Chương 1-1: Quyết minh, túc hưng trần thiết...
Biển Bắc có con cá gọi là cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim bằng, lưng rộng không biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển Bắc động thì nó rời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.
– Trích Tiêu dao du, Nam Hoa Kinh
Trong chín chục cái thiều quang của năm Kiến Hưng thứ mười bảy, chỉ có một ngày đẹp nhất. Vào ngày hôm ấy, từ sáng tinh mơ, chàng thiếu niên đã cố dậy thật sớm và nhìn ra khoảng sân rộng bên ngoài khung cửa gỗ. Mưa phùn vẫn lất phất như rải bụi, đất trời vẫn xam xám âm u như lệ thường. Có chăng, điểm khác hơn là chàng thiếu niên ngửi được hương hoa xoan thoang thoảng trong khí lạnh tê nơi chóp mũi. Mùi hương nhàn nhạt thường ngày vẫn mất dạng giữa những hương sáp thoa trên mình chàng, hương trầm quý giá xông phòng, cả thứ hương mộc mạc của chén trà ướp hoa theo mùa nữa. Hoặc giả là hơi người đuổi hơi hoa. Lại cũng có khi là vì chính chàng hờ hững với nó. Chàng có nhiều duyên cớ để lỡ mất mùi hương ấy, để giờ đây nó trở thành thứ khiến cõi lòng chàng khẽ rung lên. Hương hoa xoan tựa hồ gợi cho chàng nhớ đến một buổi sáng tinh mơ ở một thuở thời xa xôi nào đấy, chàng đứng giữa mảnh vườn nhỏ, hít hà mùi hương hắc nồng tỏa xuống từ những tán cây lòa xòa cao phía trên đầu, nhẩn nha hái rau khúc và thèm thuồng vị xôi nếp quyện với đỗ xanh ngầy ngậy. Rồi sẽ có một cơn gió xuân thổi qua, lay nhẹ những chùm hoa trắng nở rộ, làm cánh hoa mỏng manh thả mình rơi xuống. Chàng sẽ nhìn cơn mưa hoa với niềm vui thích và ngậm ngùi tiếc cho xác hoa nằm dưới gốc cây, chỉ để quên bẵng tất thảy trong chớp mắt. Nhưng giờ chàng lại nhớ về nó. Nhớ đến bần thần cả người. Vậy là chàng cứ ngồi như vậy, mắt dõi theo những bụi mưa bay, mũi ngửi hương hoa lạnh buốt, cho đến tận lúc bên tai nghe thấy tiếng bước chân bước khẽ. Nương theo thứ âm thanh ấy, mắt chàng nhìn phía bóng người đang đứng khép nép lệch hẳn sang bên tả khung cửa. Giọng nói trầm trầm của anh hầu mà chàng hay gọi là Thận cất lên vẻ dè dặt. Anh ta đã đứng đợi đến nửa canh giờ ngoài sân, từ lúc thoáng nghe tiếng mở cửa, nhưng đợi mãi không thấy truyền nên chùng chình một hồi mới đến thưa hỏi. Thận lớn hơn chàng thiếu niên bốn tuổi, nên giọng anh ta trầm lắm, đã chớm mang cái nặng nề, nghiêm cẩn của đàn ông chứ chẳng còn trong nhẹ chưa dứt tuổi trẻ con như chàng. Thiếu niên vẫn thường ví von giọng của Thận giống tiếng vịt kêu, mà nghe tiếng vịt kêu thì ắt là cảnh vật cũng chẳng còn thanh nhã nữa. Chàng tựa như người đang mơ giấc mộng đẹp lại bị kẻ khác dựng dậy. Thiếu niên thở dài, qua màn mưa bụi bay lất phất hoa xoan hay mảnh vườn đã tan theo làn sương mù buổi sớm, chỉ còn thấy thấp thoáng những thân rồng cuộn mình trong chiếc lá đề trên mái ngói âm dương trập trùng, sừng sững giữa nền trời đang hửng sáng từ góc bên hữu cấm thành. Ước chừng đã là giữa giờ Mão. Chàng thiếu niên bước kéo ống tay áo cao một chút, rồi nhúng chiếc khăn sạch vào thau đồng đựng nước mà người hầu nom lạ mặt đang quỳ dâng. Nước hơi ấm hơn ngày thường, chàng nói trong lúc khẽ miết khăn lên lau mặt mũi. Người hầu cúi đầu, cụp mắt, run giọng thưa hôm nay trời trở lạnh, chúng sợ chủ phải cảm. Chàng ừ hử thả khăn vào chậu, nhúng cả mười đầu ngón tay xuống làn nước, khuấy nhẹ một vòng. Thận đứng bên cạnh rải bột trầm vào lư xông, vội xoay người đỡ lời, nói rằng đứa hầu ấy vừa được đưa đến vào ngày hôm qua, cùng với năm đứa nữa. Chắc là để quan lễ sáng nay bớt cập rập, Thận đoán thế. Thiếu niên phẩy tay cho đứa hầu lui, đoạn chàng làm nốt những việc chải chuốt, áo sống sau tấm bình phong. Khi chàng đã quần là áo lượt trở ra, Thận đang đứng ở gian sảnh làm việc bày biện. Anh ta chỉ trỏ ra hiệu cho đám hầu sắp xếp mấy khay gỗ theo đúng hướng đông bắc. Thiếu niên liếc mắt nhìn những món đồ đặt trên từng cái khay, lược gỗ đào, áo gấm, mũ và hộp. Phía bên hữu đã bày xong một mâm rượu. Còn chiếu hoa, chậu đồng, khăn lau tay thảy vẫn chưa được bày biện cho tròn đủ một lễ gia quan. Trong dân gian, quan lễ của con trai vốn chỉ là gia lễ nhỏ, song ở cấm thành này, lễ ấy lại hóa to. Thế nên, người hầu, Thận và cả chính chàng cũng phải cẩn trọng từ tí một.
Khi cái sự hiếu kỳ trong lòng nhạt bớt, chàng thiếu niên chẳng còn hứng thú xem xét kẻ dưới ra vào bày biện nữa. Chàng quay lại gian phòng của mình, định bụng sẽ viết mấy chữ để lúc nữa cho người chuyển đến tay đứa em họ Huy Vũ, nhắc khéo nó trả lại cái lồng chim bằng ngà mượn đã được hai con trăng có lẻ. Trong đám con cháu vương tôn theo học với chàng, Huy Vũ là đứa chàng ưng ý nhất. Nó làm gì cũng hay, ăn chơi đến tài học đều vào hàng nhất nhì, nhưng lại có tật xấu thích mượn món này món kia rồi quên luôn không trả. Chàng trải giấy, mài mực, quệt bút lông vào nghiên rồi bắt đầu viết.
Xuân đi đã đà hơn sáu chục
Lồng ngà ấy vậy vẫn biệt tăm
Trăng kia tròn khuyết dăm tuần nữa
Chả biết còn nhớ nổi hay không.
Vừa phẩy nét cuối kết thư, thiếu niên nghe có tiếng người đang bước vào. Chàng ngước mắt nhìn lên, thấy thánh thượng đang đứng trước mặt. Người mặc áo bào nom uy nghi lẫm liệt, đến mức chàng lúng túng dù chẳng rõ vì đâu. Thiếu niên phủ lên mặt chữ vừa viết một tờ giấy mỏng, rồi ngập ngừng chắp tay hành lễ. Thánh thượng như vẫn chưa đọc được hết lá thư, người cho là chàng đương tiếc buổi học mà nấn ná trong phòng luyện chữ nên chỉ gật gù hài lòng. Đoạn Người dặn dò chàng đôi điều, về lễ nghi, về cái tuổi tác sắp chằng còn thơ dại nữa của chàng. Người khiến chàng lấy làm lạ. Người là bố của chàng, nhưng chẳng mấy khi chàng xem người là bố. Từ lời nói đến cử chỉ, chàng đều giữ đúng lễ quân thần với người, như được dạy từ thuở lên năm. Thánh thượng tựa hồ cũng dùng lễ ấy mà đối đãi lại chàng. Người hiếm khi hỏi chàng những việc vụn vặt và giao hết chuyện dạy dỗ cho quan thái úy họ Đoàn. Ấy vậy mà... giờ người đang căn dặn chàng rặt toàn điều nhỏ nhặt. Thiếu niên khoanh tay, dạ thưa sau mỗi lời chàng nghe thánh thượng nói. Trong thâm tâm chàng có đôi phần nhộn nhạo, nửa ngượng ngùng nửa tựa như là mủi lòng. Cát nguyệt lệnh nhật, nãi thân nhĩ phục, khí nhĩ ấu chí, thuận nhĩ thành đức, thọ khảo duy kỳ, dĩ giới cảnh phúc [2]. Bỏ tâm trí trẻ nhỏ, giữ lấy đức người lớn, vậy mới có phúc lộc mà hưởng trường thọ. Đôi mắt chàng thiếu niên dán xuống mũi hài, chàng tránh nhìn mặt rồng theo thói quen cố hữu, nhưng linh tính lại mách cho chàng biết thánh thượng đã nhìn chàng rất lâu và rất kỹ, cho đến tận lúc người được thỉnh rời đi. Phép trị nhân của một trang nam tử được gói gọn lại trong vài lời vàng ngọc ngắn ngủi mà người nói với chàng, vỏn vẹn còn chưa dứt nửa tuần hương. Thiếu niên dõi theo bóng lưng vận hoàng bào, chàng chợt nhận ra đôi vai ngang dài rộng mà thuở nhỏ chàng tưởng như đòn gánh giấu dưới lớp vải lụa, giờ đã hơi rủ xuống.
Sang giờ đầu Thìn, mưa phùn vẫn phơ phất. Trong gian sảnh lớn, chàng thiếu niên quỳ trên tấm chiếu hoa. Tay nhận mũ quan, tai nghe chúc từ. Tiếng người vừa dứt, chàng đứng dậy, chân bước từng bước nhỏ lui dần về phòng. Hẵng còn hai lần gia quan nữa. Thận theo chàng về phòng, anh mang một bình rượu nếp, phỏng chừng là để cuối giờ Thìn làm tiếu lễ. Mỗi lần gia quan, chàng đều phải thay một lần áo xống, trút bỏ trang phục trẻ con mà khoác lên mình triều y để tỏ rõ cái sự lớn lên của chàng. Thiếu niên đứng sau tấm bình phong, chàng thắt xong đai, đưa tay lên chỉnh lại búi tóc lơi lỏng trên đầu, miệng lẩm bẩm quở trách thằng Huy Vũ chân tay chẳng ra làm sao cũng dám nhận chân tán lễ, đòi nâng lược chải tóc cho chàng. Giữa lúc những ngón tay của chàng đương luồn vào mái tóc, chàng nghe thấy tiếng Thận vái chào thằng em họ vụng thối vụng nát ấy. Chàng nói vọng ra giễu nó, to đầu rồi mà búi tóc không ra hồn.
"Anh... ngài còn ở đây mỉa tôi chuyện tóc với chả tai." Huy Vũ toan xộc vào sau tấm bình phong, nhưng chớm đưa bước lại thôi. Cậu thiếu niên trạc mười lăm mười sáu ngồi phịch xuống ghế gỗ, nét mặt hiện rõ vẻ lo lắng.
"Đã vụng thì chớ còn trách anh đây mỉa mày hử?" Chàng lừng thững bước ra, đi đến bên bàn gỗ mà rót một chén trà."
"Thôi thôi, ngài muốn mỉa thì để dịp khác. Giờ tôi có việc hệ trọng hơn bẩm lên ngài." Cậu xua tay ra chiều có chuyện khác gấp gáp hơn. "Sáng nay hai thầy con tôi qua cửa Tường Phù, thấy đám lính canh quát đuổi một người. Tôi nghe giọng thì như là từ lộ Hải Thanh nên mới cho điệu đến hỏi."
Bàn tay đang cầm chén trà của chàng thiếu niên khựng lại. Đột nhiên, trong lòng chàng đánh thót một tiếng.
"Người từ Mai Xá phỏng?" Chàng hỏi.
Huy Vũ gật đầu. Cậu nhìn về phía cửa, như để chắc là không có ai đứng lai vãng, đoạn hạ giọng nói tiếp.
"Người ta có nhờ tôi chuyển cho ngài thư đây này. Của phu nhân viết. Phu nhân ngã bệnh ba tháng nay rồi, nhưng họ giấu. Lần này quá cùng mới đánh liều tìm lên kinh." Huy Vũ đưa tay luồn vào vạt áo, cậu sờ soạng một hồi rồi rút ra phong thư nhàu nhĩ.
Chàng thiếu niên vội mở mẩu giấy ra đọc. Những dòng chữ nhòe nhoẹt dần trước mắt, đôi chân run lẩy bẩy, chàng loạng choạng vịn tay vào bàn, làm chén trà rót dở rơi xuống đất vỡ tan. Cả Thận và Huy Vũ hốt hoảng, họ đưa tay đỡ chàng. Bầu không khí thoắt cái trở nên tĩnh lặng, không ai bảo ai, đều đoán được thư ấy đem đến tin chẳng lành. Đột nhiên, thiếu niên hất mạnh tay, chàng lùi lại một bước rồi toan chạy ra ngoài. Huy Vũ giật mình, cậu thét lên ra lệnh cho Thận chặn chàng lại. Kẻ hầu nhanh nhẹn níu tay chàng thiếu niên. Huy Vũ luôn miệng can chàng không được bỏ chạy, cậu nhắc chàng lễ vẫn chưa thành, đến thánh thượng đang chờ ở sảnh kia. Nhắc về Mai Xá lẫn phu nhân Trần thị trong cung vốn đã là cấm kỵ, huống hồ lại còn muốn đến đấy. Chàng thiếu niên mím chặt môi, cố vẫy vùng tìm đường thoát ra. Tai chàng ù đi, giờ đây chàng chẳng còn nghe lọt gì nữa ngoài độc thứ thanh âm mù mịt ấy. Đầu óc chàng hiện ra quãng đường về lại lộ Hải Thanh, về lại Mai Xá, về ngôi nhà ở cuối làng, nằm khuất sau rặng tre, có mảnh vườn xanh tốt. Chàng muốn gặp lại người đàn bà mặc áo nâu sồng hay ngồi quay tơ bên hiên nhà, một chốc một lát thôi cũng thỏa. Nghĩ đến đây, chàng ra sức vùng vẫy mạnh hơn, Thận va vào bàn, còn Huy Vũ ngã lăn ra nền nhà. Mâm rượu bày sẵn bị xô đổ kéo theo những tiếng loảng xoảng nối tiếp nhau. Chàng thiếu niên vùng thoát ra được nhưng mất đà lại khuỵu xuống giữa đống đổ vỡ, chàng chợt thấy lòng bàn tay lẫn đầu gối nhói lên. Đám hầu ùa đến, chúng cuống cuồng trước cảnh chàng đầm đìa máu me ngồi ở góc phòng, đôi mắt mở to ráo hoảnh nhìn vô định. Chuyện tày đình ấy tức thì lọt vào tai thánh thượng. Vừa bước vào phòng, người hiểu thấu sự tình khi liếc nhìn thấy mảnh giấy nhàu nhĩ nằm chỏng chơ trên nền.
Thánh thượng không hỏi chàng thiếu niên điều gì. Người cũng chẳng một lần ghé mắt nhìn đến đôi bàn tay quấn vải hay vết trầy trên trán chàng. Lễ gia quan vẫn phải làm cho xong, người phán. Giọng người trầm và khàn, đủ để chàng hiểu rõ đấy là lệnh. Chàng đứng khoanh tay trước mặt người, trong căn phòng không có người thứ ba. Tai chàng vẫn nghe thấy tiếng ù, miệng lưỡi chàng khô rát, cứng đờ ra, còn cuống họng như đang dâng lên cơn nghẹn. Chàng sợ giọng nói trầm khàn này, sợ nỗi bức bối nó đem đến. Chàng muốn mở lời, nhưng không tìm nổi một lời ra hồn. Mồ hôi túa ra trên vầng trán cao của chàng, hai khóe mắt cay, lồng ngực chàng nhói lên từng hồi. Lần đầu tiên kể từ lúc bước chân vào cấm thành, chàng muốn khóc. Thánh thượng ngồi nghiêm nghị trên ghế, ánh mắt người xoáy sâu vào chàng. Dường như người đang chờ nghe chàng nói. Hoặc giả là người muốn xem xem chàng sẽ làm gì. Sự điềm tĩnh và nghiêm nghị trên khuôn mặt thánh thượng khiến cho chàng run lên. Chàng thấy sống mũi mình hăng hăng. Nỗi uất ức, giận dữ lẫn sợ hãi tiếp tục vần vò cả cõi lòng lẫn tâm trí chàng. Cố hết sức, chàng mới thốt ra được bằng giọng nói như sắp vỡ ra đến nơi. Thế nhưng, chàng vừa nhắc từ "mẹ", thánh thượng đã cắt ngang. Mẹ chàng, mẫu hậu của chàng, đang chờ ở sảnh. Chàng thiếu niên cố nhắc đến Mai Xá, đến người đàn bà ốm thập tử nhất sinh đang trông ngóng được gặp chàng. Thánh thượng chẳng hề để tâm, người nhắc đến mẫu hậu của chàng, lệnh bà vẫn đang khỏe mạnh. Hai hốc mắt chàng nóng ran, rồi từ đấy, cơn nhức nhối trong lòng lẫn trận đau buốt nơi đỉnh đầu rỉ ra thành từng giọt nước. Chúng trượt trên má chàng, thấm cả qua khóe miệng, biến thành vị mặn nơi đầu lưỡi. Chàng thổn thức, nức nở khi không thể kìm nén được những giọt lệ. Toàn thân chàng run lên, không phải chỉ vì nỗi đau mà còn cả nỗi bất bình trước sự bạc bẽo của thánh thượng. Người vờ như trên cõi đời này không có người đàn bà ở làng Mai Xá, dẫu cho con trai bà đang đứng ngay trước mắt. Thình lình chàng nghe thấy tiếng kêu thảm thiết vọng vào từ ngoài sân lẫn với tiếng hèo gỗ quất vào da thịt. Cơn nghẹn ứ ở cổ bỗng chốc dịu xuống, thiếu niên nhìn về phía cửa rồi lại nhìn thánh thượng.Thận đang bị phạt. Hai đầu rồi chàng run rẩy vì cơn giận bốc lên ngùn ngụt, hai tay xiết chặt lấy ống tay áo buông rủ, chàng nghiến răng cố nén tất thảy những rối rắm rồ dại trong đầu. Thánh thượng cất lời nhắc chàng thay xiêm áo cho lần gia quan kế.
"Trần thị mất từ đêm qua rồi." Trước lúc bước ra ngoài, thánh thượng nói.
Chàng thiếu niên ngơ ngác. Hình như chàng lại ngửi thấy hương xoan lúc ẩn lúc hiện trong mùi trầm xông ấm nồng, nhưng rồi tất thảy bị một cơn gió lạnh thổi phăng qua khe cửa.
Cát nguyệt lệnh nhật, nãi thân nhĩ phục, kinh nghĩ uy nghi, thục thận nhĩ đức, mi thọ vĩnh niên, hưởng thụ hồ phúc.[3]
*
* *
Đường từ kinh thành về lộ Thanh Hải xa. Rất xa. Đến nỗi chàng thiếu niên như chẳng còn nhớ nổi phải đi về hướng nào. Chàng cứ đi mãi, đi mãi về phía trước, dọc theo con đường cái quan dẫn ra khỏi thành. Tựa hồ chàng chỉ đinh ninh một điều trong đầu, cứ đi càng xa khỏi những bức tường sừng sững kia là sẽ về được nhà. Con ngựa lao nhanh trên đường mòn, tầm mắt chàng mịt mờ trước những cơn gió thổi quật ngược chiều mang theo cả bụi mưa, ngọn đuốc trên tay lập lòe khi bùng lên khi lại leo lắt chỉ trực tắt ngúm theo từng nhịp vó ngựa nện xuống. Thi thoảng, trên quãng đường dài ấy, chàng dừng lại một chốc ở vọng đình, vờ như kẻ lỡ đường chẳng rõ lối đi mà hỏi lính canh lối về lộ Thanh Hải. Ai cũng nói đến đấy phải qua đò, can chàng đợi trời sáng hẵng đi tiếp. Thế nhưng chàng bỏ ngoài tai tất thảy. Đường cái quan vẫn cứ trải dài mãi, đêm trôi dần về khuya mà chàng chẳng hay biết. Cho đến tận lúc những cơn gió se se hóa thành từng đợt gió thốc, những bụi cây bị cỏ dại thay chân, bốn bề lồng lộng chẳng còn gì ngoài bóng đêm và tiếng nước reo, chàng mới nhận ra mình đã đến bờ sông tự lúc nào. Chàng ghì cương, xuống khỏi yên, rồi thả mặc cho con ngựa nhởn nhơ. Ngọn đuốc trên tay cũng đã thả rơi từ lâu. Chàng đứng trên vệ cỏ, mắt nhìn vô định vào khoảng không mênh mang giăng trước mặt. Giả như nếu không có người đi cất vó đêm, không có ánh lửa tỏa ra từ ngọn đuốc họ rọi, hẳn chàng cũng chẳng phân biệt được đâu là bờ đâu là dòng nước. Chàng cất tiếng gọi đò. Tiếng chàng vang lên rồi tan dần vào đêm đen. Chàng lại cất tiếng gọi một lần nữa. Âm thanh vẫn bị đêm đen nuốt chửng. Chàng vẫn gọi. Mặc cho người cất vó bực dọc. Sau rốt, giọng chàng khản đặc, hơi thở của chàng như bị cái lạnh lẫn trời đêm rút sạch. Đôi chân chàng run rẩy bước vài bước, thân cỏ dại đan thành thảm níu lấy mũi hài, xô ngã chàng. Thân mình thiếu niên mảnh khảnh, theo đà rơi xuống làn nước lạnh. Nước xộc vào mũi, vào tai. Chàng luống cuống vùng vẫy, mồm không cất nổi thành lời. Người cất vó đã chẳng còn ở đấy nữa. Mắt chàng cay nhòe vì nước sông, da thịt lạnh cóng. Xen giữa những đợt ập dập dềnh ập vào mặt mũi, chàng nhìn lên bầu trời đương bị mây che phủ, nhìn bóng trăng điểm mờ nhạt chẳng đủ soi rõ mặt người.
Sông này là sông Cái đấy. Về Mai Xá phải đi qua sông.
Ngày chàng đến kinh thành, hình như cũng có người chỉ cho chàng nhìn thấy sông Cái. Sông ấy lớn lắm, nước lờ lững trôi ngăn giữa đôi bờ. Đứng ở bên lở chẳng rõ được bên bồi, đồng ruộng nương dâu đều hóa thành một dải xanh thẫm chạy dài, chẳng khác nào vệt mực vẽ quệt ngang làm dấu chỗ chân mây mặt đất giao nhau. Nhưng mà, sông rộng thế kia, làm sao bơi qua được? Lồng ngực chàng thiếu niên nhức nhối, chàng cố chồm người lên khỏi mặt nước, hai tay khua khoắng, miệng chàng vừa hé ra toan kêu cứu tức thì bị nước ập đến bịt lại. Chân chàng nặng như đeo chì, cảnh tối đen trước mặt dần ướt nhòe. Thiếu niên chìm dần, sóng nước bồng bềnh giờ đang vỗ về chàng. Người chàng nhẹ bẫng, bên tai văng vẳng nghe có tiếng hát ru. Chàng thấy mình nằm gọn trong lòng người đàn bà, giữa ổ rơm ấm áp trải ở góc bếp. Mẹ... bu... những lọn tóc thơm mùi vỏ bưởi của bu phết vào má làm chàng ngứa ngáy, chàng ngước lên nhìn bu. Khuôn mặt bà là những mảnh sáng tối mờ ảo xếp lại với nhau, chỉ duy có khuôn miệng đỏ thắm, thơm mùi trầu đang hát ru rõ mồn một. Dậy đi. Dậy ăn củ ấu bu để phần cho con. Nói rồi, người đàn bà dúi vào tay chàng nắm củ ấu đen sì như sừng trâu. Gai nhọn đâm mạnh vào lòng bàn tay, đau đến buốt đến tận óc. Chàng giật mình rụt tay lại, toan ném hết vào bếp củi đang cháy đượm nhưng rồi nắm hạt bỗng hóa thành cái rễ cây. Ánh lửa sáng rực trong bếp loãng thành những vằn vện bàng bạc uốn lượn. Có một bàn tay rắn chắc, khỏe mạnh túm lấy tay chàng...
"Phúc tổ cho nhà cậu đấy nhé. Con cái nhà ai mà đang đêm chạy ra sông gọi đò thế?" Người đánh vó bẻ cành cây khô, đốt một đống lửa nhỏ.
Chàng thiếu niên mình mẩy ước sũng, ngồi co ro ở phía đối diện. Tóc tai xổ tung rủ xuống hai vai, mắt vẫn hướng ra con sông vừa suýt lấy mạng mình. Tiếng côn trùng kêu rả rít, cả tiếng ếch nhái ồm hộp lẫn với tiếng nước lõm bõm sau mỗi cú đớp mồi của con cá đi kiếm ăn đêm tựa hồ làm cho khung cảnh tối mịt mùng trước mắt chàng bớt đi đôi phần ảm đạm. Người đánh vó hỏi mãi không thấy chàng đáp lời, cũng chẳng buồn hỏi thêm mà đứng dậy đi về. Chỉ còn lại một mình ngồi bên bờ sông, cạnh đống lửa cháy lép bép, chàng ngả người thả mình xuống thảm cỏ dại đã đẫm sương đêm. Lòng chàng yên ả đến lạ lùng, ngay cả khi vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Mắt chàng mở to cho nước rỉ ra. Chàng không bơi được qua con sông này, không về được làng Mai Xá. Làng, nhà và người đàn bà ấy, tất thảy đều đã bị tấm trướng đen mịn của màn đêm che khuất dạng.
Vào sáng hôm sau, binh lính tìm được chàng thiếu niên bên bờ sông. Họ đưa chàng về cấm thành. Liền mấy ngày chàng sốt li bì, nằm liệt trên giường. Trong cơn chập chờn nửa tỉnh nửa mê, thần trí chàng như lang thang đâu đó trên bờ sông phủ mờ sương, dõi theo hai mẹ con người đàn bà có mái tóc thơm mùi vỏ bưởi và đôi môi đỏ thắm màu bã trầu rẽ lối đi giữa ruộng dâu xanh ngát. Đứa bé để độc một chỏm tóc đi lẫm chẫm đằng sau, nó mếu máo mách bu về trò đùa của lũ trẻ chăn trâu, những đứa vừa cao vừa to hơn nó. Chúng nghĩ ra vè để giễu nó, cái thằng con không cha. Nhưng nó có thầy, thầy nó hay ngồi đan giỏi mây ở sân nhà, đứa trẻ cãi lại. Bu mày chửa hoang, ông quản giáp thương tình mới nhặt về. Lũ trẻ cười rộ lên đầy tai quái. Đứa trẻ ngọng nghịu nhắc lại từng từ, trong đầu óc non nớt chỉ biết rằng chửa hoang là một cái tội, một chuyện xấu, ai mắc tội ấy làng đều bắt vạ. Nó không chịu người ta dè bỉu bu nó xấu. Người đàn bà vẫn im lặng, thơ thẩn ngắt từng lá dâu thả vào cái rổ tre. Hồi lâu sau, bà mới nắm lấy tay đứa trẻ, chỉ cho nó nhìn về phía bên kia con sông. Bố của con ở đằng ấy, bà nói, giọng bà lẫn vào tiếng lá cây xào xạc. Bố đặt tên cho con, khi nào con lớn, con cứ đi về hướng đấy tìm bố. Còn thầy của nó ở nhà thì sao? Đứa trẻ ngơ ngác. Bố là thầy mà? Thầy thương nó lắm, mỗi tối đều ôm nó vào lòng, kể những chuyện ông tiên ông bụt cho nó nghe. Khuôn miệng của người đàn bà giãn ra thành nụ cười, bà xoa đầu đứa trẻ. Tay bà mát rượi, chạm vào đầu nó dễ chịu vô cùng. Nó muốn được bu xoa đầu mãi, nhưng rồi bà lại xoay người hái lá dâu. Đứa trẻ vội vã níu lấy tay bà. Cả nương dâu bỗng trở nên trắng xóa. Chớp mắt một cái, đôi hàng mi của chàng thiếu niên khẽ rung. Những mảng nhòe nhoẹt lá dâu, sương trắng, áo nâu dần chắp lại với nhau thành khuôn mặt người xa lạ. Chàng choàng tỉnh và nhận ra mình đang nằm trong cung điện ở cấm thành, trên trán vừa được đắp khăn ướt. Ngồi bên cạnh giường là mẹ chàng, là lệnh bà của cung Thúy Hoa. Bên cạnh lệnh bà, con hầu vẫn đang bê thau nước.
"Hẵng còn sốt, con cứ nằm nghỉ đi." Lệnh bà nhấc khăn trên trán chàng thả vào thau, đổi sang khăn mới. Đoạn bà sai đứa hầu khác đang đừng ở cuối giường đi lấy thuốc.
Cổ họng chàng thiếu niên khát cháy, môi chàng khô rốc, tưởng như dính chặt với nhau nhưng hóa ra vẫn mấp máy được. Lệnh bà đoán được chàng muốn uống nước, bà lấy ra thêm một cái khăn nữa, thấm ít nước mát rồi nhẹ nhàng chấm vào môi chàng. Li bì mấy ngày trời liền, đợi uống thuốc xong đã. Vừa chấm khăn, lệnh bà vừa nói. Giọng lệnh bà dịu dàng, êm nhẹ, lúc nào nghe cũng như đang thầm thì, rủ rỉ. Mỗi lúc nghe giọng ấy, chàng lại thấy an lòng. Khi thấy chàng đã tỉnh táo hơn, lệnh bà mới phẩy tay cho đứa hầu lui ra xa vài bước để tiện chuyện trò với chàng. Người thở dài ảo não, đắn đo mãi mới nhắc đến phu nhân Trần thị. Thánh thượng đã cho người về Mai Xá lo liệu xong xuôi, âu cũng để phu nhân không tủi mà người nhà cũng yên lòng. Chàng thiếu niên khịt mũi, mắt nhìn ráo hoảnh lên đỉnh màn the, lời của lệnh bà trôi tuột qua tai chàng, chỉ duy có "người nhà" neo lại. Một lát sau, chàng thều thào cảm tạ ân đức như trời bể của thánh thượng.
"Đêm hôm qua, người cũng có đến thăm con." Lệnh bà nói.
Chàng thiếu niên nhìn người. Người đã là mẹ của chàng từ thuở chàng bước chân vào cấm thành này. Trong mắt chàng, người luôn chu đáo, dịu dàng và khéo léo. Lệnh bà hiểu hơn ai hết tình cảm cha con giữa thánh thượng với chàng gượng gạo đến nhường nào, nên người không ép chàng tạ lỗi. Nhưng ý tứ của người sau câu ấy thì sáng rõ. Thánh thượng đến thăm chàng là trong lòng đã xá tội cho chàng, có điều, giả như chàng không nhận lỗi để triều thần nhìn vào, thì ắt sẽ có điều tiếng tổn hại đến chàng. Điều tiếng? Chàng tự nhủ đầy hằn học trong lòng. Chàng xuất cung vào ban đêm cũng chỉ mong được về chịu tang mẹ đẻ, những kẻ bề tôi kia định khép chàng tội gì đây? Đại nghịch bất đạo hay không biết tu tâm dưỡng tính? Có đôi lúc chàng nghĩ, ví thử tám vị hoàng hậu của thánh thượng sinh được thêm một mụn con trai nữa, hay là bốn hoàng tử của người không yểu mệnh, thì hẳn họ đã chẳng để chàng bước vào cung Long Đức. Võ tướng chê chàng là người lộ Hải Thanh, văn quan chướng mắt chàng thuộc dòng con cháu tội nhân. Nhưng họ vẫn phải nuốt những tị hiềm, ghét bỏ ấy vào trong lòng mà xưng thần với chàng, vì thánh thượng không còn người con nào khác. Họ không được chọn, chàng không được chọn, thánh thượng cũng không được chọn. Tất cả những kẻ ra ra vào vào Long Phượng thành này đều không được chọn. Đương lúc căn phòng im ắng, đứa hầu quay trở lại, nó bưng khay gỗ có đặt bát thuốc vừa sắc xong và một đĩa long nhãn nhỏ bằng lòng bàn tay. Hai đứa hầu của lệnh bà đều là những đứa nhanh nhẹn, chúng đỡ thiếu niên ngồi dậy, để chàng tựa lưng vào gối mềm. Lệnh bà nâng bát thuốc, cẩn thận hớt từng thìa vừa phải toan đưa đến tận miệng chàng. Nhưng thìa thuốc còn chưa đưa đến, chàng đã lắc đầu, xin được tự uống. Dẫu sao, chàng cũng đã làm quan lễ, không phải trẻ con nữa. Cái thứ nước đen đặc ấy đắng đến lợm cả cổ họng, vừa nuốt ngụm đầu, chàng đã thấy bụng dạ chộn rộn, cố thêm một ngụm nữa thì lưỡi như tê dại, cho đến ngụm cuối, chàng phải đưa tay lên bụm miệng để không nôn sạch ra ngoài. Thấy chàng khổ sở với bát thuốc, một trong hai đứa hầu vội nâng khay dâng long nhãn. Lệnh bà nhìn cảnh chàng nhăn nhó vì thuốc đắng, môi khẽ nhoẻn cười rồi lại nhạt dần thành nét buồn. Đứa con bà nuôi nấng bao năm nay, giờ cũng đã lớn thật rồi. Nó không còn cần bà dỗ dành uống thuốc nữa, nó biết chịu đựng vị đắt ngắt kia mà không kêu than nửa lời.
"Ta đã xin với thánh thượng, cho con ở lại trong cung thêm dăm hôm nữa để tiện thuốc thang. Con cứ yên tâm nghỉ ngơi. Có việc gì cần, muốn thứ gì, cứ sai bảo kẻ hầu người hạ. Chúng nó đều theo hầu ta đã lâu, đứa nào cũng thạo việc cả." Lệnh bà căn dặn.
"Con..." Chàng định từ chối, xin được xuất cung, về cung Long Đức tĩnh dưỡng. Nhưng nhìn cặp mắt phượng đã nhuốm màu mỏi mệt của người đàn bà trạc tứ tuần đang ánh lên sự chờ mong, chàng lại không nỡ làm vậy. Những lời muốn nói đã đi đến đầu lưỡi thoắt cái bị nuốt ngược vào trong. "Con cảm tạ lệnh bà. Nhưng con chỉ xin quấy quả một hai hôm thôi ạ."
"Con khỏe lại rồi thì ta cũng chả giữ làm gì." Lệnh bà lấy trong tráp gỗ mà người hầu cầm đang cầm ra miếng trầu đã têm sẵn rồi một tay che, một tay thả vào miệng. Giữa bà và chàng thiếu niên như cởi mở tấm lòng hơn, chuyện trò theo đấy cũng rủ rỉ thân tình chứ không còn gượng gạo nữa.
Sang đầu giờ Ngọ, người hầu đến thỉnh lệnh bà đi hầu thiện cho thánh thượng. Bà nấn ná mãi mới chịu rời đi. Trước lúc đi, bà dặn dò kỹ đám người hầu phải sắc thuốc, canh lửa, dâng cháo loãng cho chàng đúng thời. Dường như vẫn chưa yên tâm, lệnh bà còn cắt cử một trong hai đứa hầu cận tên là Hạnh Hoa ở lại túc trực. Khi lệnh bà đi khỏi, Hạnh Hoa đỡ chàng nằm xuống giường. Chàng nhìn đứa hầu, chợt nhớ đến Thận, chân mày hơi nheo lại. Suốt mấy ngày chàng thiếu niên tĩnh dưỡng trong cung, Hạnh Hoa luôn túc trực bên cạnh chàng. Nàng lớn hơn chàng hai tuổi, tháo vát và khéo ăn nói. Những lúc chàng chợp mắt, nàng sẽ dọn dẹp lại căn phòng cho thật ngăn nắp, thoáng đãng. Khi chàng tỉnh giấc, theo từng giờ, nàng đem thuốc hoặc cháo loãng đến trước mặt chàng. Thi thoảng, chàng bắt chuyện với nàng, hỏi han những câu bâng quơ về Huy Vũ, về Thận, cả thánh thượng và các lệnh bà nữa. Hạnh Hoa trả lời thật thà gần hết, chỉ riêng nhắc đến Thận, nàng ngần ngừ mãi không đáp. Chàng cũng không gặng hỏi thêm. Mấy hôm sau nữa, vào tết thanh minh, Huy Vũ mới lò dò đến trước mặt chàng. Đông Chính hầu được vời vào dự yến, cậu ta đi theo thầy, nhưng yến tiệc chưa tan đã lẻn đi thăm chàng.
"Chưa qua hết một xuân mà trông anh đã tiều tụy thế kia." Huy Vũ rón rén bước vào phòng, miệng cười toe toét.
"Thôi đi ông kễnh, anh đây mệt lắm, không cợt nhả với mày được." Chàng thiếu niên nhấc mình ngồi dậy, bĩu môi với cậu em họ. Nhìn nó còn cười được thế kia thì hẳn vẫn chẳng hề hấn gì, chàng tự nhủ. Hạnh Hoa kể lại, sau hôm quan lễ của chàng, Huy Vũ bị thánh thượng quở trách, lúc về đến nhà, cậu chàng lại bị phu nhân Dương thị vụt cho thêm chục nhát roi mây nữa. Chàng cứ nghĩ sau phen ấy, Huy Vũ còn lâu mới ra khỏi cửa phủ được, chẳng ngờ nó đã đứng lù lù trước mặt thế này. "Bị mẹ vụt cho tuốt xác vẫn chưa sợ hay sao mà lại mò đến đây?"
"Bẩm anh, em sợ rồi, nhưng lệnh bà cho vời vào hầu anh thì vẫn phải đi ạ." Huy Vũ rót chén nước chè, thấy trên bàn có bày sẵn đĩa long nhãn thì nhón luôn một miếng.
Cũng phải, chàng thiếu niên nghĩ. Lệnh bà sợ chàng buồn nên mới cho vời thằng nhõi này vào cung. Huy Vũ vừa nuốt trôi ngụm nước chè đã huyên thuyên đủ thứ lông gà vỏ tỏi từ trong cấm thành ra đến tận chợ Cửa Đông. Dẫu chẳng phải chuyện gì mới mẻ, đáng để chàng bận tâm, nhưng quý công thăm nom của nó, chàng cũng vờ như nghe nằm lòng. Hết một tuần chè, chàng mới dò hỏi được về Thận. Huy Vũ uống thêm chén nước nữa, nhón nốt miếng long nhãn cuối cùng, ra vẻ phải suy nghĩ lung lắm chịu nói cho chàng biết. Sau khi lĩnh sáu chục trượng suýt chết, Thận đang bị giam trong ngục. Giọng Huy Vũ hơi chùng xuống. Cậu biết, anh hầu chịu cái họa này là chuyện tai bay vạ gió. Thánh thượng giận cậu vì đem thư từ vào cung, nhưng người không thể nọc cổ cậu ra phạt trượng, thế nên ngài mới đổ tội lên đầu kẻ hầu.
"Chắc lại có công của Đoàn thái úy?" Chàng thiếu niên hỏi.
Nhìn cái mím môi của chàng, Huy Vũ ngập ngừng gật đầu. Đoàn thái úy là người đầu tiên có lời tấu, thỉnh thánh thượng phải phạt chàng thật nặng để tỏ rõ phép nước nghiêm ngặt, làm gương răn đe cho kẻ khác. Tay chàng thiếu niên nắm chặt một góc chăn đắp. Huy Vũ thấy hối trong lòng, cậu cụp mắt, lắp bắp nhận lỗi vì đã khiến cho mọi sự rối như canh hẹ như thế. Chàng thiếu niên chỉ dửng dưng thả nhẹ một câu chẳng phải lỗi của cậu.
"Hiện thời mới chỉ tống vào lao..." Huy Vũ dè dặt nói tiếp, cậu đánh bạo phơi sạch ruột gan ra. "Anh có giận thì em cũng đành chịu, nhưng anh không đi tạ tội với thánh thượng khéo là họ cho Thận gánh cái án đi đày mất."
"Ra là mày đến đây vòng vo chỉ để khuyên thế thôi hử?" Chàng thiếu niên sẵng giọng, trong đầu nghĩ đến cảnh phải dập đầu nhận tội ở điện Long An mà lòng dạ sôi lên ùng ục.
Huy Vũ co rúm cả người, im bặt. Cậu vờ như đưa mắt tìm Hạnh Hoa để sai nàng đi châm thêm tuần chè nữa. Bên tai cậu, tựa hồ là nghe rõ cả tiếng thở phì phò của anh họ. Đột nhiên, chàng thiếu niên cho đòi đem giấy bút đến. Huy Vũ không dám ngồi ỳ ra đấy nữa, cậu tìm giấy bút, nghiên mực.
"Chữ mày cũng đẹp, viết đi." Thiếu niên ra lệnh cho Huy Vũ.
"Anh muốn em viết cái gì ạ?" Huy Vũ vẩy ít nước vào nghiên rồi sắn tay áo cầm thỏi mực bắt đầu mài.
"Sớ thỉnh tội." Chàng đáp nhát gừng.
[1] Theo TLLT, có nghĩa là Buổi sáng hôm ấy, dậy sớm để sửa soạn...
[2] Lời chúc từ cổ trong dùng trong quan lễ, theo TLLT. Nghĩa là Ngày lành tháng tốt, gia quan lần thứ nhất cho ngươi, hãy bỏ tâm chí của trẻ con, mà thuận theo cái đức của người trưởng thành. Chúc ngươi được sống lâu, nhận được phúc lớn.
[3] Lời chúc từ cổ trong dùng trong quan lễ, theo TLLT. Có nghĩa là Ngày lành tháng tốt, gia quan lần thứ hai cho ngươi, nhà ngươi phải cung kính uy nghi, cẩn thận đức hạnh. Chúc ngươi trường thọ muôn năm, hưởng phúc vô cùng
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro