Câu 27:
Nội dung của cán cân thanh toán quốc tế:
Do việc xúc tiến những quan hệ với các nước về các lĩnh vực từ thương mại, dịch vụ, đầu tư, tín dụng... cho đến ngoại giao, xã hội, văn hoá, khoa học công nghệ... cho nên nảy sinh ra quan hệ thu chi tiền tệ đối ngoại của mỗi nước, việc nảy sinh này được phản ánh tập trung trong cán cân thanh toán quốc tế của nước đó.
Vậy, cán cân thanh toán quốc tế là một bản đối chiếu giữa các khoán tiền thu được từ nước ngoài với các khoản tiền trả cho nước ngoài của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định. Như thế, thực chất của cán cân thanh toán quốc tế là một tài liệu thống kê, có mục đích cung cấp sự kê khai đầy đủ dưới hình thức phù hợp với yêu cầu phân tích những quan hệ kinh tế tài chính của một nước với nước ngoài trong một thời gian xác định.
Người ta có thể soạn thảo cán cân thanh toán song phương và cán cân thanh toán chung. Hoặc cũng có thể soạn thảo cán cân thanh toán trong thời kỳ hoặc cán cân thanh toán thời điểm để phù hợp với yêu cầu phân tích, đánh giá tình hình và quản lý chỉ đạo khác nhau.
Cán cân thanh toán trong một thời kỳ là bản đối chiếu giữa những khoản tiền thực tế thu được từ nước ngoài với những khoản tiền mà thực tế nước đó chi ra cho nước ngoài trong một thời kỳ nhất định. Vậy, loại cán cân này chỉ phản ánh số liệu thực thu và thực chi của một nước đối với nước ngoài trong thời kỳ đã qua.
Cán cân thanh toán tại một thời điểm nhất định là bản đối chiếu giữa các khoản tiền đã và sẽ thu về và chi ra ở một thời điểm cụ thể nào đó. Vậy, trong loại cán cân thanh toán này chứa đựng cả những số liệu phản ánh các khoản tiền nợ nước ngoài và nước ngoài nợ nước đó mà thời hạn thanh toán rơi đúng vào ngày của cán cân.
*) Cán cân thanh toán quốc tế, những khoản mục phức tạp:
Các khoản mục chủ yếu sau đây thể hiện nội dung của cán cân thanh toán quốc tế:
- Khoản mục hàng hoá: Khoản mục này phản ánh tổng giá trị hàng hoá xuất và nhập của một nước. Mối tương quan giữa tổng thu và tổng chi của khoản mục này hình thành cán cân thương mại. Thông thường thì khoản mục này đóng vai trò quan trọng nhất trong cán cân thanh toán quốc tế của một nước.
- Khoản mục dịch vụ: Khoản mục này phản ảnh toàn bộ thu chi đối ngoại của một quốc gia về các dịch vụ đã cung ứng và được cung ứng như các dịch vụ vận tải, bảo hiểm, ngân hàng....
Hai khoản mục trên bao gồm những nghiệp vụ trao đổi có tính chất hai chiều đối với nước ngoài như: Xuất khẩu hàng hoá hay cung ứng dịch vụ cho nước ngoài thì thu được một số ngoại tệ tương ứng. Ngược lại, khi nhập khẩu hàng hoá hay nhận được sự cung ứng dịch vụ từ nước ngoài thì sẽ phải chi ra một số ngoại tệ tương ứng.
- Khoản mục giao dịch đơn phương: Nó phản ánh những nghiệp vụ nhập hàng hoá, dịch vụ hay tiền vốn không cần có sự bù đắp, bồi hoàn. Chẵng hạn như các khoản chi dưới hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản giúp đỡ nhân đạo từ thiện....
Tổng các khoản thu và chi của khoản mục nêu trên gọi là "cán cân thanh toán vãng lai"
- Khoản mục về vốn: Khoản mục này phản ánh các trao đổi đối ngoại có liên quan đến sự vận động của vốn giữa một nước với nước ngoài. Thường thì vận động của vốn dài hạn hay biểu hiện thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp với nước ngoài. Còn sự vận động của vốn ngắn hạn thì dưới hình thức chuyển giao dịch vụ để kiếm chênh lệch về lãi suất hoặc để đầu cơ trong nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối.
Chúng ta có thể thấy rằng, số đầu tư ra nước ngoài của một nước bằng với số thặng dư của cán cân thanh toán vãng lai và ngược lại số đầu tư nước ngoài vào một nước thì bằng số thâm hụt của cán cân thanh toán vãng lai.
- Khoản mục dự trữ quốc tế: Khoản mục này bao gồm sự vận động của vàng, tiền tệ, ngoại tệ tại quỹ và ngoại tệ gửi ở nước ngoài. Sự vận động của khoản mục này của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định là kết quả tổng hợp của các nghiệp vụ thuộc cán cân thanh toán vãng lai, cũng như các nghiệp vụ về vốn. Mức độ của biến động này có thể được coi như là số thặng dư hay thiếu hụt trên cán cân thanh toán quốc tế của một nước.
Cán cân thanh toán quốc tế của một nước có thể rơi vào một trong ba tình trạng như sau:
- Cán cân thanh toán thăng bằng chi: Tổng số tiền thu được = tổng số tiền chi ra
- Cán cân thanh toán dư thừa khi:Tổng số tiền thu được > tổng số tiền chi ra
- Cán cân thanh toán thiếu hụt (bội chi) khi: Tổng số tiền thu được < tổng số tiền chi ra
*) Cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, việc khó nhưng cần thực hiện kịp thời:
Các nước thường sử dụng các biện pháp sau đây để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế khi bi thâm hụt:
Vay nợ nước ngoài: Đây là biện pháp truyền thống và phổ biến. Biện pháp này thông qua các nghiệp vụ qua lại với các ngân hàng đại lý ở nước ngoài để vay ngoại tệ cần thiết nhằm bổ sung thêm lượng ngoại hối cung cấp cho thị trường. Ngày nay việc vay nợ không còn giới hạn bởi quan hệ giữa ngân hàng nước này với nước kia, mà nó đã được mở rộng ra nhiều ngân hàng khác, đặc biệt là với các tổ chức tài chính tín dụng quốc tế trên cơ sở các hiệp định đã được ký giữa các bên.
Thu hút tư bản ngắn hạn từ nước ngoài: Ngân hàng Trung ương của các nước thường áp dụng những chính sách tiền tệ, tín dụng cần thiết thích hợp để thu hút được nhiều tư bản ngắn hạn từ các thị trường nước ngoài di chuyển đến nước mình, làm tăng thêm phần thu nhập ngoại tệ của cán cân thanh toán, thu hẹp khoản cách về sự thiếu hụt giữa thu và chi trong cán cân thanh toán đó. Trong số những chính sách tiền tệ tín dụng được sử dụng để thu hút tư bản vào, thì chính sách chiết khấu được sử dụng phổ biến hơn.
Để thu hút được một lượng tư bản từ thị trường nước ngoài vào nước mình thì Ngân hàng Trung ương sẽ nâng lãi suất chiết khấu, dẫn đến lãi suất tín dụng trên thị trường tăng lên làm kích thích tư bản nước ngoài dịch chuyển vào.
Thế nhưng biện pháp này chỉ góp phần tạo ra sự cân bằng cho cán cân thanh toán trong trường hợp bội chi không lớn lắm và cũng chỉ giải quyết nhu cầu tạm thời.
Cần lưu ý rằng, biện pháp nâng lãi suất chiết khấu chỉ có hiệu quả khi tình hình kinh tế, chính trị, xã hội...của quốc gia đó tương đối ổn định, tức là ít rủi ro trong đầu tư tín dụng.
Phá giá tiền tệ: Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, một số nước tư bản đã sử dụng chính sách phá giá tiền tệ như là một công cụ hữu hiệu, góp phần cân bằng cán cân thanh toán quốc tế và bình ổn tổng giá hối đoái.
Phá giá tiền tệ là sự công bố của Nhà nước về sự giảm giá đồng tiền của nước mình so với vàng hay so với một hoặc nhiều đồng tiền nước khác. Phá giá tiền tệ để tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu từ đó cải thiện điều kiện cán cân thanh toán.
Nhưng chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, phá giá tiền tệ chỉ là một trong những yếu tố có tính chất tiền đề cho việc đẩy mạnh xuất khẩu mà thôi. Còn kết quả hoạt động xuất khẩu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh... trên thị trường quốc tế.
Như vậy, có nhiều biện pháp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, song việc lựa chọn phương pháp nào thì phải xuất phát từ kết quả phận tích những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng thiếu hụt của cán cân, phải xem xét tình hình cụ thể, toàn diện của quốc gia đó cũng như tình hình quốc tế có liên quan để lựa chọn và sử dụng biện pháp thích hợp và hữu hiệu.
Thực tiễn ở Vn:
Thâm hụt là đặc trưng tình trạng cán cân thanh toán quốc tế nước ta. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, cân đối ngoại tệ năm 2009 khá căng thẳng do xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu nhập khẩu có thể vẫn gia tăng do yếu tố phục hồi sản xuất, giải ngân các dự án sử dụng vốn FDI thấp; lượng kiều hối ở nước ngoài chuyển về giảm... Với những yếu tố bất lợi này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán cân thanh toán tổng thể năm 2009 có thể sẽ bị thâm hụt. Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh so với dự toán Quốc hội đã thông qua do giá dầu thô giảm; trong thời gian gần đây giá dầu thô đã tăng trở lại trên 55 USD/thùng, tuy nhiên so với dự toán 70 USD/thùng thì giá này còn khá thấp; kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, cộng với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và giảm bớt khó khăn cho người lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút... Từ những thực tế này, nhiều khả năng, mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 sẽ tăng lên khoảng 6 - 8% GDP, cao hơn 1 - 3% như dự tính ban đầu. Ngoài ra tình trạng nhập siêu trong hầu hết các thời kỳ và thời điểm là vấn đề đáng quan tâm. Kể từ năm 1995 đến nay, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỷ USD song đã tăng vọt lên trên 12 tỷ USD vào năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006) và đến hết tháng 9/2008, tổng mức nhập siêu đã lên tới con số 15,8 tỷ USD.Xét theo quy mô GDP, nhập siêu tương đối cao (trên 10% GDP) những năm 1995 - 1996, 2003 - 2004 và đặc biệt cao từ năm 2007 (trên 20% GDP), nhưng xét theo tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu thì nhập siêu năm 2007 (gần 30% kim ngạch xuất khẩu) lại không đáng lo ngại bằng giai đoạn 1995 - 1996 (trên dưới 50% kim ngạch xuất khẩu). Mặc dù quý I năm nay đã xuất hiện trạng thái mới trong thương mại quốc tế - xuất siêu 1.647 tỷ USD sau 17 năm liên tục nhập siêu rất lớn, nhưng chưa thể coi là tín hiệu tích cực được, xuất siêu chủ yếu do xuất khẩu vàng tăng mạnh; kim ngạch nhập khẩu giảm với tốc độ lớn hơn kim ngạch xuất khẩu, tình trạng đó phản ánh bức tranh màu xám của đầu tư mới và đổi mới công nghê. Nếu những năm trước đây, mặc dù nhập siêu, nhưng cán cân thanh toán quốc tế vẫn giữ được cân bằng, dự trữ ngoại tệ tăng dần, thì năm nay có thể diễn ra xu hướng ngược lại, mặc dù xuất siêu nhưng cán cân thanh toán quốc tế lại mất cân đối do các nguồn thu ngoại tệ phi mậu dịch - du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối giảm, tác động đến dự trữ ngoại tệ, tỷ giá hối đoái và các hoạt động kinh tế đối ngoại. Một vấn đề cần phải xem xét của cán cân thanh toán ở nước ta chính là vốn từ nước ngoài. Dù là nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA) có điều kiện ưu đãi cao nhất, cho đến các khoản vốn vay thương mại thông thường trên thị trường tài chính quốc tế thì nghĩa vụ nợ (bao gồm trả lãi và nợ gốc) cũng luôn luôn đặt ra cho người vay. Một cơ cấu nợ mà chiếm tỷ trọng lớn nhất là những khoản vay thương mại "nóng", lãi cao, và bằng những ngoại tệ không ổn định theo xu hướng "đắt" lên sẽ chứa đựng những xung lực lạm phát mạnh. Những xung lực này càng mạnh hơn nếu vốn vay không được quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả, buộc con nợ phải tiếp tục tìm kiếm các khoản vay mới, với những điều kiện có thể ngặt nghèo hơn - chiếc bẫy nợ sập lại, con nợ rơi vào vòng xoáy mới: Nợ-vay nợ mới-tăng nợ-tăng vay... Vòng xoáy này sẽ dẫn con nợ đến sự vỡ nợ hoặc vòng xoáy lạm phát: Nợ-tăng nghĩa vụ nợ-tăng thâm hụt ngân sách-tăng lạm phát. Lúc này dịch vụ nợ sẽ ngốn hết những khoản chi ngân sách cho phát triển và ổn định xã hội, làm căng thẳng thêm trạng thái khát vốn và hỗn loạn xã hội. Hơn nữa, việc "thắt lưng buộc bụng" trả nợ khiến nước nợ phải hạn chế nhập và tăng xuất, trong đó có hàng tiêu dùng mà trong nước còn thiếu hụt, do đó làm tăng mất cân đối hàng tiền, tăng giá, tăng lạm phát. Nợ nước ngoài có thể làm sụp đổ cả một chính phủ, nhất là ở những nơi tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm là phổ biến của giới cầm quyền, đi kèm với việc thiếu những giải pháp xử lý mềm dẻo khôn ngoan với nợ (đàm phán gia hạn nợ, đổi nợ thành đầu tư, đổi cơ cấu và điều kiện nợ, xin xoá nợ từng phần...). Do vậy, sự chủ động và tỉnh táo khống chế nợ ở mức độ an toàn, theo những dự án đầu tư cụ thể, được luận chứng kinh tế - kỹ thuật đầy đủ, và chấp nhận sự kiểm tra, giám sát của chủ nợ để tránh hao hụt do tham nhũng hay sử dụng nợ sai mục đích là những nguyên tắc hàng đầu cần được tuân thủ trong quá trình vay nợ nước ngoài.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro