1-5
Chương một
ĐÁM CƯỚI TRẮNG
Con đường đông nghịt người. Tất cả đều lũ lượt đổ về cùng một hướng.
Cảnh tượng lạ lẫm ấy bất giác cuốn tôi hòa vào dòng người.
Họ đi qua những ngã rẽ, băng qua những cây cầu vượt, xuyên qua bến tàu điện ngầm, ghé qua những hộp đêm, bước qua những ngõ chợ, đặt chân tới bệnh viện, ngang qua những quán rượu... Vầng dương, ánh nguyệt thay nhau nổi chìm.
Tôi chợt nhận ra người vừa khi nãy còn bên mình bỗng nhiên biến mất, rồi một người mới từ đâu bỗng nhiên xuất hiện, cứ như thế mãi không thôi. Tôi hỏi một chàng trai vạm vỡ đi bên cạnh:
- Chúng ta đang đi về đâu?
- Về nơi cần đến! - Anh ta đáp.
Một câu trả lời thật vô nghĩa!
Đi thêm một quãng đường, anh ta vỗ vỗ vào vai tôi mà rằng:
- Tôi đến nơi rồi. Tạm biệt người anh em!
Tôi ngoảnh đầu nhìn theo, một nấm mộ bỗng xuất hiện ven đường, thoáng một cái người con trai đã biến mất.
Tôi chợt hiếu ra nơi cần đến mà anh ta nói tới không nơi đâu khác mà chính là đây.
Chúng tôi vẫn đang tiến về phía trước.
1
Màn đêm lặng lẽ đổ dần lên thành phố.
Nhà cửa mọc san sát, phố xá đan ngang dọc, những ngọn đèn của nhân gian sáng lốm đốm tựa sao trời. Làn mưa buốt rì rào sa xuống khiến cho ánh đèn càng hồng, men rượu càng nồng. Phía xa xạ, bóng núi cao vút in lên nền trời những khoảng nhấp nhô đen kịt.
Thành phố này mang tên Tây Kinh. Thật ra đó chính là thành phố hằng quen thuộc của bạn, chẳng qua tôi chỉ tạm đổi cho nó một cái tên khác mà thôi.
Trên con đường tĩnh mịch, có một quán rượu giờ này vẫn còn mở cửa. Dọc con phố hầu hết là những cửa hàng buôn bán thư họa, tất cả đều đã say ngủ từ lâu, duy chỉ còn ánh sáng tờ mờ đến từ chiếc đèn lồng đỏ của quán rượu hiu hắt cô quạnh giữa trời đêm.
Bên trong quán, một hôn lễ nho nhỏ đang được cử hành.
Hai bức màn tím buông rủ trên bục sân khấu nhỏ nhắn đang khép im lìm tựa như một cánh cửa bị khóa chặt. Trên bức màn có treo một tấm phú:
"Mừng lễ thành hôn
Tát Nhĩ Hạnh - Cố Phán Phán"
Chú rể đang đội mưa đi đón cô dâu.
Lúc này, hai người chủ trì hôn lễ đang kêu gọi quan khách. Một người vừa mập vừa lùn, người còn lại gầy nhưng dong dỏng, cả hai trông có vẻ đều là sinh viên. Họ vận chiếc áo trắng kiểu Tôn Trung Sơn kèm với quần âu, cúc áo cài chỉnh tề trông rất trang trọng.
Khách khứa sáu mâm toàn thanh niên, tuổi đời đều sàn sàn đôi mươi. Người chủ trì có thân hình mập ú cười hấp háy và cất giọng:
- Lát nữa cả nhà phải ăn uống cho thật no say vào đấy! Do cử hành gấp gáp nên chắc hẳn sẽ có nhiều sơ suất, mong mọi người lượng thứ!
Một thanh niên nhuộm tóc xanh lên tiếng:
- Bọn này không ai biết Tát Nhĩ Hanh có bồ từ lúc nào luôn. Thế mà đùng một cái đã cưới, nhanh đến chóng cả mặt!
Người chủ trì mập ú nói:
- Cô dâu tên là Cố Phán Phán, hai người quen nhau qua mạng cũng phải được một năm rồi.
Người thanh niên tóc xanh lại hỏi:
- Nhưng cưới xin gì mà lại chọn cái giờ muộn thế này
Người chủ trì trả lời, vẻ hơi gượng gạo:
- Tát Nhĩ Hạnh làm gì cũng hơi khác người một chút mà...
Người thanh niên tóc xanh bật cười:
- Nếu vậy, so với các cô gái, người yêu hắn chọn chắc cũng không bình thường lắm nhỉ!
Người chù trì mập ú thất thần quay sang nhìn người bạn gầy. Nhận thấy từ "không bình thường" dùng không được đúng chỗ cho lắm, người thanh niên tóc xanh liền sửa lại:
- Ý tôi nói người yêu hắn chọn chắc không giống với các cô gái khác.
Người chủ trì gầy liếc nhìn người thanh niên với vẻ không mấy dễ chịu.
Một thanh niên tóc đỏ cao giọng hỏi:
- Phòng tân hôn ở đâu ấy nhỉ? Lát nữa miệng đánh chén đã đời rồi thì tai bọn này vẫn còn rảnh lắm.
Người chủ trì béo lại quay sang nhìn bạn mình và bắt đầu tỏ ra lúng túng:
- Ờ... Vụ này...
Gã tóc đỏ lại tiếp lời:
- Hà hà, vợ chồng mới cưới cũng không đến nỗi phải màn trời chiếu đất đấy chứ! Dự báo thời tiết bảo rồi, hôm nay mưa cứ là dầm dề cả đêm.
Người chủ trì gầy vội chữa cháy:
- Địa điểm phòng tân hôn tạm thời được giữ bí mật theo yêu cầu của cô dâu chú rể - Rồi lảng sang chuyện khác - Ai có nhu cầu gì thì cứ gọi mình. Ngày thường tất cả đều là anh em với nhau nhưng hôm nay thì khác, mình nguyện làm chân phục vụ cho cả nhà!
Mưa trút xuống mỗi lúc thêm nặng hạt, sét thi thoảng lại rạch ngang nền trời xa thẳm, vậy mà chẳng hề nghe thấy một tiếng sấm âm vang.
Không một ai chú ý đến sự xuất hiện của con chó hoang ngồi phủ phục đối diện bên đường trong bóng đêm suốt nãy giờ. Đôi mắt lạnh tanh của con vật hướng về phía khung cửa sổ, quan sát. Chiếc đèn lồng in lên con ngươi nó, ánh lên hai đốm đỏ hoang dại.
Thi thoảng lại có người cầm ô, kẻ đi xe đạp vội vã lướt qua.
Nó vẫn im lìm ngồi đó.
Bị nước mưa trút ào ạt lên người, nó vẫn không buồn tránh né. Lớp lông xám phủ trên mình con vật giờ đây đã sũng nước, dính bết lên người khiến nó trông như đang trần trụi.
Có thể nó là một con chó dại.
Cũng có thể, nó hoàn toàn không phải chó...
Giả như có một con sói lẩn vào chốn thành thị, lẳng lặng đi qua từng bờ tường với đôi mắt ghì sát xuống đất, liệu có ai nhận ra nó là sói hay không?
Từ chỗ con vật ngồi có thể nghe thấy âm thanh lao xao từ quán rượu vẳng tới.
Một cô gái môi mỏng cất giọng lanh lảnh:
- Sao vẫn chưa thấy mặt mũi cô dâu đâu? Bọn này đang muốn biết em nào đã "bắt cóc" được chàng Tát Nhĩ Hạnh đẹp trai đây này!
Người chủ trì mập ú đáp:
- Chắc là sắp tới rồi đấy!
Gã tóc đỏ nói:
- Lâu thêm chút nữa là thành đám cưới đêm khuya. Thế mới gọi là khác người!
Người chủ trì trả lời:
- Chú rể Tát Nhĩ Hạnh vừa nhắn tin rằng trời mưa quá nên đang tắc đường, xe hoa sẽ đến muộn một chút!
Thanh niên tóc xanh không chịu ngồi yên liền çhen vào:
- Ha ha! Đừng bảo là tắc ở thôn Huyền Quái đấy nhé!
Thôn Huyền Quái tọa lạc ở vùng ngoại ô phía tây. Nơi đây cũng khá nổi danh vì là đất hội tụ của một số họa sĩ lưu lạc đến từ xứ người. Nhiều người bật cười bởi lẽ ngôi làng cách đây quá xa. Nhưng không hiểu sao khi nghe đến câu ấy, nụ cười trên khuôn mặt hai người chủ trì đột nhiên cứng đờ lại.
Mưa cứ gõ từng nhịp lên khung cửa sổ tạo nên những âm thanh đơn điệu: "Lách tách, lách tách, lách tách, lách tách..."
Ngoài kia bị bao trùm bởi bức màn đen thăm thẳm, chẳng trông rõ bóng dáng con chó hoang bên đường đâu cả.
2
Tạm gác hôn lễ sang một bên, ta hãy xem câu chuyện đêm qua đã xảy ra như thế nào.
Cũng giống như bao thành phố khác, ngày nào giữa Tây Kinh cũng có vô số chuyện diễn ra...
Bao vụ làm ăn được thỏa thuận. Bao bản hợp đồng được ký kết. Hằng hà công ty bỗng phá sản. Hằng hà công nhân phải ra đường. Cơ man người sa vào tình ái. Cơ man kẻ tan cuộc hôn nhân. Người mới dọn tới nhiều, kẻ đi cũng chẳng ít. Trong nhà trẻ, bao đứa bé nhận phiếu bé ngoan. Tại bệnh viện, bao con người giã từ cuộc sống. Tính không siết số tai nạn xảy ra. Đếm không xuể số tội phạm bị bắt. Chẳng ai hay bao nhiêu con chó đã cắn người...
Câu chuyện tôi sắp sửa thuật lại dưới đây ít nhiều nhuốm màu kỳ bí, hẳn trăm năm mới xảy ra một lần.
Ở vùng ngoại ô phía đông Tây Kinh có một khu biệt thự sang trọng gọi là: "Ngọc Mễ Hoa Viện". Phía bắc hoa viên giáp với núi Uy Hổ, không phải núi Uy Hổ trong cuốn "Đồi tuyết Lâm Hải", đấy chỉ là một sự trùng tên ngẫu nhiên mà thôi.
Trăng lưỡi liềm cuối tháng cong veo, mỏng manh, treo lủng lẳng trên đằng trời tây bắc, đỏ au như máu.
Ngôi biệt thự số mười chín là tòa biệt thự nhỏ hai tầng, lợp ngói đỏ, nằm sâu nhất trong khu biệt thự. Trong biệt thự có người đang lên mạng.
Phòng không bật đèn, ánh sáng của màn hình máy tính hắt vào mặt anh ta, tựa như phủ lên lớp mặt nạ xanh lục. Chiếc máy tính màu kem siêu mỏng, toàn bộ linh kiện PC đều được tích hợp hoàn hảo dưới lớp màn hình.
Hồ sơ QQ của anh hiển thị vài thông tin: Phục Thực, nam, 24 tuổi.
Phần còn lại để trống.
Phục Thực không phải gã bảnh trai nhưng lại có vẻ bề ngoài nam tính lạ thường: tóc cắt đầu đinh, mặt hơi ngăm ngăm, cơ thể rắn rỏi, hàm răng chắc đều và ánh mắt sắc sảo, linh hoạt.
Chủ nhân tòa biệt thự là Mễ Gia, tổng giám đốc công ty điện ảnh Kim Tượng, còn Phục Thực là trợ lý của cô. Căn bất động sản vốn thuộc sở hữu của Mễ Gia. Phục Thực cũng thế.
Anh đang đợi một người.
Website riêng của công ty Kim Tượng có một góc mang tên "Diễn Đàn Nửa Đêm". Tại đây, Phục Thực đã quen một cô gái có biệt danh là Mục Phân Mục Phân. Cô xuất thân từ một ngôi làng phía bắc đất Giang Tô, hiện là sinh viên trường Đại học Tây Kinh và là một kẻ say mê truyện kinh dị. Hai người nói chuyện hợp nhau như cá gặp nước, cùng chìm đắm vào một mối tình ảo tự lúc nào không hay.
Câu chữ là cơ thể, ánh mắt, bờ môi, còn QQ là nơi hẹn hò thầm kín. Họ lấy câu chữ để ôm hôn trò chuyện và trao nhau nồng đượm. Mục Phân Mục Phân là người đầu tiên Phục Thực quen qua mạng. Dường như cô chính là lý do khiến anh mê mẩn thế giới ảo này, tựa như một bờ môi khô bỗng chốc gặp được một nụ hôn ướt át.
Hôm nay Mục Phân Mục Phân không online.
Cư dân mạng lên lên xuống xuống đông không kể xiết, người nọ nồng nhiệt tán gẫu với kẻ kia. Phục Thực không tham gia bất cứ cuộc trò chuyện nào, chỉ ngồi trơ trọi, cô liêu trên ghế.
Lặng nhìn màn hình một lúc, anh đứng dậy đi vào nhà vệ sinh.
Cái lạnh của nước tạt vào mặt khiến anh tỉnh táo ra nhiều. Quay trở về với chiếc máy tính, anh đang định ngồi xuống thì bỗng dưng khựng lại... Tại sao con chuột lại rơi khỏi mặt bàn? Nó đang lơ lửng giữa không trung và đung đưa khe khẽ.
Như thể một điềm báo không lành.
Nhưng Phục Thực không mấy để tâm. Anh khom người nhặt con chuột và cẩn thận đặt về vị trí cũ. Nhưng di chuột một hồi mà con trỏ vẫn chết đứng trên màn hình, anh chán nản thờ dài, đành thao tác bằng bàn phím để tắt. Anh vươn vai ngáp một cái thật sâu rồi chuẩn bị đi nằm.
Căn phòng tĩnh mịch đến tiếng muỗi vo ve cũng chẳng nghe thấy.
Mễ Gia đang làm thêm trên công ty, chẳng biết đêm nay có về nhà không. Theo thói quen, giờ này đáng lẽ cô đã gọi điện thoại báo trước. Đột nhiên chiếc di động réo lên. Phục Thực bắt máy nhưng đầu bên kia hoàn toàn im lặng. Anh nhỏ giọng hỏi:
- Ai thế?
Mãi một lúc sau đầu kia mới vang giọng con gái lạ lẫm, dường như đang cố hết sức để nén lại nhịp tim đập loạn xạ:
- Xin chào!
- Ai thế?
- ... Anh đoán xem.
- Mục Phân Mục Phân.
- Sao anh biết là em? - Cô gái sửng sốt.
- Vì trên thế gian này anh chỉ quen biết mỗi mình em. Anh đáp thản nhiên, không có vẻ gì là đang đùa cợt.
- Thế anh có muốn... gặp em không?
- Muốn.
- Anh ở đâu?
- Núi Uy Hổ.
- Ngoại ô phía đông?
- Ừ.
- Ồ... Thế thì thôi...
- Sao vậy?
- Xa quá... Em ở tận ngoại ô phía tây cơ.
- Không sao! Đừng nói là ngoại ô phía tây, cho dù em đang ở phương Tây trái đất, anh cũng sẽ bay tới.
- Hi hi, thế nếu em ở... Tây Thiên thì sao?
- Chẳng sao! Anh... sẽ leo lên.
- Thế anh đến đi!
- Địa chi cụ thê?
- Thôn Huyền Quái.
Phục Thực cúp máy và nhìn đồng hồ, mới hơn mười giờ tối. Anh mặc quần áo rồi vội vã đi ra ngoài.
Vừa đặt chân tới mé cửa, chợt có thứ gì đó khiến anh phải khựng lại và chậm rãi ngoái đầu nhìn. Con chuột lại rơi xuống, buông thõng giữa nửa vời không trung và đung đưa thong thả. Anh không quan tâm, chỉ lẳng lặng tắt đèn và sải bước rời khỏi phòng.
Giữa màn đêm, con chuột dần dần tĩnh lại, treo nguyên tại chỗ như một con nhện mang đầy ác ý.
Chương hai
THÔN HUYỀN QUÁI
1
Chiếc BMW đen chăng hoa kết lụa xanh đỏ rực rỡ lừng lững xuất hiện giữa màn đêm. Đó là chiếc xe dâu.
Điều khiến nó trở nên khác thường chính là sự xuất hiện của hai chiếc xe cảnh sát hộ tống đằng sau, ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy dưới mưa trông thật đẹp mắt.
Con chó hoang ngồi trong màn đêm khi nãy dường như vừa đánh hơi thấy mùi gì liền quay ngoắt đầu lại và chăm chú theo dõi.
Chiếc xe dâu màu đen tiến vào sân sau quán rượu, hai xe cảnh sát đỗ nép hai bên. Bốn viên cảnh sát cao sàn sàn nhau đứng mỗi người mỗi góc quan sát động tĩnh bốn bề.
Trong quán rượu, người chủ trì gầy đứng trên sân khấu và trịnh trọng tuyên bố:
- Thưa quý vị, cô dâu chú rể đã tới!
Tiếng hoan hô dậy lên như sấm.
Anh ta nói tiếp:
- Tuy nhiên hôm nay cô dâu không được khỏe, rất mong quý vị thông cảm.
Chờ một hồi vẫn không thấy bóng dáng cô dâu đâu, tiếng vỗ tay bắt đầu thưa dần, quan khách dáo dác đưa mắt tìm kiếm khắp xung quanh.
Cuối cùng cũng đã đến lúc người chủ trì mập kéo roạt bức màn sân khấu. Cô dâu chú rể xuất hiện ngay trước mắt mọi người, chàng bồng nàng trên tay, bước từng bước chậm rãi từ đằng cửa sau lên sân khấu.
Tát Nhĩ Hanh khoác chiếc áo vest đuôi tôm màu đen, làm nổi bật chiếc nơ áo trắng muốt. Bông lụa đỏ thắt lệch trước ngực cứ xéo xuống thảng như sắp rơi ra bất cứ lúc nào. Chú rể sở hữu vóc người cao to, khuôn mặt điển trai, làn da tươi mịn cùng ánh mắt thanh thoát, nhìn là biết ngay con nhà gia thế. Có lẽ do phải mệt mỏi lo toan hôn sự nên sắc mặt anh không được tươi cho lắm.
Cô dâu nằm cứng đờ trong vòng tay anh, tuyệt không cử động. Nàng mặc bộ váy cưới kiểu nữ hoàng Victoria phong cách thời Phục Hưng, trên đầu điểm xuyết trân châu và hoa lụa. Tà váy dài trắng như tuyết thướt tha nền đất, khe khẽ phất phơ theo nhịp bước của chàng trai.
Ngoài việc bầu ngực hơi phẳng thì vóc dáng nàng cũng tuyệt vời đấy chứ. Chỉ có điều nàng đeo mạng che mặt nên không ai trông thấy rõ dung nhan.
"Cô dâu làm sao vậy?" Quan khách bắt đầu ghé tai nhau xì xào. Cô nàng môi mỏng quen tính nghĩ sao nói vậy, khe khẽ rỉ tai người ngồi cạnh:
- Hay đấy là... người thực vật?
Người ngồi kề bên huých nhẹ khuỷu tay vào người cô, rồi lại hướng mắt lên sân khấu.
Cuối cùng Tát Nhĩ Hạnh cũng đã đứng ngay ngắn trên sân khấu, anh khẽ nghiếng mình chào khán giả, khóe môi gắng gượng nở nụ cười và nói:
- Trời có đòi mưa thì tôi vẫn phải lấy vợ. Muộn như vậy rồi mà các bạn vẫn đến tham dự lễ thành hôn của chúng tôi, xin chân thành cảm ơn!
Toàn bộ quan khách lập tức giữ im lặng, không một ai lên tiếng.
Hai chân Tát Nhĩ Hành khẽ rung lên, anh nhẹ nhàng đỡ cô dâu đứng thẳng xuống và tiếp lời:
- Ngày hôm nay tôi không mời chủ hôn, chỉ có hai người bạn tạm đứng ra chủ trì buổi lễ.
Hai người chủ trì béo và gầy lần lượt cúi chào khán giả.
Tát Nhĩ Hạnh nói tiếp:
- Và cũng chẳng có ai làm người chứng hôn... Theo thông lệ thì người chứng hôn phải tuyên đọc giấy chứng nhận kết hôn trước toàn thể mọi người. Tôi và Phán Phán không làm bất cứ tờ chứng nhận nào hết. Đó là thứ vô dụng nhất trên đời vì chỉ khi nào li hôn ta mới cần đến nó.
Nói đến đây, anh cúi xuống đắm đuối nhìn cô dâu trong vòng tay:
- Sau buổi lễ ngày hôm nay, tôi và Phán Phán sẽ mãi mãi ở bên nhau đến từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm, từng thế kỷ...
Quan khách càng nghe chú rể nói, khuôn mặt càng bừng lên vẻ trang trọng và ngưỡng mộ..
Người chủ trì gầy xua tay ra đằng sau, một nhân viên quán rượu đứng hóng chuyện nãy giờ bèn lui về. Một lúc sau, khúc nhạc "Wedding March" được cất lên. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà lúc này nghe giai điệu ấy lại thoảng thấy lạnh lẽo u sầu.
Con chó hoang vẫn ngồi im lìm trước quán rượu. Nó nhìn chăm chăm vào thân hình cô dâu qua lớp cửa kính, đầu mũi giật giật liên hồi. Mưa dăng dăng bốn phía, khắp chung quanh đầy ứ hơi tanh.
Người chủ trì béo bắt đầu cất giọng sang sảng:
- Nhất bái thiên địa...
Tát Nhĩ Hạnh ôm cô dâu cúi mình.
- Nhị bái cao đường...
Tát Nhĩ Hạnh cúi mình, tay vẫn ôm cô dâu.
- Phu thê giao bái...
Chú rể cúi mình lần cuối, người con gái vẫn nằm trong tay anh.
- Cùng lên thiên đường...
Một tia sét bất chợt lóe lên giữa trời kèm theo tiếng sấm ì ùng. Ánh chớp soi tỏ chữ "hỉ" dán trên cửa sổ quán rượu. Một chữ hỉ màu trắng.
2
Cánh cổng khu biệt thự Ngọc Mễ tựa một lằn ranh nằm chắn giữa hai thế giới. Phía trong cổng là ánh sáng lấp loáng, yên bình của đèn neon. Còn ngoài cổng là cánh đồng mịt mùng giữa mông lung vô tận. Đặt chân qua cổng, Phục Thực như vừa rời khỏi thế giới của ánh sáng để bước vào cõi riêng của đêm tối.
Anh chờ mãi một lúc lâu mới thấy có chiếc taxi xuất hiện. Tài xế là một cô gái còn khá trẻ, thấy khách đòi tới thôn Huyền Quái, cô ta chê xa rồi đạp ga chạy thẳng. Ngay sau ấy lại có tiếng động cơ khác vang tới "brừm brừm" mỗi lúc một gần. Một trong hai chiếc đèn trước của nó đã hỏng, chiếc còn lại chiếu xuyên ngang màn đêm. Xe đỗ xịch ngay trước mặt Phục Thực, một cái đầu nhem nhuốc thò ra:
- Taxi không anh ơi?
- Thôn Huyền Quái, đi được không? - Phục Thực hỏi.
- Thôn Huyền Quái ư? Muộn thế này rồi... - Tài xế nói.
- Tôi trả gấp đôi. - Phục Thực đáp.
Đắn đo một hồi, người tài xế trả lời:
- Lên xe!
Chiếc xe nom thật kỳ dị, Phục Thực vừa quan sát nó vừa chui vào bên trong:
- Xe này là xe gì vậy?
Tài xế lắc lắc cái đầu và nói:
- Xe này vốn là xe kéo, tôi độ thêm cái vỏ jeep thôi mà.
- Thế ta nên gọi nó là xe kéo hay xe jeep? - Phục Thực hỏi.
- Ô hay! Dĩ nhiên là xe jeep rồi! Giả sử có một con người mang nội tạng của sói bên trong, anh vẫn sẽ gọi đó là người chứ không phải sói, đúng chứ? - Tài xế quả quyết.
Phục Thực nhìn thẳng vào mắt tài xế vài giây rồi đáp:
- Có lý đấy!
Tài xế cười đắc chí và đạp chân ga, chiếc xe jeep liền xình xịch nổ máy.
Vầng trăng khuyết cong cong treo trên bầu trời dường như càng đỏ thậm, tựa hồ một con mắt độc nhãn. Cõi nhân gian mênh mông là thế nhưng nó chẳng nhìn ai, chỉ dõi theo mỗi chiếc xe màu đen đang bon bon chạy trên đường.
Chiếc xe đen đi men theo đường vành đai số năm thành phố Tây Kinh nhằm hướng tây thẳng tiến. Nó băng qua không biết bao nhiêu dãy nhà nối tiếp nhau thành một dải miên man. Ánh đèn điện mỗi lúc một thưa, còn cây cối mỗi lúc một dày, cây cối ấy chính là tóc của thế giới này.
Chợt có một vật gì đó xù lông bỗng lao ra từ vệ đường tối mò, nó cúi mặt xuống, chân tập tễnh chạy ra trước xe.
- Cái gì thế? - Phục Thực hỏi.
Tài xế nheo mắt nhìn cho rõ vật lạ trước mặt.
- Sói à? - Phục Thực hỏi.
- Vùng này lấy đâu ra sói! Chắc chó hoang thôi.
Nói rồi tài xế ra sức bấm còi: "Bim! Bim! Bim!" Con vật liền nhảy phắt vào lùm cây dưới vệ đường và biến mất dạng. Suốt từ lúc xuất hiện cho đến khi biến mất, nó chưa hề ngẩng mặt lên lần nào.
- Anh thấy không? Mõm nó gặm một mẩu xương, hình như vẫn còn nhỏ máu. - Phục Thực nói.
- Gần đây có nghĩa địa mà!
- Anh có vẻ khá quen vùng này?
- Cô sáu nhà tôi sống ở thôn Huyền Quái.
- Ồ.
- Anh chưa đến đấy bao giờ à?
- Chưa.
- Hẻo lánh lắm!
- Nhưng tôi thích cái tên đấy.
- Thật ra ngày trước người ta không gọi là thôn Huyền Quái đâu.
- Thế gọi là gì?
- Gọi là Huyền Quải. "Huyền" là cheo leo, "quải" là treo lên ấy! - Tài xế vừa nói vừa chỉ vào bức tượng Phật Như Lai treo lúc lắc trước cửa xe - Nghe khó hiểu quá hả?
- Không! Rất rõ ràng!
- Năm 1982, người ta đã đổi tên thôn này trong lần đổi tên đầu tiên của cả nước.
- Tại sao lại tên là thôn Huyền Quải?
- Cái đấy tôi cũng chịu.
Xe chạy được non nửa tiếng đồng hộ, thì tài xế chỉ ra ngoài và bảo:
- Đến nơi rồi đây.
Phục Thực khom người nhìn ra bên ngoài. Cách đường cái chừng cây số có một ngôi làng toàn những căn nhà đất hai tầng thấp lè tè, lập lòe ánh đèn cô tịch.
- Anh xuống chỗ nào?
- Xuống đây luôn đi!
Phục Thực trả tiền, trước lúc xuống còn tranh thủ liếc nhìn bức tượng Phật treo trước cửa sổ.
Chiếc xe đen xem chừng rất gấp gáp, Phục Thực vừa mới đặt chân xuống đất, chưa kịp đứng vững thì nó đã rùng mình một cái rất ra vẻ ta đây xe jeep rồi lịch xịch lê đi mất.
Tiếng động cơ xe mỗi lúc một nhỏ dần, bốn xung quanh lặng ngắt như tờ. Phục Thực lấy điện thoại ra và gọi vào số của Mục Phân Mục Phân.
- Em đang ở đâu?
- Anh đang ở đâu?
Phục Thực ngó nghiêng xung quanh, thấy bên đường có một am ni cô với bờ tường gạch xanh cao cao, cỏ khô um tùm giăng tứ phía, nom điêu tàn, ma mị và kỳ quái.
- Anh đang ở am ni cô.
- Anh vòng qua am ni cô, đằng sau chính là thôn Huyền Quái, em đón anh giữa đường nhé!
- Sao em lại tới đây?
- Tới chơi!
- Em mặc quần áo màu gì?
- Quần bò xanh và áo phông đỏ. Mà cần gì phải biết nhỉ, ở đây chỉ có hai ta, không nhầm được đâu!
- Cũng phải!
Trời tối như đêm ba mươi, Phục Thực dè chừng bước xuống lòng đường, quả nhiên anh thấy một dải đường đất trơ trụi trải ra trước mắt bèn chậm rãi men theo.
Chó trong làng bỗng sủa rộ lên, tiếng trầm tiếng bổng chen nhau lẫn lộn. Chẳng hiểu hai con chó đang dương oai hay cùng phát hiện ra điều gì đó bất thường mà sủa lên cảnh báo. Chúng cứ ra sức sủa thật hăng.
Dải đường đất vắng tanh không một bóng người. Phục Thực bước, bước mãi, đột nhiên hai chân bỗng díu lại khiến anh suýt nữa ngã nhào. Anh quỳ xuống quờ quạng, thì ra chỉ là một miếng gạch. Tiếp đó, có một mùi gì đó thoang thoảng chạm vào mũi khiến đôi mắt anh chợt trở nên cảnh giác.
...
Về sau, anh kể lại với Mễ Gia thế này:
Lúc ấy chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào anh lại sực nhớ đến một thứ không nên nhớ, đó là bức tượng Phật treo trong chiếc xe jeep "kéo", nói chính xác hơn là bị sợi dây buộc ngang cổ rồi vắt lên lủng lẳng.
Anh đứng phắt dậy, từ từ quay lưng lại và quan sát bốn xung quanh. Một cây du cổ kính đứng cô liêu ven đường, trên cây có một vật lạ đen thù lù đang đung đưa khe khẽ.
Anh tiến lại gần hơn và rồi chết đứng khi trông rõ đó là một cô gái. Cô mặc cái áo phông đỏ cùng chiếc quần bò xanh, khuôn mặt nát bươm, máu trộn lẫn thịt không còn hình hài của khuôn mặt theo đúng nghĩa. Anh thất thần trong giây lát rồi lập cập rút điện thoại, nháy vào số của Mục Phần Mục Phân.
Chiếc điện thoại trong túi áo cô gái đổ chuông lanh lảnh.
Mười giờ tối nay, khách khứa được mời lục tục đội mưa vượt gió tới quán rượu dự lễ thành hôn...
Mười giờ tối qua, tiếng chuông điện thoại của chàng trai vang lên, đó là cuộc gọi của cô gái quen qua mạng gửi tới lời mời gặp gỡ...
Mười giờ mười lăm phút tối nay, xe cưới vén mưa đưa cô dâu và chú rể tới quán rượu...
Mười giờ mười lăm phút tối qua, người con trai ấy đang tới ngoại ô phía tây trên chiếc xe jeep kéo.
Mười giờ bốn lăm phút tối nay, người chủ trì giới thiệu cô dâu đã đến...
Mười giờ bốn lăm phút tối qua, người con trai ấy đặt chân xuống đoạn đường đất cạnh am ni cô, tìm người tình ảo chưa từng gặp mặt...
Mười giờ năm mươi tối nay, chú rể ôm cô dâu bái trời lạy đất...
Mười giờ năm mươi tối qua, người con trai ấy trông thấy cảnh tượng một cô gái bị treo lủng lẳng trên cao tít ngọn cây...
Hôm nay...
Hôm qua...
Hôm nay là hôn lễ.
Hôm qua là ái tình.
Từ hôm qua cho đến hôm nay...
Bộ áo cưới bao bọc trọn lấy toàn thân cô dâu, chỉ để lộ ra phần cổ trắng toát, bên trên đeo sợi dây chuyền mặt cây thập giá đen. Tiếng sấm bất chợt nổ đùng đoàng khiến chú rể giật mình, làm cây thập giá rớt xuống đong đưa giữa khoảng không...
Người con trai ấy dùng ánh sáng hắt ra từ màn hình điện thoại di động chiếu chậm rãi từ dưới lên trên thi thể đang treo lơ lửng... Trên cổ người con gái xấu số có đeo một mặt dây thập giá đen, khẽ đưa đẩy nhè nhẹ trong gió...
Chương ba
CUỘC GẶP GỠ BÍ HIỂM
Tôi là tác giả. Tôi đang ghi chép lại một câu chuyện.
Phần trước và phần sau câu chuyện của tôi đều hiện lên hình ảnh một bức tượng Phật bị buộc dây thừng vào cổ và treo lủng lẳng giữa không trung.
Tôi chọn kiểu gõ chữ Hán ABC thông minh. Hai ký tự "fo" đáng nhẽ chỉ cho ra một chữ Hán duy nhất: chữ "Phật", nhưng tôi gõ mấy lần mà đều ra chữ "phụ" trong từ "phụ nữ".
Cây du già lẻ loi bên đường đó không biết đã chết khô từ bao giờ, bản thân nó đã là một cái xác.
Các cụ già trong thôn Huyền Quái vẫn còn nhớ, ba mươi năm trước, có một cô gái tuổi chừng mười tám, vì bị cha mẹ cấm cản chuyện hôn nhân, không cho cô gặp gỡ người con trai mà cô yêu nên đã treo cổ lên cây tự vẫn. Khi ấy, cây du đang độ xuân thì, mái đầu xanh mướt
Khi chết, cô gái mặc bộ quần áo màu trắng.
Suốt bao năm qua, người ta vẫn rỉ tai nhau: trong những đêm khuya thăm thẳm, có một người con gái mặc bộ quần áo trắng, lững thững đi vòng quanh cây dụ già cô độc, từng vòng, từng vòng, như thể đang cố kiếm tìm linh hồn của mình.
Giờ đây người đàn ông mà cô yêu đã ngoại ngũ tuần, đã có cháu ẵm bồng và vẫn sống ở thôn Huyền Quái.
Tử thi đeo sợi dây chuyền hình chữ thập màu đen treo lơ lửng trên cây suốt một đêm dài.
Khuôn mặt nát bươm, chiếc áo phông đỏ rách tả tơi, nửa thân trên lõa lồ, hai bầu vú bị ăn mất, dầm dề máu. Cái đầu rũ xuống, lưỡi thè dài, hình như cái xác đang muốn liếm vết thương trên người nó.
Sớm hôm sau, một người đàn ông trung tuổi bị thọt chân tập tễnh đạp xe lên thành phố. Ông có việc cần gặp người chị họ. Lúc đi qua cây du già, thấy cái xác đung đưa trên cây, ông ta ngã bổ nhào xuống đất, bỏ cả xe đạp, ba chân bốn cẳng chạy về nhà...
Người trong thôn hay tin, lũ lượt kéo tới chỗ cây du hóng chuyện như một bầy ong.
Người đàn ông thọt không quay lại nữa.
Chiếc xe đạp nằm chỏng chơ trên đường, cách tử thi chừng mấy chục mét, bánh xe vẫn xoay tròn trong gió.
Chẳng bao lâu sau, cảnh sát hình sự đã có mặt tại hiện trường.
Họ giải tán đám đông, căng dây phân cách, tìm kiếm, đo đạc và chụp ảnh.
Tiết trời tháng ba, mầm xanh hãy còn ủ mình trong đất, mặt đất chỉ là một khoảng không buồn tẻ khiến sợi dây phân cách màu vàng phất phơ trong gió bỗng trở nên tươi tắn lạ thường.
Đám đông không ra về mà đứng túm năm tụm ba bên ngoài khu vực bị phong tỏa, xem sự thể từ đằng xa.
Một phóng viên muốn len vào hiện trường, nhưng bị cảnh sát ngăn lại.
Nửa tiếng sau, tử thi bị đưa đi.
Hai con quạ, một to một nhỏ, kêu quang quác nghe đến nhức óc, chúng lượn vòng mãi phía trên cây du nhưng không hề đậu xuống.
Hiện trường đã bị phá hoại, cảnh sát không tìm thấy manh mối nào.
Tuy vậy, họ tìm được một chiếc thẻ sinh viên trong túi của nạn nhân. Nhờ vậy, người ta biết được lai lịch của kẻ vong mạng: Cố Phán Phán, sinh viên trường Đại học Tây Kinh.
Trong chiếc túi khác của nạn nhân có một chiếc điện thoại di động Nokia màu đỏ. Có hai cuộc gọi cho cùng một người vào ngày nạn nhân bị giết.
Cảnh sát mau chóng tìm ra kẻ kết nối điện thoại với người bị hại. Anh ta tên Phục Thực, trợ lý Tổng giám đốc của hãng điện ảnh Kim Tượng.
Tối hôm đó, cảnh sát triệu tập Phục Thực.
Đó là một căn phòng rất đỗi tầm thường. Nó khác với những căn phòng khác bởi mùi sắt hoen gỉ nồng nồng.
Cảnh tượng giống hệt như cảnh trong các bộ phim truyền hình, một nam cảnh sát hình sự thẩm vấn, một nữ cảnh sát hình sự ghi chép lại.
Phục Thực ngoan ngoãn ngồi trên chiếc ghế băng dài kê giữa phòng, ánh mắt chiếu thẳng vào nam cảnh sát. Phục Thực lần lượt trả lời từng câu hỏi dồn của cảnh sát với vẻ mặt vô cảm.
- Anh và nạn nhân quen nhau như thế nào?
- Qua mạng.
- Hai người đã quen nhau bao lâu?
- Hơn hai tháng.
- Đã gặp nhau lần nào chưa?
- Hôm qua là lần đầu tiên.
- Hai người vẫn liên lạc qua điện thoại?
- Hôm qua là lần đầu tiên.
- Trong lúc nói chuyện trên mạng với nhau, nạn nhân có kể với anh về bất cứ kẻ thù nào không?
- Chúng tôi chỉ nói chuyện yêu đương.
- Anh có cảm nhận điều gì bất thường khi nói chuyện qua điện thoại với nạn nhân không?
- Không.
- Lúc thấy nạn nhân đã tử vong, tại sao anh không báo án?
- Phiền phức lắm!
Dù thẩm vấn thế nào, câu trả lời của Phục Thực vẫn ngàn lần như một.
Viên cảnh sát nam ngưng một hồi rồi hỏi tiếp:
- Anh không trung thực.
- Tôi rất trung thực.
- Anh rất không trung thực.
- Anh muốn nói sao thì chuyện thành vậy.
- Tôi thấy anh là người thông minh, anh thử nghĩ xem, toàn thân đã rơi xuống giếng rồi thì hai tai còn ở lại được nữa không? Anh nên khai thẳng thắn để đêm nay mọi người không phải nhọc công thức trắng.
- Những gì cần khai tôi đã khai hết rồi.
- Thế còn những gì không cần khai?
- Không có điều không cần khai, chỉ có điều... không nên hỏi thôi.
- Anh cứ hỏi.
- Các anh đã khám nghiệm tử thi chưa?
- Anh hỏi điều đó để làm gì?
- Tôi muốn biết thời gian cô ấy bị chết.
- Chúng tôi không thể nói điều đó với anh được. Anh còn gì muốn hỏi nữa không?
- Không!
Viên nam cảnh sát vươn mình vẻ mệt mỏi:
- Thôi được rồi, hôm nay chúng ta làm việc tới đây thôi. Mời anh đọc lại bản ghi chép, nếu không có vấn đề gì thì điểm chỉ vào.
Phục Thực điểm chỉ xong lại nhìn chòng chọc vào mắt viên cảnh sát nam. Chừng như anh ta đang chờ đợi một câu kết bởi nó quyết định việc đêm nay anh có thể trở về Ngọc Mễ hay không.
Viên cảnh sát mở ngăn kéo và lấy ra một chùm chìa khóa lớn. Tiếng chìa khóa va vào nhau xủng xoảng.
Phục Thực hỏi một cách đề phòng:
- Tôi có thể đi được chưa?
Viên cảnh sát nữ đáp lời:
- Anh chưa đi được! - Giọng nói cô ta ồm hơn cả giọng nói của người đồng nghiệp nam.
Tới tận khi bị đưa vào phòng tạm giam, Phục Thực vẫn không hé thêm lời nào.
Phòng tạm giam nằm tận cùng dãy hành lang, không có đèn.
Bước vào phòng giam, bàn chân Phục Thực đạp phải thứ gì đó nghe lạo xạo, có lẽ là một mảnh kính vỡ. Mùi gỉ sắt ở đây còn nồng hơn cả căn phòng ban nãy.
Cạch! Viên cảnh sát nam khóa cửa xong bèn cùng người đồng nghiệp nữ rời đi.
Lúc này đã qua giờ tan tầm, hành lang trở nên vô cùng tĩnh mịch. Đi được dăm bước, nữ cảnh sát dừng lại, ngoảnh đầu nhìn hàng lan can sắt của phòng tạm giam. Bên trong tối như hũ nút.
Vị nam cảnh sát cũng dừng bước theo, cất tiếng hỏi:
- Cô nhìn gì vậy?
- À, không có gì...
Rồi hai người lại tiếp tục đi về phía cửa cầu thang.
- Theo cô gã này có phải hung thủ không? - Nam cảnh sát hỏi nhỏ.
- 50 - 50.
- Nói thế cũng bằng không.
- Kinh nghiệm mách bảo tôi rằng nếu ta cảm nhận thấy khả năng gây án của đối tượng chỉ ở mức bốn mươi phần trăm hoặc sáu mươi phần trăm thì thông thường đó không phải hung thủ. Nhưng nếu ta cảm nhận khả năng gây án của y là năm mươi phần trăm thì đó có thể là hung thủ thực sự hoặc cũng có thể thuộc diện vô tội. Một khi cảnh sát chúng ta phải phân vân hai đằng, không biết phán đoán ra sao thì thường thường kẻ đó chính là hung thủ.
- Tôi không hiểu.
- Điều này huyền diệu lắm. Anh cứ coi như đó là trực giác của phụ nữ chúng tôi.
Khi đến cửa cầu thang, viên cảnh sát nam đột ngột dừng lại lần nữa.
Người đồng nghiệp nữ hỏi:
- Sao không đi tiếp?
- Rốt cuộc ban nãy cô trông thấy thứ gì? - Viên cảnh sát nam hạ giọng hỏi.
- Hình như tôi thấy hai luồng ánh sáng xanh lục từ phòng tạm giam. - Nữ cảnh sát ngần ngại cười trừ.
- Không thể nào!
- Cũng có thể do tôi hoa mắt.
- Chắc chắn là vậy!
Nói rồi, hai người tiếp tục bước xuống cầu thang, vừa đi vừa thảo luận về vụ án mạng.
Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân tử vong vào khoảng tám giờ tối qua. Nhưng Phục Thực nhận cuộc gọi đến của nạn nhân lúc mười giờ đêm. Khoảng chênh lệch này này là một câu đố lớn.
Giả dụ cuộc gọi đó đúng là do nạn nhân gọi thì vụ án này quả có chút ma quái.
Giữa đêm đen tịch mịch, một thi thể treo lủng lẳng trên cây, chầm chậm xoay tròn trên không theo chiều gió, bốn bề hiu quạnh vắng tanh, không một bóng người, cỗ thi thể ấy từ từ rút chiếc điện thoại di động, nhấn từng phím, từng phím một, gọi số Phục Thực rồi đưa lên tai và nói giọng dịu dàng: "Anh có muốn gặp em không?..."
Giả dụ người nhấn phím gọi không phải là kẻ bị hại thì vụ án này càng thêm phần phức tạp.
Theo điều tra của cảnh sát, không ai hay biết mối quan hệ giữa Cố Phán Phán và Phục Thực, chỉ biết nạn nhân có một người bạn trai tên Tát Nhĩ Hạnh và hai người khá thân thiết với nhau. Điều đó chứng tỏ, mối tình qua mạng vừa chớm nở hai tháng của Cố Phán Phán và Phục Thực là một chuyện tình vô cùng bí mật. Nếu vậy, kẻ nào lại hiểu rõ mối quan hệ giữa hai người đến thế? Thêm vào đó, chiếc điện thoại di động Nokia màu đỏ chỉ có dấu vân tay của Cố Phán Phán, chi tiết này làm loại trừ khả năng Phục Thực tự gọi điện thoại cho mình.
Tới chân cầu thang, viên cảnh sát nam bước lên ô tô trước, anh vừa khởi động xe vừa quay đầu lại nhìn. Nữ cảnh sát đứng im trước cửa, không bước lên xe.
Nam cảnh sát móc ngoắc tay gọi:
- Lên đi chứ!
Nữ cảnh sát đột nhiên nói:
- Có lẽ ta nên quay lại đó xem sao.
- Xem gì mới được? - Nam cảnh sát thắc mắc.
- Phòng tạm giam. - Nữ cảnh sát ngập ngừng đáp.
- Ok! - Nam cảnh sát rút chìa khóa, nhảy khỏi xe va đáp.
Nói rồi cả hai quay lại tòa nhà một lần nữa.
Bước chân nữ cảnh sát ngừng lại ngay khi hai người vừa tiến tới đầu cầu thang. Viên cảnh sát nam ra hiệu cho cô bằng mắt rồi một mình bước vào phòng tạm giam, bước chân đưa nhè nhẹ. Nữ cảnh sát nín thở và chăm chú dõi theo người bạn đồng nghiệp.
Trước khi tới phòng tạm giam, nam cảnh sát bám vào lan can cầu thang và ngó đầu vào bên trong quan sát.
Bên trong tối mò mò, chẳng rõ Phục Thực đang nép ở góc nào, cũng chẳng hay anh ta đang quỳ, đang ngồi hay đang đứng. Viên cảnh sát nam rảo bước quay lại và nói:
- Không có gì đâu. Đi thôi!
- Ừm... - Nữ cảnh sát đáp.
Một dòng tít nhỏ xíu về vụ án mạng tại thôn Huyền Quái được đăng trên báo Buổi Trưa.
Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng. Cộng đồng mạng bàn tán sôi nổi.
Tại sao cô gái này lại đến thôn Huyền Quái?
Kẻ nào đã giết hại cô?
Tại sao hai bầu vú của cô bị ăn mất?
Không có lời giải nào cho những câu hỏi ấy.
Nhiều người có chung ý kiến rằng, vụ án này là một vụ giết người vì tình, kẻ giết người là một gã sát nhân cuồng loạn, gã đã nuốt từng miếng thịt trên bầu vú nạn nhân.
Nếu thế, người ta chỉ còn mỗi một việc: bắt hung thủ về quy án.
Liệu sự tình có đơn giản như thế không?
Tại sao con chuột máy tính trong ngôi biệt thự số mười chín lại vô duyên vô cớ rơi xuống hai lần?
Tại sao bức tượng Phật trong chiếc xe màu đen lại bị buộc dây thừng vào cổ và treo lủng lẳng giữa không trung? Đạo Phật có người tín kẻ không. Đã là tín đồ nhà Phật thì hiển nhiên không bao giờ làm điều đó. Kẻ không tin có thể không thờ phụng nhưng cũng chẳng ai lại cố ý mạo phạm thần linh. Như thế cũng có nghĩa, gã tài xế đầu to kia hoàn toàn không làm cái việc xúc xiểm nhà Phật, nhưng tại sao trong mắt của Phục Thực lại hiện ra cảnh tượng tội lỗi ấy?
Tất cả những điều đó, cảnh sát không hiểu, tôi không hiểu, bạn không hiểu, mọi người không ai hiểu.
Chúng dở dang với những dấu chấm hỏi.
Chương bốn
NHÀ CỦA AI
Một lữ khách bị lạc đường giữa đồng không mông quạnh, bốn xung quanh tăm tối mịt mùng.
Cuối cùng anh ta cũng gặp được một gia đình, chủ nhà là một ông già thông tỏ sự đời, không chỉ có lòng giữ khách ở lại qua đêm mà còn mời anh ta cùng thưởng thức trà.
Trong vườn nãy giờ cứ loáng thoáng tiếng cãi cọ của ai đó. Hai người đàn bà, một đã đứng tuổi, một còn trẻ măng kéo nhau bước vào.
Người đàn bà trẻ nói với ông già:
- Rõ ràng tôi là vợ cả, thế mà bà ta cứ đòi ở phòng trên rồi đẩy tôi xuống phòng dưới! Sống thế thì ai mà sống được!
Người đàn bà đứng tuổi không chịu lép vế:
- Tuy chỉ là vợ thứ, nhưng tôi đã sinh con đẻ cái cho ông!
Ông già xua tay và nói:
- Hai người đi ra đi, lát nữa tôi giải quyết.
Hai người đàn bà bèn lui ra ngoài.
Ông lão xin lỗi người khách:
- Thật ngại quá! - Nói rồi ông cũng bỏ ra ngoài.
Người khách cảm thấy thật kỳ quặc: tại sao người đàn bà trẻ lại là vợ cả còn người đứng tuổi lại làm thân lẽ?
Anh ta lẳng lặng đi theo, thấy ông già đang giương cao cây xèng lúi húi đào đất. Rất mau mắn, ông bới ra được hai hộp tro. Sau khi đổi chỗ hai hộp tro với nhau, ông lại lấp vào như cũ và thì thầm:
- Lần này thì hết cãi cọ rồi nhé!
Người lữ khách bỏ chạy biệt tích.
Người đàn ông thọt nọ vốn rất nhát vía. Sau cơn kinh hoàng lần trước nay đã không còn dám bước chân khỏi cửa. Cảnh sát hình sự phải đến gõ cửa tận nhà những hai lần mới lấy xong lời khai.
Mười hai ngày sau, tinh thần ông có vẻ tỉnh táo hơn ít nhiều, ông lại đạp xe lên thành phố tìm gặp chị họ để giải quvết nốt việc đang dang dở. Chiếc xe cũ vốn đã bị ai đó lấy mất, giờ ông lại mua một chiếc mới.
Ông ta tìm chị họ làm gì? Đầu đuôi cơ sự ngắn gọn là thế này: anh con cả của ông bị đứa thứ tư nhà trưởng thôn đánh cho què quặt đến nỗi phải đi tập tễnh chẳng khác chi ông bây giờ, ấy vậy mà không được giải quyết như ý. Mấy hôm trước ông vừa kiện trưởng thôn lên tòa. Chị họ ông vốn là phó bí thư một đoàn thể nào đó trên Tây Kinh, ông phải cầu cứu chị cho hả nỗi uất này.
Ông ra khỏi nhà vào hơn mười một giờ lúc ban trưa, khi đi ngang qua gốc du già nua, chốc chốc ông lại thấp thỏm ngước mắt nhìn.
Dưới đồng có dăm ba người nông dân đang làm ruộng, người ta đã bắt đầu gieo hạt vào vụ như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra. Có đứa bé gái trạc bốn, năm tuổi của gia đình nào đó mặc áo hoa tươi rói đang lúi húi đào giun nơi bờ ruộng...
Một sinh mệnh xanh tươi mới khi nào vẫn còn đang hân hoan nhảy múa bỗng chốc kết thúc câm lặng ngay tại nơi đây, chẳng khác nào một màn pháo hoa giữa trời đêm đã đến hồi tàn úa. Nhưng rồi ngay sau đó, một đợt pháo hoa khác lung linh hơn, rực rỡ hơn lại nhanh chóng tỏa bùng khiến người ta lại vội vàng thưởng ngoạn kẻo bỏ lỡ.
Người đàn ông thọt định quay về thôn trước khi trời tối, nhưng nửa đường, lốp xe không may cán phải đinh nên ông đành xuống xe dắt bộ.
Mãi mới gặp được một quán sửa xe đạp, nhưng đàn ông trong quán đã ra ngoài cửa hàng mua keo dính săm, chỉ còn có đàn bà ở lại. Đàn bà chỉ biết vá áo cho đàn ông, thế nên đàn ông mới biết vá săm xe.
Ông ta đành nhẫn nại ngồi chờ trước cửa.
Thật ra người đàn ông sửa xe kia đã đến cửa hàng bán keo dính săm từ lâu, nhưng cửa hàng ấy lại chỉ còn đàn ông, đàn bà đã đi đâu mất. Mà đàn bà mới là chủ quán, đàn ông chỉ là người nhà, anh ta làm việc tại công xưởng, hôm đó được nghỉ vì là chủ nhật. Anh ta chỉ biết cái nhẫn cưới trên ngón tay vợ đáng bao nhiêu tiền chứ chẳng rõ keo dính săm bán bao nhiêu đồng. Người đàn bà của anh vừa sang nhà mẹ đẻ đón cháu...
Nhìn mặt trời mỗi lúc một khuất dần về phía tây, lòng lão thọt nóng ran như lửa đốt, đương toan bỏ đi thì người đàn ông sửa xe bất chợt quay về.
Chiếc xe được vá săm rồi bơm hơi, người đàn ông thọt vội vã phóng xe như ngựa vía về phía thôn Huyền Quái.
Ông ta đi mãi không dừng giống như câu chuyện trong cuốn sách này cứ tiếp diễn liên hồi. Bóng chiều lại mặc sức bủa vây khắp vòm trời không gì cản nổi.
Màu trời ngả xám tới đâu thì cõi lòng ông thêm mông lung tới đó. Khi gần tới am ni cô, bắp chân ông thình lình khẽ co giật. Xuống tới đường cái, ông đạp chậm lại một chút. Bốn phía nhập nhoạng không ánh đèn, đường đất gồ ghề nhấp nhô, mấy lần ông suýt ngã vì chỉ chăm chăm hướng mắt về phía cây du cổ kính đang in bóng đen kịt giữa nền trời phía xa.
Lúc ấy, gió bỗng chốc gợn lên, bụi đường nháo nhác bốn xung quanh.
Khi chỉ còn cách gốc du già một đoạn, ông đột nhiên trông thấy một vật lông lá rậm rì xuất hiện ven đường, lạnh lẽo giương mắt nhìn mình trong bóng tối.
Chó ư?
Hay là sói?
Trời tối quá, ông không phân biệt nổi.
Ông bắt đầu phân vân không biết nên gồng sức đạp thật mau qua con vật hay vòng quách xe lại phía sau mà chạy. Ông thầm mong đây chỉ là chó nhà ai trong thôn nuôi, mà nhà đó lại quen ông thì càng tốt... Nhưng chó nhà ai mà lại ngồi đây vào cái giờ này?
Có lẽ, nó không phải chó, cũng không phải sói, mà là một con người với bộ lông rậm rì... Càng nghĩ vậy trong đầu, mắt ông càng lờ mờ thấy mặt nó hao hao giống mặt người.
Ông ghì chặt hai bàn tay tươm tướp mồ hôi vào ghi đông nhưng vẫn làm ra vẻ rất điềm tĩnh, thậm chí còn ngâm nga một đoạn Kinh kịch.
Con vật lạ từ từ quay đầu theo chuyển động của ông. Càng lúc ông càng tiến đến gần nó.
Đột nhiên, bánh xe trước vấp phải một hòn gạch khiến ông loạng quạng tay lái rồi ngã bịch xuống ngay trước thứ lông lá đó.
Một âm thanh quái dị phát ra từ khuôn mặt lông rậm rì ấy. Người đàn ông tập tễnh nào dám nhìn vào nó, ông lập cập bò dậy toan bỏ chạy!...
Về sau khi hồi tưởng lại sự viêc, người đàn ông thọt chỉ nhớ mình đã nghe thấy một giọng nói rất giống của nữ giới âm ỉ phát ra từ cổ họng nó: "Vá... xe... đi..." Trước mặt lại còn là cây du già từng treo một tử thi, ông suýt nữa thì sợ mất mật!
May sao lúc đó có người trông thấy ông, hình như là hai người đang chuyện trò gì đó dưới cây đại thụ. Chắc là thanh niên trong thôn lẻn ra đây tự tình. Người đàn ông khi ấy mới định thần lại và bước đi thong thả hơn.
Ngoảnh đầu lại nhìn, thứ lông lá đó không hề đuổi theo ông mà cũng đã biến mất tự khi nào.
Người đàn ông thọt len lén nhìn ngóng một hồi rồi sải bước quay về dựng lại chiếc xe đạp, vừa leo lên xe vừa ngoái đầu nhìn, cứ lên được bên này thì lại ngã xuống bên kia... Cuối cùng, ông quyết định dong xe chạy.
Ông toan mau chóng chạy vượt qua cây du già âm u nhân lúc hai người kia vẫn còn ở đó. Khi chỉ còn cách độ chừng mươi mét, một trong hai người kia chợt ngước lên và chạy về phía ông. Dưới ánh trăng tờ mờ, ông nhìn thấy đó là một cô gái ăn vận giản đơn, mặt mũi trông rất lạ, không giống người trong thôn Huyền Quái chút nào.
- Bác ơi, phiền bác giúp cháu một chút!
- Có chuyện gì thế hả cô?
- Bác ra đây phân xử giúp cháu!
Nói rồi cô kéo lấy ghi đông xe của ông, mặt hầm hầm bước về phía người còn lại.
Bấy giờ người đàn ông tập tễnh mới trông rõ, hóa ra người thứ hai cũng là nữ. Cô đứng dựa vào cây du già, lặng lẽ như đang trông ngóng người trong mộng.
Xem ra hai cô gái hoàn toàn không hề hay biết những chuyện từng xảy ra tại gốc cây này. Người đàn ông tập tễnh quyết định không nói ra nếu không cả hai sẽ chết ngất vì khiếp đảm. Ông tự nhủ nên đưa hai cô gái rời khỏi đây trước rồi có chuyện gì cứ về thôn hẵng hay. Đến chỗ cây du già, ông nói:
- Hai cô theo tôi đi khỏi đây đã.
Cô gái thứ nhất lên tiếng:
- Không! Hôm nay cháu phải nói cho ra nhẽ với chị ta ngay tại đây!
Cô gái còn lại gắt lên:
- Cô còn muốn nói cái gì!
Người đàn ông tập tễnh nghĩ một hồi rồi hỏi:
- Hai cô là người ở đâu?
Cô gái đầu tiên đáp:
- Chúng cháu là người ở đây... À không, có cháu thôi, còn chị ta thì không!
Cô gái còn lại gằn giọng:
- Cô nói láo! Tôi mới là người ở đây chứ không phải cô!
Người đàn ông tập tễnh thoạt nhiên cảm thấy có điều gì đó khác thường, ông nheo mắt nhìn kỹ hai cô gái lạ vô cớ xuất hiện dưới cây du già từ đầu đến chân rồi khẽ hỏi:
- ... Ở đây là ở đâu?
Cô gái thứ nhất chỉ vào cây du già nói dõng dạc:
- Là ở đây chứ đâu!
Ông già giật điếng người như có tiếng sấm nổ đùng trong óc. Cô gái ghì khư khư vào ghi đông xe đạp của ông suốt nãy giờ mặc một áo phông đỏ cùng quân bò xanh. Cô gái còn lại thì mặc nguyên một bộ trắng!
Não ông bỗng dưng trống hoác, dù muốn chạy cũng không nhấc nổi chân lên được nữa.
Cô gái áo phông đỏ vẫn chưa dứt lời:
- Cái nhà này vốn dĩ là của cháu, cháu đến đây ở được mười mấy ngày rồi. Chẳng hiểu chị này ở đâu ra, cứ khăng khăng nhận nhà này của mình từ hơn ba mươi năm trước...
Nói rồi, cô gái đột ngột buông tay khỏi chiếc ghi đông và túm chặt tay người đàn ông:
- Cái hôm cháu dọn vào đây bác cũng chứng kiến mà, đúng không? Bác nói gì đi chứ?
Ông cuống cuồng giằng tay khỏi cô gái, vừa gào thét vừa cắm đầu chạy một mạch về phía thôn.
Chương năm
THẦN TƯỢNG VÀ NGƯỜI HÂM MỘ
Một cô gái xấu xí gõ cửa nhà tôi những ba lần, cười tủm tỉm chào bán sản phẩm mới gì đó.
Tôi phát cáu và cảnh cáo:
- Cô mà còn đến nữa là tôi không khách sáo nữa đâu!
Vài phút sau lại có tiếng ai gõ cửa.
Qua mắt thần, tôi trông thấy một cô gái xinh đẹp mĩ miều, bèn mở cửa chào hỏi lịch sự:
- Xin chào, cô tìm ai?
- Vẫn là em nè! - Cô gái trả lời, vừa nói vừa lột lớp da mặt xuống, lộ ra khuôn mặt xấu xí ban nãy - Em muốn giới thiệu với anh loại mặt nạ mới nhất...
Trong xã hội hiện đại, con người ta càng ngày càng đi ngủ muộn. Ban ngày đã dành hết cho công sở, ban đêm mới sống cho riêng mình.
Nhiều đài truyền hình vẫn duy trì lối phát sóng cũ, hễ đến nửa đêm chỉ chiếu lấy lệ mấy bộ phim dài tập nhạt như nước ốc cùng mấy tràng quảng cáo trị liệu tạp nham cho hết đêm.
Nắm rõ được đặc điểm ấy, vào nửa năm trước, công ty điện ảnh Kim Tượng mà Phục Thực làm việc đã sản xuất ra chương trình truyền hình dành riêng cho đêm khuya đầu tiên trong nước, trong đó sẽ có một gã nhà văn kể lại những câu chuyện kinh dị do chính tay mình sáng tác.
Gã nhà văn này cũng có chút tiếng tăm trong vùng, vì những lý do mà ai cũng biết, tôi tạm giấu tên thật đi và gọi gã là "gã nhà văn". Nói cách khác, "gã nhà văn" trong cuốn sách này không phải là một chức danh, mà là tên người.
Ti lệ người xem chương trình đêm khuya ấy cứ tăng vùn vụt kể từ ngày phát sóng, hiệu quả rất tốt.
Gã nhà văn năm nay ba mươi tám tuổi, mới li dị vợ từ một năm trước. Đứa con ba tuổi rưỡi đi theo mẹ. Sau khi tan cuộc hôn nhân, người vợ cũ cùng đứa con thơ quay về miền đông bắc.
Nhắc mới nhớ, gã cũng được coi là "nhà văn diễn thuyết" đầu tiên trong nước. Trong chương trình, gã vừa mô tả, vừa diễn thuyết chính tác phẩm kinh dị do mình viết. Gã không chỉ khéo sáng tác mà còn rất ham mê biểu diễn. Ngoài ra, với khuôn mặt gầy gò, lông mày dày đậm, mũi dong dỏng cao và ánh mắt tinh nhanh, gã trở nên cực kỳ ăn hình.
Nhà đầu tư cho chương trình này chính là Mễ Gia.
Mễ Gia năm nay bốn mươi sáu tuổi, người gốc Thượng Hải, tuy đã cố gắng chăm chút kỹ lưỡng nhưng cô vẫn không sao che giấu được những nếp thời gian đang hằn trên gương mặt. Đôi chân Mễ Gia vừa ngắn vừa thô, bụng dưới sệ xuống, đôi mông cong vênh, trông cô chẳng khác nào một tảng gỗ mới đựợc người thợ điệu khắc chạm dùi qua loa, hãy còn rất nhiều phần thịt thựa thô kệch đang cần được xén bỏ thẳng tay.
Số tiền diễn thuyết cô trả cho gã nhà văn chẳng thấm vào đâu, nhưng vì danh tiếng, gã vẫn vui lòng hợp tác. Thi thoảng nếu Mễ Gia có nhu cầu, gã sẵn sàng lên giường cùng cô. Khi hai người làm tình, trông gã lại càng giống một kẻ dưới đang kính hầu bề trên.
Nửa năm trước, khi chương trình nửa đêm mới lên sóng, công ty Điện ảnh Kim Tượng từng tổ chức một buổi gặp mặt tại trường đại học Tây Kinh. Hôm ấy vào đúng ngày 16 tháng 9, ngày sức khỏe não bộ Trung Quốc.
Gã nhà văn đứng trên bục kể lại chuyện đời phấn đấu của mình:
"Quê hương tôi nằm trên dãy núi Đại Hưng An tận cùng cực bắc đất nước. Đó là một ngôi làng nhỏ bé náu mình giữa những gợn sóng núi miên man.
Mùa đông, băng tuyết cô đơn phủ lên khắp ngôi làng một màu trắng bàng bạc.
Mùa hạ, rừng rậm xanh mướt khiến nơi ấy tách biệt hẳn với thế giới xung quanh.
Thủa ấu thơ, tôi là một đứa trẻ rất ít nói. Hết cấp một, tôi không đi học nữa, cả ngày chỉ ngả mình trên mái căn nhà gỗ mukeden mà khắc khoải trông về nơi xa, lòng vơi đầy đăm chiêu. Bầu trời quê hương tôi xanh ngắt đến độ có thể khiến người ta nhỏ lệ.
Nhà tôi nuôi một con chó mực, nó chưa bao giờ kêu hay sủa tiếng nào, lúc nào cũng chỉ nằm dài trong sân lặng lẽ nhìn về phía xa xăm... Hồi đó, tôi nghĩ bụng con chó này sao mà giống mình, về sau chắc chắn nó sẽ là một con chó kiệt xuất.
Sau này, tôi lấy cây bút còm làm gậy chống, vượt qua chặng đường đầy mồ hôi, nhòa lệ và đẫm máu để bước ra khỏi núi rừng.
Tôi một mình một ngựa vượt nghìn dặm đi từ phương bắc xuống phương nam, bước từ biển xanh lên đồng cỏ, lại từ thôn làng ra thành thị. Đối với tôi, mọi chốn đi về đều là trạm nghỉ, mọi nơi trạm nghỉ đều là chốn về.
Ngày đầu tiên của thế kỷ 21, tôi định cư ở Tây Kinh.
Thượng Đế ban phúc cho những con người không cam chịu sống đời tầm thường."
Tiếng vỗ tay của sinh viên vang lên rền rã.
Non nửa hội trường hình chữ T đã kín chỗ, trong số đó sinh viên nữ chiếm đại đa số, tất cả đều háo hức ngồi dồn lên trên. Duy chỉ có một nữ sinh ngồi tách biệt một mình ở vị trí xa nhất.
Cô mặc chiếc áo phông đỏ, ngồi từ đằng xa chiêm ngưỡng vẻ say sưa của gã nhà văn khi đang diễn thuyết, thần thái cô toát lên vẻ tĩnh lặng đến lạ kỳ.
Đến phần giao lưu, các sinh viên mồm năm miệng mười đặt ra đủ các câu hỏi trên đời, gã nhà văn đều lần lượt trả lời hết. Cuối cùng cô gái áo phông đỏ cũng giơ tay. Gã nhà văn liền nói:
- Cô bạn ngồi dưới kia có câu hỏi gì chăng?
Cô gái đứng dậy, đón lấy micro từ tay người dẫn chương trình và nhỏ, nhẹ cất giọng:
- Thưa thầy, em là một sinh viên đến từ miền quê Bắc Giang Tô, hiện đang học năm thứ hai. Tây Kinh luôn là giấc mơ của em. Nhưng sau một năm đặt chân tới đây, những gì em cảm nhận được chỉ là sự tàn nhẫn và lạnh lẽo đến ngạt thở của chốn đô thành. Là một người cũng xuất thân từ vùng quê, thầy có cảm nhận gì khi đang tồn tại giữa thành phố?
Gã nhà văn suy ngẫm thoáng chốc rồi trả lời:
- Tôi không ngừng phấn đấu suốt chục năm qua và đã thành công khi rời bỏ thôn quê đến với thành phố. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, tôi đã tự biến mình thành một lưỡi dao rừng rực sát khí chĩa thẳng vào bất cứ ai toan chặn đường. Nhưng sau khi đến đây, tôi phát hiện ra rằng chính thành phố lại là chiếc vỏ dao.
Tiếng vỗ tay của sinh viên lại một lần nữa vang lên như sấm.
Buổi gặp mặt kết thúc, những người trẻ nô nức cầm đĩa "Chương trình truyền hình Nửa Đêm" vây quanh gã nhà văn xin chữ ký. Cô sinh viên bắc Giang Tô cũng nằm trong số đó. Khi tới lượt mình, cô nói bằng một giọng nhẹ nhàng nghe thật êm tai:
- Thưa thầy, thầy có thể cho em xin số điện thoại được không?
Gã nhà văn ngẩng đầu lên nhìn. Nước da cô trắng nõn mang đầy hơi thở của đất phương Nam. Đôi mắt phượng cùng cặp môi nho nhỏ không khiến cô được gọi là "đẹp" nhưng bù lại trông rất duyên và nhu mì...
Sau khi ký tên, gã nhà văn để lại số điện thoại: 13701363390.
Rời khỏi trường đại học Tây Kinh, gã lái chiếc Santana màu xám về nhà. Đó là xe của công ty cấp cho. Chuông điện thoại chợt vang lên kèm theo một tin nhắn: "Thưa thầy, em là Cố Phán Phán, người vừa xin số thầy lúc nãy. Rất mong có thêm cơ hội học hỏi từ thầy. Không cần trả lời, xin lỗi vì đã làm phiền."
Gã ngẫm nghĩ trong chốc lát rồi viết: "Đây là lời nói của một người đàn ông: Tôi đã quen biết rất nhiều cô gái nhưng từng chưa gặp ai đến từ Giang Tô. Vì thế tôi rất vui khi quen em."
Mười mấy phút sau, cô gái đáp lại bằng giọng tinh nghịch: "Đây là lời nói của một cô gái. Em đã quen biết rất nhiều người đàn ông nhưng chưa từng gặp ại là nhà văn. Vì thế em rất vui khi quen thầy:) ".
Hai người đã quen biết nhau như thế.
Lần đầu khi gã nhà văn tiến vào cơ thể Cố Phán Phán, những giọt nước mắt của cô dạt dào tuôn ra hệt như chính cô lúc ấy. Cô nói trong nước mắt: "Đây là lần đầu của em, em nguyện dâng cho anh..."
Từ ấy về sau, những cuộc gặp gỡ âm thầm giữa họ mỗi lúc một nồng cháy.
Và cũng từ đó, gã nhà văn ngày một xa cách với Mễ Gia.
Cố Phán Phán và Mễ Gia là hai con người của hai thời đại khác nhau.
Cố Phán Phán là mẫu con gái hớp hồn đàn ông. Giọng nói miền Nam của cô du dương, êm ái, ngọt lịm tai như kẹo bông trắng tuyết, chẳng thể nào làm tổn thương ai. Mễ Gia thì tương phản một trời một vực. Cô giống như bao người đàn bà cùng tuổi, như bao kẻ tiền nghìn bạc vạn khác... lắm lời, cay nghiệt và tự cao tự đại.
Cứ nghĩ đến Mễ Gia, gã nhà văn lại càng điên cuồng sa vào lưới yêu cùng người tình trẻ. Hễ sánh với Phán Phán, gã nhà văn lại thêm càng thêm ghét bỏ người đàn bà quá thì kia. Nếu ví Mễ Gia như một mỏm núi khô khốc, mỗi cuộc mây mưa không khác gì một phen leo núi, một trận lao động thể lực thì Cố Phán Phán tựa như một dòng nước dạt dào, nơi gã nhà văn có thể thỏa mình tắm mát, thưởng thức, bơi lội và tận hưởng...
Mỗi lần gửi tin nhắn cho Cố Phán Phán, gã đều phải đợi hơn mười phút vì cô luôn trả lời rất chậm. Lần nọ khi đang bên nhau, gã hỏi cô tại sao lại vậy. Cô ngượng ngùng xòa cười và cúi đầu, mãi lâu sau mới đáp: "Em sợ mình nói gì không đúng làm anh mất vui".
Gã nhà văn ôm siết người tình trẻ trong tay và hôn cô thật nồng nàn.
Hồi còn chưa li hôn, mỗi lần vợ gã gắt gỏng nhắn tin, gã đều phải đắn đo chán chê mới dám trả lời, lòng hoang mang sợ nhỡ nói điều sai sót thì chỉ có hết đường về. Về sau, vợ gã bật quách chức năng định vị trong điện thoại gã lên. Nhờ vậy, phạm vi nói dối của gã đáng từ năm trăm triệu ki-lô-mét vuông chợt co lại còn năm mét vuông vỏn vẹn...
Gia đình Cố Phán Phán rất nghèo nhưng gã chẳng hề giúp đỡ cô một chút nào về mặt vặt chất. Nói trắng ra, gã cũng làm gì có tiền. Hồi còn chưa li hôn, gã cũng từng mở một công ty văn hóa rồi nợ nhà xuất bản một món tiền đến tận bây giờ vẫn còn chưa trả. Sau đấy, luật sư bên kia gửi thư tới đánh tiếng định đưa gã ra tòa. Gã bàn bạc cùng vợ làm một cuộc li hôn giả rồi chia hết toàn bộ tài sản cho cô ta. Đời đâu ai đoán được chữ ngờ, cuối cùng nó lại thành li hôn thật. Chỉ trong một đêm, gã mất trắng tất cả. Về sau gã mới nhận ra vốn dĩ vợ hắn đã lên kế hoạch từ lâu lắm rồi.
Thế nên khi cặp kè với Cố Phán Phán, gã cùng lắm chỉ đưa cô đi ăn kem Haagen-Dazs hoặc chăng mua mấy thứ đồ lặt vặt mà các cô gái hay thích...
Cố Phán Phán cũng chẳng đòi hỏi gì. Tự khi nào không hay, cô dường như đã sa vào bình mật ngọt.
Có lần khi đang nằm trên giường, gã nhà văn đố cô một câu cực hóc búa. Câu đố ấy của một người bạn mới từ Mỹ về, anh ta nói với gã: "Sau này nếu có đố ai thì đừng bao giờ vội tiết lộ đáp án, người ta phải mời mình một bữa mới được. Nhờ câu này mà tôi cũng kiếm được mấy chục bữa rồi đấy chứ không ít".
Câu đố như sau:
"Hai người đàn ông A và B và hai người phụ nữ C và D muốn vui vẻ với nhau. A muốn quan hệ lần lượt với C và D, B cũng muốn vậy. Cả bốn người đều mắc bệnh nên không ai được phép gần gũi với ai. Nhưng bốn người chỉ có hai chiếc bao cao su. Vậy phải làm thế nào để cuộc vui vẫn diễn ra?"
Cố Phán Phán suy ngẫm hồi lâu rồi đỏ mặt hỏi:
- Có thể dùng... cách khác mà không cần quan hệ không?
Gã nhà văn nói:
- Không được, đây có phải đố mẹo đâu.
Cố Phán Phán lại tiếp tục đi tìm câu trả lời. Đột nhiên một lúc sau cô reo lên:
- Có cách rồi!
Gã nhà văn hỏi lại với vẻ không mấy tin tưởng:
- Cách gì nào?
Cố Phán Phán đáp:
- Theo em nghĩ, A đeo hai chiếc bao cùng một lúc rồi bắt đầu với C.
- Ừm! - Gã nhà văn đáp.
- Làm xong thì tháo bao bên ngoài ra, tiến hành tiếp với D bằng cái bên trong. Làm xong lại tháo cái bên trong ra.
- Ừm! - Gã nhà văn đáp.
- B đeo chiếc bao mà A tháo ra đầu tiên và bắt đầu với C. - Cô tiếp tục nói.
- Ừm! - Gã nhà văn đáp.
- B lồng chiếc bao thứ hai của A lên chiếc bao mình đang dùng và tiếp tục với D, đúng không nào?
Một câu đố hóc búa liên quan tới sex, bao gã đàn ông đều ấm ớ đáp không ra, vậy mà một người con gái trong sáng như cô lại là người trả lời đúng! Gã nhà văn tròn mắt kinh ngạc.
Gã nhà văn sống đằng sau tòa nhà Hội nhà văn trên con phố Cát Lợi phía nam thành phố. Một hôm, Cố Phán Phán đến nhà gã, hai người cùng làm món cá ăn với nhau.
Lúc hai người ở dưới bếp, gã nhà văn lại kể cho cô nghe một câu chuyện. Là một tay viết lách chuyên nghiệp, gã luôn đi bới lông tìm vết mọi câu chuyện trên đời. Nhưng riêng với câu chuyện này mặt mày gã cứ bừng lên rạng ngời vẻ vô cùng tâm đắc mỗi khi kể:
"Có một người đàn ông đến thuê phòng ở khách sạn. Tối hôm đó, chuông điện thoại reo lên:
- Xin chào! Quý khách có cần mát xa không?
Người đàn ông hỏi:
- Lily có ở đó không?
Đầu dây bên kia nói:
- Ôi trời, hóa ra khách quen! Em Lily đến ngay bây giờ đây.
Bước vào phòng, Lily thấy ông khách này trông rất lạ mặt. Nhưng có hề gì. Sau khi làm giá, cuộc mua bán bắt đầu diễn ra. Xong chuyện, người đàn ông lấy ra từ trong túi hai nghìn đồng và ném cho Lily:
- Cho cô em đấy!
Lily nói:
- Nhiều quá, anh giai ạ!
Người đàn ông đáp:
- Tính anh vốn hào hiệp! Cô em mà còn khách sáo là anh giận đấy!
Lily ra về với khuôn mặt tràn trề cảm kích.
Hôm sau, cô lại đến. Lần này, người đàn ông lại lấy ra hai nghìn đồng và ném cho cô:
- Cho cô em đấy!
Lily bất chợt hồ nghi, phải chăng mình đang nằm mộng:
- Sao lần nào anh cũng cho em nhiều thế?
Người đàn ông đáp:
- Tính anh vốn hào hiệp! Cô em mà còn khách sáo là anh giận đấy!
Lily lại ra về với khuôn mặt tràn trề cảm kích.
Hôm sau, cô lại đến. Lần này, người đàn ông vẫn lấy ra hai nghìn đồng và ném cho cô:
- Cho cô em đấy!
Lily thần người nhìn người đàn ông và không dám nhận:
- Anh ơi...
Người đàn ông đáp:
- Tính anh vốn hào hiệp! Cô em mà còn khách sáo là anh giận đấy!
Lily đành nhận tiền trong tâm trạng thấp thỏm nghi hoặc. Lúc tán gẫu, người đàn ông bất chợt hỏi:
- Em là người thôn Hướng Dương phải không?
Lily giật mình đáp:
- Đúng rồi!
Người đàn ông lại hỏi:
- Tên ở nhà của em là "nhỏ hai" đúng không?
Lily lại càng kinh ngạc:
- Đúng rồi, đúng rồi! Sao anh biết?
Người đàn ông đáp:
- Anh là đồng hương với em. Lần này lên thành phố mẹ em nhờ anh đưa cho em sáu nghìn đồng."
Dứt chuyện, gã nhà văn không nhịn được cơn cười đang chực trào ra tận miệng. Gã cười một thôi một hồi mới ngưng lại quay sang nhìn Cố Phán Phán:
- Em... không thấy buồn cười sao?
Vẻ mặt cô lạnh tanh. Dầu trong chảo đã réo lên lèo xèo. Cô nhấc từ dưới nước lên một con cá tươi rói, không mổ bụng, không cạo vẩy mà cứ thế ném thẳng vào chảo dầu rồi úp bụp vung xuống.
Con cá lặn ngụp trong chảo dầu, va vào vung lụp bụp.
Cô ghì chặt tay trên vung và khẽ nói:
- Gã đàn ông đó đáng bị ném vào chảo dầu.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro