du kích ngồi soi từng chữ thầy viết cho trên trang giấy, đọc ngâm nga. Một anh khác, lẩm nhẩm những phép tính toán thầy dạy, viết trên tờ giấy nâu nâu, cũ nhàu.
Ở đâu đi nữa, thầy Quân vẫn nhớ mình là một thầy giáo. Mà là thầy giáo thì phải trọn đạo làm thầy.
Thầy vẫn dạy học, dù mới qua trận giặc càn.
Thầy vẫn dạy học, dẫu là lúc nhìn đầu súng treo trăng.
Chỉ nghỉ ở đây một buổi ngắn ngủi, thầy vẫn dạy cho lũ trẻ con trong bản.
Dẫu chẳng biết ngày mai có còn sống, thầy vẫn dạy đồng đội làm tính, ngâm nga đôi câu thơ con cóc mà đám dân toán nghĩ ra cho dễ thuộc bài.
Thầy vẫn dạy.
Dạy học như là máu chảy trong huyết quản của thầy, thầy không bỏ được cái thiên mệnh cao cả đó. Lúc trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy.
Thầy Quân nằm lại ở một vùng biên giới. Sau những trận mệt, thầy nằm ngắm trăng, lại nhớ tới con gái Hoài Thương đẹp như ánh trăng rằm. Rồi tự dưng thầy nhớ tới thằng Cương, cái đứa học trò mà thầy cưng nhất, bởi nó học giỏi nhất, cũng ngoan hiền, lễ phép nhất. Thầy nhớ lần mình bắt gặp con gái mình, bạo dạn nắm tay thằng Cương trước cổng nhà. Thầy phì cười thầm, cấm con bé và thằng Cương qua lại lung tung. Cái Hoài Thương cũng chẳng vừa, những buổi đi học, nó vẫn tranh thủ chạy từ khối lớp này sang khối lớp khác, cho thằng Cương khi thì quyển vở, lúc là cái bánh giày.
Thầy có ghen tị với tình yêu trẻ con của chúng nó. Vợ thầy ngày xưa đến lúc lấy mới biết mặt, ông bà bảo cưới sớm cho thầy bớt lông bông. Có vợ rồi, thầy vẫn cắp sách đến trường. Bạn học nói cái mặt mày tư sản quá, thầy xởi lởi, nhưng tao đâu có nô dịch gì chúng mày.
Trước lúc ngủ say, thầy tự hỏi, chẳng biết lũ học trò bây giờ thế nào rồi. Đi đến đâu thầy có học trò đến đó. Một ngày dạy là thầy. Nửa ngày dạy, cũng là thầy. Ấy vậy mà thầy đột nhiên nhớ tới những ngày ở Hà Nội, lứa cuối cùng thầy dạy có thằng Cương, giàu ước mơ, nhiều hoài bão.
Những buổi chiều, chúng nó mang sách vở kéo đến nhà thầy, nép nhau truyền chút hơi ấm ngồi học bài. Cây bàng im lìm ngoài cửa, bao tháng ngày ngắm từng lứa học sinh đến nhà thầy rồi đi xa.
Học trò thầy, giờ tản về muôn nẻo. Cũng có nhiều đứa, đã thành người thiên cổ cả rồi. Ở những vùng xa xôi. Gió Lào. Đạn giật. Bom rơi. Từng tiếng ù ù rơi như tiếng gió lạnh đầu mùa dạo còn cặp sách, ru học trò thầy về giấc mộng ngày xanh.
Thầy tò mò lắm. Chúng nó mơ những gì?
Hẳn là mơ ngày giải phóng. Hẳn là mơ tuổi ấu thơ.
Còn thầy, giờ thầy cũng mơ.
Thầy mơ căn nhà góc phố. Cây bàng tự tay thầy trồng lúc nhỏ. Tiếng học trò ríu rít nói cười. Con bé Hoài Thương nắm tay thằng Cương trước ngõ.
Phải rồi, nếu mà thầy về, nếu mà con bé và thằng trò cưng cũng về, thầy sẽ gả con bé cho nó. Ba người nhà thầy sẽ sống chung với nhau ở căn nhà có cây bàng, đi ra ngoài sẽ khóa cái ổ khóa bằng đồng thiệt là kỹ.
Thầy vẫn sẽ dạy học.
Hoài Thương vẫn sẽ dạy học.
Thằng Cương vẫn sẽ dạy học.
Thầy mỉm cười, mơ trong mình giấc mộng của ngày xanh. Anh bạn nhìn thầy, đọc những dòng chữ ê a thầy mới gắng mệt để dạy, nước mắt chảy ròng ròng.
.5.
Người đưa thư không đến nữa.
Cây bàng vẫn ở đó. Cái ổ khóa vẫn ở đó. Nhưng những phong thư hàng tháng thì không còn.
Cương gục xuống trước cửa nhà thầy cách đây ba tháng. Người ta đưa anh vô bệnh xá. Anh đổ bệnh vài tuần rồi đi.
Những phong thư ngày ấy, tung tóe trên nền đất lạnh ngắt tiết trời đông. Cây bàng in lên nền rời những ngón tay xương xẩu. Ổ khóa nằm chơi vơi giữa cánh cửa đen ngòm.
Anh không đến nữa. Vì anh đã gặp lại thầy và Hoài Thương.
Còn cây bàng và ổ khóa vẫn im lìm đếm tháng đếm ngày. Chúng thân nhau hơn, nhưng không nói với nhau nhiều nữa. Có những nỗi niềm, dẫu không nói ra nhưng có thể tự hiểu nhau thành lời.
.6.
Căn nhà nằm ở cuối phố, lợp mái ngói, có hai tầng.
Và có chủ mới. Một cô nhà văn mới ra trường, cũng có vài truyện ngắn đầu tay đăng trên báo, gây được vài tiếng vang nho nhỏ.
Ngay khi cánh cửa mở ra, cô ngỡ mình thấy một biển bụi. Ừ, thì là biển bụi đó, nhưng trước mắt cô gái trẻ là những phong thư nằm trên lớp bụi lưu niên.
Cả buổi tối, đến tận sáng hôm sau, cô nhà văn ngồi đọc thư.
Rồi cô viết. Cây bàng rủ rỉ kể cho ổ khóa.
Mấy năm sau, mấy năm sau nữa, cô nhà văn vẫn ở nhà, vẫn viết văn.
Lúc cô mất, người ta thấy cô gối đầu lên tập bản thảo, nằm như nàng công chúa ngủ quên. Chiếc tủ cạnh đầu giường là những chồng thư tay xếp gọn.
Người ta đọc tập viết của cô.
.7.
Chuyện kể của những lá thư học trò...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro