Mưa bâng quơ
Những ngày này, những ngày cuối tháng 8, Quảng Trị đã và đang bước vào mùa mưa, mùa của những cơn mưa bất chợt lúc chiều về. Lắm lúc mưa cứ như trút nước, thử hỏi ông trời đang tức giận hay bị là bị cảm nhỉ! Sắc trời có vẻ u quá, từng giọt mưa rơi xuống ào ào, lốp đốp, thi thoảng ngửi được mùi hơi đất nồng nồng,ngai ngái. Hồi nhỏ, khi trời mưa mẹ cứ bảo vào nhà, không thôi lại đau vì nhiễm mùi hơi đất.
Bây giờ lớn rồi, không hiểu sao khi cảm nhận được hơi ẩm của đất này, tôi lại có những xúc cảm khó thành lời, cứ thấy nó quý giá, nhiều khi lại căng mũi tìm kiếm nó trong không gian, chẳng muốn rời xa chút nào. Tôi không thích mưa đâu, nhưng mỗi khi mưa lòng tôi lại quá đỗi sâu lắng, nó kéo tôi đến với những dòng suy nghĩ triền miên, tôi suy tư nghiệm về nhiều thứ như một người từng trải, đăm chiều nhìn tới một góc nghĩ về tương lai... Chắc có lẽ vậy nên tôi mới nâng niu thứ mình ghét như thế này chăng?
Chiều nay mưa, trong căn phòng, tôi lắng nghe tiếng mưa qua khe hở cửa sổ. Hôm nay mưa to, tôi sầu ưu một lát rồi lặng người và bất chợt nghĩ về nội, nghĩ về người phụ nữ tuyệt vời trong mắt tôi.
Quê tôi thường gọi bà là mệ, từ này nghe có vẻ nặng nề nhưng lại toát lên nét gần gũi và thân thương. Tôi dãy ngôn từ "mô, chi, răng, rứa" của miền đất cát trắng Quảng Trị, mọi thứ cứ dân giã mà sâu sắc, ngấm dần trong từng thớ thịt của người dân nơi đây. Năm nay mệ đã 75 tuổi xuân rồi, mệ nhanh nhẹn, hoạt bát che khuất đi dáng vẻ nhỏ nhắn của mình. Mái tóc dài trắng đen xen kẽ nên khi nào mệ cũng bối cao lên đỉnh đầu, nụ cười rạng rỡ, trông phúc hậu lắm. Ba tôi từng nói: "Mệ giờ nhìn rứa thôi chơ hồi trẻ mệ đẹp lắm.". Đúng thật, tôi ngắm mệ, gương mặt vẫn còn tươi đẹp lắm dù đã xuất hiện nhiều nếp nhăn thời gian và đồi mồi của năm tháng. Mệ hay lo xa nên càu nhàu là điều khó tránh khỏi, trong nhà ai cũng biết thế nên không ai chấp trách gì, tôi để ý, mỗi khi nội tức giận nom vẻ có chút dễ thương lạ kì.
Mệ kể, thời gian trước, vào năm 1972, khi Mĩ dội bom xuống mảnh đất Quảng Trị này, vào thời kì hỗn loạn và khó khăn, ba lúc ấy mới có tròn 5 tháng tuổi, mệ ẵm ba còn nhỏ tí chạy ra Bắc, ông đưa mấy bác chạy vào Nam lánh nạn, tránh bom, mọi người mỗi ngả, xa cách nhau, lớp lớp lo lắng chồng chất. Mường tượng nên cảnh tiếng bom ầm ầm, sống hay chết có lẽ phụ thuộc vào số phận, người người chỉ biết chạy rồi núp, chạy rồi núp, giặc cứ thả bom xuống bất ngờ, chẳng có nhịp điệu nhưng nó đang đùa giỡn với tính mạng của hàng trăm người. Lúc xưa ai ai cũng đều khổ cực và khốn khó như thế, sống cứ như một cuộc chạy đua với thời gian khốc liệt, vậy mà ai nấy đều căng mình vượt lên số phận, chiến đấu với bao điều, với chiến tranh dữ dội, với cuộc sống lắm phần cơ cực. Nhìn mệ, đôi lúc tôi bâng quơ nghĩ về mình, nghĩ về những thế hệ hiện tại và mai sau, bao nhiêu thứ tốt đẹp trước mắt, chúng ta lại không trân trọng mà cứ tìm cách này chuyện nọ để chèn ép người này kẻ kia, bon chen, xô bồ, đố kị với người khác, tham vọng độc chiếm tất cả. Đó chẳng phải là cuộc đấu tranh giành độc lập ngày xưa mà là cuộc đấu tranh cho sự ích kỉ. Nghiệm lại mới thấy mệt mỏi cỡ nào.
Thú thật, hồi trước ông tôi theo nguỵ, sau này khi ba tôi sinh ra thì ông lui về, ông có ba vợ, mệ tôi là vợ cả. Gia đình năm con khi xưa khổ cực chứ phải được như bây giờ đâu vậy mà đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ ấy lại chống chọi, vật vả gồng mình lo trăm công nghìn việc, bề này cạnh nọ của cuộc sống. Sinh hoạt, cơm áo, gạo tiền,... tất thảy đè lên tấm thân kiên cường của nội từ ngày ông mất, năm đó ba mới lên tư. Thỉnh thoảng, mỗi lần ăn cơm, ba lại kể về bữa cơm chỉ toàn khoai với sắn ngày xưa, cơm lổm chổm dăm ba hột... Ngần ấy thôi tôi cũng đủ hổ thẹn với lòng mình rồi, bây giờ được ăn thứ này món kia, thế mà tôi lại cứ "kén cá chọn canh, mày nặng mày nhẹ" với mẹ.
Làng tôi có truyền thống làm hến bao đời nay, mệ tôi thuộc lứa đầu cho sự nghiệp làm hến lâu dài ấy. Nội là người mạnh lắm, hồi trẻ vậy, bây giờ 75 rồi mà sức lực có hao tổn chút nào đâu. Mệ vẫn có thể rùa ba rổ hến từ sông lên đến tận nhà, hơn cả lớp thanh niên trong làng. Khâu rửa hến, chao hến, nấu hến,... nội làm sần sỏi, thoăn thoắt. Tôi thích về sông chơi, trò chuyện và nhìn mệ rửa hến, mỗi lần như vậy, tôi cứ cảm thấy lòng bình yên tràn đầy. Đôi tay dù chai sạn, khô ráp, nhăn nheo, mệ vẫn nhanh nhẹn, tháo bát. Ba từng nói mệ nghỉ ngơi đi, từ nay đừng làm hến nữa, già rồi để con cháu nó lo, cứ sống an yên mà hưởng thụ. Thế mà mệ không chịu đấy, nội nói không làm là không chịu nổi, đứng ngồi lại không yên. Có lẽ thói quen bao năm là vậy, đâu dễ thay đổi, tôi thấy nội cứ làm quần quật cả ngày, cứ lủi thủi tìm việc này việc kia để làm, chẳng mấy lúc thấy mệ rảnh tay rảnh chân đâu. Tuổi già rồi, nghỉ ngơi là điều tốt, ai cũng mong, mệ trái ngược hoàn toàn. Mệ có phải quá bướng hay không?
Nội thương hai anh em tôi lắm. Cái gì cũng tôi với anh thôi. Nghe có vẻ thiên vị cho tôi quá nhỉ, chắc có lẽ vì ba là chú út. Chợt nhớ khi tôi nhỏ, mỗi khi về làng, mệ cứ cho hai ba ngàn chạy sang quán hàng mua về cả bọc kẹo oshi ấy. Vị kẹo hồi đó ngon lạ, ngọt thanh và thơm nồng, giờ không còn như thế nữa. Như người ta bảo: "Tuổi thơ thật đẹp.". Đối với tôi còn đẹp hơn khi có mệ, được mệ lo lắng, săn sóc.
Tuổi cao rồi, mắt mệ không còn rõ nữa, tai cũng không còn thính như trước, tính tình thì đôi lúc khó chịu,... nhưng tiếng cười nội vẫn vang đẹp trong lòng tôi, nụ cười sáng khoái, không phiền không muộn, cứ an nhiên.
Ngập tràn trong suy nghĩ, đắm chìm trong bao thứ về cuộc đời nội, thật đặc biệt, mọi điều thật đặc biệt. Mưa vẫn chưa ngớt, hương đất còn đâu đây, dòng cảm xúc vẫn chưa nguôi, lòng người vẫn còn tĩnh lặng. Hôm nay, một chiều mưa tháng 8, tôi đã nghĩ về cô gái trẻ ngày xưa, người phụ ngữ tuyệt vời bây giờ. Đó là nội.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro