Đề3:Cảm nhận về khổ4
Thơ mới 1932 -1945 ra đời do sự thôi thúc của hai nhu cầu khẩn thiết của lớp thanh niên tiểu tư sản lúc bấy giờ: nhu cầu khẳng định cái tôi và nhu cầu thoát ly cái tôi Nói như Hoài Chân: "Cái buồn của thơ Mới không phải là cái buồn ủy mị, bạc nhược mà là cái buồn của những người có tâm huyết, đau buồn vì bị bế tắc chưa tìm thấy lối ra." Bên cạnh hồn thơ ảo não bơ vơ của Huy Cận, cái siêu thực, tượng trưng, kỳ dị của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên; Xuân Diệu kéo tâm hồn người gần hơn với tình yêu cuộc sống để mà đắm say cảnh trời, thiên nhiên, khát khao tận hưởng xuất phát từ lòng ham sống tạo nên một ý thức về thời gian mới mẻ tiến bộ và độc đáo. "Vội vàng" nổi bật trong nền văn học nước nhà cũng vì lẽ đó, là tiêu biểu cho phong cách bút pháp nghệ thuật của Xuân Diệu, một tuyên ngôn sống bằng thơ đúng cho đến tận ngày hôm nay. Trong đó khổ 4 của tác phẩm mang theo lời giục giã mãnh liệt, trực tiếp thể hiện tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm rằng hãy sống cao độ từng phút giây, sống mãnh liệt, hết mình những tháng năm tuổi trẻ và thanh xuân để không tiếc nuối.
"Mau đi thôi! Mùa chưa ngã chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và mây, và cỏ dại
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!".
Sau khi khắc họa bức tranh thiên nhiên thời tươi và thời phai đối lập qua đó thể hiện tình yêu của tác giả dành cho cuộc sống cùng sự ám ảnh, quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu về thời gian tuyến tính một đi không trở lại thì đến đây, nỗi niềm cá nhân mà nhà thơ dành cho những tháng năm tuổi trẻ và thanh xuân hữu hạn ấy đã trở thành tiếng gọi, tiếng giục giã con người sống nhanh hơn, vội vã hơn để mỗi giây phút trôi qua sẽ lưu giữ những kỉ niệm. Hình thức câu cầu khiến "Mau đi thôi!" diễn tả trực tiếp tâm thế của cái tôi đầy hối hả, vội vàng như đang chạy đua để bắt kịp thời gian, để khi " Mùa chưa ngả chiều hôm"- lúc sự sống chưa phai tàn có thể tận hưởng trọn vẹn cuộc đời mình. Sự thay đổi từ đại sự từ nhân xưng "tôi" thành "ta" khẳng định sự chuyển biến sâu sắc từ ý thức con người cá nhân sang con người cộng đồng, khiến cho phạm vi của lời giục giã trở nên rộng hơn, bao quát hơn, trở thành một tuyên ngôn nghệ thuật về quan niệm sống của gửi đến thế hệ. Câu thơ 3 tiếng: "Tôi muốn ôm" được đặt ở giữa dòng thơ như khắc họa hình ảnh của cái tôi khi nhân đầy ham hố đang đứng giữa trần gian dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, vơ vào mình tất cả những cảnh sắc mơn mởn và trinh nguyên của thế giới này. Điệp cấu trúc "ta muốn" cùng những động từ mạnh "ôm, riết, say, thâu, cắn" tạo nên nhịp thơ nhanh, dồn dập như một tiếng thở gấp gáp, thể hiện đậm nét sắc thái riêng, cái khẩu khí đường hoàng, ngang tàn mà đĩnh đạc của tâm hồn thi nhân ham sống đến cuồng nhiệt nhưng lại không thể tránh khỏi cái hữu hạn của đời người.
Bức tranh thiên đường dưới mặt đất một lần nữa hiện ra mang vẻ đẹp của khu vườn địa đàng đầy ắp tình yêu và tràn trề nhựa sống: "sự sống mới bắt đầu mơn mởn, mây đưa, gió lượn, cánh bướm, tình yêu, cái hôn nhiều", qua biện pháp nghệ thuật liệt kê như phô diễn tất cả cái độ tươi non, rực rỡ, đắm say, tình tứ nhất của mình. Con người trở thành chuẩn mực thẩm mỹ của tạo hóa là một trong những cách tân mới mẻ và độc đáo trong thơ Xuân Diệu khi "cái hôn nhiều" gợi chiều liên tưởng về tuổi trẻ, tình yêu, thanh xuân như người con gái đang ở độ tuổi xuân thì đẹp đẽ, như trái chín căng mọng mà ai cũng muốn tận hưởng trọn vẹn trong đời. Bị ảnh hưởng từ nét tương giao trong văn hóa tượng trưng Pháp, ngôn ngữ thơ Xuân Diệu mang nhiều những dấu ấn đặc biệt nhưng vẫn giữ được tính truyền thống, dân tộc của văn học nước nhà. Điệp từ "và, cho" cùng các tính từ chỉ mức độ cao nhất " chếch choáng, đã đầy, no nê" đã thể hiện rất rõ điều đó, diễn tả trạng thái sống đắm say, cuồng nhiệt của nhà thơ khi đứng trước bức tranh thiên nhiên thanh tân và quyến rũ.
Câu thơ cuối: "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi" là đỉnh điểm cho nỗi khát thèm cuộc sống của Xuân Diệu, qua kiểu câu cảm thán, động từ "cắn" táo bạo đem lại một cách nhìn say mê, đắm đuối của thi nhân về vẻ đẹp ngọt ngào, quyến rũ của mùa xuân, vạn vật. Điều này khẳng định tiếng nói của tâm hồn yêu đời, ham sống mãnh liệt từ đó đưa đến một quan niệm nhân sinh mới mẻ và sâu sắc là phải sống vội vàng, gấp gáp để tận hưởng hạnh phúc niềm vui mà cuộc đời ban tặng khi còn trẻ vì thời gian sẽ chẳng đợi chờ.
Sử dụng hình thức nghệ thuật điêu luyện khi kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lý, giọng điệu say mê sôi nổi, có những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ cũng như việc vận dụng các thủ pháp nghệ thuật tương xứng, tương phản, đối lập, điệp từ, điệp ngữ; khổ thơ đã thành công khắc hoạ và thể hiện đề tài, chủ đề của toàn tác phẩm.
NguyễnĐăng Diệp từng nhận định: "Có thể nói nồng nàn và trẻ trung là hai phẩm chất đồng thời cũng là hai giọng điệu chính trong thơ Xuân Diệu... Trong số đó Vội vàng là một trong những thi phẩm thuộc loại tiêu biểu nhất cho giọng điệu nồng nàn của Xuân Diệu". Bài thơ mang theo giá trị nội dung và tư tưởng sâu sắc, phát đi tiếng gọi, lời hối thúc con người hãy sống hết mình, tận hưởng cuộc sống khi còn có thể bởi tuổi trẻ và thanh xuân chỉ đến một lần. Đây là quan niệm nhân sinh mới mẻ, một tuyên ngôn sống bằng thơ có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ trở thành định hướng cho nhiều người trẻ khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Đồng thời Vội vàng cũng là một tác phẩm xuất sắc đánh dấu bước trưởng thành của văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945, mang những nét riêng trong sáng tác Xuân Diệu- "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới" (Hoài Thanh).
(18/4/2020- Cải thìa)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro