Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Cách ứng xử trong c/s hằng ngày khôn ngoan

1. Chọn ngôn ngữ: Tùy cơ ứng biến, bạn sẽ lựa chọn những lời lẽ dễ nghe để diễn đạt ý kiến trái ngược hoặc phê bình. Như vậy, người nghe sẽ dễ dàng tiếp nhận. Điều này có thể giúp thu hẹp khoảng cách tình cảm giữa hai người.

2. Bàn tán, nói xấu sau lưng: Đây là điều sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp mà bạn đã cất công gầy dựng. Ở những nơi đông người, tránh nêu điểm yếu của người khác. Những thông tin này lan truyền sẽ dễ làm tổn thương đến lòng tự trọng.

3. Tránh ngạo mạn, xu nịnh: Đừng bao giờ gượng gạo lấy lòng, khom lưng uốn gối trước kẻ khác, hay ngạo mạn, cho mình là nhất. Bạn càng không nên dùng quyền uy để hạ thấp người khác, củng cố “ghế” của mình.

4. Gạt bỏ cái nhìn định kiến: Đừng coi thường, bỏ ngoài tai lời góp ý tận tình, từ chối tiếp nhận học hỏi cái mới. Bạn sẽ khó thành công khi cứ khư khư giữ lấy ý kiến giáo điều, sẵn sàng đồng tình với tư tưởng thiếu khách quan, nhìn phiến diện để “bới lông tìm vết” của người khác.

5. Không cậy có công với kẻ khác: Bạn có thể giúp đỡ người khác tùy theo khả năng của mình, nhưng đừng bao giờ lên tiếng kể công với họ. Điều này sẽ khiến người được giúp cảm thấy day dứt như đang mang nợ.

6. Ghi nhớ sự giúp đỡ của người khác: Nhiều người lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại những gì đã giúp đỡ người khác. Thay vì như thế, hãy nghĩ đến những gì người khác đã giúp đỡ mình, dù việc rất nhỏ. Điều này có thể giúp bạn thắt chặt thêm tình cảm với mọi người và biểu hiện một phẩm chất đẹp trong cuộc sống: “Chịu ơn không quên”.

7. Không nên đề cập đến chuyện bí mật: Ai cũng có những bí mật riêng. Nếu bạn bè tin tưởng và thổ lộ với bạn, đừng bao giờ “bật mí” cho nhiều người khác. Điều này chẳng khác nào bạn “bán đứng” họ.

8. Hứa nhăng hứa cuội: Ồ, chẳng nên chút nào! Đừng khua môi múa mép, ba hoa chích chòe. Việc gì phù hợp với khả năng của mình mới nhận lời làm, kẻo mó vào “xôi hỏng bỏng không”. Nếu làm không được, cử thẳng thắn bày tỏ, đừng lấp lửng.

9. Hãy dũng cảm, chân thành nhận lỗi: Không nên đổ lỗi cho người khác, cũng đừng “cãi chày cãi cối” để tự bào chữa, biện hộ cho lỗi lầm của mình. Mặt khác, đừng bảo thủ cho rằng, bạn làm điều đó là tất nhiên nên chẳng có lỗi gì.

10. Tránh “có việc mới sang chơi”: Ngày lễ, Tết, bạn nên ghé thăm họ hàng, bạn bè để luôn thắt chặt mối quan hệ khắng khít. Không nên chờ có việc mới đến.

Cách cư xử khi đón nhận một lời phê bình

Bạn có thực sự biết cách phải hành xử khi một người khác góp ý cho những hành động của bạn?

Với hơn 7 tỉ cá thể khác nhau trên hành tinh này đi kèm với hơn 7 tỉ tính cách, lối sống, cách nghĩ khác biệt với nhau, thật khó lòng để mỗi một cá thể con người có thể làm vừa ý toàn bộ những cá thể còn lại. Nếu như chúng ta đơn giản chỉ là những cỗ máy với những nhiệm vụ khác nhau trong cùng một xã hội thì bạn có thể thoải mái sống và chỉ cần tuân theo những điều kiện nhất định như luật pháp để được phép tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta là sinh vật sống cao cấp với cái đầu biết suy nghĩ và trên hết là mối dây rằng buộc với mỗi cá thể. Trong cuộc sống, ngoài việc phải biết lựa chọn con đường cho phù hợp với luật pháp thì con người còn phải làm sao cho phù hợp với những cá thể khác.

Nếu trước đây vũ lực chính là công cụ hữu ích nhất để khiến cho kẻ khác phải thay đổi nhằm phù hợp với bản thân chúng ta thì ngày nay, khi xu thế của cuộc sống là chuyển từ đối đầu sang đối thoại, lời nói lại là thứ vũ khí sắc bén hơn cả. Mặc dù vậy, nếu như không thật sự cởi mở, biết lắng nghe thì ngay cả những góp ý đơn giản cũng có thể dẫn tới cãi vã, xô xát.

Trong một bài viết trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu cách để đưa ra những lời khuyên để người khác dễ tiếp thu nhất. Và trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu làm cách nào để đứng ở vị trí của người nhận lời góp ý. Làm cách nào để bạn đón nhận lời góp ý Like A Boss?

1. Điều khiển bản thân bạn

Chắc chắn chẳng ai muốn bị nhắc nhở, góp ý bởi những người xung quanh, dù cho người đó có gần gũi chúng ta đến mức nào đi chăng nữa. Khi đón nhận những lời phê bình, những góp ý, bạn chỉ có vài giây ngắn ngủi để não bộ hoạt động và ra lệnh cho cơ thể phản ứng theo. Hãy tận dụng khoảng thoảng gian ngắn này để giữ cho bản thân bạn bình tĩnh nhất có thể.

2. Hãy nghĩ đến những gì bạn nhận được

Những lời phê bình, nhắc nhở hay góp ý thường sẽ khiến cho bạn khó chịu. Khi cái tôi của bản thân bị đụng chạm, chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái, giận dữ và khiến chúng ta phản ứng một cách khá gay gắt. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến những gì bạn nhận được khi bị người khác khiển trách. Từ những góp ý của người khác, bạn có thể nâng cao các kỹ năng của mình, cải thiện các mối quan hệ,…

Sẽ thật khó để đón nhận những lời khuyên từ xung quanh, đặc biệt là khi lời khuyên này lại đến từ những người mà bạn không mấy kính trọng (Bạn bè, đồng nghiệp,…). Nhưng hãy luôn nhớ rằng những lời góp ý đúng đắn và chân thành nhất đôi khi đến từ những nguồn không chính thống.

3. Lắng nghe

Sau khi đã bình tĩnh và hiểu rõ những ích lợi có được từ những lời góp ý, hãy lắng nghe những gì mà người ngồi đối diện đang cố nói với bạn.

Khi nghe những gì người đối diện đang nói, đừng xen ngang, hãy để cho họ kết thúc bài “diễn văn”. Đến khi những lời góp ý này đã được xả ra hết, đừng trực tiếp bắt lỗi hay phân tích những điểm không hợp lý trong lời nói của họ (Ít nhất là đừng làm việc đó vào lúc này). Bạn hãy từ từ nhắc lại những điểm chính trong lời nói của người mới phê bình bạn. Bằng cách này, bạn sẽ làm rõ những điểm cần lưu ý trong lời phê bình cũng như giúp người đối diện có cơ hội rà soát lại những điểm sai trong lời nói của mình. Như vậy, cả đôi bên có thể hiểu rõ cũng như thống nhất với nhau về những điểm chính trong lời phê bình vừa được đưa ra.

4. “Cảm ơn”

Hãy tỏ ra lịch sự và biết nói 2 tiếng “Cảm ơn” với người vừa đưa ra phản hồi về bản thân bạn, dù sao đi nữa, như đã nói ở trên, chúng ta nhận được khá nhiều lợi ích từ những lời góp ý này. Tỏ ra trân trọng những lời phê bình không có nghĩa là bạn đồng ý mà đơn giản chỉ là bạn trân trọng sự quan tâm của họ với bạn và tỏ ra thực sự quan tâm đến những gì họ nói.

5. Phân tích và tìm giải pháp

Bằng những câu hỏi hoặc việc cung cấp thông tin cho người đối diện, bạn có thể phân tích kỹ hơn những gì mà người bạn của mình đang cố truyền đạt hoặc đôi khi những vấn đề được nêu ra chỉ là hiểu lầm và cũng thông qua những câu hỏi mà bạn có thể giải quyết ngay những hiểu lầm này. Thật sự rất khó để có thể thay đổi bản thân nhằm phù hợp với yêu cầu của một người khác (Đặc biệt là khi bạn không nhận ra thói xấu của bạn).

Một vài hướng mà bạn có thể sử dụng như:

- Tìm kiếm một ví dụ cụ thể về vấn đề được nêu ra. Ví dụ: “Xin lỗi. Nhưng bạn có thể cho tôi biết trong cuộc họp tôi đã tỏ ra mất bình tĩnh lúc nào?”.

- Cung cấp thông tin về những tình tiết mà người đang góp ý với bạn không biết đến để xóa bỏ sự hiểu lầm. Ví dụ: “Đúng là tôi đã cắt ngang lời thuyết trình của anh ta, nhưng sau cuộc họp tôi đã xin lỗi anh ấy rồi.”.

- Xác định xem đây có phải là vấn đề này có tồn tại trong thời gian dài hay không. Ví dụ: “Bạn đã bao giờ thấy tôi nổi nóng ở trong những cuộc họp khác chưa?”.

- Tìm kiếm giải pháp về vấn đề được nêu ra nhờ vào người vừa nêu vấn đề. Ví dụ: “Bạn có góp ý gì giúp tôi tránh trở nên nóng giận ko?”.

6. Cuối cùng

Một lần nữa, hãy cảm ơn người vừa phê bình bạn và xin chút thời gian để bạn có thể thay đổi được bản thân. Không chỉ dừng lại ở cuộc nói chuyện này, bạn còn có thể đi tìm thêm lời khuyên của bạn bè, người thân hay những đồng nghiệp xung quanh.

Đón nhận những lời phê bình là cách rất tốt để chúng ta hiểu rõ hơn về điểm yếu của bản thân. Không ai là hoàn hảo, do đó, nếu như bạn không chịu tiếp thu những lời góp ý từ xung quanh, bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ và không bao giờ có thể cải thiện bản thân. Luôn nhớ rằng những lời phê bình chân thành không dễ tiếp nhận nhưng cũng rất khó để một người nào đó xung quanh bạn lấy đủ dũng khí để gửi những lời này đến bạn. Hãy trân trọng những lời góp ý này, mặc dù chúng thật khó nghe nhưng chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều khi biết tiếp thu chúng.

Kỹ năng ứng xử trong cuộc sống hiện đại

Hiện nay, có rất nhiều vụ án mạng nảy sinh từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Đáng tiếc cho những con người đang tuổi thanh xuân phải lìa bỏ cuộc sống và đáng thương cho những con người ngồi ngắm thế giới sau song sắt nhà tù. Tại sao lại như vậy? Tại sao họ không biết cách kiềm chế cảm xúc và điều chỉnh hành vi ứng xử của mình để không gây ra  những hậu quả đắng lòng như vậy?

Khi xảy ra một vụ án mạng từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống ai cũng quy trách nhiệm cho người đã gây nên cái chết của đối phương. Nhưng cả người đã rời xa thế giới đó cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Nếu nó bớt nóng nảy một chút, nếu họ biết cách ứng xử hơn một chút thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Dĩ nhiên không ai có thể chối cãi hành vi côn đồ của kẻ sát nhân.

Đi đường vượt đèn đỏ, chặn xe phía trước và đòi đánh những người lỡ có cản xe của mình khi kẹt xe, đèn đỏ! Đó là gì nếu như không phải là vô văn hóa? Là côn đồ và hành xử như xã hội đen? Từ cuộc cuộc khẩu chiến đã gây nên bao hậu quả đáng tiếc. Đó là gì nếu như là người thiếu kỹ năng ứng xử, thiếu những hiểu biết rất ” thường” trong cuộc sống hàng ngày? Những người gây nên những hậu quả này thường là những người có học vấn thấp, kém văn hóa và thiếu hiểu biết. Họ luôn tự cho rằng mình đúng, rằng họ có quyền bắt người khác phải nghe. Họ là gì mà tự cho mình cái quyền lớn như vậy?

Điều quan trọng nhất trong cách ứng xử của mỗi người chính là thái độ của mình với những người xung quanh. Điều này chúng ta phải dạy cho con em của mình ngay từ khi chúng chập chững bước vào trường học. Chúng ta có thói quen hành xử với nhau như kẻ thù khi có ai đó vô tình gây thiệt hại cho mình. Chẳng có gì là không thẻ giải quyết, khi gặp những tình huống như vậy, nếu bạn không thể giải quyết với những ” kẻ mất hết nhân tính” thì hãy nhờ người khác can thiệp. Đừng nói lý với những kẻ ưa dùng vũ lực: một khi họ đã thích dùng vũ lực thì mọi lý lẽ dù đúng đến đâu cũng không được chấp nhận, trái lại bạn chỉ phí thời gian và vô tình khêu thêm sự tức giận và tự ái trong họ.

Trong một gia đình cha mẹ đối xử tôn trọng lẫn nhau thì con cái cũng sẽ học được những điều tốt đẹp đó. Khi chúng bước ra xã hội, chắc hẳn những đứa trẻ con nhà “lành” sẽ biết cách ứng xử tử tế hơn những đứa trẻ xuất thân từ gia đình có cha mẹ hành xử với nhau như côn đồ. Môi trường quan trọng nhất để hình thành nhân cách con người chính là môi trường gia đình, vì thế cần có môt chính sách tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc dạy con biết ứng xử với mọi người xung quanh. Cần dạy cho trẻ biết kính trên, nhường dưới tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.

Khi được nuôi dạy một cách đúng quy cũ chúng ta có thể hi vọng sẽ không còn những vụ ” xử nhau như giang hồ” trong thời điểm gần đây nữa. Ứng xử là một trong những kỹ năng mềm mà chúng ta cần phải có trong cuộc sống. Nó không những đòi hỏi môi trường giáo dục tốt từ gia đình và nhà trường, mà còn yêu cầu ý thức cao từ bản thân mỗi người, cố gắng kiềm chế bản thân, rèn luyện cách ứng xử đẹp. Một khi làm được điều này, bạn mới được xã hội tôn trọng.

Cách ứng xử khi thành công & lúc thất bại

________________________________________

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên phải đối diện với những điều tốt và xấu, những yếu tố đem lại thành công cùng với những khả năng gây ra sự thất bại cho bất cứ một hoạt động nào, một vị trí nào.

Nói cách khác, các yếu tố Tốt/Xấu – Thành/ Bại luôn luôn đan xen nhau. Trong cái xấu cũng có phần tốt, trong cái rủi cũng có cái may, trong điều hay cũng có việc dở. Vì thế, khi đứng trước những hoạt động của các em, chúng ta không thể quá cầu toàn, đòi hỏi một sự thành công tuyệt đối.

Có những bậc cha mẹ, luôn đòi hỏi các em phải có khả năng “vượt lên chính mình” đó không phải là một ước vọng xấu. Nhưng hầu như rất ít trẻ đạt được những mong muốn của cha mẹ, và điều này sẽ gây ra sự thất vọng cho cả hai phía và rất dễ dẫn đến sự suy sụp tinh thần nếu không thành công.

Ngay cả khi chúng ta có được những đứa con thông minh, chúng ta cũng vẫn không hài lòng và thay vì chúng ta giúp cho trẻ có được niềm vui trong các kết quả học tập đạt được, thì chúng ta lại đặt ra cho trẻ những “chỉ tiêu” ngày một cao hơn – tại sao con chỉ được có 8 điểm Văn, 9 điểm Toán mà không phải điểm 10 ? – Chính chúng ta cũng tự đặt ra cho mình những đòi hỏi là tại sao lại phải cho con theo học những ngôi trường bình thường, dù đó là một ngôi trường dạy tốt mà không cho con theo học trường chất lượng cao, nhưng trong đó sự ganh đua giữa các học sinh có khi lại biến thành sự ganh tỵ hoặc điều đó có thể tạo cho các em những gắng sức đưa đến những căng thẳng, mệt mỏi không đáng có!

Trong lứa tuổi này, các em thường rất chú ý đến các điểm số trong việc học, và cũng chú ý cả đến việc có được thày cô quan tâm đến mình hay không! Nếu cha mẹ cũng vì lòng hiếu danh, hay muốn con mình luôn là kẻ dẫn đầu, thì sẽ khiến các em dễ rơi vào sự kiêu ngạo, khi cho mình là người luôn đạt được điểm cao và được thày cô khen tặng – theo các em, đó là sự thành công và ngược lại, đó là sự thất bại.

Nếu như các em không đạt được điểm số cao thì lại chê bai, phê bình khiến cho trẻ đã buồn lại càng buồn thêm, và có thể đưa đến phản ứng tiêu cực là không còn muốn cố gắng nữa trong việc vượt qua những trở ngại trong việc học không chỉ trong lứa tuổi này mà thái độ này còn ảnh hưởng, di hại đến cả khi các em lớn hơn, trong các độ tuổi cần nhiều sự nỗ lực hơn .

Vì thế, chúng ta không nên chê bai những điều sai lầm của các em, nhưng cũng không nên quá đề cao những thành công nhất thời của trẻ trong việc học. Tất cả chỉ mang tính tương đối theo tinh thần: “Thắng không kiêu – Bại không nản” . Điều quan trọng mà chúng ta cần giúp trẻ, không phải là cần đạt đến thành công bằng bất cứ giá nào, mà điều quan trọng là phải biết giúp trẻ đứng lên được sau thất bại.

Thực ra, trong lứa tuổi này, các em thường quan niệm về thành công và thất bại khá đơn giản. Vì thế, chúng ta cũng không nên rắc rối hóa những khái niệm này mà ngược lại, nên giản dị hóa nó bằng những điều hết sức cụ thể.

Các nguyên tắc trong việc ứng xử 

1/ Không vui mừng thái quá trước những thành công của con :

Đối với nhiều bậc cha mẹ, đứa con của mình luôn là số một, luôn là người đẹp nhất, giỏi nhất hoặc luôn mong muốn là như thế. Vì thế, khi con đạt được những thành công không lấy gì làm to tát lắm như đứng hạnh nhất trong lớp, đạt huy chương trong một cuộc thi thể dục thể thao tại trường hay tại địa phương, nhận được bằng khen vì một thành tích nào đó..v.v. thì lập tức biến trẻ thành một “ông hoàng” bằng những phần thưởng, những buổi tiệc mừng…nhất là khi gia đình có điều kiện về tài chính hay có một vị thế trong xã hội.

Việc vui mừng và tưởng thưởng trước những thành công cho con, không phải là điều sai nhưng chỉ nên ở trong một chừng mực phù hợp với mức độ thành công mà trẻ đạt được. Điều này cũng đủ để giúp cho trẻ hài lòng về giá trị của bản thân, mà không rơi vào tình trạng kiêu ngạo về những khả năng của mình, để từ đó dẫn đến những đòi hỏi quá đáng.

2/ Không buồn bực trước những thất bại của trẻ:

Ngược lại, khi trẻ gặp thất bại hay thua sút trong kết quả học tập, thì cũng đừng xem đó là điều ô nhục, hay sự đau khổ cùng cực khiến trẻ mất đi sự tự tin cần thiết. Vì đó chỉ là những thất bại nhất thời, do nhiều yếu tố tác động, đôi khi nằm ngoài ý muốn của đứa trẻ. Hoặc chúng ta cũng cần xem xét nó dưới góc độ như là một thái độ phản kháng của trẻ về một cách ứng xử nào đó của gia đình hay của người thày / cô mà nó không “thích” !

Vì vậy, khi trẻ gặp thất bại chúng ta cần xem xét vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau để có thể tìm ra được những nguyên nhân chủ yếu, chỉ cho thấy các yếu tố dẫn đến sự thất bại để từ đó có thể giúp trẻ khắc phục trong tương lai.

3/ Đừng quan trọng hóa những kết quả mà trẻ đạt được:

Cũng như nguyên tắc thứ nhất, có nhiều ông bố bà mẹ xem những thành tựu của con mình là điều hết sức quan trọng, có khi còn lớn hơn cả việc con người đặt chân lên mặt trăng. Điều này không sai, nhưng chỉ nên tỏ ra ngay khi trẻ đạt được điều đó bằng sự vui mừng, khen ngơi, có thể bằng những lời có cánh đẹp đẽ, những cái ôm hôn, những nụ cười… Nhưng có thể như vậy là đủ rồi và sau đó có khi chúng ta lại phải làm công việc kéo đứa trẻ “trở lại mặt đất” sau những giây phút bay bổng vì các thành quả đạt được.

Đây mới là điều cần thiết, chúng ta thực tình khen ngợi thành tích của trẻ, nhưng đừng tô hồng, đánh bóng, long trọng hóa điều đó bằng những việc thái quá như một buổi tiệc mừng hoành tráng, hay những lời ca tụng thái quá vì khi đứa trẻ được tung lên quá cao, sẽ rất khó chịu thậm chí gặp phải những vấn đề tâm lý khi phải trở lại con người bình thường của mình.

4/ Đừng lo lắng quá trước những thất bại của trẻ:

Khi trẻ gặp thất bại, chúng ta cần bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân. Có thể điều đó nằm ở tính cách của trẻ, có thể do những yếu tố bên ngoài. Nếu như, đó là tính cách của trẻ thì chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vì đó không phải là việc không thể sửa chữa được vì bất cứ tính cách nào cũng có những ưu/khuyết điểm. Chỉ cần chúng ta biết tìm ra được ưu điểm dù có khi rất ít, để phát triển lên thì trẻ sẽ dần dần đạt được những kết quả tốt hơn mà chính khi việc thất bại lại là một động lực để thúc đẩy trẻ biết cố gắng hơn.

Nếu như đó là những yếu tố bên ngoài thì có khi sự thất bại lại là một điều may mắn, vì qua đó chúng ta co dịp để nhìn lại những yếu tố bất lợi trong môi trường của trẻ, để có được những biện pháp khắc phục hay thích nghi phù hợp, tránh được những thất bại nặng nề hơn trong tương lai.

5/ Hãy đánh giá sự cố gắng của trẻ chứ không đánh giá kết quả cuối cùng:

Thông thường, thì chúng ta hay đánh giá các hoạt động nhất là trong lĩnh vực học tập qua thành tích sau cùng là điểm số hay thứ hạng. Đây là điều đơn giản và dễ dàng và hợp lý. Thế nhưng, điều này dễ khiến chúng ta đặt ra những chỉ tiêu, những kỳ vọng cao hơn khả năng thực sự của trẻ, điều này khiến cho việc không đạt được những kết quả tốt nhất có khi trở thành một thảm họa cho trẻ.

Vì thế, chúng ta hãy đánh giá những cố gắng trong quá trình học tập để đạt đến những thành tích tốt nhất trong khả năng của trẻ chứ không nên xem vào kết quả cuối cùng, mà không chú ý đến những cách thức mà trẻ đã thực hiện để đạt được điều đó, vì có thể tre đã dùng những mánh khóe hay thủ đoạn hơn là những nỗ lực chân chính, và kết quả đạt được không phản ánh một cách trung thực những khả năng thực sự của trẻ. Đây có thể xem như một sự tồi tệ hơn là điều đáng tự hào.

6/ Hãy để trẻ tự lực trước những điều mà trẻ có thể tự xoay sở được:

Thông thường, khi hỗ trợ trẻ làm một điều gì thì nhiều bậc cha mẹ thường có suy nghĩ là trẻ không làm được thì mình phải làm thay thôi, ngay cả khi thấy trẻ có khả năng làm được, nhưng có thể kết quả sẽ không được tốt lắm, vì thế mình làm giúp trẻ để có kết quả tốt hơn. Điều này có giá trị là sẽ đạt được kết quả tốt nhất cho hoạt động đó, nhưng lại không có giá trị trong việc giúp trẻ nâng cao khả năng, mà đây mới là mục đích cần đạt đến. Vì vậy, nếu chúng ta thấy trẻ có thể tự làm được điều gì, thì cứ để cho trẻ làm. Cùng lắm thì chỉ cần cung cấp cho trẻ một số phương tiện và điều kiện làm việc tốt hơn rồi để cho trẻ tự xoay sở, cho dù kết quả có thể không hoàn toàn lắm nhưng đó sẽ là kết quả tốt nhất mà chúng ta cần có, đồng thời điều đó sẽ giúp cho trẻ thêm tự tin vào bản thân. Đây mới là điều quan trọng nhất.

5 cách ứng xử cần có trong tình yêu

Giữ tình yêu luôn đẹp và đầy sức sống trong quan hệ hai người là cả một nghệ thuật. Bởi vậy, bạn nên chú ý đến cách ứng xử của mình.

Giữ tình yêu luôn đẹp và đầy sức sống trong quan hệ hai người là cả một nghệ thuật. Ảnh: internet

Chứng tỏ bạn là người quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của anh ấy. Nếu như thấy anh ấy có thái độ bất thường hay buồn bực chuyện gì thì bạn nên hỏi han. Đặc biệt, nghệ thuật lắng nghe là cách để hai người gần nhau hơn. Đừng nghĩ là chỉ anh ấy mới có trách nhiệm ở bên cạnh những lúc bạn buồn. Con trai cũng có nhiều nỗi buồn nhưng vấn đề là họ thường che giấu, ngay cả với bạn gái của mình.

Những món quà, những câu nói và sự quan tâm đúng lúc luôn là cách để hai người gắn bó với nhau hơn; đồng thời hóa giải mọi khúc mắc. Bạn hãy cố gắng trở thành người sâu sắc và tinh tế. Nhớ những ngày kỷ niệm của hai người thôi chưa đủ, bạn nên quan tâm đến cả những ngày có ý nghĩa với riêng anh ấy.

Đề cao và tôn trọng anh ấy trước mặt người khác. Dù bất kỳ lý do gì thì bạn cũng không nên nói hoặc tỏ thái độ làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của anh ấy trước bạn bè, đám đông. Nếu anh ấy có sai lầm gì thì chỉ nêu lên khi chỉ có hai người.

Chừa lại một khoảng trống cho tình yêu của bạn. Không nên quá quan tâm hay để ý đến mọi việc làm, lời nói của anh ấy. Mọi chuyện sẽ càng trở nên phức tạp nếu sự quan tâm đến mức thái quá. Một chút tự do để hai người không cảm thấy bị gò bó; một chút khoảng cách để làm đầy thêm những nhớ thương.

Tự tin về chính mình và tình yêu của mình. Sự tự tin mang lại cho bạn tính độc lập tương đối trong tình yêu. Tự tin cũng giúp bạn loại trừ được các nguy cơ như ghen tuông, buồn phiền,… Dẫu các cô gái vẫn thường được xem là yếu đuối nhưng chỉ nên yếu đuối trong một số hoàn cảnh. Vấn đề còn lại là bạn chứng tỏ được khả năng làm chủ hoàn cảnh và bản lĩnh trước mọi thử thách.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: