LỜI TỰA
Nội dung của cuốn sách này có nhiều chỗ không giống như điện ảnh và truyền hình nói về cung đình nhà Thanh, về Tây Thái hậu Từ Hi. Thế nhưng, điều mà chúng ta cần phân biệt giữa bộ sách này với điện ảnh, truyền hình, không phải là ở mặt hình thức, mà là ở mặt nội dung.
Cuốn sách này, đã nêu ra một sự thật khác với hồ sơ gốc của cung đình nhà Thanh trong phòng hồ sơ và một số tác phẩm điện ảnh, truyền hình là: hoàng đế Đồng Trị không phải chết bởi bệnh đậu mùa, hoàng đế Quang Tự không phải chết bởi bệnh lao phổi. Trong hồi thứ tám của cuốn sách tác giả đã nêu rõ bi kịch của Đồng Trị, hoàng đế thứ tám, tuổi mới mười chín đã bị khổ sở mọi bề bởi sự ép buộc tình dục của cả một bầy phi tần với cảnh sống trời đầy hoa và đất đầy rượu. Đồng Trị đã mộng tưởng tới cuộc sống tự do trong dân gian, nên ngài đã lẻn trốn ra khỏi cửa cung, tìm hoa hỏi liễu để rồi mắc bệnh mà mất mạng. Những điều mà tác giả đã viết ra, trang nào cũng có chứng cứ, lời nào cũng hợp tình. Người kế tiếp bi kịch chính trị và hôn nhân là Quang Tự, vị hoàng đế thứ chín. Quang Tự đã muốn yêu Trân phi theo cách của mình mà chẳng xong, rồi hoài bão suốt đời cũng chẳng thể thực hiện được, biện pháp Duy Tân gặp thất bại thảm hại, bản thân bị giam giữ ở trong lồng vàng, để rồi cuối cùng bị xử tử bí mật, trước khi Từ Hi thái hậu quy thiên mười giờ đồng hồ. Khi tác giả miêu tả về Quang Tự, ông đã đem hết sự oán thán, phẫn nộ của mình dốc xuống đầu ngòi bút, rồi cuối cùng đã bất chấp chương pháp truyền thống của tiểu thuyết, không tiếc điều hết những phương thuốc hay vào bệnh án, lật mở ngự y kỉ yếu, như vào tới pháp đình để làm cuộc tranh biện thiên cổ.
Tác giả cuốn sách là một vị lão tiên sinh đã tám mươi hai tuổi, họ Diệp Hách Nhan Trát Thị, tên gọi Nghi Dân, là họ gần với Hiệp Hách Na Lạp Thị, muộn hơn Từ Hi thái hậu hai đời nên gọi Từ Hi là bà cô. Cha đẻ, người bác ruột và bố vợ của ông đều là mệnh quan triều đình nhà Thanh, làm tuần phủ từ Sơn Đông đến Sơn Tây và làm quan đại thần trong phủ Nội Vụ của triều đình. Bản thân tác giả, cũng vì có sự xuất thân đặc biệt nên đã được thị trưởng thành phố Bắc Kinh mời đến làm nhân viên nghiên cứu suốt đời tại Văn Sử quán Bắc Kinh. Khi còn thơ ấu, tác giả đã nghe được rất nhiều chuyện bí mật ở trong cung, thấy hoàn toàn trái ngược với những điều đã được công bố. Ví dụ như cái chết của đại thái giám Lý Liên Anh, đích xác không phải là chết già. Lý Liên Anh chính là bạn thân tình tựa chân tay với ông từ thuở nhỏ. Sau này, Địch Uy thượng tướng quân Giang Triều Tông nhận của đút đã mời Lý Liên Anh tới Thập Sát Hải Hội Hiền Đường dự tiệc, tiệc xong, trên đường trở về nhà đi qua Hậu Hải, bị "thổ phỉ" ám sát, thân chìm dưới đáy bể, đầu lâu vứt ở ven sông. Điều này hoàn toàn khác với văn trên bia của Lý Liên Anh. Trên văn bia của Lý Liên Anh viết: "Thái thượng Lý Khâm (thụy hiệu sau khi Từ Hy đã qua đời) Hiển hoàng hậu thăng hà, ý chí lùi về ở ẩn của ông đã quyết. Khi lùi về quê, ông đã già lão suy yếu. Ông mất ngày mồng bốn tháng hai năm Tuyên Thống thứ ba"..., để chứng minh rằng, Lý Liên Anh đã thọ tại chính tẩm chứ không phải là chết đột ngột ở nơi ngoại ô hoang dã. Đoạn ẩn tình kể trên, đích thực từ miệng của con trai Giang Triều Tông là Giang Bảo Thương nói với tác giả trong lúc chuyện phiếm, do vậy thực sự không thể coi là dã sử được.
Ngày nay, con cháu đích hệ của các bậc tiền bối là những người chứng kiến lịch sử đều đã lần lượt qua đời, duy chỉ còn lão tiên sinh tuy đã là ông già ở tuổi tám mươi , nhưng những kí ức của tuổi thơ chưa thể phai nhòa, nên ông đã cầm bút ghi lại những sự thật lịch sử trần trụi, những nóng lạnh bất thường của cuộc đời để hình thành nên cuốn sách.
Tác giả không phải là nhà văn viết tiểu thuyết, nên cuốn sách này cũng không hẳn là một bộ tiểu thuyết mà là những ghi chép thực, nghiêm túc trên mặt ý nghĩa. Bạn đọc dù kiên nhẫn hay không cũng có thể nhìn thấy rõ, có lúc ông đã dùng bút pháp của lịch sử Xuân Thu, thậm chí có một số chương tiết hầu như là ghi chép về lịch sử xâm lược Trung Hoa của Bát quốc liên quân.
Về lịch sử bán nước của triều đình Đại Thanh, sự việc này tất sẽ có ảnh hưởng đến tâm lí của độc giả, thì lão tiên sinh đã dám viết và lẽ dĩ nhiên ông cũng hiểu được chút ít sự "lên đèo xuống dốc, lúc cương lúc nhu". Cứ nhìn thấy nét bút già dặn của ông vừa chuyển, văn chương của ông lập tức đã ra hoa. Bạn đọc hãy xem, một số đoạn văn ông viết khá hay:
"...Tên Văn Hỉ kia lập tức nói với Đồng Trị:
- Thành phố đêm mà Vạn tuế vừa nói đó không có gì hiếm lạ, nếu ta vào đại lan can rồi đi về phía Tây thì đó chính là tám ngõ lớn nổi tiếng, bên trong toàn là kỹ viện, vào trong chơi mới thỏa thích!
Đồng Trị chớp chớp đôi mắt, buồn bực hỏi:
- Thế nào gọi là kỹ viện?
Văn Hỉ nói:
- Đều là những cô gái lộng lẫy như những bông hoa.
Đồng Trị hỏi:
- Các cô gái làm gì ở đó?
Văn Hỉ nói:
- Họ gặp những người có tiền, thì hoan nghênh chiêu đãi thật nhiệt tình.
Đồng Trị hỏi:
- Chiêu đãi cái gì?
Văn Hỉ nói:
- Ăn uống, chơi bời, hưởng lạc thú, cực kì thích.
Đồng Trị liền nói:
- Đi thôi, họ cần bao nhiêu nguyên bảo thì cho bấy nhiêu nguyên bảo, cần bao nhiêu đĩnh vàng thì cho bấy nhiêu đĩnh vàng...
Đồng Trị nói với Hải Trừng:
- Chập tối ngày mai bốn chúng mình sẽ cải trang để đi."
Đúng là đã đem một hoàng đế Đại Thanh ngồi cao trên bệ rồng, đổi thành một thiếu niên ăn mặc lụa là đơn thuần ngây ngô. Thông qua một tình tiết nhỏ này, tác giả đã miêu tả rất độc đáo và sâu sắc đời sống khô khan vô vị và cuộc nhân duyên hoang đường, bất đắc dĩ của một bậc đế vương. Hoặc như ông đã miêu tả cảnh tượng thê thảm của Từ Hi thái hậu phải lưu vong chạy trốn nơi ngoại thành hoang vu, đói rét bức bách, mất hết oai phong sau khi thành Bắc Kinh bị xâm lăng, như sau:
"Thái hậu gấp gáp không thể chờ đợi được, nói:
- Có cháo gạo tẻ cũng rất tốt rồi, trong lúc hoạn nạn, được thứ này, cũng là đủ lắm!
Sau khi Ngô Vĩnh lùi tới Đông sương phòng, bắt nội giám đem cháo, màn thầu, thức ăn mặn vào. Nội giám bước ra nói:
- Bề trên cần đôi đũa!
Ngô Vĩnh vừa nghe đã mắng nhiếc những người hầu trong bếp:
- Tại sao không cùng đưa đũa đem lên?
Tên nhà bếp hoảng sợ, trên mặt ra đầy mồ hôi, bởi vì ban đêm vội vã nên đã quên đưa theo đũa lên. Ngô Vĩnh vội vàng rút con dao nhỏ đeo bên mình vót đôi đũa đưa vào. Thế nhưng hoàng thượng, hoàng hậu vẫn không có đũa dùng. Thái hậu hạ lệnh cho nội thị ra ngoài tìm thân cây cao lương tạm chẻ ra làm đũa để phân phát cho các vị. Khi Ngô Vĩnh sai người đem đũa dâng vào thì mọi người mới vứt bỏ đũa bằng cao lương đi.
Trong phòng vang lên tiếng húp cháo sụp soạt và tiếng lách cách tranh nhau ăn...
Lý Liên Anh từ trong phòng bước ra, chậm chạp bước tới trước mặt Ngô Vĩnh, giơ ngón tay cái lên nói:
- Ông rất khá, hoàng thái hậu rất thích. Thái hậu muốn ăn trứng gà, ông có thể tìm được không?
Ngô Vĩnh "chà chà" một tiếng rồi lập tức đi tìm. Một lát sau đã đem về được năm quả. Sau khi luộc chín lại bốc thêm một nhúm muối ăn, rồi giao cho nội thị đem vào. Chừng độ nửa canh giờ sau, Lý Liên Anh lại bước ra cười hì hì, nói với Ngô Vĩnh:
- Hoàng thái hậu rất dễ chịu, năm quả trứng gà đưa vào vừa rồi, thái hậu đã ăn ba quả, còn lại hai quả đã thưởng cho Vạn tuế. Thái hậu rất muốn hút thuốc lào, ông có thể tìm được không?
Ngô Vĩnh lại "dạ dạ" lên một tiếng, rồi vội vàng vào nhà một hương thân, quả nhiên đã có điếu, có thuốc lào và mấy tờ giấy để châm lửa hút, liền mượn về dâng vào. Lúc này chỉ nhìn thấy thái hậu giơ tay đỡ lấy điếu, từ trong rèm cửa bước ra, tự châm lửa hút, thần thái vẫn như thường. Lần này, thái hậu đích thân triệu Ngô Vĩnh tới trước mặt, nói:
- Lần đi này vội vàng quá, không kịp đem theo quần áo ta cảm thấy rất lạnh, ngươi có thể tìm cách lo liệu được không?..."
Điều này, thì trong nội dung của những cuốn tiểu thuyết và điện ảnh, truyền hình có lẽ là chưa từng được thấy. Trước đây, đối với Từ Hi thái hậu, thậm chí đối với đời sống của tất cả đế vương, hậu phi, phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy mặt huy hoàng của họ ở trong các tác phẩm văn học, cho dù là trong chiến tranh loạn lạc cũng vẫn là giang sơn tuy mất, uy nghi vẫn còn, quần thần vẫn chầu hầu bảo vệ, hết sức tránh nêu ra điều xấu xa đói rét. Thế nhưng ở trong hồi thứ hai mươi hai của bộ sách này, thì Từ Hi thái hậu tuy cao quý mềm mại tới mức độ nào, nhưng lúc này cũng đã nơm nớp lo âu như một con chó ở trong nhà có đám tang, đói khát không chịu nổi; nên chẳng kể gì đến thể diện, đã há rộng miệng tranh ăn miếng cháo nhỏ với hoàng thượng, phi tần và các cách cách. Tiểu thuyết đã viết điều này rất tế nhị, lâm li với đầy vẻ hài hước dí dỏm, nhưng lại không quá lộ liễu. Bạn đọc hãy nhìn xem Từ Hi kia, lúc đói thì cầu có cháo, no rồi thì đòi trứng, rồi lại đòi hút thuốc cuối cùng đã đòi quần áo; từng bậc, từng bậc nâng cao dần yêu cầu, từ một con chó trong nhà có đám tang, lại trở về Tây Thái hậu.
Là một đối tượng được chú trọng miêu tả, nên hình tượng của Từ Hi thái hậu rất phong phú, tính cách rất đa dạng. Bà ta tàn bạo, độc ác, giết tám đại thần, sáu quân tử, giết Trân phi chỉ vì dám cãi lại bà ta một câu, giết thái giám tâm phúc Thôi Đắc Quý chỉ vì ăn của bà ta một quân mã trong khi chơi cờ, giết Lâm đồng tri sự Hạ Sở Khanh chỉ vì cho muối mặn vào trong thức ăn (kỳ thực là do Lý Liên Anh gán tội đổ vào). Thế nhưng bà ta cũng rất mềm yếu, Cung Thân vương sai tay chân giết chết người hầu phòng của bà ta là thái giám An Đức Hải; hắn đã xông tới chỗ bà ta thế mà bà ta lại câm như ăn phải hoàng liên đắng, chẳng dám nói ra. Bà ta cực kì dâm dục và xa xỉ quá đáng, bỏ ra hàng vạn lạng bạc để vẽ ảnh, ném tiền trên băng, nuôi chó chơi chim, xem hát du xuân, xây điện sửa vườn, tế tổ mừng thọ, không tiếc những khoản tiền lớn, tiêu hoang vô độ, đến nỗi kho trong nhà nước trống rỗng, không mua nổi chiến hạm vũ khí để đánh lại liên quân tám nước. Thế nhưng bà ta lại kêu gọi các phi tần, cách cách tự may vá lấy, tự vào bếp làm cơm, còn bản thân bà ta vào đêm ba mươi Tết đã lấy mình làm gương: cán bột mì, thái nhân bánh. Bà ta oán hận Đồng Trị đi chơi kỹ viện; theo dõi Quang Tự gặp gỡ Trân phi, còn bản thân bà ta lại giấu người đàn ông lao động vất vả khỏe mạnh ở trong cung để đêm đêm dâm lạc. Trong hồi thứ mười một bộ sách này, Từ Hi thái hậu đã chọc ghẹo Lý Liên Anh, tác giả đã dùng thủ pháp mộc mạc, chỉ một lần lột hết ngự y sắc vàng của Từ Hi thái hậu ra, khiến bà ta bất đắc dĩ phải lộ rõ toàn bộ bản tính hoang dâm và tàn bạo của mình, đồng thời cũng đã biểu hiện rõ sự bi ai của thái giám quyền binh nghiêng ngả triều đình và dân dã:
"...Mỗi khi các cung nữ chuẩn bị xong nước trong bồn tắm cho Từ Hi, trước hết Từ Hi đã để cho Tiểu Lý Tử chờ sẵn ở trong phòng, rồi gọi các cung nữ ra ngoài, nói:
- Để tự ta tắm lấy!
Sau khi các cung nữ ra rồi, Từ Hi liền vào trong phòng gọi Lý Liên Anh ra, bắt Lý Liên Anh vào trong phòng tắm hầu hạ, còn dặn dò Lý Liên Anh cởi hết quần áo ra rồi hãy vào. Tiểu Lý Tử có chút sợ hãi, nhưng nhìn thấy Thái hậu trợn mắt quát cởi nhanh lên, lại sợ kháng chỉ, hắn liền mạnh dạn cứng đầu cởi hết quần áo ra rồi bước vào trong phòng tắm. Từ Hi thái hậu tự nhiên thoải mái cởi hết ra, rồi cũng bước vào trong nhà tắm. Tiểu Lý Tử nhìn thấy những đường cong của thái hậu lộ ra, tim như trống dục. Còn thái hậu nhìn thấy phía dưới thân của Tiểu Lý Tử so với mình, giống nhau là phần nhiều, khác nhau là phần ít, bèn nói:
- Tiểu Lý Tử, ngươi lại chẳng có cái đó, sợ quái gì?
Tiểu Lý Tử không kìm nổi sự oán hận cha mẹ, tại sao lại bắt hắn phải thiến bỏ đi làm thái giám, tuy vẫn là người đàn ông, nhưng đã thiếu hẳn "cái đó". Nhìn thấy thái hậu cười hì hì, nói năng thoải mái với hắn, Tiểu Lý Tử mới bạo dạn lên... Bỗng nghe thái hậu nói:
- Tiểu Lý Tử, bước hẳn vào trong bồn tắm kỳ cọ cho ta, ta cảm thấy toàn thân ngứa ngáy lắm...
... Từ hôm đó trở đi..."
Trong cuốn sách còn nêu bật tính cách của một số nhân vật khác như sự hèn hạ, ti tiện của Viên Thế Khải, sự gian trá của Vinh Lộc, bộ mặt "đặc vụ" của Hoàng hậu Long Dụ, sự dũng cảm truy cầu tình yêu của Trân phi. Đối với nàng kỹ nữ lẳng lơ nửa xấu nửa tốt Trại Kim Liên nổi tiếng, mà mọi vinh nhục đều có ghi trong lịch sử cận đại Trung Quốc, thì sự miêu tả tuy không nhiều, nhưng chỉ qua việc nàng đối đáp với phu nhân Cơlintơ, ngang nhiên khảng khái biện hộ cho người anh hùng Ân Hải... thì cũng đã làm cho người đọc thấy rõ quan điểm của khán giả. Ngoài ra, tác giả còn thể hiện quan điểm của mình trong khi miêu tả lại những sự việc lịch sử như: người anh hùng Ân Hải nổ súng giết chết tên công sứ, trả thù cho đồng bào, rồi dũng cảm đem thân ra tự thú vì hòa bình của đất nước... Hoặc hình ảnh Đàm Tự Đồng, một trong sáu người quân tử năm Mậu Tuất, đã không chịu chạy trốn, mà muốn dùng một bầu nhiệt huyết của mình để thức tỉnh quốc dân...
Trong cuốn sách này còn có hai luận thuyết cực kì đặc sắc. Một là: Hoàng đế Quang Tự mong gặp được người hiền tài như khát nước mong được uống, nên đã triệu gặp nhiều học sĩ tài ba để trình bày thượng tấu và một bản luận thuyết hùng hồn về biện pháp Duy Tân, có thể khiến cho người ta nghĩ tới "Long Trung Đốc" nổi tiếng của Khổng Lưu thời Tam Quốc. Hai là: Đàm Tự Đồng nhân sự ủy thác của Khang Hữu Vi, một mình tới Thiên Tân du thuyết Viên Thế Khải đang luyện binh tại tiểu trạm, lấy việc cầu thuốc chữa bệnh mà ẩn tàng cầu kế sách cứu nước, dùng lời lẽ tài tình để thử lòng nhau, dùng mật mưu để làm binh biến.
Khi viết xong cuốn sách này, tác giả đã đặt tên cho nó là Cố đô u linh. Phải nói rằng tên gọi này tương đối "hợp với thực chất" của nội dung cuốn sách, vì nó vừa có ý nghĩa tượng trưng lại vừa có màu sắc thần bí... Thế nhưng, vì sự ràng buộc của kinh tế thị trường, Nhà xuất bản Văn học Trung Quốc - được sự đồng ý của tác giả, đã đổi tên sách thành Cấm cung diễm sử.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro