Đề1: Cảm nhận về khổ2, từ đó bình luận về quan niệm nghệ thuật mới mẻ
Phong trào thơ mới 1932 1945 đã làm nên “một thời đại trong thi ca”, mở đầu cho sự phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại trở thành thơ của một cái “tôi”, một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển và vượt ra khỏi những công thức ước lệ, khuôn khổ của thơ Đường. Bên cạnh những cái tên như Tản Đà, Huy Cận, Thế Lữ... thì Xuân Diệu cũng có một chỗ đứng nhất định với nhiều tác phẩm vang dội như Thơ Thơ, Gửi hương cho gió, Riêng chung.... thể hiện các quan niệm sống mới mẻ cùng những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo, độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa thừa hưởng văn hóa truyền thống của Phương Đông nhưng lại có sự cách ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng Pháp. “ Vội vàng” được trích trong tập Thơ thơ - bông hoa đầu mùa đầy hương sắc làm rạng danh cả một tài thơ thế kỷ, là tuyên ngôn về quan niệm sống bằng thơ đề cao giá trị của thanh xuân, tuổi trẻ, cuộc đời khi thời gian sẽ một đi không trở lại, là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình để quý trọng và tận hưởng những tháng năm trước mắt. Tái hiện lại bức tranh thiên nhiên mùa xuân- thiên đường dưới mặt đất, khổ 2 của bài thơ đã góp phần vào việc truyền tải nội dung, tư tưởng tác phẩm cũng như đánh dấu những cách tân đặc sắc, sáng tạo về nghệ thuật của Xuân Diệu so với thơ ca truyền thống.
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Nếu bốn câu thơ mở đầu cho ta thấy một cái tôi khi nhân đường hoàng, đĩnh đạc muốn thay thế tạo hóa để vận chuyển càn khôn, muốn níu kéo những hương sắc của đất trời, thể hiện tình yêu của tác giả đối với cuộc sống thì sang đến khổ hai “con mắt xanh non và biếc rờn” của nhà thơ lại khiến ông như một kẻ si tình, người lãng khách đang lạc vào chốn bồng lai dưới mặt đất, thiên nhiên mùa xuân tràn trề nhựa sống có âm thanh, có màu sắc, có con người, vạn vật:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật.
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đến lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.”
Thời tươi dưới con mắt thi nhân hiện ra với hình ảnh “tuần tháng mật” của ong bướm mang vẻ đẹp lứa đôi đang say sưa tình xuân trong những tháng năm tuổi trẻ, thời hoa niên. Sức sống mơn mởn, mạnh mẽ của thiên nhiên, vạn vật được miêu tả qua tính từ “xanh rì” gợi cảm giác về một mùa xuân tràn trề và bất tận cùng sự sinh sôi nảy nở của đất trời. Đó là thiên đường dưới mặt đất không hề tĩnh tại mà mang nhiều chuyển động tinh tế, được nhà thơ sử dụng mọi giác quan để cảm nhận một cách trọn vẹn nhất. Hình ảnh thơ trữ tình lãng mạn “ cành tơ phơ phất” phô bày đường nét của mùa xuân, khiến bức tranh trở nên hữu hình, cụ thể, có sự vận động và mang hơi thở của sự sống. Nếu Huy Cận vẽ mọi thứ bằng hình khối “ Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” thì Xuân Diệu vẽ tất cả bằng đường nét, tạo nên sự tinh tế, kết hợp với thể thơ 8 chữ khiến nhịp thơ dàn trải, cảm xúc lan tỏa, tưởng như mọi nguồn sống đang ngồn ngộn phơi bày khúc nhạc lòng của thi nhân. Mở đầu là vẻ đẹp của lứa đôi, kết thúc Xuân Diệu lại sử dụng “khúc tình si” của yến anh- trường liên tưởng đầy đắm say, tha thiết, gợi hình ảnh của những nam thanh nữ tú đi du xuân. Tình yêu nam nữ hòa trong tình yêu cuộc đời qua thủ pháp liệt kê và điệp từ “này đây” đã một lần nữa thể hiện và khẳng định niềm xúc cảm của thi nhân trước sự sống. Đó là ngây ngấ,t là tận hưởng, là choáng ngợp, hối hả và gấp gáp.
Ba câu thơ kế tiếp thể hiện quan điểm mỹ học mới mẻ của Xuân Diệu so với thơ ca truyền thống, khi nếu thơ xưa thiên nhiên được coi là chuẩn mực cái đẹp “Phù dung như diện, liễu như mi” thì tác giả lại lấy con người là thước đo để so sánh với vẻ đẹp của tạo hóa:
“Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Thi nhân lấy đôi mắt trong trẻo của một cô gái để ví với ánh sáng của vầng thái dương: “ánh sáng chớp hàng mi” làm nên bức tranh xuân buổi bình minh diễm lệ mang gương mặt của giai nhân. Ông lại biến cái vô hình trừu tượng như khái niệm thời gian “tháng giêng” trở nên cụ thể, hữu hình như “cặp môi” qua thủ pháp so sánh và nghệ thuật chuyển đổi cảm giác động từ “ngon” tạo cảm nhận táo bạo, gợi tả vẻ đẹp thanh tân, đằm thắm, ngọt ngào, quyến rũ của mùa xuân như một người con gái đang ở độ tuổi hoa niên đẹp nhất. Đây được coi là một trong những cách tân, sáng tạo về nghệ thuật mới mẻ của Xuân Diệu mang hơi hướng ảnh hưởng bởi nét tương giao của thơ ca tượng trưng Pháp, thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của ông. Từ đây khép lại bức tranh thời tươi rực rỡ và tràn trề nhựa sống, trực tiếp thể hiện cảm xúc của tác giả khi được chiêm ngưỡng và cảm thụ thiên nhiên, cuộc đời:
“ Tôi sung sướng. Nhưng vôi vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Cấu trúc thơ không còn mang tính truyền thống mà ngược lại có sự đổi mới, linh động để phù hợp với tư tưởng của tác phẩm và cảm xúc của nhà thơ. Dấu chấm (.) đặt giữa câu đã khẳng định điều mới mẻ, đặc sắc ở nghệ thuật của Xuân Diệu, tạo nên sự phức hợp cảm xúc từ hai trạng thái đối lập. Một Xuân Diệu sung sướng, đắm say trong thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc đời. Một Xuân Diệu cũng tiếc nuối, ám ảnh, lo âu, vội vã trước bước chuyển mình vô tình của thời gian không trở lại. Giọng thơ dù có đôi chút trầm hơn so với những câu thơ trước nhưng vẫn giục giã, hối hả, thôi thúc, tận hưởng, “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”- không chờ tất cả đã qua đi rồi mới hối tiếc. Nó thể hiện tình yêu của nhà thơ dành cho cuộc đời, bởi chỉ có ham sống, yêu sống, Xuân Diệu mới tiếc nuối về những giây phút đã bỏ lỡ để mà cố gắng níu kéo những ngày tháng xuân. Mhư trong “ Giục giã”, thì sĩ cũng từng viết:
“ Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em em ơi, tình non sắp già rồi
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ, thời gian không đúng đợi.”
Điều làm nên cái “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” mà Hoài Thanh từng nhận xét trong thơ Xuân Diệu bên cạnh nội dung, đề tài, tư tưởng đầy mới lạ và độc đáo thì nghệ thuật được sử dụng ở khổ 2 của “Vội vàng” cũng khẳng định rất rõ điều đó. Đặc sắc đầu tiên phải kể đến ở đây chính là nhịp thơ và giọng điệu khi xuất hiện xuyên suốt các câu thơ 8 chữ là tâm thế của một cái tôi hối hả, vội vàng, gấp gáp, vừa đắm say, ngất ngây, tận hưởng thanh sắc của đất trời lại vừa tiếc nuối đậm buồn vì dòng chảy không ngừng của thời gian chẳng đợi chờ. Chất trữ tình triết luận đặc trưng trong ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, tinh tế góp phần thể hiện vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân cùng những tình cảm, cảm xúc của tác giả khi được ngắm nhìn thiên đường của mặt đất. Các thủ pháp tương xứng, tương phản đối lập, điệp từ, so sánh phát huy nhiều hiệu quả nghệ thuật nhất định mang lại chất nhạc cho khổ thơ và dư âm của tác phẩm, tham gia khắc họa vẻ đẹp của chủ thể trữ tình- bức tranh cuộc sống. Tất cả làm nên sự đặc sắc trong nghệ thuật đúng như Hoài Thanh từng nhận xét: “ Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này.”
Thế Lữ trong lời tựa tập Thơ thơ có viết: “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian”. Có lẽ cũng bởi vì thế mà “Vội vàng” mãi mãi không bị bào mòn dù qua thời gian và năm tháng, trở thành tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất cho bút pháp thơ Xuân Diệu, khẳng định nội dung và tư tưởng độc đáo khi truyền tải đi quan niệm sống mới mẻ đúng cho đến tận ngày hôm nay: là tận hưởng, là đắm say, yêu sống và ham sống để mỗi phút giây trôi qua sẽ không còn tiếc nuối. Bài thơ truyền lửa cho muôn đời, qua nhiều thế hệ, trở thành kim chỉ nam, phương châm sống cho người trẻ trên mỗi chặng hành trình.
(18/4/2020- Cải thìa)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro