ĐÊM TUYẾT Ỷ MAI VIÊN
Thấm thoát tôi nhập cung đã được ba tháng trời. Gần sang năm mới, bầu không khí trong cung mỗi ngày một nhộn nhịp. Số tăng nhân đêm ngày tụng kinh cầu phúc ở điện Thông Minh càng lúc càng nhiều. Đến ngày Hai mươi lăm tháng Chạp, phần thưởng tết cũng được ban xuống. Tuy tôi chỉ là một Quý nhân nhỏ bé, bệnh tật, không được sủng ái nhưng phần thưởng cũng không ít, thêm vào tặng phẩm của My Nhi, Lăng Dung và Thuần Thường tại, cũng đủ để đón năm mới sung túc Trường Lạc cung tuy có phần vắng lặng nhưng bọn Tình Xuân trông cũng vui vẻ hơn hẳn, bận bịu quét dọn cung thất tinh tươm, treo đèn ngũ phúc cát tường, dán chữ phúc khắp nơi.
Tuyết lớn rơi dày suốt hai ngày liền, trời càng lúc càng lạnh giá. Tôi ủ tay trong lò ấp nóng hổi, đứng dưới cửa sổ ngắm tuyết lông ngỗng rơi lất phất đầy trời, trời đất một màu trắng xóa vô biên. Tinh Thanh bước qua mỉm cười, khuyên tôi: “Tiểu chủ đang nghĩ gì mà thất thần như vậy? Dưới cửa sổ có gió lạnh luồn vào, người cẩn thận không bị đau đầu đấy.”
Tôi cười, đáp: “Ta đang nghĩ cung chúng ta thứ gì cũng có đủ, chỉ thiếu vài gốc mai và vài gốc tùng bách. Đến mùa đông, ngoài vườn trống huơ trống hoác, chẳng có hoa cỏ cây cối gì cả, chỉ có thể đứng ngắm tuyết mà thôi!”
Tình Xuân phân trần: “Lúc trước, khi Phương quý nhân còn ở đây, nàng ta rất ghét các loại hoa cỏ, ganh tỵ hoa đẹp hơn người. Vì vậy nàng ta không ưa hoa mai, nói mùa đông chỉ có mình nó nở rộ, còn người thì lạnh cóng đến mức chân tay co rúm, mũi đỏ ửng, càng thể hiện rõ người chẳng đẹp bằng hoa. Nàng ta còn chê mùi tùng bách không thơm, nằng nặc đòi nhổ bỏ số cây đã trồng trước đây.”
Tôi cười khúc khích. “Không ngờ Phương quý nhân lại thú vị đến vậy!”
Tình Xuân đến bên tôi, khuyên: “Tiểu chủ chê cảnh sắc bên ngoài không có gì đặc sắc để ngắm, hay để bọn nô tỳ cắt hoa đính lên cửa sổ vậy!”
Tôi hứng thú ủng hộ: “Ta cũng biết cắt hoa, chúng ta cùng cắt hoa rồi dán lên cửa sổ, để tăng thêm phần hân hoan.”
Tình Xuân vui vẻ vâng dạ rồi chẳng mấy chốc đã mang tới một chồng giấy màu và một xấp giấy vàng, bạc. Nữ nhân trong cung ngày dài rỗi việc thường thích thêu thùa, cắt giấy để giết thời gian, cung nữ, thái giám đa số cũng am hiểu việc này. Vì thế vừa nghe nói tôi muốn cắt hoa dán cửa sổ, mọi người đều vây quanh sập ấm, bắt đầu cắt giấy.
Hai canh giờ trôi qua, trên bàn xuất hiện thêm một chồng mẫu hoa đủ màu sắc sặc sỡ, nào là “hỷ thước đăng mai”, “nhị long hý châu”, “khổng tước khai bình”, “thiên nữ tán hoa”, “cát khánh hữu dư”, “hòa hợp nhị tiên”, “phúc lâm môn”, ngoài ra còn có hình đủ loại hoa cỏ như sen, lan, trúc, cúc, thủy tiên, mẫu đơn, tuế hàn tam hữu.
Tôi xem lần lượt mẫu cắt của từng người rồi cất tiếng khen: “Tình Xuân cắt khéo quá, thật không thẹn là bậc cô cô!”
Mặt Tình Xuân hơi ửng hồng, khiêm tốn thưa: “Sao bằng được mẫu “hòa hợp nhị tiên” do tiểu chủ cắt, đúng là sinh động y như thật!”
Tôi cười xòa. “Trên đời này làm gì có “hòa hợp nhị tiên”, chẳng qua chỉ là tưởng tượng ra rồi cắt theo ý mình mà thôi! Nếu có thể cắt hình giống hệt như người thật thì mới gọi là tài chứ!”
Vừa dứt lời, Lạc Nhi đã nhao nhao nói: “Tiểu Doãn Tử biết cắt hình giống hệt người thật đấy!”
Tiểu Doãn Tử lập tức quay đầu lườm nàng ta một cái. “Đừng nói nhăng nói cuội trước mặt tiểu chủ như thế, làm gì có chuyện đó!”
Lạc Nhi không chịu thua, cãi: “Ban nãy chính mắt nô tỳ nhìn thấy Tiểu Doãn Tử cắt hình của tiểu chủ rồi giấu vào trong tay áo kia kìa!”
Tiểu Doãn Tử hổ thẹn, mặt đỏ bừng, nhỏ giọng ấp úng: “Nô tài không có ý bất kính với tiểu chủ đâu!”
Tôi cười hì hì. “Thế thì có đáng gì? Trước giờ ta không để ý đến những chuyện vặt đó. Ngươi cứ lấy ra ọi người xem đi!”
Tiểu Doãn Tử ngượng ngùng dâng bức hình cho tôi. Tôi nhìn qua rồi cười tủm tỉm, khen: “Quả nhiên là tinh xảo! Tiểu Doãn Tử, ngươi khéo tay thật đấy!”
Tiểu Doãn Tử thưa: “Đa tạ tiểu chủ khen ngợi! Chỉ là nô tài vụng về, không cắt được hoa dung nguyệt mạo của tiểu chủ.”
Tôi cười mắng: “Mồm miệng trơn như mỡ, chỉ giỏi nịnh cho ta vui lòng. Ngươi đã cắt hình ta quá xinh đẹp rồi, ta rất hài lòng!”
Hoả Nhi cười tủm tỉm, hỏi: “Hắn đúng là tên nhóc lanh lợi như quỷ sứ ấy, sao lại có ý muốn cắt hình của tiểu chủ vậy?”
Tiểu Doãn Tử nghiêm túc đáp: “Từ khi tiểu chủ nhờ Ôn thái y cứu mạng cho ca ca của nô tài, nô tài và ca ca vẫn luôn khắc ghi đại ơn, đại đức của tiểu chủ, do đó đặc biệt cắt hình của tiểu chủ, đem về thờ phụng, ngày ngày thắp hương, quỳ lạy.”
Tôi nghiêm mặt khuyên: “Ta hiểu tấm lòng của ngươi và ca ca ngươi nhưng làm như vậy thì không hợp với quy củ, để truyền ra ngoài không tốt chút nào, thôi cứ dán bức hình này trong cung của ta cũng được!”
Tình Xuân đứng dậy cười, đề nghị: “Trong cung có tập tục, đêm Ba mươi tháng Chạp, đem một vật nhỏ mà mình ưa thích treo lên cành cây để cầu năm mới được vạn sự như ý. Tiểu chủ đã thích bức tranh do Tiểu Doãn Tử cắt như vậy, hay là cứ treo nó lên cành cây để cầu phúc đi, như thế coi như cũng thưởng cho Tiểu Doãn Tử được nở mày nở mặt một phen.”
Tôi tủm tỉm cười, đáp: “Ý kiến này nghe hay đấy!” rồi lệnh cho Thúy Nhi đi lấy phần thưởng, thưởng cho Tình Xuân và Tiểu Doãn Tử.
Đang lúc náo nhiệt thì có người vén rèm tiến vào thỉnh an, chính là Bảo Quyên, cung nữ hầu cận của Lăng Dung. Nàng ta ôm hai chậu thủy tiên, thưa: “Tiểu chủ nhà nô tỳ đích thân trồng mấy bồn thủy tiên, hôm nay đã nở hoa, nên bảo nô tỳ đem đến tặng Hi Quý nhân.”
Tôi cười, tiếp nhận. “Khéo thật, bọn ta vừa cắt xong mẫu hoa thủy tiên bằng giấy thì tiểu chủ của các ngươi lại sai ngươi đưa thủy tiên đến đây. Có tặng cho bên Thẩm quý nhân hay không?”
Bảo Quyên đáp: “Tiểu chủ đã bảo Cúc Thanh đưa hai chậu qua bên đó rồi, còn tặng cho Thuần Thường tại một chậu nữa.”
Tôi gật đầu. “Quay về bẩm báo với tiểu chủ nhà ngươi là ta rất thích, rồi cầm theo hoa giấy ta cắt về cho tiểu chủ nhà ngươi dán chơi trên cửa sổ. Bên ngoài tuyết lớn ngươi ở lại sưởi ấm người rồi hẵng đi, đừng để bị lạnh cóng”
Bảo Quyên vâng dạ rồi lui xuống. Chẳng mấy chốc đã đến Ba mươi tháng Chạp. My Nhi, Lăng Dung và Thuần Thường tại theo lệ được mời tham gia gia yến trong nội đình do Hoàng thượng và Hoàng hậu chủ trì, đương nhiên không thể ghé thăm tôi được. Tôi bệnh tật quấn thân, Hoàng hậu ra ơn cho phép tôi ở lại trong cung nghỉ ngơi, không cần đi dự yến tiệc. Một mình ăn xong bữa cơm tất niên, tôi cùng đám hạ nhân chờ đón giao thừa. Lạc Nhi bưng nước nóng vào, cười hì hì, kể: “Tiểu chủ, tuyết bên ngoài tạnh hẳn rồi, còn thấy sao sáng đầy trời nữa, xem ra ngày mai trời quang mây tạnh.”
“Thật sao?” Tôi cao hứng cười thành tiếng. “Cảnh đẹp như vậy không thể bỏ lỡ được!”
Tình Xuân cũng vui vẻ tiếp lời: “Vừa khéo tiểu chủ có thể treo bức hình giấy của mình lên cành cây ngoài vườn để cầu phúc!”
Tôi không đồng ý. “Ngoài vườn ư? Cành khô trụi lá thì treo lên có gì hay cơ chứ! Chi bằng xem nơi nào có hoa mai nở, treo bức hình giấy lên.”
Tiểu Doãn Tử đáp ngay: “Hoa mai ở góc tây nam Thượng Lâm uyển nở đẹp lắm, cũng gần cung điện của chúng ta.”
Tôi hỏi lại: “Là mai trắng sao?”
Tiêu Doãn Tử thưa: “Là mai vàng, thơm lắm!”
Tôi hơi cau mày. “Mai vàng không đẹp lắm, mùi hương lại quá nồng như hơi rượu. Còn nơi nào khác không?”
Tiểu Doãn Tử dang tay ra hiệu. “Ỷ Mai viên ở góc đông nam Thượng Lâm uyển có trồng loại mai cánh đỏ nhị trắng như ngọc, nở hoa đỏ rực, nhìn xa như áng mây đỏ vậy, đẹp đến mức nhìn thôi cũng phải ngẩn ngơ, chỉ là cách đây hơi xa!”
Đêm tuyết trăng thanh, rọi xuống từng cụm mai trắng xóa, mùi hương thầm bảng lảng, cảnh đẹp đến nhường nào… Tôi sinh lòng thích thú, đứng dậy khoác chiếc áo choàng gấm màu trắng bạc thêu vân xanh biếc lót lông chim, đội thêm mũ trùm đầu, vừa đi vừa nói: “Vậy ta sẽ đến đó xem một chuyến!”
Tiểu Doãn Tử nghe thấy vậy thì sợ đến độ mặt tái nhợt, lập tức quỳ xuống, tự tát vào mặt mình hai cái, van vỉ: “Đều do nô Tài lắm lời! Sức khỏe của tiểu chủ vẫn chưa khá lên, không chịu được lạnh đâu! Huống chi hôm trưóc, Tuệ Phi đã ban lệnh, nói tiểu chủ bị bệnh theo mùa, không tiện ra ngoài đi lại, nếu chuyện này truyền đến tai Tuệ Phi thì tội không nhỏ đâu!”
Tôi tủm tỉm cười, đáp: “Đang yên đang lành ngươi lại tự trách móc bản thân làm gì kia chứ? Bây giờ đêm hôm khuya khoắt, không người qua lại, các tần phi đều đi tham dự yến tiệc, ta cố ý mặc bộ y phục này, đi trong tuyết vừa ấm áp lại vừa không gây chú ý. Huống chi ta bệnh lâu như vậy, đi ra ngoài giải sầu một phen cũng có lợi chứ sao!” Tiểu Doãn Tử còn muốn khuyên thêm, tôi đã rảo bước đi nhanh ra ngoài cửa, quay đầu lại, cười, nói: “Ta ra ngoài một mình không ai được phép đi theo! Ai dám to gan ngăn cản phải đó đứng ngoài tuyết lạnh cả đêm!”
Vừa ra khỏi cửa Trường Lạc cung, Tình Xuân và Hoả Nhi nói : " Nô tỳ không thể khuyên tiểu chủ xin tiểu chủ mang theo đèn lồng vào trời tuyết ạ "
Tôi cười, mắng: “Chỉ có ngươi là phiền phức, sao không đem cả chăn gối luôn một thể?”
Hoả Nhi xấu hổ, mặt ửng hồng nhưng vẫn cứng miệng nói: “Giờ tiểu thư càng lúc càng chán ghét nô tỳ rồi, cứ như thế mãi thì Hoả Nhi sẽ trở thành Hoả Công mất!”
Tôi cười, mắng: “Lại nói bậy bạ, cưng chiều nhà ngươi đến mức ngươi chẳng biết quy củ là gì nữa rồi!”
Hoả Nhi cũng cười, đáp: “Nô tỳ việc gì phải lo lắng đến quy củ này nọ cơ chứ, chỉ cần lo lắng đến sự an toàn của tiểu chủ là đủ rồi!”
Tình Xuân nghe vậy cũng phá lên cười,
Tôi nói: “Thôi đem về đi! Ta đi một lát rồi về ngay, không đến nỗi bị rét cóng đâu!” Nói xong, quay người đi ngay.
Tuyết đọng trên vĩnh hạng[1] và đường lớn trong cung sớm đã được đám cung nhân quét dọn sạch sẽ, nhưng mặt đường đóng băng rất trơn, đi lại phải hết sức cẩn thận. Đêm khuya trời lạnh, các tần phi đều ở chính điện hoan hỉ dự yến cùng Hoàng đế, Hoàng hậu, cung nữ nội giám ở các nơi cũng rúc vào nhà trong, sợ lạnh không dám ló đầu ra ngoài. Thỉnh thoảng có ngự lâm thị vệ và nội giám canh đêm đi qua nhưng thanh thế cũng giảm hơn ngày thường rất nhiều, rất dễ lảng tránh. Đường đến Ỷ Mai viên có hơi xa, cũng may gió đêm không lớn lắm, tuy hơi lạnh vờn quanh nhưng trên người tôi, y phục dày ấm cũng đủ để chống chọi. Tôi đi bộ chừng gần nửa canh giờ thì đến nơi.
[1] Vĩnh hạng: con đường nhỏ, hẹp và dài trong nội cung, còn dùng để chỉ nơi ở của phi tần trong cung.
Chưa vào vườn nhưng từ xa đã ngửi thấy một mùi hương thơm ngát, vương vấn không thôi, phảng phất đủ để giữ chân lữ khách, càng lại gần mùi hương càng thấm sâu vào lòng người, ngây ngất tận đáy lòng. Tuyết đọng trong Ỷ Mai viên vẫn chưa có ai quét dọn, tuyết vừa dứt cơn, chưa đông cứng thành băng. Giày đi tuyết bằng da dê non thêu hoa đạp trên mặt tuyết, phát ra âm thanh kẽo kẹt, khẽ khàng. Trong vườn vô cùng yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng bước chân giẫm lên tuyết. Cả vườn trồng toàn mai đỏ, rộ hương khoe sắc, dưới ánh sao trong trẻo, chúng như những giọt thủy ngân nhỏ xuống tí tách, càng giống như ráng mây rực rỡ, đỏ đến mức như sắp cháy bùng. Trên mỗi cánh hoa còn đọng lại vài vụn tuyết trắng, trong suốt, tinh khiết, phản chiếu nhị hoa như ngọc, cánh hoa như đá quý đỏ thẫm, tôn dáng cho nhau, càng thêm vẻ ngạo nghễ, thoát tục, không biết tuyết làm nền ai hay mai làm cho tuyết, tạo nên một cảnh tượng thần tiên: “Hương thoảng thầm trăng mới chớm, nhành thưa bóng lộng giữa làn vơi.”
Tôi đứng xa hai bước, hương hoa mai thanh khiết tựa hồ muốn gột rửa giúp người ta trở nên trong sáng, trắng ngần. Tôi thích thú, bèn chọn một nhành mai rộ hoa nhất treo bức tranh cắt giấy của mình lên đó rồi chẳng để ý đến băng tuyết đầy trên mặt đất, đặt đèn gió qua một bên, thành tâm quỳ xuống, thầm cầu nguyện:
Cao Hi Gia nguyện thứ nhất, mong cha mẹ khỏe mạnh, huynh muội bình an.
Nguyện thứ hai, mong có thể ở trong cung bình an cả đời, sống trọn kiếp tàn.
Nghĩ đến đây, tôi không khỏi thấy lòng sầu muộn muốn thoát khỏi thị phi trong chốn cung cấm, lo bảo vệ thân mình thì đời này đành bệnh mãi không khỏi, tự vùi mình trong chốn thâm cung, nhưng đến chuyện khi hầu Huyền tông cũng không có để mà kể.
Nguyện thứ ba, “mong người lòng chỉ một, bạc đầu chẳng xa nhau” lại càng là mộng tưởng hão huyền, chẳng bao giờ đạt được. Nghĩ đến đây, dẫu tôi đã sớm ý thức thân mình đời này phải chôn vùi trong chốn thâm cung, vĩnh viễn không có tương lai nhưng trong lòng bất giác cảm thấy xót xa khôn tả, thở dài một tiếng, ngâm một câu thơ: “Gió đông như hiểu ý, xin đừng hại đến hoa.”
Tôi vừa dứt lời, khuất sau hàng mai đằng xa chợt có một giọng nam trầm ấm vang lên: “Ai đang ở đó?” Tôi giật mình kinh hãi, nơi này còn có người khác! Còn là đàn ông nữa chứ! Tôi lập tức im lặng, “phù” một tiếng thổi tắt đèn gió, lách mình ẩn sau một gốc mai. Người nọ dừng lại một thoáng rồi hỏi tiếp: “Là ai?”
Bốn bề yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng gió lùa tuyết đọng trên cành mai rơi xuống đất lộp bộp, hồi lâu sau vẫn không có tiếng trả lời. Tôi quấn chặt tấm áo choàng. Ánh sao mờ ảo, mặt tuyết trắng tinh, bóng cành bóng nhánh đan xen trập trùng, tựa vô số chạc san hô quấn quýt, muốn phát hiện được tôi cũng chẳng dễ dàng gì. Tôi hít thở khẽ khàng, rón rén rời đi, cố lách mình đi ra phía ngoài, chỉ sợ giẫm phải chỗ tuyết đọng cao sẽ gây ra tiếng động.
Tiếng bước chân của người nọ mỗi lúc một gần, lờ mờ có thể nhìn thấy hoa văn giao long xuất hải trên chiếc ủng xanh lam, khi chỉ còn cách mấy lùm mai nữa là đến chỗ tôi thì tiếng bước chân dừng hẳn. Giọng của người đó lại vang lên, có phần nghiêm khắc: “Còn không lên tiếng, ta sẽ cho người xới tung cả Ỷ Mai viên này lên!”
Tôi đứng yên không dám động đậy, hai tay siết chặt, chỉ cảm thấy toàn thân lạnh buốt, cứng đờ, qua bóng hoa nhìn thấy một vạt áo màu xám bạc cách tôi không xa, bên trên thêu chi chít hình rồng uốn lượn, lòng tôi càng thêm khiếp hãi, bất giác quay đầu nhìn thấy có bóng cung nữ mặc y phục màu xanh thấp thoáng ở cửa sau vườn, nhanh trí đáp: “Nô tỳ là cung nữ của Ỷ Mai viên, ra ngoài cầu phúc, vô tình quấy nhiễu tôn giá, xin được thứ tội!”
Người nọ lại hỏi: “Ngươi có đọc sách à? Tên gọi là gì?”
Lòng tôi bất giác cảm thấy hoảng hốt, cố định thần lại, đáp: “Tên gọi của nô tỳ đê tiện, sợ làm bẩn tai tôn giá!”
Nghe người nọ lại bước tới gần mấy bước, tôi vội vã gọi với: “Ngài đừng qua đây… Giày vớ của nô tỳ bị ướt hết rồi, đang phải thay.”
Người nọ quả nhiên dừng bước, thật lâu sau không nghe thấy nói gì, đợi thêm lát nữa, nghe tiếng bước chân của ông ta chầm chậm bước sang hướng khác, rồi chẳng còn động tĩnh gì nữa. Lúc này tôi mới trấn tĩnh lại, trái tim đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hoảng hốt cứ như đằng sau có người đuổi sát theo, tôi giẫm lên lối mòn đầy băng vụn, băng qua vĩnh hạng dài dằng dặc, chạy thẳng về Trường Lạc cung.
Đám Tình Xuân, Thuý Nhi thấy tôi hớt hơ hớt hải chạy vào, nhanh đến mức trâm thoa rời rạc, tóc mai rối bời, ai nấy đều kinh hãi đưa mắt nhìn nhau rồi rối rít hỏi thăm: “Tiểu chủ có chuyện gì vậy?”
Thuý Nhi nhanh nhẹn rót trà dâng lên, tôi uống cạn một hơi rồi mới có sức trả lời: “Có hai con mèo nấp sau đống tuyết nằm bên vĩnh hạng, cũng không biết là của ai nữa, đột nhiên lao thẳng vào người ta, đúng là sợ phát khiếp.”
Hoả Nhi tủm tỉm cười, trêu: “Tiểu thư từ nhỏ đã sợ mèo, một lúc gặp hai con, hẳn là bị kinh sợ một phen rồi!” Nàng ta lại cao giọng gọi: “Lạc Nhi, nấu một bát canh gừng thật đặc bưng lên đây, để tiểu chủ chống lạnh.” Lạc Nhi vâng dạ làm ngay.
Tình Xuân an ủi tôi: “Nữ nhân trong cung trước giờ thích nuôi mèo, đám mèo ấy cũng ngang tàng lắm, tiểu chủ thân thể tôn quý, phải cẩn thận mới được!” Lại hỏi: “Tiểu chủ đã cầu nguyện xong chưa?”
Tôi gật đầu, kể: “Nguyện đến ba điều liền, chẳng biết thần phật có trách ta quá tham lam hay không nữa!”
Tình Xuân đoan chính hành đại lễ với tôi, cười tươi rói, chúc mừng: “Chúc mừng tiểu chủ! Thường nghe nói “mèo đem vận may”, tiểu chủ cầu nguyện xong liền gặp ngay hai con mèo chẳng phải đó là điềm lành cho thấy ước nguyện của người nhất định sẽ thành sự thật đó sao?”
ễTôi tủm tỉm cười. “Cái gì không tốt đến miệng các ngươi đều thành cực tốt! Nếu những ước nguyện của ta thực sự có thể trở thành sự thực thì ta bị đám mèo làm hoảng sợ coi như cũng đáng!” Nói xong, tôi gọi Thuý Nhi bưng chậu nước tới, giúp tôi quấn lại tóc, thay y phục rồi ngồi xuống đánh mã điếu.
Khi bình tĩnh trở lại, trong lòng tôi không khỏi cảm thấy hoài nghi. Hôm nay hậu cung tổ chức dạ yến, tuyệt không mời ngoại thần thân thích. Ngoài Hoàng thượng ra thì chẳng còn người đàn ông nào khác có thể ra vào hậu cung. Trong đầu tôi chợt hiện ra hình ảnh đôi ủng xanh lam có thêu hoa văn giao long xuất hải… cùng vạt áo xám bạc thêu chìm hình rồng uốn lượn. Tôi sợ đến toát mồ hôi, hoa văn chìm hình rồng uốn lượn là loại hoa văn dành riêng cho bậc bề trên, những thân vương bình thường cũng không được tự tiện dùng, chẳng lẽ người trong Ỷ Mai viên là… Cũng may tôi đã nhanh chóng thoát thân, nếu không bao công sức náu mình kể từ khi vào cung đến giờ coi như đổ sông đổ bể. Tình Xuân và Tiểu Doãn Tử giỏi đoán ý qua lời nói và sắc mặt, thấy tôi có vẻ uể oải bèn cố ý thua liền vài ba ván cho tôi vui lòng. Tôi lấy cớ không được khỏe nên trở về phòng trước. Tình xuân đi theo giúp tôi tháo đồ trang sức.
Tôi vờ thản nhiên hỏi chuyện nàng ta: “Đêm nay hậu cung tổ chức dạ yến, Hoàng thượng, Hoàng hậu có mời ai khác đến dự không?”
Tình Xuân thưa: “Theo lệ trước giờ thì mấy vị vương gia cũng đến dự.”
Tôi khẽ “à” một tiếng.
Mấy vị vương gia mà Tình Xuân nhắc đến là đại hoàng tử Kỳ Sơn vương Phùng Tuân, tam hoàng tử Nhữ Nam vương Phùng Tể, lục hoàng tử Thanh Hà vương Phùng Thanh và cửu hoàng tử Bình Dương vương Phùng Hi của tiên hoàng. Tiên hoàng có tổng cộng bảy trai, hai gái. Ngũ hoàng tử, thất hoàng tử và bát hoàng tử mất sớm.
Hoàng đế Phùng Hưng Toàn thứ tư, cùng với nhị hoàng nữ Phùng Ninh trưởng công chúa đều là con ruột của đương kim Thái hậu.
Kỳ Sơn vương Phùng Tuân, mẹ đẻ là Nghi Phi, giờ là Khâm Nhân Thái phi. Người này tuy là con trưởng nhưng tính tình yếu hèn, tầm thường, không chí tiến thủ, chỉ muốn an phận làm thân vương để tận hưởng vinh hoa phú quý.
Tương Thành vương Phùng Tể là con của Ngọc quý nhân. Ngọc quý nhân là em gái út của Bắc Lăng hầu. Năm Phùng Hưng thứ mười, Bắc Lăng hầu mưu phản, Ngọc quý nhân bị liên lụy, không được sủng ái, uất ức mà chết. Phùng Tể trời sinh thần lực hơn người, anh dũng thiện chiến nhưng tính tình quá ngay thẳng, không hợp ý tiên hoàng, đến khi tiên hoàng qua đời mới được phong làm Tương Thành vương, hiện giờ nam chinh bắc chiến lập không ít quân công, rất được Hoàng Thượng tin cậy.
Thanh Hà vương Phùng Thanh thông minh trí tuệ, lại nhờ vào mẫu phi là Thư Quý phi, từ nhỏ rất được Hoàng đế thương yêu, mấy lần có ý muốn lập làm thái tử. Chỉ có điều xuất thân của Thư Quý phi có nhiều điểm bị người đời chê trách, quần thần đồng loạt phản đối nên tiên hoàng đành phải thay đổi ý định. Sau khi tiên hoàng băng hà, Thư Quý phi tự xin xuất gia, Phùng Thanh liền được Đức Phi trước giờ vẫn rất thân thiết với Thư Quý phi nuôi dạy khôn lớn. Đức Phi chính là đương kim Thái hậu nên Phùng Thanh và Phùng Hưng Toàn thân thiết chẳng kém anh em ruột. Phùng Thanh tính tình lông bông, tinh thông lục nghệ nhưng đặc biệt không ưa việc triều chính, cả ngày lấy thi thư làm bạn, âm nhạc làm bè, tài thổi sáo nổi danh khắp kinh thành, được mọi người xưng tụng là “tự tại vương gia”.
Bình Dương vương Phùng Hi là con út của tiên hoàng, giờ mới tròn mười ba tuổi. Mẹ ruột là Thuận Tần xuất thân hèn mọn, từng là một cung nữ chuyên may vá trong Tú viện, sau khi tiên hoàng qua đời, dù được tấn phong làm Thuận Trần Thái phi, nhưng Bình Dương vương từ nhỏ đã được mẹ của ngũ hoàng tử là Trang Hòa Thái phi nuôi dưỡng, chăm sóc.
Tôi lẳng lặng nghe Tình Xuân kể, trong lòng vẫn cảm thấy bất an, hình như quên mất một chuyện gì đó quan trọng mà không sao nhớ ra được, đành nhắm mắt ngủ. Mọi người cũng dần lui ra. Mơ màng ngủ đến nửa đêm, tôi đột nhiên giật bắn mình, ngồi bật dậy, hành động quá đột ngột khiến màn gấm tung bay, tôi đã nghĩ ra chuyện khiến mình cảm thấy không yên lòng rồi: bức tranh cắt giấy!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro