Chương 2-3: Ngô đồng
Thuở tiền triều còn hưng vượng, dân Đọi Sơn năm nào cũng được nhận phần vẻ vang là chốn cho vua tế Thần Nông, hạ lưỡi cày tịch điền mỗi bận xuân về. Chốn nào thiên tử ngự giá thì chốn ấy như được ban ơn trạch sâu dày, thế nên dân ở đây xin được lập nhà hiến để làm chỗ dâng cơm cho người. Lệ này vẫn giữ đến tận giờ, lề thói không đổi khác với xưa là mấy. Những mâm đồng to bày biện đủ của ngon được người làng bê đến trước ngự tiền, mâm nào mâm nấy đều do hai thanh niên ăn mặc đẹp nâng lên vai khiêng, đi theo sau các cao niên đạo mạo, quắc thước. Mục Huyền nhìn thấy nét mặt hài lòng của thánh thượng khi dân chúng dâng lên đĩa xôi nấu từ nếp trồng trên ruộng tịch điền năm ngoái. Người chỉ xắn một góc nhỏ, nhìn một hồi rồi ăn. Hạt nếp tròn mẩy, bóng mướt như được thoa mỡ lợn, tuy dẻo nhưng khô chứ không nát. Thánh thượng ban phần còn lại cho hoàng thái tử và các quan theo hầu, ai cũng đều phải gật gù khen ngợi. Năm nay cứ giữ gieo lại giống này, thánh thượng truyền khẩu dụ. Dân chúng và quan viên địa phương đều nhất tề cúi người vâng mệnh. Thánh thượng dùng thiện không nhiều, nhưng hễ cứ là cơm canh mà dân làng hiến, người đều nếm một ít để họ yên lòng. Qua giờ ngự thiện, quan nội thị thỉnh thánh thượng di giá sang dinh trong nghỉ ngơi. Các quan viên từ kinh thành đến Đọi Sơn được xếp cho nghỉ ở dinh ngoài. Mục Huyền theo thánh thượng, chàng theo phép thường đứng hầu cạnh sập gỗ, phía đầu kia sập là quan thái úy. Đoàn Thái Trác nom gầy hẳn đi, trên bắp tay trái hẵng còn đang băng vải nên dày cộm hẳn lên. Thánh thượng nhặt trầu nên, tự tay đưa cho ông ta, lại ban thêm một chén nước chè. Đoạn người hỏi Đoàn thái úy về thế cục ở mạn Bắc.
"Bẩm thánh thượng, thổ phỉ là cái nạn trước mắt, ví thử cần người phải bận lòng thì Can thị đáng hơn." Đoàn Thái Trác quỳ sụp xuống, tay đan vào nhau mà thưa. "Mấy năm nay chúng dung túng cho thổ phỉ làm loạn, đánh cướp đoàn buôn của ta, khiến lái buôn hễ tìm đường đến bạc dịch trường trên đất Tống đều kinh hồn bạt vía. Nếu không phải mưu đồ bất chính thì sao lại làm vậy? Chi bằng thánh thượng cứ để thần cùng các tướng lĩnh đánh dẹp lũ man mọi ấy một lượt để tránh họa ngày sau."
Lời ông ta cũng có lý, Mục Huyền thầm nghĩ. Kỳ thực những gì Đoàn Thái Trác nói chính là cái chàng ấp ủ trong lòng. Mạn bắc qua các đời đều giao về tay các chúa châu, dẫu rằng họ chịu quy phục triều đình, nhưng người thượng với người xuôi cách ăn ở khác nhau, chẳng biết cái sự quy phục ấy có nối được hết đời này sang đời khác hay không? Đoàn thái ủy là kẻ võ biền, ông ta muốn dùng uy trấn áp các chúa châu và động chủ, cách này nhanh chóng lại dẹp được mối nguy lâu dài. Vậy mà thánh thượng lần nữa thoái thác, người ưa đức trị, dùng lễ đối đãi với dân chúng xứ đấy. Mục Huyền vẫn đứng yên lặng chờ thánh thượng đáp lời. Có một thoáng, chàng bắt gặp ánh mắt dò xét của Đoàn Thái Trác nhìn về phía mình.
"Năm nay đã dân động đã nộp đủ cống vật, ông cũng không bắt được tận tay Can Lộc nuôi thổ phỉ. Vô duyên vô cớ dấy can qua, chẳng quá là ta thành kẻ hôn quân bạc đức?" Thánh thượng nhổ bã trầu vào ống, đoạn người khăn lau khóe miệng. Sau rốt, ý tứ của người vẫn không suy chuyển. "Ta thấy quan thái úy chớ nên khắc nghiệt quá với Can Lộc, thân phụ nó phù trợ tiên đế, cúc cung tận tụy, nó trẻ người non dạ phạm lỗi nhỏ thì cũng nên nhìn vào phúc ấm của tổ tiên nó để lại mà chín bỏ làm mười, chỉ nên răn đe chứ không truy cùng đuổi tận."
"Bẩm, thần xin nghe theo thánh thượng." Đoàn thái úy vẫn quỳ trên nền đất mà thưa.
"Ông vừa về đến kinh đã lại phải theo hầu trẫm, thương thế cũng chưa lành, thôi lui đi mà dưỡng sức." Thánh thượng phẩy tay. Nhưng rồi người lại thấy quan thái úy vẻ ngần ngừ chưa muốn lui ra.
"Bẩm thánh thượng, thần về kinh vẫn chưa đến thăm Thuần Đức phu nhân, giờ nhân có điện hạ ở đây thần muốn hỏi thăm phu nhân. Chẳng hay bệnh tình của phu nhân độ này thuyên giảm hay chưa?" Thái úy chắp tay tha thiết thưa lên. Thuần Đức phu nhân là con gái ông, trước lúc theo thánh thượng xuôi về Đọi Sơn, dẫu rất muốn đến thăm con nhưng hiềm nỗi hoàng thái tử đi vắng, việc thăm nom cung Long Đức không tiện nên ông đành gác lại, chờ dịp khác.
"Nhờ ơn thánh thượng, gặp đúng thầy đúng thuốc, bệnh của Thuần Đức mười phần cũng đã lại được bẩy. Thái úy chớ lo lắng quá mà hại người." Mục Huyền đáp.
"Bẩm, thần chỉ ngại phu nhân ốm đau, không lo toan hầu hạ chu đáo cho điện hạ được, sợ người chê trách. Giờ biết điện hạ thương yêu phu nhân như vậy, dẫu phải nghe lời ong tiếng ve thần cũng vẫn thấy yên lòng." Thái úy dập đầu ba lần, ông nói như dốc sạch gan ruột ra.
"Ông nghe được chuyện gì hử?" Thánh thượng nhận chén chè mạn do quan nội thị dâng lên.
"Bẩm thánh thượng, cũng rặt là lời đơm đặt của lũ dân đen ngồi lê đôi mách. Thánh thượng và điện hạ nghe được chỉ tổ bẩn tai." Đoàn thái úy thoái thác, toan hành lễ xin cáo lui, nhưng tiếng hắng giọng của thánh thượng lại khiến ông ta không dám nhúc nhích. Đoàn Thái Trác vẫn quỳ mọp dưới đất, mãi một lúc sau ông ta mới dè dặt tâu lại lời mắt thấy tai nghe trong dân gian. "Chả biết chúng nghe hơi nồi chõ từ đâu, có kẻ bẩm lên vu cho điện hạ mấy đêm trước tư tình với con gái nhà hàng vải."
Khuôn mặt Mục Huyền đanh lại. Tư tình trai gái vốn không phải chuyện cấm kỵ, nhưng vào cái lúc từ thánh thượng đến quan viên đều giữ thân thanh tịnh để làm tế lễ, nó khắc sẽ hóa thành tội tày đình. Thánh thượng nhíu mày, người nhìn chàng, vẻ như đang chờ nghe xem chàng biện bạch thế nào.
"Con dẫu có là kẻ ngu dốt cũng vẫn biết lễ nghĩa, chuyện tổn đức như vậy con không dám phạm vào. Xin thánh thượng soi xét." Mục Huyền quỳ xuống nền đất, chàng dập đầu thưa.
Chàng như cảm được cái nhìn nghiêm nghị, xét nét của thánh thượng. Mỗi bận có kẻ tâu với người về lỗi lầm chàng phạm phải, người sẽ đều nhìn chàng bằng ánh mắt ấy. Hiếm khi thánh thượng nổi giận với chàng, nhưng thà rằng người quát tháo thì có lẽ chàng sẽ thấy nhẹ lòng hơn, vì thế nghĩa là người không xem chàng như bề tôi. Thuở bé, Mục Huyền sợ cái nhìn và cả sự im lặng của thánh thượng, rồi dần dà, lớn lên nỗi sợ ấy trở thành lòng thù ghét ngấm ngầm mà để đối chọi lại chàng đành bày ra một vẻ lãnh đạm với nó. Dẫu vậy, nó vẫn khiến chàng khó chịu trong lòng, tựa vết kiến cắn làm người ta nhức nhối, ngứa ngáy râm ran. Thánh thượng lại sai người rót chè. Dinh trong giờ lặng như tờ, tiếng nước tuôn từ vòi ấm tử sa trút vào chén ngọc, nghe róc rách khuấy đảo chốc lát rồi lịm đi.
"Không dám thì tốt. Miệng thiên hạ đến ta làm vua cũng chả quản được." Một lúc sau, thánh thượng mới hắng giọng, đoạn quay sang giục Đoàn thái úy lui về nghỉ ngơi.
Thánh thượng giữ Mục Huyền lại, người đợi đến lúc thái úy đi khuất mới hỏi chàng về Can thị. Đấy tựa hồ là một câu đố, chàng nghĩ, người sẽ nhìn vào cách chàng đối đáp mà quyết xem lời đồn kia thực hư thế nào. Chàng lưỡng lự giữa việc nói ra ý định đã ấp ủ trong lòng với ngả theo ý tứ mà chàng biết rõ mười mươi sẽ làm đẹp lòng thánh thượng. Dân động ở mạn Bắc vẫn thường nhộn nhạo, từ thời thái tổ, triều đình liên tục mượn việc liên hôn để kết thân với họ. Thế nhưng trần đời ai lại không muốn lên làm ông vua bà chúa, ngồi ngai cửu trùng? Chẳng qua đến giờ mới có một kẻ đủ to gan mà lồ lộ cái chí đấy ra thôi. Chi bằng nhân lúc kẻ ấy chưa đủ lông đủ cánh để dấy binh làm phản, đánh rắn dập đầu để những kẻ khác nhìn đấy làm gương, đến cả nghĩ thôi cũng không dám nuôi dạ bất chính. Mục Huyền bẩm lên một hơi, chàng quyết là chẳng cần tha thiết gì đến chuyện nịnh bợ thánh thượng. Nhưng ai sẽ đánh Can Thị? Đột nhiên, thánh thượng hỏi tiếp. Trong một thoáng luống cuống, chàng toan buột miệng thưa là Đoàn thái úy, may mà kịp nuốt lại vào bụng. Tướng nào đánh Can Lộc chẳng làm lợi cho thánh thượng, chàng đáp.
"Ta thì cần gì thứ danh lợi phù du đấy." Đoạn thánh thượng bật cười như vừa nghe chuyện vui tai. "Mấy hôm nữa về kinh, ta sẽ sai người hầu đem cho Thuần Đức hai củ sâm quý để nó bồi bổ. Chuyện con cái, con cũng đừng nóng ruột quá."
Mục Huyền vái tạ. Thánh thượng đang khen hay chê cái chí của chàng đây? Đầu chàng mông lung câu hỏi. Còn chuyện ban sâm quý cho vợ chàng, kể cũng là trong cái rủi có cái may, dường như người xem lời tố giác của Đoàn thái úy ngang với một cách tỏ rõ nỗi buồn đau đang âm ỉ nơi cõi lòng chàng về chuyện hiếm muộn con cái.
*
* *
Đêm trăng non, cả khúc sông vắng lặng. Ánh đèn vàng rộn tỏa ra từ con thuyền neo đậu bên bãi sậy hóa thành vầng rực rỡ, hắt bóng loang lổ xuống mặt nước bồng bềnh. Mục Huyền trên mạn thuyền, chàng và Huy Vũ mỗi người ôm một vò rượu quế thơm. Đêm nay trời quang đãng nên cung nguyệt mới chỉ là vệt liềm lơ lửng trên vòm trời, thì tinh tú lấp lánh điểm quanh nom cũng thích mắt thỏa dạ tao nhân mặc khách. Chàng rót rượu ra bát chiết yêu, nhẩn nha thưởng mùi men nồng rồi mới nhấm nháp một ngụm cay đượm. Rượu vừa vào miệng, thoạt tiên đầu lưỡi đã nếm được vị ngọt nhàn nhạt xen lẫn với vị đắng lưng chừng, sau đấy trôi xuống cổ họng thì bung ra thành cay xè, hơi nóng xộc lên cả mũi lẫn hốc mắt khiến chàng phải hít vào thật sâu một làn hơi đẫm sương lạnh. Cảm giác cay rát nơi cổ họng dịu lại, chỉ còn the the, lắng dần thành hơi ấm nằm gọn trong ổ bụng. Huy Vũ cũng rót một bát, nhưng không tham uống như anh họ, chàng nhấp đủ ướt môi, cốt để thử vị thử hương cho biết. Thánh thượng đã ngự giá đến đây, cả chàng lẫn hoàng thái tử đều phải thận trọng mà phòng xa mọi nhẽ. Chuyện buổi trưa ở dinh trong, Huy Vũ đã nghe người hầu thuật lại. Chàng cũng hỏi Thận chuyện tư tình gái trai kia nên hiểu được lý gì Mục Huyền không thanh minh nửa lời với thánh thượng. Họa từ mồm tên tri huyện chứ đâu, Huy Vũ lẩm bẩm. Những lời bực dọc của chàng lọt vào tai hoàng thái tử, làm cho chàng ta nhếch môi cười nhạt. Đúng là thế thật, Mục Huyền đáp. Thế nhưng, có vậy mới biết Đoàn thái úy quyền uy nhường nào, đến cả kẻ liêm khiết tưởng chừng không bao giờ chịu khom lưng uốn gối như Chu Cao Mân cũng dễ dàng trở thành tai mắt cho ông ta. Chẳng trách mà thái úy lại dám nghĩ đến chuyện làm chúa quản một vùng sơn cước ở Thượng Nguyên. Chàng thở dài, tay nâng vò rót thêm bát rượu nữa. Đoạn chàng hỏi Huy Vũ về chuyện trên kinh, về cung Long Đức.
"Phu nhân có gửi em đem vàng và vải gấm đến cho anh đấy. Hình như thái úy không biết chuyện này đâu." Huy Vũ mau mắn, đến giờ chàng mới đoán ra số của nả ấy dùng để con gái phu nhân Trần thị thêm vào lo chuyện cưới xin. Hoàng thái tử hỏi chuyện gần xa, âu cũng chỉ để thăm dò xem phu nhân Thuần Đức có hé ra lời nào với nhà đẻ hay không.
"Ngày mai đưa hết cho Thận để anh ta cửa người chuyển về Mai Xá." Mục Huyền trầm giọng. Mấy hôm nay người chàng cử đi nghe ngóng bẩm về rằng gia cảnh nhà ông quản giáp độ này sa sút, tiêu điều, đến cả tiền nộp cheo cho cái Nhàn cưới chồng cũng phải đi vay mượn. Lòng chàng buồn bã khi nghĩ về cảnh ấy. Vàng bạc mà giờ Mục Huyền cho Nhàn cũng không đền đáp đủ ân tình ngày trước mẹ con chàng đã nhận, thế nên chàng tặc lưỡi, thây kệ mọi sự đời, miễn là chuyện chồng con của em gái chàng được xuôi chèo mát mái.
"Chị ấy cũng nhắc anh giữ sức khỏe..." Huy Vũ rón rén đặt bát rượu xuống sàn gỗ, chàng nghe thấy tiếng trống điểm canh vọng lại từ phía đằng xa.
"Tao khỏe như vâm, chỉ giỏi lo bò trắng răng." Hoàng thái tử thoắt cái trở nên cáu kỉnh. Những lời chàng nghe quan thái ủy thưa với thánh thượng lúc buổi trưa lại hiện ra rõ mồn một, khiến cho chàng bực bội. Trước mặt thánh thượng, ông ta dám đe nẹt chàng. Hẳn là cái sự lạnh nhạt khách sáo của chàng với Thuần Đức đã được gió thổi đến tận phủ thái úy.
"Vợ chồng có lòng mới hỏi đến nhau, anh lại gắt như mắm tôm như thế." Chàng thanh niên bĩu môi, không thể hiểu được vì sao hoàng thái tử luôn xem Thuần Đức phu nhân như kẻ thù. Mấy năm nay, người ngoài nhìn vào chỉ thấy hoàng thái tử sáng sớm lên triều lo phụ chính, tối muộn về nhà chong đèn đọc sách đến khuya, mà nghĩ là chàng ta thương yêu vợ hiền nên không buồn cưới thêm vợ lẽ. Nhưng trong chăn mới biết chăn có rận, Huy Vũ qua lại cung Long Đức mới hay cái tình nghĩa vợ chồng ấy nhạt như nước ốc. Mãi đến cuối năm ngoái, phu nhân Thuần Đức mới thấy thèm của chua, có điều là ngày vui ngắn tày gang. Chị ấy cũng ăn ở hiền lành, Huy Vũ nghĩ, cứ vì thù hằn với Đoàn thái úy mà dày vò người ta nào phải chuyện hay hớm gì.
"Ai biết ma ăn cỗ lúc nào." Mục Huyền nghe xong, tợp một ngụm rượu rồi nguýt dài. Thuần Đức là người tri thư đạt lễ, mấy năm nay nàng quán xuyến việc nhà cũng tươm tất đâu ra đấy, nhưng vì như thế chàng mới càng ngứa mắt. Người hiểu lễ nghĩa lại càng không dám làm trái lễ nghĩa. Giữa cái tình chồng vợ hờ hững với hiếu nghĩa thâm ân dành cho bố đẻ, chắc gì nàng không nghe theo thân thích ruột thịt?
"Anh chê chị ấy, cũng không lấy vợ lẽ, thế thì hòng gì đẻ được hoàng tôn." Trong lúc hơi ngà ngà vì rượu, Huy Vũ không kiêng nể mà căn vặn lại.
Lời Huy Vũ buột miệng nói ra khiến Mục Huyền sững người, rượu sóng ra khỏi viền bát chiết yêu mà chàng đang cầm trên tay. Kỳ thực, chàng chưa nghĩ đến chuyện con cái, thành gia lập thất rồi thì sớm muộn gì chẳng kinh qua, sao phải nghĩ ngợi về chuyện cố nhiên như thế. Nhưng sau hôm từ chỗ phu tử về, thỉnh thoảng chàng vẫn mông lung nghĩ đến nó... Đang lúc chàng và Huy Vũ mê mải thưởng rượu, phía đuôi thuyền có tiếng lính canh nháo nhác, liền sau đấy lại là tiếng vẫy vùng đạp nước như người ngã xuống sông. Mục Huyền tức thì tan hơi men, chàng đặt vò rượu lẫn bát uống sang một bên rồi đứng dậy đi xem xem chuyện gì ồn ào đến vậy. Mạn đuôi thuyền đèn đuốc sáng trưng, chàng nhìn thấy có người con gái đang ngồi ho sặc sụa. Lính canh thưa lên rằng vừa vớt được nàng từ dưới sông, chắc là người vùng này. Mục Huyền nhìn một lượt, chàng sai người đem cho nàng ta manh áo tơi rồi điệu xuống thuyền để tránh gây thêm điều tiếng.
"Cái nhà chị kia, không tạ ơn điện hạ đi à. May phúc cho nhà chị đấy nhé." Lính canh quát.
Nàng cúi rạp người nhặt manh áo tơi mà lính canh sỗ sàng vứt xuống trước mặt, miệng run rẩy tạ ơn. Trong một thoáng chóng vánh, nàng ngước lên nhìn Mục Huyền rồi bối rối, thẫn thờ cúp xuống. Một thoáng đấy thôi dung nhan nàng lọt vào mắt chàng, níu chân chàng ở lại mạn thuyền này. Phía đằng xa chớp nhá lên trên nền trời quang đãng, đủ để chàng nhìn thấy rõ cổ thụ vươn ngông nghênh trên bờ sông. Hình như Huy Vũ nói rằng cây ấy là cây ngô đồng.
"Nàng tên là gì?" Chàng hỏi.
"Khanh... Bẩm điện hạ, tôi họ Lương, tên là Khanh." Nàng càng run rẩy hơn, người nhích lùi lại phía sau.
"Chữ Khanh là chữ Khanh nào?" Mục Huyền hỏi tiếp, chàng nhận ra cái giọng êm dịu này nghe quen tai lắm.
"Khanh trong câu 'cổ sắt hi, khanh nhĩ, xả sắt nhi tác, đối viết: Dị hồ tam tử giả chi soạn'" (1) Nàng quỳ xuống thành thật.
"Ra là thế." Chàng à lên.
"Tôi có việc nên mới đi ngang qua đây, chẳng may... chẳng may trượt chân ngã xuống nước. Ơn cứu mạng của điện hạ, tôi xin kết cỏ ngậm vành." Nàng luống cuống phân trần.
"Nếu đã mang ơn, chẳng thà nàng trả ơn luôn đi." Nói đoạn, chàng sai người đem cơi trầu đến, tự tay chàng lấy trong đấy ra một miếng trầu têm cánh phượng rồi dúi vào tay nàng.
Nhìn miếng trầu têm khéo ấy trên tay, người thiếu nữ ngơ ngác, đến lúc hiểu ra ý chàng, khuôn mặt nàng tái đi vì sợ. Nàng đã toan hất nó đi, nhưng lại không dám phạm thượng.
"Tôi chỉ là con nhà hàng vải, phận con sâu cái kiến không dám mơ tưởng cao sang. Ơn cứu mạng cả đời không dám quên, nhưng nếp nhà cũng không dung thói lẳng lơ bất chính. Giả như điện hạ ép tôi làm trái nếp nhà.." Cả người nàng run lên bần bật dưới lớp áo tơi.
"Thì nàng định làm gì?" Mục Huyền nhìn nàng như nhìn một con nai bị dồn vào đường cùng, cái vẻ sợ sệt nhưng vẫn cứng miệng nói lễ nghĩa này giống hệt tên tri huyện họ Chu kia.
Thiếu nữ hít thật sâu, thình lình nàng chạy đến sát mũi thuyền rồi nhảy xuống dòng nước đen thăm thẳm. Mục Huyền cầm đuốc lững thững đi theo.
"Cứ để cho uống no một bụng nước, bao giờ nghe tiếng quẫy yếu đi nửa phần thì hẵng vớt lên." Nhìn nàng vùng vẫy chìm nổi, ngụp lặn như kẻ sắp chết đuối đến nơi, chàng gọi tên lính canh đến căn dặn.
Nước khúc này nông lắm, chết thế nào được, chàng nghĩ. Mắt chàng nhìn về phía cái cây phía đằng xa, trong đầu nhớ đến câu phượng tê ngô đồng, cố tri phượng chỉ (2) mà nhếch môi cười rồi giũ áo xoay người đi uống nốt vò rượu quế dang dở.
Chú thích:
(1) Trích "Luận Ngữ", thiên Tiên Tiến: Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng tử bảo: "Các anh cho rằng ta có lớn hơn các anh một ngày mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả. Ở nhà, các anh thường nói: "Chẳng ai biết ta". Nếu có người biết thì các anh đem tài gì ra dùng". Tử Lộ vội vàng đáp: "Ví như một nước có một ngàn cỗ xe, bị ép giữa hai nước lớn, lại có thêm nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ; Do tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà biết đạo lí nữa". Khổng tử mỉm cười. Rồi hỏi: "Cầu, còn anh thế nào?" Đáp: "Như có một nước vuông vức, sáu bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm, Cầu tôi cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về lễ nhạc thì xin đợi bậc quân tử". – "Xích, còn anh thế nào?" Đáp: "Về lễ nhạc tôi không phải giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu hoặc trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ huyền đoan, đội mũ chương phủ mà xin làm một tiểu tướng".– "Điểm, còn anh thế nào?" Lúc đó Tăng Tích gẩy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống – keng! – mà đứng dậy đáp: "Chí của tôi khác hẳn với ba anh đó". Khổng tử bảo: "Hại gì? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi". Thưa: "Như bây giờ là cuối tháng xuân, y phục mùa xuân đã may xong, năm sáu người vừa tuổi đôi mươi với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi rồi lên hóng mát ở nền Vũ Vu vừa đi vừa hát, kéo nhau về nhà". Khổng tử trầm ngâm một chút rồi than: "Ta cũng muốn như Điểm vậy". Ba môn sinh đi rồi, Tăng Tích ở lại hỏi: "Thầy nghĩ sao về lời nói của ba anh kia?" Đáp: "Cũng đều là cho biết chí mình vậy thôi". Hỏi: "Nhưng tại sao nghe anh Do nói, thầy lại mỉm cười". Đáp: "Người trị nước phải theo lễ, anh Do không biết nhún nhường, nên ta mỉm cười". Lại hỏi: "Lời anh Cầu nói chẳng phải là việc nước sao?" Đáp: "Một địa phương vuông vức sáu bảy chục dặm hay năm sáu chục dặm, chẳng phải là một quốc gia thì là gì?" Lại hỏi: "Thế thì anh Xích chẳng phải là việc trị nước sao?". "Việc tôn miếu và việc hội nghị chẳng phải là việc chư hầu là gì? Anh Xích khiêm tốn xin dự làm tiểu tướng, vậy chứ ai làm đại tướng?". Khanh (鏗) ở đây là từ trạng thanh miêu tả tiếng đàn.
(2) Một điển tích cổ, ý chỉ phượng hoàng chỉ đậu trên cây ngô đồng. Trong Ngụy thư – Vương hiệp truyện có viết: "Phượng hoàng phi ngô đồng bất tê", nghĩa là phượng hoàng chỉ chọn mỗi cây ngô đồng để sống trên đó.
NOTE FROM GREEN: Chương này có một theme song, mọi người vào phần comment để lấy link nghe nhé :D
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro