Câu 3,4 HP
3. Đối tượng, nội dung của môn học luật hiến pháp.
* Đối tượng : Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật nói chung được hiểu là những quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật của ngành luật đó điều chỉnh. Đối tượng điều chỉnh của ngành luật là căn cứ cơ bản để phân biệt ngành luật đó với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật.
Ngành luật Hiến pháp là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, có đối tượng điều chỉnh là các quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất. Những quan hệ xã hội được coi là quan trọng nhất là các quan hệ xã hội có nội dung gắn liền với: (1) xác định chế độ xã hội, xác định những nền tảng để xây dựng xã hội, nhà nước; (2) xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sống trong xã hội ấy, nhà nước ấy; (3) xác định việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. . Luật Hiến pháp chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất trong số những quan hệ xã hội nêu trên.
* Nội dung :
4.) Nguồn gốc và bản chất của Hiến pháp. Quá trình hình thành và phát triển của Hiến pháp trong xã hội tư sản và xã hội xã hội chủ nghĩa. Phân loại Hiến pháp theo hình thức biểu hiện, theo nội dung, theo thủ tục thông qua, theo bản chất giai cấp.
* Nguon gục Hiến pháp, theo quan niệm hiện đại, là một đạo luật cơ bản, quan trọng của mỗi quốc gia, có nội dung xác định chế độ xã hội, xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xác định những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt dộng của bộ máy nhà nước. Sự ra đời của Hiến pháp gắn liền với thắng lợi của cách mạng tư sản, đồng thời đánh dấu sự chấm dứt của chế độ phong kiến, chế độ chiếm hữu nô lệ.
Giai cấp tư sản đã tìm đến những tư tưởng đòi hỏi sự phân chia quyền lực được nêu ra từ thời cổ đại, phát triển chúng để phục vụ cho cuộc cách mạng tư sản.
Những khẩu hiệu đòi hạn chế quyền lực vô hạn của nhà vua, đòi hỏi những quyền cơ bản của con người như: quyền sống, quyền tự do, bình đẳng, công bằng đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia vào cuộc cách mạng này. Cách mạng tư sản thắng lợi, Hiến pháp ra đời là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, khẳng định sự thống trị của giai cấp tư sản tiến bộ, đang lên và là lực lượng đại diện cho một phương thức sản xuất mới -phương thức sản xuất TBCN, một chế độ cai trị mới - chế độ dân chủ tư sản, đồng thời đánh dấu sự rút lui khỏi vũ đài chính trị của giai cấp phong kiến cùng với chế độ cai trị độc đoán, chuyên quyền của nó.
* Bản chất : Hiến pháp, với tư cách là một đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, vì vậy nó mang đầy đủ bản chất của pháp luật nói chung, đó là bản chất giai cấp và bản chất xã hội. Bản chất giai cấp được thể hiện: Hiến pháp là sự thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, là công cụ để bảo vệ địa vị và quyền lợi của giai cấp thống trị. Bản chất xã hội của Hiến pháp được thể hiện: Hiến pháp là tổng hợp của các quy tắc xử sự cơ bản nhất, quan trọng nhất góp phần bảo vệ những lợi ích chung của cả quốc gia, dân tộc và toàn xã hội, là công cụ để duy trì và thiết lập trật tự, ổn định của xã hội.
Hiến pháp còn thể hiện là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Các quy định của Hiến pháp trở thành những nguyên tắc tối cao trong hệ thống pháp luật quốc gia. Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp, nhiều văn bản luật và dưới luật được ban hành để triển khai, thực hiện những nguyên tắc ấy. Bất cứ một văn bản pháp luật nào trái với các nguyên tắc trong Hiến pháp đều bị coi là vi hiến và bị hủy bỏ, bãi bỏ theo những thủ tục nhất định.
Hiến pháp còn mang tính nhân bản ở việc ghi nhận quyền của con người. Thông qua Hiến pháp, mọi người trong xã hội thoát khỏi thân phận “thần dân”, được trở thành “công dân” và được Nhà nước ghi nhận cho hưởng những quyền nhất định. Theo nguyên tắc, đó là những quyền tối thiểu mà công dân được hưởng, các văn bản khác được trao thêm quyền cho người dân, nhưng không được hạn chế bớt những quyền của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Các văn bản khác cũng không được hạn chế, cản trở việc hưởng thụ các quyền của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp.
Hiến pháp còn là cơ sở để hạn chế quyền lực của các cơ quan nhà nước, tránh sự lạm quyền của các cơ quan này. Hiến pháp ghi nhận những quyền hạn tối đa mà các cơ quan nhà nước được hưởng và những nghĩa vụ tối thiểu mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện. Các văn bản khác được trao thêm nghĩa vụ cho các cơ quan nhà nước, nhưng không được trao thêm các quyền ngoài những quyền mà Hiến pháp quy định.
* Quá trinh hình thành và phát triển:
- Trong xã hội tư sản : Hiến pháp được hình thành cùng với cuộc cách mạng tư sản, là sản phẩm của cách mạng tư sản.. Để tập hợp lực lượng, giai cấp tư sản đã đưa ra yêu cầu phải xây dựng Hiến pháp nhằm để hạn chế hoặc xoá bỏ quyền lực vô hạn của vua chúa phong kiến.
Hiến pháp trong thời kỳ đầu thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản, Hiến pháp được sử dụng để ghi nhận sự thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ, tuyên bố các quyền công dân và để hạn chế hay xoá bỏ quyền lực của nhà vua. Trong giai đoạn này, Hiến pháp mang giá trị tích cực, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản thì các tầng lớp, giai cấp khác đóng vai trò là lực lượng hậu thuẫn cho giai cấp tư sản giành thắng lợi cũng được bảo vệ.
Khi giai cấp công nhân trong xã hội đã phát triển cả về chất và lượng, trở thành giai cấp đối trọng với giai cấp tư sản. Khi ấy, Hiến pháp là sản phẩm của nhà nước tư sản lại được sử dụng để chống lại giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Hiến pháp trong giai đoạn này, tuy có quy định các quyền công dân nhưng mang tính chất hình thức và phản dân chủ. Bản chất của Hiến pháp chỉ bảo vệ quyền lợi cho giai cấp tư sản - lực lượng chiếm thiểu số trong xã hội, Hiến pháp không đứng về số đông dân chúng.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với thắng lợi của Xôviết, các nhà nước XHCN được hình thành và trở thành một hệ thống đối trọng với các nước TBCN. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp công nhân và dân chúng lao động, cùng với sự nhận thức của dân chúng được tăng cường. Để tập hợp lực lượng và để nhận được sự ủng hộ của dân chúng, giai cấp tư sản cũng đã phải ghi nhận và thực hiện đầy đủ hơn các quyền chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của công dân. Vì vậy, Hiến pháp trong giai đoạn này đã lại chứa đựng những yếu tố tích cực, tiến bộ.
- Quá trình hình thành và phát triển của Hiến pháp trong xã hội XHCN
Hiến pháp XHCN được hình thành gắn liền với cuộc cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản đã tiến hành phê phán Hiến pháp tư sản, chỉ ra rằng Hiến pháp tư sản có bản chất chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Đồng thời cũng nhận thấy được những giá trị tích cực của Hiến pháp, giai cấp vô sản cho rằng cũng cần phải xây dựng một loại Hiến pháp mới cho một xã hội mới, xã hội XHCN. Hiến pháp được xây dựng để ghi nhận thắng lợi của giai cấp vô sản, ghi nhận những nền tảng của chế độ XHCN, ghi nhận những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước.
Trong giai đoạn đầu, từ cách mạng tháng Mười đến năm 1945, Hiến pháp XHCN chỉ tồn tại trong phạm vi nội bộ quốc gia (Liên bang Nga, sau là liên bang Xôviết). Sau này, khi các nước XHCN khác được hình thành, cùng với nó là sự ra đời của các bản Hiến pháp, như: Hiến pháp Việt Nam năm 1946, Hiến pháp Bungary năm 1947, Hiến pháp Rumani năm 1948, Hiến pháp Cộng hoà dân chủ Đức năm 1949, Hiến pháp Hungary năm 1949, Hiến pháp Ba lan năm 1952, Hiến pháp Trung Hoa năm 1954. Từ năm 1990 đến nay, khi các nước XHCN ở Đông Âu tan rã và quay trở lại với hình thức nhà nước tư sản, các bản Hiến pháp XHCN ở các nước này đã được thay đổi, trở thành các bản Hiến pháp tư sản. Hiến pháp XHCN hiện chỉ còn áp dụng tại một số rất ít quốc gia, trong đó có Việt Nam.
* Phân loại lhp
1. Phân loại Hiến pháp theo hình thức biểu hiện
a) Hiến pháp thành văn
Hiến pháp thành văn là Hiến pháp được biểu hiện dưới hình thức văn bản. Thông thường là một văn bản, trong trường hợp đặc biệt, Hiến pháp được thể hiện dưới hình thức nhiều văn bản. Ví dụ như Hiến pháp Thụy Điển được biểu hiện thông qua các đạo luật: Luật về chính thể (1809), Luật về kế vị ngôi vua (1810), Luật về nghị viện (1810), Luật về tự do báo chí (1812).
Hiến pháp thành văn là một đạo luật cơ bản, quan trọng nhất của quốc gia, hiện nay đa số các quốc gia sử dụng Hiến pháp thành văn.
b) Hiến pháp không thành văn
Hiến pháp không thành văn là Hiến pháp không được thể hiện dưới hình thức văn bản cụ thể. Hiến pháp không thành văn được thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật, các quy tắc trong phong tục, tập quán, truyền thống, án lệ.
Hiện nay chỉ có một số ít quốc gia sử dụng Hiến pháp không thành văn, như: Anh, Niudilan, Isaren, Libia. Hiến pháp không thành văn không mang tính long trọng như Hiến pháp thành văn, tuy vậy lại thuận tiện trong thủ tục thông qua và sửa đổi.
2. Phân loại Hiến pháp theo nội dung
a) Hiến pháp cổ điển
Hiến pháp cổ điển là Hiến pháp có nội dung chủ yếu quy định về tổ chức quyền lực nhà nước, ít có những quy định về các quyền tự do. Hiến pháp cổ điển xuất hiện nhiều ở giai đoạn cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Tuy vậy, có một số Hiến pháp được ban hành trong thời gian gần đây cũng được coi là Hiến pháp cổ điển. Một số bản Hiến pháp cổ điển tiêu biểu như: Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, Hiến pháp Áo 1920, Hiến pháp Ailen 1937, Hiến pháp Thụy Điển 1974, Hiến pháp Canada 1982.
b) Hiến pháp hiện đại
Hiến pháp hiện đại là Hiến pháp có nội dung được mở rộng, quy định thêm nhiều quyền tự do của công dân. Các bản Hiến pháp hiện đại tiêu biểu như: Hiến pháp Pháp 1946, 1958; Hiến pháp Cộng hoà dân chủ Đức 1949; Hiến pháp các nước XHCN.
3. Phân loại Hiến pháp theo thủ tục thông qua
a) Hiến pháp nhu tính
Hiến pháp nhu tính là Hiến pháp có thủ tục thông qua như một đạo luật thông thường.
b) Hiến pháp cương tính
Hiến pháp cương tính là Hiến pháp có thủ tục thông qua đặc biệt hơn so với các đạo luật thông thường. Tính đặc biệt thể hiện ở chỗ: (1) cần có một cơ quan đặc biệt thông qua, như Quốc hội lập hiến hoặc thông qua toàn dân biểu quyết; (2) thủ tục thông qua chặt chẽ, khắt khe hơn thể hiện ở trình tự xây dựng và thông qua Hiến pháp, tỷ lệ thông qua Hiến pháp cao hơn mức quá bán (trên 2/3, hoặc trên 3/4).
4. Phân loại Hiến pháp theo bản chất giai cấp
a) Hiến pháp tư sản
Hiến pháp tư sản là Hiến pháp được ban hành trong nhà nước tư sản, với bản chất là ý chí của giai cấp tư sản để bảo vệ các quyền, lợi ích của giai cấp tư sản. Hiến pháp tư sản có một số đặc trưng:
(1) Về chế độ xã hội: không có quy định rõ về tính giai cấp, bảo vệ chế độ tư hữu;
(2) Về quyền và nghĩa vụ của công dân: Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các quyền tự do, dân chủ đã được ghi nhận nhiều hơn.
(3) Về tổ chức quyền lực nhà nước: áp dụng thuyết phân quyền.
b) Hiến pháp xã hội chủ nghĩa
Hiến pháp XHCN là Hiến pháp được ban hành trong nhà nước XHCN, với bản chất là ý chí của nhân dân lao động, bảo vệ các quyền, lợi ích của nhân dân lao động. Hiến pháp XHCN có một số đặc trưng sau:
(1) Về chế độ xã hội: quy định rõ tính giai cấp, ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, bảo vệ cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa;
(2) Về quyền và nghĩa vụ của công dân: quy định nhiều quyền tự do, dân chủ và các quyền công dân khác;
(3) Về tổ chức quyền lực nhà nước: áp dụng nguyên tắc tập quyền ở những mức độ khác nhau.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro