Cau 5 CSVH
Câu 5: Nêu những nguyên tắc tổ chức nông thôn cổ truyền của người Việt.
Cuộc sống nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy, người nông dân Việt Nam phải liên kết với nhau, dựa vào nhau mà sống. Cho nên nét đặc trưng số một của làng xã Việt Nam là tính cộng đồng. Làng xã Việt Nam được tổ chức rất chặt chẽ, đồng thời theo nhiều nguyên tắc khác nhau.
+) Tổ chức nông thôn theo huyết thống: Gia đình và Gia tộc. Những người cùng quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị cơ sở là GIA ĐÌNH, và đơn vị cấu thành là GIA TỘC. Ở Việt Nam, làng và gia tộc (họ) nhiều khi đồng nhất với nhau. Trong làng, người Việt cho đến giờ vẫn thích sống theo lối đại gia đình. Sức mạnh gia tộc thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong họ có trách nhiệm cưu mang nhau về mặt vật chất, hỗ trợ nhau về trí tuệ, tinh thần, và dìu dắt nhau, làm chỗ dựa cho nhau về chính trị.
Quan hệ huyết thống là quan hệ theo hàng dọc, theo thời gian. Nó là cơ sở của tính tôn ti. Tính tôn ti dẫn đến mặt trái là óc gia trưởng. Tổ chức nông thôn huyết thống đi theo hướng này càng coi trọng vai trò của gia đình hạt nhân, nuôi dưỡng tính tư hữu.
+) Tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú: Xóm và Làng. Những người sông gần nhau có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau. Sản phẩm của lối liên kết này là khái niệm LÀNG, XÓM. Thứ nhất, để đối phó với môi trường tự nhiên, đáp ứng nhu cầu cần đông người của nghề trồng lúa nước mang tính thời vụ, người dân Việt Nam truyền thống không chỉ cần đẻ nhiều mà còn làm đổi công cho nhau. Thứ hai, để đối phó với môi trường xã hội (nạn trộm cướp...) cả làng phải hợp sức mới có hiệu quả. Chính vì vậy mà người Việt Nam liên kết với nhau chặt chẽ tới mức "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Nguyên tắc này bổ sung cho nguyên tắc "một giọt máu đào hơn ao nước lã": Người Việt Nam không thể thiếu được anh em họ hàng, nhưng đồng thời cũng không thể thiếu được bà con hàng xóm.
Cách tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú dựa trên quan hệ hàng ngang, theo không gian. Nó là nguồn gốc của tính dân chủ, bởi lẽ muốn giúp đỡ nhau, muốn có quan hệ lâu dài thì phải tôn trọng, bình đẳng với nhau. Đó là hình thức dân chủ sơ khai (nền dân chủ làng mạc). Trong lịch sử, nền dân chủ nông nghiệp này có trước nền dân chủ tư sản của phương Tây. Tính dân chủ bình đẳng kéo theo mặt trái là thói dựa dẫm, ỷ lại và thói hay đố kị, cào bằng.
+) Tổ chức nông thôn theo nghề nghiệp và sở thích: Phường, Hội. Trong một làng, phần lớn người dân đều làm nông nghiệp. Tuy nhiên nhiều làng có những bộ phận cư dân sinh sống bằng nghề khác. Họ liên kết chặt chẽ với nhau khiến cho nông thôn Việt Nam có thêm nguyên tắc tổ chức thứ ba là tổ chức theo nghề nghiệp tạo thành đơn vị gọi là PHƯỜNG.
Bên cạnh phường để liên kết những người cùng nghề, ở nông thôn Việt Nam và mở rộng ra là xã hội Việt Nam nói chung, còn có HỘI là tổ chức nhằm liên kết những người cùng sở thích, thú vui, đẳng cấp.
Phường và hội rất gần nhau, nhưng phường thì mang tính chất chuyên môn sâu hơn và bao giờ cũng giới hạn trong quy mô nhỏ.
Tổ chức theo nghề nghiệp và sở thích là sự liên kết theo chiều ngang, cho nên đặc trưng của nó là tính dân chủ - những người cùng phường hội có trách nhiệm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
+) Tổ chức nông thôn theo truyền thống nam giới: Giáp. Đây là hình thức tổ chức có lẽ xuất hiện muộn sau này. Nó tạo nên cái đơn vị gọi là GIÁP. Đứng đầu giáp là ông cai giáp (câu đương); giúp việc cho cai giáp là ông lềnh - lềnh nhất, lềnh hai, lềnh ba (từ chữ "lệnh" mà ra). Đặc điểm của giáp là: chỉ có đàn ông tham gia và mang tính chất "cha truyền con nối", cha ở giáp nào thì con cũng vào giáp ấy. Trong nội bộ giáp phân biệt ba lớp tuổi chủ yếu: ti ấu (từ nhỏ đến 18 tuổi), đinh (hoặc tráng) và lão.
Vinh dự tối cao của thành viên hàng giáp là lên lão. Thông thường tuối lên lão là 60. Tuy nhiên nhiều làng có lệ riêng, quy định tuổi lên lão là 55 hoặc 50 (thậm chí là 49). Lên lão là ngồi chiếu trên, được cả giáp, cả làng trọng vọng. Cách tố chức nông thôn theo "giáp" ra đời muộn, nhưng nó lại xây dựng trên nguyên tắc "trọng tuổi già" là truyền thống rất lâu đời.
Giáp là một tổ chức mang tính hai mặt - nó vừa được tổ chức theo chiều dọc (theo lớp tuổi), lại vừa được tổ chức theo chiều ngang (những người cùng làng). Cho nên, một mặt, giáp mang tính tôn ti, nó là một môi trường tiến thân bằng tuổi tác; mặt khác, giáp lại cũng có tính dân chủ, tất cả mọi thành viên cùng lớp tuổi đều bình đẳng như nhau, cứ đến tuổi ấy thì sẽ có địa vị ấy.
+) Tổ chức nông thôn theo đơn vị hành chính: THÔN và XÃ. Về mặt hành chính, làng được gọi là XÃ, xóm được gọi là THÔN. Trong xã, sự phân biệt rõ rệt nhất là phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư. Dân chính cư là dân gốc ở làng ấy; còn dân ngụ cư là dân từ nơi khác đến trú ngụ. Sự phân biệt này hết sức gắt gao: dân chính cư có đủ mọi quyền lợi, còn dân ngụ cư luôn bị khinh rẻ. Sự đối lập này là sản phẩm của cơ chế văn hoá nông nghiệp. Đó là một phương tiện duy trì sự ổn định của làng xã.
Dân chính cư trong xã chia làm 5 hạng:
+ Chức sắc: gồm những người đỗ đạt hoặc có phẩm hàm.
+ Chức dịch: gồm những người đang làm việc trong xã.
+ Lão: gồm những người thuộc hàng lão trong các giáp.
+ Đinh: gồm trai đinh trong các giáp.
+ Ti ấu: là hàng trẻ con của giáp.
Chính nhờ biết dựa vào giáp như một tổ chức truyền thống hoàn toàn tự nguyện và rất ổn định nên bộ máy hành chính của các làng xã Việt Nam cổ truyền rất gọn nhẹ.
Cách thức tổ chức bộ máy hành chính xã thôn Việt Nam như vậy đã được hình thành dần dần như một sản phẩm lịch sử của quá trình phát triển văn hoá dân tộc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro