Chương V
Chương V
Năm cùng tháng tận, tết nhất đến nơi mà thành phố vẫn phấp phỏng không biết bom đạn trên trời ập xuống lúc nào. Dáng ai cũng vội. Mưa bụi hơi nặng hạt. Tiếng pháo rải rác. Con chuột cống trụi hết lông trong rãnh nước lép nhép ra, gặp ánh điện lại lõm bõm thong thả quay vào. Ngày mùng một, những bộ quần áo mới và những người đẹp loé lên như nắng sớm. Kiểu áo Thái Lan vạt không viền gấu ngổ ngáo được các ông phó may đất Kẻ Chợ làm cho dịu đi, ưa mắt. Thì cái áo đại cán ở Thái Nguyên về chẳng ra sao mà đến Hà Nội cũng hoá nhũn nhặn, dễ trông. Chiếc chả giò Sài Gòn bé bằng ngón út mà ra đây hoá thành cái nem rán nhân cua bể, món ăn quốc tế. Chỉ những mái tóc xun xoăn lên như cô gái châu Phi thì hình như các tay thợ ngôi chịu, vẫn để nguyên mẫu thế trên đầu các cô gái đời mới.
Đêm công viên Thống Nhất. Đèn treo vòng qua mặt cầu quán Gió. Hoa cúc trắng trong bóng tối. Những quả quất đốm vàng nhấp nhoáng. Thoảng mùi thơm hoa hồng. Ôi, sao chưa vào xuân mà đã hồng hoa. Hay là cứ tưởng ra thế. Thành phố đường vắng vẻ thiên nhiên - hay là ở nơi đô hội người ta không để ý, mùi hoa, mùi đất, mùi lá và mùi gió mơ hồ thả xuống lòng đường, những sáng sớm vừa dứt mưa đêm. Trong lùm cây, ghế đá thì rõ ràng cảnh tất tả khác thường. Đôi trai gái xe đạp dựng, nón, ba lô, túi dết, chai dầu, nước mắm đeo túm sau yên. Vừa về tới, đã ngủ đêm trong thành phố, hay chốc nữa đạp ra làng sơ tán tận đâu.
Mới mùng bốn đã lao xao và gay gắt như mọi ngày trong năm. Mụ mắt cú vọ đứng sắp hàng mua cá bể muối từ Hải Phòng đưa lên đã đóng tảng trước quầy cửa chợ. Gần đến nơi, trỏ tay, hỏi. Cô nhà mậu lạnh lùng bảo cá bán theo phiếu cán bộ. Mụ quay ra giữa hè, mặt phừng lên, vô vô:
- Cha tiên nhân cái mặt này! Sao mày không đẻ ra cán bộ, chỉ đẻ ra thằng nhân dân! Cha tiên nhân...
Những câu chửi, cũng một câu chửi, câu thì mánh khóe té tát, câu thì khoe ý nhị, nhiều nhẽ. Bà ở quê ra chơi, cháu bé lon ton chạy tới, bà cười cười: Cha đẻ mẹ thằng cũn kia! Tối mùng sáu, ra ăn mở hàng cháo gà lão Chữ ngã sáu.
Năm mới, được ngày tốt, bác hàng cháo chỉ làm một ít bán lấy may. Khoảng mười giờ, nồi cạn đã sôi ục ục. Không thấy cái chú mọi khi lúi húi rửa bát ở chiếc bồn gỗ cạnh bếp lò quây miếng sắt tây. Thằng bé về quê ăn tết chưa ra à? Ông Chữ đương ngồi lau bát, ngước lên, cùi tay đấm lưng bùm bụp, rồi khoe khéo.
Cám ơn ông hỏi thăm. Bố đương ốm mà bỏ đi thanh niên xung phong, ông ạ. Vào tận mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên đấy. Cha tiên nhân nó, gần Tết gửi được cái thư về báo cáo gia đình đi có năm tháng đã được tiên tiến, bây giờ phụ trách C đấy, ông ạ. Ông bảo cái ngữ rửa bát chưa sạch thì phụ trách, phụ móc gì mà cũng nên cán bộ cán thuổng?
Ôi chao, cái câu chửi, câu phàn nàn mà âu yếm. Thành phố sôi nổi mà lại như lặng lẽ, khinh bạc, phớt đời. Lại đòn đánh mới, lại sắp bom, lại sơ tán, triệt để sơ tán. Lần nào cũng tưởng đã vợi hết người rồi vẫn cứ thấy trẻ con người già lốc nhốc ở đâu bò ra lắm thế. Đám tý nhau đeo ba lô, quảy túi lễ mễ trông đến thương - nhân đấy là mình nghĩ. Chúng nó bước lon ton, hớn hở, nghếch mắt ra vẻ ta đây.
Cái thói quen đêm giao thừa tụ hội nghe giọng sang của Đàm Mộng Hoàn, giọng đẹp Chu Thị Năm Tuổi ba mươi đã lại dư một vài... Tuổi năm mươi, tuổi sáu mươi... bảy mươi đã lại dư... Chiếc máy hát cũ hỏng đã lâu, cũng chẳng buồn chữa.
ừ đã lại dư... mà đã có người xuống mộ rồi. Ngoài hạ nêu, vào dịp bốn mươi chín ngày, đi Nam Định với Yến Lan, Bùi Hạnh Cẩn và Phạm Lê Văn viếng mộ Nguyễn Bính ở nghĩa trang thành phố. Chúng tôi đặt chiếc bia bên cạnh cái bia đã có. Thế là một mộ hai bia, nhưng chắc hôm đưa đám vào ba mươi áp tết ngày cùng tháng tận chẳng có mấy người. Thơ Nguyễn Bính, tình buồn mà cảnh đẹp, nhưng những luỹ tre xác xơ làng Thiện Vịnh, đồng chiêm ngập nước loi ngoi cỏ lẫn lúa xơ xác chẳng mảy may như trong thơ. Con trâu cày đồng sâu chỉ thấy hai lỗ mũi nghếch lên mặt nước. Không có rơm rạ, làng trồng cỏ tranh trên gò lấy cái lợp nhà. Gió ào ào qua rặng tre nghiến răng. Những thôn Đoài nhớ thôn Đông và đám rước quan trạng vinh qui qua làng Trang Nghiêm không phải dưới đất có được mà chắc là ở trên cao xanh đẹp đẽ xa kia.
Tôi mơ màng tưởng tượng và cũng thật tôi đương ngồi trong căn nhà ấy. Nếp nhà tranh một gian hai chái, cửa buông. Trước hiên, giàn đỗ ván đã quăn queo còn vương lại mấy quả khô đen như quả bồ kếp, thế mà mưa xuân đương độ phơi phới bay, vẫn nở như một đoá hoa tím ma quái. Mảnh sân đất ngoài đùn từng đống cứt giun và cạnh bờ rào thưa, hủm xuống một cái chuôm cạn. Cái ao cấy cần của nhà thơ. Mặt đất đáy ao, những khóm cần nhà ai đương lên xanh mởn.
Hỏi ra mới biết năm ấy nhà xuất bản Phổ Thông - nơi Trúc Đường làm việc, in truyện thơ dài Tiếng trống đêm xuân của Nguyễn Bính. Có tiền nhuận bút, nhà thơ nảy ra cái ngông về làng quê làm nhà, cái nhà đơn sơ như trong thơ xưa. Nhà tôi có một vườn dâu... Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần... Hoa đỗ ván nở mùa xuân. Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm... Rồi vợ chồng con cái Nguyễn Bính dời thành Nam, về làng. Chỉ ở được ít lâu, đôi bên lục đục, đánh chửi nhau, chăn bông xé đôi mỗi người đắp một nửa - báo Nam Hà trong mục thơ châm biếm đã có bài thơ mỉa mai. Rồi cái nhà này, cái sân đất, cái ao hệt như trong thơ, phải bán đi. Lại gồng gánh nhau ra phố ở. Buổi trưa ấy, tôi nghỉ nhờ bác chủ mới của nếp nhà ấy - một người làng. Nhìn cái cửa buồng, chiếc then tre treo lắc lư, nghe tiếng bụi tre đưa võng kẽo kẹt bên đầu hồi. Nhà tôi không bán vườn dâu. Tháng hai giàn đỗ bắt đầu ra hoa. Sang năm tôi phải về nhà. Đợi xem vườn đỗ ra hoa có nhằm? Trong tôi rỗng không chẳng một ý nghĩ, nhưng mắt thì rưng rưng. Tiếng tàu hoả về Phủ Lý đằng cuối cánh đồng thuốn hun hút vào giữa trưa, có lẽ canh khuya nghe còn thăm thẳm hơn.
Đêm về viết bài đi viếng bốn mươi chín ngày Nguyễn Bính cho đài phát thanh buổi gần nửa đêm gửi miền Nam báo tin buồn với bè bạn trong ấy - Nguyễn Bính đã lặn lội mười mấy năm trời ở thành, ở chiến khu, cũng là một đứa con miền Nam.
Các cửa hàng, phiếu thịt chỉ bán mỡ - mà hoạ hoằn mới có. Người đổ ra đường, suốt ngày nháo nhác sắp hàng, xếp hàng mua từ mớ rau đay. Bom đánh trên đầu, dưới đất thì kéo dài hàng như thế này, biết sẽ ra sao. Tôi ra nhận làm công tác trưởng khối phố, tôi đi xem xét các nhà thiếu đói để xin cứu tế cuối năm. Vào một nhà, chị ấy làm nghề y tá, chồng li dị. Ba mẹ con cả tháng ăn cháo quấy lẫn rau muống. Nửa phần gạo phiếu đã bán để thêm tiền chi tiêu và mua rau, mắm muối. Ba khổ mặt xanh rớt, sáu con mắt thì trong Tháng hai qua như cuốn đi, đôi lúc nhìn cây cỏ mới nhớ ra. Những cây xoan vẫn khẳng khiu. Cây táo còn sót lại trên cành những quả vàng, rung một cái, rụng lộp bộp lẫn với những giọt sương. Chiếc búp bàng đã dựng đứng như cái tai thỏ xanh. Tiếng con chim vành khuyên bay trong làn mưa mới nhè nhẹ nửa bụi nửa hạt. Hoa vông đỏ, màu gắt đỏ hoa vông, đông miếng tiết. Bụi mưa vân vân quanh người trên đường.
Đêm xuống rồi mà gió dải đồng còn thổi dài mặt hồ Hoàn Kiếm. ánh điện hẩng trong lòng tháp hắt ra trông thấy một chiếc thuyền thúng ghép bằng mảnh thiếc đủng đỉnh lượn quanh bờ cỏ tháp Rùa. Người trên thuyền, một bàn tay bơi, một tay thả xuống những cái ống đánh lươn. Hè phố Tràng Tiền, những viên gạch đã mòn trũng, trơ ra cái vỉa viền đá xanh, như con cá giơ xương. Khung cửa sổ trên gác im lặng trong cánh mành buông, một chiếc bóng nhìn ra, tay nâng cái chén. Chén chè ngon hay chén rượu một mình. Êm ả, tĩnh mạc, các cửa sổ ban đêm giữa thành phố phòng không như trong chuyện cổ tích.
Khuya rồi bỗng hiện ra một con quái vật của chiến tranh Việt Nam 1966. Một xác chiếc máy bay không người lái cụt mất một bên cánh, nằm trong thùng chiếc xe bò, một người cầm càng kéo đi. Thằng không người lái này ban chiều vừa lẻn vào tiếng nó réo lọng óc. Tự vệ quận Đống Đa đón lõng bằng đại liên, đã hạ nó rơi trên bờ đê, bây giờ xe vào đây. Cái lạc hậu tha cái tối tân lủi thủi lọc cọc trong đêm.
Cái nào đi với đặc điểm ấy trong thời chiến. Quán cà phê Miền Nam cạnh bệnh viện Mắt. Chủ vốn lái xe, áo xanh, tay nhọ, bàn ghế ngổn ngang trong cửa hàng tối hũ nút. Vợ chồng nhà quán cũng đen như bóng tối, hàng dọn lúc ở bờ hè, lúc vào trong nhà, chẳng khác cà phê đá nhạt thếch ở bến xe đi Nam Vang xế cửa chợ Bến Thành ngày trước. Cà phê Trần Hưng Đạo, một tay thương binh chán đời. Những người vắng mặt trong câu chuyện đều bị lão gọi bằng thằng. Khách hàng, áo ka ki đại cán bạc như khuôn mặt thờ ơ của những cán bộ bàn giấy các cơ quan quanh đấy. Cà phê Lâm chơi tranh trễ tràng, các thứ nam nữ cô bồi, cá chìm, họa sĩ nổi tiếng ngồi lẫn với thợ vẽ Bờ Hồ, những loại đú đởn học đòi, những cặn bã tự cho là nhất thiên hạ tới đây để rồi khoe tầng uống chịu của ông chủ cà phê chơi tem rồi chơi tranh và mua sách của các nhà văn túng thiếu đem gán nợ. Cà phê Lương, cà phê Lâm hàng Da thì đã tàn. Thế mà cái cà phê nhà mậu đường Điện Biên lại đương nổi, ngoài cửa xe đạp chồng đống. Chẳng ra gì mà đông như chọi gà. Mới biết bán hàng cốt có cái duyên. Nhưng dù sao, vẫn khác những quán cà phê nhợt nhạt ô Yên Phụ, chỉ được cái ngọt ấm mùi hoa xoan trước cửa. Anh cô bồi ngoắc ria mép gọi hai ấm chè. Mỗi lần lên hồ Tây, tôi đến uống suông chai bia Hữu nghị rồi ngồi nhìn xuống lưng đình Yên Phụ kề mặt hồ. Thế mà bận sau, cô hàng đầu ô vẫn nhớ mặt. Khách dị dạng một chút, đã dễ quen.
Đêm Nôen năm ấy, đi chơi với một người khách trẻ măng không biết tên và trong tối sáng nhấp nhem, cũng không hẳn tường mặt. Những ngọn đèn đường chỉ rình tắt, sắp báo động. Suốt chiều, chốc chốc tiếng loa: Máy bay địch cách Hà Nội sáu mươi ki lô mét... ba mươi ki lô mét... hai mươi ki lô mét... Khách trẻ trung, trắng trẻo vẻ búng ra sữa, giọng Hà Nội nhỏ nhẹ, áo va rơi dạ mặc ngoài, mũ bông có tai ấm. Cũng như chúng tôi, cái bóng bù xù đi trong đêm đông lạnh. Nhưng mà khác chúng tôi.
Những bước thong thả trên đường khuya. Lúc này chỉ còn lại đám người vun quanh khu nhà thờ Hàng Trống và mấy cửa hàng Thuỷ Tạ, Phú Gia mở cửa trắng đêm đón người chơi Nôen. Đâu ai có thể tưởng cái anh chàng non tuổi ấy là một giặc lái bay cùng tốp với phi công Phạm Phú Quốc vượt vĩ tuyến ra đánh nông trường Tây Hiếu ở Nghệ An. Tin tức Sài Gòn tâng bốc rùm beng phi đội Việt Nam Cộng Hoà anh hùng đầu tiên ném bom miền Bắc. Nhưng câm miệng hến về chiếc máy bay rơi này.
Chúng tôi thường viết bài cho mục phát thanh của quân đội nói với thính giả miền Nam. Đọc tài liệu, giấy tờ bắt được ở chiến trường, trò chuyện với phi công tù binh Mỹ. Có lần, tôi vào làng La Cả uống rượu ăn thịt chó với đại tá Phạm Văn Đính, đại tá Vĩnh Phong - người hoàng tộc đã ra hàng quân giải phóng ở điểm cao Cồn Tiên Dốc Miếu. Hai sĩ quan hàng binh này sơ tán ở một nếp nhà tranh của quân đội ẩn trong lùm cây ổi cây nhãn giữa làng. Thỉnh thoảng, kéo nhau ra thị xã Hà Đông sắp hàng mua bia hơi. Có người đến thăm, khói bếp thịt chó nghi ngút cả ngày
Tôi cũng thường đọc trên đài một Thư Hà Nội gửi nhà văn Quan Sơn ở Sài Gòn. Chẳng mấy ai biết bút hiệu ấy của Doãn Quốc Sỹ ngày trước trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút. Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ, Đôi mắt của Hiền, cô Hiền ấy, con gái bác Tú Mỡ. Bức thư tình đăng báo mà rồi nên nhân duyên. Doãn Quốc Sỹ theo nhà vợ tản cư ra Bắc Giang ít lâu rồi vào Hà Nội, rồi di cư vào Nam. Báo chí và các nhà xuất bản ở Sài Gòn in sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, lại biết Sỹ dạy học ở Hà Tiên, được tu nghiệp ở Mỹ mấy năm. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức còm ở một làng làm nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tôi tin là không, thế mà Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế. Chắc chẳng khi nào Doãn Quốc Sỹ nghe bài của tôi để biết đến những tiếng nói cùng quê của anh.
Cái cậu giặc lái trẻ tuổi này cũng là một tài liệu sống mà quân đội cho chúng tôi mượn. Anh ta gốc Hà Nội. Nhà Hoả Lò thả cho đi dạo phố đêm Nôen với chúng tôi. Đã hơi khuya, trở lại ngã sáu, ghé vào ông cà phê 81 một lúc đợi đến gần nửa đêm mới lững thững lên nhà thờ Hàng Trống.
Ngã sáu vẫn như mọi khi, những đêm vào mùa lạnh, mặt đường mênh mông ra trong ánh đèn thoi thóp quãng một. Những cây sữa trụi lá đứng trơ trỏng. Tôi chợt thấy thú vị nhận ra chưa phải mùa hoa sữa. Tôi không yêu, cũng chẳng ghét hoa sữa. Nhưng bạn bè thường chiều sở thích của Nguyễn Tuân, quên cái mình ưa hay không ưa. Nguyễn Tuân ghét hoa sữa, hoa dạ hương - những mùi đậm quá làm điếc mũi cả đêm. Chối của nào trời trao của ấy, ngay bên cửa sổ gác nhà Nguyễn Tuân, đến mùa, hoa sữa nở từng chùm trắng ngà nồng nàn buông mùi vào ngập cả phòng. Nguyễn Tuân bực bội không ngủ được, lúc nào cũng đóng cửa sổ về phía ấy. Một năm, cây sữa bị chặt, không biết vì mọi người kính trọng bác Nguyễn hay vì các hộ trong nhà thiếu củi đun.
Bỗng anh thanh niên giặc lái nói:
- Thưa bác, ở ngã ba quãng này có nhiều cây sữa. Cháu còn nhớ.
- Cây sữa bây giờ đã rụng lá. Như cây mùa đông bên châu Âu..
- Cháu còn nhớ, mỗi hôm đi học qua. Khi cháu học lái ở tận bên Mỹ vẫn còn ngửi thấy mùi, như cả đời học trò có mùi hoa sữa.
Nguyễn Tuân lặng im. Chắc vì không muốn nói như mọi khi tôi khó chịu cái mùi hoa sữa hắc lắm mà cậu học trò này đương nhớ mùi hoa thuở cắp sách. Chúng tôi ngồi xuống tấm ghế dài. Ông hàng nhô ra bên ngoài cái chụp đèn hoa kỳ. Vẫn ông 81, áo nâu lẫn bóng tối. Tôi tưởng ông đã đi sơ tán để đứa cháu nào nán lại trông hàng ~ giữ khách. Tôi hỏi:
- Ô! Ông công sứ Gotapphơi còn đây à?
- Thưa, vưỡn ạ. Khốn khổ, cháu đã chạy ra ngoài Vọng. Được ăn mấy trận no bom, mà không chết thế là lại quay về. Cái thằng Mỹ cũng trông gà hoá cuốc, cứ chỗ đồng không mông quạnh nào có cái lò gạch là nó choang bom. Chúng cháu lại ở nhờ cái xóm làm gạch, cả mấy cái lò đỏ ối. Chặp tối lúc nãy nó ném nghe gần lắm. ở đâu thế, chư ông?
- Chắc lại dưới cầu Giẽ.
- Sao bảo lễ Nôen thì nó cho bên đạo nghỉ - Cầu Giẽ, cầu Hàm Rồng, lúc nào ta cũng xe tàu tải đạn tải người vào Nam, nó im sao được Các họ đạo vùng cầu Giẽ phải lên lễ nhờ nhà thờ Hàng Trống. Chắc năm nay cũng thế. Ông cũng lại nên thu xếp, chỗ ngã bảy thế này không yên đâu.
- Nghĩ thế mà tôi chạy ra Vọng, mới hút chết.
- Thôi, ông ạ.
- Nhưng chỗ này thì yên sao. Tay cà phê Hoà vừa chết bom giữa phố Huế đấy.
Ông đặt cái khay trước mặt chúng tôi. - Chạy đâu cho khỏi số, hả ông? Cái năm thằng Mỹ thả bom Nhật, tôi ở ngõ Hàng Đũa sau ga Hàng Cỏ, bom rơi bốn phía, tôi đứng giữa. Lần này Mỹ bỏ bom tạ ở Vọng, tôi vẫn ở giữa. Hoá tam ba bận, Nam Tào Bắc Đẩu quáng mắt xoá hộ khẩu mình rồi, bây giờ chẳng đi đâu nữa cho nhọc!
Tôi không để ý. Có lẽ những chuyện tàu bay tàu bò thế này không thể làm khuây khoả được anh giặc lái trẻ tuổi. Anh trầm ngâm nhìn xa xa. Lúc đứng dậy, anh nói nhỏ:
- Nhà cháu trước ở đằng kia, cuối phố Công chúa Huyền Trân.
- Cậu có muốn nhìn lại nhà không?
- Cám ơn bác.
Chúng tôi thong thả ngược lên Bờ Hồ. Một lúc, anh nói một chuyện khác:
- Cháu trông ông cụ bán cà phê, không hiểu sao, cháu cứ ngỡ ông cụ ấy là ông Lý Thường Kiệt.
- Hay nhỉ!.
- Ông Lý Thường Kiệt chắc cũng có nước da bánh mật thế và ông đánh nhau đến già không thua trận nào, cụ cà phê cả đời bị bao nhiêu trận bom vẫn không việc gì.
Nguyễn Tuân cười:
- Mình chỉ thấy ông ấy giống cái pho tượng Nhịn ăn chùa Tây Phương. Ông lão quê mùa thế mà đã có mấy năm ăn chơi ở Pa ri đấy.
Mọi người đều cười. Cậu giặc cái chắc cũng chưa trông thấy ông phật gầy giơ xương trên chùa, thường được gọi là ông Nhịn ăn. Anh ta theo bố mẹ vào Nam từ lúc: mười tuổi, lớn lên sang Mỹ học nghề hàng không, trở về lái máy bay vận tải, rồi máy bay chiến đấu, lần đầu vượt giới tuyến. Tôi cũng chỉ chốc lát với anh ta đêm ấy, như đọc trang tài liệu, không biết tên mà cũng không bao giờ còn gặp lại.
Cái ông Nhịn ăn cà phê bít tất, bị hai đời máy bay Mỹ quần mấy trận mà vẫn trơ ra, ừ cũng có thể như tướng quân Lý Thường Kiệt, lại cũng như cái người nhịn ăn rồi thành phật. Ông lão đã trên tám mươi, mấy năm sau ông mất bệnh già, nhẹ nhàng như người đi ngủ. Ông có thằng cháu được sang học bên Tiệp, lấy vợ Tiệp và ở lại bên ấy. Thằng này chẳng thể biết đời ông nội nó lội bùn ở đồng chiêm lên Kẻ Chợ từ năm mười bốn tuổi, rồi làm bồi công sứ Gơrapphơi rồi cà phê ô lê, rồi cà phê bít tất... Anh trí thức mới lấy vợ Tiệp kia, làm sao anh tỏ rõ được ngọn nguồn cái nước An Nam, cái người An Nam Mít... Chao ôi, nói đâu ai, tôi đây tôi cũng không biết tên ông nội bà nội tôi và mù tịt các tên các cụ tổ tông nội ngoại nhà mình, mà tôi cũng chẳng khi nào áy náy cả.
Xế trưa, máy bay ném bom vùng ga Văn Điển. Cao xạ, tên lửa vi vút lên. Một thoáng, trời lại lặng yên trong xanh. Rồi tối đến, phố xá vẫn đông một tối chủ nhật giữa tháng lĩnh lương kỳ hai. Quanh Bờ Hồ và khu hàng Giầy bộn người. Cả mấy quán ăn đều hết chim quay. Cà phê Lâm, cà phê Ca không còn chỗ chen chân. Những cửa hàng thắp đèn dầu nhấp nhoáng. Lão khách béo chủ hiệu - như lão Sáng nhị mũi, và mấy cô chạy bàn vóc dáng mỡ màng phục phịch, vừa nhàn nhạt, vừa bong bóng. Những đôi mắt đưa đẩy óng ánh khác thường. Dường như không ai còn nhớ vừa mới chặp tối một cái máy bay không người lái dã lướt qua lưới cao xạ Ngã Tư Sở sang Phà Đen. Giống cái thằng xác máy bay đêm trước nằm trên xe bò người kéo lênh khênh qua phố Tràng Tiền? Nhưng thằng này bay thoát.
Mỗi buổi sáng, băn khoăn của những người còn ở lại thành phố: nó làm gì hôm nay? Đại khái vẫn đánh đấm thế, vẫn như thường ngày chăng. Người ta vừa khẩn trương, vừa lừ đừ. Cái chòi gác có mỗi khẩu súng trường trên đê Thượng Cát cũng chăm chăm ngước lên trời. Không thể nhận được ra mới hôm qua làng Ngọc Hồi bị bom rải thảm khắp xóm. Ngoài đồng đương gặt chiêm, ống chân lội xuống thụt nước, tay tóm cổ lúa từng bó cắt trên mặt bùn - lúa chiêm năm nay xấu, hạt vàng xám như răng sún. ở đầu công viên Thống Nhát, trường đại học kiểu kiến trúc hiện đại cao cao thanh nhẹ. Dọc mái bằng trên nóc, bốn ụ đất đắp to lù lù ghếch ra những khẩu trung liên của sinh viên trực chiến. Nhưng cái trận địa giả đầu làng Ninh Sở thì như trò trẻ rỡn. Giữa ruộng khoai tốt lá xanh eo éo, một bãi vuông vắn được rẫy cỏ như cái đầu cạo trọc nhẵn thín. Cả dàn ống tre bôi hắc ín đen nhánh ngóc đầu lên thành một dàn cao xạ nhiều nòng. Cuối bụi tre, hiên ngang một trận địa tên lửa. Bệ phóng đất thó gan gà nện được đắp cao, vàng choé. Giữa mặt phẳng đặt hai cây. chuối đã bóc bẹ nõn nà, bóng loáng như màu trắng thau vỏ tên lửa. Những trận địa trò chơi này bị choảng bom liên tiếp hàng ngày. Chiến tranh, liều lĩnh, tiếu lâm và thương tâm. Phố Yết Kiêu, quầy bán vé xe lửa, đám đông nhốn nháo sắp hàng đi sơ tán. Người đứng đợi, người nằm ngổn ngang. Một người đàn bà tựa cột đèn, mặt rầu rĩ, đăm chiêu giữa đám trẻ con lố nhố đợi bố mẹ mua vé tàu. Thoáng trông, không biết là mụ dở hơi, mà ngỡ một người yêu trẻ, đương trò chuyện rủ rỉ. Nhưng bọn trẻ thì bao giờ cũng khoái chơi với người điên. Một đứa quát khẽ: Giơ tay lên! Cả bọn trố mắt nhìn kết quả cái mệnh lệnh. Người đàn bà khổ sở từ từ giơ tay. Có đứa nói: Bỏ tay xuống. Mụ uể oải để rơi hai tay. - Cười đi? Người đàn bà ngước hai con mắt nhờ nhếch rồi nhếch mép tự dưng cười mếu máo. - Không phải! Đây là mếu. Cười đi? Cười đi!. Người đàn bà điên lại nhe hàm răng cải mả, nhăn nhó. Đám trẻ con và người điên cứ quanh quẩn chơi hiền lành bên chỗ sắp hàng lấy vé.
Bỗng dưng, một bác râu quai nón xồm xoàm như Trương Phi, áo cánh rách sã cả hai vai, không biết ở đâu đi ra. Hai tay hề chèo múa lên, vừa hơi vừa đế, lại vừa trống mõ... Bung bung nhóc... bung nhóc... tất cả ở cái miệng, con mắt và bộ râu đều làm chèo.
- Bớ quan viên làng nước, lệnh sức mỗi đình làng: rơm một bó, cỏ một gông, vải hồng để đi rước quan huyện nhá?
Tiếng đế khàn khàn:
- Tháng tư ngày tám, lấy đâu ra rơm?
Hề mõ:
- Thế nhà mày không có rơm ổ chó à?
Đột nhiên, bác rậm râu lùi lúi, nhớn nhác, như trông thấy quan huyện đương khệnh khạng bước tới. Bác nói thầm thì:
- Quan đã ra? Quan đã ra?
Rồi thét to thật lực:
- Nhà ai có gà thì nhốt lại nhá! Nhốt lại nhá!
Bọn trẻ con nọ cười rầm lên xúm sang bác lên cơn rồ hát chèo. Cũng chẳng biết là bác dở người hay là người vui tính thích đùa. Thành phố túi bụi bom đạn đình đoàng tối ngày, sao vẫn lắm người ngẩn ngơ, người chập mạch bông lơn đến thế. Những cành khế lúc líu chùm quả, quả mẹ quả con vàng khé bíu vào nhau thành chuỗi. Đêm mưa rào, sáng ra, cây ngâu đầu hè đổi màu lá xanh đậm. Hoa ngâu, hoa móng rồng chín trong nắng sớm thơm nồng nàn. Thường có mưa thì hoa rữa, nhưng những chấm hoa ngâu được mưa lại vàng ròn.
Trên lan can, cửa gác các nhà dọc phố, củi đuốc ghếch từng thanh, từng bó. Mỗi que củi bây giờ cơ hồ được nâng niu như phong lan và chim yến. Các báo hô hào đun than, nhưng nào biết mua than ở đâu. Mỗi tháng, may ra mới xách được về vài cân củi phiếu. Nhà có trẻ nghịch ngợm leo trèo bẻ cành cây khô bờ hè thì lúc nào cũng sẵn củi lửa đun. Đàn ông đâm ra đun bếp khéo, đến tôi mà cũng thổi cơm được bằng giấy má sách báo vơ ở cơ quan về.
Kho xăng Đức Giang bị ném bom lúc xế trưa. Máy bay nhào xuống, một chiếc trúng đạn lết ngược vào thành phố, rơi xuống vườn chùa Thông làng Mọc - cái chùa mà hai mươi năm trước, ở báo Cứu Quốc, tối tối tôi ra ngủ đấy, đề phòng Tây đánh úp Hà Nội ban đêm. Cột khói bốc gồ lên hình nấm, đen đặc, lan ra một dải mây thành chắn ngang chân trời. Chặp tối, tôi đạp xe ở lớp dạy viết văn sơ tán bên Thi Xá huyện Quế Võ về qua, nhìn lại còn thấy sáng rực bên kia cầu Long Biên. Hà Nội vẫn lờ lững nửa hốt hoảng, nửa như không. Các chợ họp từ bốn giờ tới tám giờ sáng và mở lúc chặp tối. Tin đồn thiếu tá Mạc Kên lái máy bay Rase, bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch, khai rằng Mỹ đã định ném bom huỷ nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên. Những người ở trên bờ sông và các phố đầu cầu quanh Hàng Than ban ngày chạy tránh xuống phía chợ Hôm. Nhưng đến hôm giữa phố Huế chợ Hôm bị trận bom đổ mấy toà nhà chết nhiều người thì chẳng biết rồi chạy đi đâu.
Kho Đức Giang chồng đống những thùng đựng xăng cháy đỏ hắt. Ngoài bờ rào, ruộng lúa mới cấy mạ đã bén rễ xanh rờn. Những người đàn bà lúi húi cắt cỏ. Một người đàn ông đặt thúng thóc trên đầu gối, vung tay gieo hạt, hạt lúa giống vãi xuống mặt ruộng xâm xấp còn sóng sánh đường bừa. Chú bé kia nằm trên lưng trâu giữa bãi cỏ, hai chân cong như móc câu, mắt lơ đãng nhìn ra đường. Những người dừng xe đạp Phượng Hoàng, xe Mipha cười nói tíu tít. Xa xa, hai vế gầu sòng tát nước nhô lên thủng thỉnh đưa đi đưa lại. Trận bom dữ dội cháy kho xăng trước mặt đã ra chuyện hôm qua, hôm xưa.
Bom đạn lẫn lộn với công việc làm ăn nhẫn nại đến khủng khiếp. Trên dọc đê, những khẩu súng trường và trung liên đầu cầu Đuống đã được thay bằng những khẩu đại liên ba nòng. Đơn vị đến nhận trận địa mới, bộ đội đương đứng ăn cơm. Nhưng cạnh ụ súng lớn vẫn nhô lên hai mô đất nhỏ, thò hai đầu ruồi khẩu súng trường của tổ dân quân trong làng ra trực chiến. Hai cô gái - hình như được cắt tua ngày nữ đêm nam, mỗi buổi được ăn mười công điểm hợp tác xã. Sông Hồng báo động số 3, nước chảy réo quanh chân cầu, xoáy tròn từ chân tre ra, xôn xao, đỏ xuộm. Lũ tháng sáu dềnh lên to quá. Bờ rào cây vông ngập, lá héo to bằng chiếc quạt nan rụng vàng mặt sóng. Nước vào ngập lưng vách. Những đàn gà và lợn con trốn lên nóc nhà kêu tán loạn. Bốn phía xám ngắt rồi tối ụp xuống, tiếng ngũ liên hộ đê chống tràn thúc suốt sáng như xưa trống báo cướp. Những ngôi nhà hai tầng dưới bãi - mà ngày trước không ai dám xây, nước chảy ngang cửa sổ. Người chạy nước lên phố dựng lều suốt vỉa hè bờ sông vào quanh nhà hát lớn. Khói bếp u ám như đốt rác tẩy uế. Những người đàn bà mặt vàng nghệ, bồng con ru ời ời. Chạy lụt năm nào cũng thế. Chỉ khác, mấy năm nay, phải lo cả giặc trời.
Còi báo động rợn mặt sóng. Một vệt khói đỏ tên lửa ngoằng lên trong tiếng nổ. Chiếc máy bay bỗng chằng chịt khói như một cuộn thừng trắng, lại một chiếc không người lái rơi xuống giữa sông Cái. Thế mà quán bia Chuồng Cọp bên hồ Thuyền Cuông vẫn người xếp rồng rắn quanh hàng lan can sắt suốt ngày đến chặp tối. Chỉ có những quán bia bán giờ giấc ngoài luật lệ phòng không. Người ta uống bia cho đến lúc trông lên không nhận ra ánh sao hay sáng điện lóng lánh giắt trên lá cây đề. Mùi sen thơm thoảng - lứa hoa cuối vụ, lẫn mùi lá sen già, không còn ngát như sen đầu mùa. Nhưng quái, đã lâu hồ này thả cá mè, có trồng sen nữa đâu. Thế mà rõ ràng mùi sen. Lạ nhỉ. Uống vại bia xong cũng không biết hết báo động chưa. Thế thì chắc lại mơ màng mùi sen mùa hạ trước rồi.
Một chuyến xe lửa toa lộ thiên vào cầu Long Biên. Trên sàn tàu những gióng bệ phóng xếp một chồng cao. Cánh tên lửa nghênh ngang vướng thành đầu cầu phải cho lên tàu hoả mới đưa nổi qua sông Cái. Những chú bộ đội xinh xẻo như học trò tan học đứng chỉ trỏ xuống lòng đường phố Hàng Giấy. Hẳn đương đoán nhà mình chỗ kia, chỗ kia. Cạnh các ống đạn buộc những bu gà, những rọ lợn, một dãy quả đu đủ, buồng chuối xanh, các đồ ăn thức đựng loi thoi khi chuyển quân. Một con chó xích tự nhiên cong cổ sủa ngẩn ngơ lẫn tiếng bánh tàu nghiến ken két, khi tàu chui qua chỗ nóc cầu bị bom xập.
Chợ Bắc Qua đông nghịt suốt đêm, đến chớm ban mai thì tan. Vẫn cái chợ đổi vai mùa nào thức ấy, hành tỏi, khoai sọ, cà chua, rau cải, củ cải bên Bắc sang bán mớ ở chợ này để người buôn đường ngắn tải xuống chợ Châu Long, chợ Hôm, chợ Hàng Bè và các chợ xanh, chợ cóc góc phố.
Trời sáng ra thì chợ Bắc Qua tan biến hết người, như chợ ma.
Có tiếng gọi giật. Tôi quay đầu lại. Anh Sổ, chủ nhiệm hợp tác xã trong Bật. Sau xe đạp đèo những bó cải củ cao có ngọn. Hẳn là Sổ ra Bắc Qua bán vải quả hay bắp cải, dưa hồng đêm qua bây giờ tải rau về. Nhưng phía Hà Đông thiếu đâu chợ đổi vai, chợ xanh, chợ ngã tư mà phải lần mò ra đây.
- Đi đâu thế?
- Hôm qua em ra tỉnh có việc, quá chân đến đây mua ít cải về làm dưa thôi.
- Mua rau à? Rõ chở củi về rừng?
- Cải bên Bắc lắm búp, lại rẻ hơn cái cải chết rét quê em.
Chúng tôi vào một hàng nước. Sáng rồi, quán đương dọn về, nhưng có khách, cũng không vội. Ông hàng cứ tự nhiên lấy cái phun nhựa ra rót hai chén nước trắng. Bảnh mắt, uống rượu súc miệng, hay thật. Chợ Bắc Qua tỉnh ngủ cả đêm, có lẽ nhờ cái thứ nước này. Cái anh Sổ du kích trông như người bổ củi thuê. Nếu xách chiếc rìu qua phố, thế nào cũng có nhà gọi ông Thạch Sanh, Trước kia ở vùng tề, du kích Sổ đã thủ tiêu người táo tợn lắm. Sổ đóng quần áo rằn ri giả lính dù vào nhà thổ phố Vân Đình, nã thủng màn chết cả thằng Tây với con nhà thổ. Sổ mặc váy bà già đi chợ, bất chợt tốc váy lên, thò khẩu súng trường cưa báng ra lia ngã gục quan ba đồn giữa cầu chợ. Một mật thám ngoài Hà Nội hay về dò la, Sổ tìm biết nhà nó ở Khâm Thiên. Sổ ra tận nơi, bắt sống ban ngày điệu về chém ở cánh đồng Tía. Cấp trên cho lệnh thi hành án chánh tổng Canh Hoạch. Ngày giỗ bố chánh tổng, Sổ giả làm dõng đi hầu. Các quan khách lũ lượt, chỉnh tề tới ăn cỗ. Đột nhiên, Sổ bước vào vung dao bầu lia đứt cổ chánh tổng. Cái người cụt đầu máu phun, nhảy chồm chồm như con ếch - Sổ đã hiền lành cười hềnh hệch kể lại những câu chuyện ghê gớm như thế. Còn bây giờ thì:
- Ông ạ, tiện tay em mua vơ ít cải, chứ em ra đây cốt đòi nợ. Có một thằng ở phố Nhà Chung về chợ Đình rủ người đặt tiền mua than. Mình ngỡ nó tử tế, cũng đóng cọc một ít. Nó lặn biệt tăm. Mất không bao lăm, nhưng mà tức. Trốn thế nào được ạ, lên giời em cũng nắm cẳng lôi xuống. Hôm qua em ra tận nhà, tẩn cho một trận lòi tù và cả nhà nó lạy như tế sao, phải nhả tiền ra trả ngay tắp lự. Kìa, mời ông chén nước sớm. Ông đi đâu lên đây?
Sổ đã cho nó một trận lòi tù và thế nào không biết, nhưng tôi hỏi:
- Nó đi lừa mà để cho người ta biết nhà à?
- Che mắt đâu được thằng du kích tám năm này? ối lại báo động...
Rồi Sổ cười hô hố.
Cục địch vận quân đội đưa Nguyễn Tuân một tập nhật ký lấy được của một lính ngụy chết ở trận Đèo Nhông tháng ba 1965. Một quyển sổ nhỏ, tôi chép lại làm tài liệu về cuộc chiến tranh muôn mặt. Trang đầu nắn nót mấy dòng: Nhật ký đời tôi (trong những ngày nghĩa vụ quân dịch, kỷ niệm một đêm mưa ở trại Trương Tân Bửu 1/8/1964 - 24/6 Giáp Thìn - Nguyễn ích Tắc, số quân 104.229).
Tờ cuối ghi mấy trang những con số chi tiêu: Kim chỉ 3 đ. Sửa bộ quần áo vàng 80 đ. Sửa cái quần trận 30 đ. Mua một mũ vàng 45 đ. Mua cái gương đeo mắt 75 đ. Mua một ca, một muỗng 10 đ. Hai ngòm nguyên tử 16 đ. Bộ chìa khoá 20đ. Sắn dây xích 15 đ. Giặt bộ áo quan 7 đ. Hớt tóc 17 đ. Kem đánh răng 10 đ. Giấy và bì 5 đ. Chụp ảnh 65 đ.
Tập nhật ký của một con người vốn làm ruộng trong làng mà thật chịu khó ghi liền từng ngày, từ hôm đi quân dịch đến ngày chết trận.
Đây là những ngày cuối cùng.
15/1 - Một đời binh ngũ, suốt đời lưng mang ba lô, vai mang khẩu súng, ngày ngày đi qua những con đường bị bắn tỉa đạn veo veo trên đầu, nghe mà tái nước da.
20/1 - Đi qua quán lúc 9 giờ, biết thế nào nó cũng bắn tỉa, lúc hai đứa chạy qua một khoảng trống bị nó bắn 6 viên. 3 viên bay dưới chân, 3 viên trên đầu, mình chạy đại vào trong một cái nhà.
24/1 - Hành quân bằng phi cơ trực thăng, tưởng đi qua Qui Nhơn ứng chiến thì cũng là đỡ khổ, có nhiều bạn mang rađiô đi sửa, nhưng máy bay chỉ qua một cái eo biển và đỗ lại một cái làng hiu quạnh không một bóng người. Thế là mộng về Qui Nhơn bị vỡ.
31/1 - Vừa rồi, nó bò vào ném lựu đạn, nhưng may quá, không ai bị. Thế là nằm trong nhà cả ngày đi đâu cũng không được. Như chim lồng cá chậu, ra một bước cũng sợ không biết nó bên lưng lúc nào. Đêm gác hai giờ đồng hồ xanh mặt.
31/1 - Tết đến, người ta vui vẻ đón quân còn mình sống trong tình trạng cắm trại và báo động, mình nằm ở cái trường Toàn Mỹ, đồng bào sợ tản cư hệt, mình luẩn quẩn trong cái trường không dám đi ra ngoài nửa bước.
Lại một quyển nhật ký khác lấy được ở mặt trận Plâyme tháng mười 1965. Cũng chép ra sổ tay này làm tài liệu đời người. Một sinh viên quân dịch, trang in chữ Pháp, được điền vào: tên, bí danh, nghề, địa chỉ riêng, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, khi cần báo tin cho... Đã ghi: Svsph Hoàng Quang Hiểu 151 Trần Quí Cáp, Sài Gòn, 71 Hoàng Diệu Đà Lạt. Mặt trang sau dán một ảnh người con gái tóc uốn, mặt trái xoan, gò má cao, mắt một mí, môi thưỡn khêu gợi, áo dài trắng. Sau tấm ảnh viết hàng chữ: Bán mình cho Mỹ! Hoàng Quang Hiểu bị chết ở Pleime khi trung đoàn 40 sư 23 của Hiểu đi tiếp viện. Có lẽ cũng vào những ngày gần tết:
17/12 - Bận rộn vì phải đặt kế hoạch hành quân ngày mai. Ban 3 chỉ có mệt vào những lúc như lúc này.
18/12 - ở đây gần biên giới. Dân cư ít ỏi. Vài cái quán. Vài mái nhà. Chiều chiều nhìn đàn vlt giới bay về tổ xa xa nơi chân trời, mình có một nỗi buồn day dứt.
23/12 - Có cảm tưởng rằng mọi người quên mình có mặt trên trái đất này.
24/12 - Đêm nay là Nôen. Đi săn kiếm thịt về ăn réveillon (*) (*Tiếng Pháp: bữa ăn đêm như giao thừa) được 4 con heo rừng. Cả đại đội tưng bừng nhậu nhẹt. Ngủ ngon vì quá say.
25/12 - Được phép về Pleiku. Sướng quá. Lại được bạc!
26/12 - Chiều, cờ bạc lại thắng..
Chủ nhật 27/12 - Suốt ngày cờ bạc, toàn là thắng. Tối đi nhậu với Trọng, ghé Phượng Hoàng, nhảy vài bản với Quỳnh.
29/12 - Đi chơi với Trọng, đánh bạc và nhảy với Quỳnh. Pleiku ăn chơi bốn mùa chỉ có thế.
30/12 - Còn đúng 400 đ. Hôm nay không đánh bạc, ở nhà ngủ. Tối đi chơi với Trọng và Mai. Đi chơi đêm chót với chúng nó rồi mai" về rừng.
31/12 - Ngày cuối năm dương lịch. Nhưng mình cảm thấy cái buồn của một đêm trừ tịch ở một nơi xa vắng với cảnh núi rừng buồn tẻ. Trong lúc đó ở một nơi khác, thiên hạ đương mở sâm banh vui cười để từ bỏ một năm cũ, đón một năm mới. Không hiểu rồi đây đến cái ngày xum họp gia đình sắp đến của người Việt Nam, mình còn có phải hưởng cái cảnh xa vắng này nữa không? Đời nhà binh không thể nói trước được. Sau một tuần vui tạm bợ ở Pleiku, mình về đây càng thấy chán chường hơn.
Mong rằng Tết này được về thăm gia đình. Thôi giã từ năm cũ và hân hoan đón tất niên.
Dĩ vãng dẹp qua một bên...
(Tập nhật ký đến đây bỏ lại hơn 50 trang giấy trắng. Một số địa chỉ ghi ở bìa sau: Nguyễn Thị Thu Thuỷ 23 Nhà Chung - Đà Lạt, Nguyễn Thị Oanh 58 Lê Lợi - Sài Gòn (số điện thoại ds 20011 xin 40683). Cô Bích Hảo 61 Phan Bội Châu - Huế. Cô Trang Thiên Thu 104/5 Nguyễn Thái Học - Gia Định. Chuẩn uý Trương Văn Hữu, lưu trữ bưu điện Phú Vinh, Vĩnh Bình).
***
Đêm nay Hà Nội lại giao thừa.
Chặp tối, năm hết tết đến, vẫn loa báo động máy bay địch cách 40 ki lô mét... máy bay địch 20 ki lô mét... trong cái thành phố thương tâm bất cần đời này, cái tết mơ ước vẫn đến như từ bao nhiêu năm qua. Tối rồi, vô khối xe đạp còn hối hả đi mua hoa - những bó hoa cúc vạn thọ vàng rỉ ế ẩm, người chơi hoa năm nào cũng khuân cúc vạn thọ sau cùng.
Cả ngày ba mươi tấp nập. Trở trời, cá úi quẫy như đánh sóng trên mặt nước. ở hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu trẻ con vớt cá từng xâu. Từ gà gáy, người ùa ra ven hồ. Gậy, xiên sắt, túi, chậu... Tảng sáng, đám đông quanh hồ chen chân lẫn với công an và những người canh cá. Không ai bẻ cần câu, thu vó, đuổi người xúc, người câu ném như mọi khi. Mặt dầu, đã thành thói quen, túm được một con cá mè ranh, trẻ con lại len lét chạy ra xa. Quanh hồ, đông đến trưa. Được cá trời cho tất niên mà, ai cũng xoa xuê, vui vui. Rồi từ từ đêm giao thừa về. Hai cô bé tóc buông xoã vừa đi vừa hát ven hồ. Mùa xuân đã trở lại sao? Nửa đêm, người đi chơi đổ ra đông như hội. Trời rét cóng mà các quán bia hơi, bia chai sáng đèn suốt đêm. Mặt bàn lênh láng bia như tuyết tan. Nhiều người nước ngoài lẫn lộn giữa đám đông. Những người Cu Ba da màu vừa nhảy múa vừa vỗ trống. Có thể, họ là bộ đội pháo cao xạ hay tên lửa rời trận địa ra, vui nhộn đến thế. Hôm cuối năm, đi tảo mộ ở Văn Điển trông thấy sáu ngôi mộ xây, để tên các liệt sĩ Cu Ba.
Uống bia trước ga Hàng Cỏ. Những chuyến tàu cuối cùng lúc chặp tối đã tải hết những đoàn người về quê ăn tết, hôm qua hôm kia còn nằm ngồi chờ đợi chồng đống các phố quanh đấy tưởng chừng không thể vơi đi được. Thế nhưng trong nhà ga vẫn nhốn nháo người, những cô hồn lang thang và gái điếm không biết có giao thừa. à cái lão Vinh làm vườn và quét vôi bệnh viện ở độc thân trong ngõ phố vẫn giặt xi líp, nịt vú cho bọn này đây. Buồng lão, từ gầm giường ra, lổn nhổn bô ỉa đái và bột màu quét tường lấy cắp ở cơ quan. Trên dây dợ chăng ngang dọc khắp nhà phơi những miếng quần xanh đỏ gớm chết của gái làng chơi. Ai manh mối cho lão già cái việc kiếm tiền khốn nạn ấy. Lão một thân một mình, đến nỗi nào. Hôm đến kiểm tra, hỏi lão, lão ngồi câm như thóc. Người ta nói như đùa không phải lão Vinh túng bấn đâu, lão phải gió ấy nghiện hơi đồ lót của đàn bà.
Có lẽ đêm nay yên. Trên sân ga, mấy con đĩ rỗi hơi lại say rượu đương cong cớn tranh nhau xỉa xói, kể lể mắng tưởng tượng cái thằng giặc lái Mỹ đứng trước mặt. Quân chó má kia, mày đã cắn trộm quanh năm rồi, cũng phải nghỉ bom cho người ta thong thả nuốt được cái Tết chứ. Xung quanh, đèn thành phố vẫn tù mù thế, mà như tươi tỉnh hẳn. Mới chiều qua, máy bay vun vút lao vào như những con cá chuối bay. Hơi bom phần phật rung cửa hầm, tiếng súng và tên lửa khạc rền rĩ. Người dồn vào quán bán bia. ở Hàng Khay đông ních. Dân bợm bia thấy trú ẩn ở chỗ nhà bia an toàn quá. Có hơi bia, coi thằng đánh bom là cái đinh? Mãi chặp tối còn nổ ầm ầm, hàng bia phía Tràng Thi đã lên cái đèn dầu lom đom. Những vại bia và mặt người không biết mồ hôi hay hơi bia nhễ nhại.
Các nhà ở đầu cầu Long Biên hàng ngày chạy xuống phố Huế ẩn bị ăn bom dưới ấy. Nhưng mới bị hôm qua, bây giờ đi qua phố Huế đã khó nhận ra cảnh tàn phá thế nào giữa cái phố lúc nhúc những nhà những người.
Cây xà cừ mới trồng còn khoanh đất đỏ trên vỉa hè cháy chết đứng. Mặt đường nhựa lỗ chỗ, nham nhở lất bom bi. Cột đèn và đường ray xe điện bật lên oằn queo vỏ đỗ. Một ngôi nhà ba tầng đỏ ụp cắn chân tường thành một gò vôi gạch, mảng xi măng. Cả phòng thương nghiệp, phòng giáo dục khu và lão cà phê Hoà chết vùi trong đống vụn vỡ ấy. Lão Hoà từ ngày vào làm mậu dịch đứng bán giải khát ở quán Gió ngoài công viên. Tự dưng xin về phòng làm chân chạy giấy cho nhàn. Tội nghiệp, đâm ra chết! Những bó hương vẫn nghi ngút, mùi hương, mùi long não dầu xả vừa nhức mũi vừa lạnh lẽo hơi đám ma. Nhiều người còn đương dỡ những tảng vôi gạch hoen máu đen sạm. Sau vì tường đổ, nhà hai bên phố vẫn hầu như mọi khi. Trẻ con đùa nhau ngoài vỉa hè. Cửa hàng chữa đồng hồ lấp lánh ánh điện dưới cái chao đèn úp. Một ông lão gầy leo kheo đeo kính ngồi trên gác đọc sách trong cái cửa sổ toang hoác đã băng mất cả hai cánh. Tôi ngồi vào ghế ông cắt tóc. Cái đinh treo mảnh gương lên gốc cây sữa. Câu chuyện rả rích trong tiếng kéo tí tách. Bình tĩnh, bình tĩnh, ông nhỉ? Bom xuống đâu thì đấy bị, phải không ông?
Tôi biết đáp lại thế nào là phải cái triết lý ông thợ cúp cứ sống sờ sờ nhãn tiền quanh đấy. Quãng phố phải bom như con thằn lằn bị cụp đuôi. Xưởng tiện - bên kia lại mới xe về một đống vỏ phuy ét xăng dầu nhờn, chẳng khác những quả bom tạ, bom tấn chưa nổ. Nhưng đấy là những thùng xăng phụ máy bay đeo ngoài cánh. Trong nhà, bàn tiện quay xè xè. Những miếng đuy ra vỏ thùng được cắt khéo thành cái lược, hình tháp Rùa, chùa Một Cột - công nghệ tặng phẩm đem kỷ niệm khách nước ngoài làm bằng xác máy bay địch. Ngay ngã tư, các chợ cóc vẫn la liệt những chậu rau muống chẻ ngâm nước, những thúng cua đồng chát đất cho nặng cân ở ngoài ô vừa vào. Trên thùng chiếc xe tải mới đỗ, các ông tài ông ét dỡ củi xuống chất làm bếp thổi cơm chiều ngay trước hè ngôi nhà đổ. Đằng kia lại có hàng bia mới mở, trên những thùng bia chất như lợn con căng lên cái dù ni lông đỏ - như bãi biển Sầm Sơn mọc giữa thành phố - dù đỏ ấy của máy bay Mỹ thả quân dụng và biệt kích. Những bối rối trước mắt, không biết đương trận mạc hay đương bình thường, lộn xộn cái buồn thảm với cái cười. Cửa trong bán rượu, người xúm đông như ngoài hè bán bia. Rượu phiếu, môi người được mua nửa lít. Tay đưa phiếu kèm tiền ẩn qua cái lỗ vuông, bàn chân sắp hàng nhích dần vào với cái túi xách đen nhẻm ấy là chân người mua và túi đựng chai rượu - những khuôn mặt bự rự, lìm lịm. Mấy chú tí nhau và những ông Tàu dởm bán lạc ngọt, lạc mặn trước hàng bia đã kéo đến, đương tranh nhau chỗ ngồi. Cái thùng sắt tây đựng lạc treo trước ngực như chiếc đàn phong cầm - phong cầm lạc rang. Ông Tàu bán phá xa mặt nghiêm như Tưởng Giới Thạch, bộ ria quai nón, đầu quả táo, bắp tay rám đen, chỉ cái dáng ấy cũng toả ra sự kiên nhẫn chịu đựng của con người. Nắng hoe hoe đã tắt trên ngọn cây sữa, tiếng loa trong cái thúng bằng tôn úp treo trên giữa lòng đường... máy bay địch cách... rồi còi báo động lại vi vút từng đợt dài... Nhưng quanh chỗ phố Huế mới bị bom, mọi sự hồ như thản nhiên.
Suốt hôm qua, hôm kia - đã bốn hôm, máy bay vào quấy đảo loạn trời. Chiều, đánh sân bay Nội Bài, sáng sớm lại bom lại. Cầu Long Biên gãy ba nhịp từ phía Gia Lâm sang. Đòn hiểm, địch diệt những nhịp cầu giữa luồng nước sâu. Nhưng ngay trong đêm, đường sắt được chữa lại, những dòng cầu gãy như mái che vẫn để nguyên chỉ vừa lỗ cho con tàu chui qua. Thoáng thấy, tưởng cầu sụp thật thì những đoàn tàu chở khách và chở súng cao xạ, tên lửa vẫn chạy suốt đêm. Cái cầu giả chết lúc nào cũng như ngái ngủ. Bom bi như mưa rơi xuống phố Mới, phố Hàng Vôi, cửa đền bà Kiệu. Hai đứa trẻ núp trên cành đa cạnh đền, bom bi nổ móc lòi ruột. Những phát tên lửa pun pớp thuốn chảy thép lao xuống cạnh chỗ rửa rau vo gạo buổi chiều phố Trần Quốc Toản, phố Lý Quốc Sư. Vòi nước vẫn ri rỉ chảy, rá gạo và những bó rau muống chơ vơ không có người. Trong làng Giá, hôm nay Sửu nhập ngũ. Nó đeo theo cái giỏ, trong có mảnh ni lông xanh, túi bút và hộp thuốc màu. Ba hôm, xóm giềng họ hàng tới chơi. Bố Sửu trải thêm cái chiếu ngoài hiên, đặt rổ giầu vỏ ra đấy. Hôm qua đem phiếu đến cửa hàng mậu dịch lấy hai cân thịt, đặt một cỗ lòng. Hai vò rượu cất bên Sấu đem sang. Một mâm tiên thường mời các cụ dưới âm về tiễn cháu, người trên trần thì đánh chén tới khuya. Hôm nay giết hai gà, mâm cúng trên bàn thờ và đặt cả ngoài cây hương.
Hội trường giao quân ở sân phơi hợp tác. Người các xóm kéo đến từ sáng. Mấy chõng hàng nước chè tươi, thuốc lá cuốn đã bày ra. Cả huyện lấy con số tròn năm trăm. Thêm mười lăm nữ tình nguyện. Mỗi đám bước ra, những vòng người hai bên lô xô nói: Đi nhé? Đi mạnh khoẻ nhé! Đi dăm bảy tháng thống nhất thì về nhé. Những chú lính mới bước nhanh như lướt. Có người đeo sẵn hai cái bu trong để viên gạch chỉ đem đến nơi tập đeo vác vượt Trường Sơn. Đi qua rồi quay lại nói to: Nào đi xẻo ít thịt Mỹ về xào. Đám con gái cười ré lên: Không ăn đâu, không ăn đâu.
- Chỉ đợt này nữa đến thống nhất thôi.
- Xem khí thế vui lắm, cơ chừng xong đến nơi.
- Lạy giời...
Mít tinh chặp tối, đoàn tân binh đi luôn trong đêm trăng.
Trận địa 57 đầu bãi Nghĩa Dũng. Mười khẩu cao xạ 57 bóng nhoáng lỗ chỗ như đầu rắn mai gầm. Phía này cản đòn cho nhà máy Yên Phụ và cầu Long Biên. Trên bờ đê cao, trông xuống sông Hồng cát bay mờ mờ. Nhà máy điện xám đen lồng vào những nhịp cầu đan thành mảnh như nan bu trên lùm cây sà cừ. Con mắt thần ra đa quay ì giữa những luống hoa cẩm chướng xung quanh cắm miếng kền xác máy bay - để gà khỏi vào bới. Báo động, lại báo động. Tất cả vụt vào vị trí. Số 4 tính góc phần tử, máy bay nhào sau hai giây cho lệnh bắn. Chỉ cần một viên đạn, nếu mọi bộ phận điều hoà đúng. Nhưng rồi lại báo yên. Hôm qua, địch thả bom xuống trận địa này, bụi còn bám mù mịt. Hai con bò của đại đội gặm cỏ trong bãi trúng bom bi. Ngả thịt ăn không hết, phải đem ra chợ Châu Long bán bớt. Cấp tốc sơ tán 18 con lợn ra vệ đê. Chỉ riêng đàn gà của mỗi khẩu đội chẳng biết thế nào là sống chết, vân túc tích quanh quẩn ra vào bên cỗ pháo. Đến lúc bom nổ tối mắt, những con nhép ấy mới biết sợ, chui vào cỏ nằm im phắc.
Trận địa súng cỡ 37 thì lênh đênh giữa hồ Tây, chỗ chùa Trấn Quốc trông ra. Những thùng đựng tên lửa đã khéo kết thành nền bè phao, lát phên nứa. Tám khẩu 37 xếp hàng đôi dọc bè. Sóng oàm oạp rung rinh đầu súng. Mép bè, những máng vầu đựng đất trồng viền những luống hoa bóng nước rực rỡ hồng. Các chiến sĩ trực chiến đứng giữa hồ trông vào đường Cổ Ngư. Trong ấy, loáng thoáng người ngồi bàn ăn bánh tôm dưới gốc đa. Chặp tối, vòng đạp xe của tôi kết thúc cuộc thăm các trận địa quanh Hà Nội về đến ngõ Văn Chương, trong ấy cũng đóng một đơn vị bảo vệ ga Hàng Cỏ. Tiếng chó con lắc rắc sủa hoàng hôn như ở trong làng. Trẻ con lấp ló đầu nhà ngó xem người đi qua. Đại đội 6 này đã bắn rơi chiếc F 105. Thằng thiếu tá phi công Sáclơ phải nhảy dù xuống tràn than ngay trong tường nhà máy điện Yên Phụ. Bên kia mặt hồ, nhà ga Hàng Cỏ sáng trưng một vẻ không bình thường, giữa một vùng tối om. Tiếng còi tàu, trong khói hơi nước phụt phụt trắng bông. Những con tàu cả ngày chui lủi đâu bây giờ lừ lừ vào ga, bắt đầu đêm hoạt động. Ngoài đường Khâm Thiên ồn ào như chợ. Tưởng như chẳng ai để ý sau lưng bức tường, có những nòng cao xạ vươn đầu lên.
Nhà máy điện Yên Phụ đằng kia, nghe tiếng máy chạy rền rền, ngày đêm bụi than tuôn ra bám đen kịt những cành cây cơm nguội cổ thụ hai bên hè phố, từ thuở tôi cắp cặp đi học trường tiểu học Yên Phụ.
Thế mà cái nhà máy cổ lỗ này đã chịu mỗi ngày vài đợt bom, không biết bao nhiêu trận dòng dã. Cái nồi súp de lò hơi, quả tim của nhà máy phía tường trường Yên Thành được bọc đất thó quấn rơm như cái áo giáp kỳ quái giữa những hố bom toang hoác thành từng vũng nước ao chuôm. Thế mà chưa một lần lò bị bom. Nhưng ngôi chùa Am bên kia đường, hơi bom đã đánh đổ sập. Quán hàng nước chè tươi trước cửa chùa, thợ nhà máy sớm nào cũng ghé uống bát nước ngon, cả ông hàng nước cùng bay mất tích. Suốt ngày đêm, than được chở vào nhà máy, lúc ô-tô tải, lúc xe trâu kéo. Một dãy người đứng sàng, đổ than lên đường máng đưa vào lò. Các chị sàng than đi giầy vải, chít khăn đen chỉ hé hai con mắt, như cô gái Thuỷ Nguyên kín mít khăn vuông. Cái cột xi măng tròn sừng sững giữa nhà. Lúc còi báo động, mọi người ôm cột tụt xuống. Người leo cả ngày những cái cột đã lên nước bồ hóng đen nhoáng.
Báo động máy bay cách 30 cây số, công nhân trên gác xuống cả tầng dưới. Chỉ còn ba người đã được phân công bám máy. Chết cũng đứng đấy với mỗi một chiếc đồng hồ đo áp suốt trơ trọi. Nóc nhà máy chính thủng đạn nham nhở như cái áo tơi rách. Két nước băng mất từ lâu không còn nước trữ, công nhân phải bắc vòi cao su và gánh nước suốt đêm lên. Nhưng sau cái ống khói đen sì vẫn sừng sững. Một ống khói bị quẹo nghiêng như sắp khoác vai ống kia. Cái tuyết bin trên tầng và nồi hơi dưới nằm lọt thỏm trong những lớp rơm nhồi bùn, cao như những gò đất. Miếng bảng đồng gắn trên tuyết bin, tựa con rùa thò cổ trong đống bùn ra có chữ đề công ty Derlikon Thuỵ Sĩ 1920. Cỗ máy cái của nhà máy điện đã già ngoài nửa thế ky rồi. Không thể tưởng tượng được biết bao đơn giản đến thế nào. Nhưng cũng ở nhà máy hiên ngang này lại có cán bộ tài vụ dính vào vụ án tụ tập xem táp lô ở góc phố Cầu Gỗ. Có phải vì thế mà nhà máy chưa được phong anh hùng. Ba hôm liền, toà án xử phúc thẩm mấy vụ. Còi báo động nổi lên, không ai chạy ra hầm. Bởi vì toà nhà xử án của thời Tây để lại, kiên cố hơn hầm trú ẩn nổi hay cái lỗ phòng không cá nhân ngoài kia chăng. Trưởng ban khối phố, tôi được mời dự. Thành phố muốn cho cán bộ cơ sở biết những tệ nạn xảy ra trong lúc bom đạn để về xem lại an ninh trật tự ở phố mình.
Có một người đàn bà thường ngày bán vé sổ số ở vỉa hè phố Huế. Chịu không đoán được hạng người thế nào. Chưa hẳn nạ dòng, cũng không còn trẻ. Vẻ hơi quê, nhưng có lẽ cũng ra phố ở đã lâu. Chiếc áo cánh lụa mớ gà cổ và gấu viền đăng ten. Tóc búi, đôi mắt lá dăm đưa đẩy trên những câu thưa gửi chợ búa ngọt xớt. Nhưng đến lúc nghe ông công tố đọc cáo trạng thì những đoán mò của tôi đều quá hiền lành và vu vơ. ả nọ có trong tay 36 cái chìa khoá của 36 cái nhà, cái buồng. Những chùm chìa khoá làm chứng được đặt loảng xoảng trên bàn chánh án. ả đã thuê lại từng giờ những cái nhà, cái buồng vắng người để làm nhà thổ. Thế là ả có 36 buồng trong tay của những người đi làm theo giờ, của người sơ tán, của người độc thân nghèo túng chịu khó vắng nhà một vài giờ lấy ít tiền tiêu.
Còn khoé làm tiền khác nữa. ả đóng vai người mẫu cho bố con một ông chụp ảnh tài tử. Những tấm ảnh cũng được bày chỗ tang vật cạnh vành móng ngựa. ả làm tình với con thì bố chụp, với bố thì con chụp. Các kiểu. Đám lông trên mu được khuếch lên thành một gò cỏ đậm nhạt thơ mộng. Có cái ngậm chiếc tẩu nghi ngút khói, lông xùm xoè như anh chàng râu na quái dị hút thuốc. Lại một đám ăn chơi khác. Đám này có công ăn việc làm đàng hoàng, người thì xã viên tổ mì sợi người làm thợ máy, người tài vụ kế toán. Người nào cũng đến cơ quan và nơi làm việc giờ giấc tử tế. Nhưng tan tầm thì không ai biết ai thế nào. Tối tối, họ tụ bạ trên cái gác ba một toà nhà giữa thành phố mới bị trưng dụng, chủ nhà còn được ở một buồng nhưng bỏ không. Chùm trò là một lão đã đứng tuổi như lão Văn Hiến ở với chúng tôi trên Việt Bắc, trước kia đã từng ở Pari - lão khoe thế. Tôi tin là thực, khi nhớ đến ông Hiến rách rưới, lúc nào cũng đói nhưng đã từng đàn đúm ở xóm ăn chơi Môngmac. Lão Văn Hiến này làm bảo quản phòng máy một trường đại học. Mỗi lần ngồi cả đám, bọn đàn em cứ cong cổ, cong mắt nghe đại ca đấu hót chẳng biết thật hay bịa về những truy hoan ban đêm xóm Môngmac thủ đô hoa lệ nhất thế giới chứ tép riu đâu như cái Hà Nội nhà quê này. Rồi xoắn na lên lão gật gù: Tao bây giờ có trần ai đến thế nào cũng là mãn kiếp, chỉ thương các chú mày đầu xanh tuổi trẻ chưa được ngửi cái mùi mẹ gì!.
Sau đó cả bọn tà tà kéo nhau đi săn bò lạc. Chúng nó rà rẫm đến bến Nứa, bến Kim Mã, Kim Liên, ga Hàng Cỏ hóng những người nhỡ tàu nhỡ xe. Đương thời chiến, thành phố lấy đêm thay ngày, bến bãi quán xá đâu đâu cũng bề bộn, ngổn ngang người cơ nhỡ. Chúng nó tán tỉnh đèo về được những cô gái không may đương ngẩn ngơ tìm chỗ trọ. Nhiều cô bị lừa tưởng chúng tử tế cho nghỉ nhờ đã ra toà kể tội bọn chó đểu: Những cô sinh viên trường sơ tán tận Lục Ba, Ký Phú, Mai Sui, Biển Động, những chị công nhân nhà máy đã di chuyển đi tỉnh khác.
Người dự phiên toà được đi tham quan cái tổ quỷ ấy. Trên gác ba, trong một phòng trần trụi, giữa trải một chiếc chiếu. Rải rác, những vỏ bao 3 số như vô tình vứt đâu đấy quanh một cái vại da lươn. Tàn thuốc lá gạt vào trong vại đã cao có ngọn, nhấp nhô như núi non bộ. Góc phòng kê một quầy gỗ giả làm chỗ uống đứng trong quán giải khát. ở giá trên tường bày một loạt chai uýt ky, chai vang nguyên nhãn, cả nút. Nhưng trong đựng nước lã. Những chuyện ăn chơi nghiêng trời được kể lại bên những vỏ chuối lá, cái núi tàn thuốc trong vại và những vỏ chai rượu đắt tiền. Để tưởng tượng ra những phá phách thú vị mà đêm nào lão Paridiêng nọ cũng nghếch ria lên kể. Còn những bí mật nữa trong phòng này. Mặt vách trang trí ghép những cây trúc hun khói màu ngà. Giữa mép trúc, mép tường được đục những lỗ chỉ ti hí bằng lỗ khoá cho người đứng ngoài nhòm vào xem táp lô. ở trong, một gã đương gạ gẫm cô nghỉ nhờ, rồi được bằng lòng hay phải cưỡng hiếp ra sao, tất tật lọt ra những con mắt dán vào cả chục cái lỗ ấy. Hôm sau chúng nó ngồi cãi nhau, phong chức và cá cược xem đứa nào giỏi hơn đứa nào.
Lại một vụ xử trấn lột, toà dưới làm án nhẹ, phải xử lại. ấy là một bọn cứ chặp tối đến chầu chực cửa rạp Tháng Tám - cả những đêm báo động. Đã lâu, theo lệnh phòng không thành phố, rạp đóng cửa, nhưng cái vỉa hè ngã tư ấy như thói quen, người dừng lại vẫn đông. Một người đạp xe qua. Một đứa chạy ra, tót lên sau xe, vừa ngồi vừa nói khẽ: Nhờ một quãng xuống cuối phố nhé? Nhưng vừa qua khuất bóng cây sấu rậm rì, người đạp xe chưa kịp quát hắt nó xuống đã cảm thấy lạnh toát mũi dao thích vào sườn và một tiếng rít nho nhỏ. - Rẽ đằng này! Rẽ đằng này? Mũi dao nhói vừa đủ khiến cho người ngồi trước run rẩy đạp theo lệnh. Đường phố hai bên vẫn nhộn nhịp hơn bình thường. Ai cũng đoán vu vơ là máy bay Mỹ nghỉ đánh lúc chặp tối để giặc lái còn ăn cơm, người ta đổ ra đường tấp nập. Đến một chỗ bóng cây tối đen. Đứng lại! Thằng cướp đường nhảy xuống. Mũi dao sáng loáng chĩa ra. Thế là, cái đồng hồ, cái phu la, cái áo len, ví tiền, đôi giày cũng bị lột cả bít tất. Thằng trấn ôm bọc đồ quay lại cửa rạp, cả bọn đã đợi. Chỉ ra đến Bờ Hồ mọi thứ đã bán xong. Rồi kéo nhau lên quán cạnh rạp Kim Phụng đánh chén. Hôm nào đét không được món nào cũng cứ đàng hoàng sà vào hàng phở, mì vằn thắn, gọi rượu. Chè chén xong cắp đít đi ra. Các hàng quán bị xúi quẩy này đã thuộc mặt từng đứa. Không dám đòi tiền, cũng không dám báo công an hay mách các hàng bên. Bởi chỉ khác mắt, thì cửa kính, mâm bát và cả ông chủ được xơi gạch củ đậu ngay. ở ngõ hàng Giầy, một chủ quán phở chua đã bị một lần ăn gạch vỡ trán, sợ quá, phải đóng cửa hàng.
Toà tuyên án tử hình tên cầm đầu băng trấn hai mươi mốt tuổi. Cả phòng xử lặng im. Nghe tiếng khóc thút thít ở hàng ghế nào. Luật nghiêm thời chiến có khác.
Cũng tiếc ngày ấy tôi không quen cái huyện trung du ven sông Hồng nọ để được về ăn uống lu bù ở cái nhà khách huyện mà chỉ nghe ở phiên toà cũng cảm thấy nơi nghỉ ngơi này dễ chịu chẳng kém khách sạn ở Hà Nội. Bây giờ thì bí thư huyện ngồi án tù 18 năm rồi. Tôi chắc cũng chỉ đến giường lùn kiểu Đức, bàn ăn trải khăn hoa... nhưng quả là nó càng rực rỡ linh đình trong lúc bàn dân thiên hạ nháo nhào chạy máy bay. Tài liệu ở cáo trạng thì cái huyện ấy như một quốc gia nhỏ. Hai mươi tư chủ tịch hai mươi tư xã. Bí thư huyện trước kia ở làng, vốn là tay cứ mỗi năm đến vụ nông nhàn thì đi buôn gà Bắc Giang về bán chợ Đồng Xuân. Bí thư cựu lái buôn này lắm mưu mẹo đã gọi các chủ tịch, bí thư xã lên cắt tiết gà uống máu ăn thề, làm kế hoạch mỗi xã hàng năm dựng lên công trường thuỷ lợi, ghi con số ma dân công để lĩnh tiền nhà nước. Lần lượt các chủ tịch, bí thư xã đều xây nhà. Các ngành các giới lên huyện họp được cấp tiền ăn như ăn cỗ gấp mười tiêu chuẩn. Chánh văn phòng giữ sổ sách, chủ tịch, bí thư huyện, cả ban thường vụ không hề biết mặt đồng tiền lương. Kho bạc nhà nước như chĩnh gạo trong nhà. Ai cũng ngập miệng, cán bộ cả huyện, cả các xã ngậm tăm.
Đến khi phải bắt đi tù vãn cả huyện uỷ, uỷ ban, thì hàng huyện mới ngã ngửa ra. Trong ban chấp hành chỉ có một đảng viên nữ không dính, bởi sợ nhưng cũng không dám nói ra.
Một hôm, có chiếc máy bay bị tên lửa bắn rơi trên đê. Thằng lái nhảy dù xuống cánh đồng chui vào ruộng ngô, mở điện đài gọi cấp cứu. Một tốp nữ dận quân núp giao thông hào trong xóm xô ra bắn đám máy bay lên thẳng vừa ập đến cứu nhưng chỉ quần đảo trên đầu, không dám bom, cũng không dám thả thang. Cô dân quân đội mũ cát quai ghì dưới cằm, gí mũi khẩu súng trường vào sườn thằng giặc lái. Cô thấp bé, thằng tù binh gầy, cao lêu đêu. Bức ảnh oai hùng ấy được truyền đi khắp thế giới. Những con người dũng cảm như thế, như thế, thời chiến, thời chiến mà. ở ngay cái huyện đương hỗn loạn coi trời bằng vung ấy đấy.
Vừa lên đèn, lại một toán giặc lái được dẫn từ sau lưng Nhà hát Lớn ra đi qua phố Tràng Tiền, Tràng Thi xuống Cửa Nam, về Hoả Lò. Năm mươi hai người xếp hàng đôi, áo bà ba xám nhờ, chân đi dép râu, thong thả, mệt mỏi. Cách quãng, một bộ đội kèm. Không lo tù binh chạy, mà đề phòng đám đông hai bên đường xô xuống đánh. ở ngã tư đầu Tràng Tiền, người nhốn nháo giơ tay hô đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo giặc Mỹ? Đến phố Tràng Thi, đám đông càng hò hét loạn xạ. Mấy người nhẩy ra thụi bừa một quả rồi lại chạy vào. Có một bà nạ dòng vào đến hè, cười nắc nẻ: cái gáy thằng Mỹ nát nhẽo, đấm ghê cả tay! Những bộ đội giải tù chạy lên chạy xuống cản người ùa ra. Không để ý cả tiếng còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn đã lại rú lên. Chúng tôi ở cửa hàng Tràng Thi cầm vại bia đứng trông ra đám người túi bụi. Lại một bà phốp pháp tất tả dưới đường lên, tay còn giơ nắm đấm, cười hơ hớ: Cái thằng Mỹ hộ pháp thế mà bụng nó toàn thịt mỡ bạc nhạc.
Đêm Nôen năm nay lại vào Hoả Lò chơi với tù binh lái. Âu cũng thêm một phong tục thời chiến, Nôen Tết tù binh. Thói quen người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm nhà nào cũng có món thịt gà tây - như ta tết ông táo cúng cá chép. Thời Pháp, người Tây đã đem gà tây giống sang, nhưng thỏ và gà tây chưa thành món quen như gà thiến, gà ta... Không mấy ai nuôi gà tây. Con gà đóm đen, mào đỏ, người đến gần thì cau có, xoã cánh chìa đuôi kêu cộ cộ. Thế mà những năm ấy, nhiều làng hai bên sông Đống, các hợp tác xã đã chuyển ruộng cho xóm khác, chỉ chuyên nuôi gà tây. Đến áp Nôen, hàng đoàn xe tải biển đỏ của quân đội về lấy gà, đem ra cho tù binh Mỹ ăn tết.
Cả hai cuộc kháng chiến, tôi đã gặp nhiều tù binh Pháp, Mỹ sĩ quan các cấp uý, tá. Trong chiến dịch biên giới phía bắc 1950, ở châu Bắc Sơn Lạng Sơn, Nam Cao và tôi đã trò chuyện với tù binh Pháp, đám quân quan thua trận của các binh đoàn Sác Tông và Lơ pa bị bắt trên đường số 4. Đông quá không đủ lán trại, phải lùa cả vào các khe đồi hốc đá. Có đứa khát nước hay khát rượu, nằm rống lên một lúc, rồi thắt cổ. Có đứa phơi lá duối khô nhét vào ống đu đủ làm thuốc lá hút phì phèo tiêu sầu. Bước chân phiêu lưu vào lính, coi như đã cầm cái chết trong tay, người lính binh đoàn Tabo lê dương chỉ còn biết nốc rượu và giết người. Một lần kia, gã da đen gác cửa khách sạn Kônisốp ở Bon, nước Cộng hoà Liên Bang Đức, tên là Rimi người Ma rốc quê ở Casablanca. Rimi hỏi tôi:
- Thưa ông về Hà Nội?
- Phải.
- Tôi xin nhờ ông một việc.
- Việc gì?
- Ông tôi là Rimi Idri, đi lính Pháp sang đánh nhau bên Đông Dương năm 1949, mấy chục năm nay gia đình chúng tôi không được tin tức. Thưa ông, nếu ông có khi nào gặp ông tôi...
Có thể người lính da đen quê ở Casablanca ấy đã đăng lính trong những binh đoàn Tabo bị tiêu diệt, bị bắt sống rồi chết trên rừng núi Lạng Sơn. Dễ thường tôi cũng đã gặp ông nội Rimi hay đã trông thấy nấm mồ ông nội nó ở Bắc Sơn. Nhưng lính Mỹ khác hẳn bọn lính Pháp loang toàng bạt mạng. Người lính Mỹ nào cũng từa tựa nhau. Trước cái chết có thể và sự giết người, nhưng mỗi người Mỹ đăng lính đều đã tính toán thành con số. Lương chính, phụ cấp chiến trường gửi nhà băng tỉnh quê. ăn uống hàng ngày và chi tiêu bằng tiền thưởng, sổ ghi cẩn thận. Không xem báo, chỉ đôi khi đọc truyện trinh thám, đi câu và đi săn. Hết ba năm mãn lính, dành dụm làm sao gom đủ tiền mở được một cửa hiệu trong thị trấn hay tậu một trang trại nhỏ và một đàn bò. Những cái tính cộng trong túi mỗi người đại để thế, bởi vì đi lính kiếm đồng tiền nhanh hơn nhiều nghề lao động khác.
Nhà Hoả Lò, vẫn căn phòng mọi lần, có một chậu cảnh trồng một cây xương rồng châu Phi, cao bằng chiếc đũa cả, giống xương rồng ông của ta. Một lát, chiếc xe Jeep đít vuông che bạt kín vào sân. Bạt sau mở, một tù lái bước xuống sau người lính. Tôi ngờ người tù binh nọ vẫn ở trong Hoả Lò này. Các ông quản giáo cho bịt kín xe, đi loanh quanh một lúc rồi quay về. Tôi ngỡ người tù binh biết như thế. Tuy không trông thấy và xe đi qua nhiều nơi mới đến, nhưng những tiếng động ở đây vẫn quen thuộc: tiếng phát thanh ở cái đài ngoài sân, con vạc, con chim lợn kêu đêm bay qua. Sau này, đọc phóng sự Trận tập kích Sơn Tây của một phóng viên Mỹ viết tôi càng tin thế. Người phi công Mỹ nào cũng được học các mật hiệu, nếu bị bắt giam, có thể làm dấu cho máy bay bay qua biết được.
Chuẩn uý Giôn 26 tuổi, chưa vợ, người bang Ôhiô. Bố mẹ chết tai nạn ô-tô. Hai em ở trại cứu tế. Lái A4, bị đạn cao xạ. Thoát ra biển cách bờ khoảng hai cây số phải nhảy dù ngoài khơi Hà Tĩnh, tháng ba 1966. Hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển Đông, Giôn chưa đặt chân xuống Việt Nam lần nào. Hai mươi lần đi ném bom, tám trận ra đánh miền Bắc. Đã được đi nghỉ ở Nagasaki, ở Manila, ở Băng Cốc.
Chúng tôi và người phiên dịch, với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ đô bao bạc và một đĩa kẹo. Chiếc ghế đẩu của thằng tù thấp - không được ghế mây như khách, mà Giôn vẫn cao lêu đêu ngang chúng tôi.
Tôi rơi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sái không cựa được. Tôi chưa kịp mở điện đài. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh. Bị bắt hơn một tháng, thưa các ông, lúc nào tôi cũng thèm thịt bò. Thèm mãi không có rồi quên đi. Bây giờ, đã hơn ba năm, ba năm hai tháng, một ngày rồi.
(Chiếc áo tay rộng ông màu lá cơi. Số 31 in trước ngực và lưng áo. Dạo có những cuộc trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm, tôi đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá, cổ đeo chuỗi hạt gọt bằng mắt tre, gộc tre, trong cái túi lưới đeo vai đựng bộ quần áo cánh có số và đôi dép râu, hệt quần áo và dép của chuẩn uý Giôn. Họ xin được đem những kỷ niệm ấy về xứ). Chuẩn uý Giôn này lấc cấc, nhanh nhẩu, không ủ rũ, mệt mỏi (như thiếu tá tù binh Mác Tuên năm ngoái gặp cũng ở phòng này).
Lúc ấy khoảng hai giờ trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo tôi một quãng rồi xe camiông đem đi. Một mình tôi trong thùng xe, với một người gác. Cảm giác đầu tiên: thế là cuộc đời đánh dấu chấm hết. Nhưng đến chặp tối, được khai giấy tờ, có bác sĩ đến khám, cho thuốc mỡ bôi cái đầu gối sưng, tôi thoáng nghĩ tôi đương chờ đợi cái gì, cái gì không rõ, nhưng không phải cái chết.
Cho đến hôm nay, tôi còn sống, thế là tết. Và cái tôi chờ đợi đã rõ. Tôi hy vọng một ngày kia được trở về. Bằng cách nào? Chỉ có Thượng Đế biết được. Còn tôi, tôi cầu mong chính phủ Mỹ suy xét lại về cuộc chiến tranh này. Hai bên thương lượng, cuộc đổ máu sẽ đi vào quá khứ. Nhưng bây giờ thì tôi đương ở trong tay các ông. Tôi được sống hay tôi phải chết, không phải do tôi. (Giôn thở dài rồi chép miệng. Giôn hay thở dài như lấy hơi rồi chép miệng. Giôn lực lưỡng, cao lớn. Tôi nhớ năm 1944 hai mươi năm trước một phi công Mỹ lái máy bay hai thân đến ném bom ga xe lửa thành phố Vinh bị Nhật bắn rơi. Tôi trông thấy người lính Nhật giải tù binh vừa bị bắt sống qua trước ga Vinh mới phải bom sập còn khói nghi ngút. Người tù binh lênh khênh, hai cánh tay bị trói giật sau lưng, người lính Nhật cầm cái thừng dắt đi. Miệng người tù binh Mỹ há hốc, máu đỏ lòm chảy ròng ròng hai bên mép. Không biết bị đánh gẫy hết răng hay nhảy dù ngã).
Thưa ông vâng, hoà bình, tôi được trở về. Tôi sẽ được tha.
( áo bà ba của Giôn rộng thùng thình, nhưng không có túi. Nguyễn Tuân cầm bao Thủ đô, kéo một điếu ra mời. Giôn cảm ơn. Cầm bao diêm Nguyễn Tuân đưa, Giôn rút một que đánh. Nhưng đã thó nhanh hai que diêm khác, cong ngón tay, gảy vào giấu trong ống tay áo. Tôi trông thấy).
Chính phủ Giônxơn đương điều đình với các ông? Tôi cũng nghe loa phát thanh tiếng Anh được biết. Tôi nghĩ cuộc nói chuyện có thể có kết quả nếu chính phủ miền Bắc thôi tiếp tế cho Việt Cộng. Tôi đã được cho biết từ khi mới đến Đông Dương như thế.
(Ngoài cửa sổ đột nhiên mưa rơi bập bùng xuống lưng tàu chuối như trông đánh. Tiếng nhạc đài oang vào tường, vang đi vang lại vách đá. Không biết ở các buồng giam, có nghe tiếng mưa và tiếng hát mọi khi cũng như thế này)
Thưa ông, ông bảo tôi nên kết luận lấy? Quả thực tôi không biết thế nào. Người ta bảo tôi là chính phủ Hồ Chí Minh không muốn thương lượng nên chiến tranh vẫn tiếp tục.
Vâng, vâng, tôi xin trả lời câu hỏi: tôi chỉ đánh phá xuống những nơi có thể cắt đường vận tải súng đạn và lương thực của miền Bắc cho Việt Cộng. Tôi phải thi hành lệnh cấp trên, vì tôi là lính..
Vâng, tôi ở hạm đội 7. Mỉa mai quá, đây là lần đầu tôi xuống đất liền ở Việt Nam...Các ông là nhà báo hỏi tôi có cảm tưởng thế nào, khi gặp các ông. Tôi ít có báo đọc, tôi nghĩ là các ông muốn biết ý kiến một tù binh Mỹ về chiến tranh và hoà bình. Tôi xin nói: hoà bình tốt, chiến tranh xấu. Một ngày kia không ở đâu còn chiến tranh, tôi mong thế.:
(Mỗi khi nghe xong câu hỏi, Giôn trả lời ngay. Có lẽ bẩm tính nó bốp tốp).
Không, không phải độc lập của Mỹ hay của Việt Nam bị xâm phạm. Nhưng nếu Mỹ không chặn lại thì cộng sản quốc tế sẽ chiếm miền Nam Việt Nam rồi chiếm Thái Lan, Miến Điện và những nước khác. Vì thế người Mỹ phải sang đây cản lại. Ông hỏi nếu tôi được trở về Mỹ mà thấy trong thành phố có biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam thì thái độ tôi thế nào?
(Tôi đã ghi được một ít con sô" mỗi ngày ăn của tù binh Mỹ ở Hoả Lò giá là 1 đ. Không có ăn sáng. Ngày hai bữa, mỗi bữa một bánh mì, bát canh rau muống cà chua, đĩa su su xào mỡ. Thỉnh thoảng được ăn món thịt gà tây rán, gà tây nấu như đêm Nôen này).
Nếu tôi được về nước, chắc khi ấy chiến tranh đã chấm dứt. Thế thì không còn biểu tình chống chiến tranh nữa. Nhưng nếu còn chiến tranh mà tôi vẫn là lính, tôi cũng không để ý đến đám biểu tình. Vì chính phủ Mỹ trả lương cho tôi không phải để làm việc ấy. Nếu tôi là thường dân, tôi có đi biểu tình không? Tôi không trả lời được ngay bây giờ, chỉ biết là tôi phải xem hai bên thế nào đã. Các ông bảo tôi lo bị bí mật thu tiếng để các ông phát lên đài, nếu tôi nói về chiến tranh không như chính phủ Mỹ đã nói, tôi có thể mất lương, có thể bị tù, khi trở về. Xin lỗi các ông, tôi không biết, tôi không trả lời được câu này.
Tôi học trường đại học tổng hợp Pensule. Chuyên khoa địa lý, nhưng bỏ dở, năm thứ ba khi 18 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình.
( Nguyễn Tuân cười khẩy: Chuyến này ông sinh viên địa lý biết thêm địa lý Việt Nam).
Tôi đã thưa với ông, tôi chỉ được biết Việt Nam trên bản đồ. Tôi mới học kiến thức chung về địa lý. Năm thứ ba phải thôi học. Tôi đi kiếm ăn khá vất vả. Bố mẹ tôi chết, khó khăn quá cho chúng tôi.
Một giờ bay đi thả bom, tôi được phụ cấp bao nhiêu? Thưa ông, phụ cấp và tiền thưởng ở chiến trường trả theo cấp bậc và từng chuyến khác nhau, bay làm gì, đi đánh phá, đi yểm trợ, đi cứu đồng đội. Trung bình, mỗi tháng tôi lĩnh trên dưới một trăm đô la, chưa bao giờ hai trăm. Tôi được bay ít lắm. Không hiểu tại sao.
(Nguyễn Tuân bảo: Anh nói dối". Chuẩn úy Giôn chỉ đáp: Thưa ông rồi im lặng. Sự thực hạm đội 7 vào trận đánh, đồng loạt mỗi phi công phải cất cánh ngày một lần, không kể các chuyến bay ngoại lệ).
Thưa ông, tôi rất thích không quân. Bởi khi giải ngũ vẫn có nghề. Nhưng tôi không muốn bay trên trời Việt Nam làm những việc như vừa qua. Nếu còn làm nghề này, tôi chỉ muốn bay ở nước Mỹ của tôi.
(Nguyễn Tuân nói nghiêm nghị: Nhưng thật thì chúng tôi đương ngồi trước mặt một tên giết người". Nét mặt hớn hở của Giôn chìm hẳn, Giôn mím môi).
Chiến tranh là tàn khốc, tôi biết, nhưng tôi phải làm theo lệnh chính phủ. Máy bay Mỹ bị các ông bắn, người lái rơi chết, nghĩa là các ông cũng giết người.
(Nguyễn Tuân cười nhạt, hỏi vặn: Giá thử bây giờ anh lái tàu bay từ Bắc nước Mỹ lên ném bom Nam nước Mỹ, thì thế nào?)
Mỹ và Việt Nam khác nhau, Bắc và Nam nước Mỹ không phải là hai nước.
(Nguyễn Tuân gõ gõ đầu tẩu thuốc. Đấy là cách lấy lại bình tĩnh. Thế là bực mình rồi. Những tiếng bộp bộp nặng nề của cái gạt tàn thuốc trong đêm thanh vắng, làm những vết nhăn trên trán Nguyễn Tuân dãn ra. Nguyễn Tuân nói, thong thả: Nêú được tha, anh hãy về học lại đi. Đại học địa lý rồi mà dốt quá! Ai bây giờ bảo phía nam nước Mỹ là tư sản, phía bắc là cộng sản, anh nghĩ thế nào?
Thế là điên, thưa ông.
(Nguyễn Tuân đứng lên, hầm hầm trỏ tẩu thuốc vào mặt Giôn: Anh đương nghe lệnh một bọn điên đấy).
Tôi chỉ làm theo chính phủ tôi. Tôi đã khai là tôi có lái máy bay đi bắn và ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhưng tôi chỉ bom bắn cầu đường phá xe của Hà Nội vận tải cho Việt Cộng. Thưa ông, tôi không giết người.
(Giôn ngồi ở cái ghế đánh dấu như chiếc ghế năm trước. Tôi vừa nhận ra con số 2541 quét sơn trắng ở chân ghê, đúng cái ghế năm ngoái thiếu tá tù binh Mác Tuên đã ngồi. Lúc nào Giôn cũng giữ một tay trên bụng áo. Giôn không biết tôi đã thấy nó lấy cắp que diêm nhét vào ống tay mỗi lần được cho thuốc lá hút. Giôn biện bạch một thôi).
Vâng, tôi chỉ được phép phá cầu, phá đường phá xe. Nếu có người chết, cũng là chẳng may người ấy gặp tai nạn, tôi không cố ý. Nhưng dù thế nào, xẩy ra cái chết cũng là bất hạnh, tôi không muốn. Đức chúa Trời dạy con người phải thương yêu nhau. Chúa dạy tôi sợ máu, tôi không dám nhìn máu, tôi không dám giết ai. Đức chúa Trời...
(Nguyễn Tuân lắc đầu nhè nhẹ: Giết người mà lại nói con người phải thương yêu nhau! Không hiểu Người tù binh như sợ hãi, nói luống cuống).
"Tôi không giết người, tôi không... Tôi không thù ghét, nước Việt Nam Cộng Hòa hay nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Những người chết là người bị tai nạn chiến tranh. Nếu trên cầu trên đường lúc ấy chỗ ấy không có người thì không ai chết. Vì người ta đi đến đấy chứ tôi không chủ tâm làm người ta chết.
(Nguyễn Tuân lừ lừ đứng dậy, giơ tay: Nhắc lại này: bao giờ mày được về thì nhớ học lại địa lý Không có hai nước Hoa Kỳ, không có hai nước Việt Nam. Nhớ đấy. Trung uý Giôn, con mắt xanh lơ ngó ngác).
Các ông không phải là nhà báo. Các ông là quan tòa? Các quan tòa lấy khẩu cung tôi. Các ông sắp đem tôi ra xử. Tôi xin hỏi thực các ông?
(Nguyễn Tuân rút hai điếu Thủ đô đưa cho trung uý Giôn. Anh này mặt lúc đỏ lúc tái run run cầm thuốc: Cám ơn, cám ơn. Các ông có phải... Không giải thích hay an ủi, Nguyễn Tuân bước ra, mặc câu nói dở dang sau lưng. Nguyễn Tuân trầm mặc, nghiêm mặt và một vẻ ta đây. Tôi thường chứng kiên dáng điệu đĩnh đạc ấy ở Nguyễn Tuân, khi tiếp xúc với người nước ngoài. Nguyễn Tuân lý lẽ và cứng cỏi. Âu cũng lại một thói quen, cái người hay nói tôi không thích chính trị cũng đương chính trị mà không biết).
Năm cùng tháng tận, tết nhất đến nơi mà thành phố vẫn phấp phỏng không biết bom đạn trên trời ập xuống lúc nào. Dáng ai cũng vội. Mưa bụi hơi nặng hạt. Tiếng pháo rải rác. Con chuột cống trụi hết lông trong rãnh nước lép nhép ra, gặp ánh điện lại lõm bõm thong thả quay vào. Ngày mùng một, những bộ quần áo mới và những người đẹp loé lên như nắng sớm. Kiểu áo Thái Lan vạt không viền gấu ngổ ngáo được các ông phó may đất Kẻ Chợ làm cho dịu đi, ưa mắt. Thì cái áo đại cán ở Thái Nguyên về chẳng ra sao mà đến Hà Nội cũng hoá nhũn nhặn, dễ trông. Chiếc chả giò Sài Gòn bé bằng ngón út mà ra đây hoá thành cái nem rán nhân cua bể, món ăn quốc tế. Chỉ những mái tóc xun xoăn lên như cô gái châu Phi thì hình như các tay thợ ngôi chịu, vẫn để nguyên mẫu thế trên đầu các cô gái đời mới.
Đêm công viên Thống Nhất. Đèn treo vòng qua mặt cầu quán Gió. Hoa cúc trắng trong bóng tối. Những quả quất đốm vàng nhấp nhoáng. Thoảng mùi thơm hoa hồng. Ôi, sao chưa vào xuân mà đã hồng hoa. Hay là cứ tưởng ra thế. Thành phố đường vắng vẻ thiên nhiên - hay là ở nơi đô hội người ta không để ý, mùi hoa, mùi đất, mùi lá và mùi gió mơ hồ thả xuống lòng đường, những sáng sớm vừa dứt mưa đêm. Trong lùm cây, ghế đá thì rõ ràng cảnh tất tả khác thường. Đôi trai gái xe đạp dựng, nón, ba lô, túi dết, chai dầu, nước mắm đeo túm sau yên. Vừa về tới, đã ngủ đêm trong thành phố, hay chốc nữa đạp ra làng sơ tán tận đâu.
Mới mùng bốn đã lao xao và gay gắt như mọi ngày trong năm. Mụ mắt cú vọ đứng sắp hàng mua cá bể muối từ Hải Phòng đưa lên đã đóng tảng trước quầy cửa chợ. Gần đến nơi, trỏ tay, hỏi. Cô nhà mậu lạnh lùng bảo cá bán theo phiếu cán bộ. Mụ quay ra giữa hè, mặt phừng lên, vô vô:
- Cha tiên nhân cái mặt này! Sao mày không đẻ ra cán bộ, chỉ đẻ ra thằng nhân dân! Cha tiên nhân...
Những câu chửi, cũng một câu chửi, câu thì mánh khóe té tát, câu thì khoe ý nhị, nhiều nhẽ. Bà ở quê ra chơi, cháu bé lon ton chạy tới, bà cười cười: Cha đẻ mẹ thằng cũn kia! Tối mùng sáu, ra ăn mở hàng cháo gà lão Chữ ngã sáu.
Năm mới, được ngày tốt, bác hàng cháo chỉ làm một ít bán lấy may. Khoảng mười giờ, nồi cạn đã sôi ục ục. Không thấy cái chú mọi khi lúi húi rửa bát ở chiếc bồn gỗ cạnh bếp lò quây miếng sắt tây. Thằng bé về quê ăn tết chưa ra à? Ông Chữ đương ngồi lau bát, ngước lên, cùi tay đấm lưng bùm bụp, rồi khoe khéo.
Cám ơn ông hỏi thăm. Bố đương ốm mà bỏ đi thanh niên xung phong, ông ạ. Vào tận mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên đấy. Cha tiên nhân nó, gần Tết gửi được cái thư về báo cáo gia đình đi có năm tháng đã được tiên tiến, bây giờ phụ trách C đấy, ông ạ. Ông bảo cái ngữ rửa bát chưa sạch thì phụ trách, phụ móc gì mà cũng nên cán bộ cán thuổng?
Ôi chao, cái câu chửi, câu phàn nàn mà âu yếm. Thành phố sôi nổi mà lại như lặng lẽ, khinh bạc, phớt đời. Lại đòn đánh mới, lại sắp bom, lại sơ tán, triệt để sơ tán. Lần nào cũng tưởng đã vợi hết người rồi vẫn cứ thấy trẻ con người già lốc nhốc ở đâu bò ra lắm thế. Đám tý nhau đeo ba lô, quảy túi lễ mễ trông đến thương - nhân đấy là mình nghĩ. Chúng nó bước lon ton, hớn hở, nghếch mắt ra vẻ ta đây.
Cái thói quen đêm giao thừa tụ hội nghe giọng sang của Đàm Mộng Hoàn, giọng đẹp Chu Thị Năm Tuổi ba mươi đã lại dư một vài... Tuổi năm mươi, tuổi sáu mươi... bảy mươi đã lại dư... Chiếc máy hát cũ hỏng đã lâu, cũng chẳng buồn chữa.
ừ đã lại dư... mà đã có người xuống mộ rồi. Ngoài hạ nêu, vào dịp bốn mươi chín ngày, đi Nam Định với Yến Lan, Bùi Hạnh Cẩn và Phạm Lê Văn viếng mộ Nguyễn Bính ở nghĩa trang thành phố. Chúng tôi đặt chiếc bia bên cạnh cái bia đã có. Thế là một mộ hai bia, nhưng chắc hôm đưa đám vào ba mươi áp tết ngày cùng tháng tận chẳng có mấy người. Thơ Nguyễn Bính, tình buồn mà cảnh đẹp, nhưng những luỹ tre xác xơ làng Thiện Vịnh, đồng chiêm ngập nước loi ngoi cỏ lẫn lúa xơ xác chẳng mảy may như trong thơ. Con trâu cày đồng sâu chỉ thấy hai lỗ mũi nghếch lên mặt nước. Không có rơm rạ, làng trồng cỏ tranh trên gò lấy cái lợp nhà. Gió ào ào qua rặng tre nghiến răng. Những thôn Đoài nhớ thôn Đông và đám rước quan trạng vinh qui qua làng Trang Nghiêm không phải dưới đất có được mà chắc là ở trên cao xanh đẹp đẽ xa kia.
Tôi mơ màng tưởng tượng và cũng thật tôi đương ngồi trong căn nhà ấy. Nếp nhà tranh một gian hai chái, cửa buông. Trước hiên, giàn đỗ ván đã quăn queo còn vương lại mấy quả khô đen như quả bồ kếp, thế mà mưa xuân đương độ phơi phới bay, vẫn nở như một đoá hoa tím ma quái. Mảnh sân đất ngoài đùn từng đống cứt giun và cạnh bờ rào thưa, hủm xuống một cái chuôm cạn. Cái ao cấy cần của nhà thơ. Mặt đất đáy ao, những khóm cần nhà ai đương lên xanh mởn.
Hỏi ra mới biết năm ấy nhà xuất bản Phổ Thông - nơi Trúc Đường làm việc, in truyện thơ dài Tiếng trống đêm xuân của Nguyễn Bính. Có tiền nhuận bút, nhà thơ nảy ra cái ngông về làng quê làm nhà, cái nhà đơn sơ như trong thơ xưa. Nhà tôi có một vườn dâu... Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần... Hoa đỗ ván nở mùa xuân. Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm... Rồi vợ chồng con cái Nguyễn Bính dời thành Nam, về làng. Chỉ ở được ít lâu, đôi bên lục đục, đánh chửi nhau, chăn bông xé đôi mỗi người đắp một nửa - báo Nam Hà trong mục thơ châm biếm đã có bài thơ mỉa mai. Rồi cái nhà này, cái sân đất, cái ao hệt như trong thơ, phải bán đi. Lại gồng gánh nhau ra phố ở. Buổi trưa ấy, tôi nghỉ nhờ bác chủ mới của nếp nhà ấy - một người làng. Nhìn cái cửa buồng, chiếc then tre treo lắc lư, nghe tiếng bụi tre đưa võng kẽo kẹt bên đầu hồi. Nhà tôi không bán vườn dâu. Tháng hai giàn đỗ bắt đầu ra hoa. Sang năm tôi phải về nhà. Đợi xem vườn đỗ ra hoa có nhằm? Trong tôi rỗng không chẳng một ý nghĩ, nhưng mắt thì rưng rưng. Tiếng tàu hoả về Phủ Lý đằng cuối cánh đồng thuốn hun hút vào giữa trưa, có lẽ canh khuya nghe còn thăm thẳm hơn.
Đêm về viết bài đi viếng bốn mươi chín ngày Nguyễn Bính cho đài phát thanh buổi gần nửa đêm gửi miền Nam báo tin buồn với bè bạn trong ấy - Nguyễn Bính đã lặn lội mười mấy năm trời ở thành, ở chiến khu, cũng là một đứa con miền Nam.
Các cửa hàng, phiếu thịt chỉ bán mỡ - mà hoạ hoằn mới có. Người đổ ra đường, suốt ngày nháo nhác sắp hàng, xếp hàng mua từ mớ rau đay. Bom đánh trên đầu, dưới đất thì kéo dài hàng như thế này, biết sẽ ra sao. Tôi ra nhận làm công tác trưởng khối phố, tôi đi xem xét các nhà thiếu đói để xin cứu tế cuối năm. Vào một nhà, chị ấy làm nghề y tá, chồng li dị. Ba mẹ con cả tháng ăn cháo quấy lẫn rau muống. Nửa phần gạo phiếu đã bán để thêm tiền chi tiêu và mua rau, mắm muối. Ba khổ mặt xanh rớt, sáu con mắt thì trong Tháng hai qua như cuốn đi, đôi lúc nhìn cây cỏ mới nhớ ra. Những cây xoan vẫn khẳng khiu. Cây táo còn sót lại trên cành những quả vàng, rung một cái, rụng lộp bộp lẫn với những giọt sương. Chiếc búp bàng đã dựng đứng như cái tai thỏ xanh. Tiếng con chim vành khuyên bay trong làn mưa mới nhè nhẹ nửa bụi nửa hạt. Hoa vông đỏ, màu gắt đỏ hoa vông, đông miếng tiết. Bụi mưa vân vân quanh người trên đường.
Đêm xuống rồi mà gió dải đồng còn thổi dài mặt hồ Hoàn Kiếm. ánh điện hẩng trong lòng tháp hắt ra trông thấy một chiếc thuyền thúng ghép bằng mảnh thiếc đủng đỉnh lượn quanh bờ cỏ tháp Rùa. Người trên thuyền, một bàn tay bơi, một tay thả xuống những cái ống đánh lươn. Hè phố Tràng Tiền, những viên gạch đã mòn trũng, trơ ra cái vỉa viền đá xanh, như con cá giơ xương. Khung cửa sổ trên gác im lặng trong cánh mành buông, một chiếc bóng nhìn ra, tay nâng cái chén. Chén chè ngon hay chén rượu một mình. Êm ả, tĩnh mạc, các cửa sổ ban đêm giữa thành phố phòng không như trong chuyện cổ tích.
Khuya rồi bỗng hiện ra một con quái vật của chiến tranh Việt Nam 1966. Một xác chiếc máy bay không người lái cụt mất một bên cánh, nằm trong thùng chiếc xe bò, một người cầm càng kéo đi. Thằng không người lái này ban chiều vừa lẻn vào tiếng nó réo lọng óc. Tự vệ quận Đống Đa đón lõng bằng đại liên, đã hạ nó rơi trên bờ đê, bây giờ xe vào đây. Cái lạc hậu tha cái tối tân lủi thủi lọc cọc trong đêm.
Cái nào đi với đặc điểm ấy trong thời chiến. Quán cà phê Miền Nam cạnh bệnh viện Mắt. Chủ vốn lái xe, áo xanh, tay nhọ, bàn ghế ngổn ngang trong cửa hàng tối hũ nút. Vợ chồng nhà quán cũng đen như bóng tối, hàng dọn lúc ở bờ hè, lúc vào trong nhà, chẳng khác cà phê đá nhạt thếch ở bến xe đi Nam Vang xế cửa chợ Bến Thành ngày trước. Cà phê Trần Hưng Đạo, một tay thương binh chán đời. Những người vắng mặt trong câu chuyện đều bị lão gọi bằng thằng. Khách hàng, áo ka ki đại cán bạc như khuôn mặt thờ ơ của những cán bộ bàn giấy các cơ quan quanh đấy. Cà phê Lâm chơi tranh trễ tràng, các thứ nam nữ cô bồi, cá chìm, họa sĩ nổi tiếng ngồi lẫn với thợ vẽ Bờ Hồ, những loại đú đởn học đòi, những cặn bã tự cho là nhất thiên hạ tới đây để rồi khoe tầng uống chịu của ông chủ cà phê chơi tem rồi chơi tranh và mua sách của các nhà văn túng thiếu đem gán nợ. Cà phê Lương, cà phê Lâm hàng Da thì đã tàn. Thế mà cái cà phê nhà mậu đường Điện Biên lại đương nổi, ngoài cửa xe đạp chồng đống. Chẳng ra gì mà đông như chọi gà. Mới biết bán hàng cốt có cái duyên. Nhưng dù sao, vẫn khác những quán cà phê nhợt nhạt ô Yên Phụ, chỉ được cái ngọt ấm mùi hoa xoan trước cửa. Anh cô bồi ngoắc ria mép gọi hai ấm chè. Mỗi lần lên hồ Tây, tôi đến uống suông chai bia Hữu nghị rồi ngồi nhìn xuống lưng đình Yên Phụ kề mặt hồ. Thế mà bận sau, cô hàng đầu ô vẫn nhớ mặt. Khách dị dạng một chút, đã dễ quen.
Đêm Nôen năm ấy, đi chơi với một người khách trẻ măng không biết tên và trong tối sáng nhấp nhem, cũng không hẳn tường mặt. Những ngọn đèn đường chỉ rình tắt, sắp báo động. Suốt chiều, chốc chốc tiếng loa: Máy bay địch cách Hà Nội sáu mươi ki lô mét... ba mươi ki lô mét... hai mươi ki lô mét... Khách trẻ trung, trắng trẻo vẻ búng ra sữa, giọng Hà Nội nhỏ nhẹ, áo va rơi dạ mặc ngoài, mũ bông có tai ấm. Cũng như chúng tôi, cái bóng bù xù đi trong đêm đông lạnh. Nhưng mà khác chúng tôi.
Những bước thong thả trên đường khuya. Lúc này chỉ còn lại đám người vun quanh khu nhà thờ Hàng Trống và mấy cửa hàng Thuỷ Tạ, Phú Gia mở cửa trắng đêm đón người chơi Nôen. Đâu ai có thể tưởng cái anh chàng non tuổi ấy là một giặc lái bay cùng tốp với phi công Phạm Phú Quốc vượt vĩ tuyến ra đánh nông trường Tây Hiếu ở Nghệ An. Tin tức Sài Gòn tâng bốc rùm beng phi đội Việt Nam Cộng Hoà anh hùng đầu tiên ném bom miền Bắc. Nhưng câm miệng hến về chiếc máy bay rơi này.
Chúng tôi thường viết bài cho mục phát thanh của quân đội nói với thính giả miền Nam. Đọc tài liệu, giấy tờ bắt được ở chiến trường, trò chuyện với phi công tù binh Mỹ. Có lần, tôi vào làng La Cả uống rượu ăn thịt chó với đại tá Phạm Văn Đính, đại tá Vĩnh Phong - người hoàng tộc đã ra hàng quân giải phóng ở điểm cao Cồn Tiên Dốc Miếu. Hai sĩ quan hàng binh này sơ tán ở một nếp nhà tranh của quân đội ẩn trong lùm cây ổi cây nhãn giữa làng. Thỉnh thoảng, kéo nhau ra thị xã Hà Đông sắp hàng mua bia hơi. Có người đến thăm, khói bếp thịt chó nghi ngút cả ngày
Tôi cũng thường đọc trên đài một Thư Hà Nội gửi nhà văn Quan Sơn ở Sài Gòn. Chẳng mấy ai biết bút hiệu ấy của Doãn Quốc Sỹ ngày trước trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm. Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút. Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Doãn Quốc Sỹ, Đôi mắt của Hiền, cô Hiền ấy, con gái bác Tú Mỡ. Bức thư tình đăng báo mà rồi nên nhân duyên. Doãn Quốc Sỹ theo nhà vợ tản cư ra Bắc Giang ít lâu rồi vào Hà Nội, rồi di cư vào Nam. Báo chí và các nhà xuất bản ở Sài Gòn in sáng tác của Doãn Quốc Sỹ, lại biết Sỹ dạy học ở Hà Tiên, được tu nghiệp ở Mỹ mấy năm. Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với cái gia đình công chức còm ở một làng làm nghề dệt nghề giấy ngoại ô này không, tôi tin là không, thế mà Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế. Chắc chẳng khi nào Doãn Quốc Sỹ nghe bài của tôi để biết đến những tiếng nói cùng quê của anh.
Cái cậu giặc lái trẻ tuổi này cũng là một tài liệu sống mà quân đội cho chúng tôi mượn. Anh ta gốc Hà Nội. Nhà Hoả Lò thả cho đi dạo phố đêm Nôen với chúng tôi. Đã hơi khuya, trở lại ngã sáu, ghé vào ông cà phê 81 một lúc đợi đến gần nửa đêm mới lững thững lên nhà thờ Hàng Trống.
Ngã sáu vẫn như mọi khi, những đêm vào mùa lạnh, mặt đường mênh mông ra trong ánh đèn thoi thóp quãng một. Những cây sữa trụi lá đứng trơ trỏng. Tôi chợt thấy thú vị nhận ra chưa phải mùa hoa sữa. Tôi không yêu, cũng chẳng ghét hoa sữa. Nhưng bạn bè thường chiều sở thích của Nguyễn Tuân, quên cái mình ưa hay không ưa. Nguyễn Tuân ghét hoa sữa, hoa dạ hương - những mùi đậm quá làm điếc mũi cả đêm. Chối của nào trời trao của ấy, ngay bên cửa sổ gác nhà Nguyễn Tuân, đến mùa, hoa sữa nở từng chùm trắng ngà nồng nàn buông mùi vào ngập cả phòng. Nguyễn Tuân bực bội không ngủ được, lúc nào cũng đóng cửa sổ về phía ấy. Một năm, cây sữa bị chặt, không biết vì mọi người kính trọng bác Nguyễn hay vì các hộ trong nhà thiếu củi đun.
Bỗng anh thanh niên giặc lái nói:
- Thưa bác, ở ngã ba quãng này có nhiều cây sữa. Cháu còn nhớ.
- Cây sữa bây giờ đã rụng lá. Như cây mùa đông bên châu Âu..
- Cháu còn nhớ, mỗi hôm đi học qua. Khi cháu học lái ở tận bên Mỹ vẫn còn ngửi thấy mùi, như cả đời học trò có mùi hoa sữa.
Nguyễn Tuân lặng im. Chắc vì không muốn nói như mọi khi tôi khó chịu cái mùi hoa sữa hắc lắm mà cậu học trò này đương nhớ mùi hoa thuở cắp sách. Chúng tôi ngồi xuống tấm ghế dài. Ông hàng nhô ra bên ngoài cái chụp đèn hoa kỳ. Vẫn ông 81, áo nâu lẫn bóng tối. Tôi tưởng ông đã đi sơ tán để đứa cháu nào nán lại trông hàng ~ giữ khách. Tôi hỏi:
- Ô! Ông công sứ Gotapphơi còn đây à?
- Thưa, vưỡn ạ. Khốn khổ, cháu đã chạy ra ngoài Vọng. Được ăn mấy trận no bom, mà không chết thế là lại quay về. Cái thằng Mỹ cũng trông gà hoá cuốc, cứ chỗ đồng không mông quạnh nào có cái lò gạch là nó choang bom. Chúng cháu lại ở nhờ cái xóm làm gạch, cả mấy cái lò đỏ ối. Chặp tối lúc nãy nó ném nghe gần lắm. ở đâu thế, chư ông?
- Chắc lại dưới cầu Giẽ.
- Sao bảo lễ Nôen thì nó cho bên đạo nghỉ - Cầu Giẽ, cầu Hàm Rồng, lúc nào ta cũng xe tàu tải đạn tải người vào Nam, nó im sao được Các họ đạo vùng cầu Giẽ phải lên lễ nhờ nhà thờ Hàng Trống. Chắc năm nay cũng thế. Ông cũng lại nên thu xếp, chỗ ngã bảy thế này không yên đâu.
- Nghĩ thế mà tôi chạy ra Vọng, mới hút chết.
- Thôi, ông ạ.
- Nhưng chỗ này thì yên sao. Tay cà phê Hoà vừa chết bom giữa phố Huế đấy.
Ông đặt cái khay trước mặt chúng tôi. - Chạy đâu cho khỏi số, hả ông? Cái năm thằng Mỹ thả bom Nhật, tôi ở ngõ Hàng Đũa sau ga Hàng Cỏ, bom rơi bốn phía, tôi đứng giữa. Lần này Mỹ bỏ bom tạ ở Vọng, tôi vẫn ở giữa. Hoá tam ba bận, Nam Tào Bắc Đẩu quáng mắt xoá hộ khẩu mình rồi, bây giờ chẳng đi đâu nữa cho nhọc!
Tôi không để ý. Có lẽ những chuyện tàu bay tàu bò thế này không thể làm khuây khoả được anh giặc lái trẻ tuổi. Anh trầm ngâm nhìn xa xa. Lúc đứng dậy, anh nói nhỏ:
- Nhà cháu trước ở đằng kia, cuối phố Công chúa Huyền Trân.
- Cậu có muốn nhìn lại nhà không?
- Cám ơn bác.
Chúng tôi thong thả ngược lên Bờ Hồ. Một lúc, anh nói một chuyện khác:
- Cháu trông ông cụ bán cà phê, không hiểu sao, cháu cứ ngỡ ông cụ ấy là ông Lý Thường Kiệt.
- Hay nhỉ!.
- Ông Lý Thường Kiệt chắc cũng có nước da bánh mật thế và ông đánh nhau đến già không thua trận nào, cụ cà phê cả đời bị bao nhiêu trận bom vẫn không việc gì.
Nguyễn Tuân cười:
- Mình chỉ thấy ông ấy giống cái pho tượng Nhịn ăn chùa Tây Phương. Ông lão quê mùa thế mà đã có mấy năm ăn chơi ở Pa ri đấy.
Mọi người đều cười. Cậu giặc cái chắc cũng chưa trông thấy ông phật gầy giơ xương trên chùa, thường được gọi là ông Nhịn ăn. Anh ta theo bố mẹ vào Nam từ lúc: mười tuổi, lớn lên sang Mỹ học nghề hàng không, trở về lái máy bay vận tải, rồi máy bay chiến đấu, lần đầu vượt giới tuyến. Tôi cũng chỉ chốc lát với anh ta đêm ấy, như đọc trang tài liệu, không biết tên mà cũng không bao giờ còn gặp lại.
Cái ông Nhịn ăn cà phê bít tất, bị hai đời máy bay Mỹ quần mấy trận mà vẫn trơ ra, ừ cũng có thể như tướng quân Lý Thường Kiệt, lại cũng như cái người nhịn ăn rồi thành phật. Ông lão đã trên tám mươi, mấy năm sau ông mất bệnh già, nhẹ nhàng như người đi ngủ. Ông có thằng cháu được sang học bên Tiệp, lấy vợ Tiệp và ở lại bên ấy. Thằng này chẳng thể biết đời ông nội nó lội bùn ở đồng chiêm lên Kẻ Chợ từ năm mười bốn tuổi, rồi làm bồi công sứ Gơrapphơi rồi cà phê ô lê, rồi cà phê bít tất... Anh trí thức mới lấy vợ Tiệp kia, làm sao anh tỏ rõ được ngọn nguồn cái nước An Nam, cái người An Nam Mít... Chao ôi, nói đâu ai, tôi đây tôi cũng không biết tên ông nội bà nội tôi và mù tịt các tên các cụ tổ tông nội ngoại nhà mình, mà tôi cũng chẳng khi nào áy náy cả.
Xế trưa, máy bay ném bom vùng ga Văn Điển. Cao xạ, tên lửa vi vút lên. Một thoáng, trời lại lặng yên trong xanh. Rồi tối đến, phố xá vẫn đông một tối chủ nhật giữa tháng lĩnh lương kỳ hai. Quanh Bờ Hồ và khu hàng Giầy bộn người. Cả mấy quán ăn đều hết chim quay. Cà phê Lâm, cà phê Ca không còn chỗ chen chân. Những cửa hàng thắp đèn dầu nhấp nhoáng. Lão khách béo chủ hiệu - như lão Sáng nhị mũi, và mấy cô chạy bàn vóc dáng mỡ màng phục phịch, vừa nhàn nhạt, vừa bong bóng. Những đôi mắt đưa đẩy óng ánh khác thường. Dường như không ai còn nhớ vừa mới chặp tối một cái máy bay không người lái dã lướt qua lưới cao xạ Ngã Tư Sở sang Phà Đen. Giống cái thằng xác máy bay đêm trước nằm trên xe bò người kéo lênh khênh qua phố Tràng Tiền? Nhưng thằng này bay thoát.
Mỗi buổi sáng, băn khoăn của những người còn ở lại thành phố: nó làm gì hôm nay? Đại khái vẫn đánh đấm thế, vẫn như thường ngày chăng. Người ta vừa khẩn trương, vừa lừ đừ. Cái chòi gác có mỗi khẩu súng trường trên đê Thượng Cát cũng chăm chăm ngước lên trời. Không thể nhận được ra mới hôm qua làng Ngọc Hồi bị bom rải thảm khắp xóm. Ngoài đồng đương gặt chiêm, ống chân lội xuống thụt nước, tay tóm cổ lúa từng bó cắt trên mặt bùn - lúa chiêm năm nay xấu, hạt vàng xám như răng sún. ở đầu công viên Thống Nhát, trường đại học kiểu kiến trúc hiện đại cao cao thanh nhẹ. Dọc mái bằng trên nóc, bốn ụ đất đắp to lù lù ghếch ra những khẩu trung liên của sinh viên trực chiến. Nhưng cái trận địa giả đầu làng Ninh Sở thì như trò trẻ rỡn. Giữa ruộng khoai tốt lá xanh eo éo, một bãi vuông vắn được rẫy cỏ như cái đầu cạo trọc nhẵn thín. Cả dàn ống tre bôi hắc ín đen nhánh ngóc đầu lên thành một dàn cao xạ nhiều nòng. Cuối bụi tre, hiên ngang một trận địa tên lửa. Bệ phóng đất thó gan gà nện được đắp cao, vàng choé. Giữa mặt phẳng đặt hai cây. chuối đã bóc bẹ nõn nà, bóng loáng như màu trắng thau vỏ tên lửa. Những trận địa trò chơi này bị choảng bom liên tiếp hàng ngày. Chiến tranh, liều lĩnh, tiếu lâm và thương tâm. Phố Yết Kiêu, quầy bán vé xe lửa, đám đông nhốn nháo sắp hàng đi sơ tán. Người đứng đợi, người nằm ngổn ngang. Một người đàn bà tựa cột đèn, mặt rầu rĩ, đăm chiêu giữa đám trẻ con lố nhố đợi bố mẹ mua vé tàu. Thoáng trông, không biết là mụ dở hơi, mà ngỡ một người yêu trẻ, đương trò chuyện rủ rỉ. Nhưng bọn trẻ thì bao giờ cũng khoái chơi với người điên. Một đứa quát khẽ: Giơ tay lên! Cả bọn trố mắt nhìn kết quả cái mệnh lệnh. Người đàn bà khổ sở từ từ giơ tay. Có đứa nói: Bỏ tay xuống. Mụ uể oải để rơi hai tay. - Cười đi? Người đàn bà ngước hai con mắt nhờ nhếch rồi nhếch mép tự dưng cười mếu máo. - Không phải! Đây là mếu. Cười đi? Cười đi!. Người đàn bà điên lại nhe hàm răng cải mả, nhăn nhó. Đám trẻ con và người điên cứ quanh quẩn chơi hiền lành bên chỗ sắp hàng lấy vé.
Bỗng dưng, một bác râu quai nón xồm xoàm như Trương Phi, áo cánh rách sã cả hai vai, không biết ở đâu đi ra. Hai tay hề chèo múa lên, vừa hơi vừa đế, lại vừa trống mõ... Bung bung nhóc... bung nhóc... tất cả ở cái miệng, con mắt và bộ râu đều làm chèo.
- Bớ quan viên làng nước, lệnh sức mỗi đình làng: rơm một bó, cỏ một gông, vải hồng để đi rước quan huyện nhá?
Tiếng đế khàn khàn:
- Tháng tư ngày tám, lấy đâu ra rơm?
Hề mõ:
- Thế nhà mày không có rơm ổ chó à?
Đột nhiên, bác rậm râu lùi lúi, nhớn nhác, như trông thấy quan huyện đương khệnh khạng bước tới. Bác nói thầm thì:
- Quan đã ra? Quan đã ra?
Rồi thét to thật lực:
- Nhà ai có gà thì nhốt lại nhá! Nhốt lại nhá!
Bọn trẻ con nọ cười rầm lên xúm sang bác lên cơn rồ hát chèo. Cũng chẳng biết là bác dở người hay là người vui tính thích đùa. Thành phố túi bụi bom đạn đình đoàng tối ngày, sao vẫn lắm người ngẩn ngơ, người chập mạch bông lơn đến thế. Những cành khế lúc líu chùm quả, quả mẹ quả con vàng khé bíu vào nhau thành chuỗi. Đêm mưa rào, sáng ra, cây ngâu đầu hè đổi màu lá xanh đậm. Hoa ngâu, hoa móng rồng chín trong nắng sớm thơm nồng nàn. Thường có mưa thì hoa rữa, nhưng những chấm hoa ngâu được mưa lại vàng ròn.
Trên lan can, cửa gác các nhà dọc phố, củi đuốc ghếch từng thanh, từng bó. Mỗi que củi bây giờ cơ hồ được nâng niu như phong lan và chim yến. Các báo hô hào đun than, nhưng nào biết mua than ở đâu. Mỗi tháng, may ra mới xách được về vài cân củi phiếu. Nhà có trẻ nghịch ngợm leo trèo bẻ cành cây khô bờ hè thì lúc nào cũng sẵn củi lửa đun. Đàn ông đâm ra đun bếp khéo, đến tôi mà cũng thổi cơm được bằng giấy má sách báo vơ ở cơ quan về.
Kho xăng Đức Giang bị ném bom lúc xế trưa. Máy bay nhào xuống, một chiếc trúng đạn lết ngược vào thành phố, rơi xuống vườn chùa Thông làng Mọc - cái chùa mà hai mươi năm trước, ở báo Cứu Quốc, tối tối tôi ra ngủ đấy, đề phòng Tây đánh úp Hà Nội ban đêm. Cột khói bốc gồ lên hình nấm, đen đặc, lan ra một dải mây thành chắn ngang chân trời. Chặp tối, tôi đạp xe ở lớp dạy viết văn sơ tán bên Thi Xá huyện Quế Võ về qua, nhìn lại còn thấy sáng rực bên kia cầu Long Biên. Hà Nội vẫn lờ lững nửa hốt hoảng, nửa như không. Các chợ họp từ bốn giờ tới tám giờ sáng và mở lúc chặp tối. Tin đồn thiếu tá Mạc Kên lái máy bay Rase, bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch, khai rằng Mỹ đã định ném bom huỷ nhà máy điện Yên Phụ và cầu Long Biên. Những người ở trên bờ sông và các phố đầu cầu quanh Hàng Than ban ngày chạy tránh xuống phía chợ Hôm. Nhưng đến hôm giữa phố Huế chợ Hôm bị trận bom đổ mấy toà nhà chết nhiều người thì chẳng biết rồi chạy đi đâu.
Kho Đức Giang chồng đống những thùng đựng xăng cháy đỏ hắt. Ngoài bờ rào, ruộng lúa mới cấy mạ đã bén rễ xanh rờn. Những người đàn bà lúi húi cắt cỏ. Một người đàn ông đặt thúng thóc trên đầu gối, vung tay gieo hạt, hạt lúa giống vãi xuống mặt ruộng xâm xấp còn sóng sánh đường bừa. Chú bé kia nằm trên lưng trâu giữa bãi cỏ, hai chân cong như móc câu, mắt lơ đãng nhìn ra đường. Những người dừng xe đạp Phượng Hoàng, xe Mipha cười nói tíu tít. Xa xa, hai vế gầu sòng tát nước nhô lên thủng thỉnh đưa đi đưa lại. Trận bom dữ dội cháy kho xăng trước mặt đã ra chuyện hôm qua, hôm xưa.
Bom đạn lẫn lộn với công việc làm ăn nhẫn nại đến khủng khiếp. Trên dọc đê, những khẩu súng trường và trung liên đầu cầu Đuống đã được thay bằng những khẩu đại liên ba nòng. Đơn vị đến nhận trận địa mới, bộ đội đương đứng ăn cơm. Nhưng cạnh ụ súng lớn vẫn nhô lên hai mô đất nhỏ, thò hai đầu ruồi khẩu súng trường của tổ dân quân trong làng ra trực chiến. Hai cô gái - hình như được cắt tua ngày nữ đêm nam, mỗi buổi được ăn mười công điểm hợp tác xã. Sông Hồng báo động số 3, nước chảy réo quanh chân cầu, xoáy tròn từ chân tre ra, xôn xao, đỏ xuộm. Lũ tháng sáu dềnh lên to quá. Bờ rào cây vông ngập, lá héo to bằng chiếc quạt nan rụng vàng mặt sóng. Nước vào ngập lưng vách. Những đàn gà và lợn con trốn lên nóc nhà kêu tán loạn. Bốn phía xám ngắt rồi tối ụp xuống, tiếng ngũ liên hộ đê chống tràn thúc suốt sáng như xưa trống báo cướp. Những ngôi nhà hai tầng dưới bãi - mà ngày trước không ai dám xây, nước chảy ngang cửa sổ. Người chạy nước lên phố dựng lều suốt vỉa hè bờ sông vào quanh nhà hát lớn. Khói bếp u ám như đốt rác tẩy uế. Những người đàn bà mặt vàng nghệ, bồng con ru ời ời. Chạy lụt năm nào cũng thế. Chỉ khác, mấy năm nay, phải lo cả giặc trời.
Còi báo động rợn mặt sóng. Một vệt khói đỏ tên lửa ngoằng lên trong tiếng nổ. Chiếc máy bay bỗng chằng chịt khói như một cuộn thừng trắng, lại một chiếc không người lái rơi xuống giữa sông Cái. Thế mà quán bia Chuồng Cọp bên hồ Thuyền Cuông vẫn người xếp rồng rắn quanh hàng lan can sắt suốt ngày đến chặp tối. Chỉ có những quán bia bán giờ giấc ngoài luật lệ phòng không. Người ta uống bia cho đến lúc trông lên không nhận ra ánh sao hay sáng điện lóng lánh giắt trên lá cây đề. Mùi sen thơm thoảng - lứa hoa cuối vụ, lẫn mùi lá sen già, không còn ngát như sen đầu mùa. Nhưng quái, đã lâu hồ này thả cá mè, có trồng sen nữa đâu. Thế mà rõ ràng mùi sen. Lạ nhỉ. Uống vại bia xong cũng không biết hết báo động chưa. Thế thì chắc lại mơ màng mùi sen mùa hạ trước rồi.
Một chuyến xe lửa toa lộ thiên vào cầu Long Biên. Trên sàn tàu những gióng bệ phóng xếp một chồng cao. Cánh tên lửa nghênh ngang vướng thành đầu cầu phải cho lên tàu hoả mới đưa nổi qua sông Cái. Những chú bộ đội xinh xẻo như học trò tan học đứng chỉ trỏ xuống lòng đường phố Hàng Giấy. Hẳn đương đoán nhà mình chỗ kia, chỗ kia. Cạnh các ống đạn buộc những bu gà, những rọ lợn, một dãy quả đu đủ, buồng chuối xanh, các đồ ăn thức đựng loi thoi khi chuyển quân. Một con chó xích tự nhiên cong cổ sủa ngẩn ngơ lẫn tiếng bánh tàu nghiến ken két, khi tàu chui qua chỗ nóc cầu bị bom xập.
Chợ Bắc Qua đông nghịt suốt đêm, đến chớm ban mai thì tan. Vẫn cái chợ đổi vai mùa nào thức ấy, hành tỏi, khoai sọ, cà chua, rau cải, củ cải bên Bắc sang bán mớ ở chợ này để người buôn đường ngắn tải xuống chợ Châu Long, chợ Hôm, chợ Hàng Bè và các chợ xanh, chợ cóc góc phố.
Trời sáng ra thì chợ Bắc Qua tan biến hết người, như chợ ma.
Có tiếng gọi giật. Tôi quay đầu lại. Anh Sổ, chủ nhiệm hợp tác xã trong Bật. Sau xe đạp đèo những bó cải củ cao có ngọn. Hẳn là Sổ ra Bắc Qua bán vải quả hay bắp cải, dưa hồng đêm qua bây giờ tải rau về. Nhưng phía Hà Đông thiếu đâu chợ đổi vai, chợ xanh, chợ ngã tư mà phải lần mò ra đây.
- Đi đâu thế?
- Hôm qua em ra tỉnh có việc, quá chân đến đây mua ít cải về làm dưa thôi.
- Mua rau à? Rõ chở củi về rừng?
- Cải bên Bắc lắm búp, lại rẻ hơn cái cải chết rét quê em.
Chúng tôi vào một hàng nước. Sáng rồi, quán đương dọn về, nhưng có khách, cũng không vội. Ông hàng cứ tự nhiên lấy cái phun nhựa ra rót hai chén nước trắng. Bảnh mắt, uống rượu súc miệng, hay thật. Chợ Bắc Qua tỉnh ngủ cả đêm, có lẽ nhờ cái thứ nước này. Cái anh Sổ du kích trông như người bổ củi thuê. Nếu xách chiếc rìu qua phố, thế nào cũng có nhà gọi ông Thạch Sanh, Trước kia ở vùng tề, du kích Sổ đã thủ tiêu người táo tợn lắm. Sổ đóng quần áo rằn ri giả lính dù vào nhà thổ phố Vân Đình, nã thủng màn chết cả thằng Tây với con nhà thổ. Sổ mặc váy bà già đi chợ, bất chợt tốc váy lên, thò khẩu súng trường cưa báng ra lia ngã gục quan ba đồn giữa cầu chợ. Một mật thám ngoài Hà Nội hay về dò la, Sổ tìm biết nhà nó ở Khâm Thiên. Sổ ra tận nơi, bắt sống ban ngày điệu về chém ở cánh đồng Tía. Cấp trên cho lệnh thi hành án chánh tổng Canh Hoạch. Ngày giỗ bố chánh tổng, Sổ giả làm dõng đi hầu. Các quan khách lũ lượt, chỉnh tề tới ăn cỗ. Đột nhiên, Sổ bước vào vung dao bầu lia đứt cổ chánh tổng. Cái người cụt đầu máu phun, nhảy chồm chồm như con ếch - Sổ đã hiền lành cười hềnh hệch kể lại những câu chuyện ghê gớm như thế. Còn bây giờ thì:
- Ông ạ, tiện tay em mua vơ ít cải, chứ em ra đây cốt đòi nợ. Có một thằng ở phố Nhà Chung về chợ Đình rủ người đặt tiền mua than. Mình ngỡ nó tử tế, cũng đóng cọc một ít. Nó lặn biệt tăm. Mất không bao lăm, nhưng mà tức. Trốn thế nào được ạ, lên giời em cũng nắm cẳng lôi xuống. Hôm qua em ra tận nhà, tẩn cho một trận lòi tù và cả nhà nó lạy như tế sao, phải nhả tiền ra trả ngay tắp lự. Kìa, mời ông chén nước sớm. Ông đi đâu lên đây?
Sổ đã cho nó một trận lòi tù và thế nào không biết, nhưng tôi hỏi:
- Nó đi lừa mà để cho người ta biết nhà à?
- Che mắt đâu được thằng du kích tám năm này? ối lại báo động...
Rồi Sổ cười hô hố.
Cục địch vận quân đội đưa Nguyễn Tuân một tập nhật ký lấy được của một lính ngụy chết ở trận Đèo Nhông tháng ba 1965. Một quyển sổ nhỏ, tôi chép lại làm tài liệu về cuộc chiến tranh muôn mặt. Trang đầu nắn nót mấy dòng: Nhật ký đời tôi (trong những ngày nghĩa vụ quân dịch, kỷ niệm một đêm mưa ở trại Trương Tân Bửu 1/8/1964 - 24/6 Giáp Thìn - Nguyễn ích Tắc, số quân 104.229).
Tờ cuối ghi mấy trang những con số chi tiêu: Kim chỉ 3 đ. Sửa bộ quần áo vàng 80 đ. Sửa cái quần trận 30 đ. Mua một mũ vàng 45 đ. Mua cái gương đeo mắt 75 đ. Mua một ca, một muỗng 10 đ. Hai ngòm nguyên tử 16 đ. Bộ chìa khoá 20đ. Sắn dây xích 15 đ. Giặt bộ áo quan 7 đ. Hớt tóc 17 đ. Kem đánh răng 10 đ. Giấy và bì 5 đ. Chụp ảnh 65 đ.
Tập nhật ký của một con người vốn làm ruộng trong làng mà thật chịu khó ghi liền từng ngày, từ hôm đi quân dịch đến ngày chết trận.
Đây là những ngày cuối cùng.
15/1 - Một đời binh ngũ, suốt đời lưng mang ba lô, vai mang khẩu súng, ngày ngày đi qua những con đường bị bắn tỉa đạn veo veo trên đầu, nghe mà tái nước da.
20/1 - Đi qua quán lúc 9 giờ, biết thế nào nó cũng bắn tỉa, lúc hai đứa chạy qua một khoảng trống bị nó bắn 6 viên. 3 viên bay dưới chân, 3 viên trên đầu, mình chạy đại vào trong một cái nhà.
24/1 - Hành quân bằng phi cơ trực thăng, tưởng đi qua Qui Nhơn ứng chiến thì cũng là đỡ khổ, có nhiều bạn mang rađiô đi sửa, nhưng máy bay chỉ qua một cái eo biển và đỗ lại một cái làng hiu quạnh không một bóng người. Thế là mộng về Qui Nhơn bị vỡ.
31/1 - Vừa rồi, nó bò vào ném lựu đạn, nhưng may quá, không ai bị. Thế là nằm trong nhà cả ngày đi đâu cũng không được. Như chim lồng cá chậu, ra một bước cũng sợ không biết nó bên lưng lúc nào. Đêm gác hai giờ đồng hồ xanh mặt.
31/1 - Tết đến, người ta vui vẻ đón quân còn mình sống trong tình trạng cắm trại và báo động, mình nằm ở cái trường Toàn Mỹ, đồng bào sợ tản cư hệt, mình luẩn quẩn trong cái trường không dám đi ra ngoài nửa bước.
Lại một quyển nhật ký khác lấy được ở mặt trận Plâyme tháng mười 1965. Cũng chép ra sổ tay này làm tài liệu đời người. Một sinh viên quân dịch, trang in chữ Pháp, được điền vào: tên, bí danh, nghề, địa chỉ riêng, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, khi cần báo tin cho... Đã ghi: Svsph Hoàng Quang Hiểu 151 Trần Quí Cáp, Sài Gòn, 71 Hoàng Diệu Đà Lạt. Mặt trang sau dán một ảnh người con gái tóc uốn, mặt trái xoan, gò má cao, mắt một mí, môi thưỡn khêu gợi, áo dài trắng. Sau tấm ảnh viết hàng chữ: Bán mình cho Mỹ! Hoàng Quang Hiểu bị chết ở Pleime khi trung đoàn 40 sư 23 của Hiểu đi tiếp viện. Có lẽ cũng vào những ngày gần tết:
17/12 - Bận rộn vì phải đặt kế hoạch hành quân ngày mai. Ban 3 chỉ có mệt vào những lúc như lúc này.
18/12 - ở đây gần biên giới. Dân cư ít ỏi. Vài cái quán. Vài mái nhà. Chiều chiều nhìn đàn vlt giới bay về tổ xa xa nơi chân trời, mình có một nỗi buồn day dứt.
23/12 - Có cảm tưởng rằng mọi người quên mình có mặt trên trái đất này.
24/12 - Đêm nay là Nôen. Đi săn kiếm thịt về ăn réveillon (*) (*Tiếng Pháp: bữa ăn đêm như giao thừa) được 4 con heo rừng. Cả đại đội tưng bừng nhậu nhẹt. Ngủ ngon vì quá say.
25/12 - Được phép về Pleiku. Sướng quá. Lại được bạc!
26/12 - Chiều, cờ bạc lại thắng..
Chủ nhật 27/12 - Suốt ngày cờ bạc, toàn là thắng. Tối đi nhậu với Trọng, ghé Phượng Hoàng, nhảy vài bản với Quỳnh.
29/12 - Đi chơi với Trọng, đánh bạc và nhảy với Quỳnh. Pleiku ăn chơi bốn mùa chỉ có thế.
30/12 - Còn đúng 400 đ. Hôm nay không đánh bạc, ở nhà ngủ. Tối đi chơi với Trọng và Mai. Đi chơi đêm chót với chúng nó rồi mai" về rừng.
31/12 - Ngày cuối năm dương lịch. Nhưng mình cảm thấy cái buồn của một đêm trừ tịch ở một nơi xa vắng với cảnh núi rừng buồn tẻ. Trong lúc đó ở một nơi khác, thiên hạ đương mở sâm banh vui cười để từ bỏ một năm cũ, đón một năm mới. Không hiểu rồi đây đến cái ngày xum họp gia đình sắp đến của người Việt Nam, mình còn có phải hưởng cái cảnh xa vắng này nữa không? Đời nhà binh không thể nói trước được. Sau một tuần vui tạm bợ ở Pleiku, mình về đây càng thấy chán chường hơn.
Mong rằng Tết này được về thăm gia đình. Thôi giã từ năm cũ và hân hoan đón tất niên.
Dĩ vãng dẹp qua một bên...
(Tập nhật ký đến đây bỏ lại hơn 50 trang giấy trắng. Một số địa chỉ ghi ở bìa sau: Nguyễn Thị Thu Thuỷ 23 Nhà Chung - Đà Lạt, Nguyễn Thị Oanh 58 Lê Lợi - Sài Gòn (số điện thoại ds 20011 xin 40683). Cô Bích Hảo 61 Phan Bội Châu - Huế. Cô Trang Thiên Thu 104/5 Nguyễn Thái Học - Gia Định. Chuẩn uý Trương Văn Hữu, lưu trữ bưu điện Phú Vinh, Vĩnh Bình).
***
Đêm nay Hà Nội lại giao thừa.
Chặp tối, năm hết tết đến, vẫn loa báo động máy bay địch cách 40 ki lô mét... máy bay địch 20 ki lô mét... trong cái thành phố thương tâm bất cần đời này, cái tết mơ ước vẫn đến như từ bao nhiêu năm qua. Tối rồi, vô khối xe đạp còn hối hả đi mua hoa - những bó hoa cúc vạn thọ vàng rỉ ế ẩm, người chơi hoa năm nào cũng khuân cúc vạn thọ sau cùng.
Cả ngày ba mươi tấp nập. Trở trời, cá úi quẫy như đánh sóng trên mặt nước. ở hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu trẻ con vớt cá từng xâu. Từ gà gáy, người ùa ra ven hồ. Gậy, xiên sắt, túi, chậu... Tảng sáng, đám đông quanh hồ chen chân lẫn với công an và những người canh cá. Không ai bẻ cần câu, thu vó, đuổi người xúc, người câu ném như mọi khi. Mặt dầu, đã thành thói quen, túm được một con cá mè ranh, trẻ con lại len lét chạy ra xa. Quanh hồ, đông đến trưa. Được cá trời cho tất niên mà, ai cũng xoa xuê, vui vui. Rồi từ từ đêm giao thừa về. Hai cô bé tóc buông xoã vừa đi vừa hát ven hồ. Mùa xuân đã trở lại sao? Nửa đêm, người đi chơi đổ ra đông như hội. Trời rét cóng mà các quán bia hơi, bia chai sáng đèn suốt đêm. Mặt bàn lênh láng bia như tuyết tan. Nhiều người nước ngoài lẫn lộn giữa đám đông. Những người Cu Ba da màu vừa nhảy múa vừa vỗ trống. Có thể, họ là bộ đội pháo cao xạ hay tên lửa rời trận địa ra, vui nhộn đến thế. Hôm cuối năm, đi tảo mộ ở Văn Điển trông thấy sáu ngôi mộ xây, để tên các liệt sĩ Cu Ba.
Uống bia trước ga Hàng Cỏ. Những chuyến tàu cuối cùng lúc chặp tối đã tải hết những đoàn người về quê ăn tết, hôm qua hôm kia còn nằm ngồi chờ đợi chồng đống các phố quanh đấy tưởng chừng không thể vơi đi được. Thế nhưng trong nhà ga vẫn nhốn nháo người, những cô hồn lang thang và gái điếm không biết có giao thừa. à cái lão Vinh làm vườn và quét vôi bệnh viện ở độc thân trong ngõ phố vẫn giặt xi líp, nịt vú cho bọn này đây. Buồng lão, từ gầm giường ra, lổn nhổn bô ỉa đái và bột màu quét tường lấy cắp ở cơ quan. Trên dây dợ chăng ngang dọc khắp nhà phơi những miếng quần xanh đỏ gớm chết của gái làng chơi. Ai manh mối cho lão già cái việc kiếm tiền khốn nạn ấy. Lão một thân một mình, đến nỗi nào. Hôm đến kiểm tra, hỏi lão, lão ngồi câm như thóc. Người ta nói như đùa không phải lão Vinh túng bấn đâu, lão phải gió ấy nghiện hơi đồ lót của đàn bà.
Có lẽ đêm nay yên. Trên sân ga, mấy con đĩ rỗi hơi lại say rượu đương cong cớn tranh nhau xỉa xói, kể lể mắng tưởng tượng cái thằng giặc lái Mỹ đứng trước mặt. Quân chó má kia, mày đã cắn trộm quanh năm rồi, cũng phải nghỉ bom cho người ta thong thả nuốt được cái Tết chứ. Xung quanh, đèn thành phố vẫn tù mù thế, mà như tươi tỉnh hẳn. Mới chiều qua, máy bay vun vút lao vào như những con cá chuối bay. Hơi bom phần phật rung cửa hầm, tiếng súng và tên lửa khạc rền rĩ. Người dồn vào quán bán bia. ở Hàng Khay đông ních. Dân bợm bia thấy trú ẩn ở chỗ nhà bia an toàn quá. Có hơi bia, coi thằng đánh bom là cái đinh? Mãi chặp tối còn nổ ầm ầm, hàng bia phía Tràng Thi đã lên cái đèn dầu lom đom. Những vại bia và mặt người không biết mồ hôi hay hơi bia nhễ nhại.
Các nhà ở đầu cầu Long Biên hàng ngày chạy xuống phố Huế ẩn bị ăn bom dưới ấy. Nhưng mới bị hôm qua, bây giờ đi qua phố Huế đã khó nhận ra cảnh tàn phá thế nào giữa cái phố lúc nhúc những nhà những người.
Cây xà cừ mới trồng còn khoanh đất đỏ trên vỉa hè cháy chết đứng. Mặt đường nhựa lỗ chỗ, nham nhở lất bom bi. Cột đèn và đường ray xe điện bật lên oằn queo vỏ đỗ. Một ngôi nhà ba tầng đỏ ụp cắn chân tường thành một gò vôi gạch, mảng xi măng. Cả phòng thương nghiệp, phòng giáo dục khu và lão cà phê Hoà chết vùi trong đống vụn vỡ ấy. Lão Hoà từ ngày vào làm mậu dịch đứng bán giải khát ở quán Gió ngoài công viên. Tự dưng xin về phòng làm chân chạy giấy cho nhàn. Tội nghiệp, đâm ra chết! Những bó hương vẫn nghi ngút, mùi hương, mùi long não dầu xả vừa nhức mũi vừa lạnh lẽo hơi đám ma. Nhiều người còn đương dỡ những tảng vôi gạch hoen máu đen sạm. Sau vì tường đổ, nhà hai bên phố vẫn hầu như mọi khi. Trẻ con đùa nhau ngoài vỉa hè. Cửa hàng chữa đồng hồ lấp lánh ánh điện dưới cái chao đèn úp. Một ông lão gầy leo kheo đeo kính ngồi trên gác đọc sách trong cái cửa sổ toang hoác đã băng mất cả hai cánh. Tôi ngồi vào ghế ông cắt tóc. Cái đinh treo mảnh gương lên gốc cây sữa. Câu chuyện rả rích trong tiếng kéo tí tách. Bình tĩnh, bình tĩnh, ông nhỉ? Bom xuống đâu thì đấy bị, phải không ông?
Tôi biết đáp lại thế nào là phải cái triết lý ông thợ cúp cứ sống sờ sờ nhãn tiền quanh đấy. Quãng phố phải bom như con thằn lằn bị cụp đuôi. Xưởng tiện - bên kia lại mới xe về một đống vỏ phuy ét xăng dầu nhờn, chẳng khác những quả bom tạ, bom tấn chưa nổ. Nhưng đấy là những thùng xăng phụ máy bay đeo ngoài cánh. Trong nhà, bàn tiện quay xè xè. Những miếng đuy ra vỏ thùng được cắt khéo thành cái lược, hình tháp Rùa, chùa Một Cột - công nghệ tặng phẩm đem kỷ niệm khách nước ngoài làm bằng xác máy bay địch. Ngay ngã tư, các chợ cóc vẫn la liệt những chậu rau muống chẻ ngâm nước, những thúng cua đồng chát đất cho nặng cân ở ngoài ô vừa vào. Trên thùng chiếc xe tải mới đỗ, các ông tài ông ét dỡ củi xuống chất làm bếp thổi cơm chiều ngay trước hè ngôi nhà đổ. Đằng kia lại có hàng bia mới mở, trên những thùng bia chất như lợn con căng lên cái dù ni lông đỏ - như bãi biển Sầm Sơn mọc giữa thành phố - dù đỏ ấy của máy bay Mỹ thả quân dụng và biệt kích. Những bối rối trước mắt, không biết đương trận mạc hay đương bình thường, lộn xộn cái buồn thảm với cái cười. Cửa trong bán rượu, người xúm đông như ngoài hè bán bia. Rượu phiếu, môi người được mua nửa lít. Tay đưa phiếu kèm tiền ẩn qua cái lỗ vuông, bàn chân sắp hàng nhích dần vào với cái túi xách đen nhẻm ấy là chân người mua và túi đựng chai rượu - những khuôn mặt bự rự, lìm lịm. Mấy chú tí nhau và những ông Tàu dởm bán lạc ngọt, lạc mặn trước hàng bia đã kéo đến, đương tranh nhau chỗ ngồi. Cái thùng sắt tây đựng lạc treo trước ngực như chiếc đàn phong cầm - phong cầm lạc rang. Ông Tàu bán phá xa mặt nghiêm như Tưởng Giới Thạch, bộ ria quai nón, đầu quả táo, bắp tay rám đen, chỉ cái dáng ấy cũng toả ra sự kiên nhẫn chịu đựng của con người. Nắng hoe hoe đã tắt trên ngọn cây sữa, tiếng loa trong cái thúng bằng tôn úp treo trên giữa lòng đường... máy bay địch cách... rồi còi báo động lại vi vút từng đợt dài... Nhưng quanh chỗ phố Huế mới bị bom, mọi sự hồ như thản nhiên.
Suốt hôm qua, hôm kia - đã bốn hôm, máy bay vào quấy đảo loạn trời. Chiều, đánh sân bay Nội Bài, sáng sớm lại bom lại. Cầu Long Biên gãy ba nhịp từ phía Gia Lâm sang. Đòn hiểm, địch diệt những nhịp cầu giữa luồng nước sâu. Nhưng ngay trong đêm, đường sắt được chữa lại, những dòng cầu gãy như mái che vẫn để nguyên chỉ vừa lỗ cho con tàu chui qua. Thoáng thấy, tưởng cầu sụp thật thì những đoàn tàu chở khách và chở súng cao xạ, tên lửa vẫn chạy suốt đêm. Cái cầu giả chết lúc nào cũng như ngái ngủ. Bom bi như mưa rơi xuống phố Mới, phố Hàng Vôi, cửa đền bà Kiệu. Hai đứa trẻ núp trên cành đa cạnh đền, bom bi nổ móc lòi ruột. Những phát tên lửa pun pớp thuốn chảy thép lao xuống cạnh chỗ rửa rau vo gạo buổi chiều phố Trần Quốc Toản, phố Lý Quốc Sư. Vòi nước vẫn ri rỉ chảy, rá gạo và những bó rau muống chơ vơ không có người. Trong làng Giá, hôm nay Sửu nhập ngũ. Nó đeo theo cái giỏ, trong có mảnh ni lông xanh, túi bút và hộp thuốc màu. Ba hôm, xóm giềng họ hàng tới chơi. Bố Sửu trải thêm cái chiếu ngoài hiên, đặt rổ giầu vỏ ra đấy. Hôm qua đem phiếu đến cửa hàng mậu dịch lấy hai cân thịt, đặt một cỗ lòng. Hai vò rượu cất bên Sấu đem sang. Một mâm tiên thường mời các cụ dưới âm về tiễn cháu, người trên trần thì đánh chén tới khuya. Hôm nay giết hai gà, mâm cúng trên bàn thờ và đặt cả ngoài cây hương.
Hội trường giao quân ở sân phơi hợp tác. Người các xóm kéo đến từ sáng. Mấy chõng hàng nước chè tươi, thuốc lá cuốn đã bày ra. Cả huyện lấy con số tròn năm trăm. Thêm mười lăm nữ tình nguyện. Mỗi đám bước ra, những vòng người hai bên lô xô nói: Đi nhé? Đi mạnh khoẻ nhé! Đi dăm bảy tháng thống nhất thì về nhé. Những chú lính mới bước nhanh như lướt. Có người đeo sẵn hai cái bu trong để viên gạch chỉ đem đến nơi tập đeo vác vượt Trường Sơn. Đi qua rồi quay lại nói to: Nào đi xẻo ít thịt Mỹ về xào. Đám con gái cười ré lên: Không ăn đâu, không ăn đâu.
- Chỉ đợt này nữa đến thống nhất thôi.
- Xem khí thế vui lắm, cơ chừng xong đến nơi.
- Lạy giời...
Mít tinh chặp tối, đoàn tân binh đi luôn trong đêm trăng.
Trận địa 57 đầu bãi Nghĩa Dũng. Mười khẩu cao xạ 57 bóng nhoáng lỗ chỗ như đầu rắn mai gầm. Phía này cản đòn cho nhà máy Yên Phụ và cầu Long Biên. Trên bờ đê cao, trông xuống sông Hồng cát bay mờ mờ. Nhà máy điện xám đen lồng vào những nhịp cầu đan thành mảnh như nan bu trên lùm cây sà cừ. Con mắt thần ra đa quay ì giữa những luống hoa cẩm chướng xung quanh cắm miếng kền xác máy bay - để gà khỏi vào bới. Báo động, lại báo động. Tất cả vụt vào vị trí. Số 4 tính góc phần tử, máy bay nhào sau hai giây cho lệnh bắn. Chỉ cần một viên đạn, nếu mọi bộ phận điều hoà đúng. Nhưng rồi lại báo yên. Hôm qua, địch thả bom xuống trận địa này, bụi còn bám mù mịt. Hai con bò của đại đội gặm cỏ trong bãi trúng bom bi. Ngả thịt ăn không hết, phải đem ra chợ Châu Long bán bớt. Cấp tốc sơ tán 18 con lợn ra vệ đê. Chỉ riêng đàn gà của mỗi khẩu đội chẳng biết thế nào là sống chết, vân túc tích quanh quẩn ra vào bên cỗ pháo. Đến lúc bom nổ tối mắt, những con nhép ấy mới biết sợ, chui vào cỏ nằm im phắc.
Trận địa súng cỡ 37 thì lênh đênh giữa hồ Tây, chỗ chùa Trấn Quốc trông ra. Những thùng đựng tên lửa đã khéo kết thành nền bè phao, lát phên nứa. Tám khẩu 37 xếp hàng đôi dọc bè. Sóng oàm oạp rung rinh đầu súng. Mép bè, những máng vầu đựng đất trồng viền những luống hoa bóng nước rực rỡ hồng. Các chiến sĩ trực chiến đứng giữa hồ trông vào đường Cổ Ngư. Trong ấy, loáng thoáng người ngồi bàn ăn bánh tôm dưới gốc đa. Chặp tối, vòng đạp xe của tôi kết thúc cuộc thăm các trận địa quanh Hà Nội về đến ngõ Văn Chương, trong ấy cũng đóng một đơn vị bảo vệ ga Hàng Cỏ. Tiếng chó con lắc rắc sủa hoàng hôn như ở trong làng. Trẻ con lấp ló đầu nhà ngó xem người đi qua. Đại đội 6 này đã bắn rơi chiếc F 105. Thằng thiếu tá phi công Sáclơ phải nhảy dù xuống tràn than ngay trong tường nhà máy điện Yên Phụ. Bên kia mặt hồ, nhà ga Hàng Cỏ sáng trưng một vẻ không bình thường, giữa một vùng tối om. Tiếng còi tàu, trong khói hơi nước phụt phụt trắng bông. Những con tàu cả ngày chui lủi đâu bây giờ lừ lừ vào ga, bắt đầu đêm hoạt động. Ngoài đường Khâm Thiên ồn ào như chợ. Tưởng như chẳng ai để ý sau lưng bức tường, có những nòng cao xạ vươn đầu lên.
Nhà máy điện Yên Phụ đằng kia, nghe tiếng máy chạy rền rền, ngày đêm bụi than tuôn ra bám đen kịt những cành cây cơm nguội cổ thụ hai bên hè phố, từ thuở tôi cắp cặp đi học trường tiểu học Yên Phụ.
Thế mà cái nhà máy cổ lỗ này đã chịu mỗi ngày vài đợt bom, không biết bao nhiêu trận dòng dã. Cái nồi súp de lò hơi, quả tim của nhà máy phía tường trường Yên Thành được bọc đất thó quấn rơm như cái áo giáp kỳ quái giữa những hố bom toang hoác thành từng vũng nước ao chuôm. Thế mà chưa một lần lò bị bom. Nhưng ngôi chùa Am bên kia đường, hơi bom đã đánh đổ sập. Quán hàng nước chè tươi trước cửa chùa, thợ nhà máy sớm nào cũng ghé uống bát nước ngon, cả ông hàng nước cùng bay mất tích. Suốt ngày đêm, than được chở vào nhà máy, lúc ô-tô tải, lúc xe trâu kéo. Một dãy người đứng sàng, đổ than lên đường máng đưa vào lò. Các chị sàng than đi giầy vải, chít khăn đen chỉ hé hai con mắt, như cô gái Thuỷ Nguyên kín mít khăn vuông. Cái cột xi măng tròn sừng sững giữa nhà. Lúc còi báo động, mọi người ôm cột tụt xuống. Người leo cả ngày những cái cột đã lên nước bồ hóng đen nhoáng.
Báo động máy bay cách 30 cây số, công nhân trên gác xuống cả tầng dưới. Chỉ còn ba người đã được phân công bám máy. Chết cũng đứng đấy với mỗi một chiếc đồng hồ đo áp suốt trơ trọi. Nóc nhà máy chính thủng đạn nham nhở như cái áo tơi rách. Két nước băng mất từ lâu không còn nước trữ, công nhân phải bắc vòi cao su và gánh nước suốt đêm lên. Nhưng sau cái ống khói đen sì vẫn sừng sững. Một ống khói bị quẹo nghiêng như sắp khoác vai ống kia. Cái tuyết bin trên tầng và nồi hơi dưới nằm lọt thỏm trong những lớp rơm nhồi bùn, cao như những gò đất. Miếng bảng đồng gắn trên tuyết bin, tựa con rùa thò cổ trong đống bùn ra có chữ đề công ty Derlikon Thuỵ Sĩ 1920. Cỗ máy cái của nhà máy điện đã già ngoài nửa thế ky rồi. Không thể tưởng tượng được biết bao đơn giản đến thế nào. Nhưng cũng ở nhà máy hiên ngang này lại có cán bộ tài vụ dính vào vụ án tụ tập xem táp lô ở góc phố Cầu Gỗ. Có phải vì thế mà nhà máy chưa được phong anh hùng. Ba hôm liền, toà án xử phúc thẩm mấy vụ. Còi báo động nổi lên, không ai chạy ra hầm. Bởi vì toà nhà xử án của thời Tây để lại, kiên cố hơn hầm trú ẩn nổi hay cái lỗ phòng không cá nhân ngoài kia chăng. Trưởng ban khối phố, tôi được mời dự. Thành phố muốn cho cán bộ cơ sở biết những tệ nạn xảy ra trong lúc bom đạn để về xem lại an ninh trật tự ở phố mình.
Có một người đàn bà thường ngày bán vé sổ số ở vỉa hè phố Huế. Chịu không đoán được hạng người thế nào. Chưa hẳn nạ dòng, cũng không còn trẻ. Vẻ hơi quê, nhưng có lẽ cũng ra phố ở đã lâu. Chiếc áo cánh lụa mớ gà cổ và gấu viền đăng ten. Tóc búi, đôi mắt lá dăm đưa đẩy trên những câu thưa gửi chợ búa ngọt xớt. Nhưng đến lúc nghe ông công tố đọc cáo trạng thì những đoán mò của tôi đều quá hiền lành và vu vơ. ả nọ có trong tay 36 cái chìa khoá của 36 cái nhà, cái buồng. Những chùm chìa khoá làm chứng được đặt loảng xoảng trên bàn chánh án. ả đã thuê lại từng giờ những cái nhà, cái buồng vắng người để làm nhà thổ. Thế là ả có 36 buồng trong tay của những người đi làm theo giờ, của người sơ tán, của người độc thân nghèo túng chịu khó vắng nhà một vài giờ lấy ít tiền tiêu.
Còn khoé làm tiền khác nữa. ả đóng vai người mẫu cho bố con một ông chụp ảnh tài tử. Những tấm ảnh cũng được bày chỗ tang vật cạnh vành móng ngựa. ả làm tình với con thì bố chụp, với bố thì con chụp. Các kiểu. Đám lông trên mu được khuếch lên thành một gò cỏ đậm nhạt thơ mộng. Có cái ngậm chiếc tẩu nghi ngút khói, lông xùm xoè như anh chàng râu na quái dị hút thuốc. Lại một đám ăn chơi khác. Đám này có công ăn việc làm đàng hoàng, người thì xã viên tổ mì sợi người làm thợ máy, người tài vụ kế toán. Người nào cũng đến cơ quan và nơi làm việc giờ giấc tử tế. Nhưng tan tầm thì không ai biết ai thế nào. Tối tối, họ tụ bạ trên cái gác ba một toà nhà giữa thành phố mới bị trưng dụng, chủ nhà còn được ở một buồng nhưng bỏ không. Chùm trò là một lão đã đứng tuổi như lão Văn Hiến ở với chúng tôi trên Việt Bắc, trước kia đã từng ở Pari - lão khoe thế. Tôi tin là thực, khi nhớ đến ông Hiến rách rưới, lúc nào cũng đói nhưng đã từng đàn đúm ở xóm ăn chơi Môngmac. Lão Văn Hiến này làm bảo quản phòng máy một trường đại học. Mỗi lần ngồi cả đám, bọn đàn em cứ cong cổ, cong mắt nghe đại ca đấu hót chẳng biết thật hay bịa về những truy hoan ban đêm xóm Môngmac thủ đô hoa lệ nhất thế giới chứ tép riu đâu như cái Hà Nội nhà quê này. Rồi xoắn na lên lão gật gù: Tao bây giờ có trần ai đến thế nào cũng là mãn kiếp, chỉ thương các chú mày đầu xanh tuổi trẻ chưa được ngửi cái mùi mẹ gì!.
Sau đó cả bọn tà tà kéo nhau đi săn bò lạc. Chúng nó rà rẫm đến bến Nứa, bến Kim Mã, Kim Liên, ga Hàng Cỏ hóng những người nhỡ tàu nhỡ xe. Đương thời chiến, thành phố lấy đêm thay ngày, bến bãi quán xá đâu đâu cũng bề bộn, ngổn ngang người cơ nhỡ. Chúng nó tán tỉnh đèo về được những cô gái không may đương ngẩn ngơ tìm chỗ trọ. Nhiều cô bị lừa tưởng chúng tử tế cho nghỉ nhờ đã ra toà kể tội bọn chó đểu: Những cô sinh viên trường sơ tán tận Lục Ba, Ký Phú, Mai Sui, Biển Động, những chị công nhân nhà máy đã di chuyển đi tỉnh khác.
Người dự phiên toà được đi tham quan cái tổ quỷ ấy. Trên gác ba, trong một phòng trần trụi, giữa trải một chiếc chiếu. Rải rác, những vỏ bao 3 số như vô tình vứt đâu đấy quanh một cái vại da lươn. Tàn thuốc lá gạt vào trong vại đã cao có ngọn, nhấp nhô như núi non bộ. Góc phòng kê một quầy gỗ giả làm chỗ uống đứng trong quán giải khát. ở giá trên tường bày một loạt chai uýt ky, chai vang nguyên nhãn, cả nút. Nhưng trong đựng nước lã. Những chuyện ăn chơi nghiêng trời được kể lại bên những vỏ chuối lá, cái núi tàn thuốc trong vại và những vỏ chai rượu đắt tiền. Để tưởng tượng ra những phá phách thú vị mà đêm nào lão Paridiêng nọ cũng nghếch ria lên kể. Còn những bí mật nữa trong phòng này. Mặt vách trang trí ghép những cây trúc hun khói màu ngà. Giữa mép trúc, mép tường được đục những lỗ chỉ ti hí bằng lỗ khoá cho người đứng ngoài nhòm vào xem táp lô. ở trong, một gã đương gạ gẫm cô nghỉ nhờ, rồi được bằng lòng hay phải cưỡng hiếp ra sao, tất tật lọt ra những con mắt dán vào cả chục cái lỗ ấy. Hôm sau chúng nó ngồi cãi nhau, phong chức và cá cược xem đứa nào giỏi hơn đứa nào.
Lại một vụ xử trấn lột, toà dưới làm án nhẹ, phải xử lại. ấy là một bọn cứ chặp tối đến chầu chực cửa rạp Tháng Tám - cả những đêm báo động. Đã lâu, theo lệnh phòng không thành phố, rạp đóng cửa, nhưng cái vỉa hè ngã tư ấy như thói quen, người dừng lại vẫn đông. Một người đạp xe qua. Một đứa chạy ra, tót lên sau xe, vừa ngồi vừa nói khẽ: Nhờ một quãng xuống cuối phố nhé? Nhưng vừa qua khuất bóng cây sấu rậm rì, người đạp xe chưa kịp quát hắt nó xuống đã cảm thấy lạnh toát mũi dao thích vào sườn và một tiếng rít nho nhỏ. - Rẽ đằng này! Rẽ đằng này? Mũi dao nhói vừa đủ khiến cho người ngồi trước run rẩy đạp theo lệnh. Đường phố hai bên vẫn nhộn nhịp hơn bình thường. Ai cũng đoán vu vơ là máy bay Mỹ nghỉ đánh lúc chặp tối để giặc lái còn ăn cơm, người ta đổ ra đường tấp nập. Đến một chỗ bóng cây tối đen. Đứng lại! Thằng cướp đường nhảy xuống. Mũi dao sáng loáng chĩa ra. Thế là, cái đồng hồ, cái phu la, cái áo len, ví tiền, đôi giày cũng bị lột cả bít tất. Thằng trấn ôm bọc đồ quay lại cửa rạp, cả bọn đã đợi. Chỉ ra đến Bờ Hồ mọi thứ đã bán xong. Rồi kéo nhau lên quán cạnh rạp Kim Phụng đánh chén. Hôm nào đét không được món nào cũng cứ đàng hoàng sà vào hàng phở, mì vằn thắn, gọi rượu. Chè chén xong cắp đít đi ra. Các hàng quán bị xúi quẩy này đã thuộc mặt từng đứa. Không dám đòi tiền, cũng không dám báo công an hay mách các hàng bên. Bởi chỉ khác mắt, thì cửa kính, mâm bát và cả ông chủ được xơi gạch củ đậu ngay. ở ngõ hàng Giầy, một chủ quán phở chua đã bị một lần ăn gạch vỡ trán, sợ quá, phải đóng cửa hàng.
Toà tuyên án tử hình tên cầm đầu băng trấn hai mươi mốt tuổi. Cả phòng xử lặng im. Nghe tiếng khóc thút thít ở hàng ghế nào. Luật nghiêm thời chiến có khác.
Cũng tiếc ngày ấy tôi không quen cái huyện trung du ven sông Hồng nọ để được về ăn uống lu bù ở cái nhà khách huyện mà chỉ nghe ở phiên toà cũng cảm thấy nơi nghỉ ngơi này dễ chịu chẳng kém khách sạn ở Hà Nội. Bây giờ thì bí thư huyện ngồi án tù 18 năm rồi. Tôi chắc cũng chỉ đến giường lùn kiểu Đức, bàn ăn trải khăn hoa... nhưng quả là nó càng rực rỡ linh đình trong lúc bàn dân thiên hạ nháo nhào chạy máy bay. Tài liệu ở cáo trạng thì cái huyện ấy như một quốc gia nhỏ. Hai mươi tư chủ tịch hai mươi tư xã. Bí thư huyện trước kia ở làng, vốn là tay cứ mỗi năm đến vụ nông nhàn thì đi buôn gà Bắc Giang về bán chợ Đồng Xuân. Bí thư cựu lái buôn này lắm mưu mẹo đã gọi các chủ tịch, bí thư xã lên cắt tiết gà uống máu ăn thề, làm kế hoạch mỗi xã hàng năm dựng lên công trường thuỷ lợi, ghi con số ma dân công để lĩnh tiền nhà nước. Lần lượt các chủ tịch, bí thư xã đều xây nhà. Các ngành các giới lên huyện họp được cấp tiền ăn như ăn cỗ gấp mười tiêu chuẩn. Chánh văn phòng giữ sổ sách, chủ tịch, bí thư huyện, cả ban thường vụ không hề biết mặt đồng tiền lương. Kho bạc nhà nước như chĩnh gạo trong nhà. Ai cũng ngập miệng, cán bộ cả huyện, cả các xã ngậm tăm.
Đến khi phải bắt đi tù vãn cả huyện uỷ, uỷ ban, thì hàng huyện mới ngã ngửa ra. Trong ban chấp hành chỉ có một đảng viên nữ không dính, bởi sợ nhưng cũng không dám nói ra.
Một hôm, có chiếc máy bay bị tên lửa bắn rơi trên đê. Thằng lái nhảy dù xuống cánh đồng chui vào ruộng ngô, mở điện đài gọi cấp cứu. Một tốp nữ dận quân núp giao thông hào trong xóm xô ra bắn đám máy bay lên thẳng vừa ập đến cứu nhưng chỉ quần đảo trên đầu, không dám bom, cũng không dám thả thang. Cô dân quân đội mũ cát quai ghì dưới cằm, gí mũi khẩu súng trường vào sườn thằng giặc lái. Cô thấp bé, thằng tù binh gầy, cao lêu đêu. Bức ảnh oai hùng ấy được truyền đi khắp thế giới. Những con người dũng cảm như thế, như thế, thời chiến, thời chiến mà. ở ngay cái huyện đương hỗn loạn coi trời bằng vung ấy đấy.
Vừa lên đèn, lại một toán giặc lái được dẫn từ sau lưng Nhà hát Lớn ra đi qua phố Tràng Tiền, Tràng Thi xuống Cửa Nam, về Hoả Lò. Năm mươi hai người xếp hàng đôi, áo bà ba xám nhờ, chân đi dép râu, thong thả, mệt mỏi. Cách quãng, một bộ đội kèm. Không lo tù binh chạy, mà đề phòng đám đông hai bên đường xô xuống đánh. ở ngã tư đầu Tràng Tiền, người nhốn nháo giơ tay hô đả đảo đế quốc Mỹ, đả đảo giặc Mỹ? Đến phố Tràng Thi, đám đông càng hò hét loạn xạ. Mấy người nhẩy ra thụi bừa một quả rồi lại chạy vào. Có một bà nạ dòng vào đến hè, cười nắc nẻ: cái gáy thằng Mỹ nát nhẽo, đấm ghê cả tay! Những bộ đội giải tù chạy lên chạy xuống cản người ùa ra. Không để ý cả tiếng còi báo động trên nóc Nhà hát Lớn đã lại rú lên. Chúng tôi ở cửa hàng Tràng Thi cầm vại bia đứng trông ra đám người túi bụi. Lại một bà phốp pháp tất tả dưới đường lên, tay còn giơ nắm đấm, cười hơ hớ: Cái thằng Mỹ hộ pháp thế mà bụng nó toàn thịt mỡ bạc nhạc.
Đêm Nôen năm nay lại vào Hoả Lò chơi với tù binh lái. Âu cũng thêm một phong tục thời chiến, Nôen Tết tù binh. Thói quen người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm nhà nào cũng có món thịt gà tây - như ta tết ông táo cúng cá chép. Thời Pháp, người Tây đã đem gà tây giống sang, nhưng thỏ và gà tây chưa thành món quen như gà thiến, gà ta... Không mấy ai nuôi gà tây. Con gà đóm đen, mào đỏ, người đến gần thì cau có, xoã cánh chìa đuôi kêu cộ cộ. Thế mà những năm ấy, nhiều làng hai bên sông Đống, các hợp tác xã đã chuyển ruộng cho xóm khác, chỉ chuyên nuôi gà tây. Đến áp Nôen, hàng đoàn xe tải biển đỏ của quân đội về lấy gà, đem ra cho tù binh Mỹ ăn tết.
Cả hai cuộc kháng chiến, tôi đã gặp nhiều tù binh Pháp, Mỹ sĩ quan các cấp uý, tá. Trong chiến dịch biên giới phía bắc 1950, ở châu Bắc Sơn Lạng Sơn, Nam Cao và tôi đã trò chuyện với tù binh Pháp, đám quân quan thua trận của các binh đoàn Sác Tông và Lơ pa bị bắt trên đường số 4. Đông quá không đủ lán trại, phải lùa cả vào các khe đồi hốc đá. Có đứa khát nước hay khát rượu, nằm rống lên một lúc, rồi thắt cổ. Có đứa phơi lá duối khô nhét vào ống đu đủ làm thuốc lá hút phì phèo tiêu sầu. Bước chân phiêu lưu vào lính, coi như đã cầm cái chết trong tay, người lính binh đoàn Tabo lê dương chỉ còn biết nốc rượu và giết người. Một lần kia, gã da đen gác cửa khách sạn Kônisốp ở Bon, nước Cộng hoà Liên Bang Đức, tên là Rimi người Ma rốc quê ở Casablanca. Rimi hỏi tôi:
- Thưa ông về Hà Nội?
- Phải.
- Tôi xin nhờ ông một việc.
- Việc gì?
- Ông tôi là Rimi Idri, đi lính Pháp sang đánh nhau bên Đông Dương năm 1949, mấy chục năm nay gia đình chúng tôi không được tin tức. Thưa ông, nếu ông có khi nào gặp ông tôi...
Có thể người lính da đen quê ở Casablanca ấy đã đăng lính trong những binh đoàn Tabo bị tiêu diệt, bị bắt sống rồi chết trên rừng núi Lạng Sơn. Dễ thường tôi cũng đã gặp ông nội Rimi hay đã trông thấy nấm mồ ông nội nó ở Bắc Sơn. Nhưng lính Mỹ khác hẳn bọn lính Pháp loang toàng bạt mạng. Người lính Mỹ nào cũng từa tựa nhau. Trước cái chết có thể và sự giết người, nhưng mỗi người Mỹ đăng lính đều đã tính toán thành con số. Lương chính, phụ cấp chiến trường gửi nhà băng tỉnh quê. ăn uống hàng ngày và chi tiêu bằng tiền thưởng, sổ ghi cẩn thận. Không xem báo, chỉ đôi khi đọc truyện trinh thám, đi câu và đi săn. Hết ba năm mãn lính, dành dụm làm sao gom đủ tiền mở được một cửa hiệu trong thị trấn hay tậu một trang trại nhỏ và một đàn bò. Những cái tính cộng trong túi mỗi người đại để thế, bởi vì đi lính kiếm đồng tiền nhanh hơn nhiều nghề lao động khác.
Nhà Hoả Lò, vẫn căn phòng mọi lần, có một chậu cảnh trồng một cây xương rồng châu Phi, cao bằng chiếc đũa cả, giống xương rồng ông của ta. Một lát, chiếc xe Jeep đít vuông che bạt kín vào sân. Bạt sau mở, một tù lái bước xuống sau người lính. Tôi ngờ người tù binh nọ vẫn ở trong Hoả Lò này. Các ông quản giáo cho bịt kín xe, đi loanh quanh một lúc rồi quay về. Tôi ngỡ người tù binh biết như thế. Tuy không trông thấy và xe đi qua nhiều nơi mới đến, nhưng những tiếng động ở đây vẫn quen thuộc: tiếng phát thanh ở cái đài ngoài sân, con vạc, con chim lợn kêu đêm bay qua. Sau này, đọc phóng sự Trận tập kích Sơn Tây của một phóng viên Mỹ viết tôi càng tin thế. Người phi công Mỹ nào cũng được học các mật hiệu, nếu bị bắt giam, có thể làm dấu cho máy bay bay qua biết được.
Chuẩn uý Giôn 26 tuổi, chưa vợ, người bang Ôhiô. Bố mẹ chết tai nạn ô-tô. Hai em ở trại cứu tế. Lái A4, bị đạn cao xạ. Thoát ra biển cách bờ khoảng hai cây số phải nhảy dù ngoài khơi Hà Tĩnh, tháng ba 1966. Hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển Đông, Giôn chưa đặt chân xuống Việt Nam lần nào. Hai mươi lần đi ném bom, tám trận ra đánh miền Bắc. Đã được đi nghỉ ở Nagasaki, ở Manila, ở Băng Cốc.
Chúng tôi và người phiên dịch, với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ đô bao bạc và một đĩa kẹo. Chiếc ghế đẩu của thằng tù thấp - không được ghế mây như khách, mà Giôn vẫn cao lêu đêu ngang chúng tôi.
Tôi rơi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sái không cựa được. Tôi chưa kịp mở điện đài. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh. Bị bắt hơn một tháng, thưa các ông, lúc nào tôi cũng thèm thịt bò. Thèm mãi không có rồi quên đi. Bây giờ, đã hơn ba năm, ba năm hai tháng, một ngày rồi.
(Chiếc áo tay rộng ông màu lá cơi. Số 31 in trước ngực và lưng áo. Dạo có những cuộc trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm, tôi đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá, cổ đeo chuỗi hạt gọt bằng mắt tre, gộc tre, trong cái túi lưới đeo vai đựng bộ quần áo cánh có số và đôi dép râu, hệt quần áo và dép của chuẩn uý Giôn. Họ xin được đem những kỷ niệm ấy về xứ). Chuẩn uý Giôn này lấc cấc, nhanh nhẩu, không ủ rũ, mệt mỏi (như thiếu tá tù binh Mác Tuên năm ngoái gặp cũng ở phòng này).
Lúc ấy khoảng hai giờ trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo tôi một quãng rồi xe camiông đem đi. Một mình tôi trong thùng xe, với một người gác. Cảm giác đầu tiên: thế là cuộc đời đánh dấu chấm hết. Nhưng đến chặp tối, được khai giấy tờ, có bác sĩ đến khám, cho thuốc mỡ bôi cái đầu gối sưng, tôi thoáng nghĩ tôi đương chờ đợi cái gì, cái gì không rõ, nhưng không phải cái chết.
Cho đến hôm nay, tôi còn sống, thế là tết. Và cái tôi chờ đợi đã rõ. Tôi hy vọng một ngày kia được trở về. Bằng cách nào? Chỉ có Thượng Đế biết được. Còn tôi, tôi cầu mong chính phủ Mỹ suy xét lại về cuộc chiến tranh này. Hai bên thương lượng, cuộc đổ máu sẽ đi vào quá khứ. Nhưng bây giờ thì tôi đương ở trong tay các ông. Tôi được sống hay tôi phải chết, không phải do tôi. (Giôn thở dài rồi chép miệng. Giôn hay thở dài như lấy hơi rồi chép miệng. Giôn lực lưỡng, cao lớn. Tôi nhớ năm 1944 hai mươi năm trước một phi công Mỹ lái máy bay hai thân đến ném bom ga xe lửa thành phố Vinh bị Nhật bắn rơi. Tôi trông thấy người lính Nhật giải tù binh vừa bị bắt sống qua trước ga Vinh mới phải bom sập còn khói nghi ngút. Người tù binh lênh khênh, hai cánh tay bị trói giật sau lưng, người lính Nhật cầm cái thừng dắt đi. Miệng người tù binh Mỹ há hốc, máu đỏ lòm chảy ròng ròng hai bên mép. Không biết bị đánh gẫy hết răng hay nhảy dù ngã).
Thưa ông vâng, hoà bình, tôi được trở về. Tôi sẽ được tha.
( áo bà ba của Giôn rộng thùng thình, nhưng không có túi. Nguyễn Tuân cầm bao Thủ đô, kéo một điếu ra mời. Giôn cảm ơn. Cầm bao diêm Nguyễn Tuân đưa, Giôn rút một que đánh. Nhưng đã thó nhanh hai que diêm khác, cong ngón tay, gảy vào giấu trong ống tay áo. Tôi trông thấy).
Chính phủ Giônxơn đương điều đình với các ông? Tôi cũng nghe loa phát thanh tiếng Anh được biết. Tôi nghĩ cuộc nói chuyện có thể có kết quả nếu chính phủ miền Bắc thôi tiếp tế cho Việt Cộng. Tôi đã được cho biết từ khi mới đến Đông Dương như thế.
(Ngoài cửa sổ đột nhiên mưa rơi bập bùng xuống lưng tàu chuối như trông đánh. Tiếng nhạc đài oang vào tường, vang đi vang lại vách đá. Không biết ở các buồng giam, có nghe tiếng mưa và tiếng hát mọi khi cũng như thế này)
Thưa ông, ông bảo tôi nên kết luận lấy? Quả thực tôi không biết thế nào. Người ta bảo tôi là chính phủ Hồ Chí Minh không muốn thương lượng nên chiến tranh vẫn tiếp tục.
Vâng, vâng, tôi xin trả lời câu hỏi: tôi chỉ đánh phá xuống những nơi có thể cắt đường vận tải súng đạn và lương thực của miền Bắc cho Việt Cộng. Tôi phải thi hành lệnh cấp trên, vì tôi là lính..
Vâng, tôi ở hạm đội 7. Mỉa mai quá, đây là lần đầu tôi xuống đất liền ở Việt Nam...Các ông là nhà báo hỏi tôi có cảm tưởng thế nào, khi gặp các ông. Tôi ít có báo đọc, tôi nghĩ là các ông muốn biết ý kiến một tù binh Mỹ về chiến tranh và hoà bình. Tôi xin nói: hoà bình tốt, chiến tranh xấu. Một ngày kia không ở đâu còn chiến tranh, tôi mong thế.:
(Mỗi khi nghe xong câu hỏi, Giôn trả lời ngay. Có lẽ bẩm tính nó bốp tốp).
Không, không phải độc lập của Mỹ hay của Việt Nam bị xâm phạm. Nhưng nếu Mỹ không chặn lại thì cộng sản quốc tế sẽ chiếm miền Nam Việt Nam rồi chiếm Thái Lan, Miến Điện và những nước khác. Vì thế người Mỹ phải sang đây cản lại. Ông hỏi nếu tôi được trở về Mỹ mà thấy trong thành phố có biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam thì thái độ tôi thế nào?
(Tôi đã ghi được một ít con sô" mỗi ngày ăn của tù binh Mỹ ở Hoả Lò giá là 1 đ. Không có ăn sáng. Ngày hai bữa, mỗi bữa một bánh mì, bát canh rau muống cà chua, đĩa su su xào mỡ. Thỉnh thoảng được ăn món thịt gà tây rán, gà tây nấu như đêm Nôen này).
Nếu tôi được về nước, chắc khi ấy chiến tranh đã chấm dứt. Thế thì không còn biểu tình chống chiến tranh nữa. Nhưng nếu còn chiến tranh mà tôi vẫn là lính, tôi cũng không để ý đến đám biểu tình. Vì chính phủ Mỹ trả lương cho tôi không phải để làm việc ấy. Nếu tôi là thường dân, tôi có đi biểu tình không? Tôi không trả lời được ngay bây giờ, chỉ biết là tôi phải xem hai bên thế nào đã. Các ông bảo tôi lo bị bí mật thu tiếng để các ông phát lên đài, nếu tôi nói về chiến tranh không như chính phủ Mỹ đã nói, tôi có thể mất lương, có thể bị tù, khi trở về. Xin lỗi các ông, tôi không biết, tôi không trả lời được câu này.
Tôi học trường đại học tổng hợp Pensule. Chuyên khoa địa lý, nhưng bỏ dở, năm thứ ba khi 18 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình.
( Nguyễn Tuân cười khẩy: Chuyến này ông sinh viên địa lý biết thêm địa lý Việt Nam).
Tôi đã thưa với ông, tôi chỉ được biết Việt Nam trên bản đồ. Tôi mới học kiến thức chung về địa lý. Năm thứ ba phải thôi học. Tôi đi kiếm ăn khá vất vả. Bố mẹ tôi chết, khó khăn quá cho chúng tôi.
Một giờ bay đi thả bom, tôi được phụ cấp bao nhiêu? Thưa ông, phụ cấp và tiền thưởng ở chiến trường trả theo cấp bậc và từng chuyến khác nhau, bay làm gì, đi đánh phá, đi yểm trợ, đi cứu đồng đội. Trung bình, mỗi tháng tôi lĩnh trên dưới một trăm đô la, chưa bao giờ hai trăm. Tôi được bay ít lắm. Không hiểu tại sao.
(Nguyễn Tuân bảo: Anh nói dối". Chuẩn úy Giôn chỉ đáp: Thưa ông rồi im lặng. Sự thực hạm đội 7 vào trận đánh, đồng loạt mỗi phi công phải cất cánh ngày một lần, không kể các chuyến bay ngoại lệ).
Thưa ông, tôi rất thích không quân. Bởi khi giải ngũ vẫn có nghề. Nhưng tôi không muốn bay trên trời Việt Nam làm những việc như vừa qua. Nếu còn làm nghề này, tôi chỉ muốn bay ở nước Mỹ của tôi.
(Nguyễn Tuân nói nghiêm nghị: Nhưng thật thì chúng tôi đương ngồi trước mặt một tên giết người". Nét mặt hớn hở của Giôn chìm hẳn, Giôn mím môi).
Chiến tranh là tàn khốc, tôi biết, nhưng tôi phải làm theo lệnh chính phủ. Máy bay Mỹ bị các ông bắn, người lái rơi chết, nghĩa là các ông cũng giết người.
(Nguyễn Tuân cười nhạt, hỏi vặn: Giá thử bây giờ anh lái tàu bay từ Bắc nước Mỹ lên ném bom Nam nước Mỹ, thì thế nào?)
Mỹ và Việt Nam khác nhau, Bắc và Nam nước Mỹ không phải là hai nước.
(Nguyễn Tuân gõ gõ đầu tẩu thuốc. Đấy là cách lấy lại bình tĩnh. Thế là bực mình rồi. Những tiếng bộp bộp nặng nề của cái gạt tàn thuốc trong đêm thanh vắng, làm những vết nhăn trên trán Nguyễn Tuân dãn ra. Nguyễn Tuân nói, thong thả: Nêú được tha, anh hãy về học lại đi. Đại học địa lý rồi mà dốt quá! Ai bây giờ bảo phía nam nước Mỹ là tư sản, phía bắc là cộng sản, anh nghĩ thế nào?
Thế là điên, thưa ông.
(Nguyễn Tuân đứng lên, hầm hầm trỏ tẩu thuốc vào mặt Giôn: Anh đương nghe lệnh một bọn điên đấy).
Tôi chỉ làm theo chính phủ tôi. Tôi đã khai là tôi có lái máy bay đi bắn và ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhưng tôi chỉ bom bắn cầu đường phá xe của Hà Nội vận tải cho Việt Cộng. Thưa ông, tôi không giết người.
(Giôn ngồi ở cái ghế đánh dấu như chiếc ghế năm trước. Tôi vừa nhận ra con số 2541 quét sơn trắng ở chân ghê, đúng cái ghế năm ngoái thiếu tá tù binh Mác Tuên đã ngồi. Lúc nào Giôn cũng giữ một tay trên bụng áo. Giôn không biết tôi đã thấy nó lấy cắp que diêm nhét vào ống tay mỗi lần được cho thuốc lá hút. Giôn biện bạch một thôi).
Vâng, tôi chỉ được phép phá cầu, phá đường phá xe. Nếu có người chết, cũng là chẳng may người ấy gặp tai nạn, tôi không cố ý. Nhưng dù thế nào, xẩy ra cái chết cũng là bất hạnh, tôi không muốn. Đức chúa Trời dạy con người phải thương yêu nhau. Chúa dạy tôi sợ máu, tôi không dám nhìn máu, tôi không dám giết ai. Đức chúa Trời...
(Nguyễn Tuân lắc đầu nhè nhẹ: Giết người mà lại nói con người phải thương yêu nhau! Không hiểu Người tù binh như sợ hãi, nói luống cuống).
"Tôi không giết người, tôi không... Tôi không thù ghét, nước Việt Nam Cộng Hòa hay nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Những người chết là người bị tai nạn chiến tranh. Nếu trên cầu trên đường lúc ấy chỗ ấy không có người thì không ai chết. Vì người ta đi đến đấy chứ tôi không chủ tâm làm người ta chết.
(Nguyễn Tuân lừ lừ đứng dậy, giơ tay: Nhắc lại này: bao giờ mày được về thì nhớ học lại địa lý Không có hai nước Hoa Kỳ, không có hai nước Việt Nam. Nhớ đấy. Trung uý Giôn, con mắt xanh lơ ngó ngác).
Các ông không phải là nhà báo. Các ông là quan tòa? Các quan tòa lấy khẩu cung tôi. Các ông sắp đem tôi ra xử. Tôi xin hỏi thực các ông?
(Nguyễn Tuân rút hai điếu Thủ đô đưa cho trung uý Giôn. Anh này mặt lúc đỏ lúc tái run run cầm thuốc: Cám ơn, cám ơn. Các ông có phải... Không giải thích hay an ủi, Nguyễn Tuân bước ra, mặc câu nói dở dang sau lưng. Nguyễn Tuân trầm mặc, nghiêm mặt và một vẻ ta đây. Tôi thường chứng kiên dáng điệu đĩnh đạc ấy ở Nguyễn Tuân, khi tiếp xúc với người nước ngoài. Nguyễn Tuân lý lẽ và cứng cỏi. Âu cũng lại một thói quen, cái người hay nói tôi không thích chính trị cũng đương chính trị mà không biết).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro