Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4 - 2: Tựa bóng tùng quân


Hoang đường. Tiếng quát giận dữ của thánh thượng vọng ra từ dinh trong khiến các quan viên đang chầu chực ở dinh ngoài im lặng. Họ len lén nhìn về phía cánh cửa đang khép chặt. Ngọn đuốc cài hai bên cháy đượm, soi rõ khuôn mặt đội cấm vệ đang đứng gác. Từ lúc chập tối, khi quan nội thị nhận tin báo từ đám người dưới rồi tất tả vào thưa lại với thánh thượng, họ đều đã dự liệu được người sẽ nổi cơn thịnh nộ. Hoàng thái tử bao năm nay không ham mê tửu sắc, nay lại bày ra chuyện thử hài kén vợ ngay trong hội, chẳng những phi lễ mà còn rõ là hoang đường. Các quan văn vốn lấy đức làm trọng đều lấy làm chướng tai gai mắt, còn võ tướng thấy bất bình thay cho Đoàn thái úy. Chẳng gì thì Thuần Đức phu nhân cũng vừa mới kinh qua một bận thai nghén không thành, lý gì thái tử chọn đúng lúc này mà cưới thêm vợ lẽ. Thế chẳng quá là tỏ rõ thái độ lạnh nhạt với phu nhân à? Cứ như vậy, bên dưới cái im ắng ở dinh ngoài, lòng người ta sôi sục những khen chê đủ điều. Đoàn thái úy đứng riêng một góc, ông vẫn giữ vẻ điềm tĩnh thường ngày, vẫn đốc thúc, chấn chỉnh các cánh quân canh gác nghiêm ngặt. Có người hiếu kỳ, định hỏi dò ý ông về hoàng thái tử, nhưng trước cái vẻ lầm lì của ông, họ lại thôi.

"Mày... mày giỏi lắm. Sai mày đến đây lo liệu lễ lạt, mày lại mải chuyện giai gái rồi rước về một đứa khố rách áo ôm." Thánh thượng ngồi sau thư án gằn giọng đay nghiến. Trước mặt người, hoàng thái tử vẫn quỳ rạp trên nền gạch, không ngẩng đầu lên. Mãi không nghe thấy con đáp lời, long nhan lại càng thêm hung tợn. "Mày không thèm đáp lời ta đấy phỏng?"

Mục Huyền vẫn quỳ, chàng chậm chạp ngẩng đầu lên nhìn thánh thượng. Trong một thoáng, chàng như hóa về lại thành đứa trẻ con tóc để trái đào lần đầu bước vào điện Thiên An. Ở cái chốn ấy có nền gạch phẳng phiu, có những cột sơn son thiếp vàng và có cả nhà vua ngồi sau thư án. Người đàn ông ấy có vóc người cao lớn, mình khoác áo bào thêu hình rồng cuộn ổ uy nghi, nét mặt nghiêm nghị, dữ dằn khiến cho đứa trẻ sợ hãi. Ông ta cứ nhìn chằm chằm vào nó, nhìn rất lâu rồi mới hỏi đến tên tuổi.

"Bẩm, con không dám." Chàng ngập ngừng, trong lòng chẳng rõ vì đâu lại run lên. Người đang ngồi trên ghế kia không phải bố của chàng mà là thánh thượng. Cái nhìn gườm gườm xoáy xoáy vào chàng của người tựa hồ như đá tảng đang dần đè xuống.

"Đến báng bổ thần Phật để rước con nặc nô kia về mày cũng làm rồi thì còn cái gì không dám nữa?" Thánh thượng nghiến răng nghiến lợi.

"Con mến tài đức của nàng..." Trước khi được triệu kiến, Mục Huyền đã dự liệu phải đối đáp ra sao, nhưng trước mặt thánh thượng, những lời lẽ ấy như bị kìm lại nơi cuống họng.

"Thế thì đem nó về làm hầu rồi thích giai gái ra sao cũng được, đằng này mày bày trò rình rang cho cả thiên hạ nhìn vào." Không đợi thái tử nói dứt câu, thánh thượng lại tiếp tục mắng nhiếc. "Người đâu, giải cái đứa trắc nết mê hoặc thái tử đến đây!"

"Nàng là con nhà lành, con muốn danh chính ngôn thuận rước nàng về nên mới nghĩ ra ngu ý này. Tội là do con, xin người đừng trách phạt nàng." Mục Huyền vội vã, chàng dập đầu thưa lên.

Thánh thượng ngồi trên ghế, người chống tay xuống bàn, thở phì phò mệt nhọc. Một hồi sau, hơi thở ấy dịu lại, tựa hồ là người đã bình tâm được ít nhiều khi nhìn vầng trán của Mục Huyền có vệt trầy rơm rớm máu.

"Ta có mỗi mày là con trai, muốn nọc cổ mày ra đánh cũng phải lo toan trăm bề." Người đưa mắt ra hiệu cho kẻ hầu đem đưa cho chàng mảnh khăn sạch. "Mày và đứa con gái kia đã có gì với nhau hay chưa?"

"Bẩm, nàng là người đức hạnh, lúc nào cũng giữ lễ với con." Thái tử đáp.

Nghe vậy, thánh thượng như nguôi ngoai cơn giận. Người nhìn con trai đang quỳ trước mặt mà thở dài. Thái tử cũng đã ngoài hăm mươi, tuổi tác không còn trẻ dại nữa nhưng đến giờ vẫn chẳng có nổi mụn con. Người từng nghĩ phải giục nó lấy thêm vợ để đường con cái của nó bớt lận đận mà cũng cho thiên hạ thôi dị nghị, có điều người còn ngại hai vợ chồng nó đang hương lửa mặn nồng, nào tiện cho kẻ khác chen vào. Rồi thánh thượng lại nhớ lời Đoàn thái úy tâu lên mấy ngày trước về chuyện thái tử hò hẹn với con gái nhà hàng vải mà nhìn kỹ vết trầy trên trán đứa con trai đang quỳ rạp người. Nhẽ nào nó vừa mắt cái đứa kia thật? Thôi, thôi, anh yêu thầy mẹ cũng yêu, anh yêu thầy mẹ cũng chiều cho anh. Thánh thượng nhớ đến câu than vãn bất lực ấy mà phẩy tay ra hiệu cho thái tử đứng dậy. Dưới gầm trời này, kẻ làm cha mẹ dù sang hèn thế nào cũng chung một tấm lòng như vậy, chứ chẳng cứ gì những bậc phụ mẫu trong dân gian. Đoạn người lại lệnh kẻ dưới sắm sửa trầu cau sính lễ gửi đến nhà hàng vải để dạm hỏi con gái nhà người ta. Người dặn dò kỹ, chỉ sắp đủ chứ không được thừa, mỗi món đều lấy thứ vừa dùng tuyệt tránh những thứ thượng hạng trong quan xưởng, lại cũng chẳng thiết tha gì đến việc chọn chữ ban tên như ngày trước người từng làm khi thái tử lên duyên với con gái quan thái úy. Từng ấy lời dặn dò phong thanh truyền ra ngoài đều tỏ rõ cái ý không vừa lòng của thánh thượng. Người ta chắc mẩm thêm là thái tử cũng chịu phạt nặng mới rước được nàng thôn nữ vào cung. Đúng rồi, phải thế, các võ tướng gật gù hả hê khi thấy trên trán thái tử hiện một vệt đỏ ửng, nom như do dập đầu tạ tội mà thành. Họ không dám nói ra mồm, nhưng trong lòng đều cho rằng chàng đáng bị thế, rằng thánh thượng hẵng còn anh minh, rồi đứa con gái sắp vào cung kia cũng chỉ như thứ hương đồng gió nội mua vui trong dăm bữa nửa tháng chứ chẳng thể lấn lướt được Thuần Đức phu nhân.

"Thái tử còn trẻ, có thêm người nâng khăn sửa túi âu cũng là chuyện thường. Cớ gì các ông cứ phải bàn tán mãi." Mấy ngày sau đấy, thái úy họ Đoàn thường hay tặc lưỡi nói với đám đồng liêu vốn toàn các tướng lĩnh đã theo ông chinh chiến bao năm như thế để dẹp đi những lời bàn tán dọc đường hồi kinh.

"Kìa, quan thái úy có biết, đến cả thánh thượng cũng chướng mắt hay không?" Có kẻ đáp lời ngay.

"Thân làm bầy tôi sao dám cả gan đoán ý thánh thượng?" Đoàn Thái Trác nghiêm giọng, đoạn xua tay để đám người tản đi.

Cố nhiên thái úy theo hầu thánh thượng thì sao lại không rõ người giận thái tử đến nhường nào. Dễ là đã được non mười ngày lưu lại hành cung Lỵ Nhân người chẳng cho vời chàng ta vào hầu. Nhưng ruột rà máu mủ của thánh thượng, người sẽ vẫn mắt nhắm mắt mở mà bỏ qua. Huống hồ... ông cũng rõ mọi sự cũng chỉ vì Thuần Đức phu nhân đã bốn năm nay không sinh đẻ được. Ví thử là trong dân gian, đấy chẳng khác nào tội tày đình, nói gì đến nhà vua chúa. Giả mà cứ lắm điều thêm nữa, ắt sẽ chọc cho long nhan giận dữ. Quan thái úy nghĩ như vậy nên không để tâm nhiều, ông cũng mượn vài dịp tỏ rõ cái ý đấy với đồng liêu cùng thuộc hạ dưới quyền, cốt sao để họ giữ mồm. Biết lúc nào tiến, lúc nào lùi, ấy mới là kẻ khôn. Dẫu vậy, khi đứng ở mạn thuyền, nhìn thấy thái tử nhởn nhơ cười nói với con giai nhà Đông Chính hầu, trong lòng quan thái úy lại thấy không vui.

"Tôi có nghe kẻ dưới bẩm lại, mấy hôm trước điện hạ đến chùa Diên Khánh." Trung thư thị lang Đinh Lập Thạch bước ra từ khoang thuyền, ông đứng cạnh quan thái úy.

"Điện hạ hẵng còn nặng nghĩa thầy trò với Lý Anh, ông lạ gì nữa." Đoàn Thái Trác thở dài. "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy."

"Thật là ông nghĩ thế?" Vị văn quan trạc ngoài ngũ tuần nhìn sang người đứng cạnh mà hỏi. Bao năm nay làm quan đồng triều, thờ chung một chủ với Thái Trác, Lập Thạch ít nhiều cũng hiểu được ông ta. Ý và lời của Đoàn thái úy lắm lúc không đi liền với nhau.

Đoàn thái úy thở hắt ra như đang nín cười. Người ta thường nói quan võ không ưa quan văn, nhưng thỉnh thoảng ông lại thấy Lập Thạch còn nhìn thấu được mình hơn cả tướng lĩnh thân cận, dẫu lắm lúc chẳng ai vừa mắt ai. Lý Anh khi còn làm quan giữ chức gián nghị đại phu, được kề cận thánh thượng để bàn quốc sự. Con người ấy, trong mắt cả Đoàn Thái Trác lẫn Đinh Lập Thạch, đều là kẻ cương trực, ngay thẳng. Có điều, ông ta không được lòng người khác. Năm Kiến Hưng thứ năm, Lý Anh dâng sớ xin mở khoa cử rộng rãi, chiêu mộ hiền tài trong đám hàn sĩ chốn dân gian. Từng câu từng chữ đều thống thiết vô cùng, khiến thánh thượng ngợi khen không ngớt trên điện Thiên An. Nhưng ẩn trong những lời ấy, triều thần đều nhìn ra ý tứ muốn nâng văn hạ võ, chuộng lớp người trẻ ruồng bỏ kẻ già. Thế thì quá lắm, quan lại ngồi ở khu mật viện lẫn thượng thư sảnh và trung thư sảnh nếu không là lão thần thì cũng là dũng tướng, đi theo phò tá từ thời tiên đế, quá nửa đều dây mơ rễ má đến các thế gia. Ấy vậy mà Lý Anh lại muốn gạt đi già nửa cho lũ trẻ ranh thế vào, cốt để cái mộng văn trị của riêng mình được thành. Cả ban văn và ban võ vì lẽ đấy đều xem ông ta như cái gai trong mắt, như dằm đâm tay, để thì nhức nhối không yên mà cố sức nhổ bỏ lại không phải việc dễ. Nhưng đang lúc Lý Anh thắng thế trên triều, đất trại phía nam lại nổi lên quân làm phản, rồi liền mấy năm liên tiếp phải động đến binh đao. Võ ban nhờ thế mà trở cờ, được trọng dụng, vinh hiển chẳng kém gì thời thái tổ xưa kia. Năm Kiến Hưng thứ chín, Lý Anh phụng lệnh giám sát khoa thi đình nhưng lơ là trọng trách, khiến thánh thượng nổi giận. Kể từ đấy, quan lộ lẫn gia cảnh của ông ta sa sút không ngóc đầu lên được. Sau cùng, Lý Anh cáo quan, xuống tóc xuất gia. Với Đoàn Thái Trác mà nói, ông xem cái sự lên voi xuống chó của Lý Anh như quả đắng kết thành từ thói khinh người, không biết nặng nhẹ. Gián nghị đại phu thành sư chùa làng, kể cũng đáng đời. Dẫu vậy, Đoàn thái úy lại trầm ngâm, cặp mắt lúc hơi nheo dưới nắng nhìn về phía khoang thuyền đối diện có một thoáng phảng phất nét hung hiểm, hao hao giống loài chim ưng đang rình săn mồi.

"Điện hạ trọng nghĩa thầy trò với Lý Anh mới ra chuyện, lẽ nào ông lại không biết." Quan thái úy nói.

"Tên tri huyện ông có lời xin thánh thượng cất nhắc cũng là học trò của Lý Anh." Đinh Lập Thạch lấy ra từ túi vải dắt bên mình một miếng trầu. Con thuyền lướt êm trên mặt sông hơi chao đảo làm ông đánh rơi nó xuống nước. "Điện hạ hình như có lưu tâm đến tay đấy."

"Lý Anh đi từ hàn lâm viện lên, giờ để trò nối gót thầy có gì không thấu đáo nào?" Đoàn thái úy cười nhạt, đoạn ông lại thở dài. Hàn lâm viện có thêm một kẻ ngồi rỗi cũng chỉ như kê thêm cái ghế mà thôi, nhưng phải tách Chu Cao Mân ra khỏi hoàng thái tử, không để cho chàng ta tạo bè kết cánh trong triều.

"Điện hạ còn trẻ người non dạ, khó tránh được lắm khi lòng dễ ngả nghiêng theo lời kẻ khác. Giả như mà..." Vị quan văn hạ giọng, vừa lúc đám phu thuyền đưa mái chèo rảo tay hơn làm nước reo lên từng đợt gấp gáp. Câu nói của ông bị bỏ lửng, nhưng thái úy vẫn hiểu được ý tứ. Giả như mà hoàng thái tử đang ở bên thuyền đằng kia học theo trò nâng văn hạ võ, trọng trẻ khinh già giống Lý Anh ngày trước, thì triều đình rồi sẽ chao đảo thêm một phen. Chàng ta để Đoàn thái úy đưa Chu Cao Mân về kinh, rồi lại quyết lấy con gái nhà thường dân, đấy mười mươi đã là mang lòng muốn xa lánh quan lại, thế gia ở kinh thành.

"Đành phải xem ý thánh thượng vậy." Đám phu thuyền lại hò lớn, át đi lời quan thái úy. Thánh thượng hẵng còn khang kiện, lo gì người không biết tâm ý hoàng thái tử mà răn dạy? Huống hồ quyền bính vẫn trong tay ông, chỉ cần thái tử sớm có hoàng tôn, thì cái ngôi đông cung chàng ta đang ngồi cũng nào đã vững. Khi thuyền vượt được dòng nước siết, lướt đi êm trở lại trên mặt sông Châu, thái úy và trung thư thị lang được thánh thượng cho vời, vừa khéo lúc ấy hoàng thái tử cũng nhìn thấy họ. Hai vị quan cúi người hành lễ, phía bên kia, chàng ta cùng con trai Đông Chính hầu cũng đáp lại cho phải phép. Đoạn, họ xoay người theo nội thị vào trong khoang thuyền rồng, phụng mệnh thánh thượng.

Quan thái úy và trung thư thị lang vừa đi khuất, nét mặt Mục Huyền đã nghiêm lại đôi phần. Câu chuyện đang nói dang dở với Huy Vũ cũng bị gác sang một bên, mắt chàng nhìn chăm chú khoang thuyền phía đối diện. Qua những ô cửa gỗ treo mành, chàng thấp thoáng thấy thánh thượng ngồi sau thư án, người đang nghe cả hai viên quan tấu trình. Có lẽ là chuyện châu Nghệ An bị đám thổ phỉ người Chân Lạp cướp phá mà ngày hôm qua lính trạm cưỡi ngựa liên tục từ Thăng Long đến hành cung để báo tin.

"Vũ này, hình như đầu tháng trước bộ Hộ cho người về châu Hoan châu Ái để đo đạc lại ruộng thác đao phải không?" Mục Huyền hỏi cậu em họ.

"Vâng, thưa điện hạ. Cuối năm ngoái, quan thượng thư có dâng sớ lên thánh thượng, xin kiểm lại đất thưởng cho các lão tướng theo hầu thái tổ. Ai đã khuất núi thì triều đình phải thu lại đất đã ban. Điện hạ chẳng đã bàn với ông ấy để cho Đỗ Tuấn đi còn gì?" Huy Vũ cũng ngó nghiêng nhìn về phía khoang thuyền đối diện.

"Thế giờ anh ta đã về kinh chưa?" Hoàng thái tử xoay người lại hỏi, nét mặt chàng khiến cậu em họ cũng phải chột dạ mà chấn chỉnh phong tư cho ra dáng một hàn lâm học sĩ.

"Bẩm điện hạ, trước lúc thánh thượng di giá về Đọi Sơn, em có nghe phong thanh là anh ấy đang trên đường từ Nghệ An ra. Bấm đốt tay nếu thuận buồm xuôi gió thì chắc giờ đã ở kinh rồi. Chẳng hay điện hạ có gì cần sai bảo ạ?" Cậu ấm phủ Đông Chính hầu đáp một hơi, trong lòng đoán chắc mười mươi vào lúc này mà hoàng thái tử hỏi đến Đỗ Tuấn thì ít nhiều người cũng muốn dò la tin tức về đám phỉ Chân Lạp kia.

"Ngày mai hồi kinh, có khi mày phải đến phủ thiếu úy bái kiến Đỗ Niệm một chuyến, chẳng gì cũng sắp lấy con gái nhà người ta." Mục Huyền chậm rãi đi về phía khoang thuyền, vừa đi chàng vừa căn dặn em họ mình.

"Bẩm, em xin vâng ạ." Huy Vũ lễ phép.

"Nếu gặp Đỗ Tuấn, cứ chuyển lời của ta hỏi thăm anh ta." Hoàng thái tử hạ giọng, chàng đưa tay nâng tấm mành tre, bước vào khoang thuyền. Thánh thượng cho vời cả thái úy lẫn quan trung thư thị lang họ Đinh, chàng ngờ rằng sự tình ở Nghệ An ắt không phải chỉ là chuyện dân man mọi vào quấy phá gia trang như mọi lần. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro