Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phạm Thị Hoa

Phạm Thị Hoa (chữ Hán: 范氏花, sinh ngày 25 tháng 4 năm 1400), hay Phạm Hoa, tự Lan Uyển (攔苑), còn được gọi là bà Hoa, bà Cả, bác Cả, là bạn thời thơ ấu và hàng xóm với Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Bà lớn lên ở làng Hải Hồ, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, là con gái của một nhà nho có tiếng trong vùng và một người thợ dệt chiếu. Dưới thời giặc Minh còn đô hộ, cha bà chỉ có thể lén lút dạy học chữ Hán và chữ Nôm cho đám trẻ con, sau này bị phát hiện thì bị bắt đi phu và chết trong rừng. Hai người bạn Lộ và Hoa nương tựa và cùng nhau lớn lên, nên sớm đã biết tự lập và trưởng thành.

Vì rất hay chữ, bà thường hay kiếm tiền bằng nghề viết chữ thuê để giúp đỡ gia đình. Bà còn có ý định dạy học, tiếp nối nghề của cha nhưng bị phản đối quá, đành phải gạt nó qua một bên. Bà cũng có ý định bắt chước Thị Lộ, làm việc trong cung, nhưng sợ tính cách cương trực của mình sẽ có ngày gây hoạ. Đến giờ bà vẫn không hiểu sao bạn thân mình lại thích làm việc trong cung đến vậy.

Không như những người con gái khác, bà Hoa lấy chồng rất muộn (33 tuổi) và không có con. Bà rất kiên quyết chờ cho những đứa em đủ lớn mới dám lấy chồng. Bà thông minh, tháo vát, năng nổ và nóng tính, sẵn sàng thẳng thừng từ chối những chàng trai hỏi cưới mình. Bà biết rõ được giá trị của bản thân nên không vội vàng gì với việc lập gia đình. Đối với người hiện đại thì đó là chuyện bình thường, nhưng với người xưa thì bà phải chịu những lời gièm pha và kì thị của mọi người. Bà cũng mặc kệ họ. Khi bà Lộ chia sẻ chuyện làm vợ lẽ của Nguyễn Trãi, một người hơn họ đến mấy chục tuổi, bà Hoa đã một mực khuyên răn, nói rằng người như Nguyễn Trãi thì không nên cưới, nhưng bạn của bà không nghe. Sau này khi tai hoạ ập xuống, bà luôn tìm mọi cách để giúp đỡ từ bên ngoài. Nhờ bà và thầy Lê Đạt nên hai người thiếp của Nguyễn Trãi – Phạm thị và Lê thị – mới có thể chạy thoát.

Chồng của bà là Đặng Cao Ân, một chủ xưởng làm giấy dó và giấy lệnh giàu có nhất ở cái làng Yên Thái. Ông ta chỉ có đúng một người vợ, nên dân làng giấy thường hay gọi bà là bà Cả, bác Cả, dì Cả, gọi riết rồi không ai còn nhớ tên thật của bà nữa. Sau khi chồng bà mất, một mình bà cáng đáng công việc ở xưởng. Vì tính kỹ lưỡng và hào phóng, bà rất được lòng mọi người, khiến cho xưởng giấy ngày càng phát đạt. Gia tài của bà không bao giờ giữ rịt cho riêng mình. Những mùa hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch, bà đều mở kho thóc phát cho dân làng, rồi tài trợ thuốc men cho nhà có người bệnh. Bà giàu có, nhưng không ai có thể ghen ghét với bà.

Khi nghe tin con trai của Nguyễn Trãi còn sống, bà đã dang rộng vòng tay chào đón đứa nhỏ. Dù gì thì nó cũng là con của người bạn quá cố của bà. Bà càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện không chỉ một, mà có đến hai người con còn sống – Tạc Tổ và Duy An. Một đứa giỏi văn, một đứa giỏi võ. Chắc Nguyễn Trãi sẽ rất tự hào. Điều kì lạ là Duy An không hề biết mình có "anh trai". Bà rất thương hai thằng nhóc, và càng thương hơn khi nghe những gì bọn nhóc đã trải qua. Đối với bà, Tạc Tổ cư xử có vẻ bình thường hơn Duy An, nhưng bà đoán sự bất thường kia có thể đến từ những năm tháng bôn ba khắp nơi và kết thân với nhiều người ngoại quốc.

Trong ba nhân vật chính, xét theo nhiều khía cạnh thì bà thương thằng nhóc "Rây" (Andrey) nhất. Từ đầu bà đã rất ấn tượng với sự thích nghi nhanh chóng và nhiệt tình thái quá của cậu. "Rây" rất lễ phép, biết điều, siêng năng, thông minh, nhanh trí, có nhiều tài lẻ. Cậu rất được việc ở xưởng, ở nhà cũng chăm làm, chăm học.

Tiếp theo đó mới là Tạc Tổ, Duy An và "Lát" (Nicholas). Theo bác thì Tạc Tổ và Duy An hiền lành nhưng hơi khờ khạo, đôi khi giống như hai con ngựa, phải thúc roi vào mông mới chạy. "Lát" là thằng nhóc kì quặc nhất. Thằng nhóc khi thì trưởng thành, khi thì trẻ con, nhìn thì ngớ ngẩn nhưng lại khôn lỏi, chăm việc nhà nhưng lại lười dọn dẹp, và có thói quen thích gây sự với "Rây". Vì không thể giao tiếp nhiều nên giữa hai người vẫn còn chút gì đó rào cản. Tuy vậy, bà cũng biết quá khứ thằng nhóc không đơn giản. Vết sẹo chi chít trên cổ tay là bằng chứng rõ ràng nhất.

Vì thế nên bà mới quan tâm lo lắng cho cả bọn như chính con đẻ của mình.

Về bức vẽ: Bà là người trực tiếp quản lý chi tiêu của xưởng giấy nên thường xuyên mang theo bàn tính gẩy bên người. Ở đây bà đang chỉ cho nhóc Rây cách tính lời lỗ cho mỗi tháng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro