Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 11: Cháy

“Họ cùng tôi chừng ấy người tất cả

Đưa giấc mộng lớn ẩn giấu trong tim

Chưa kịp nói, cũng chưa từng quên lãng

Mà đã hóa mình trong ngọn lửa đó rồi.”

***

Thiều không có bố, bà ngoại Thiều bảo thế.

Thiều sinh ra là con của một người con gái nghèo và một tay bợm rượu, là bằng chứng cho nỗi ô nhục của mẹ Thiều. Ngày xưa, nhà mẹ Thiều nghèo lắm, tiền để mua dầu thắp đèn còn thiếu nữa là. Nhưng mẹ Thiều rất thích học, bà muốn trở thành một cô giáo, vậy nên đêm đêm sẽ ra ngoài bắt đom đóm về, dùng ánh sáng le lói của đom đóm để đọc sách học bài. Vào một đêm trăng mờ, mẹ Thiều ra ngoài bắt đom đóm như mọi khi, chẳng may đụng mặt với tên bợm rượu đang say quắc cần câu. Hắn ta bấy giờ đã bốn mươi có thừa, không vợ không con không việc làm, thấy cô con gái trẻ, bản năng của loài thú động dục trỗi dậy, hắn ra tay cưỡng bức mẹ Thiều.

Mười sáu tuổi, mẹ Thiều chưa chồng đã chửa. Hàng xóm lời ra tiếng vào, dèm pha mẹ Thiều là một con ả lăng loàn, mới tí tuổi đầu đã biết bò lên giường ăn nằm với đàn ông lạ. Gia đình nhà ngoại của Thiều cũng âu sầu, bà ngoại Thiều đau lòng khóc cạn nước mắt, lại khuyên mẹ Thiều chớ bỏ đứa trẻ, dẫu sao cũng là một mạng người, là miếng thịt của mình. Mẹ Thiều nghe lời bà ngoại, đành nghỉ học ở nhà sinh con.

Sau khi sinh, mẹ Thiều để con cho bà ngoại nuôi, còn mình thì tay xách nách mang, xa xứ lên thành phố kiếm sống. Đám trẻ con hàng xóm ghét bỏ Thiều không cha, lại khinh thường Thiều có một người mẹ đi biệt xứ, chẳng đứa nào chịu chơi với Thiều cả. Mà cha mẹ chúng nó cũng không vừa, mỗi khi thấy Thiều là xì xà xì xầm, chỉ trỏ bàn tán. Bà ngoại xót cháu, song không làm được gì khác ngoài ôm Thiều vào lòng, vỗ lưng cậu an ủi.

Tâm hồn một đứa trẻ có thể mạnh mẽ bao nhiêu chứ. Trong những đêm dài hiu hắt, Thiều nằm trong lòng bà ngoại khóc nức nở, hỏi tại sao ai cũng ghét Thiều thế, đến cả mẹ cũng bỏ Thiều đi mất. Bà ngoại cũng không kìm được nước mắt, ôm Thiều dịu dàng nói:

- Mọi người không ai ghét cu Thiều nhà mình hết, họ chỉ không biết Thiều tốt thế nào thôi.

Thiều thút thít hỏi:

- Thế làm sao để họ biết ạ?

Bà ngoại cười hiền, vuốt tóc Thiều:

- Thiều phải học thật giỏi này, cũng phải thật có ích này, rồi tự nhiên ai cũng thích Thiều thôi.

Bấy giờ Thiều chưa đủ tuổi đi học, nhà bà ngoại cũng không đủ điều kiện cho cậu đi học, nên là Thiều thường suy nghĩ về cách để trở nên có ích. Bà ngoại dạy cậu rằng, biết hiếu thảo, biết tốt bụng giúp đỡ người khác là hai điều thường thấy ở người có ích.

Có một lần, Thiều vô tình nghe được cuộc trò chuyện của nhóm người hàng xóm xấu tính. Họ bàn tán về một gia đình anh hùng của thời chống Pháp. Gia đình đó có cả thảy mười một người con, bảy trai bốn gái, trong đó bảy người con trai cùng cha đều xa nhà ra chiến trường, bốn người con gái thì gả xa hết, chỉ còn mỗi người mẹ ở nhà. Thật không may là tất cả các con trai cùng người cha đều đã hi sinh, người mẹ liên tiếp nhận được tin dữ mà vẫn nén đau thương gạt nước mắt, tự hào nói với bà con láng giềng rằng gia đình của bà thật tuyệt vời.

Với cái số tuổi bé tí teo đó của Thiều, cậu chưa thể hiểu chiến tranh là gì, sao lại có chiến tranh và chiến tranh tàn khốc như thế nào. Cậu chỉ để ý thấy ai ai cũng đều tỏ vẻ yêu mến, thương tiếc đối với những nhân vật trong câu chuyện ấy. Hiếu kỳ, câu mang câu chuyện về kể cho bà ngoại nghe, hỏi bà về lý do vì sao mà mọi người ai cũng thích gia đình kia đến vậy.

Bà ngoại xoa đầu Thiều, nói:

- Vì họ đã quên mình cho Tổ Quốc đấy.

Bà nói với Thiều, thời chiến là một thời kỳ gian khổ, ở thời này người ta mới hiểu độc lập quan trọng đến mức nào. Bà còn nói, bất cứ ai làm những điều lớn lao cho đất nước đều đáng được trân trọng. Bà dạy cho Thiều biết về tình yêu nước, khuyên Thiều phải luôn noi theo những tấm gương đi trước. Thiều gối đầu trên đùi bà ngoại, ngây ngô hứa hẹn:

- Vậy sau này con cũng sẽ làm điều lớn lao cho đất nước!

Bà ngoại tủm tỉm cười, nói rằng sẽ chờ đến ngày đó.

Tiếc là, năm Thiều lên sáu, bà ngoại bệnh mất, mẹ Thiều bèn đón Thiều lên thành phố. Mẹ Thiều không thương Thiều, thậm chí là căm ghét, Thiều biết chứ, nhưng cậu lại nhịn không được mà ngóng chờ tình thương từ mẹ. Cậu mong mẹ sẽ đối xử với cậu như cách bà ngoại đã làm. Có điều, mẹ Thiều thường xuyên đi sớm về khuya, chỉ để lại một ít tiền để cậu tự lo. Dần dà, Thiều không còn mong chờ gì nữa. Trước khi được đi học, cậu chỉ quanh quẩn trong nhà, ngồi bên chiếc bàn gỗ vẽ nguệch ngoạc, rồi ra chợ mua ít thức ăn, mang về nấu cơm.

Thiều rất thích xe tăng, cũng không biết tại sao, chỉ là một khắc thoáng qua, hình ảnh của chiếc xe tăng oai vệ đã đi sâu vào tâm trí của cậu bé. Ở góc nhìn của cậu, xe tăng rất lớn, tháp pháo to đùng, nòng pháo dưới nắng nhìn oách lắm. Xích xe tăng mạnh mẽ đạp lên đất bằng, hùng dũng, hiên ngang như có thể phá tan mọi vật.

Từ lúc đó, Thiều đã có ước mơ. Cậu muốn làm một người lính xe tăng.

Thiều chín tuổi, dùng chì tô vẽ ra một bức tranh xe tăng méo mó và con người vặn vẹo. Cậu coi nó như kho báu, giấu rất kỹ, không ai phát hiện ra cả. Thiều tự nhủ với lòng mình, ước mơ là phải tự đạt được, thành công rồi hẵng khoe.

Mà cậu cũng chẳng định khoe ai, bởi Thiều vẫn không có bạn chơi cùng, còn mẹ cậu thì lại chẳng quan tâm gì. Bà chỉ lo kiếm tiền đi học rồi trở thành cô giáo mà thôi.

***

Một sáng tháng sáu, ánh vàng chui qua khe cửa, chạm lên bức vẽ xe tăng méo mó của Thiều. Một cành cây bị quăng lên, làm chiếc bình hoa cũ đặt sát mép bệ cửa sổ nghiêng ngả rơi xuống đất, vỡ thành mảnh. Thiều giật mình, lật đật giấu tranh đi, chần chừ một lúc mới ló đầu ra xem “thủ phạm”. Chỉ thấy cạnh gốc cây, một cậu bé lấm lem bùn đất, miệng cười tươi rói, tay cầm cành cây quơ qua quơ lại. Cậu bé thấy Thiều chịu ló mặt, phấn khởi hô lớn:

- Đằng ấy ơi, mình kết bạn đi!

Đó là lần đầu Thiều được gặp Dịch. Dịch bằng tuổi Thiều, là một cô nhi. Bố mẹ Dịch đã mất vì chiến tranh, sau đó cậu ấy được dì đón về nuôi. Thiều có ấn tượng khá tốt với dì của Dịch, dì ấy rất tốt bụng, giúp Thiều rất nhiều những khi mẹ vắng nhà.

Thiều không ngờ thằng cu Dịch lại muốn kết bạn với mình. Nói gì thì nói, cậu quen ở một mình rồi, tự dưng có người hồ hởi xông vào thế giới của cậu, Thiều thấy lạ lắm. Lúc đó, Thiều không đáp lại Dịch, cậu chỉ chăm chăm đi dọn đống đổ vỡ dưới sàn rồi tiếp tục ngồi vào bàn.

Ấy thế mà Dịch không bỏ cuộc. Cậu nhóc ngày ngày sang chọc Thiều chơi, hở một tí là rú lên đòi kết bạn. Thiều bị làm phiền đến khó chịu, đóng cửa kín mít, quyết tâm làm lơ Dịch bằng được.

Tháng chín, nhà trường khai giảng, đứa nào đứa nấy đều phải cắp sách đến trường. Dù không muốn, Thiều vẫn phải chạm mặt Dịch tại lớp học. Dịch phấn khích lắm, xin cô giáo cho ngồi cạnh Thiều. Suốt một tiết học, Dịch truyền giấy cho Thiều vài lần, bị giáo viên bắt gặp cũng không sợ, còn dõng dạc bảo do không hiểu bài nên hỏi bạn.

Nếu là đứa khác thì còn hợp lý, chứ là Thiều, đứa có thành tích kém nhất khối, thì lý do này rất qua loa và không thiết thực. Đương lúc giáo viên hoài nghi tính chân thực của lời này, Dịch toét miệng cười một cái, lộ ra hàm răng trắng bóc bị lủng một chiếc răng cửa. Cô giáo thấy vậy, đành cười cho qua.

Thiều từng nghe một ông anh bố đời bảo, không đánh không thành anh em. Quả đúng là thế, Thiều và Dịch trở thành bạn sau một trận “tụ họp cổng trường”. Tính Thiều lầm lũi, thành tích kém cỏi, người nhà không quan tâm, đâm ra có ối thằng ỷ mình mạnh mà bắt nạt Thiều. Chúng nó đợi Thiều ở cổng trường sau giờ tan học, rồi kéo Thiều đến một con hẻm hẻo lánh ít người qua. Chính ra chúng nó học hành cũng không ra gì, không cam lòng bị đám học giỏi đè bẹp trên mặt thành tích nên mới chèn ép Thiều, làm ra vẻ ta đây mạnh nhất. Thiều không phản kháng lại được, chỉ có thể chịu bị chúng nó đánh.

Dịch xuất hiện vào lúc không ngờ nhất. Không ai nghĩ cậu nhóc gầy còm với nét cười dễ gần đó lại biết đánh nhau, mà đánh còn rất hăng. Một mình Dịch xông vào, đánh cho mấy đứa bắt nạt kêu la oai oái. Thiều ngã ngồi dưới đất, sững sờ nhìn Dịch lấy một chọi bốn.

- Quỷ tha ma bắt chúng mày, có mỗi thế này mà cũng đòi đi bắt nạt người khác à. Này thì bắt nạt này! Này thì ỷ mạnh hiếp yếu này! Cho chừa!

Dịch vừa đấm vừa đá, luôn miệng mắng mỏ đám bắt nạt. Có điều, Dịch cũng chỉ chiếm lợi thế ở giai đoạn đầu tiên, ngay sau đó, thằng đầu sỏ (cũng là thằng nặng thịt nhất đám) nhào tới xô ngã Dịch. Thiều run rẩy lùi ra sau, trơ mắt nhìn Dịch bị bốn thằng bắt nạt hội đồng, nắm tay siết chặt.

Thiều không hiểu tại sao Dịch dám đến cứu cậu. Trên đời chỉ có bà ngoại đã mất là thương cậu nhất, mà khi cậu bị đánh, bà không thể đi lên cứu cậu, chỉ có thể đứng ở sau giúp cậu xử lý mấy vết bầm. Chính Thiều cũng phải thừa nhận, cậu ăn đòn nhiều hơn ăn cơm, ăn đòn đến quen luôn rồi, thậm chí cậu thà tự chịu còn hơn chờ một ai đó đến giúp.

Thế nhưng, Dịch đã đến. Cậu ấy mang theo nắng ban trưa gắt gỏng xông vào con hẻm tối tăm ẩm thấp, trở thành người đầu tiên đứng chắn trước mặt Thiều. Nói không cảm động là giả, chỉ là Thiều không có can đảm đứng lên, đến bên cạnh Dịch.

Nay Dịch bị bọn nó đánh, ra tay còn ác hơn so với đánh cậu, Thiều sợ hãi, càng nhiều hơn là xót xa. Xót cho mình, cũng xót cho người dám vì cậu mà ở đó. Thiều cắn răng, biến sự sợ hãi thành cơn tức giận, rồi từ cơn tức giận trở thành sự can đảm. Thiều gượng dậy, vươn người chồm qua, kéo chân một đứa trong đám bắt nạt.

Thiều bẩm sinh có lực tay khá tốt, cậu lại không hề nhận ra. Cậu cho rằng do mình lên cơn nổi đóa nên mới có sức giữ chân được hai thằng cùng lúc, tạo điều kiện cho Dịch trở mình. Được Thiều trợ giúp, Dịch đạp hai thằng còn lại ra, bật người dậy đánh chúng nó.

Khi đám bắt nạt nằm sõng soài dưới đất, không dám đánh tiếp, Dịch mới uể oải đứng thẳng dậy. Quần áo cậu nhếch nhác, rách bươm vài chỗ, trên mặt là mấy vết bầm xấu xí, khóe môi còn có vệt máu khô. Cậu quay qua Thiều, ngoác miệng cười phớ lớ như không biết đau là gì, khen ngợi:

- Cậu “xịn” đấy! – Nói đoạn, Dịch vỗ ngực mình rặt vẻ tự hào gớm, bảo. – Tớ đây con nhà lính, chuyên trị bọn tính nhà quan. Nếu cậu muốn, hai đứa mình kết hợp với nhau, mấy thằng nhãi như kia chỉ là muỗi thôi.

Đám bắt nạt vừa nghe thấy thế, cả người rúm ró nép sát vào nhau. Thiều bật cười khoái chí, càng thêm mến cậu bạn tên Dịch này. Cậu bắt lấy bàn tay Dịch đưa ra, có chút băn khoăn:

- Sao cậu muốn kết bạn với tớ? Hình như mình chả quen nhau gì sất.

Dịch cười hì hì, đáp:

- Quen rồi thì cần gì ngỏ ý kết bạn nữa. Tớ thấy cậu một mình, trùng hợp là tớ cũng thế, hai đứa mình quá hợp nhau luôn. Kết bạn đi!

Với cái lý luận trông thì hợp lý mà cũng khá vô lý này, Thiều có cho mình người bạn đầu tiên. Dịch luôn ở cạnh Thiều mỗi khi vui vẻ hay buồn rầu, bày nhiều trò hay cho Thiều cùng chơi. Sau cơn mưa, Dịch sẽ rủ Thiều đạp lên những vũng nước đọng. Dịch bảo những vũng nước này phản chiếu lại bầu trời, khi mình nhảy lên đó sẽ dễ tưởng tượng ra cảm giác đang bay. Một lần khác, Dịch kéo Thiều ra sông ngụp lặn, vốc một nắm nước lên cho Thiều nhìn.

- Thấy không? Mặt trời trong tay tớ này.

Thì ra mặt trời buổi chiều rơi xuống lòng sông, để cậu nhóc năm đó vốc lên được. Nhìn mặt trời lóng lánh trong làn nước xanh ngắt, Thiều cảm thấy nhiều thứ qua đôi mắt của Dịch thật thú vị, khác xa những gì cậu thấy. Dường như thế giới của Dịch rất nhiều màu sắc, đẹp hơn thế giới màu xám đơn côi của Thiều nhiều.

Một lúc nào đó, Thiều chợt nhận ra, nhờ có Dịch mà thế giới của cậu đã sáng rỡ hơn từ bao giờ.

Dịch thích nghịch cành cây, xếp cành cây thành mô hình là thú vui thường ngày của cậu ấy. Đôi lúc, Dịch sẽ cầm một cái que huơ huơ nhảy nhót như ông thầy làm phép, biểu thị cậu ấy đang rất vui. Dịch chia sẻ với Thiều rằng, sau này cậu ấy muốn làm một kỹ sư xây dựng. Để có qua có lại, Thiều nói cậu sẽ làm một người lính bảo vệ đất nước.

Lên cấp hai, Thiều cùng Dịch quen thêm hai người bạn nữa là cái Thảo và thằng Học. Cái tuổi mới chớm này là khi đám trẻ bắt đầu có những mối rung động đầu đời, nhất là khi bên cạnh luôn kè kè một cô bạn.

Dịch tương tư Thảo từ cái nhìn đầu tiên. Thảo có một mái tóc dài ngang vai, buộc thành hai cái đuôi gà nhìn năng động và dễ thương lắm. Thảo không xinh đẹp, được cái giọng của Thảo rất hay, nghe trong như tiếng suối reo nơi rừng thẳm. Tính Thảo bạo hơn nhiều cô gái, dám chơi dám chịu, vậy nên mới thân với ba anh con trai. Tiếc rằng cái Thảo chỉ coi ba thằng là bạn.

Có một điều khá hay là thằng Học cũng thầm mến cái Thảo. Khác với Dịch có vẻ ưa nhìn dễ gần, Học là một thằng cu điển trai, khỏe khoắn với làn da ngăm nâu. Không như cái tên của nó, thằng Học rất ghét học hành, có thể xưng anh em với Thiều là nhờ thành tích học tập cả. Nó nhiều lần bảo sẽ sớm bỏ học, về quê lập chí làm anh nông dân giàu có, được cả đám ủng hộ hết mình.

Cả Dịch và thằng Học đều biết người kia là tình địch của mình, ngấm ngầm thi nhau lấy lòng cái Thảo. Thiều thân với Dịch hơn, không ít lần lén lút cho Dịch lời khuyên, dù Thiều chưa có nổi một mối tình. 

***

Năm 1965 là năm bọn Mĩ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc, cứ cách một khoảng thời gian là người ta lại nghe được tiếng loa thông báo máy bay địch đang tới. Sau mỗi trận bom oanh tạc, nhà cửa ruộng vườn gì cũng đều bị phá hỏng, cả một vùng sầm uất thành một mảnh hoang tàn đổ nát, không biết bao nhiêu mạng người đã mất dưới trời bom. Đến năm 1968, bom rơi xuống một trường học, nơi mẹ Thiều giảng dạy. Vì cứu học sinh chưa kịp xuống hầm tránh bom, mẹ đã đi lên, chỉ kịp đưa đứa trẻ đó xuống hầm, mình thì ở lại. Năm mười bảy tuổi ấy, Thiều không còn gia đình.

Đêm tới, trăng treo giữa trời, Thiều thẫn thờ ngồi bên bàn học, man mác buồn. Tuy mẹ không phải một người mẹ tốt, nhưng ít nhất mẹ cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của một người mẹ rồi.

Thiều quyết định thôi học, đi lính. Cậu thu xếp đồ đạc, cầm theo những món đồ quý nhất của mình, bao gồm cả bức tranh chì nguệch ngoạc thuở nhỏ. Đứng dưới nhà Dịch, Thiều ôm lấy người bạn thân, nói về ý định của mình:

- Tổ Quốc gian nguy, cũng đến lúc tớ nên đi bộ đội rồi. Giờ tớ đi xa, cậu giữ sức khỏe, học cho thật giỏi, sớm ngày rước được Thảo về.

Dịch không nỡ xa bạn, níu lấy tay cậu, do dự bảo:

- Hay là cậu chờ tớ, tớ đi với cậu luôn? Tớ dọn đồ nhanh lắm, nhoắng cái là xong.

Thiều chỉ cười lắc đầu, khuyên Dịch không cần như thế, dù sao Dịch còn nhiều thứ phải lo toan và có một người dì thương cậu ấy rất nhiều, đâu như Thiều vốn chỉ có tình bạn cùng ước mơ là đáng giá nhất. Cậu tạm biệt bạn thân, xoay người rời đi, để lại phố nhỏ ngập nắng sau lưng.

***

Thiều được làm một chiến sĩ xe tăng. Khi biết tin, cậu mừng húm, cả ngày cười hềnh hệch ngắm nghía quân hàm hình xe tăng, khiến các đồng đội mới quen trêu miết. Trong ba thành viên cùng xe tăng, Lữ là người làm quen với cậu trước tiên, sau đó lần lượt là Niên và Đảo.

Ba người đồng đội của Thiều là những người kỳ quặc, cậu tự nhận xét trong lòng như vậy. Anh trưởng Niên là cháu đích tôn trong họ, mặc kệ áp lực từ một dòng họ đậm tư tưởng phong kiến, Niên vẫn quyết chí đi lính, còn một nguyên nhân bé tí ti khác là vì bị ép cưới. Lữ là một thanh niên nhà mặt phố chính hiệu, nói lắm, thích nghịch dại nhưng hay ngượng như thiếu nữ mới gả chồng. Còn Đảo cùng tuổi với Thiều, là một thiếu niên mới lớn rất biết mơ mộng hão huyền.

Thiều được phân làm pháo thủ số hai trong xe, ngày ngày ôm viên đạn pháo thủ thỉ tâm tình, lâu lâu lại lên tháp pháo dùng súng máy. Thiều bắn khá dở, tay chân lóng ngóng, mỗi lần huấn luyện dùng súng máy là một lần cậu bị ăn mắng. Lữ cũng là pháo thủ, đêm đến liền cùng cậu ngồi ngắm trăng, trò chuyện về cách ngắm bắn. Luyện lâu dần, Thiều bắn cũng lên tay, chỉ là lúc hoảng thì vẫn bị loạn như thường, còn bị đập mặt vào súng luôn cơ.

Ngày đầu lên chiến trường, bốn đứa căng thẳng lắm. Nhìn khu vực hoang vắng hãy còn bốc lên khói đen, cây cối ngổn ngang, nhà cửa nát tan, mặt bốn người bệch ra vì sợ, cuối cùng vẫn là Niên lên tiếng an ủi cả bọn:

- Không sao đâu, tất cả chỉ nà tạm thời thôi.

Hai năm từ ngày nhập ngũ, Thiều tình cờ gặp Dịch trong một trận đánh. Lúc ấy Thiều cùng Niên ngồi trên tháp pháo, Niên quan sát tình hình, còn cậu sử dụng súng máy bắn mấy tên bộ binh địch. Chợt, Niên ngoái đầu nhìn những anh lính bộ binh đang chạy men theo vết xích xe tăng. Bộ binh được huấn luyện đi lên trên vết xích, bởi vì xích xe tăng di chuyển sẽ đè hết các chướng ngại vật như cây con, nếu lỡ đi ra khỏi vết xích, khéo có anh lính xui xẻo mất nòi mất. (*)

Hai hàng lính thẳng đều tăm tắp, Niên tặc lưỡi, khen nhìn thích mắt lắm. Rồi chàng chống cằm, vui vẻ hỏi:

- Có cậu lào mệt không thế?

Thiều nghe vậy thì lườm Niên một chặp, nhắc Niên giờ không phải lúc để chơi đùa. Niên cười hì hì, lại nói:

- Các cậu không cần no đâu ha, có chúng tớ đây rồi. Chúng tớ nà dân chuyên đấy nhé!

Các anh lính phía sau cười phá lên, Thiều cũng tủm tỉm. Cậu nghiêng đầu nhìn về phía sau xe tăng, bỗng nhiên một anh lính giơ tay lên vẫy vẫy cậu. Thiều ngạc nhiên, có chút hiếu kỳ mà nhìn kỹ thêm một chút. Đó là Dịch. Sau hai năm, gương mặt cậu ấy không thay đổi nhiều, nét cười vẫn rạng rỡ như xưa.

Gặp lại Dịch, Thiều vui mừng, cũng có chút luống cuống. Cậu không ngờ mình sẽ gặp lại bạn thân trong trường hợp như thế này. Thiều ủn ủn Niên, ra hiệu nên tập trung vào nhiệm vụ trước, trong lòng thầm mong trận đánh này kết thúc thật mau. Khi xe tăng lên đường về nơi tập kết, Thiều gấp gáp bảo đồng đội thả mình ở chỗ bộ binh, cậu muốn gặp lại một người bạn cũ. Ba người đồng đội không ý kiến gì, chỉ dặn cậu đi sớm về sớm.

Dịch đứng tựa lưng lên thân cây, tay mân mê một nhành cây nhỏ. Thoáng thấy Thiều dạm bước tới gần, Dịch ngẩng đầu lên, cười nói:

- Ái chà, cậu Thiều ngồi xe tăng nom ngầu phết ấy nhỉ.

Thiều chạy tới thật nhanh, trao cho bạn mình một cái ôm chặt, vỗ vỗ lưng Dịch. Cậu xoay người Dịch nhìn một lượt, gật đầu khen:

- Ừm, rất khỏe, còn cao lên nữa.

Hai năm không gặp, hai đứa có rất nhiều chuyện để nói. Dịch kể cho Thiều tất thảy những gì xảy ra sau khi Thiều đi, nào là mọi người đều rất nhớ Thiều, cũng khá yên tâm khi không nhận được bất cứ tin gì về cậu, bởi chiến tranh mà, không tin gì còn tốt hơn tin dữ nhiều. Rồi Dịch ỉu xìu, buồn bã bảo mình đã thất tình, cái Thảo đã chọn thằng Học, chúng nó còn làm đám cưới luôn rồi cơ.

Thiều an ủi bạn thân, hứa sẽ dựa vào các mối quan hệ hiện tại để làm ông mai cho Dịch. Dịch chỉ cười, lảng sang chuyện khác:

- Cậu định làm gì sau chiến tranh chưa?

Thiều chưa đáp vội mà hỏi lại:

- Cậu chắc mình thắng hả?

- Dĩ nhiên là mình thắng chứ gì nữa. – Dịch nói một cách chắc nịch. – Đằng nào tớ cũng bỏ ước mơ để đến đây đấy, nếu không thắng được thì uổng lắm đó.

Thiều gật gù, bảo cậu sẽ tiếp tục làm bộ đội. Dịch lại hỏi cậu vẫn làm lính tăng hay gì, Thiều cười cười trả lời:

- Chớ sao, tớ thích.

***

Nhóm của Thiều có một bộ bài tây, không phải đi trộm mà có, là do Niên năn nỉ ỉ ôi mấy anh bộ binh quen biết mới xin được. Bình thường, khi rảnh rỗi, bốn thằng lại túm tụm với nhau dưới gầm xe tăng, vừa đánh mấy ván phỏm hoặc tiến liên, vừa hăng say tán dóc.

Lữ đánh ra một quân năm nhép, nhân tiện kể cho cả bọn nghe:

- Ê này, mọi người nghe được gì chưa? Ở một đơn vị nọ, có vụ đào ngũ tập thể đó.

Chuyện này vừa khơi lên, ba người còn lại ngạc nhiên hẳn ra, nhao nhao hỏi chi tiết. Lữ buồn bực khi thấy Niên đánh ra luôn con Q nhép, song vẫn nói:

- Cơ mà xui rủi thế nào, vụ này bị phát hiện bởi một tay tân binh. Mà những người đào ngũ là lính “già”, thấy bảo lý do đào ngũ là không chịu nổi cái cảnh sống trên chiến trường “nay sống mai chết” nữa. Với kinh nghiệm của bọn họ thì dĩ nhiên họ thoát được tân binh rồi. Chẳng qua cu cậu tân binh cũng nhọ, đang đuổi theo thì đụng phải ba thằng giặc đi lạc, rồi... hầy... Vẫn còn một cái may là vị trí đóng quân chưa bị lộ.

Đảo lắc đầu thở dài, tay đánh ra quân hai cơ. Lữ và Niên thấy quân này, bực mình trông thấy. Ván này sắp đánh xong rồi. Trong tay cả bọn, ngoại trừ Thiều, ai cũng còn ít quân lắm, mà toàn quân nhỏ thôi, sao mà chặn được một con hai cơ từ trên trời rơi xuống này được. Đương khi Đảo đắc ý vì sắp thắng, Thiều đánh ra ba đôi thông cậu gìn giữ nãy giờ. Biết là không ai chặn được, cậu đánh nốt quân sáu rô cuối cùng, ẵm luôn vị trí số một trước sáu con mắt trố ra của đồng đội.

Thiều xem các đồng đội đánh nốt ván bài, nói:

- Kể ra ai cũng lờ mờ biết rồi sẽ xuất hiện một hai vụ đào ngũ, chỉ không ngờ lại có trường hợp như kia. Cũng tội anh cu tân binh phết đấy.

Ba người kia cũng cho là vậy, không để chuyện này trong lòng lâu. Ván bài kết thúc, người về cuối là Niên đành đi xào bài cho ván tiếp theo.

***

Một chiều mưa lâm thâm, Thiều gặp đồng đội của Dịch. Đó là một cậu trai trẻ lùn tịt, vai khoác súng, lưng đeo ba lô con cóc quá khổ, mũ tai bèo ướt nhẹp nước mưa, vành mũ sụp xuống xe đi một nửa gương mặt. Cậu chàng đi cùng với ba người khác, có vẻ như là đang di chuyển đến đơn vị mới. Bốn người họ đi ngang qua đơn vị xe tăng của Thiều, cậu chàng kia dừng lại một chốc, bắt lấy tay một anh lính xe tăng, nói là muốn tìm người.

Cậu chàng đó tìm Thiều.

- Cậu là Thiều hở?

Thiều gật đầu. Cậu thấy hơi lạ, người này và cậu không quen biết gì, không đến nỗi để người ta đến tận cửa hỏi thăm như vậy. Cậu chàng đó lôi ra từ trong ba lô con cóc một quyển sổ to chừng một bàn tay, giao cho Thiều. Cậu đó nói:

- Đây là di vật của Dịch. Trang đầu ghi nếu cậu ấy có chuyện gì thì gửi nó cho cậu.

Thiều ngỡ ngàng, dường như không tin vào những gì mình nghe thấy, một hồi lâu sau cậu vẫn không bình tĩnh lại được. Cậu chàng kia chờ đến sốt ruột, dúi quyển sổ vào tay Thiều. Đến tận lúc này, Thiều mới ngập ngừng hỏi:

- Cậu nói gì? Di… di vật?

Cậu chàng kia đáp “ừ”, lại kể cho Thiều về vụ đào ngũ tập thể. Nội dung không khác những gì Lữ kể lại là bao, cũng chỉ thêm vài chi tiết như là có bao nhiêu người thành công thoát và bao nhiêu người bị bắt lại. Cậu ấy còn nói:

- Dịch hi sinh anh dũng lắm. Nói thật với cậu nhé, khi bị giặc bắt gặp, Dịch không mang theo súng, bị chúng nó tóm gọn bắt sống. Chúng nó định hỏi ra vị trí đóng quân của mình nên tra tấn cậu ấy tại chỗ, mà Dịch không chịu, cắn răng nhẫn nhịn đến hơi thở cuối cùng. Chúng tớ còn nhớ, đêm đó Dịch gào lên, tiếng lớn lắm, cảm giác như vọng cả núi rừng ấy. Dù cậu ấy toàn hét lên lời chửi bới nhưng cũng kịp để chúng tớ cảnh giác, rút ngay trong đêm.

Cậu lính cũng bày tỏ niềm tiếc nuối khôn nguôi bởi Dịch có mối quan hệ tốt với các đồng đội lắm, nay lại gặp chuyện như này nên ai cũng buồn cả. Cậu ấy còn dặn Thiều đừng nên quá đau buồn, Dịch là kiểu người vui vẻ hay cười, nhất định không muốn nhìn bạn bè vì mình mà gục ngã đâu.

Thiều thất thần trở về vị trí, trong đầu loạn thành một mớ bòng bong. Người cậu ướt sũng nước mưa, đến cả quyển sổ nhỏ cũng không tránh khỏi. Cơn mưa ngày ấy qua đi rất mau, đọng lại trên đất những vũng nước nhỏ. Cây rừng xanh rì trong gió mát, hương rừng sau mưa vấn vương trong khí trời. Thiều co mình ngồi cạnh xe tăng, những người đồng đội vây quanh khuyên nhủ cậu giữ sức khỏe, vậy mà cậu chẳng nghe nổi bất cứ điều gì. Cậu giữ khư khư quyển sổ của Dịch, không chịu mở ra dù chỉ một lần, cũng không có ý định giữ ấm cho cơ thể.

Ba người bọn Niên hỏi cậu có sao không, Thiều chỉ lắc đầu qua loa, lại đi sang nơi khác tiếp tục ngồi một mình. Ba người kia nhìn nhau, thấy rõ vẻ lo lắng của những người còn lại, song họ biết hiện tại cậu muốn ở một mình, đành bấm bụng để hỏi thăm cậu sau.

Hôm sau, Thiều phát sốt, người cậu nóng hừng hực như thiêu đốt, đầu óc choáng váng, cả người rũ rượi mệt mỏi. Nhưng cậu không chịu nghỉ ngơi mà đòi lên xe tăng ra chiến trường, cậu cho rằng mình chẳng sao hết và đội không thể thiếu cậu. Sau cùng, cậu vì quá sức mà ngất xỉu, được đồng đội nâng vào bệnh xá.

Thiều tỉnh lại trong tiếng hoan hô rung trời của các anh lính nằm cùng bệnh viện dã chiến. Cậu uể oải nghĩ chắc có tin thắng trận gì nên họ vui đến vậy, một lúc lâu sau mới biết mấy anh lính chơi chọi dế trong này. Thiều nằm nghiêng người, quay lưng với những anh lính kia, nhắm mắt ngủ tiếp.

Khi màn đêm vắng lặng buông xuống, Thiều lại tỉnh một lần nữa. Lần này cậu không ngủ tiếp được, chỉ đành mở mắt thao láo, nằm lăn qua lộn lại. Nhìn vào màn đêm trước mặt, bên tai chỉ có tiếng ngáy khe khẽ và âm thanh giường kêu cọt kẹt, Thiều không khỏi nhớ đến Dịch. Cậu nhớ những ngày mưa rả rích chốn xưa, những buổi chiều tà lội sông chơi đùa, rồi nhớ đến lần cuối khi hai đứa gặp mặt. Rừng lá xanh mơn mởn, hai người trai trẻ vẫn như thế, chỉ là đã khoác lên mình áo lính.

Chuyện xưa đã qua, thời gian chẳng thể quay lại, cả người cũng vậy.

Trái tim quặn đau, Thiều co người, một tay nắm lấy phần áo trước ngực, tay kia nện mạnh xuống chiếc giường. Cậu không thể chịu nổi việc Dịch đã đi rồi, không thể chấp nhận nổi sự thật đó. Giọt nước mắt rơi xuống, Thiều đau đớn khóc thầm.

- Đằng ấy à, nếu cậu không ngủ được thì cũng thôi, đừng ảnh hưởng đến người khác được không?

Một giọng nói đột ngột vang lên bên cạnh. Hình như người nói đến bên giường cậu từ bao giờ, cúi người xuống nói thầm với cậu.

Thiều thút thít lau nước mắt, nhỏ giọng xin lỗi người nọ. Người kia không định về giường mình mà ngồi ở mép giường cậu, khẽ giọng hỏi:

- Gặp chuyện buồn gì sao?

Thiều đáp không có gì, cậu chỉ nhớ chuyện cũ nên buồn quá thôi. Người kia có vẻ không tin lắm nhưng không đào sâu vào, chỉ nói:

- Trông kiểu này của cậu giống tớ năm xưa lắm. Có phải một người quan trọng với cậu đã qua đời không?

Rồi cả hai rơi vào im lặng. Người nọ chờ một lúc không thấy cậu đáp, bèn khuyên cậu ngủ sớm, đứng lên về giường. Thiều bất giác vươn tay kéo áo anh, cũng vì cho rằng anh giống mình nên níu anh lại. Cậu ngơ ngác, không biết giải thích thế nào về hành động của mình. Người lính kia không nổi nóng mà kiên nhẫn chờ cậu, còn nhẹ nhàng vỗ vai cậu an ủi. Hồi lâu sau, Thiều hạ quyết tâm, chần chừ nói:

- Bạn thân tớ hi sinh, tớ… tớ…

Người đó vỗ vỗ mu bàn tay cậu, ý bảo cậu bỏ tay khỏi áo anh, sau đó ngồi xuống mép giường Thiều. Anh tự giới thiệu mình tên Sáo, hăm hai tuổi, là một bộ binh. Sáo móc từ túi quần ra một cái cành cây nhỏ, nhét vào tay Thiều, bảo là nghịch cái này vui lắm, dùng để giải tỏa thì không gì tốt hơn được.

Anh còn nói:

- Năm đó, tớ cũng không khác cậu mấy, nhưng tớ nhận ra, bên cạnh tớ không chỉ có một mình người đó.

Thiều ngơ ngác nhận lấy cành cây, khóe mắt hoe đỏ. Cậu cố gắng nén xuống tiếng nức nở. Cậu vuốt ve cành cây sần sùi ươn ướt, bên trên còn vương một ít bụi đất, suy nghĩ miên man.

- Đừng quên những người bên cạnh cậu.

Nói rồi, anh dịu dàng xoa đầu Thiều. Cậu cầm cành cây trong tay, ngẩn ngơ nghe Sáo tâm sự vài chuyện. Chắc hẳn không ngủ được nên Sáo cũng hơi chán, anh kể nhiều lắm, nhất là những trận chọi dế kịch tính ngày hôm nay. Thiều chỉ yên lặng lắng nghe, vẩn vơ nghĩ về lời Sáo nói, cả khi anh về giường nghỉ ngơi lúc nào cũng không biết.

Đêm tàn, trời sáng. Thiều thao thức suốt đêm dài, lòng tự hỏi, liệu bên cạnh cậu còn người khác nữa sao? Vẫn còn người giống như Dịch sao?

***

Chú thích:

(*) Chi tiết này được tôi tham khảo từ “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến.

Tác giả tám nhảm: Trên kia đội của Thiều đánh tiến lên miền Bắc. Khoe khoang chút, hồi Tiểu học, tôi là trùm chơi tiến lên miền Bắc đấy, do được chân truyền từ bố tôi cả :v

Ngày đăng chương này trên web là 24/8, mà ngày 20/8 năm ngoái là ngày tôi chính thức đăng truyện lên, vậy nên để kỷ niệm một năm thì tôi sẽ đăng tiếp chương 12 nhé. Cảm ơn những người đã theo dõi và ủng hộ tôi trong suốt năm vừa qua :3

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro