CÁC NGUYÊN TẮC
III CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA NGÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI
1. Nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu
Đây là nguyên tắc cơ bản nhất của ngành luật đất đai, được thể hiện tại điều 17 Hiến pháp 1992: "Đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa... đều thuộc sở hữu toàn dân"
Khoản 1, điều 5 Luật đất đai 2003 qui định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu"
Điều này có nghĩa là toàn bộ đất đai trên phạm vi cả nước chỉ thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện thực hiện các quyền của chủ sở hữu chứ không thuộc quyền sở hữu của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Với tư cách là chủ sở hữu đại diện, Nhà nước có trọn vẹn các quyền năng của một chủ sở hữu như quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai. Như vậy, ở Việt Nam có sự tách bạch giữa chủ sở hữu với chủ sử dụng trong quan hệ đất đai. Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai (quyền đặc trưng của chủ sở hữu) thông qua các hành vi sau:
- Quyết định mục đích sử dụng đất thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
- Quy định về hạn mức giao đất và thời hạn sử dụng đất;
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Định giá đất.
2. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo qui hoạch và pháp luật
Nguyên tắc này được quy định tại điều 18 Hiến pháp 1992 "Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo qui hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả" và tại khoản 1 điều 6 Luật đất đai năm 2003 "Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai" .
Có rất nhiều biện pháp để Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, nhưng quản lý bằng quy hoạch và pháp luật là hai biện pháp cơ bản nhất.
Trong công tác quản lý đất đai, qui hoạch sử dụng đất chính là cơ sở khoa học là căn cứ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý các biến động về đất đai, nó trực tiếp thể hiện phương thức yêu cầu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Qui hoạch sử dụng đất đai là một trong những phương tiện để Nhà nước thực hiện các chủ trương, chính sách đất đai của mình, giúp cho Nhà nước can thiệp một cách sâu sắc vào quá trình sử dụng đất, đồng thời khắc phục những khó khăn do lịch sử để lại. Việc quản lý đất đai theo qui hoạch chính là điều kiện để đất đai được sử dụng hợp lý và có hiệu quả.
Trong nền kinh tế hiện nay, người sử dụng đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau nhưng nếu trái với qui hoạch là trái với pháp luật. Vì qui hoạch sau khi đã được quyết định là biện pháp, chính sách, phương thức để Nhà nước quản lý đất đai.
Cùng với qui hoạch, chính sách đất đai của Nhà nước còn được thể hiện trong hệ thống pháp luật đất đai. Xuất phát từ đặc điểm của pháp luật (có tính qui phạm, tính cưỡng chế, tính bắt buộc chung), xuất phát từ cơ chế điều chỉnh của pháp luật, nên trong quản lý nhà nước về đất đai thì pháp luật luôn là công cụ hữu hiệu giúp nhà nước quản lý đất đai có hiệu quả.
Nhà nước thiết lập hệ thống cơ quan quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương với những qui định cụ thể về chức năng và nhiệm vụ nhằm hạn chế tình trạng phân tán, chồng chéo và buông lỏng trong công tác quản lý đất đai đồng thời ban hành những chính sách, chế độ, thể lệ phù hợp với nội dung quản lý Nhà nước đối với đất đai.
Tất cả các cơ quan quản lý đất đai và người sử dụng đất phải tuyệt đối tuân thủ theo qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
3. Nguyên tắc sử dụng đất đai một cách hợp lý, tiết kiệm; cải tạo và bồi bổ đất đai
Sử dụng đất đai một cách hợp lý là sử dụng thích hợp với tính chất của từng loại đất, phù hợp với yêu cầu chung của xã hội, muốn vậy phải căn cứ vào qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất và căn cứ vào mục đích sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qui định khi giao đất. Trong trường hợp muốn thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sử dụng đất đai một cách tiết kiệm vì đất đai là một loại tài nguyên có hạn, trong khi nhu cầu sử dụng đất của con người không ngừng tăng lên. Vì vậy sử dụng tiết kiệm đất đai là một vấn đề có ý nghĩa hết sức to lớn và mang tính chất toàn cầu.
Cải tạo và bồi bổ đất vì đất đai cũng giống như các tư liệu sản xuất khác, tham gia vào quá trình sản xuất bằng cách chuyển hoá dần các chất dinh dưỡng có trong đất để nuôi dưỡng cây trồng và mỗi lần chuyển hoá như vậy đất đai có độ khấu hao nhất định vì thế cần cải tạo và bồi bổ đất đai.
Đất đai là một loại tài nguyên có hạn, trong khi tốc độ dân số ngày một gia tăng kéo theo một loạt vấn đề xã hội (việc làm, tệ nạn xã hội, nhu cầu ăn, v.v...) trong đó có nhu cầu sử dụng đất. Chính vì vậy mà loài người phải sử dụng đất đai một cách hợp lý. Có nhiều nền văn minh rực rở như văn minh Lưỡng Hà cũng bị suy kiệt khi có cách thức sử dụng đất không hợp lý. Khi khai thác, sử dụng đất phải tính đến các đặc điểm tự nhiên của đất.
Vì sao phải cải tạo, bồi bổ đất, bởi vì chúng ta lấy đi từ đất một lượng chất dinh dưỡng như thế nào thì phải trả lại cho đất một lượng dinh dưỡng như thế. Theo thống kê của các nhà khoa học thì loài người chỉ trả lại 20% dinh dưỡng cho đất so với số đã lấy đi, vì vậy phải đặt ra vấn đề bồi bổ, cải tạo đất. Trong quá trình sử dụng đất, người ta biến từ đất tốt thành đất xấu, huỷ hoại đất đai, làm đất đai bạc màu dễ hơn gấp nhiều lần so với qui trình ngược lại.
* Nói tóm lại, phải sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, cải tạo, bồi bổ đất đai là thể hiện thái độ tôn trọng đối với đất đai, là sự đối xử công bằng với thiên nhiên trong quá trình sử dụng đất.
4. Nguyên tắc quan tâm đến lợi ích của người sử dụng đất
Xuất phát từ nhận thức động lực phát triển của xã hội là lợi ích của người lao động. Vì vậy muốn đất đai sử dụng có hiệu quả thì Nhà nước phải quan tâm đến lợi ích của người sử dụng đất và sự quan tâm đó thể hiện ở trong hệ thống pháp luật về đất đai.
Luật đất đai 1993 ra đời thay thế Luật đất đai 1988 thể hiện sự thay đổi thái độ của Nhà nước đối với người lao động. Thực ra Nhà nước muốn bảo vệ quyền sở hữu của mình, muốn người sử dụng đất luôn cải tạo, bồi bổ đất đai, muốn người sử dụng đất sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, trước hết phải đảm bảo, quan tâm đến lợi ích của người sử dụng đất.
Ở Luật đất đai năm 1988, người lao động không thấy được lợi ích trực tiếp của bản thân trong quá trình sử dụng đất. Luật đất đai năm 1993, tiếp đến là Luật đất đai năm 2003 là một sự tiến bộ bởi đã ghi nhận sự quan tâm của Nhà nước đến người sử dụng đất ngày càng sâu sắc hơn.Biểu hiện cụ thể:
- Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài, ngoài ra Nhà nước còn cho thuê đất với thời hạn dài nhằm tạo cho người sử dụng đất tâm lý yên tâm, ổn định và chủ động trong kế hoạch sử dụng đất đai của mình
- Thông qua việc giao đất, Nhà nước có chính sách đảm bảo cho người sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp có đất để sản xuất đồng thời hạn chế việc tích tụ, tập tung đất đai bằng chính sách hạn điền. Nghiêm cấm việc sử dụng đất đai làm phương tiện để bóc lột sức lao động của người khác.
- Luật đất đai đã qui định cho người sử dụng đất được thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhiều hình thức nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho người sử dụng đất.
- Trong trường hợp người sử dụng đất bị nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.... thì được đền bù thiệt hại.
5. Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp
Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính không thể thay thế được trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Nước ta là một nước nông nghiệp với 80% dấn số sống bằng nghề nông, nhưng bình quân đất nông nghiệp trên đầu người lại vào loại thấp nhất thế giới và có xu hướng giảm dần chính vì vậy phải ưu tiên bảo vệ đất nông nghiệp, đảm bảo an toàn lương thực cho quốc gia, phải bảo vệ diện tích đất nông nghiệp và độ màu mỡ cho đất nông nghiệp.
- Nội dung của nguyên tắc này thể hiện:
+ Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác.
+ Đối với hộ gia đình và cá nhân trực tiếp làm nông nghiệp được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng trong hạn mức thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
+ Không được tuỳ tiện mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp, hạn chế việc lập vườn mới trên đất trồng lúa.
+ Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức khai hoang, phục hoá lấn biển để mở rộng diện tích đất nông nghiệp vv...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro