Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 1: Ô Y 1

Câu chuyện phù sinh 2

Tác giả: Sa La Song Thọ

Dịch: Quá khứ chậm rãi

Phần 1: Ô Y

Chương 1: Ô Y 1

Tôi là một yêu cây, sinh ra giữa bầu trời đầy tuyết tháng mười hai trên đỉnh núi Phù Lung, và đã kết hôn.

Tòa trạch viện có hoa cỏ trước mắt là một cửa hàng nhỏ mà tôi mưu sinh, mang cái tên kỳ lạ "Bất Đình"*.

*Bất Đình (不停) nghĩa là không dừng lại.

Nằm trong một con hẻm tĩnh lặng, cách đường chính chỉ vài phút đi bộ, bên ngoài là một con phố nhộn nhịp. Tôi chọn nơi này vì thích sự yên tĩnh giữa sự huyên náo. Như vậy, cuộc sống của một yêu cây như tôi có thể không ngừng chuyển mình, từ tĩnh sang động, rồi lại trở về tĩnh, sắc màu đủ loại. Nếu trời đẹp, nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi có thể thấy những ráng mây chiều hay những vì sao lấp lánh, cùng những người đi lại, những sinh vật muôn màu muôn vẻ. Tôi thích ngồi uống trà, vừa nhấm nháp vừa quan sát từng gương mặt, trong đó đều ẩn giấu những điều thú vị, có thể cố ý, có thể vô tình.

Bất Đình từng là một cửa hàng bánh ngọt, nhưng khách hàng đến đây không chỉ để thưởng thức những món ngọt đáng yêu mà còn để uống một tách trà mang tên Phù Sinh.

Trà này rất đắng, hiếm ai chịu nổi, những người từng nếm qua thường cau mày, nhưng lại mê mẩn bởi cuối cùng, tách trà sẽ giúp họ giải tỏa những khúc mắc trong lòng.

Bất Đình của tôi đã hoạt động hơn một trăm năm, nhưng mùa đông năm đó, chúng tôi đã đóng cửa và tuyên bố rằng cửa hàng đồ ngọt Bất Đình sẽ mãi mãi đóng cửa. Tôi muốn kết hôn, gả cho một con rồng phản nghịch từ Đông Hải Long Tộc. Tôi muốn rửa tay gác kiếm, tận hưởng tuần trăng mật khắp thế giới, không còn nghe câu chuyện của người khác nữa, mà chỉ muốn viết nên câu chuyện của riêng mình.

Thời gian trôi qua thật nhanh, vừa như chậm rãi. Một năm trôi qua, tôi đã hưởng thụ những ngọt ngào và vui vẻ trong tuần trăng mật, nhưng bất ngờ, tôi lại cảm thấy nhớ nhà.

Bất Đình là tổ ấm của tôi, nơi tôi luôn cảm thấy lưu luyến giữa dòng đời hồng trần này.

Vì vậy, tôi quyết định trở về.

Năm tháng qua đi, những ân oán thị phi khiến cửa hàng nhỏ của tôi trở nên tang thương cũ kỹ. Tôi mất nhiều thời gian để dọn dẹp và sửa chữa mọi thứ. Tất nhiên, tôi còn nhờ mấy tên khổ sai miễn phí đến giúp đỡ.

Con mèo yêu tên Huyền giúp tôi đuổi hết lũ chuột gián; Hồ ly A Thấu giúp tôi sửa sang lại vườn hoa và trồng thêm rau (trồng hành); Cốt Vô Danh, với sức mạnh của một Cốt yêu, đảm nhiệm những việc nặng nhọc như sửa ngói và lấp lỗ hổng. Còn vị đồng đảng nổi tiếng của tôi, tiên quân từng làm tiên quan cất rượu trên thiên giới - Cửu Quyết, hăng hái sắp xếp phòng trống và đồ đạc trong nhà. Anh ta không chỉ treo những màn lụa đầy nghệ thuật khắp nơi mà còn biến quầy tiếp đón thành một quầy bar, khiến anh ta tự mãn vô cùng. Nếu không phải vì anh ta phục vụ miễn phí, tôi đã muốn dùng những cái màn lụa đó để biến anh ta thành xác ướp, gửi đi một nơi không trở lại.

Tôi từng nói, cửa hàng đồ ngọt Bất Đình đã mãi mãi đóng cửa rồi nhỉ. Giờ đây, tôi đứng ở cửa, cầm một cây chổi lông gà nhẹ nhàng quét những chiếc đèn lồng treo trước nhà. Ánh sáng cuối cùng của mùa đông xuyên qua, nhìn xa như một mảnh mông lung mờ ảo, như những đám khói tản ra giữa không khí; nhìn gần lại giống như lớp vải sa mỏng phủ lên tấm chiếu trúc. Giữa không trung, tia sáng như được cắt xén sau cơn mưa, dịu dàng ôm trọn, tạo thành những đường cong lung linh huyền ảo, quả thực là một món đồ tinh xảo.

Loại vải này tôi biết, nó tên là "Lụa Nhuyễn Yên", một loại vải dệt quý giá. Thời xưa, các nhà phú quý thường dùng nó để may áo quần, nhưng tôi chưa từng nghe nói có ai làm đèn lồng từ nó cả. Nguyên nhân rất đơn giản, vì nó quá dễ cháy.

Thế mà tôi lại nhận được món quà như vậy, một chiếc đèn lồng làm bằng Lụa Nhuyễn Yên. Nó không chỉ được dệt bằng lớp vải sa tinh xảo với trình độ thủ công tuyệt mỹ, mà còn được viết chữ bằng mực đen. Một mặt có hai chữ "Bất Đình" lớn, mặt còn lại viết bốn hàng chữ:

Dừng chân uống chung trà

Một đêm mộng phù sinh

Đi đây đừng có hỏi han

Mây kia trắng xóa chẳng tan bao giờ.

Cho đến nay, tôi vẫn không thể đoán ra ai lại có nhã hứng cải biên thơ của Vương Duy. Sự xuất hiện của chiếc đèn lồng cũng thật kỳ quặc. Hôm đó, khi Bất Đình đã dọn dẹp xong xuôi, tôi ra ngoài vứt rác thì thấy nó nằm trước cửa, không có hộp đựng nào, chỉ có mấy chữ viết tệ hại dán bên trên: "Chúc mừng ngày Bất Đình kinh doanh trở lại." mà không ký tên. Món quà vô duyên vô cớ được tặng, sao lại không nhận? Huống hồ, tôi rất thích những câu chữ ấy, đọc một lần đã thấy thích.

Thực ra trước khi chiếc đèn lồng này xuất hiện, tôi chưa từng nghĩ đến việc kinh doanh gì cả. Trong lúc vui vẻ treo chiếc đèn lồng lên mái hiên nhà, tôi đột nhiên quyết định, từ hôm nay tiệm bánh ngọt Bất Đình chính thức đổi thành "quán trọ Bất Đình."

Trước đây tôi từng nói, tôi cứ chạy mãi không ngừng, luôn tìm kiếm một nơi để dừng chân. Bây giờ tôi đã tìm thấy nơi ấy và đã dừng lại rồi. Nhưng trên đời này có rất nhiều người vẫn đang bôn ba tìm kiếm giống như tôi. Họ có thể cảm thấy vội vàng, mệt mỏi, có thể bị thương, hoặc chịu đựng những điều đó mà không có chốn dung thân.

Vì thế trước khi họ bằng lòng dừng chân, hoặc có thể nghỉ ngơi tại quán trọ của tôi trong chốc lát, rồi lại tiếp tục lên đường.

Dù sao đi nữa thì không thể thiếu một xu tiền trọ nào. Quy tắc cũ là tôi chỉ nhận vàng, vàng bốn số chín!

Thế là, yêu cây tôi lại trở thành bà chủ của quán trọ Bất Đình. Cứ như vậy, ở cuối con hẻm vắng trong mùa đông lạnh lẽo mù mịt, tôi âm thầm khai trương...

*

Tôi rất tức giận! Thực sự là vô cùng tức giận! Cái chổi lông gà cầm trong tay tôi đã không biết bao lần muốn quét cái tên nhóc đang ngồi nhơ nhởn trên con Robot hút bụi đằng kia. Cái tên nhóc toàn thân vảy tím, cái đuôi dài chưa đầy hai tấc, là một con rồng mập mạp phúng phính.

Lần này anh ta lại tiếp tục dùng tiền của tôi để săn đồ trên mạng! Còn mua tận bốn cái đĩa bay bóng loáng, thực ra chỉ là mấy con Robot hút bụi mà đến cái vỏ hạt dưa cũng không thể xử lý được. Chỉ vì tôi đã cảnh cáo anh ta rằng, nếu muốn ở lại trong tiệm của tôi thì phải cố gắng làm việc, ít nhất mỗi ngày đều phải quét nhà! Kết quả là anh lại biến việc ngồi trên con Robot hút bụi, di chuyển khắp nơi trong nhà, thành trò giải trí lớn nhất trong hai ngày này.

Tuy rằng tôi rất tức giận, tuy rằng không muốn nhắc nhiều đến anh ta, nhưng tôi là một yêu quái thành thực. Con rồng có hình dáng trẻ con trước mặt tôi là chồng tôi, Ngao Sí.

Dù trước đây anh ta không có bộ dạng ngốc nghếch này, Đông Hải long tộc khi trưởng thành phần lớn đều hóa thành tuấn nam mỹ nữ. Ngao Sí là đích tôn của Đông Hải long vương, đương nhiên cũng nổi bật trong số đó. Anh ta từng ngọc thụ lâm phong, kiêu ngạo ngang ngược, cộng thêm những ân oán thù hận với tôi, đủ để viết thành một cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên không lâu trước đây tôi gặp phải một sự cố. Để cứu tôi, long châu trong người anh gặp vấn đề khiến pháp lực của anh biến mất hoàn toàn, thân thể cũng bị biến thành hình dáng trẻ con này. Nghe nói, tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất một năm. Vậy nên, ý nghĩa tồn tại bây giờ của anh chỉ là dựa dẫm vào tôi, ở Bất Đình, mỗi ngày rảnh rỗi, chọc tôi tức điên, mà anh lại thấy đó là chuyện hiển nhiên.

Tuy tức giận, nhưng bây giờ tôi vẫn phải cười như hoa nở. Chuyện trong nhà không nên ảnh hưởng đến công việc, đó là nguyên tắc. Trước mặt khách, bà chủ mãi mãi phải giữ dáng vẻ tựa như cơn gió xuân phớt qua mặt, nhàn tản trấn tỉnh, như thế mới gọi là chuyên nghiệp. Vì vậy tôi đặt chổi lông gà xuống, lập tức làm ra dáng vẻ bình thản.

Tôi đứng trước quầy, mỉm cười viết mẫu đăng ký cho vị người đàn ông trẻ tuổi mặc đồ đen từ đầu đến chân trước mắt. Trong lúc đăng ký tôi liếc mắt đánh giá anh ta vài lần.

Thời tiết tháng một, thành phố này đã rất lạnh, mà anh ta lại mặc đồ mỏng manh, áo đen quần đen, giày đen tất đen. Khuôn mặt trắng trẻo còn mang thêm chiếc kính đen, nếu tắt đèn đi thì chỉ e rằng sẽ không thấy anh ta nữa.

Anh ta bước vào Bất Đình khi màn đêm vừa buông xuống, trên người vẫn còn vương khí lạnh, phải rất lâu mới tan đi. Trên tay anh ta xách theo một chiếc rương cũ kỹ khiến anh ta trông vừa cô độc vừa khắc khổ. Người như thế này không biết có vàng cho tôi không...

Quả nhiên, sau khi làm xong thủ tục đăng ký, đến lúc lấy tiền đặt cọc, người đàn ông ít nói ấy đột nhiên mở miệng: "Tôi từng nghe nói về cô rồi, yêu cây Sa La."

"Ồ, thế nào. Nhưng điều đó không thể trở thành lý do để miễn phí tiền phòng được." Tôi cười mỉm, đưa biên lai tiền cọc cho anh ta: "Tôi chỉ nhận vàng, con số đã ghi rõ rồi, cảm ơn."

"Đèn lồng trước cửa rất đặc biệt, nhất là trong đêm, nó trông giống như một bầu trời ấm áp." Anh ta không nhận biên lai, chậm rãi nói: "Bất Đình, đúng là một nơi rất tốt."

"Giả vờ văn nghệ cũng không thể giảm giá!" Tôi tiếp tục cười mỉm: "Vàng, cảm ơn."

"Tôi có thể đợi đến lúc rời đi mới đưa không?" Cuối cùng, anh ta cũng trở nên thẳng thắn: "Hay là tôi dùng thứ khác để đặt cọc."

"Cái rương của anh trông có vẻ không đáng giá lắm." Tôi liếc nhìn cái rương của anh ta, màu sắc cũ kỹ, hỗn tạp, trông thật thảm hại.

"Không phải nó." Người đàn ông cười, nắm chặt cái gương hơn: "Đợi lúc cô hết bận hãy đến phòng tôi."

Tôi vội liếc mắt sang bên cạnh, thấy Ngao Sí trước đó vì quá tập trung vào việc chơi với Robot hút bụi, giờ đây đã nằm ngáy khò khò bên lò sưởi mới thở phào nhẹ nhõm. Nếu để cái hũ giấm kia phát hiện một người đàn ông không quá khó coi nói với tôi những lời như vậy, e là anh sẽ ném con Robot hút bụi vào mặt anh ta mất...

"Xin lỗi, tôi là người lương thiện, không muốn có bất kỳ quan hệ bất hợp pháp nào với khách." Tôi hắng giọng: "Nếu như anh không tôn trọng quy tắc của tôi thì Bất Đình không phải là nơi anh nên ở."

Anh ta bật cười: "Ý của tôi là nghe nói cô rất thích nghe kể chuyện, tôi có thể dùng một câu chuyện để làm tiền cọc được không? Tất nhiên, nếu cô cảm thấy đến phòng tôi không tiện thì chúng tôi có thể chọn một nơi khác."

Tôi ngường ngùng nhướng mày không nói gì thêm, đưa biên lai đẩy ra trước mặt anh ta: "Ký tên và đóng dấu tay!" Đây là quy tắc của tôi. Cuối biên lại là dấu vân tay và chữ ký của khách. Như vậy dù chạy trốn nhân lúc tôi chưa tỉnh dậy thì tôi cũng có thể tìm ra phương hướng của họ qua dấu vân tay. Dù là chân trời góc bể, người thiếu nợ chắc chắn phải trả! Đó là sự quật cường và cố chấp của yêu cây tôi đây!

Khi anh ta cầm bút lên, động tác có hơi lúng túng. Tôi là một yêu cây tinh mắt, bất cứ chi tiết nào đối với tôi cũng ẩn chứa cả một thế giới.

"Anh không nhìn thấy sao?" Tôi nhìn chiếc kính đen trên mắt anh ta, bên trên là khuôn mặt có phần kinh ngạc của tôi.

"Tôi nghĩ cô vừa nhìn thấy đã phát hiện rồi." Anh ta cười, đưa biên lai đã ký xong trả lại cho tôi: "Đúng, tôi không nhìn thấy gì cả." Tôi không trả lời, ngẩng đầu nhìn trần nhà hét một tiếng: "Người giấy Nhi! Còn không nhanh xuống đây đưa khách đi xem phòng!"

Một người giấy cao không quá ba tấc nhảy từ trên trần nhà xuống, rơi trên quầy, cất giọng lanh lảnh nói: "Đi theo ta!" Nói rồi, bay lên không trung, vừa bay vừa quay đầu nói với người đàn ông kia: "Anh đẹp trai, nếu muốn nước nóng thì tìm bà chủ nhé! Bồn cầu bị kẹt thì tìm bà chủ nhé! Không lên mạng được thì tìm bà chủ nhé! Chắc chắn là cô ấy chưa trả tiền mạng! Còn nữa, tiền boa tôi đưa anh đi nữa!"

Một cây trâm cài đầu sáng bóng từ trong tay tôi bay ra, trực tiếp đâm vào mông của Người giấy. Nó "Ai da" một tiếng, vừa nhổ chiếc trâm ra vừa hét lên với tôi: "Cô còn ngược đãi nhân viên nữa thì tôi sẽ đến cục lao động tố cáo đó!"

Tôi cầm máy bật lửa lên, tung lên mấy lần, không nói gì thêm.

Người giấy rất thích tiền boa, nhưng lại sợ lửa, câu cửa miệng của nó là "Mẹ nó bật lửa là thứ đáng ghét nhất!"

Một yêu cây mở khách trạm, bên trong chắc chắn không thể có nhân viên bình thường. Trước đây, nhân viên của tôi là tên mập và tên gầy, nhưng giờ họ không còn nữa. Trước khi tìm được nhân viên mới, Người giấy miễn cưỡng trở thành một trong những người giúp việc của tôi. Nó chỉ có sở thích bát quái, nhìn trộm và nói xấu tôi, chứ chẳng có tài năng gì khác. Khi nó không nghe lời, tôi thường dùng bật lửa uy hiếp, hoặc biến nó thành bookmart, kẹt vào trang cuối cùng của từ điển Khang Hy. Về lai lịch của nó, tôi đã ghi rất tường tận trong hồ sơ nhân công tuyệt mật của Bất Đình. Nếu đã là tuyệt mật thì giờ không cần nhắc nhiều nữa. Tóm lại, Người giấy là một tiểu yêu quái chỉ có thể trưởng thành khi bị uy hiếp.

Đối với thứ đồ chơi không phải người như Người giấy, tên khách kia lại không hề kinh ngạc, mà trầm mặc đi theo nó vào phòng khách ở hậu viện.

Tôi luôn có dự cảm, khách đến Bất Đình đều không phải là người bình thường.

Biên lai của anh ta trải ra trước mặt tôi, bên trên là tên được ký ngay ngắn: Ô Y.

Vứt Ngao Sí đang ngủ say xưa lên giường anh ta, sau đó tôi quay lại quầy. Bất Đình không giống các khách trạm khác, không mở cửa suốt ngày mà đúng một giờ khuya sẽ đóng cửa. Thời gian mở cửa không cố định, tôi chỉ mở khi tỉnh dậy.

Vào khoảng một giờ kém năm, tôi ra ngoài đóng cửa. Giống như Ô Y đã nói, chiếc đèn lồng dưới mái nhà là ánh sáng duy nhất mang lại sự ấm áp trong đêm đông. Thực ra, trong đèn lồng không có bóng điện hay nến, cái gì cũng không có, nhưng nó cứ tự nhiên sáng lên như vậy. Ánh sáng nhàn nhạt chiếu rõ hai chữ "Bất Đình" trước cửa, khoảng cách phía trước như không còn ý nghĩa, dù có ở xa đến đâu cũng có thể nhìn thấy rõ ràng.

Tôi xoa hai tay bước vào, phát hiện Ô Y vẫn đang đứng trước quầy, trong tay cầm cái va li da rách.

Tôi vốn định đóng cửa đi tìm anh ta. Tiền cọc không quan trọng, chỉ là lâu rồi không nghe người khác kể chuyện. Huống hồ, anh ta còn là vị khách đầu tiên của khách trạm Bất Đình.

"Ngủ không được, có chút khát." anh ta không nhìn thấy, nhưng vẫn có thể xác định chính xác vị trí tôi đang đứng.

Tôi dắt anh ta đến đứng đối diện quầy lễ tân, nơi chiếc bàn gần cửa sổ, nói: "Nếu như anh không sợ mất ngủ, tôi có thể mời anh uống một tách trà." Tôi chỉ mở một bóng đèn, ánh sáng vừa đủ chiếu trên mặt bàn, còn có tách trà nóng hổi trên đó.

Anh ta nhấp một ngụm, quả nhiên cau mày nói: "Đắng."

"Không nhổ ra, anh cũng không tồi." Tôi cười nói, nâng ly của mình lên. Bên trong không phải trà mà là một ly sữa nóng, tôi là một yêu quái rất yêu bản thân, uống trà lúc nửa đêm chỉ dành cho người có tâm sự.

Anh ta lại uống thêm một ngụm, hỏi: "Trà này tên là gì? Tôi chưa từng uống ở nơi nào khác."

"Phù Sinh." Tôi trả lời: "Chỉ có Bất Đình mới có loại trà này thôi."

Anh ta như đang ngẫm nghĩ điều gì, rồi lại gật đầu, đặt tách trà xuống, đặt chiếc vali da mà anh ta vẫn luôn giữ không rời một tấc lên bàn, sau đó nghiêng mặt, đưa tai dán lên đó, cẩn thận lắng nghe.

Tôi lặng lẽ uống sữa và nhìn hành vi kỳ quái của anh ta.

"Mùa xuân đến rồi nhỉ?" anh ta đột nhiên ngẩng đầu, hỏi tôi một câu còn kỳ lạ hơn.

Bên ngoài cửa sổ, gió Bắc gào thét.

Tôi trả lời anh ta bằng một câu tục ngữ: "Mùa đông đến rồi, mùa xuân còn xa sao?"

Câu nói này khiến anh ta cảm thấy vui vẻ, giống như nhìn thấy một tia hy vọng nào đó ngay trước mắt.

Không khí bên ngoài lạnh giá, nhưng chúng tôi ở bên cửa sổ, nhờ có trà nóng và sữa nóng mà tạm thời quên đi sự hiện diện của mùa đông."

Mọi người đều nói, vị thợ may ở phố Hồng Hoa chỉ mặc áo quần màu đen. Vì sao vậy?"

"Sợ bẩn."

"Hi hi, anh với một nhóc trong phủ chúng tôi rất giống nhau, cô ấy cũng chỉ mặc áo quần màu đen thôi."

"Ừ."

"Anh là người Ích Châu sao, vì sao lại ở lại đây?"

"Có người cho tôi mượn một mái nhà, một ngọn đèn. Chúng tôi ngồi bên cánh cửa trò chuyện cả đêm về hoa mai và tuyết rơi. Đến khi trời sáng, tôi quyết định ở lại đây."

Anh ta di chuyển kéo trên tấm vải một cách thành thạo, trong âm thanh rẹt rẹt. Một cô gái mặc bộ áo quần a hoàn màu lam ngồi đối diện anh ta, che miệng cười, hỏi: "Đơn giản thế thôi sao?"

"Phải cần phức tạp lắm sao?" Anh ta chuyên tâm vào đôi tay mình, làm thế nào để biến một tấm vải bình thường thành một bộ áo quần đẹp là điều duy nhất anh ta quan tâm lúc này. Anh vốn là một người đơn giản như vậy.

Từ nơi này lưu lạc đến nơi khác, bước ra khỏi một nơi lập tức quên đi một nơi. Có lúc, anh cũng sẽ gặp được một vài người thú vị, cùng ngồi xuống uống vài chén trà, nói vài chuyện thường nhật, chưa từng hỏi lại lịch của đối phương, đến cái tên cũng không hỏi. Nếu có người khác hỏi anh, anh chỉ tùy tiện bịa ra một cái tên nào đó hoặc một đoạn quá khứ, vì khi trời sáng thì ai đi đường nấy, lời thật lòng hay giả dối cũng không còn quan trọng. Nhiều năm như vậy, anh đều sống như thế.

Ích Châu rất ít khi có tuyết rơi, nhưng năm nay lại là một ngoại lệ. Liên tiếp ba ngày, tuy không so sánh được với tuyết bay ở Bắc Quốc, nhưng vẫn khiến mái nhà và đường phố trở nên trắng xóa. Nhìn kỹ sẽ thấy trên ngọn cây có treo những tảng băng nhỏ. Nam nữ già trẻ đều vui vẻ: "Nhuệ tuyết triệu phong niên"*, trẻ nhỏ thì càng hưng phấn hơn, nghịch tuyết khắp nơi, kẻ nghịch ngợm thì ném tuyết vào người qua đường, còn người yên tĩnh thì đứng một bên tỉ mỉ đắp nên những người tuyết trắng xóa.

*Ý là tuyết mùa đông rơi đúng thời điểm báo hiệu một mùa màng bội thu.

Anh đứng trước phòng may, thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn mọi người và phong cảnh bên ngoài, mỉm cười rồi lại tiếp tục công việc.

Giờ này năm ngoái Ích Châu cũng có tuyết rơi, và anh bị trận tuyết ngăn lại ý định muốn tiến về phía trước.

Người lang thang dừng chân lại.

Vào một ngày nào đó sau trận tuyết rơi, trong thành Ích Châu lại có thêm một tiệm may nhỏ. Trên con phố mang tên phố Hồng Hoa, anh thuê một căn phòng nhỏ hẹp, dùng vải làm vách ngăn, một bên để ở, một bên để làm ăn. Anh dán hai chữ lớn "may áo quần" lên bức tường xám bên cạnh cửa ra vào, thậm chí còn không đặt tên cho tiệm.

Thời gian một năm trôi qua, con phố Hồng Hoa nhỏ hẹp vắng vẻ dần dần trở nên đông đúc. Người dân trong thành Ích Châu, nhất là những cô nương trẻ tuổi, bất kể xuất thân từ gia đình quyền quý hay bình dân đều đồn nhau rằng thợ may ở phố Hồng Hoa có tay nghề tốt nhất. Càng ngày càng nhiều cô nương mong muốn được thợ may ở phố Hồng Hoa làm cho một bộ áo quần.

Thật kỳ quái, thành Ích Châu phồn hoa như thế, tiệm may không hiếm, thậm chí còn nhiều hơn cả trăm tiệm.

Chỉ cần nhắc đến tiệm Cẩm Y Tú Lâu lớn nhất trên phố Tây, bên trong có thợ may tay nghề tinh xảo, chuyên may áo quần cho những vị quyền cao chức trọng. Nghe nói đến cả hoàng thân quốc thích trong thành Trường An cũng phái người đến đó đặt áo quần mới. Đây vốn là nơi đắt hàng nhất trong thành Ích Châu, nơi may mặc có quy mô lớn nhất, áo quần của cả nhà thích sử đại nhân đều được may ở Cẩm Y Tú Lâu.

Tuy nhiên, sau khi tiệm may nhỏ ở phố Hồng Hoa xuất hiện, sự độc tôn của Cẩm Y Tú Lâu dần dần bị phá vỡ.

Khách đến may đồ đều khen rằng áo quần anh làm vô cùng vừa vặn, đẹp đẽ, khoác lên người dù chỉ là một khuôn mặt tầm thường cũng đều có thể bừng sáng. Hơn nữa, tiền may lại rẻ. Đối với bất cứ ai làm kinh doanh thì việc khách đến nườm nượp rõ ràng là điều cầu mà không được. Nhưng quy tắc của anh lại rất cứng nhắc: một tháng chỉ làm một bộ áo quần. Dù những vị khách kia có dùng nhiều tiền thế nào, anh vẫn chỉ mỉm cười tiễn khách đi. Anh nói quy tắc là quy tắc, nếu dễ dàng phá vỡ thì cần gì phải có quy tắc.

Trong tay anh bây giờ là bộ áo quần thứ mười hai. Vào đầu tháng Giêng, vị đại tiểu thư của phủ Đông Thành Vương, con nhà phú hộ giàu nhất Ích Châu đã đặt một bộ áo quần. Một bộ áo quần phải may thật đẹp mới có thể giao hàng, hối thúc đúng là điều khó khăn đối với một người làm nghệ thuật như anh. Nhưng anh vẫn tiếp nhận đơn hàng này của tiểu thư nhà họ Vương.

Ngày đó, anh nâng tấm Nguyệt Hạ Cẩm Vân, đi một mình bên cửa sổ rất lâu, ngón tay nhẹ nhàng vân vê những hoa văn xinh đẹp trên đó. Tấm vải này được gọi là Nguyệt Hạ Cẩm Vân vì màu sắc của nó khác nhau giữa ban ngày và đêm. Ban ngày, nó chỉ là một tấm vải bình thường, màu sắc thậm chí có phần hơi đen, nhưng vào ban đêm, nó hiện ra ánh sáng trắng tựa ánh trăng, bên cạnh đó còn phát ra ánh hào quang nhàn nhạt. Nghe đồn, ai mặc nó vào người thì dù nhan sắc có tầm thường đến đâu cũng sẽ trở nên thanh khiết như ánh trăng, giống như thần tiên hạ phàm. Nhưng nhiều năm qua, Nguyệt Hạ Cẩm Vân chỉ là một lời đồn. Có người nói, đó không phải là thứ của nhân gian mà là bảo bối được dệt từ pháp lực của yêu quái, người phàm không có duyên gặp được nó. Chỉ sợ rằng truyền thuyết như vậy lan ra thì vô số thợ may sẽ đều muốn sở hữu nó, ai ngờ rằng thứ đồ như thần vật đó lại dễ dàng đặt ở trước mắt anh như thế.

Nếu đây đúng là đồ của tiểu thư nhà họ Vương, có lẽ cô ấy căn bản không hề biết rằng đây là thứ đồ chỉ nghe nói chứ khó mà gặp được. Cô chỉ coi đây như một tấm vải bình thường, tùy tiện đưa cho tiểu a hoàn của mình đi may mà thôi.

Trong bất kỳ thời đại nào, việc không biết nhìn hàng cũng là một sự tiếc nuối.

Anh khẳng định rằng người có được tấm Nguyệt Hạ Cẩm Vân này tuyệt đối không phải là tiểu thư nhà họ Vương. Lúc anh nhận đơn đặt hàng từ tiểu thư, hoàn toàn là vì người đến tìm anh.

Hôm đó trời mưa, khi cô vội vã chạy đến, toàn thân đều ướt sũng, giày mang dưới chân lấm lem bùn đất. Trong lòng cô ôm chặt một túi được gói cẩn thận bằng giấy dầu. Anh đang chăm chú túi áo quần vừa mới may xong, còn cô không bước vào trong mà chỉ rụt rè đứng trước cửa sổ. Cô đưa một ống tay áo lên, nhìn thì có vẻ như đang lau nước mưa, nhưng thực ra là muốn che mặt lại. Cô cẩn thận nói: "Ngài thợ may, tiểu thư nhà chúng tôi muốn may áo quần, trước Tết Thượng Nguyên phải hoàn thành."

Bàn tay lạnh ngắt như củ cà rốt run rẩy đưa chiếc túi vào trong cửa sổ.

"Vào trong rồi nói." Anh đặt bàn ủi xuống, nhìn người bên ngoài cửa sổ.

"Không cần đâu." Cô cố chấp nâng chiếc túi lên, nghiêng mặt qua một bên, né tránh ánh mắt của anh.

"Không nói cho tôi số đo của tiểu thư nhà cô, thì tôi làm sao may được?" Anh hờ hững nói.

Cô đỏ mặt trả lời: "Tiểu thư nhà tôi và tôi có số đo tương tự nhau."

"Nhưng tôi còn chưa thấy tướng mạo của cô." Anh mỉm cười: "Trên cửa chỉ thấy có nửa người của cô."

Cô ngập ngừng một hồi, dù vô cùng không tình nguyện nhưng dường như mong chờ điều gì đó, cô rụt rè bước vào, cúi đầu thấp đến mức không thể thấp hơn được nữa.

"Ngẩng đầu lên,không cần phải sợ hãi như thế, chỉ may áo quần thôi mà." Anh nói: "Cong người như thế thì tôi làm sao đo chính xác được."

Thực ra, anh may áo quần trước nay chưa bao giờ cần đo, chỉ cần nhìn lướt qua thân hình đối phương là đã biết rồi.

Cô đành nghe theo lời anh.

Ánh sáng trong phòng vừa đủ, anh đặt tận vài chiếc đèn, sáng như ban ngày, một chiếc kim cũng có thể nhìn thấy rõ ràng.

Áo quần anh làm được khách hàng hài lòng như thế, chỉ vì anh may rất chi tiết, kỹ càng và tỉ mỉ, hoặc có thể cộng thêm một chút thiên phú. Anh không có bất kỳ bí quyết gì.

Dưới ánh đèn sáng tỏ, sắc mặt cô không có nơi nào để che giấu. Đó là một khuôn mặt không có gì đặc biệt, thậm chí có thể nói là rất khó coi. Cô có đôi mắt nhỏ, mũi xẹp, tàn nhang đầy mặt, điều quan trọng là mắt trái của cô bị mù, bên đó trắng bệch không chút sức sống, hoàn toàn không đối xứng với mắt phải. Thân hình vừa thấp vừa gầy, không hề có dáng vẻ yêu kiều của thiếu nữ. Bộ áo quần đen khoác trên người dính đầy bùn đất, màu sắc u ám nặng nề giống như một đám mây đen bám trên người cô vậy.

Anh chỉ quan sát cô một lát, rồi thu ánh mắt lại, nói: "Được rồi."

Cô như được xá tội, lập tức muốn bỏ chạy.

"Đợi chút!" anh gọi cô lại, nhét vào tay cô một chiếc ô.

"Ngài thợ may..." Cô ấy đứng trước cửa, ôm chiếc ô, dường như muốn bước vào nhưng không dám.

"Cô tên là gì?" Anh hỏi, sắc mặt bình thản mà điềm đạm.

Cô ấy ấp úng trả lời: "Tiểu Khang..."

"Khang trong An Khang sao?"

"Không phải... là Khang trong tao khang..." giọng của cô nhỏ đến mức như muỗi kêu.

"Cái tên nghe rất đáng yêu." anh cười, nhìn ra ngoài cửa, nói: "Trời mưa đường trơn, đi đứng cẩn thận nhé. Tối trước Tết Thượng Nguyên Đăng, cô hãy đến lấy áo quần của tiểu thư nhà mình."

Cô ấy bừng tỉnh, chạy nhanh như thể đang trốn chạy.

Anh quay vào trong tiệm, nhìn túi mà cô đưa tới, bỗng thấy căng thẳng. Anh mở ra, thầm mong trong túi chỉ là một tấm vải bình thường.

Khi Nguyệt Hạ Cẩm Vân bày ra trước mắt, anh yên lặng dựa vào ghế, không biết là thất vọng hay bất lực.

Đến Ích Châu gần một năm rồi, đây là lần đầu tiên anh nhíu mày chặt như vậy.

"Nè nè! Ngài thợ may!" Tiểu a hoàn mặc áo quần màu lam thấy anh có vẻ thất thần, bèn nhắc nhở: "Bộ áo quần này, trước Tết Thượng Nguyên phải hoàn thành đó nha! Nếu không tiểu thư nhà tôi chắc chắn sẽ phạt ta!"

Anh thoát khỏi dòng hồi tưởng, gật đầu: "Ba ngày sau cô hãy đến lấy."

"Nhanh thế sao?!" Tiểu a hoàn vui vẻ hẳn lên, vỗ tay nói: "Vậy thì tiểu thư nhà tôi sẽ rất vui! Không ngờ anh lại nhận đơn hàng này và làm nhanh như vậy. Về nhà, tôi sẽ nói với tiểu thư tăng thêm tiền thưởng cho anh."

Anh chỉ cười mà không nói gì.

"Ôi chao, tôi phải nhanh về rồi, tiểu Khang còn đang đợi tôi mua thuốc. Ngài thợ may, anh thật tốt." Tiểu a hoàn nói một tràng, từ khi vào tiệm đã hỏi đông hỏi tây, giờ nhìn thấy sắc trời, lập tức nhảy cẩng lên rồi hoảng loạn chạy đi.

"Xin dừng bước." anh gọi cô lại: "Tiểu Khang cô nương trong phủ bệnh rồi sao?"

"Ấy, anh quen cô ấy sao?" Tiểu a hoàn hỏi ngược lại.

"Từng gặp một lần trên phố." anh nói cho qua.

"Cô ấy không bệnh, chỉ là bị đại tiểu thư đánh phạt một trăm trượng, còn thảm hơn cả bị bệnh." Tiểu a hoàn thở dài.

"Đánh phạt?" anh sững người: "Vì sao?"

"Hình như đại tiểu thư bị mất một chiếc vòng phỉ thúy, tìm khắp trong phủ mà không thấy. Có người nhìn thấy tiểu Khang bước vào khuê phòng của đại tiểu thư, vì thế đại tiểu thư đã bắt cô ấy tra hỏi. Nhưng tiểu Khang thà chết không nhận, nói mình không trộm đồ. Đại tiểu thư cũng hết cách, đánh cô một trăm gậy cho qua chuyện. Thật đáng thương, cô bị giày vò như vậy, giờ chỉ còn lại nửa cái mạng." Tiểu a hoàn càng nói càng buồn: "Tiểu Khang đến phủ mấy năm rồi, thân thể yếu ớt, dáng vẻ lại không dễ nhìn, luôn làm tạp dịch ở hậu viện, tính tình rất thành thực." Cô thấp giọng nói: "Đại tiểu thư tính khí kiêu ngạo, cổ quái, trong phủ không ít người vô duyên vô cớ bị cô ấy trách phạt. Không ngờ lần này đến lượt tiểu Khang chịu khổ."

"Ồ." anh gật đầu, lại hỏi: "Tết Thượng Nguyên trong phủ có lễ mừng gì không? Nếu không thì sao tiểu thư nhà cô lại gấp gáp may áo quần như vậy?"

"Không phải lễ mừng gì cả." Tiểu a hoàn nói nhanh: "Nghe nói Thích sử đại nhân và phu nhân của ông ấy muốn đến phủ chúng tôi ở vài ngày. Lão gia nhà chúng tôi hình như có quan hệ thân thích với họ. Cũng không biết họ đến để làm gì, nhưng trong phủ những ngày này đều đang chuẩn bị đón tiếp họ. Bận muốn chết luôn, ôi chao, không nói nữa, tôi thực sự phải đi rồi."

Sắc trời đã dần tối, mấy đứa trẻ vui chơi bên ngoài đã không còn bóng dáng, mọi người đều bị trận tuyết không ngừng rơi bên ngoài tiễn về nhà hết rồi.

Anh đóng cửa lại, không tiếp tục làm việc nữa, mà đi đến cạnh giường, lấy từ dưới gối ra Nguyệt Hạ Cẩm Vân được gói gém cẩn thận. Đến bây giờ, nó vẫn là một tấm vải nguyên, không bị anh cắt xén một phân nào.

Ngồi mãi đến khuya, anh đột nhiên đứng dậy, thổi hết đèn trong nhà, bước ra ngoài.

Tuyết rơi càng lúc càng lớn, đọng lại tầng tầng dày đặc trên mặt đất. Anh đi rất nhanh, như thể đang bay, đạp lên tuyết mà không để lại dấu chân.

"Có người, trong đó có người! Trong bức tường a! Tôi thấy có người bay ra từ trong bức tường! Là thần tiên sao! Không không, là yêu quái!"

Gã lang thang đầu óc không tỉnh táo, khắp người đều là bùn đất bị quan sai đưa đi, ngón tay dơ bẩn vừa kinh hãi vừa không cam tâm chỉ về phía con hẻm dần khuất xa ở căn nhà cũ nát trong con hẻm đó. Cư dân sống bên bờ Tần Hoài Nam, ai sẽ tin vào một gã đàn ông lang thang, lúc nào cũng say bét nhè? Con hẻm đó từng là doanh trại chuyên dụng của quân đội nước Ngô ở thành Thạch Đầu. Nhiều năm sau, không còn ai sống ở đó nữa. Quan phủ địa phương từng có ý định xây dựng sửa chữa lại để cho dân vào ở, nhưng vì kinh phí không đủ mà gác lại. Một lời đồn khác nói rằng có người trong đêm khuya từng nhìn thấy vong hồn của sĩ binh quá cố, mặc một bộ áo quần màu đen lượn lờ quanh đó, bóng đen này nối tiếp bóng đen khác. Nói tóm lại, con hẻm này ngoài gã ma rượu lang thang kia và ổ chuột ổ chim ra, thì hầu như không ai thèm để tâm đến nó.

Nói nơi này có thần tiên, chi bằng nói là gặp ma! Tiếng la hét của gã lang thang dần chìm trong tiếng gió lạnh của đêm, không ai tin những lời điên khùng của anh ta, bởi mọi người đều là người bình thường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #ngaoxi