Chương 11: Mộc lan đã nở rồi...
Mặc dù ban đầu tôi có nuôi hi vọng chiến thắng nhưng kết quả này cũng không khiến tôi thất vọng.
Nguyễn Dĩnh là người như nào mà tôi có thể mơ tưởng hão huyền? Nếu y thua tôi thì lịch sử lấy đâu ra vị tướng bách chiến bách thắng.
Mặt khác, qua nhiều ngày tiếp xúc, tôi cũng hiểu phần nào về tính cách của Dĩnh. Y sẽ không hứa những việc mà bản thân không chắc chắn. Sợi dây đã bị lấy mất từ lâu, tôi dễ gì mà đòi lại được.
Đến cuối cùng, bầu trời đang mưa giông của tôi lại trở nên nắng gắt. Bây giờ nghĩ lại tôi mới biết, cơn mưa đó chỉ là mưa bóng mây. Dù cho kịp mặc áo mưa thì cũng không có ích gì cả.
Tôi nắm chặt vũ khí đã bị chém thành từng mảnh của mình trong tay, cúi chào Nguyễn Dĩnh rồi thất thểu đi vào. Có lẽ chữ buồn đã in hoa, hiện rõ ràng trên gương mặt của tôi. Đúng lúc này tôi bỗng thấy Nguyễn Lã chạy ra, y đưa tôi một cốc nước rồi vui vẻ cười phá lên:
- Cô giỏi thật đấy, vậy mà có thể đánh với anh ba lâu như vậy. Nào, uống miếng nước đi.
Tôi không vì mấy lời an ủi này mà vui hơn, nỗi buồn vẫn cứ lan ra khắp người tạo nên cảm giác tiêu tao khó tả. Tôi đỡ lấy cốc nước từ tay Lã rồi cúi đầu:
- Tạ ơn chúa công ban nước.
- Không có gì đâu. Nếu anh Ba đã miễn lễ cho cô thì từ mai gặp tôi cô cũng không cần vái lạy.
- Thưa, tôi không dám.
Tôi cẩn thận cúi đầu một lần nữa, Lã vẫn cười hề đỡ lấy tay tôi. Vừa hay Dĩnh bước tới, y kéo tôi đứng thẳng dậy rồi nói:
- Ta đã rèn cho nàng phi đà khác, tối nay đến gặp ta để lấy. Nàng không cần tiếc sợi dây này nữa.
Lời nói của Nguyễn Dĩnh khiến tôi có chút ngạc nhiên, đầu ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt y theo phản xạ. Tôi thấy rất nhiều sự dịu dàng ở đây, sự dịu dàng chôn sâu trong đáy mắt giống như hồ nước mùa thu ôn nhu, tĩnh lặng.
- Có phải nàng nên rót cho ta một chén nước không?
- Dạ, thưa... - Tôi bị y đánh thức. Một tay vẫn cầm phi đà, một tay nâng chén trà luống cuống: Mời chúa công dùng trà.
- Được rồi. – Dĩnh bật cười: Đó là Lã thưởng cho nàng, nàng nên mời ta chén khác chứ!
- Thưa, vâng!
Tôi nhìn theo bóng hình hai người họ đi trước rồi lại vội vã ực một hơi uống hết trà, luống cuống chạy đằng sau.
Ngày hôm đó tôi vừa nghe An, Lã hết lời khen tôi vừa nhận được phi đà mới từ Nguyễn Dĩnh.
An khen tôi là phận nữ nhưng không thua kém gì đấng nam nhi. Từng chiêu thức vô cùng mới lạ, hiểm hóc, đủ sức để quật ngã những binh sĩ vạm vỡ đã trải qua huấn luyện.
Tôi chỉ biết cười khổ. "1vs1" còn đỡ, chứ tôi không thể như mấy thằng cầm phóng lợn đòi cân năm, cân sáu nẹt bô, lao rồ rồ trên Tây Hồ được.
Lã lại tỏ ra thích thú với vũ khí có phần lạ lẫm này, đặc biệt là động tác vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ khi khai triển nó.
Tôi lại tiếp tục cười khổ, đó là y chưa thấy dáng vẻ vụng về của tôi hồi mới học phi đà. Gây sát thương cho đối thủ thì ít, nhưng tỉ lệ tự hủy lại cao. Phóng không được dao vào đối thủ ư? Yên tâm, bạn sẽ tự quật dao vào người mình! Thu không được dao ư? Yên tâm, thêm một tý sức dao sẽ tự lao vào người bạn. Nói chung là, quá khứ đen tối, tôi cũng không muốn nhắc lại.
Tuy nhiên, thứ tôi để ý hơn cả những lời khen có cánh này chính là món quà Dĩnh tặng cho tôi. Y vẫn nhớ lời tôi nói, cẩn thận làm một chiếc phi đà dùng để chiến đấu.
Không chỉ dây vải thường ngày được thay bằng dây chão chắc chắn mà ngay cả lưỡi dao cũng có phần khác lạ. Vẫn là hình dáng thuôn dài, sắc bén ở hai bên, nhỏ dần và nhọn ở phần mũi nhưng lần này, ngay sát mũi dao có thêm "ngạnh" cong như lưỡi câu, tỏa ra sát khí mạnh mẽ.
- Nàng thích không? – Dĩnh hỏi.
Tôi nâng niu phi đà trên tay, trong lòng dù lẫn lộn những cảm xúc khó tả, nhưng đến cuối chỉ có thể thốt lên một câu ngắn gọn:
- Thưa, có thích ạ!
Nghe được câu trả lời của tôi, Dĩnh gật đầu, miệng hơi cười, dáng vẻ như hài lòng. Những ngày sau đó, y dù không bắt tôi tham gia huấn luyện binh sĩ nhưng vẫn yêu cầu tôi phải luyện cho thật chín món nghề của mình.
Dần dần tôi cũng quên luôn sợi dây, nói trắng ra là không tìm được cách lấy lại được nên đành tạm thời từ bỏ phương án đấy. Tôi quyết định tiến hành phương án thứ hai, nhưng trong quá trình thực hiện, nếu có cơ hội quay lại phương án một tôi vẫn sẽ làm như dự tính.
Tuy nhiên, kế hoạch của tôi chưa kịp bắt đầu thì bản thân đã vướng vào một sự kiện khác đó là về nhà ăn Tết.
Tối hai mốt âm lịch, tôi vừa đứng mài mực cho Nguyễn Dĩnh, vừa suy nghĩ những thứ kì lạ trong đầu. Từ ngày biết tôi hay văn thơ, y thường xuyên gọi tôi đến hầu hạ chuyện bút, mực. Khi thì Dĩnh viết, tôi đọc. Khi thì tôi múa bút thành văn cho Dĩnh xem. Nhưng hôm nay, từ đầu chí cuối, y luôn luôn im lặng. Cho tới khi nét bút cuối cùng được đặt xuống, Dĩnh mới thở dài:
- Tết về đến Phụ Nhân rồi!
- Dạ.
Tôi dù không hiểu gì nhưng vẫn nhanh nhảu tiếp lời. Bởi lẽ ngày còn nhỏ, từng có một người quen thường xuyên nói vậy với tôi. Năm nào đều như thế, khi trời trôi dần vào những ngày tháng cuối, người ấy tới thăm chúng tôi với vô vàn món quà thú vị và một câu nói: "Tết đã về đến ngõ rồi". Mà hình như bất kì người lớn nào cũng nói vậy. Nhưng trong thế giới trẻ con thuở ấy, tôi luôn có một thắc mắc: Tết trông như thế nào?
- Ngày mai nàng về nhà cùng với ta đi.
Dĩnh nói, ánh mắt chứa đựng sự mong chờ hướng về phía tôi. Tôi cũng tò mò về cái Tết lắm. Ngoài việc bắn pháo hoa, nhận lì xì đỏ thì còn gì nữa không? Nếu không thì nó cũng chẳng khác mấy so với cuộc sống bình thường của tôi cả. Không đủ tươi sáng, cũng chẳng thêm phần rực rỡ.
- Thưa, vâng. – Tôi gật đầu. Trong lòng thật sự mong chờ về cái Tết sắp tới.
Sáng hôm sau, tôi có mặt từ lúc trời đất còn lẫn lộn hơi sương. Việc quân Nguyễn An đã lo xong, binh lính ai ai cũng được về nhà đón Tết. Họ cùng nhau hô lên mừng rỡ, niềm hân hoan có phần con trẻ tạc sâu trong ánh mắt.
Còn tôi, tôi cũng không rõ cảm xúc của bản thân là gì nữa. Chân thì vội vã đi theo ba người họ trên lối mòn nhỏ. Trái tim thì thẫn thờ tựa đang ngẩn ngơ giữa vô vàn ngã rẽ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mông lung như vậy. Mông lung vì tương lai, mông lung vì cái Tết, mông lung vì những trạng thái lâng lâng chẳng rõ ràng. Nhưng rồi chính Nguyễn Dĩnh đã giúp tôi tạm thời dẹp đi vài "cái" mông lung đó:
- Ẩn, nàng có thấy hôm nay có gì khác so với mọi hôm không?
Tôi thoáng đưa mắt, liếc qua mọi ngóc ngách theo phản xạ tự nhiên:
- Thưa, tôi không thấy.
- Vậy sao, cái cây nàng chăm chú nhìn hôm trước, hôm nay đã ra biết bao mầm non, nàng nhìn xem.
Nói rồi Dĩnh vừa đi, vừa đưa tay chỉ về phía khóm lan Cattleya đã ra hoa mấy độ trước. Tôi hơi ngoái đầu lại, giờ hoa đã tàn, thân lan duỗi thẳng xuống, khẳng khiu, trơ trụi. Ở đâu đó trên màu thân xam xám, xuất hiện những mắt xanh non biếc. Tôi thầm thở dài, trong tâm trí bỗng vụt qua bóng cây mộc lan trước hiên nhà hoa rộ một góc trời.
- Mộc lan ở nhà có lẽ cũng nở rồi. Nàng đoán xem bao giờ mùa xuân tới?
Dĩnh nói. Tôi giật mình, bàng hoàng ngẩng mặt lên. Ánh mắt như không thể tin chăm chú nhìn thẳng vào y. Là tôi đang mơ hay là tôi đang trong sự sắp đặt ngẫu nhiên nào đó của thiên đạo?
"- Mộc lan nở rồi, cô nói xem bao giờ mùa xuân tới?"
- Sẽ... mau thôi.
Tôi đáp. Những cảm xúc không tên bất ngờ ùa đến, bủa vây tâm trí tôi tựa như mây đen kéo về giăng giăng kín lối. Nước mắt từ ngõ ngách sâu thẳm nào đó đột ngột được khơi ra. Có lẽ vì đã thấy mắt tôi rưng rưng đỏ nên Dĩnh mới cẩn thận hỏi một câu: Nàng sao vậy?
Lí trí vốn đang dần biến mất bỗng vội vã loáng thoáng trở về khiến tôi bình tĩnh lại. Tôi giả ngáp một hơi, nhoẻn miệng cười:
- Thưa, tôi dậy sớm quá nên hơi buồn ngủ một chút ạ.
Nghe tôi trình bày, cả ba bỗng cười khúc khích. Lã nói chêm vào, trêu chọc tôi:
- Tôi còn tưởng cô tức cảnh sinh tình nữa.
Tôi hơi gãi đầu, cười giả lả, não không ngừng cố gắng tìm ra thật nhiều câu chuyện để đánh trống lảng:
- Nhà của ba vị chúa công có trồng mộc lan ư?
- Là anh ba trồng. – Nguyễn Lã vui vẻ đáp lời tôi, y còn bổ sung thêm cho tôi nhiều sự kiện: Anh ba tự trồng trước cửa sổ phòng mình, nhưng cây mộc lan đó chưa bao giờ ra hoa cả.
- Và câu nói đó, năm nào Dĩnh cũng hỏi bọn ta. Năm nay có thêm cô thì chuyển sang hỏi cô.
Nguyễn An vốn không hay thể hiện cảm xúc ra mặt nhưng lần này cũng hơi cười. Tôi không biết y cười cái gì. Hoặc là cười sự cố chấp của Dĩnh. Hoặc là cười sự vô tri của tôi.
- Thì ta cũng chỉ nói "có lẽ" thôi mà. Nàng thấy có đúng không?
Tôi gật đầu, mặc kệ đúng hay sai. Tôi chỉ cần biết "sếp" của tôi là Nguyễn Dĩnh. Y là trời, là cha, là tư bản, y nói cái gì cũng đúng. Tôi đều ủng hộ hai chân, hai tay.
- Ta đùa thế thôi. – Dĩnh nhìn tôi trìu mến, giọng nói bỗng trở nên nghiêm túc: Nàng không cần phải căng thẳng, cứ thoải mái, xem như đang về nhà mình đi.
-Về nhà mà gọi chúa công có vẻ hơi lạ.
Lã lên tiếng. Y nói, ai cũng cho là phải. Cả ba quay lại nhìn tôi, nét mặt đều có chút khó xử.
- Hay nàng cứ gọi thẳng tên ta đi. – Dĩnh mở đầu, ngay sau đó An, Lã cũng gật đầu phụ họa theo.
- Thưa, tôi không dám.
Tôi hơi hoảng, vội vã dừng lại, cúi gằm đầu xuống. Hành động này của tôi khiến cả ba đều rơi vào trầm tư. Thấy họ mãi im lặng như vậy, tôi đánh bạo đưa ra ý kiến:
- Hay tôi cứ gọi là anh hai, anh ba và anh tư đi.
Cả ba người không đồng ý ngay lập tức, họ vẫn đang suy nghĩ điều gì đó. Nhưng dường như ý kiến ấy đã là phương án ổn thỏa nhất nên sau một hồi chúng tôi đã thống nhất như vậy rồi tiếp tục lên đường.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro