Cát Hải: Cây trồng cạn "thăng hoa"
Từ chỗ là một xã đặc biệt khó khăn, nhờ chuyển đổi cây trồng có hiệu quả, Cát Hải đã trở thành xã đầu tiên của huyện Phù Cát đạt bình quân thu nhập trên 65 triệu đồng/ha canh tác/năm. Đời sống người nông dân có bước cải thiện vượt bậc.
Nông dân xã Cát Hải (Phù Cát) chăm bón rau xanh. Ảnh: Duy Quyên
Vụ Đông Xuân năm nay xã Cát Hải (Phù Cát) chỉ sản xuất 155 ha lúa, diện tích còn lại chuyển sang sản xuất cây trồng cạn, nâng tổng diện tích cây trồng cạn lên trên 135 ha; trong đó chủ yếu là đậu phụng và hành. Mặc dù thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng không tốt cho cây trồng, song với sự tập trung chỉ đạo của địa phương và kinh nghiệm thâm canh chăm sóc của nông dân, diện tích cây trồng cạn đã được khôi phục và phát triển khá.
Đến nay diện tích cây trồng cạn đã bước vào thời kỳ thu hoạch, năng suất đậu phụng đạt khoảng 20 tạ/ha, giống đậu L14, HL25 đạt 25 - 30 tạ/ha, cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi 15 đến 20 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với sản xuất lúa. Riêng cây hành đạt năng suất 6 -7 tấn/ha, thấp hơn khoảng 20 đến 25% so với năm ngoái, nhưng bù lại giá tiêu thụ cao hơn, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng/ha.
Đây không phải là năm đầu tiên, mà trong nhiều năm qua nông dân Cát Hải có thu nhập cao nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp và có hiệu quả. Ông Ngô Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, cho biết: Cát Hải xác định có 2 loại cây trồng chính là cây hành và cây đậu phụng. Cho đến giờ này ở Cát Hải chưa có loại cây trồng nào cho thu nhập cao hơn cây hành, thời gian sản xuất ngắn, một năm có thể trồng 3 - 4 vụ trên cùng một chân đất. Nhờ giao thông thông thoáng, kết hợp sản xuất cây hành luân canh với cây đậu phụng, đã đem lại thu nhập cao cho nông dân địa phương, góp phần đưa Cát Hải ra khỏi Chương trình 135 vào cuối năm 2006.
Sở dĩ Cát Hải thành công trong chuyển đổi cây trồng là nhờ xác định đúng 2 loại cây trồng chủ lực, tích cực vận động nông dân chuyển đổi, cộâng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (hệ thống điện, đập dâng, hồ chứa nước, giếng khoan…) và triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân nắm bắt, ứng dụng vào sản xuất… Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, Cát Hải đã có 257 ha áp dụng các hình thức luân canh, cho thu nhập từ 50 đến 135 triệu đồng ha/năm, chiếm 71% diện tích canh tác; tỉ lệ lợi nhuận đạt từ 47% đến 65%. Toàn xã có 4 thôn, trong đó thôn Vĩnh Hội có 100% diện tích, Tân Thanh có 91%, Chánh Oai 63,4%, và Tân Thắng có 34,5% diện tích đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/ha; hệ số sử dụng đất ở Cát Hải đã nâng lên hơn 2,3 lần.
Nhờ chuyển đổi cây trồng có hiệu quả, đời sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo ở Cát Hải từ 45% theo tiêu chí cũ đã giảm xuống còn 19% theo tiêu chí mới. Điều đáng ghi nhận trong chuyển đổi cây trồng ở Cát Hải là đã chủ động được khâu giống sản xuất. Trước đây, sản xuất hành, đậu phụng, người nông dân phải mua giống từ nơi khác về, không những giá cao mà chất lượng đôi khi không đảm bảo, thời vụ sản xuất bị động. Được sự hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2007 Cát Hải đã xây dựng thành công mô hình sản xuất đậu phụng vụ Thu Đông; không chỉ chủ động được giống tại chỗ cho vụ Đông Xuân, mà còn cung ứng cho các địa phương khác trong và ngoài huyện, góp phần đưa diện tích sản xuất đậu phụng toàn huyện vụ Đông Xuân lên gần 2.000 ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá…
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro