VỊ TRUNG TƯỚNG 14 NĂM CHĂM VỢ TAI BIẾN
Căn phòng khách của gia đình Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn treo trang trọng bức ảnh chụp ông đang trìu mến ghé người bên xe lăn của vợ - bà Phan Thị Thủy. Suốt 14 năm bà bị bệnh, ông hiếm khi rời bà một bước. Trên ngăn đầu của giá sách lớn trên tầng 2, là cuốn lịch dừng lại ở ngày 10/5/2016, trên đó có những dòng chữ do tự tay tướng Thước ghi: "Bà ra đi lúc 17h42..."."Bà ấy đẹp lắm", vị lão tướng mỉm cười nhớ lại ký ức lần đầu gặp vợ. Năm 1958, anh bộ đội Nguyễn Quốc Thước đã 32 tuổi, nhưng vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, nhân một lần ghé về thăm nhà, nhìn thấy cô Thuỷ - một thôn nữ xinh xắn hiền lành, ông linh cảm ngay đây nhất định là người con gái cần tìm. Về lại đơn vị, ông đánh điện cho bố mẹ mang trầu cau dạm hỏi nhà gái. "Thế là chỉ sau 15 ngày gặp mặt đầu tiên, chúng tôi thành hôn, quà cưới là đôi dép cao su, cả làng hồi ấy chỉ mình vợ tôi có đôi dép cao su", ông mỉm cười kể.
Chiến trường đánh Mỹ khốc liệt, suốt 10 năm ròng rã, ông bà bặt tin nhau. Ở quê nhà, bà Thủy dốc sức nuôi nấng, dạy bảo các con, vò võ mong chờ tin của chồng. "Sau này, khi tôi về, nhiều người mới kể, đã khuyên Thủy không nên chờ đợi người chồng 10 năm trời không tin tức nữa. Nhưng bà còn nói nếu tôi không còn nữa, thì bà cũng chỉ ở vậy nuôi nấng hai giọt máu của chúng tôi", tướng Thước xúc động kể lại.
Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng tướng Thước vẫn bận bịu với nhiệm vụ, vì vẫn còn nhiều nhóm ngụy quân chưa chịu đầu hàng; rồi lại tiếp tục chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Campuchia, rồi ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng bảo vệ biên giới phía Bắc. Mãi cho đến năm 1997, khi ông rời quân ngũ thì gia đình mới được đoàn tụ.Tiếc thay, gia đình thực sự được đoàn tụ 5 năm thì một cơn tai biến khiến cho bà Thủy liệt toàn thân. Và suốt 14 năm sau đó, tướng Thước là một người chồng tận tụy, không nề hà bất cứ việc gì để săn sóc vợ.
Suốt 14 năm bà Thủy tai biến, phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân đều do tướng Thước chăm sóc, từ miếng cơm, nước uống, lau rửa vệ sinh cá nhân... Nhiều người hỏi ông tại sao không giao những công việc này cho người giúp việc. Ông trả lời: "Với tôi, được chăm sóc bà ấy mỗi ngày là một hạnh phúc. Thời trẻ, bà ấy đã hi sinh làm hậu phương cho tôi công tác. Nên những ngày bà đau ốm là lúc tôi bù đắp cho bà ấy".
Sáng chiều, ông đều đẩy xe đưa bà đi dạo, dịu dàng trò chuyện với bà, ân cần tận tay bón từng thìa cháo, lau từng giọt mồ hôi trên trán vợ... Bà ốm đau khó tránh được những lúc trái tính, trái nết, nhưng ông lúc nào cũng nhẹ nhàng, không chút phàn nàn. Mỗi khi có việc đi đâu xa, ông đều thu xếp về nhà sớm nhất có thể, vì "Xa tôi bà ấy buồn, ăn uống cũng kém hơn..."
Năm 2016, phu nhân Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vĩnh viễn ra đi, khép lại một cuộc đời tần tảo, hy sinh như nhiều cuộc đời những người phụ nữ thời chiến. Ông giờ đã gần bước sang tuổi 100, nhưng tình cảm sâu nặng của hai ông bà vẫn là câu chuyện quý để thế hệ sau suy ngẫm và học tập thật nhiều!
Nguồn: Báo Giao Thông
Các bạn qua tiktok của chị này để xem nha: https://www.tiktok.com/@leubaosongnhat
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro