56. Lý Dương
Tôi sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả cho lắm.
Quanh năm đều phải cật lực tìm miếng ăn bằng những đồng ít ỏi. Cái cần lo vốn đã nhiều, nay lại phải lo đến cả việc nộp thuế má cho bọn quan biện lại tham lam, nhũng nhiễu kia.
Đôi khi nhìn thấy nhiều người khác bị bọn họ kéo đến tận nhà để đòi tiền, rồi còn dọa rằng sẽ đốt hết cả gia tài, cơ ngơi ấy, tôi luôn luôn sống trong lo sợ. Sợ rằng có ngày nhà tôi cũng sẽ bị như thế, sợ rằng bọn họ sẽ buôn lời trách mắng thậm tệ và cướp đi của cải nhà tôi có được.
Miệng ăn trong nhà thì lúc nhúc, từ hai, rồi lên ba, cuối cùng dừng lại ở con số bốn. Tưởng đâu đứa con đầu lòng của cha mẹ là tôi, nhưng nào ngờ vài ba năm sau, mẹ tôi lại hạ sinh thêm một đứa nữa.
Đành ra cơ cực lại càng cơ cực thêm. Số tiền mà mẹ tôi, cha tôi kiếm được chẳng đủ là bao, nhưng may ra vẫn đủ để duy trì sinh mạng đến khi gặp bất trắc mới thôi.
Mọi chuyện đều cứ thế diễn ra, cho đến khi năm em gái tôi lên mười.
Con bé bỗng dưng ngã lăn ra bệnh, không rõ là nguyên nhân gì. Hôm trước vừa mới là đứa trẻ khỏe mạnh, vô lo vô nghĩ, mấy hôm sau đã trở thành một đứa không còn sức sống, việc mở miệng ra nói lấy vài ba câu cũng thật quá đỗi xa xôi.
Nhìn đứa em gái của mình phải nằm dính trên giường, đôi mắt nhắm nghiền như đang rơi vào giấc ngủ ngàn thu, tôi xót lắm chứ.
Phận làm anh, ai mà chả quan tâm tới em mình nhỉ?
Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn, ngoài việc dốc hết sức mình để chăm sóc con bé bằng những việc phù hợp với khả năng mình. Đôi khi ngồi kế bên giường, ngắm nhìn em gái mình yếu ớt đi từng ngày, rồi lẳng lặng cùng con bé trò chuyện vu vơ cũng là một kế hay. Em tôi bảo cách làm ấy của tôi đã làm nó vui đi nhiều, vơi đi mấy cơn đau quằn quại mà căn bệnh bất ngờ kia gây ra.
Tuổi thơ con bé không được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác.
Nhà tôi không khá giả, chỉ đủ để sống qua ngày, đồng nghĩa với việc không có tiền để nhờ thầy lang về chạy chữa nhiều lần. Mỗi lần sắc bát thuốc đặc sệt nghi ngút khói, lòng tôi cứ như trùng xuống một nhịp.
Hụt mất một nhịp tim, giống như có ai đó đã đào một cái hố trong lòng tôi, mà nhân lúc tôi đang buồn bã nữa chứ. Tôi nghĩ cha mẹ tôi ắt cũng sẽ có trải nghiệm giống như tôi, đau lòng nhìn con gái mình yếu ớt đi từng ngày, còn bản thân thì cố gắng chạy vạy trong vô vọng.
Sẽ như thế nào nếu con bé bị đánh bại bởi căn bệnh đến cả tôi, cha mẹ còn không biết đây nhỉ? Và họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu mất đi cô con gái cơ chứ? Nhỡ đâu nó nghĩ cả nhà đang ghét bỏ, hắt hủi nó nên mới không dốc hết tiền của, công sức ra để cứu sống nó thì sao đây?
Nhưng rồi, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.
Con bé thật sự không thể chống chọi với cơn bệnh ấy. Sốt cao liên miên mấy hôm không khỏi, vừa dứt một cái thì nó than lạnh. Mà hỏi ai thì trăm người như một, họ đều trả lời rằng có thể con bé chỉ bị trúng gió hàn nên mới trở chứng thế thôi, ngoài ra thì chẳng sao cả. Cha mẹ tôi nghe được thế thì cũng chỉ biết thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng thì họ vẫn nơm nớp lo sợ.
Tôi cũng thế.
Nếu bị trúng gió hàn thì ít ra cũng phải khá hơn một tí, bởi trừ việc sắc thuốc ra thì cha mẹ tôi đều làm đủ mọi phương pháp trong dân gian lưu truyền lại. Đủ mọi cách luôn, ấy vậy mà con bé vẫn chưa khỏi hẳn. Nhân dịp em tôi khỏe lên được một chút, tôi nhanh nhảu dìu em ra ngoài sân vườn chơi.
Bảo là sân vườn nhưng lại chẳng có gì đáng để gọi là sân cả. Nó chỉ đơn giản là một khoảng đất trống, nhỏ hẹp và mọc đầy cỏ dại trong vườn - cách ngưỡng cửa nhà tôi dăm ba bước chân. Vậy mà trong kí ức của hai anh em tôi, nơi ấy lại là nơi mà cả hai tôi có thể đùa vui một cách thoải mái mà không sợ liên lụy đến mấy đồ vật trong nhà nữa.
Một người anh lớn mười lăm như tôi, nhưng lại mang trên vai trách nhiệm anh cả còn nặng hơn với số tuổi thật. Cha mẹ tôi đều đi buôn đi bán kiếm miếng ăn, chưa kể còn phải lo sốt vó cho đứa con gái nhỏ của mình nữa cơ, tất nhiên nhiêu đó cũng đủ nặng nề rồi.
Một đứa trẻ mười tuổi đã phải thua cuộc trước sự phũ phàng của thời gian.
Tôi còn nhớ rõ khi ấy bầu trời như tối sầm lại. Mây mù giăng kín lối, lững thững thả từng vệt mây xám xịt đi càn quét khắp nền trời, muốn gieo rắc mấy điều xui xẻo xuống vài người mà cơ duyên đã chọn. Một lát nữa thế nào trời cũng mưa - theo mẹ tôi từng bảo tôi thế. Mà mưa kiểu này thì chắc phỏng là mưa nặng hạt, tầm tã hơn thường ngày.
Hôm đó, quả thật trời có mưa.
Mấy giọt nước tí tách đó, hệt như đang trút cơn giận của mình xuống dưới nhân gian vậy. Đến nỗi cây cỏ cũng phải oằn mình xuống dưới sự tác động của hàng ngàn, hàng ngàn mũi tên nước đang điên cuồng cắm mặt xuống đất kia. Nom có vẻ đám cây cỏ xanh mởn đó không mấy vui vẻ gì cho cam khi phải đối mặt trực tiếp với cơn mưa rào nặng hạt.
Hôm nay, trời mưa rất to.
Cha mẹ tôi cứ tất bật đi vay tiền để làm ma chay cho em, cũng may những người hàng xóm bên cạnh vì thấy gia cảnh nhà tôi đáng thương nên đã cùng góp nhau một số tiền. Không nhiều nhặn gì, nhưng ít ra gia đình tôi có thể lo hậu sự cho con bé sao cho tươm tất.
Khổ nỗi là cha mẹ tôi - nhất là mẹ - cứ thơ thẩn ngồi bên ngưỡng cửa như một cái xác vô hồn, cha tôi gọi gì bà cũng chỉ gật đầu cho có lệ. Có lẽ bà quá đau buồn vì cái chết của con gái nên vẫn chưa kịp tỉnh mộng, chỉ ngỡ hôm nay con bé không trở về.
Đúng là con bé không trở về với gia đình tôi nữa.
Được một năm thì mẹ tôi cũng rời đi vì bạo bệnh. Trước lúc lâm chung, bà trăn trối rằng bản thân không thể cố sức níu giữ lấy đứa con gái độc nhất của mình nên đã hối hận rất nhiều - kể từ lúc con bé mất đến nay.
Sau cú sốc bất ngờ và tai họa cứ liên tiếp giáng xuống gia đình tôi, cha tôi mới quyết định làm gì đó để thay đổi. Ông thay mẹ tôi làm tất cả, tất bật bán buôn để nuôi sống hai cha con. Khi ấy tôi đã mười sáu, lớn phổng phao, mặt mày khôi ngô, lại chịu đựng giỏi nên cha cũng giao việc cho để tránh trường hợp tôi ngồi không chờ sung rụng.
Từ một gia đình bốn người yên ấm, tuy không khá giả là bao nhưng ít ra vẫn còn được chút tình yêu thương trong nhà, nay lại trở thành một gia đình chỉ còn lại hai người. Hai cha con cứ như vậy mà nương tựa lẫn nhau mà sống, rắc rối đôi khi cũng hay chen vào cuộc sống bình yên của chúng tôi.
Thấm thoát cũng đã nhiều năm trôi qua...
Năm tôi hai mươi hai tuổi, gia đình gặp biến cố lớn.
Không hiểu vì sao cha tôi từ một người nhã nhặn, ôn hòa, lúc nào cũng bình tĩnh đối phó với khó khăn, nay trở thành một người cọc tính. Ông thường xuyên lui tới quán rượu nhiều hơn, đồng tiền kiếm được mỗi lúc ít đi dần. Chắc có lẽ ông đang rơi vào thế cùng quẫn, không còn cách nào khác mới đành tìm đến hơi men để giải tỏa nỗi buồn.
Mất con, mất vợ, đứa con trai lớn còn lại là tôi vẫn chưa bị bất kì căn bệnh nào ghé hỏi thăm. Chừng ấy đã đẩy ông vào đường cùng, còn gì đau khổ hơn khi lần lượt chứng kiến người thân của mình rời đi trước mắt mình không cơ chứ?
Cũng chính vì đau khổ của ông đã làm nhà tôi nghèo càng thêm nghèo.
Ông lui tới quán rượu để uống trong bầu không khí ngập tràn hơi men, rồi sau đó dùng số tiền kiếm được để chơi cá cược. Nhưng cuộc đời đâu có lúc nào cũng tràn ngập một màu đỏ may mắn, ông thua hết ván này đến ván khác, tiền cũng theo đó mà bay đi mất.
Không có tiền để thỏa mãn thú vui của mình, ông bắt đầu đi vay mượn tiền của người khác, sau đó tiêu đống ấy vào rượu và mấy trò đánh bạc.
Nợ nần chồng chất mãi cho đến khi...
Bọn quan biện lại từ trên trạm thu thuế Vân Đồn xuống, người nào người nấy đều không ngừng chửi rủa. Họ bảo rằng cha tôi vừa không nộp tiền thuế, vừa nợ nần tiền của người khác nên lũ lượt kéo đến tận nhà để đòi. Sau nhiều lần giằng co qua lại thì bọn họ mất kiên nhẫn mà phá hẳn sân vườn nhỏ trước nhà - nơi đã chôn lấp hoàn toàn một phần kỉ niệm đẹp của gia đình tôi theo thời gian - bằng những thủ đoạn khác nhau.
Ban đầu là những thủ đoạn nhỏ, không gây thiệt hại gì nhiều nên chúng tôi chỉ biết nhìn đống đồ vật đổ nát nằm ngổn ngang trong nhà. Không thấy ăn thua gì, họ cuối cùng cũng châm mồi lửa phóng hỏa căn nhà. Cha tôi khi ấy vì sợ hãi quá nên đã nhân lúc bọn họ không để ý mà vội vàng tẩu thoát, bỏ lại căn nhà xụp xệ trong biển lửa.
Khi tôi vừa về đến nơi, tất cả những gì sót lại suốt mười mấy năm qua chỉ còn là một nắm tro tàn nằm vương vãi trên mặt đất. Đống tro đen ấy vẫn còn âm ấm sự thù hận, sự ngông cuồng và nhũng nhiễu, lẫn nhiều nỗi buồn vào trong đó.
Sân vườn cỏ dại nay đã hóa thành bãi đất trống trơ trọi, xơ xác những cỏ cháy nhẹm đi, không đáng để gọi là sân nhà nữa.
Một mình tôi, phải chống chịu với mọi khổ nhằn từ trước đến nay. Cha đã lẩn đi mất, mẹ và em gái không còn, cả căn nhà để nương tựa qua ngày cũng không nốt.
Tôi còn lưu luyến gì nữa đây nhỉ?
Trong lúc tôi thất vọng nhìn tàn dư còn lại của ngọn lửa bạo tàn kia, thì có một tiếng gọi đã gọi tôi:
"Lý Dương!"
*
Nghe thấy tiếng gọi, y giật mình quay phắt người lại, hệt như có ai đó đã dùng gậy vụt vào lưng y vậy. Đôi mắt thờ thẫn của y dán chặt vào tôi trong giây lát, rồi lại sáng bảnh lên tia hi vọng được nhen nhóm từ nơi u tối nhất trong lòng y.
Chỉ khác đôi điều, rằng nét mặt điển trai ấy vẫn còn, chưa bị thời gian đánh gục kể từ bốn năm trước - lúc tôi và y từng gặp nhau trong tình huống không thể đoán trước được.
Chàng đứng ở phía sau lưng tôi, nhíu mày nhìn chàng trai kia tỏ vẻ tò mò, hai tay khoanh lại trước ngực. Dường như chàng đang tự nhủ với bản thân mình rằng anh chàng tốt bụng từng can tôi lại kịp thời lúc tôi quyết định lội xuống nước bắt cá năm xưa chính là y.
Nhưng chắc có lẽ chàng vẫn chưa tin hẳn lắm, hay do cái thay đổi ngoại hình đột ngột của y nên đâm ra không ai nhận ra được nhỉ?
Người gì đâu trông thất thần thế không biết, nhìn chả ra dáng người tốt tí nào.
"Cô Hạ?" Sau một hồi ngẩn ngơ thì y mới lên tiếng, cúi gằm mặt xuống lộ rõ vẻ ngượng ngùng. "Gặp cô ở đây thật tình cờ quá."
"Anh... sao lại đứng đây thế này," Tôi ngó nghiêng nhìn y, rồi lại nhìn đống tro trên mặt đất. "Gần đây mới có chuyện gì à?"
Dương lẳng lặng gật đầu.
Y đang cố gắng lục tung cái não của mình để tìm lời giải thích ngắn gọn, súc tích cho tôi dễ hiểu nhất có thể, cũng không muốn kể lể dài dòng để tránh làm phí thì giờ của tôi.
Mà chuyện của mấy năm về trước tôi cũng đã từng nghe y kể qua đôi chỗ, nên giờ tôi có thể dùng đống ấy mà hàn gắn sự việc lại với nhau.
Như chơi ghép hình vậy ha.
"Nếu kể mọi chuyện ra cho cô nghe, e là tôi phải kể lại từ đầu," Y gãi trán cười ngài ngại, sau đó hướng mắt nhìn về chàng. Và rồi trong phút chốc, tôi có thể thấy loáng thoáng vẻ không hài lòng hiện hữu trong đôi mắt ấy, giây sau đã thấy y thôi không nhìn chàng nữa. "Có dịp tôi sẽ kể lại cho cô nghe sau."
Chuyện gì đang xảy ra vậy nhỉ?
Hai người nhìn nhau bằng ánh mắt kiểu quái gì thế kia? Đang chơi đọ mắt xem ai nhìn không chớp mắt lâu nhất, hay đang giao tiếp với nhau theo kiểu thần giao cách cảm đấy? Tôi - một đứa nhỏ thó con - đứng giữa hai người đàn ông, mà người nào người nấy cũng to con, vạm vỡ phát khiếp.
Bị rơi vào thế đứng giữa thế này nên tôi không biết ứng xử ra sao cho hợp lẽ cả, bởi nguồn cơn cho sự im lặng và thái độ nhìn nhau đầy hằn học đó không phải từ tôi.
Có trời mới biết được nó từ đâu mà ra.
Chàng nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi từ phía sau, trầm ngâm suy nghĩ mất một hồi. Y vẫn đang huyên thuyên với tôi về những gì đã xảy ra với y từ dạo gần đây bằng chất giọng đượm buồn, và về tại sao căn nhà nhỏ của y trong phút chốc hóa thành nắm tro tàn.
Tôi im lặng lắng nghe, tròn xoe mắt khi nghe tới những phân cảnh làm con người ta u buồn, liên tục hỏi han vấn đề buôn bán của Dương dạo này ra sao.
Mấy thông tin đó, có khi cũng có lợi lắm đó chứ chẳng chơi. Tuy tôi không biết cái lợi đó là gì, nhưng có lẽ tôi mơ hồ cảm nhận được rằng chắc chắn nó có thể giúp cho tôi ở trong tương lai. Chỉ tiếc, nó không bao giờ xuất hiện liền, mà phải đợi ta trông mòn con mắt, khi ấy nó mới chịu xuất đầu lộ diện.
"Vậy giờ anh định đi đâu, làm gì với hoàn cảnh như thế này?" Đợi y dứt lời, tôi lên tiếng: "Chỉ e bọn họ vẫn chưa hả giận với chuyện của cha anh nên nhất quyết sẽ quay trở lại tìm. Lúc đó người chịu thiệt là anh mà thôi."
Dương gật đầu, suy nghĩ về câu hỏi của tôi trong giây lát rồi mới đánh bạo nói tiếp:
"Giờ nhà cửa không có, người thân cũng chẳng còn một ai. Kẻ đáng thương chỉ mong được chốn dung thân, không mong gì hơn. Không biết... cô Hạ đây có thể cho tôi..."
Y ngừng lại, ho húng hắng, sau đó tiếp lời: "... Ở với cô được chứ?"
"..." Tôi ngơ người ra nhìn y, không biết nên đáp lại thế nào cho đúng.
Chàng khó tính, từ ngày khởi nghĩa tới giờ cứ nghiêm túc suốt, âu cũng đã đành. Nay y bất ngờ đề nghị như thế, không biết chàng có chịu không. Riêng tôi thì có, bởi một người không còn nơi nào để về như này thì thật chẳng biết nên xoay chuyển thế cuộc ra làm sao.
Ngày xưa tôi cũng thế thôi, không người thân họ hàng, lai lịch, nghề nghiệp còn chẳng có. Đã vậy tôi còn là người từ tương lai từ hơn hai trăm năm trước về đây, khó tránh được ánh nhìn dị nghị, xem xét của người xung quanh.
Chính chàng là người đưa ra lời đề nghị ấy để cho phép tôi ở lại. Hay nói đúng hơn, chính ba anh em nhà này đã mở ra cho tôi một cánh cửa được tiếp tục bơi trong dòng chảy khắc nghiệt, không phải lo tới chuyện mình sẽ bị áp giải thế nào, ra sao. Nhưng đó là chuyện của hồi đó, chuyện bây giờ mới đáng nghĩ hơn cơ.
Giờ mà cho thêm anh chàng kia ở lại thì e rằng sẽ gây khó dễ cho chàng, cũng không thể tùy tiện quyết định được - bởi đây là bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn, không phải quán trọ.
Thôi chết thật rồi.
"Nè, anh thấy sao?" Lúc này tôi mới quay sang nhìn chàng, siết nhẹ lấy bàn tay vẫn chưa chịu buông tha kia.
"Cô muốn cho anh ta ở hay không, đều tùy thuộc vào cô cả," Chàng phân vân đáp, môi mím lại thành một đường mảnh. "Chẳng phải... anh ta đang đề nghị cô hay sao?"
Y vẫn đứng đó, chờ đợi câu trả lời.
"Nhưng mà..." Tôi ngập ngừng, rồi thủ thỉ. "Anh là minh chủ, tôi chỉ là người theo sau nên không có quyền quyết định. Chuyện tốt hay xấu đều do anh tự quyết."
Chàng nhìn tôi, rồi nhìn Dương như thể có nên cho một kẻ lạ mặt như y tùy tiện vào trong doanh trại hay không. Nếu chẳng may y lại là gián điệp được cài vào, thì e mọi chuyện bí mật trước đây đều bại lộ.
Tình huống này cần một nước cờ đúng đắn, chỉ cần sai một li nhỏ thôi, kết quả nhận được chắc chắn sẽ khác.
Đến tôi là người đứng ngoài cuộc còn thấy nặng đầu ghê hơi khi suy nghĩ đến nhiều biến cố có thể xảy ra nếu cho y ở cùng. Nào là mọi kế hoạch sẽ vỡ tan tành nếu y làm gián điệp, âm thầm báo cho bọn quan lại cấp cao biết.
Khi ấy thì khó có thể lường trước được hậu quả của nó ra sao, nhưng mà nghĩ thôi cũng đã thấy rợn cả người. Nhưng nếu không cho thì người ta sẽ đánh giá tôi là người không có lương tâm, ngoảnh mặt làm ngơ trước khó khăn của kẻ khác.
Nhọc nhằn thật.
"Được rồi," Chàng thở dài, sau đó bảo. "Tôi cho phép."
Rồi chàng liếc nhìn y, rắn rỏi nói: "Chỉ cần ngươi không làm nội gián, quân tử sống không ngay thẳng mà còn bất trung là được. Tội nặng như thế, phải chém để làm răn."
Lúc này tôi mới dám an tâm thở phào nhẹ nhõm.
Chắc hẳn chàng đã đánh cược cả mạng sống của mình vào trong cái quyết định cỏn con này nên mới cho phép y ở cùng như thế. Nhìn Dương mừng thầm trong lòng, đôi mắt rạng lên một tia hi vọng, bỗng chốc tôi cũng cảm thấy vui lây cho niềm vui nho nhỏ ấy.
Ván cờ được xoay chuyển, dần dà bước sang trang mới, hẳn y đang nghĩ vậy. Không còn phải nơm nớp lo sợ vì có thể đụng độ bọn quan biện lại ở bất cứ đâu, cũng chẳng cần phải nghĩ xa về miếng ăn qua ngày nữa.
Ầy, được thay đổi như vậy chắc chắn là điều đáng mơ ước của vô vàn người vẫn đang trong tình thế như vậy đó.
Đợi cho y nhìn sang hướng khác, chàng cúi người xuống mà khẽ hỏi với tôi: "Hắn ở cùng với chúng ta, cô vui lắm hay sao mà mặt rạng rỡ thế kia?"
"Ừm. Anh không nghĩ như vậy à?" Tôi gật đầu, tò mò nhìn chàng.
Tay chàng vẫn nắm lấy tay tôi, vô tình chạm vào chiếc vòng đan bằng sợi chỉ đỏ một cách tinh xảo, bông hoa nhỏ bằng bạc rung rinh không ngừng. Và chắc chắn cái chạm đó có chủ đích, xem tôi có còn giữ món quà mà chàng tặng tôi hay không thôi.
"Không," Chàng lắc đầu, phủ nhận hoàn toàn niềm tin của tôi. "Bản doanh của Tây Sơn ta vốn đã nghiêm ngặt, cấm không cho người ngoài vào rồi. Nay chính tôi lại đi phá cái lệ ấy, mặt mũi đâu mà gặp binh lính trong doanh trại đây?"
"Nghĩ thử xem, Nhật Hạ," Chàng bâng quơ đưa tay cốc lên trán tôi một cái. "Lần này chỉ vì thấy hắn ta đáng thương nên tôi mới đành cho hắn ở cùng. Nếu có chuyện, sẽ bị lôi ra trừng phạt cho thỏa đáng."
Tôi khúc khích cười.
Xưa nay chàng không nghiêm nghị như vậy - trừ một vài trường hợp ra thì nhìn chàng có vẻ đáng sợ lắm - đâu, lúc nào cũng cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Từ khi khởi nghĩa đến giờ, chàng ra dáng người lớn hơn hẳn, chứ không còn suốt ngày đòi tôi phải kể tất tần tật những thứ bản thân đang cảm nhận được nữa.
Chắc là để làm gương cho binh sĩ để noi theo minh chủ, bởi người trị nước phải nghiêm thì trong cõi mới được thái bình. Chi bằng đâu đâu cũng thấy người nhu nhược, vừa động binh một cái đã vội cởi giáp quy hàng ngay thì khó mà trị được.
"Không có chuyện đó đâu. Anh khéo nghĩ vừa thôi." Tôi níu lấy ống tay áo của chàng trong vô thức, tiếp tục nhìn ngắm gió thổi, mây trôi.
Thời cuộc thay đổi...
----------------------------------------
Tr đất ơi mai thi rồi mà giờ t vẫn còn thong thả ra chương mới=)) Mấy ai lạc quan được như t cơ chứ=))))
Chắc t lặn tới thứ 6 rồi ngoi lên ra chương tiếp (lịch thi của t tới thứ 5 là hết, tại thứ 6 t thi tuyển chọn đội tuyển Sử nên lặn lâu tới vậy đó).
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro