Câu 8: Phân tích các phương thức quản lý CLGD?
1. Kiểm tra chất lượng
Là kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm sau khi sản xuất với các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn đã được tính toán, xây dựng từ khâu thiết kế, hoặc theo quy ước của hợp đồng nhằm ngăn chặn các sản phẩm lỗi hoặc loại bỏ theo các chuẩn mực chất lượng.
Là kiểm tra hoạt động của các bộ phận từ hành chính – tổ chức – nhân sự đến các quá trình sản xuất – cung ứng – tiêu dùng và hoạt động đáp ứng yêu cầu khách hàng, đây là việc kiểm tra một hệ thống nhằm đạt được mức độ chất lượng dự định.
2. Kiểm soát chất lượng
Kiểm soát chất lượng là hình thức quản lí chất lượng đã được sử dụng lâu đời nhất, được thực hiện ở khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất /đào tạo nhằm phát hiện và loại bỏ toàn bộ hay từng phần sản phẩm cuối cùng không đạt các chuẩn mực chất lượng (ví dụ không đạt các thông số kĩ thuật).
Đây là quá trình xảy ra sau khi sản phẩm đã được tạo ra, nên nếu loại bỏ hay làm lại các sản phẩm không đạt yêu cầu, đặc biệt khi mở rộng quy mô sản xuất, và vẫn không tránh được những lỗi, thiếu sót trong sản xuất sẽ dẫn đến lãng phí nguyên vật liệu, thời gian và công sức.
Là những hoạt động và kĩ thuật mang tính tác nghiệp được sử dụng để đáp ứng các yêu cầu chất lượng như: đo, xem xét, thử nghiệm, định cỡ một hay nhiều đặc tính của đối tượng và so sánh kết quả với yêu cầu với các chuẩn nhằm xác định sự phù hợp của mỗi đặc tính. Như vậy kiểm soát chỉ là một sự phân loại sản phẩm đã được chế tạo, một cách xử lí “chuyện đã rồi”
Là một quá trình kiểm tra một sản phẩm hay một dịch vụ, hoặc bất cứ bộ phận nào trong quá trình có liên quan đến việc sản xuất hay vận chuyển sản phẩm có đáp ứng được một tiêu chuẩn đã được định trước hay không và sẽ bị loại bỏ hay làm lại nếu như nó dưới chuẩn đó. Nó tập trung vào việc theo dõi lại các lỗi trong quá khứ.
Để kiểm soát chất lượng phải kiểm soát được mọi yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo ra chất lượng nhằm ngăn ngừa sản xuất ra sản phẩm khuyết tật. Bao gồm các yếu tố sau đây: con người; phương pháp và quá trình; đầu vào; thiết bị; môi trường…
Phù hợp quan niệm về kiểm soát chất lượng, chất lượng có thể được hiểu như sau:
– Đánh giá về mức độ mà các đặc điểm của sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu mà ngay từ đầu một quy trình sản suất đã quy định; hoặc:
– Mức độ mà một sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về các đặc điểm mà một sản phẩm phải có theo các tiêu chí cố định nào đó; hoặc:
– Đánh giá về mức độ mà một sản phẩm phải được các thanh tra viên chấp nhận.
3. Đảm bảo chất lượng
Đảm bảo chất lượng là mô hình quản lí hướng đến việc phòng chống những sai phạm có thể xảy ra ngay từ bước đầu tiên. Chất lượng của sản phẩm được quản lí ngay trong quá trình sản xuất ra nó từ khâu đầu đến khâu cuối theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đảm bảo không có sai phạm trong bất kì khâu nào.
Là một quá trình liên tục duy trì và cải tiến chất lượng theo cấu trúc hệ thống với công cụ quan trọng là tự đánh giá.
Là toàn bộ các hoạt động có tổ chức, có kế hoạch tiến hành trước và trong quá trình hoạt động nhằm tránh lỗi, và dựa rất nhiều vào việc công khai các hoạt động để khách hàng thỏa mãn các yêu cầu chất lượng.
Một hệ thống đảm bảo chất lượng hiệu quả có thể cho phép phòng tránh, tìm ra, và sửa các lỗi có thể xảy ra trong cả quá trình. Nó được thiết kế nhằm hỗ trợ một tổ chức đạt được các mục tiêu đã được đề ra.
Đảm bảo chất lượng là cấp độ quản lí chất lượng tiến bộ hơn kiểm soát chất lượng, được thực hiện trước và trong quá trình sản xuất nhằm phòng ngừa sự xuất hiện những sản phẩm có chất lượng thấp. Sản phẩm được thiết kế theo các chuẩn mực và mỗi người tham gia vào quá trình sản xuất đều có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Từ ý tưởng này, người ta quan tâm đến việc tạo nên một nền văn hoá chất lượng để những người trực tiếp làm ra sản phẩm luôn luôn tự nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng, biết cách làm thế nào để đạt được chất lượng cao hơn và tự mình mong muốn làm điều đó, hơn thế nữa còn tác động để người khác cùng làm tốt như hoặc làm tốt hơn bản thân họ.
4. Quản lý chất lượng tổng thể
Chất lượng không tự sinh ra cũng không phải là một kết quả ngẫu nhiên mà là kết quả của sự tác động của hàng loạt yếu tố, quá trình có liên quan chặt chẽ với nhau. Muốn đạt được chất lượng mong muốn cần phải quản lí một cách đúng đắn tổng thể các yếu tố, quá trình này.
QLCL tổng thể là cách tiếp cận về quản lí chất lượng ở mọi công đoạn nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả chung của doanh nghiệp hay của tổ chức.
Là phương pháp quản lí của một tổ chức, định hướng vào chất lượng, dựa trên sự tham gia của mọi thành viên và nhằm đem lại sự thành công dài hạn thông qua sự thoả mãn tối đa nhu cầu khách hàng và lợi ích của mọi thành viên của công ty đó cũng như của xã hội.
QLCL tổng thể là làm mọi việc đúng ngay từ đầu và đúng vào mọi thời điểm
QLCL tổng thể gắn liền với phát triển văn hóa tổ chức, mà ở đó mỗi thành viên mang lại niềm vui cho khách hàng, tổ chức được thiết kế theo cấu trúc hướng tới khách hàng
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro