cau -31
Cau 31
Năm 2007, lạm phát của nước ta đã tăng cao và rơi vào tình trạng khó kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt từ hơn 6% năm 2006 lên 12,69% năm 2007. Nguy cơ tỷ lệ lạm phát tiếp tục ở mức cao trong năm 2008 là rất rõ ràng khi chỉ riêng hai tháng đầu năm, tỷ lệ này đã ở mức 5,94% so với 2007. Nếu chúng ta dùng các biện pháp tác động tích cực thì tỷ lệ lạm phát năm 2008 có thể xoay quanh mức17%.
Lạm phát hiện tại ở Việt Nam là sự tích hợp của lạm phát tiền tệ, lạm phát cầu kéo và lạm phát chi phí đẩy, ba loại này tác động lẫn nhau làm cho lạm phát càng trở nên phức tạp.
Lạm phát tiền tệ
Do việc thực thi chính sách chính sách tiền tệ không nghiêm, có thể chưa phù hợp nên việc phát huy tác dụng của chính sách không được như mong muốn. Quản lý yếu kém dẫn tới lượng cung tiền trong lưu thông đã vượt quá lượng tiền cần có trên thị trường nhiều lần do đó dẫn tới lạm phát.
Thứ nhất, chi tiêu ngân sách ngày càng lớn. Chi tiêu ngân sách năm sau cao hơn năm trước do yêu cầu phát triển tế xã hội đòi hỏi các điều kiện hạ tầng như đường xá, cầu cống ... Trong đó có nhiều các vụ việc tiêu cực, hiệu quả chi tiêu ngân sách thấp, nhiều công trình kéo dài, tốn kém, hiệu quả thấp. Những khoản chi tiêu ngân sách này đã đưa một lượng tiền mặt lớn ra thị trường.
Thứ hai, quản lý tiền mặt kém hiệu quả. Lượng tiền cần có (D) để cân đối với hàng hoá không đồng nhất với lượng tiền mặt thực tế đang có trên thị trường. Lượng tiền này không chỉ phụ thuộc vào lượng tiền mặt thực tế (T) mà còn phụ thuộc vào vòng quay đồng tiền (V), chúng tỷ lệ thuận với nhau theo công thức: D = T . V.
Lượng tiền D cân đối với hàng cần phải được kiểm soát chặt và thường ổn định trong một thời gian thích hợp có lợi cho sự phát triển kinh tế. Khi có nhu cầu tăng D, các nhà quản lý thường tăng vòng quay của đồng tiền (V), hạn chế tăng T. Vấn đề này rấ quan trọng cả đối với quản lý vĩ mô và quản lý vi mô.
Song việc có nhiều thành viên tham gia vào cơ chế lưu hành tiền tệ đã khiến cho công tác quản lý trở nên phức tạp và kém hiệu quả. Nhiều cơ sở ngân hàng, phi ngân hàng tham gia kinh doanh tiền tệ thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận, tới vốn. Do vậy vòng quay tiền mặt ít được chú ý, khiến cho việc quản lý V càng khó khăn phức tạp hơn.khi D càng lớn gây mất cân đối trầm trọng giữa tiền (D) và hàng, làm lạm phát gia tăng đột biến.
Thứ ba, ngoại tệ tăng mạnh. Năm 2007 đầu tư nước ngoài vào Việt nam tăng cao, kiều hối cũng tăng đáng kể, riêng hai khoản này cũng đã gần 30 tỷ USD. Với lượng tiền đó đòi hỏi phải có lượng tiền VNĐ lớn tung ra thị trường, làm cho lượng tiền mặt trên thị trường tăng lên.
Thứ tư, sức hút của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh trong thời gian qua đã hút một lượng tiền lớn vào đây. Ngoài lượng tiền nhàn rỗi trong dân được huy động, lượng vốn bằng tiền còn được huy động thông qua vay ngân hàng, rút tiết kiệm, bán tài sản (do thay đổi mục tiêu kinh doanh), từ các nhà đầu tư nước ngoài,....
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là tâm lý hoang mang của người dân trước giá cả thị trường tăng cao, đồng tiền giảm giá nhanh chóng. Để bảo toàn vốn của mình, các nhà đầu tư cũng như dân chúng đã chuyển sang mua vàng hoặc kim loại quý, đá quý khác thay vì dùng vốn đó kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm. Do vậy một lượng tiền lớn được tung vào lưu thông đã làm cho lạm phát trầm trọng hơn.
Tất cả những nhân tố trên làm cho lượng tiền mặt thực tế có trong lưu thông (T) tăng lên quá nhiều, vượt xa lượng tiền mặt thực tế cần có.
Lạm phát cầu kéo
Lạm phát cầu kéo có nguyên nhân bắt nguồn từ nội bộ nền kinh tế, vì vậy loại lạm phát này thường chỉ diễn ra đối với từng nền kinh tế cá biệt. Lạm phát cầu kéo do tốc độ phát triển kinh tế cao, quy mô đầu tư lớn và dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp, vượt quá khả năng đáp ứng về tài nguyên tiềm năng của nền kinh tế. Nền kinh tế phát triển nóng khiến cho nhu cầu quá lớn trong khi khả năng cung ứng có hạn, mất cân đối này làm giá cả tăng liên tục với tỷ lệ cao. Chúng ta đang tập trung mọi nỗ lực nhằm đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 8,5 - 9% trong năm 2008, điều này sẽ dẫn tới mất cân đối cung cầu hơn nữa và sẽ làm lạm phát tăng cao hơn.
Lạm phát chi phí đẩy
Lạm phát chi phí đẩy do giá vật tư đầu vào tăng.Những loại chi phí tăng lên đó đã tác động tới hầu hết các nền kinh tế, tạo nên chi phí đầu vào rất cao đối với nhiều loại hàng hoá, dẫn tới chi phí sản xuất cao, buộc các doanh nghiệp tăng giá bán hàng hoá của mình. Làn sóng tăng giá này làm giá cả chung trên thị trường tăng mạnh mẽ, đẩy nền kinh tế tới lạm phát.
Lạm phát chi phí đẩy mang tính toàn cầu song mức độ diễn ra ở mỗi nước có khác nhau. Những nền kinh tế đang trong thời kỳ suy giảm sẽ không lạm phát, tăng giá dầu chỉ là yếu tố dẫn tới tăng giá trong nước. Đối với những nền kinh tế tăng trưởng nóng như Việt Nam, Trung Quốc, ấn Độ, giá dầu tăng đã thực sự đẩy lạm phát cao. Do vậy, việc nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ những nền kinh tế tăng trưởng nóng cũng bao hàm việc nhập cả những yếu tố lạm phát của các nền kinh tế đó.
Những giải pháp kiềm chế lạm phát
Trong nỗ lực đẩy lùi lạm phát, chính phủ Việt Nam đã thi hành kế hoạch 7 điều vào cuối tháng 3 vừa rồi bao gồm: 1) thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa; 2) cắt giảm chi tiêu của chính phủ cũng như các dự án đầu tư công; 3) đặt sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm chính; 4) thúc đẩy xuất khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại; 5) khuyến khích việc giảm thiểu tiêu dùng; 6) điều khiển các hoạt động của thị trường để tránh nạn đầu cơ tích trữ; và 7) ban hành các trợ cấp xã hội và lương thưởng để trợ giúp người nghèo.
Tuy nhiên, chỉ có một số những biện pháp kể trên sẽ là hữu dụng trong việc cách ly sức ép lạm phát, các biện pháp khác thì không. Trong môi trường lạm phát cao như hiện nay, một chính sách thu chi ngân sách vừa phải có lẽ sẽ thích hợp với Việt Nam hơn.
Mặt khác, quản lý hành chính giá cả và xuất khẩu có nguy cơ gây thêm bất ổn trong hệ thống, và tác động cũng không lâu bền. Goldman Sachs tin rằng Việt Nam nên đặt chính sách tiền tệ lên hàng đầu trong việc quản lý lạm phát, với gốc rễ của vấn đề lạm phát hiện nay mang tính chất tiền tệ (lượng cung tiền tăng mạnh). Ngân hàng trung ương đã thi hành một số biện pháp để thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 6 năm ngoái, bao gồm tăng tỷ lệ bắt buộc, sử dụng nghiệp vụ repo, phát hành tín phiếu, tăng lãi suất, nới lỏng biên độ tỷ giá để VNĐ tăng giá so với USD... Tuy nhiên, theo nhận định của bản báo cáo, từ nay trở đi, Ngân hàng Nhà nước sẽ có ít đi sự lựa chọn chính sách để áp dụng. Và trong số những giải pháp còn lại, hai công cụ có nhiều linh động nhất là tăng lãi suất và kiểm soát tín dụng.
Lãi suất: Động thái dỡ bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm của Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5 là một bước tiến tích cực trong việc chống lạm phát.
Kiểm soát tín dụng: Tăng trưởng của tín dụng có khả năng bị kìm lại.giám đốc ngân hàng trung ương mới đây yêu cầu cần có sự kiểm tra chính xác chất lượng tín dụng và những biện pháp kiềm chế việc vay tiền giành cho buôn bán cổ phần, đầu tư bất động sản và tài chính người tiêu dùng.
Trong 3 tháng trở lại đây, rõ ràng hệ thống chính sách nghiêng nhiều sang thúc đẩy tăng trưởng hơn là kiểm soát lạm phát.Với mục tiêu đúng đắn và chặt chẽ của chính phủ, khả năng hồi phục ổn định vĩ mô của Việt Nam sẽ là khá cao cho dù những bất lợi của việc lên giá các mặt hàng thế giới sẽ gây tác động tiêu cực cho việc phục hồi của kinh tế Việt Nam
Lạm phát là hiện tượng của kinh tế thị trường mang tính khách quan, dù muốn hay không chúng ta cũng vẫn phải đón nhận. Chính vì vậy, cần phải bình tĩnh nhìn nhận tìm hiểu bản chất sự việc để có những phản ứng điều chỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện kiềm chế lạm phát trong giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải chấp nhận từ bỏ một số mục tiêu khác. Do đó, Nhà nước cần có sự tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro