Cau 4 CSVH
Câu 4: Giới thiệu tiến trình văn hoá Việt Nam và những đặc điểm cơ bản của từng giai đoạn. Tại sao nói giai đoạn văn hoá Văn Lang-Âu Lạc là đỉnh cao thứ nhất của văn hoá Việt Nam.
Tiến trình văn hoá Việt Nam có thể chia thành 6 giai đoạn: văn hoá tiền sử, văn hoá Văn Lang-Âu Lạc, văn hoá thời chống Bắc thuộc, văn hoá Đại Việt, văn hoá Đại Nam và văn hoá hiện đại. Sáu giai đoạn này tạo thành ba lớp: lớp văn hoá bản địa, lớp văn hoá giao lưu với Trung Hoa và khu vực và lớp văn hoá giao lưu với phương Tây.
*) Lớp văn hoá bản địa:
+) Giai đoạn văn hoá tiền sử: Thành tựu lớn nhất của dân cư Nam-Á ở giai đoạn này là sự hình thành nghề nông nghiệp lúa nước. Ngoài cây lúa nước và kĩ thuật trồng lúa, còn phải kể đến một số thành tựu đặc biệt khác của Đông Nam Á cổ đại như việc trồng dâu nuôi tằm để làm đồ mặc, tục uống chè; việc thuần dưỡng một số gia súc như trâu, gà; việc làm nhà sàn để ở và dùng các cây thuốc để chữa bệnh.
+) Giai đoạn văn hoá Văn Lang-Âu Lạc:
Về mặt không gian, trải dài từ Bắc Trung Bộ đến hồ Động Đình chính là địa bàn cư trú của người Nam Á-Bách Việt, là khu vực tam giác không gian gốc của văn hoá Việt Nam. Bờ cõi nước Văn Lang của các vua Hùng sau này là một bộ phận của không gian gốc đó, cũng như người Lạc Việt là một bộ phận của khối cư dân Nam Á-Bách Việt.
Về mặt thời gian, thiên niên kỉ III trước Công Nguyên ứng với giai đoạn đầu thời đại đồ đồng, cũng chính là thời điểm hình thành chủng Nam-Á (Bách Việt). Thành tựu văn hoá chủ yếu của giai đoạn Văn Lang-Âu Lạc, sau nghề nông nghiệp lúa nước, chính là nghề luyện kim đồng. Cả trên phương diện này, vai trò của vùng văn hoá Nam-Á đối với khu vực cũng hết sức to lớn: đồ đồng Đông Sơn và ảnh hưởng của nó đã được tìm thấy khắp nơi - từ nam Trung Hoa, Thái Lan đến toàn bộ vùng Đông Nam Á hải đảo.
*) Lớp văn hoá giao lưu với Trung Hoa và khu vực:
+) Giai đoạn văn hoá thời chống Bắc thuộc: Những đặc điểm chủ yếu của giai đoạn văn hoá này là:
- Ý thức đối kháng bất khuất và thường trực trước nguy cơ xâm lăng từ phía trong phong kiến phương Bắc.
- Sự suy tàn của nền văn minh Văn Lang-Âu Lạc bắt nguồn từ sự suy thoái tự nhiên có tính quy luật của một nền văn hoá sau khi đạt đến đỉnh cao và sự tàn phá cố tình của kẻ xâm lược phương Bắc với âm mưu đồng hoá thâm độc.
- Giai đoạn này đã mở đầu cho quá trình giao lưu - tiếp nhận văn hoá Trung Hoa và khu vực, cũng tức là mở đầu cho quá trình văn hoá Việt Nam hội nhập vào văn hoá khu vực. Tuy nhiên, mặc dù tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với văn hoá Trung Hoa, nhưng trong giai đoạn này Việt Nam tiếp nhận văn hoá Trung Hoa chưa nhiều, Nho giáo hầu như chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Cùng với sự chống Bắc thuộc quyết liệt về mặt chính trị, nét chủ đạo của giai đoạn này là xu hướng chống Hán hoá về mặt văn hoá và Việt Nam hoá các ảnh hưởng Trung Hoa.
+) Giai đoạn văn hoá Đại Việt:
*) Bối cảnh lịch sử: Thời tự chủ của quốc gia Đại Việt kéo dài suốt gần một thiên niên kỷ, diễn trình lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn này diễn ra với những đặc điểm sau:
- Các vương triều thay thế nhau xây dựng một quốc gia tự chủ. Sự thay thế của các vương triều không làm đứt đoạn lịch sử mà vẫn khiến cho lịch sử là một dòng chảy liên tục.
- Đất nước dần được mở rộng về phương Nam và đến thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, việc khai phá Nam Bộ đã cơ bản hoàn thành, tạo tiền đề cho sự thống nhất lãnh thổ ở giai đoạn sau này.
=> Giai đoạn văn hoá Đại Việt trở thành đỉnh cao thứ hai trong lịch sử văn hoá Việt Nam với hai cột mốc Lí-Trần và Lê.
- Thời Lí, Phật giáo chính thức trở thành tôn giáo của đất nước. Nho giáo được nhân dân chính thức tiếp nhận: năm 1070 xây miếu thờ Khổng Tử; năm 1076 xây trường Quốc Tử Giám. Thời Trần, nghề thủ công phát triển rực rỡ.
- Thời Lê, văn hoá Việt Nam phát triển toàn diện từ giáo dục, kiến trúc điêu khắc đến văn hoá ngôn từ...
*) Lớp văn hoá giao lưu với phương Tây:
+) Giai đoạn văn hoá Đại Nam: được chuẩn bị từ thời các chúa Nguyễn và kéo dài đến hết thời Pháp thuộc. Trong giai đoạn này có những đặc điểm sau:
- Từ những tiền đề mà triều đại Tây Sơn đã chuẩn bị, với sự hoàn tất của nhà Nguyễn, lần đầu tiên nước ta có được sự thống nhất về lãnh thổ và tổ chức hành chính từ Đồng Văn đến Cà Mau.
- Sau thời kì hỗn độn Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn, đến nhà Nguyễn, Nho giáo lại được phục hồi làm quốc giáo, nhưng ngày một suy tàn.
- Khởi đầu quá trình thâm nhập của văn hoá phương Tây cũng là khởi đầu thời kì văn hoá Việt Nam hội nhập vào nền văn hoá nhân loại, làm biến đổi và bổ sung cho văn hoá Việt Nam trên mọi phương diện từ lối tư duy đến ý thức cá nhân - ý thức cộng đồng. Tất cả khiến cho văn hoá Việt Nam lật sang trang mới.
+) Giai đoạn văn hoá hiện đại: Sự giao lưu với văn hoá phương Tây mở đầu bằng giai đoạn Đại Nam đã thổi vào Việt Nam luồng gió mới với những tư tưởng của K.Marx, V.I.Lênin. Từ những năm 30-40 của thế kỉ XX trở lại đây, văn hoá Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Tuy nhiên, nó lại là giai đoạn chịu sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, sự khái quát các đặc điểm còn ở mức ban đầu. Đây là thời kì nghệ thuật ca múa, sân khấu, điện ảnh rất phát triển và ngày càng chuyên nghiệp, nhưng đáng kể hơn là sự phát triển của văn học. Giai đoạn này đã và đang kế thừa và nâng cao các giá trị văn hoá truyền thống, các lĩnh vực của văn hoc dân gian được khai thác; mặt khác, sự giao lưu văn hoá ngày càng mở rộng và diễn ra một cách tự nhiên, tự giác.
Giai đoạn văn hoá Văn Lang-Âu Lạc là đỉnh cao thứ nhất của văn hoá Việt Nam vì trong giai đoạn này, cư dân Nam Á-Bách Việt đã lập được ra nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang, nhà nước của các vua Hùng. Mặc dù đây là nhà nước sơ khai nhưng nó đã xác lập được bờ cõi, không gian địa lí của quốc gia. Đồng thời, nó đã đạt được nhiều thành tựu văn hoá có giá trị. Sau nghề nông nghiệp lúa nước chính là nghề luyện kim đồng. Kĩ thuật luyện kim đúc đồng của người Đông Sơn đã đạt tới trình độ điêu luyện đáng kinh ngạc. Trống đồng, tháp đồng là những di vật tiêu biểu nhất cho trình độ kĩ thuật và bàn tay tài hoa của những người thợ đúc Đông Sơn. Đồ đồng Đông Sơn và ảnh hưởng của nó đã được tìm thấy khắp nơi - từ nam Trung Hoa, Thái Lan đến toàn bộ vùng Đông Nam Á hải đảo. Như vậy, giai đoạn văn minh Đông Sơn là chặng đường cuối cùng của sản phẩm tổng hợp, là đỉnh cao nhất của nền văn minh sông Hồng với biểu tượng trống đồng Đông Sơn - sản phẩm lao động sáng tạo của nhân dân ta từ buổi bình minh của lịch sử, kết hợp trong đó bản lĩnh, lối sống, cá tính truyền thống của người Việt cổ đã tạo nên trong thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro