Phần một: Phần mở đầu
1/Nhìn lại cách sống của chúng ta trong thời hiện đại
Chúng ta đang sống trong một thời đại lo âu, đầy biến cố, tương lai bất định. Vật chất đầy đủ nhưng tinh thần không thanh thản. Ăn ngon mặc đẹp nhưng vẫn thiếu quốc pháp, gia phong. Tự do, cởi mở nhưng đây đó vẫn tồn tại những vùng khép kín. Chỉ cần có ý chí là có thể làm được tất cả và có trong tay mọi phương tiện vậy mà con người vẫn bi quan chán chường, không ít những vụ bê bối, thậm chí tội ác.
Vì sao lại có tình trạng tiêu cực như vậy trên phạm vi toàn xã hội? Có lẽ, do nhiều người không tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc đời, đánh mất phương châm sống. Theo tôi, những hỗn loạn trong xã hội hiện nay bắt nguồn từ việc thiếu vắng nhân sinh quan. Mà không chỉ riêng tôi nghĩ vậy.
Điều khẩn thiết nhất trong thời đại hiện nay chẳng phải là câu hỏi cơ bản "Lẽ sống của con người là gì?" hay sao? Trước hết phải thiết lập nền tảng triết học cho cuộc đời và phải dũng cảm đối mặt với mọi vấn đề. Từ "triết học" tôi nói ở đây có thể thay bằng các từ "quan điểm" hoặc "tư tưởng" đều được.
Đó có thể là hành động vô vọng giống như tưới nước cho sa mạc, khó khăn chẳng khác nào đóng cọc xuống đáy biển khi thuỷ triều dâng. Tuy vậy, đây lại là câu hỏi thẳng thắn, rõ ràng và có ý nghĩa lớn lao trong thời đại mà đâu đó có xu hướng khinh thường những người lao động miệt mài, thầm lặng.
Nếu chúng ta không nhìn lại cách sống của mình từ gốc thì tình hình sẽ ngày càng trầm trọng, hỗn loạn trong xã hội sẽ ngày càng lan rộng, tương lai ngày càng mờ mịt. Chắc chắn rằng không phải riêng tôi cảm nhận được nguy cơ và mang trong lòng nỗi lo lắng bồn chồn như vậy.
Trong cuốn sách này, tôi muốn nhìn lại cách sống của con người từ chính diện , xem xét bản chất sự vật từ cốt lõi và nói thẳng thắn những suy nghĩ của mình. Tôi muốn xem xét lại từ cội nguồn, ý nghĩa cuộc sống và định hướng tương lai, muốn đóng một cây cọc nhỏ bé xuống dòng nước chảy xiết của thời đại.
Đối với tôi, không có gì vui hơn khi bạn tìm thấy niềm vui trong đời sau khi đọc xong cuốn sách này hoặc lời giải đáp cho những vấn nạn để sống hạnh phúc.
2/Sống là quá trình mài giũa tâm hồn
Ý nghĩa cuộc sống là gì? Mục đích đời người ở đâu?
Đối với những câu hỏi - có thể coi là cơ bản nhất - như trên thì tôi xin được trả lời thẳng thắn như sau: Ý nghĩa cuộc sống của con người là nâng cao nhân cách và sống là quá trình mài giũa tâm hồn.
Đặc tính của loài động vật cấp cao - con người - là dễ bị sa ngã trước cám dỗ. Nếu không tự kiềm chế, cứ buông theo bản năng thì con người sẽ chạy theo những ham muốn, thèm khát vô độ, tiền tài, danh vọng... và sẽ chết chìm trong những lạc thú tầm thường.
Đúng là để sống, chúng ta cần có cái ăn cái mặc, cần có tiền bạc để có thể ngày một sung túc hơn; mọi năng lượng sống cũng nhằm vào mục tiêu thoả mãn những khao khát tự nhiên. Tôi không điên đến nỗi phủ nhận điều này.
Thế nhưng, trên đời này dù có thủ đắc những thứ ấy bao nhiêu đi chăng nữa thì khi sang thế giới bên kia, chúng ta cũng không thể mang theo. Chúng ta phải bỏ lại tất cả những gì thuộc về thế giới trần tục này trước khi từ giã.
Chỉ duy nhất một thứ không bị mất đi, không bị bỏ lại khi con người bước vào cuộc hành trình mới - đó là "tâm hồn".
Vì vậy, khi người ta hỏi tôi: " Ông đã làm được gì trong cuộc sống?" thì không một chút do dự, tôi trả lời rằng: "Trở thành con người tốt hơn so với khi được sinh ra". Cụ thể là tôi mang theo tâm hồn thanh cao hơn, đẹp đẽ hơn dù chỉ một chút, đến với cõi bất tử.
Sống trong thế giới đầy cám dỗ, nếm đủ vị sướng khổ, trôi dạt theo cơn sóng hạnh phúc - bất hạnh, và biết rằng chẳng bao lâu nữa sẽ từ biệt chốn này, tôi đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Nỗ lực ấy giống như quá trình mài giũa tâm hồn, nâng cao nhân cách, tu dưỡng tinh thần, để có thể mang sang thế giới bên kia những gì tốt đẹp hơn so với khi mới đến thế giới này.
Tôi cho rằng mục đích sống của con người không có gì cao quý hơn điều đó. Vì thế, tôi thật sự nỗ lực mỗi ngày, hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay.
Chẳng phải mục đích và giá trị cuộc sống của con người là ở quá trình rèn luyện không biết mệt mỏi đó, ở những hành vi có ý thức đó, ở những nỗ lực không ngừng nghỉ tìm kiếm con đường độc đáo đó hay sao?
Đời người sướng ít khổ nhiều. Đôi khi chúng ta oán trách Trời Phật vì không hiểu sao mình phải khổ sở vất vả như vậy. Nhưng, các bạn cần hiểu rằng những nỗi cơ cực đó chính là những thử thách trong quá trình mài giũa tâm hồn. Sự vất vả chính là cơ hội tuyệt vời để chúng ta rèn luyện nhân cách.
Chỉ những người dũng cảm chấp nhận thử thách, coi thử thách là cơ hội mới có thể sống trọn vẹn cuộc đời ngắn ngủi này. Kiếp sống này là quãng thời gian chúng ta được Trời Phật ban cho để thấy giá trị của đời người, để hân hưởng và làm gia tăng giá trị ấy.
Nâng cao nhân cách, mài giũa tâm hồn chính là ý nghĩa cuộc sống của con người.
Đó là điều đầu tiên mà tôi muốn trao đổi với các bạn.
3/Những nguyên tắc đạo đức chân phương là kim chỉ nam bất di bất dịch
Tuỳ theo cách sống mà tâm hồn chúng ta được mài sáng lên hoặc trở nên tối tăm. Tâm hồn trở nên thanh cao hay thấp hèn phụ thuộc vào việc chúng ta đã và sẽ sống như thế nào.
Trên đời có không ít người người tài năng nhưng sống lầm lạc vì tài năng không song hành với đạo đức. Ngay cả trong giới kinh doanh mà tôi là một thành viên, cũng không ít người trở nên bê bối chỉ vì lòng tham và thói ích kỉ. Nhiều người do quá tự tin vào tài năng của mình nên đã chọn con đường lẽ ra không nên chọn. Đúng như người xưa có câu: Người tài chết vì tài. Hành động của nhiều người giỏi giang lại giống như tự mình thắt cổ mình. Họ tự tìm đến thất bại do quá ỷ vào tài năng dù cũng có đôi lần thành công. Càng có tài hơn người lại càng phải có la bàn dẫn đường chỉ lối để đi đúng hướng.
Quan niệm, tư tưởng hay tư duy triết học đúng đắn chính là cái la bàn ấy.
Thiếu tư duy triết học, quan niệm sai lầm, cộng với kém nhân cách thì dù có tài đến mấy cũng lầm lạc. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong giới doanh nhân mà còn xảy ra với bất kì ai.
Có thể dùng phương thức toán học để diễn đạt: Nhân cách con người = Tính cách + Tư duy triết học.
Tính cách con người là do bẩm sinh. Tư duy triết học, quan niệm, tư tưởng là những gì mà con người có được trong quá trình sống và học tập. Nhân cách được tạo thành từ hai mặt đó. Nói cách khác, nhân cách hay tâm hồn con người được đúc ra từ hai chất liệu: tính cách bẩm sinh và tư duy triết học (hay quan niệm, tư tưởng).
Theo logic đó, nhân cách của con người sẽ được quyết định bởi cuộc sống của người đó dựa trên tư duy triết học nào, quan niệm hay tư tưởng nào. Nếu không có gốc tư tưởng vững chãi thì cây nhân cách không thể vững vàng, thân to, cành khoẻ được.
Vậy chúng ta cần trang bị cho mình thứ tư duy triết học nào? Đó là câu hỏi cơ bản: "Ta có sống đúng với đạo làm người hay không?". Cụ thể là những lời dạy của cha mẹ đối với con cái, là những bài học luân lí, đạo đực được chắt lọc suốt chiều dài lịch sử.
Tập đoàn Kyocera được hình thành từ một công ty nhỏ do một số người lập ra khi tôi mới 27 tuổi. Lúc đó, tôi hoàn toàn là kẻ ngoại đạo, không có kiến thức, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Tôi chưa biết bằng cách nào có thể duy trì và phát triển công ty. Sau một thời gian dài suy nghĩ, đắn đo, lúng túng, tôi quyết định sẽ tiến hành mọi việc căn cứ trên đạo làm người.
Theo đúng đạo làm người là thế nào? Cụ thể là: Ngay thẳng. Chính trực. Không tham lam. Không ích kỷ. Không dối trá. Không làm hại người khác... Tất cả những nguyên tắc giản dị trên đây - ai cũng từng được cha mẹ dạy từ thuở thơ ấu, nhưng khi lớn lên thường quên mất - đã trở thành kim chỉ nam, thành phương châm kinh doanh, thành chuẩn mực hành xử của công ty.
Dù lúc đó tôi chưa có hiểu biết bao nhiêu về kinh doanh nhưng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng bất kể kinh doanh kiểu nào, nếu vi phạm và đi ngược với đạo đức làm người thì nhất định sẽ thất bại.
Đó là tiêu chuẩn rất chân phương, là nguyên lí ai cũng hiểu. Dựa vào tiêu chuẩn đó, nguyên lí đó, tôi điều hành công ty, đi đúng hướng, không lạc lối. Và cũng tiêu chuẩn đó, nguyên lí đó đã dẫn dắt tôi đến với thành công trong sự nghiệp.
Nếu hỏi tôi lý do thành công thì có lẽ chỉ có thể nói như vậy. Tức là, luôn đòi hỏi bản thân theo đúng với đạo làm người. Đó cũng là phương châm đơn giản nhưng đầy sức mạnh.
Tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm điều quan trọng nhất và nỗ lực giữu gìn điều đó suốt cuộc đời: Mình có hành xử sai với đạo làm người không? Mình có đi ngược lại với luân thường đạo lí căn bản không?
Trong xã hội Nhật Bản hiện nay, hễ cứ đề cập tới luân lí đạo đức là không ít người thành kiến, cho rằng đó là cách nghĩ cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại. Nhật Bạn sau Chiến tranh Thế giới thứ II đã nhìn vấn đề luân lí đạo đức như một điều cấm kỵ do kinh nghiệm xương máu từ việc "nhồi sọ tư tưởng thông qua luân lí đạo đức thời chiến tranh".
Tuy nhiên, luân lí đạo đức tôi nói ở đây là thứ luân lí đạo đức được kết tinh từ trí tuệ loài người bao đời nay, đã trở thành tiêu chuẩn căn bản, thành chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày.
Người Nhật hiện đại chạy theo lợi lộc thực dụng đã để mất nhiều thứ quý giá, từ bỏ cả những tập quán tốt đẹp đã được hình thành từ xa xưa chỉ vì cho rằng nó cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với thời đại, trong đó có luân lí đạo đức.
Thế nhưng, giờ đây chúng ta phải đánh giá lại, xem xét lại những nguyên tắc sống cơ bản của con người. Cuộc sống đòi hỏi phải trở lại các chuẩn mực kinh điển đó.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải tìm lại những di sản tinh thần quý báu của cha ông.
4/Chân lí có thể có được bằng lao động quên mình
Vậy thì, để rèn luyện nhân cách, mài giũa tâm hồn, chúng ta phải làm cụ thể những gì? Phải thực hiện như thế nào? Cần những phương pháp đặc biệt nào không? Ví dụ như ở ẩn trong núi hay trầm mình dưới thác nước... Không cần phải như vậy. Trong thế giới đầy cám dỗ, điều quan trọng nhất là làm việc cần mẫn mỗi ngày.
Tôi sẽ nói rõ hơn điều này ở chương sau. Đức Phật từng thuyết giảng về Bát chính đạo, trong đó tinh tấn là nội dụng quan trọng, là phương pháp tu hành để đạt đến giác ngộ. Tinh tấn là gì? Đó là lao động chuyên cần, là tập trung cao độ đối với công việc trước mắt, không để bị phân tâm. Tôi cho rằng, tinh tấn là phương pháp quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta nâng cao tâm hồn, rèn luyện nhân cách.
Theo cách nghĩ thông thường thì lao động là tạo ra lương thực thực phẩm, đem lại của cải để thoả mãn nhu cầu sinh hoạt. Nhưng con người ta, ai cũng muốn làm ít hưởng nhiều, sống nhàn hạ, sống theo sở thích, và coi đó là cuộc sống đáng để sống. Bởi có nhân sinh quan như trên, nên nhiều người coi lao động chẳng khác gì cực hình.
Thế nhưng, thực ra đối với con người, lai động là hành vi có ý nghĩa nhất và có giá trị lớn lao nhất, sâu sắc nhất và cao quý nhất. Lao động làm con người trở thành con người như ngày nay, lao động tạo nên nhân tính. Bhue vậy, lao động không đơn thuần chỉ để nuôi sống con người mà nó còn có chức năng tinh thần.
Vì vậy, việc quan trọng nhất là tập trung tinh lực, lao động quên mình mỗi ngày. Và đó cũng là phương pháp "tu hành" cao nhất để mài giũa tâm hồn, nâng cao nhân cách. Một ví dụ là ông Miyami Sontoku - một nông dân sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, không được học hành - với một chiếc cuốc trong tay, ngày ngày ra đồng từ lúc trời chưa sáng, làm việc cho tới tối mịt. Ngày này qua ngày khác, ông lao động không quản nắng mưa, biến những cánh đồng xơ xác tiêu điều trở nên phì nhiêu trù phú. Tướng quân Mạc Phủ vời ông vào cung và người ta kể lại rằng, dù chưa từng được học qua lễ nghi phép tắc cung đình nhưng phong thái của ông thật đĩnh đạc uy nghi, thần sắc cao quý toát ra từ mọi hành vi cử chỉ. Quá trình lao động vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt - tinh tấn trên đồng ruộng - là quá trình tự cày xới bản thân, mài giũa tâm hồn, rèn đúc nhân cách, đưa con người ông đến tầm cao mới.
Với những người dấn thân cho sự nghiệp, những người lao động quên mình, thông qua quá trình tinh tấn hàng ngày ấy mà nhân cách cao quý của họ được hình thành.
Điều tôi nói trên đây chính là chức năng tinh thần của lao động.
Các bạn có lẽ sẽ liên tưởng đến việc tu hành tôn giáo khi tôi đề cập nhiều tới việc mài giũa tâm hồn - nhưng thực ra, chỉ cần hàng ngày, các bạn thấy yêu thích công việc mình đang làm và tập trung tinh thần, sức lực quên mình cho công việc thì đó chính là quá trình mài giũa tâm hồn.
Tôi nghe nói có câu ngạn ngữ Latin: "Hoàn thiện con người còn hơn hoàn thiện sự nghiệp", có nghĩa là nhân cách của con người sẽ được hoàn thiện thông qua công việc. Tư duy triết học sinh ra từ những giọt mồ hôi, và tâm hồn cũng được tôi luyện trong lao động hàng ngày. Mọi thành tựu đều bắt nguồn từ những trăn trở, nỗ lực của con người. Vì thế, hãy coi trọng từng giây, từng phút sống mà Trời Phật ban tặng cho chúng ta.
Tôi thường nói với các cộng sự của mình rằng: "Chúng ta phải thật sự sống mỗi ngày". Đời người chỉ có một lần, không được uổng phí khoảng thời gian ngắn ngủi ấy. Phải sống thật nghiêm túc, thẳng thắn. Việc sống lương thiện đến mức người khác phải kêu lên rằng: "Anh sống lương thiện quá, chính trực quá", khi ấy một con người bình thường sẽ trở nên phi thường. Tôi tin chắc rằng những người được gọi là "danh nhân" trên thế giới này - những người đạt tới đỉnh cao ở mọi lĩnh vực - đều kinh qua quá trình như thế.
Lao động không chỉ sản sinh ra giá trị kinh tế mà còn nâng cao giá trị con người. Vì lẽ đó, không cần phải xa lánh thế giới trần tục, nơi tu luyện tinh thần tốt nhất chính là nơi chúng ta đang làm việc. Lao động, tự thân nó là quá trình tu hành. Mong các bạn hiểu rằng: Nhờ lao động chuyên cần hàng ngày mà chúng ta sẽ có được cuộc sống tuyệt vời cùng với nhân cách cao thượng.
5/Cuộc sống sẽ thay đổi 180 độ nếu thay đổi cách tư duy
Để cuộc sống tốt hơn, để có thể hưởng thành quả lao động thì phải làm thế nào? Tôi thể hiện điều đó bằng công thức sau: Cuộc đời và thành quả công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực.
Có nghĩa là cuộc đời và thành quả công việc có được là nhờ phép nhân ba yếu tố trên chứ không phải là phép cộng.
Trước hết, năng lực có nghĩa là tư chất bẩm sinh bao gồm tài và trí. Sức khoẻ, năng lực tư duy được coi là tư chất bẩm sinh. Còn nhiệt huyết là lòng nhiệt tình, nỗ lực cho công việc. Đó là nhân tố được tạo thành sau này và bởi ý chí. Mỗi nhân tố tôi đặt thang điểm từ 0 đến 100.
Vì là phép nhân nên dù có năng lực nhưng thiếu nhiệt huyết thì cũng không thể có kết quả tốt. Ngược lại, dù không có năng lực - tự mình biết rõ điều này - nhưng có nhiệt huyết trong công việc và trong cuộc sống thì vẫn có thể có được kết quả tốt hơn cả những người được Trời phú cho năng lực bẩm sinh.
Tôi đề cập đến nhân tố đầu tiên: Cách tư duy. Cách tư duy là nhân tố quan trọng nhất trong ba nhân tố. Có thể nói không ngoa rằng cuộc đời của một người sẽ được quyết định bởi cách tư duy của người đó. Cách tư duy bao gồm: tấm lòng, cách sống, triết học, quan niệm, tư tưởng... được hình thành theo thời gian.
Cách tư duy rất quan trọng vì có điểm âm trong đó. Điểm thấp nhất không phải là điểm 0 mà còn có cả điểm âm. Biên độ điểm của nhân tố này rất rộng từ -100 đến +100 điểm.
Do đó, như tôi đã đề cập lúc nãy, nếu cách tư duy sai thì dù được Trời phú cho năng lực và nhiệt huyết thì kết quả vẫn là con số âm. Phép nhân mà có một thừa số âm thì bao giờ cũng cho kết quả âm.
Tôi thì tốt nghiệp vào thời buổi khó kiếm việc làm, lại chẳng quen biết ai nên tham dự bao nhiêu cuộc thi tuyển thì bị loại từng ấy lần, không nơi nào nhận vào làm. Trong tình cảnh đó, tôi đã nghĩ nghiêm túc tới sự hận đời: Đã thế mình trở thành mafia trí thức - trong thế giới mà người yếu luôn bị ăn hiếp, bị bắt nạt thì thà rằng sống trong thế giới ngầm mang ơn trả ơn, mắc oán báo oán.
Thời ấy, nếu tôi lựa chọn con đường như vậy thì có lẽ giờ đây tôi cũng trở thành trùm một băng đảng nào đó rồi cũng nên. Nhưng trong thế giới ngầm, dù có dồn hết tâm lực, chắc chắn tôi không thể có được hạnh phúc, không thể sống cuộc sống tốt đẹp bởi cách tư duy đó là lệch lạc, sai lầm về cơ bản.
Vậy thì tư duy theo "chiều dương" là như thế nào?
Các bạn không cần suy nghĩ phức tạp, chủ cần luôn mang trong mình ý tưởng: "Làm việc thiện và có tấm lòng hướng thiện là đủ". Các bạn hãy luôn mang trong mình lòng biết ơn với con người, với cuộc đời, hoà đồng với mọi người. Các bạn hãy luôn hướng thiện, biết sống nhân hậu, biết quan tâm đến người khác. Các bạn hãy không ngừng nỗ lực theo hướng đó, không ích kỉ, không tham làm, biết thế nào là đủ đối với mình...
Tôi không thể diễn đạt hết ý tưởng này bằng ngôn từ mà chỉ yêu cầu các bạn hãy thấm nhuần sâu sắc, trở thành máu thịt những gì mà từ nhỏ các bạn đã được cha mẹ hay thầy cô dạy bảo: những nguyên tắc luân lí, đạo đức, kỉ luật căn bản.
6/Quy luật của vũ trụ - Những gì đã được hình thành trong tâm hồn chân thực
Tôi đã không ngừng học hỏi, phát huy năng lực vốn có và thường xuyên tập trung cao độ theo đúng hướng như vậy. Đó là ví quyết để mang lại thành quả cho cuộc đời, là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Bởi đó là cách sống phù hợp với quy luật của vũ trụ.
Kinh Phật có dạy: "Tâm niệm tạo nghiệp". Nghiệp là khái niệm rất quan trọng trong đạo Phật để chỉ luật nhân quả. Nghiệt tiếng Phạn là Karma. Theo thuyết giảng của Phật, Nghiệp được tạo ra từ thân, khẩu và ý. Có nghĩa là ngay khi người ta có ý định làm một việc gì đó thì đã tạo Nghiệp mà không nhất thiết việc đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng của chúng ta tạo ra Nghiệp. Do vậy, chúng ta phải luôn nghĩ điều thiện. Cũng tương tự như vậy, nhà triết học Nhật Bản Nakamura Tenpu* nói: "Không được để tâm vẩn đục".
*Nakamura Tenpu (1876 - 1968): tên thật là Nakamura Sanrou. Ông được coi là nhà khai sáng triết lí Yoga tại Nhật Bản. Ông dành cả cuộc đời theo đuổi Chân - Thiện - Mỹ*
Quy luật của vũ trụ là hiện thực sẽ được hình thành đúng như những gì chúng ta đã suy nghĩ, đã vẽ ra trong tâm. Tôi mong các bạn khắc sâu vào lòng quy luật này. Cũng có người cho rằng những ý tưởng siêu hình như thế là không đáng tin và cũng không thể chấp nhận.
Nhưng đối với tôi, đó là quy luật tuyết đối chính xác. Tôi xác nhận và tin tưởng vào nó, xuất phát từ vô vàn trải nghiệm trong cuộc đời tôi từ trước đến nay.
Nói cách khác, cuộc đời tốt đẹp sẽ mở ra đối với người luôn nghĩ điều thiện. Còn cuộc đời sẽ suôn sẻ đối với người chỉ điều ác.
Đây là quy luật tác động trong toàn vũ trụ.
Tuy nhiên, bạn sẽ khó nhận biết vì những điều bạn tâm niệm không thể có kết quả ngay. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận sự vật trong cả quá trình hai, ba mươi năm thì sẽ thấy cuộc đời một con người hình thành đúng như những gì mà bản thân người đó đã vẽ lên trong tâm.
Do đó, khi suy nghĩ về cách sống sao cho đúng đạo làm người thì điều kiện tiên quyết phải có là tấm lòng trong sáng, thuần khiết, ngay thẳng. Vì sao như vậy? Bởi vì, tâm hồn hướng thiện - có ích cho nhân loại, có ích cho xã hội - chính là ý chí của vũ trụ.
Trong vũ trụ luôn tồn tại dòng chảy của sức mạnh khiến cho vạn vật tiến hoá. Sức mạnh đó có thể coi là ý chí của vũ trụ. Nếu chúng ta hành động theo dòng chảy của vũ trụ thì sẽ mang lại thành công và phồn vinh cho cuộc đời. Ngược lại, nếu chúng ta lạc khỏi dòng chạy đó thì sự suy tàn, khánh kiệt sẽ chờ đợi ở phía trước.
Ý chí của vũ trụ mang lại tình yêu thương, sự thành thật và dung hoà. Nó tác động bình đẳng lên muôn vật, đưa đường chỉ lối cho toàn thể vũ trụ vận động theo hướng trưởng thành và phát triển.
Các bạn có thể được giải thích đầy đủ điều này từ thuyết Big Bang của ngành vật lí thiên văn.
Trong chương Năm, tôi sẽ trình bày rõ hơn, còn ở đây tôi chỉ tóm lược sơ qua. Khởi đầu, vũ trụ chỉ tồn tại như một hạt lượng tử. Do một vụ nổ lớn mà người ta gọi là Big Bang, các hạt proton và neutron được hình thành, sau đó là các electron, chúng kết hợp với nhau sinh ra những nguyên tử hydro đầu tiên.
Sau đó là vô vàn các nguyên tử, phân tử và các chuỗi phân tử ra đời. Và cuối cùng hình thành các thiên thể, sự sống, các loài sinh vật, động vật và động vật cao cấp - con người.
Càng hiểu về quá trình tiến hoá của vũ trụ bao nhiêu thì càng thấy rằng có một ý chí vĩ đại đã làm vạn vật sinh thành, tiến hoá và phát triển.
Bản thân tôi thực sự cảm nhận được sự tồn tại của ý chí vĩ đại đó. Tôi không nói ngoa là đôi khi tôi đã chạm đến "kho tàng trí tuệ" này và được nó hướng dẫn, vì thế tôi đã thành công trong cuộc đời.
Chất liệu gốm do Công ty Kyocera chế tạo được gọi là fine ceramics, là một loại chất liệu cao cấp, được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính, điện thoại di động... Công ty Kyocera có thể tự hào rằng là công ty đầu tiên trên thế giới phát minh ra công nghệ liên quan tới fine ceramics và ứng dụng nó trong nhiều lĩnh vực. Bước đầu, tôi lại chỉ là người "ngoại đạo" trong lĩnh vực này.
Thời sinh viên, tôi theo học khoa hoá hữu cơ ngành hoá dầu. Khi ra trường thì miễn cưỡng vào làm trong một công ty sản xuất gốm sứ cách điện ở Kyoto, một công việc hoàn toàn trái với sở học.
Bản thân tôi vốn đã không có kiến thức và kĩ năng cơ bản liên quan đến gốm sứ, công ty thì liên tục thua lỗ, phòng thí nghiệm thì tồi tàn với những dụng cụ đơn giản và lạc hậu. Tôi cũng chẳng còn cách nào khác là ngày ngày có mặt ở công ty, vùi đầu vào làm thí nghiệm và suy nghĩ tìm tòi.
Trong hoàn cảnh đó, tôi đã may mắn thành công trong việc tìm ra được một loại vật liệu mới với một thời gian ngắn. Đây cũng là loại vật liệu mà Công ty General Electric (GE) ở Hoa Kỳ đã tổng hợp thành công trước đó một năm, thành phần cấu tạo cũng hoàn toàn giống với vật liệu mà tôi đã tổng hợp được nhưng phương pháp tổng hợp của tôi hoàn toàn khác với phương pháp của GE. Điều này cũng có nghĩa là phương pháp của tôi là hoàn toàn riêng biệt.
Không dựa trên quy trình lí thuyết và thí nghiệm với các thiết bị tinh xảo, hơn nữa chỉ là một nhân viên quèn của phòng nghiên cứu không tên tuổi của một công ty gốm sứ nhỏ bé ở Kyoto, không được cấp vốn nghiên cứu, thiết bị thiếu thốn, vậy mà vẫn có thành quả tương đương với thành quả của GE tầm cỡ thế giới. Tôi cho rằng đó là cả một sự may mắn. Nhưng điều kì lạ là vận may đó tiếp tục, ngay cả khi tôi đã thôi việc ở công ty cũ và thành lập Công ty Kyocera, giúp công ty của tôi phát triển mạnh mẽ.
7/Có một kho tàng trí tuệ mang đến cái nhìn thấu suốt cho con người
Tôi cho rằng kết quả đó nếu không phải do ngẫu nhiên thì cũng không phải do tài năng của tôi. Ở đâu đó trong thế gian này, trong vũ trụ này, tồn tại một "kho tàng trí tuệ". Chẳng phải mỗi lần lấy ra được hoặc vớt lên được một "túi khôn" trong "kho tàng trí tuệ" đó thì trong óc ta lại nảy ra ý tưởng mới, sáng kiến mới hay khả năng sáng tạo mà bản thân ta hoàn toàn không ngờ tới đó sao?
"Kho tàng trí tuệ", hay gọi cách khác là "Giếng trí khôn" đó không thuộc sở hữu của con người mà là con người được Trời Phật ban cho khả năng tư duy - lĩnh hội những chân lí phổ biến tích trữ có được ngày một phong phú và nền văn minh nhân loại ngày càng phát triển.
Bản thân tôi cũng như có một điều gì đó thúc đẩy tôi miệt mài nghiên cứu. Có thể lúc ấy tôi đã may mắn tiếp xúc được với một phần của "kho tàng trí tuệ" nên mới phát huy được năng lực sáng tạo và gặt hái thành công.
Tôi sẽ trình bày điều này kĩ hơn ở chương sau.
Là người sáng lập ra giải thưởng Kyoto, tôi xin dành giải thưởng này cho các nhà nghiên cứu - những người thành công trong việc tìm ra những vùng đất mới trong các lĩnh vực công nghệ - mang lại lợi ích cho con người.
Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên - mỗi khi tiếp xúc với những người ấy - là họ đều giống nhau ở giây phút được tiếp nhận cảm hứng sáng tạo như được Trời ban cho.
Giây phút đó có khi chợt đến trong quá trình nỗ lực nghiên cứu, hoặc trong lúc nghỉ ngơi mà cũng có khi chợt đến trong giấc mơ.
Edison* có những phát minh mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực là kết quả của quá trình lao động miệt mài, chẳng phải là ông đã nhận được cảm hứng sáng tạo từ "kho tàng trí tuệ" của vũ trụ đó sao?
*Thomas Alva Edison (1847 - 1931) nhà phát minh người Mỹ đã phátt minh ra điện thoại, bóng đèn, thiết bị X-quang, máy chiếu phim... Cuộc đời ông có tới hơn 1300 phát minh nên đã được mệnh danh là "vua phát minh"*
Mỗi khi nhớ tới thành tựu của các nhà phát minh tiền bối vĩ đại, tôi càng xác tin mạnh mẽ rằng: Loài người đã thủ đắc "trí tuệ" kĩ thuật từ "kho tàng trí tuệ" vũ trụ, biến nó thành năng lực sáng tạo cá nhân, tạo ra vô vàn sản phẩm công nghệ, thúc đẩy nền văn minh.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận và mở được cánh cửa "kho tàng trí tuệ" của vũ trụ?
Để làm được điều đó, chỉ có một cách duy nhất là miệt mài lao động, suy nghĩ, nghiên cứu với nhiệt huyết cháy bỏng.
Trời Phật sẽ soi sáng, đưa đường chỉ lối và ban tặng một phần "kho tàng trí tuệ" cho những người luôn hướng thiện, ấp ủ điều thiện trong lòng và ngày đêm miệt mài lao động, nghiên cứu tìm tòi.
Nếu không suy nghĩ như vậy thì sẽ không giải thích được vì sao một người tri thức non nớt, kĩ năng còn yếu kém, kinh nghiệm còn mỏng manh, không có trong tay những thiết bị tinh vi lại có thể có được phát minh độc đáo như vậy.
Thời đó, tôi đã đã vùi đầu vào nghiên cứu, ăn cùng công việc, ngủ cùng công việc. Tôi làm việc say mê đến mức mọi người đều nghĩ rằng tôi bị điên.
Bởi tôi ấp ủ khao khát làm được một điều gì đó nên đã lao động quên mình với toàn bộ sức lực. Và phần thưởng dảnh cho những tháng ngày miệt mài đó chẳng phải là tôi đã nhận được một phần nhỏ trong "kho tàng trí tuệ" của vũ trụ đó sao?
8/Thường xuyên xem xét đánh giá bản thân
"Kho tàng trí tuệ" là cụm từ do tôi đặt ra, các bạn có thể gọi nó bằng những cụm từ khác. "Ý chí vũ trụ" hoặc "trí tuệ của đấng sáng tạo" chẳng hạn.
Dù gọi bằng cách nào đi nữa thì trí tuệ lớn lao ấy luôn dẫn dắt loài người theo con đường trưởng thành và phát triển không ngừng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi lo lắng khi nhận thấy con người đang mất phương hướng, đang bước vào con đường lầm lạc. Tôi cho rằng việc con người đánh mất nhân sinh quan, đánh mất tư tưởng, tư duy triết học là nguyên nhân sâu xa của chiều hướng xấu này.
Quả thật là con người hiện đại đã thành công trong việc xây dựng nền văn minh cao dựa trên nền tảng khoa học kĩ thuật tiên tiến và đang thụ hưởng cuộc sống vật chất sung túc. Nhưng mặt khác, con người đang lãng quên vai trò quan trọng của đời sống tinh thần, của tâm hồn. Vì thế, chính con người đã đẻ ra những vấn nạn mới như môi trường sống đang bị huỷ hoại.
Tôi biết hiện nay, nhờ tiến bộ của khoa học kĩ thuật, con người đã lập được nhiều kì tích - mà trước đây chúng ta nghĩ rằng chỉ có thần thánh mới làm được - và gưởng thụ thành quả của mọi kì tích.
Mới ngày nào, chúng ta nghĩ rằng những điều đó thuộc quyền năng của Trời Phật, giờ đây loài người tự coi là quyền năng của mình nên đã mặc sức sử dụng bừa bãi. Hậu quả là chính con người huỷ hoại môi trường sống của mình. Tầng ozon bị thủng bởi khí CFC - sản phẩm của công nghệ hiện đại. Đất đai, sông ngòi bị ô nhiễm do sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Trái Đất nóng lên do lượng khí cacbonic thải ra quá mức. Nguy hại hơn nữa là hệ sinh thái bị phá huỷ bởi voi số các chất độc hại như đioxin khiến cho môi trường Trái Đất - cái nôi của loài người - bị đe doạ.
Con người đã sử dụng năng lực trí tuệ - vốn để đưa con người đến cuộc sống hạnh phúc - trái với mục đích ban đầu. Con người đang làm toinr thương chính mình, gây ra hoạ diệt vong chính mình bằng thứ "vũ khí" đã từng đưa mình tiến bộ.
Như công thức mà tôi đã đề cập trong mục trước, trí tuệ và kĩ năng dù cao đến đâu chăng nữa và ngay cả có thêm nhiệt huyết cháy bỏng nhưng nếu quên nỗ lực không ngừng nghỉ để nâng cao năng lực tư duy - nhân sinh quan, tư tưởng, triết học - thì cũng vẫn sẽ gây ra hậu quả tai hại.
Vì thế, đòi hổ cách sống đúng với đạo làm người không còn là vấn đề các nhân nữa. Để đi vào con đường đúng đắn, để cứu môi trường Trái Đất thoát khỏi hoạ diệt vong thì ngay từ bây giờ, mỗi cá nhân đều phải xem xét lại "cách sống" của bản thân mình.
Để làm được điều đó, thì điều không thể thiếu là phải khép mình vào lối sống nghiêm túc và không ngừng xem xét bản thân. Nghiêm túc giữu gìn những quy tắc luân lí đạo đức thực ra rất giản dị chân phương: cần cù, thành thật, chính trực, vị tha... và biến nó thành gốc rễ tư tưởng không thể lay chuyển trong lối sống của mình. Hướng đến và triệt để thực hiện lối sống đúng với đạo làm người. Đó là yêu cầu cao nhất đối với mỗi chúng ta hiện nay.
Sống sao cho đúng với đạo làm người sẽ đưa cuộc đời của chúng ta đến hạnh phúc và thịnh vượng, đồng thời là con đường chân chính mang lại hoà bình trên thế gian và hạnh phúc cho nhân loại.
Tôi mong rằng các bạn sẽ coi cuốn sách này như cẩm nang trên hành trình cuộc đời.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro